Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 880/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT MỘT SỐ NỘI DUNG HỖ TRỢ 22 HUYỆN NGHÈO THUỘC 17 TỈNH THOÁT KHỎI TÌNH TRẠNG NGHÈO, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 theo quy định tại Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

1. Mục tiêu

a) Góp phần hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh trong phạm vi Quyết định này phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn đến năm 2025 theo quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.

b) Tại các huyện nghèo thuộc phạm vi Quyết định này phấn đấu, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều) giảm 6% - 7%/năm, quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều cuối kỳ giảm ít nhất 60% so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

c) Đến năm 2025, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc phạm vi Quyết định này phấn đấu tăng 1,8 lần so với năm 2020.

2. Phạm vi thực hiện

Thực hiện hỗ trợ đối với 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh quy định tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 (có danh sách kèm theo).

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.

4. Nội dung hỗ trợ

Trên cơ sở quy định tại Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh trong phạm vi Quyết định này được hỗ trợ bổ sung trực tiếp nội dung sau: Hỗ trợ đầu tư trọng tâm, trọng điểm và duy tu, bảo dưỡng một số công trình giao thông liên xã trên địa bàn huyện nghèo phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

5. Nguồn vốn, cơ chế thực hiện

a) Vốn và cơ cấu nguồn vốn

Vốn và cơ cấu nguồn vốn thực hiện Quyết định này thực hiện theo quy định tại Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Cơ chế thực hiện

- Việc phân bổ vốn hỗ trợ bổ sung trực tiếp ngân sách trung ương thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 và Điều 12 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Mức chi, việc lập dự toán, chấp hành và thanh toán, quyết toán kinh phí duy tu bảo dưỡng Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 1 thực hiện như đối với công trình duy tu bảo dưỡng được quy định tại Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với tỉnh có từ 02 huyện nghèo trở lên, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung trực tiếp tối đa 50% tổng số huyện nghèo của tỉnh, thứ tự ưu tiên theo tiêu chí thu nhập bình quân đầu người cao hơn, tỷ lệ nghèo đa chiều thấp hơn của địa bàn huyện nghèo.

- Căn cứ nguồn vốn ngân sách trung ương được giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất vốn ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ của Quyết định này để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

6. Một số giải pháp thực hiện

a) Tuyên truyền, vận động

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ưu tiên tập trung, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ huyện nghèo phấn đấu hoàn thành mục tiêu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện nghèo.

b) Ưu tiên lồng ghép triển khai các dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân

- Triển khai các dự án giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo theo các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư) phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương.

- Các dự án giảm nghèo cần chú trọng gắn với nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế địa phương, sản xuất sản phẩm đặc sản của địa phương và có lộ trình xây dựng thương hiệu sản phẩm.

- Đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động phải gắn với doanh nghiệp, thị trường lao động và giải quyết việc làm bền vững.

- Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho người lao động có nhu cầu.

c) Huy động nguồn lực

- Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng tham gia đóng góp bằng tiền, tài sản, hiện vật hoặc ngày công lao động theo nguyên tắc tự nguyện.

- Khuyến khích các địa phương áp dụng hình thức việc làm công để tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập khi tham gia thi công công trình trên địa bàn huyện nghèo.

- Vốn huy động hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các bộ, cơ quan trung ương

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng phương án phân bổ cụ thể nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện Quyết định này; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp.

- Chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Tổng hợp nhu cầu, dự kiến phân bổ kinh phí thực hiện Quyết định này vào kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hằng năm, trinh cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương thực hiện Quyết định này theo tiến độ và kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

c) Bộ Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thuộc phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Cân đối, bố trí đủ vốn sự nghiệp cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo tiến độ và kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn thực hiện các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương tổ chức lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình theo quy định.

đ) Ủy ban Dân tộc: Hướng dẫn thực hiện các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương tổ chức lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình theo quy định.

e) Các bộ, ngành khác có liên quan

Các bộ, ngành trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn huyện nghèo để thực hiện.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Xây dựng Kế hoạch thực hiện; lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 về nội dung Kế hoạch thực hiện và phương án sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương thực hiện Quyết định này trước khi phê duyệt bảo đảm không trùng lắp, chặt chẽ, đúng quy định và hiệu quả. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Quyết định này.

b) Bố trí đúng, đầy đủ, kịp thời nguồn vốn ngân sách thực hiện Quyết định này; bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn đối ứng theo quy định; tăng cường huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và cộng đồng để thực hiện.

Ưu tiên bố trí lồng ghép nguồn vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình, dự án khác (bao gồm cả nguồn vốn ODA) và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

Chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng theo quy định, không sử dụng cho các mục tiêu khác; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát, lãng phí.

c) Ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai các dự án giảm nghèo nhằm phát huy hiệu quả của công trình được đầu tư trên địa bàn huyện nghèo theo Quyết định này.

3. Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các nội dung của Quyết định này; tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN: Nguyễn Sỹ Hiệp, Cao Huy,
Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: KTTH, CN, NN, QHĐP;
- Lưu: VT, KGVX (2b) PL.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Bình Minh

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH 22 HUYỆN NGHÈO THUỘC 17 TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang;

2. Huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang;

3. Huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn;

4. Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang;

5. Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng;

6. Huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng;

7. Huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai;

8. Huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên;

9. Huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên;

10. Huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu;

11. Huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La;

12. Huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình;

13. Huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa;

14. Huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa;

15. Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế;

16. Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam;

17. Huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam;

18. Huyện An Lão, tỉnh Bình Định;

19. Huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa;

20. Huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk;

21. Huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông;

22. Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 880/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 880/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/07/2022
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Bình Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản