Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ, THÔNG TIN VÀ THỂ THAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 893-QĐ/PC

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN VÀ THỂ THAO  BAN HÀNH BẢN “QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XUẤT, NHẬP VĂN HOÁ PHẨM KHÔNG THUỘC PHẠM VI KINH DOANH”

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN VÀ THỂ THAO

Căn cứ Nghị định số 447-HĐBT ngày 31-12-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá Thông tin Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 100-CP ngày 1-6-1966, Nghị định 145-CP ngày 10-8-1970 của Hội đồng Chính phủ; Nghị quyết số 384-HĐBT ngày 5-11-1990 cảu Hội đồng Bộ trưởng giao cho Bộ Văn hoá Thông tin thể thao và du lịch thống nhất quản lý việc xuất nhập khẩu sách, báo và văn hoá phẩm;
Để tăng cường công tác quản lý xuất nhập văn hoá phẩm đáp ứng nhu cầu mở rộng giao lưu văn hoá giữa nước ta với các nước
;

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành bản “Quy định về việc xuất, nhập văn hoá phẩm không thuộc phạm vi kinh doanh”.

Điều 2. Bản quy định ban hành kèm theo quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-1992 và thay thế bản “Quy định về việc xuất nhập văn hoá phẩm không thuộc phạm vi kinh doanh” ban hành kèm theo quyết định số 41/VH-QĐ ngày 5-3-1986 của Bộ Văn hoá.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng Bộ, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc các Sở Văn hoá Thông tin có liên quan đến việc quản lý xuất, nhập văn hoá phẩm chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Vũ Khắc Liên

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC XUẤT NHẬP VĂN HOÁ PHẨM KHÔNG THUỘC PHẠM VI KINH DOANH

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Nghị định 100/CP ngày 1-6-1966 của Hội đồng Chính phủ và Nghị quyết 384/HĐBT ngày 5-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng giao cho ngành văn hoá thống nhất quản lý xuất, nhập văn hoá phẩm nhằm đảm bảo thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Nhà nước; khuyến khích việc giao lưu văn hoá giữa nước ta với nước ngoài; tiếp thu có chọn lọc thành tựu văn hoá, khoa học của thế giới, bảo vệ di sản văn hoá dân tộc; bảo vệ bí mật nhà nước; ngăn ngừa những văn hoá phẩm có nội dung phản động, đồi truỵ xâm nhập vào trong nước.

2. Để hoàn thành nhiệm vụ nói trên, cơ quan quản lý xuất, nhập văn hoá phẩm của ngành Văn hoá Thông tin và Thể thao ở trung ương và địa phương có trách nhiệm:

a) Giám định nội dung và cấp giấy phép xuất, nhập khẩu các loại văn hoá phẩm có nội dung thuộc chức năng quản lý của ngành.

b) Hướng dẫn làm thủ tục xin xét duyệt và cấp giấy phép xuất, nhập các loại văn hoá phẩm có nội dung không thuộc chức năng quản lý của ngành Văn hoá Thông tin và Thể thao theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan cấp Bộ, tỉnh và tương đương của ngành có thẩm quyền quản lý nội dung loại văn hoá phẩm đó.

c) Phối hợp với các ngành An ninh, Hải quan, Bưu điện trong việc quản lý, kiểm tra và xử lý văn hoá phẩm xuất, nhập theo nội dung các Thông tư Liên bộ đã ban hành.

3. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao: Cục Xuất bản, Vụ Báo chí, Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Cục Điện ảnh, Vụ Mỹ thuật, Cục âm nhạc và Múa, có trách nhiệm giúp Bộ chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý xuất và nhập những văn hoá phẩm có nội dung thuộc phạm vi cơ quan mình phụ trách.

4. Các loại văn hoá phẩm nói trong bản Quy định này được sắp xếp theo bốn nhóm bao gồm:

a) Sách, báo, tạp chí, lịch, bản đồ, các loại tài liệu văn bản thuộc mọi lĩnh vực, được ấn loát, đánh máy, chép tay hoặc được sao chép bằng mọi hình thức. Bản vẽ kỹ thuật, bản vẽ các đồ án thiết kế những công trình đơn thuần dân dụng.

b) Tranh thông thường hoặc tranh nghệ thuật. Tác phẩm mỹ thuật thuộc các thể loại: đồ hoạ, khắc kẽm, khắc gỗ, sơn khắc, sơn dầu, sơn mài, điêu khắc, khảm trai và bằng các chất liệu: đá, gỗ, xương, ngà, gốm, sứ, sành, thuỷ tinh, vải, lụa, giấy, kim loại, than đá, thạch cao...

c) Phim điện ảnh đã quay, phim chụp ảnh đã chụp. ảnh thông thường hoặc ảnh nghệ thuật. Phim đèn chiếu. Các loại băng vidéo đã ghi. Các loại băng cát xét, băng cối đã ghi. Đĩa mềm máy vi tính. Các loại băng, đĩa đã ghi tiếng, ghi hình hoặc ghi mã số khác.

d) Đồ thủ công mỹ nghệ thuộc các thể loại và chất liệu. Đồ thờ cúng. Bản phiên các loại đồ cổ bằng mọi chất liệu.

Đồ thủ công mỹ nghệ (bao gồm cả các loại đồ trang sức) làm bằng các chất liệu quý: vàng, bạc, kim cương, kim loại hiếm, các loại đá quý và ngà voi nguyên khai, không thuộc phạm vi quản lý của ngành Văn hoá Thông tin và Thể thao.

5. Các loại văn hoá phẩm xuất, nhập không nhằm mục đích kinh doanh chỉ xuất, nhập với số lượng đã được quy định (xem phần phụ lục)

Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội (kể cả thư viện thuộc các cơ quan, tổ chức đó) và cá nhân có nhu cầu xuất, nhập sách, báo, tạp chí và các loại ấn phẩm khác với số lượng nhiều không nhằm mục đích kinh doanh phải có công văn hoặc đơn xin phép kèm theo danh mục và số lượng của từng loại văn hoá phẩm để cơ quan Văn hoá xét duyệt và cấp giấy phép.

Trường hợp sách, báo, tạp chí và các loại ấn phẩm khác, nhập với số lượng nhiều nhưng không xin phép trước hoặc chưa được cấp giấy phép mà hàng đã đến cửa khẩu thì coi như văn hoá phẩm nhập không hợp lệ.

Nếu xét thấy số lượng và chủng loại văn hoá phẩm xuất, nhập mang tính chất kinh doanh thì địa chỉ xuất hay nhập văn hoá phẩm tại Việt Nam phải nộp thuế xuất nhập khẩu tại cơ quan Hải quan theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

6. Các cơ quan, tổ chức do yêu cầu công tác cần xuất, nhập loại văn hoá phẩm không được lưu hành hoặc có nội dung không được phép phổ biến, phải có công văn kèm theo danh sách mục và số lượng cụ thể cùng văn bản đồng ý của thủ trưởng cơ quan chủ quản cấp Bộ, Tỉnh hoặc tương đương gửi đến cơ quan Văn hoá để xin cấp giấy phép xuất, nhập văn hoá phẩm và phải chịu trách nhiệm bảo quản và sử dụng những văn hoá phẩm đó đúng "Quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước" được ban hành kèm theo Nghị định số 84-HĐBT ngày 9-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

7. Để thuận tiện cho khách trong việc xin giấy phép xuất, nhập văn hoá phẩm, Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao phân cấp quản lý như sau:

a) Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao tổ chức giám định và cấp giấy phép xuất, nhập văn hoá phẩm cho các đối tượng dưới đây:

- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội thuộc Trung ương đóng trụ sở tại Hà Nội hoặc tại các địa phương lân cận và những cá nhân thuộc quyền quản lý của các cơ quan, tổ chức đó.

- Các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nước ngoài khác có trụ sở hoặc Văn phòng đại diện tại Hà Nội hoặc tại các địa phương lân cận và cá nhân người nước ngoài thuộc các cơ quan, tổ chức đó.

b) Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao các tỉnh, thành phố có cửa khẩu đã được Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao uỷ nhiệm quản lý xuất, nhập văn hoá phẩm, tổ chức giám định và cấp giấy phép xuất, nhập văn hoá phẩm cho các đối tượng dưới đây:

- Công dân, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội thuộc địa phương mình hoặc địa phương lân cận không có cửa khẩu.

- Việt kiều và người nước ngoài về thăm quê hương hoặc công tác tại địa phương.

- Các đối tượng do Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao cấp giấy phép nhưng đóng trụ sở tại địa phương mình hoặc tại địa phương lân cận xa Hà Nội không có cửa khẩu.

c) Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao các tỉnh, thành phố không có cửa khẩu đã được Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao uỷ nhiệm quản lý việc xuất văn hoá phẩm, có trách nhiệm tổ chức giám định nội dung văn hoá phẩm xuất và cấp giấy phép cho các đối tượng dưới đây:

- Công dân, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội thuộc địa phương mình, các cơ quan trung ương đóng trụ sở tại địa phương và những cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức đó.

- Việt kiều và người nước ngoài về thăm quê hương hoặc công tác tại địa phương.

Sau khi tổ chức giám định nội dung và cấp giấy phép, Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao phải niêm phong những văn hoá phẩm được phép xuất để việc làm thủ tục xuất tại cửa khẩu được thuận lợi và nhanh chóng.

Chương 2:

VĂN HOÁ PHẨM XUẤT 

Điều 1.

Những văn hoá phẩm xuất mang theo người, để trong hành lý, trong kiện hàng hoặc trong bưu phẩm, bưu kiện có danh mục dưới đây, không cần có giấy phép của cơ quan Văn hoá. Người có văn hoá phẩm chỉ kê khai và xuất trình với Hải quan cửa khẩu. Cán bộ Hải quan cùng cán bộ Văn hoá ở cửa khẩu xem nội dung xác định đúng danh mục văn hoá phẩm được phép xuất và xuất hợp lệ cho xuất ngay:

Nhóm A.

1. Các loại sách và ấn phẩm (bao gồm cả các loại lịch), có giấy phép xuất bản, đã nộp lưu chiểu, nội dung thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, giáo khoa, từ điển, phục vụ du lịch... của các Nhà xuất bản thuộc trung ương, các Nhà xuất bản tỉnh, thành phố, phát hành để bán rộng rãi trong cả nước hoặc để phục vụ tuyên truyền quốc tế (trừ những cuốn đã bị xử lý thu hồi hoặc không được phép xuất).

2. Các loại báo, tạp chí có trong danh mục được phép xuất do Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao công bố.

3. Các loại ấn phẩm của các Đại sứ quán nước ngoài, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và các cơ quan đại diện nước ngoài đặt trụ sở hoặc Văn phòng đại diện tại Việt Nam, có giấy phép xuất bản của Nhà nước Việt Nam và đã nộp lưu chiểu (trừ những cuốn có nội dung vi phạm điều 10 Luật Báo chí của Nhà nước Việt Nam).

4. Tái xuất các loại sách, báo, tạp chí, ấn phẩm do nước ngoài xuất bản.

Nhóm B.

1. Tranh in, vẽ, dệt, thêu, chạm... trên các chất liệu: giấy, vải, lụa, len, gỗ với các thể loại: Đồ hoạ, khắc kẽm, khắc gỗ, sơn mài, sơn khắc, sơn dầu... thuộc loại mới làm ra, lưu hành rộng rãi, nội dung phong cảnh, chân dung, sinh hoạt hoặc quảng cáo, tuyên truyền cổ động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, lao động sản xuất...

2. Tái xuất các loại tranh do nước ngoài làm ra.

Nhóm C.

1. Các loại ảnh chụp lưu niệm của cá nhân, gia đình, tập thể. Các loại ảnh phục vụ tuyên truyền quốc tế.

Nhóm D.

1. Đồ thủ công mỹ nghệ (bao gồm tượng, phù điêu, chạm khắc) bằng các chất liệu: gỗ pơ-mu (một loại gỗ thông có mùi thơm), thuỷ tinh, mây, tre, cói, lá, len, đay, vỏ trai, ốc, xương, sừng, sơn mài, khảm trai, than đá, thạch cao.

Điều 2. Những văn hoá phẩm có danh mục dưới đây, trước khi xuất phải qua cơ quan Văn hoá xác định nội dung và cấp giấy phép để làm thủ tục hải quan:

Nhóm A.

1. Các loại sách, báo, tạp chí và ấn phẩm như danh mục ghi tại nhóm a điều 1 ở trên nhưng được sao chép lại bằng các hình thức: in ronéo, đánh máy, chép tay, photocopie hoặc bằng các kỹ thuật sao chép khác.

Nhóm B.

1. Tác phẩm mỹ thuật gồm các thể loại và chất liệu: đá, gỗ, gốm, sành, sứ, vải, lụa, giấy, kim loại, không thuộc loại đồ mới làm ra, được cơ quan Văn hoá xác định không thuộc diện quản lý của các cơ quan Nhà nước hay của Bảo tàng.

Nhóm C.

1. Các loại phim điện ảnh đã tráng, các loại phim chụp ảnh đã tráng, phim đèn chiếu, các loại băng vidéo, băng cát-xét và băng cối đã ghi. Các loại băng, đĩa đã ghi tiếng hoặc ghi hình khác, có nội dung thuộc phạm vi quản lý của ngành Văn hoá Thông tin và Thể thao.

Nhóm D

1. Đồ thủ công mỹ nghệ (bao gồm tượng, phù điêu, chạm khắc) bằng các chất liệu: gỗ quý, gỗ sơn son thiếp vàng, kim loại, đá, gốm, sành, sứ, đất nung và các loại đồ thờ cúng không thuộc loại đồ mới làm ra, được cơ quan Văn hoá xác định không phải là đồ cổ, không phải là hiện vật thuộc đình, chùa và di tích lịch sử, văn hoá của nước Việt Nam hoặc không phải là hiện vật thuộc diện quản lý của các cơ quan Nhà nước hay của Bảo tàng.

Điều 3. Những văn hoá phẩm có danh mục dưới đây, trước khi xuất phải có văn bản xét duyệt đồng ý của thủ trưởng cơ quan ngành chủ quản cấp Bộ (ở trung ương) hoặc cấp Tỉnh (ở địa phương), có thẩm quyền quản lý nội dung văn hoá phẩm đó, cơ quan Văn hoá sẽ cấp giấy phép để làm thủ tục hải quan:

Nhóm A

1. Các loại tài liệu, văn bản và ấn phẩm lưu hành nội bộ, tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước.

2. Các loại tài liệu, văn bản, bài viết, các loại bản vẽ, bản đồ... được ấn loát, đánh máy, chép tay, in ronéo, photocopie hoặc sao chép bằng mọi kỹ thuật khác, nội dung thuộc mọi lĩnh vực, gửi hoặc mang theo người ra nước ngoài để in, để đăng báo, tạp chí, để phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy, báo cáo khoa học, tham luận trong hội nghị, hội thảo quốc tế...

3. Các loại sách, báo, tạp chí, ấn phẩm xuất theo kế hoạch hợp tác, trao đổi với nước ngoài hoặc xuất để tham gia các cuộc thi, liên hoan, triển lãm ở nước ngoài.

Nhóm B

1. Các thể loại tranh bằng các chất liệu, xuất theo kế hoạch hợp tác, trao đổi với nước ngoài hoặc xuất để tham gia các cuộc thi, liên hoan, triển lãm ở nước ngoài.

Nhóm C

1. Phim điện ảnh và phim chụp ảnh đã tráng, ảnh phim đèn chiếu, băng vidéo, băng cát xét, băng cối, đĩa mềm máy vi tính và các loại băng, đĩa ghi tiếng hoặc ghi hình khác có nội dung không thuộc chức năng quản lý của ngành Văn hoá Thông tin và Thể thao.

2. Phim điện ảnh và phim chụp ảnh đã tráng, ảnh, phim đèn chiếu, băng vidéo, băng cát xét, băng cối và các loại băng, đĩa ghi tiếng hoặc ghi hình khác xuất theo kế hoạch hợp tác, trao đổi với nước ngoài, xuất để tham gia các cuộc thi, liên hoan, triển lãm ở nước ngoài hoặc xuất để phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy, báo cáo khoa học, hội thảo quốc tế.

3. Các loại phim và băng hình trong diện nói dưới đây, thực hiện việc xét duyệt (hoặc quản lý nội dung) và cấp giấy phép xuất theo văn bản quy định riêng của Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao:

a) Các loại phim điện ảnh, phim chụp ảnh; các loại băng vidéo; các loại băng, đĩa ghi tiếng ghi hình khác... được quay, chụp theo kế hoạch hợp tác làm phim với nước ngoài, theo hợp đồng đặt hàng của nước ngoài hoặc cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài.

b) Các loại phim điện ảnh, phim chụp ảnh còn là bản âm (chưa tráng) ; các loại băng hình, các loại đĩa ghi hình ghi tiếng thuộc loại chuyên dụng, không có phương tiện nghe nhìn để giám định nội dung.

Điều 4. Thủ tục xuất những văn hoá phẩm có nội dung tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo và những hiện vật phục vụ cho công việc của tôn giáo.

1. Các tổ chức tôn giáo thuộc trung ương hoặc thuộc địa phương và những người thuộc các tổ chức đó xuất văn hoá phẩm nội dung tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo và những hiện vật phục vụ cho công việc của tôn giáo, phải có văn bản đồng ý của Ban Tôn giáo của Chính phủ (ở trung ương) hoặc ban Tôn giáo của UBND tỉnh, thành phố (ở địa phương), cơ quan Văn hoá sẽ cấp giấy phép để làm thủ tục hải quan.

2. Các cá nhân không thuộc tổ chức tôn giáo, có văn hoá phẩm xuất nội dung tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo và những hiện vật phục vụ cho công việc của tôn giáo, mang văn hoá phẩm và hiện vật đó đến cơ quan Văn hoá làm thủ tục xét duyệt và lấy giấy phép xuất để làm thủ tục hải quan.

Điều 5. Thủ tục xuất văn hoá phẩm của các cơ quan nước ngoài, các tổ chức quốc tế và người nước ngoài tại Việt Nam.

1. Văn hoá phẩm của người nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; văn hoá phẩm xuất để trong túi ngoại giao, thực hiện chế độ ưu đãi miễn trừ quy định tại mục 1, chương V, Pháp lệnh Hải quan nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nước ngoài khác, có trụ sở hoặc Văn phòng đại diện tại Việt Nam và cá nhân người nước ngoài không được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, có văn hoá phẩm xuất trong danh mục ghi tại các điều 2, 3 và 4 gửi công hàm đến cơ quan Văn hoá kèm theo danh mục cụ thể những văn hoá phẩm xuất và số lượng của từng loại. Cơ quan Văn hoá sẽ tổ chức giám định và cấp giấy phép xuất văn hoá phẩm để làm thủ tục hải quan.

3. Các cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam là chuyên gia, khách mời, khách du lịch, học sinh, sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh thuộc cơ quan, tổ chức hoặc nhà trường nào của Việt Nam có văn hoá phẩm xuất trong danh mục ghi tại các điều 2, 3 và 4 thì cơ quan, tổ chức và nhà trường đó liên hệ với cơ quan Văn hoá làm các thủ tục xuất văn hoá phẩm giúp bạn.

4. Các cá nhân người nước ngoài (kể cả cá nhân người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài) không thuộc đối tượng nêu tại các điểm trên, có văn hoá phẩm xuất thực hiện các quy định như công dân Việt Nam.

5. Các cơ quan nước ngoài, các tổ chức quốc tế và người nước ngoài được tái xuất những văn hoá phẩm là đồ thủ công mỹ nghệ, tác phẩm mỹ thuật thuộc loại đồ cổ hoặc loại có giá trị cao về các mặt lịch sử, nghệ thuật... của Việt Nam hay của nước ngoài làm ra nếu:

a) Đó là những đồ vật thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chủ hàng được mang từ nước ngoài vào Việt Nam có giấy kê khai hải quan khi nhập cảnh và chứng nhận của cơ quan Văn hoá.

b) Những đồ vật đó khi tái xuất được cơ quan văn hoá và Hải quan xác nhận đúng là những đồ vật đã được kê khai hải quan và chứng nhận của cơ quan Văn hoá khi nhập cảnh.

Điều 6. Danh mục những văn hoá phẩm không được phép xuất.

1. Những văn hoá phẩm có nội dung vi phạm điều 10 Luật Báo chí của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Những ấn phẩm xuất bản và lưu hành trái phép hoặc đã xuất bản, nay không được lưu hành.

Những ấn phẩm xuất bản tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài thuộc diện quản lý của các thư viện, các cơ quan lưu trữ của Việt Nam.

2. Các loại tượng Phật, các loại đồ thờ cúng bằng mọi chất liệu, xuất xứ từ các đình, chùa hoặc từ các di tích lịch sử và văn hoá trên đất nước Việt Nam.

3. Tác phẩm mỹ thuật thuộc các thể loại và đồ thủ công bằng mọi chất liệu của Việt Nam hoặc của nước ngoài làm ra, để lại trên đất nước Việt Nam từ lâu đời (thời gian tính từ đầu thế kỷ 20 trở về trước) thuộc loại quý hiếm hoặc có giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật.

4. Tác phẩm mỹ thuật thuộc các thể loại và đồ thủ công bằng mọi chất liệu của Việt Nam mới làm ra nhưng là hiện vật thuộc diện quản lý của các bảo tàng hoặc có giá trị lịch sử.

Chương 3:

VĂN HOÁ PHẨM NHẬP

Điều 7.  Những văn hoá phẩm nhập mang theo người, để trong hành lý, trong kiện hàng hoặc trong bưu phẩm, bưu kiện có danh mục dưới đây, không cần có giấy phép của cơ quan Văn hoá. Người có văn hoá phẩm chỉ kê khai, xuất trình với Hải quan cửa khẩu. Cán bộ Hải quan cùng cán bộ văn hoá cửa khẩu xem nội dung xác định đúng danh mục văn hoá phẩm được phép nhập, đúng số lượng quy định và nhập hợp lệ cho nhập ngay:

1. Các loại sách, báo, tạp chí, tranh, ảnh, phim đèn chiếu, phim chụp ảnh đã tráng và các loại ấn phẩm khác do nước ngoài xuất bản, nội dung không trái với điều 10 Luật Báo chí nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không trái với các quy định của Nhà nước Việt Nam.

2. Tác phẩm mỹ thuật thuộc các thể loại và bằng mọi chất liệu. Đồ thủ công mỹ nghệ thuộc các thể loại và bằng mọi chất liệu.

3. Tái nhập các loại văn hoá phẩm đã có giấy phép tạm xuất.

Điều 8. Những văn hoá phẩm nhập mang theo người, để trong hành lý, trong kiện hàng hoặc trong bưu phẩm, bưu kiện có danh mục dưới đây, được nhập sử dụng sau khi làm thủ tục hải quan và cơ quan văn hoá đã xem nội dung, xác định đúng danh mục văn hoá phẩm được phép nhập, đúng số lượng quy định và nhập hợp lệ:

1. Sách, báo, tạp chí và các loại ấn phẩm khác chưa rõ nội dung.

2. Các loại phim điện ảnh, các loại băng vidéo, băng cát xét, băng cối và các loại băng, đĩa ghi tiếng hoặc ghi hình khác, có nội dung thuộc phạm vi quản lý của ngành Văn hoá - Thông tin và Thể thao.

Điều 9. Những văn hoá phẩm nhập mang theo người; để trong hành lý, trong kiện hàng hoặc trong bưu phẩm, bưu kiện có danh mục dưới đây phải có văn bản đồng ý hoặc đề nghị cho nhập của thủ trưởng cơ quan ngành chủ quản cấp Bộ (ở trung ương) hoặc cấp Tỉnh (ở địa phương) có thẩm quyền quản lý nội dung văn hoá phẩm đó, cơ quan Văn hoá sẽ cấp giấy phép để làm thủ tục hải quan:

1. Các loại văn hoá phẩm có nội dung chỉ dùng trong các cơ quan có chức năng nghiên cứu, không phổ biến.

2. Các loại văn hoá phẩm nhập để biếu, tặng cơ quan, tổ chức Việt Nam; nhập theo chương trình viện trợ, theo kế hoạch hợp tác, trao đổi của các nước với Việt Nam hoặc nhập để tham gia các cuộc thi, liên hoan, triển lãm tại Việt Nam.

3. Các loại văn hoá phẩm có nội dung phải xem xét nhưng không thuộc phạm vi quản lý của ngành Văn hoá Thông tin và Thể thao.

4. Các loại văn hoá phẩm có danh mục được phép nhập ghi tại điều 7 và điều 8 nhưng nhập với số lượng nhiều vượt quá quy định (xem phần phụ lục).

Điều 10. Thủ tục nhập mang theo người, để trong hành lý, trong kiện hàng hoặc trong bưu phẩm, bưu kiện những văn hoá phẩm nội dung tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo và những hiện vật phục vụ cho công việc của tôn giáo.

1. Các tổ chức tôn giáo thuộc trung ương hoặc thuộc địa phương và những người trong các tổ chức đó, nhập văn hoá phẩm nội dung tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo và những hiện vật phục vụ cho công việc của tôn giáo phải làm đơn xin phép trước, được sự đồng ý bằng văn bản của Ban Tôn giáo của Chính phủ (ở trung ương) hoặc Ban Tôn giáo của UBND tỉnh, thành phố (ở địa phương), cơ quan Văn hoá sẽ cấp giấy phép nhập. Chủ hàng sẽ nhận lại văn hoá phẩm để sử dụng sau khi cơ quan Văn hoá cùng các cơ quan có trách nhiệm liên quan đã xem và xác định đúng nội dung và văn hoá phẩm như kê khai trong giấy phép nhập.

2. Các cá nhân không thuộc tổ chức tôn giáo, có văn hoá phẩm nội dung tôn giáo hoặc liên quan đến tôn giáo và những hiện vật phục vụ cho công việc của tôn giáo nhập với số lượng không vượt quá quy định không phải làm đơn xin phép trước, được nhận sử dụng sau khi cơ quan Văn hoá cùng các cơ quan có trách nhiệm liên quan xem và xác định đúng nội dung văn hoá phẩm tôn giáo được phép nhập.

Điều 11. Thủ tục nhập văn hoá phẩm mang theo người, để trong hành lý, trong kiện hàng hoặc trong bưu phẩm, bưu kiện của các cơ quan nước ngoài, các tổ chức quốc tế và người nước ngoài.

1. Văn hoá phẩm nhập của người nước ngoài thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao; văn hoá phẩm nhập để trong túi ngoại giao, thực hiện chế độ ưu đãi miễn trừ quy định tại mục 1, chương V, Pháp lệnh Hải quan nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nước ngoài khác, có trụ sở hoặc Văn phòng đại diện tại Việt Nam và các cá nhân người nước ngoài không được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, có văn hoá phẩm nhập nằm trong danh mục ghi tại các điều 8, 9 và 10 gửi công hàm đến cơ quan Văn hoá kèm theo danh mục cụ thể những văn hoá phẩm và số lượng từng loại. Cơ quan văn hoá sẽ tổ chức giám định và cấp giấy phép để hoàn thành thủ tục hải quan.

3. Các cá nhân người nước ngoài là chuyên gia, khách mời, khách du lịch, học sinh, sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh, có văn hoá phẩm nhập nằm trong danh mục ghi tại các điều 8, 9 và 10 thuộc cơ quan, tổ chức hoặc nhà trường nào của Việt Nam thì cơ quan, tổ chức và nhà trường đó liên hệ với cơ quan Văn hoá làm các thủ tục nhập Văn hoá phẩm giúp bạn.

4. Các cơ quan nước ngoài, các tổ chức quốc tế và người nước ngoài nêu tại điểm 2 và 3 nói trên được nhập các loại văn hoá phẩm để sử dụng cho công tác, nghiên cứu, học tập và cho nhu cầu sinh hoạt văn hoá của cá nhân và gia đình trong thời gian ở Việt Nam nhưng chỉ được sử dụng và lưu hành trong phạm vi cơ quan, trong nơi lưu trú hoặc trong gia đình.

Mọi trường hợp chuyển giao văn hoá phẩm để lưu hành, phổ biến trong các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, trong cán bộ và nhân dân Việt Nam đều phải được sự đồng ý của Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao (ở trung ương) hoặc Sở Văn hoá Thông tin và Thể thao (ở địa phương).

5. Các cá nhân người nước ngoài (kể cả các cá nhân người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài) không thuộc đối tượng nêu tại các điểm trên, có văn hoá phẩm nhập, thực hiện các quy định như công dân Việt Nam.

6. Các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nước ngoài khác và các cá nhân người nước ngoài, mang vào Việt Nam những đồ thủ công mỹ nghệ, tác phẩm mỹ thuật thuộc loại đồ cổ hoặc loại có giá trị cao về các mặt lịch sử, nghệ thuật... của Việt Nam hay của nước khác làm ra, cần kê khai cụ thể, tỉ mỉ trong tờ khai hải quan khi nhập cảnh, có chứng nhận của cơ quan Văn hoá để khi tái xuất những đồ vật đó được thuận lợi...

Điều 12. Danh mục những văn hoá phẩm không được phép nhập.

1. Những văn hoá phẩm có nội dung trái với điều 10 Luật báo chí nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Nhà nước Việt Nam quy định không được phổ biến, lưu hành.

2. Các loại xuất bản phẩm do cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức kinh tế, xã hội của Việt Nam mang in tại nước ngoài trái với pháp luật về xuất bản của Nhà nước Việt Nam.

3. Các loại văn hoá phẩm mà Nhà nước Việt Nam quy định phải nhập theo đường thương mại.

Chương 4:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Người có công phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về xuất nhập văn hoá phẩm không thuộc phạm vi kinh doanh sẽ được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 14.

1. Những văn hoá phẩm xuất, nhập mang theo người, để trong hành lý, trong kiện hàng hoặc trong bưu phẩm, bưu kiện, có nội dung không được pháp luật của Nhà nước Việt Nam cho phép xuất, nhập hoặc không cho phép phổ biến, lưu hành thì tuỳ mức độ vi phạm sẽ bị xử lý:

- Không được xuất, nhập.

- Phải tái xuất.

- Bị xoá bỏ nội dung.

- Bị giữ tại cửa khẩu để tái xuất khi chủ hàng rời Việt Nam.

- Bị tịch thu.

- Người có văn hoá phẩm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Những văn hoá phẩm từ nước ngoài đưa vào các cửa khẩu của Việt Nam với số lượng nhiều mà không xin phép trước hoặc chưa được cấp giấy phép nhập đều bị tạm giữ tại cửa khẩu. Tuỳ theo nội dung văn hoá phẩm và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý:

- Chủ hàng được nhận nhưng phải nộp thuế nhập khẩu.

- Phải tái xuất.

- Bị xoá bỏ nội dung.

- Bị tịch thu.

Ngoài ra, nơi nhận văn hoá phẩm còn phải chịu các chi phí về lệ phí lưu kho và các chi phí khác phát sinh trong quá trình xử lý.

3. Các loại văn hoá phẩm chỉ được phép nhập theo đường thương mại, nếu nhập theo đường không nhằm mục đích kinh doanh, thương mại sẽ bị xử lý:

- Chủ hàng được nhận nhưng phải nộp thuế nhập khẩu.

- Phải tái xuất.

- Bị xoá bỏ nội dung.

Điều 15.

1. Các hình thức xử lý nêu tại điều 14 đối với văn hoá phẩm nhập không hợp lệ và văn hoá phẩm có nội dung vi phạm được phát hiện trong khi làm thủ tục xuất, nhập văn hoá phẩm tại cửa khẩu do thủ trưởng Hải quan cửa khẩu quyết định:

2. Việc xử lý không cho xuất, xoá bỏ nội dung, xử phạt hành chính, tịch thu hiện vật đối với văn hoá phẩm có nội dung vi phạm được phát hiện trong khi làm thủ tục xuất văn hoá phẩm tại cơ quan Văn hoá hoặc được phát hiện khi cơ quan Văn hoá kiểm tra nội dung những văn hoá phẩm được cơ quan Hải quan chuyển sang, do cán bộ kiểm tra văn hoá phẩm đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự thực hiện theo quy định của pháp luật.

PHỤ LỤC

10 LUẬT BÁO CHÍ CUẢ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ VIỆT NAM ...

1. Không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân.

2. Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi truỵ, tội ác.

3. Không được tiết lộ bí mật Nhà nước: bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định.

4. Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Quy định số lượng văn hoá phẩm

xuất, nhập không nhằm mục đích kinh doanh

1. Nhập sách, báo, tạp chí:

a) Sách, báo, tạp chí có nội dung được phép nhập, nếu nhập mỗi tên sách, mỗi số báo, tạp chí không quá năm bản cho một địa chỉ ở trong nước, không phải làm đơn xin phép.

b) Nếu cần nhập mỗi tên sách, mỗi số báo, tạp chí với số lượng nhiều hơn thì địa chỉ nhập phải có công văn hoặc làm đơn xin phép kèm theo danh mục và số lượng của từng loại để cơ quan Văn hoá làm thủ tục xét duyệt và cấp giấy phép nhập.

Tại cửa khẩu, cơ quan Hải quan xét thấy việc nhập sách, báo, tạp chí mang tính chất kinh doanh thì địa chỉ nhập phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với hàng nhập kinh doanh.

c) Sách, báo, tạp chí nhập đúng số lượng như nêu tại mục a nhưng tổng số có trên 100 bản cũng phải có công văn hoặc đơn xin phép như nói tại điểm b.

2. Nhập tranh, lịch...

Các loại ấn phẩm là tranh nghệ thuật in trên các chất liệu, lịch trên tường các loại, có nội dung được phép nhập, nhập với số lượng nhiều nếu tại cửa khẩu, cơ quan hải quan xét thấy việc nhập mang tính chất kinh doanh thì địa chỉ nhập phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với hàng nhập kinh doanh.

3. Xuất và nhập tác phẩm mỹ thuật, đồ thủ công mỹ nghệ:

Nhà nước khuyến khích xuất khẩu các loại tác phẩm mỹ thuật và đồ thủ công mỹ nghệ của Việt Nam làm ra qua đường thương mại. Trường hợp xuất và nhập các loại văn hoá phẩm này qua đường không nhằm mục đích kinh doanh nhưng Hải quan cửa khẩu xét thấy mang tính chất kinh doanh thì địa chỉ xuất hoặc nhập văn hoá phẩm tại Việt Nam phải nộp thuế xuất, nhập khẩu theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với hàng xuất, nhập kinh doanh.

4. Xuất, nhập băng vidéo, phim điện ảnh, các loại băng, đĩa:

a) Xuất, nhập các loại băng vidéo, phim điện ảnh, băng cát-xét, đĩa mềm vi tính, đĩa ghi hình hoặc ghi tiếng... đã có nội dung đều phải qua kiểm tra thủ tục của cơ quan Văn hoá.

b) Các loại băng vidéo, phim điện ảnh, đĩa ghi hình có nội dung được phép xuất, nhập, mỗi lần được xuất, nhập với số lượng như sau:

- Xuất mỗi loại không quá 6 đơn vị cho một địa chỉ ở nước ngoài.

- Nhập mỗi loại không quá 3 đơn vị cho một địa chỉ ở trong nước.

c) Các loại băng cát-xét, đĩa mềm vi tính, đĩa ghi tiếng có nội dung được phép xuất, nhập, mỗi lần được xuất, nhập với số lượng như sau:

- Xuất mỗi loại không quá 10 đơn vị cho một địa chỉ ở nước ngoài.

- Nhập mỗi loại không quá 5 đơn vị cho một địa chỉ ở trong nước.

d) Mọi trường hợp xuất hoặc nhập các loại văn hoá phẩm nêu tại hai mục b và c nói trên có số lượng vượt quá quy định phải có công văn hoặc đơn xin phép để cơ quan Văn hoá làm thủ tục xét duyệt nội dung và cấp giấy phép xuất, nhập. Nếu chưa có giấy phép xuất, nhập của cơ quan Văn hoá và Hải quan mà văn hoá phẩm đã đưa ra hoặc đem vào cửa khẩu thì coi như văn hoá phẩm xuất, nhập khẩu không hợp lệ.

5. Các cơ quan nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các đối tượng người nước ngoài có văn hoá phẩm xuất, nhập thực hiện theo quy định tại 5 và điều 11 của bản Quy định này.

HƯƠNG DẪN KÊ KHAI VĂN HOÁ PHẨM TRONG CÔNG VĂNN HOẶC TRONG ĐƠN XIN PHÉP VÀ TRONG GIẤY PHÉP XUẤT, NHẬP VĂN HOÁ PHẨM CỦA CƠ QUAN VĂN HOÁ

1. Sách in: ghi rõ tên sách, nội dung, tiếng gì, tác giả, Nhà xuất bản, năm xuất bản. Số lượng từng loại. Sách ngoại ngữ do nước ngoài xuất bản, tuỳ trường hợp có thể linh hoạt trong cách kê khai. Riêng sách tiếng Việt, xuất bản trong nước hay nước ngoài đều phải ghi đầy đủ như hướng dẫn.

2. Tài liệu (bao gồm cả những bản sao chép lại từ sách in): ghi rõ tên tài liệu, nội dung, tiếng gì, tác giả, in typô, rônêô, đánh máy, chép tay, sao chụp hoặc in ấn bằng mọi kỹ thuật khác. Số lượng từng loại (ghi số cuốn hoặc số trang).

3. Tranh: ghi rõ chất liệu, nội dung, kích thước và tác giả nếu có. Số lượng từng loại.

4. Đồ thủ công mỹ nghệ: Ghi rõ tên gọi, chất liệu, kích thước, (chiều cao, chiều dài, chiều rộng, đường kính). Số lượng từng loại.

Nếu là đồ gốm, sứ ghi rõ tên gọi, màu men, hoa văn, kích thước và tả hình dạng.

5. Phim điện ảnh: Ghi tên phim cỡ phim, số cuốn, màu hay đen trắng.

6. Phim chụp ảnh: Ghi cỡ phim, nội dung màu hay đen trắng. Số lượng.

7. Băng, đĩa ghi hình, ghi tiếng: ghi loại băng, đĩa, nội dung ghi trong băng, đĩa. Số lượng từng loại.

Trường hợp có nhiều văn hoá phẩm, không ghi hết trong giấy phép xuất nhập văn hoá phẩm của cơ quan Văn hoá thì kê chi tiết vào tờ giấy khác kèm theo. Khi đó trên giấy phép chỉ kê tổng hợp tên gọi và số lượng từng loại và ghi: "Xem bản kê chi tiết kèm theo".

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 893-QĐ/PC năm 1992 về bản "Quy định về việc xuất, nhập văn hoá phẩm không thuộc phạm vi kinh doanh" do Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thông tin và thể thao ban hành

  • Số hiệu: 893-QĐ/PC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/07/1992
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thông tin và Thể thao
  • Người ký: Vũ Khắc Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản