Hệ thống pháp luật

UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 879/QĐ

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 1991 BAN HÀNH BẢN “QUY ĐỊNH VỀ CHỨNG NHẬN HÀNG HOÁ PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN VIỆT NAM”

CHỦ NHIỆM UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 192-CP ngày 13-10-1975 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 327-HĐBT ngày 19-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy định về việc thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hoá;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về chứng nhận hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam".

Điều 2. Cơ quan quản lý Nhà nước về Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ sở phải thực hiện theo đúng Quy định này trong việc chứng nhận hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam.

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Bãi bỏ các Quy định trước đây trái với Quy định này.

 

 

Đặng Hữu

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHỨNG NHẬN HÀNG HOÁ PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN VIỆT NAM (TCVN)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 879-QĐ ngày 27-12-1991 của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước)

1. Chứng nhận hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) gọi tắt là chứng nhận hợp chuẩn là một trong những biện pháp nhằm đẩy mạnh việc áp dụng các TCVN để đảm bảo và nâng cao chất lượng hàng hoá; tạo tín nhiệm cho hàng hoá đối với khách hàng trong và ngoài nước, tăng cường sức cạnh trạnh của hàng hoá sản xuất trong nước; bảo đảm an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

2. Cơ sở để chứng nhận hợp chuẩn là các TCVN và các phương pháp chứng nhận hợp chuẩn cho từng nhóm hoặc hàng hoá cụ thể.

3. Chứng nhận hợp chuẩn bao gồm:

a. Chứng nhận bắt buộc áp dụng với hàng hoá thuộc danh mục các TCVN bắt buộc áp dụng.

b. Chứng nhận tự nguyện áp dụng với hàng hoá thuộc các danh mục TCVN tự nguyện áp dụng;

4. Đối tượng để chứng nhận hợp chuẩn là hàng hoá của các tổ chức và cá nhân sản xuất (gọi tắt là cơ sở sản xuất) thuộc mọi thành phần kinh tế.

5. Hàng hoá được chứng nhận hợp chuẩn sẽ được cấp giấy chứng nhận hàng hoá phù hợp TCVN (gọi tắt là giấy chứng nhận hợp chuẩn) và được phép gắn dấu phù hợp TCVN (gọi tắt là dấu hợp chuẩn) trên hàng hoá, bao bì hoặc trên nhãn.

Có hai loại dấu hợp chuẩn:

a. Dấu hợp chuẩn chất lượng cấp cho hàng hoá đạt các yêu cầu kỹ thuật về chất, lượng bao gồm cả các yêu cầu về an toàn, vệ sinh quy định trong TCVN cho hàng hoá cụ thể.

b. Dấu hợp chuẩn an toàn cấp cho hàng hoá chỉ đạt các yêu cầu về an toàn, vệ sinh quy định trong TCVN.

Nội dung và hình thức hai loại dấu hợp chuẩn được quy định trong TCVN tương ứng.

6. Giấy chứng nhận hợp chuẩn có giá trị hiệu lực trong thời hạn một đến hai năm kể từ ngày cấp và có thể gia hạn thêm hàng năm.

Dấu hợp chuẩn đã cấp sẽ bị tạm thời đình chỉ sử dụng hoặc huỷ bỏ hiệu lực tuỳ theo mức độ vi phạm của cơ sở sản xuất trong các trường hợp sau đây:

- Khi cơ sở sản xuất có hàng hoá được chứng nhận sử dụng dấu hợp chuẩn trên hàng hoá không đạt các TCVN tương ứng;

- Khi ngừng sản xuất hàng hoá được chứng nhận quá 12 tháng;

- Không duy trì điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá phù hợp TCVN đã quy định;

- Không thực hiện đúng các quy định về chứng nhận hợp chuẩn;

- Khi TCVN được sửa đổi hoặc thay thế mà cơ sở sản xuất không xin chứng nhận lại theo tiêu chuẩn mới.

Khi dấu hợp chuẩn tạm thời bị đình chỉ sử dụng hoặc huỷ bỏ hiệu lực, cơ sở sản xuất có hàng hoá được chứng nhận phải ngừng sử dụng dấu hợp chuẩn và xử lý xoá bỏ dấu hợp chuẩn trên hàng hoá, bao bì và nhãn còn mang dấu theo quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

7. Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng chịu trách nhiệm ban hành quy chế về nội dung và thủ tục chứng nhận hợp chuẩn; ban hành các phương pháp chứng nhận hợp chuẩn cho nhóm hoặc hàng hoá cụ thể; công bố danh mục hàng hoá chứng nhận bắt buộc và danh mục TCVN dùng để chứng nhận tự nguyện; tổ chức việc đánh giá chứng nhận hợp chuẩn; thanh tra Nhà nước chất lượng hàng hoá sau chứng nhận; cấp, tạm thời đình chỉ sử dụng hoặc huỷ bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận hợp chuẩn.

Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng có thể giao cho các Chi cục TC - ĐL - CL thuộc tỉnh, thành phố hoặc các cơ quan khác tiến hành toàn bộ hoặc từng phần công việc đánh giá chứng nhận hợp chuẩn theo các quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

8. Việc đánh giá chứng nhận hợp chuẩn được tiến hành trên cơ sở thử nghiệm mẫu điển hình; đánh giá và chấp nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất; theo dõi bảo đảm duy trì chất lượng sau chứng nhận và thử nghiệm mẫu hàng hoá lấy từ cơ sở sản xuất và thị trường.

Việc đánh giá chứng nhận hợp chuẩn thông qua hoạt động của Hội đồng đánh giá chứng nhận hợp chuẩn. Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng.

Đối với các cơ sở sản xuất có hệ thống bảo đảm chất lượng đã được chứng nhận, khi tiến hành đánh giá chứng nhận hợp chuẩn cho hàng hoá cụ thể không phải tiến hành đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất.

Uỷ ban Khoa học Nhà nước ban hành TCVN về các chuẩn cứ để đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất khi chứng nhận hợp chuẩn.

Việc thử nghiệm mẫu phải được tiến hành tại các "phòng thử nghiệm được công nhận" hoặc tại các phòng thử nghiệm được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng chỉ định là có đủ khả năng kỹ thuật, độ tin cậy và khách quan.

9. Cơ sở sản xuất xin chứng nhận hợp chuẩn cho hàng hoá của mình phải nộp đơn xin chứng nhận cho Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

Đối với hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá chứng nhận bắt buộc, cơ sở sản xuất phải nộp đơn xin chứng nhận trong thời hạn do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định. Kể từ ngày TCVN có hiệu lực, nếu hàng hoá của cơ sở sản xuất không được chứng nhận thì bị coi là vi phạm Điều 16 của Pháp lệnh chất lượng hàng hoá.

Trong mọi trường hợp, cơ sở sản xuất xin chứng nhận hợp chuẩn và có hàng hoá được chứng nhận hợp chuẩn phải chịu trách nhiệm về các số liệu do mình cung cấp và thực hiện các điều cam kết khi xin chứng nhận hợp chuẩn.

10. Cơ sở sản xuất xin chứng nhận hợp chuẩn phải nộp lệ phí và trả các chi phí thử nghiệm và đánh giá chứng nhận hợp chuẩn, chi phí theo dõi bảo đảm chất lượng sau chứng nhận.

Các khoản chi phí này do cơ quan đánh giá chứng nhận hợp chuẩn và các cơ quan có liên quan khác thoả thuận với cơ sở sản xuất xin chứng nhận theo hướng dẫn của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

Lệ phí và các chi phí trên đây sẽ không được hoàn lại khi đơn xin chứng nhận hợp chuẩn bị từ chối hoặc hàng hoá qua đánh giá không được chứng nhận; hoặc bị tạm thời đình chỉ sử dụng hoặc huỷ bỏ hiệu lực dấu hợp chuẩn.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 879/QĐ năm 1991 ban hành Quy định về chứng nhận hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 879/QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/1991
  • Nơi ban hành: Ủy ban Khoa học Nhà nước
  • Người ký: Đặng Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 09/12/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản