Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 87/2006/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHÓ NGHIỆP VỤ BẢO VỆ RỪNG TRONG CÁC ĐƠN VỊ KIỂM LÂM

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm lâm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy chế quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ bảo vệ rừng trong các đơn vị Kiểm lâm”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan; Chi cục trưởng các Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc các Vườn quốc gia trực thuộc Bộ được trang bị chó nghiệp vụ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
 
 


Hứa Đức Nhị

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHÓ NGHIỆP VỤ BẢO VỆ RỪNG TRONG CÁC ĐƠN VỊ KIỂM LÂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 87/2006/QĐ-BNN ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chó nghiệp vụ bảo vệ rừng (sau đây viết tắt là chó nghiệp vụ) là loại công cụ hỗ trợ đặc biệt được trang bị cho một số đơn vị Kiểm lâm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện và sử dụng.

Điều 2. Chỉ được sử dụng chó nghiệp vụ để hỗ trợ cho một số hoạt động bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và bảo vệ tính mạng, tài sản của Kiểm lâm, của Nhà nước theo quy định tại Quy chế này. Nghiêm cấm sử dụng chó nghiệp vụ trái với quy định tại quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 3. Những đơn vị Kiểm lâm được sử dụng chó nghiệp vụ gồm: Đội Kiểm lâm cơ động, Hạt kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia, Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn thiên nhiên.

Chương 2:

HUẤN LUYỆN CHÓ NGHIỆP VỤ

Điều 4. Huấn luyện tại cơ sở huấn luyện

1. Cơ sở huấn luyện chó nghiệp vụ phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. Cục Kiểm lâm thống nhất với cơ sở huấn luyện chó nghiệp vụ về các khoa mục huấn luyện, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện chó nghiệp vụ cho các đơn vị Kiểm lâm được trang bị chó nghiệp vụ.

Điều 5. Huấn luyện lại hàng năm

Hàng năm, đơn vị Kiểm lâm được trang bị chó nghiệp vụ huấn luyện lại chó nghiệp vụ, nhằm duy trì năng lực làm việc của chó. Thời gian huấn luyện lại ít nhất là 15 ngày/ năm.

Chương 3:

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHÓ NGHIỆP VỤ

Điều 6. Tiêu chuẩn chó nghiệp vụ và hồ sơ quản lý chó nghiệp vụ

1. Tiêu chuẩn chó nghiệp vụ

- Giống chó: Béc giê Đức (loài chó chăn cừu) và Rottweiler; độ tuổi đưa vào sử dụng từ 12 đến 24 tháng.

- Chó khoẻ mạnh, đã qua huấn luyện theo quy định tại Điều 5 Quy chế này và đã đảm bảo chấp hành sự điều khiển của cán bộ kiểm lâm đã được huấn luyện sử dụng chó nghiệp vụ (sau đây viết tắt là kiểm khuyển).

2. Hồ sơ quản lý chó nghiệp vụ gồm:

a) Chứng chỉ về xuất xứ.

b) Chứng nhận của cơ sở huấn luyện chó nghiệp vụ.

c) Sổ theo dõi tình trạng sức khỏe và thú y.

d) Các tài liệu khác liên quan (nếu có).

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Kiểm lâm

1. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện đề án sử dụng chó nghiệp vụ sau khi được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

2. Lựa chọn cơ sở huấn luyện và thống nhất với cơ sở huấn luyện về giáo trình, thời gian huấn luyện, tập huấn quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ.

3. Lập kế hoạch, theo dõi việc tổ chức huấn luyện, trang bị chó nghiệp vụ theo đề án sử dụng chó nghiệp  vụ trong công tác bảo vệ rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ của các đơn vị Kiểm lâm toàn quốc.

Điều 8. Trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm được trang bị chó nghiệp vụ

1. Lập kế hoạch và dự trù kinh phí cho quản lý chó nghiệp vụ (gồm cả việc chi trả mua, làm chuồng trại, ăn uống, chăm sóc sức khoẻ, huấn luyện...) gửi cơ quan tài chính địa phương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với những đơn vị trực thuộc Bộ) và thực hiện theo các quy định về quản lý ngân sách hiện hành của Nhà nước.

2. Cử công chức Kiểm lâm có đủ tiêu chuẩn đi tập huấn và sử dụng chó nghiệp vụ.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện, sử dụng và điều động chó nghiệp vụ của các đơn vị Kiểm lâm trực thuộc.

4. Thống kê, báo cáo Cục Kiểm lâm theo định kỳ 6 tháng, hàng năm công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ của đơn vị.

Điều 9. Trách nhiệm của các đơn vị Kiểm lâm được trang bị chó nghiệp vụ

1. Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, sử dụng có hiệu quả chó nghiệp vụ của đơn vị.

2. Tạo điều kiện cho Kiểm lâm viên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, sử dụng chó nghiệp vụ theo đúng quy định tại quy chế này và các văn bản quy định khác của pháp luật.

3. Thực hiện các quy định của pháp luật về thú y đối với chó nghiệp vụ.

Điều 10. Trách nhiệm của kiểm khuyển

1. Chỉ sử dụng chó nghiệp vụ vào hoạt động tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, bảo vệ tính mạng, tài sản của Kiểm lâm và của Nhà nước.

2. Khi sử dụng chó nghiệp vụ phải được rọ mõm, có dây cương. Chỉ được mở rọ cho chó tấn công đối phương khi thật sự nguy hiểm đến tính mạng của đồng đội hoặc của bản thân Kiểm lâm viên sử dụng chó nghiệp vụ.

Điều 11. Tiêu chuẩn của kiểm khuyển

1. Là công chức Kiểm lâm.

2. Có sức khoẻ, phẩm chất đạo đức tốt.

3. Đã được tập huấn về quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ.

Chương 4:

CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG, THAY THẾ, BỔ SUNG CHÓ NGHIỆP VỤ

Điều 12. Chăm sóc, nuôi dưỡng chó nghiệp vụ

1. Cho chó nghiệp vụ ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn quy định.

2. Cho chó nghiệp vụ uống nước sạch, đầy đủ.

3. Chải lông cho chó ngày ít nhất 1 lần. Mùa hè cho chó tắm 2 lần/tuần, các mùa khác 1 lần/tuần.

4. Chuồng, cũi chó phải sạch sẽ, đảm bảo sự thoáng mát vào mùa Hè và đủ  ấm vào mùa Đông.

5. Dụng cụ phương tiện nuôi dưỡng, chăm sóc và sử dụng chó nghiệp vụ phải sạch sẽ, được vệ sinh thường xuyên và được bảo quản cẩn thận.

6. Chó nghiệp vụ được kiểm tra thú y ít nhất 3 tháng/ lần, nếu có bệnh phải được chữa trị khẩn trương, đảm bảo việc tiêm phòng và các điều kiện chăm sóc về thú y khác.

Điều 13. Thay thế, bổ sung chó nghiệp vụ

1. Trường hợp chó nghiệp vụ bị chết, bị thương hoặc quá tuổi không thể sử dụng được, cơ quan quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ phải lập biên bản, báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp.

2. Các đơn vị quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ thuộc địa phương quản lý báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Cục Kiểm lâm về các trường hợp thay thế, bổ sung chó nghiệp vụ.

3. Chỉ thay thế, bổ sung chó nghiệp vụ khi được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Cục Kiểm lâm.

Chương 5:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Cục Kiểm lâm có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Kiểm lâm các địa phương được trang bị chó nghiệp vụ thực hiện Quy chế này.

Điều 15. Chi cục trưởng các Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm các vườn quốc gia trực thuộc Bộ, được giao quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ có trách nhiệm phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 87/2006/QĐ-BNN về Quy chế quản lý, sử dụng chó nghiệp vụ bảo vệ rừng trong các đơn vị Kiểm lâm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 87/2006/QĐ-BNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/09/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Hứa Đức Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 11 đến số 12
  • Ngày hiệu lực: 21/10/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản