Hệ thống pháp luật

Điều 2 Quyết định 89/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Chiến lược này. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, thống kê, đánh giá, sắp xếp danh mục đề án, dự án ưu tiên đầu tư.

c) Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính và cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế.

d) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược này; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung Chiến lược trong trường hợp cần thiết.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn và hướng dẫn sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước 5 năm và hằng năm để thực hiện các nội dung của Chiến lược.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách an sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động, các đối tượng chính sách, đối tượng trợ giúp xã hội thụ hưởng các chính sách y tế liên quan (người nghèo, người cận nghèo, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động và người lao động không có hợp đồng lao động…); đảm bảo an toàn cho trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trường học trong các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em và học sinh trong trường học; bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ đãi ngộ phù hợp trong việc thực hiện công tác sức khỏe học đường; Tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường và Chương trình y tế trường học trong các trường mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng các chính sách, giải pháp về: kiểm soát, quan trắc và xử lý từ nguồn phát sinh đối với các chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người; quản lý, chia sẻ thông tin quan trắc về các chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người; thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

6. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động, triển khai các giải pháp an toàn giao thông, phòng chống tai nạn thương tích trong phạm vi được phân công quản lý.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; bảo đảm cung cấp nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt và tăng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt tại khu vực nông thôn, hướng dẫn xử lý và cấp nước quy mô hộ gia đình khu vực nông thôn.

8. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án vận động toàn dân luyện tập thể dục thể thao bảo vệ, nâng cao sức khỏe; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chương trình, đề án thể dục thể thao trong trường học nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt Nam; xây dựng kế hoạch hành động, triển khai các giải pháp an toàn du lịch, phòng chống tai nạn thương tích trong phạm vi được phân công quản lý.

9. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng hệ thống văn kiện bảo đảm y tế cho các trạng thái quốc phòng; hướng dẫn xây dựng lực lượng y tế dự bị động viên và lực lượng huy động ngành y tế trong tình trạng khẩn cấp. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể kết hợp quân dân y bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và bộ đội, góp phần củng cố an ninh quốc phòng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

10. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn trong cơ sở y tế; ngăn chặn, đẩy lùi hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế.

11. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đảm bảo cung cấp nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt tại khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế và tăng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt tại khu vực đô thị; xây dựng và đảm bảo các quy chuẩn quốc gia đối với các công trình xây dựng để đảm bảo an toàn, vệ sinh phòng, chống bệnh tật trong quá trình sử dụng của cộng đồng trong phạm vi lĩnh vực được phân công quản lý.

12. Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm y tế; phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

13. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trong lĩnh vực, ngành mình phụ trách; phối hợp với Bộ Y tế tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Chiến lược.

14. Các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược này với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; tổ chức thực hiện Chiến lược có hiệu quả.

15. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phổ biến, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia các phong trào rèn luyện, nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân và cộng đồng; giám sát việc thực hiện Chiến lược này.

Quyết định 89/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 89/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/01/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra