Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 86/2008/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THĂM DÒ, KHAI QUẬT KHẢO CỔ

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. 

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- PTT Nguyễn Thiện Nhân;
- Ủy ban VHGDTNTNND Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Các Sở VH, TT & DL;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, VP, Thanh tra Bộ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo VP Chính phủ; Website Chính phủ;
- Lưu: VT, DSVH (3b), NTH.220.

BỘ TRƯỞNG




Hoàng Tuấn Anh

 

QUY CHẾ

THĂM DÒ, KHAI QUẬT KHẢO CỔ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích của hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ

1. Phát hiện, nghiên cứu những địa điểm khảo cổ, di tích và di vật trong lòng đất và dưới nước để tìm hiểu mọi mặt đời sống tự nhiên và xã hội trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử.

2. Làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của đất nước; bổ sung tài liệu, hiện vật cho các bảo tàng của trung ương và địa phương nhằm lưu giữ, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.

3. Phục vụ việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng

1. Quy chế này quy định việc quản lý và thực hiện các hoạt động phát hiện, bảo vệ, thăm dò, khai quật các địa điểm khảo cổ, di tích và di vật khảo cổ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

2. Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia các hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Địa điểm khảo cổ là nơi lưu giữ những dấu tích, di vật phản ánh quá trình tồn tại của con người và môi trường tự nhiên trong quá khứ có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học;

2. Di vật khảo cổ là những hiện vật được phát hiện qua thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc phát hiện ngẫu nhiên có giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học;

3. Tầng văn hoá khảo cổ là những lớp đất được tích tụ qua thời gian, phản ánh hoạt động của con người, thể hiện đặc trưng văn hoá của cộng đồng người trong quá khứ;

4. Điều tra khảo cổ là hoạt động nghiên cứu khoa học được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp điền dã nghiên cứu địa hình, địa mạo và lấy mẫu vật ở bề mặt của địa điểm khảo cổ nhằm bước đầu xác định vị trí, phạm vi, niên đại, tính chất của địa điểm khảo cổ;

5. Thăm dò khảo cổ là việc đào có tính chất thử nghiệm địa điểm khảo cổ với diện tích nhỏ nhằm bước đầu khẳng định sự tồn tại của địa điểm khảo cổ, phạm vi, niên đại, tính chất của địa điểm khảo cổ;

6. Khai quật khảo cổ là hoạt động khoa học nhằm nghiên cứu địa tầng của địa điểm khảo cổ và tìm kiếm, thu thập di vật khảo cổ, các loại dấu tích của quá khứ để xác định rõ nội dung, giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của địa điểm khảo cổ;

7. Khai quật khẩn cấp là hoạt động khai quật khảo cổ nhằm kịp thời nghiên cứu, xử lý, thu thập di vật khảo cổ ở địa điểm khảo cổ đang bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại mà nếu không kịp thời tiến hành khai quật khảo cổ sẽ bị hủy hoại vĩnh viễn;

8. Hồ sơ khai quật khảo cổ là toàn bộ tài liệu viết, bản vẽ, bản dập, bản ảnh, tài liệu nghe nhìn và các tài liệu khác, được hình thành trong quá trình nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ;

9. Báo cáo sơ bộ là báo cáo khái quát về kết quả nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ được người chủ trì và tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ thực hiện ngay sau khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ;

10. Báo cáo khoa học là báo cáo chi tiết về kết quả nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ được người chủ trì và tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ thực hiện sau khi kết thúc việc xử lý khoa học các tài liệu, hiện vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ.

Điều 4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là tổ chức) và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ và di vật khảo cổ theo quy định của Luật Di sản văn hoá và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm

Các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 13 Luật Di sản văn hóa, Điều 9 Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước (sau đây gọi là Nghị định số 86/2005/NĐ-CP) và những quy định cụ thể sau đây:

1. Thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ không có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trường hợp thăm dò, khai quật khảo cổ) và Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trường hợp khai quật khảo cổ khẩn cấp).

2. Tự ý tìm kiếm, đào bới làm sai lệch hoặc gây nguy cơ xâm hại, hủy hoại địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; trao đổi, mua bán và vận chuyển trái phép di vật khảo cổ.

3. Lợi dụng hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai quật khảo cổ làm xâm phạm lợi ích quốc gia và gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khoẻ con người.

4. Cản trở hoạt động quản lý, bảo vệ, nghiên cứu, thăm dò và khai quật khảo cổ của tổ chức và cá nhân có thẩm quyền.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHI PHÁT HIỆN ĐỊA ĐIỂM KHẢO CỔ, DI VẬT KHẢO CỔ

Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi phát hiện địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ

Tổ chức, cá nhân khi phát hiện địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ có trách nhiệm  bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng địa điểm đó và kịp thời thông báo, giao nộp những di vật khảo cổ cho chính quyền địa phương hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Phòng Văn hóa và Thông tin nơi gần nhất.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền khi tiếp nhận thông tin về việc phát hiện địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ

1. Khi được tổ chức, cá nhân thông báo về việc phát hiện địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ hoặc giao nộp di vật khảo cổ thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Quy chế này phải kịp thời cử người tiếp và ghi nhận đầy đủ thông tin và tổ chức việc bảo vệ, bảo quản di vật khảo cổ.

Trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc Phòng Văn hóa và Thông tin tiếp nhận thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin về địa điểm khảo cổ và di vật khảo cổ được phát hiện, giao nộp, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho Phòng Văn hoá và Thông tin. Sau đó, Phòng Văn hoá và Thông tin phải kịp thời báo cáo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tổ chức việc quản lý và bảo vệ.

2. Việc tiếp nhận thông tin về địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ và việc giao nhận di vật khảo cổ phải được lập thành văn bản (mẫu Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Quy chế này).

3. Triển khai kịp thời hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các biện pháp bảo vệ địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ được phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 5 Quy chế này.

Điều 8. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp sau khi tiếp nhận thông tin về việc phát hiện địa điểm khảo cổ và di vật khảo cổ

Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp sau khi tiếp nhận thông tin về việc phát hiện địa điểm khảo cổ và di vật khảo cổ thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 86/2005/NĐ-CP.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

1. Tiếp nhận thông tin về địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; tổ chức thẩm tra tính chính xác của thông tin về địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ và giám định sơ bộ di vật khảo cổ được giao nộp; tổ chức bảo vệ, bảo quản; báo cáo và đề xuất kế hoạch thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ tới Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Đề nghị hoặc thỏa thuận việc xin cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

3. Cấp giấy phép khai quật khẩn cấp địa điểm khảo cổ tại địa phương theo đề nghị của tổ chức có chức năng thăm dò, khai quật khảo cổ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Quy chế này.

4. Quản lý, tổ chức bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ.

5. Thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét thỏa thuận hoặc phê duyệt các dự án, kế hoạch thăm dò, khai quật khảo cổ.

6. Phối hợp với tổ chức có chức năng thăm dò, khai quật khảo cổ tiến hành thăm dò, khai quật địa điểm khảo cổ theo giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

7. Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ; tập huấn kiến thức chuyên môn về công tác bảo vệ địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

8. Tổ chức lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh và di tích quốc gia các địa điểm khảo cổ tại địa phương.

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Di sản văn hoá

1. Trình Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ.

2. Trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định việc cấp phép thăm dò khảo cổ, khai quật khảo cổ và cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia thăm dò, khai quật khảo cổ.

3. Thẩm định các dự án thăm dò, khai quật khảo cổ trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, thỏa thuận.

4. Thẩm định hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia các địa điểm khảo cổ trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng.

5. Chỉ đạo và hướng dẫn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ.

6. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ và khai quật địa điểm khảo cổ; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao sự hiểu biết về kỹ thuật bảo quản địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ.

7. Tổ chức, quản lý các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc bảo vệ và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ.

8. Kiểm tra hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ.

Chương III

HOẠT ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI QUẬT KHẢO CỔ

Điều 11. Điều kiện để các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ

1. Tổ chức có chức năng thăm dò, khai quật khảo cổ được quy định tại Điều 19 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá (sau đây gọi là Nghị định số 92/2002/NĐ-CP) và Điều 12 Nghị định số 86/2005/NĐ-CP.

2. Người chủ trì việc thăm dò, khai quật khảo cổ phải có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Di sản văn hoá.

3. Có giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

Điều 12. Thủ tục và hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ

1. Tổ chức có chức năng thăm dò, khai quật khảo cổ gửi hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ tới Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ đề nghị cấp phép bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ (mẫu Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Quy chế này) của tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ.

Trường hợp tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ mời tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia thăm dò, khai quật khảo cổ thì tổ chức chủ trì phải có văn bản báo cáo nêu rõ tên của tổ chức, cá nhân đó và những tài liệu giới thiệu về chương trình hợp tác của các bên tham gia thăm dò, khai quật khảo cổ;

b) Văn bản thỏa thuận đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có địa điểm thăm dò, khai quật khảo cổ đối với trường hợp tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ không phải là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoặc không phải là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) Sơ đồ vị trí địa điểm thăm dò, khai quật khảo cổ tỉ lệ 1:500, trong đó thể hiện rõ vị trí, diện tích các khu vực thăm dò, khai quật khảo cổ;

d) Văn bản đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ của tổ chức phối hợp thăm dò, khai quật khảo cổ (nếu có).

Trường hợp tổ chức phối hợp thăm dò, khai quật khảo cổ mời tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia thăm dò, khai quật khảo cổ thì tổ chức phối hợp phải có văn bản báo cáo tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ. Căn cứ ý kiến thỏa thuận của tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ sẽ xem xét, quyết định;

đ) Trong trường hợp cần thiết, nếu việc thăm dò, khai quật tại các địa điểm có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc nghiên cứu lịch sử của đất nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ yêu cầu tổ chức xin cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ đệ trình kế hoạch thăm dò, khai quật khảo cổ và các tài liệu liên quan để xem xét trước khi cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

2. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không cấp giấy phép sẽ nêu rõ lý do bằng văn bản.

Điều 13. Thăm dò khảo cổ

Thăm dò khảo cổ bằng hoạt động đào thám sát trong lòng đất được quy định như sau:

1. Diện tích đào thám sát không quá 5m2/1 hố;

2. Không đào quá 5 hố thám sát trong một lần được cấp phép thăm dò khảo cổ;

3. Diện tích đào thám sát trong khu vực di tích kiến trúc được xem xét giải quyết theo yêu cầu cụ thể trong đơn đề nghị cấp phép thăm dò khảo cổ;

4. Việc thăm dò khảo cổ đối với di sản văn hóa dưới nước thực hiện theo quy định tại Nghị định 86/2005/NĐ-CP.

Điều 14. Khai quật khẩn cấp

1. Khi phát hiện địa điểm khảo cổ  có nguy cơ bị xâm hại, huỷ hoại, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi có địa điểm khảo cổ có trách nhiệm:

a) Báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí để tổ chức khai quật khẩn cấp;

b) Cấp giấy phép khai quật khảo cổ khẩn cấp cho tổ chức có đủ điều kiện khai quật khảo cổ tại địa phương hoặc tổ chức có chức năng theo quy định tại Điều 11 của Quy chế này (mẫu Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Quy chế này);

c) Trong thời hạn 3 ngày làm việc, báo cáo bằng văn bản tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cấp phép khai quật khẩn cấp, trong đó nêu rõ những nguyên nhân đe dọa sự tồn tại của địa điểm khảo cổ và gửi kèm theo bản sao giấy phép khai quật khẩn cấp của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

2. Thủ tục cấp phép khai quật khẩn cấp:

a) Hồ sơ đề nghị cấp phép khai quật khẩn cấp được gửi tới Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương nơi có địa điểm khảo cổ cần khai quật khẩn cấp;

b) Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép khai quật khẩn cấp trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không cấp giấy phép phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

3. Hồ sơ đề nghị cấp phép khai quật khẩn cấp bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp phép khai quật khẩn cấp (mẫu Phụ lục số 3  ban hành kèm theo Quy chế này) của tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ;

b) Sơ đồ tỉ lệ 1:500, thể hiện rõ vị trí, diện tích địa điểm khảo cổ cần khai quật khẩn cấp;

c) Văn bản đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ của tổ chức phối hợp khai quật khẩn cấp (nếu có).

4. Trước khi tiến hành khai quật khẩn cấp, tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ phải ghi chép mô tả chi tiết, thu thập tài liệu, lập sơ đồ và chụp ảnh hiện trường. Các bước khai quật tiếp theo thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Quy chế này.

Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thăm dò, khai quật khảo cổ

1. Thực hiện việc thăm dò, khai quật khảo cổ đúng với nội dung ghi trong giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ. Trong trường hợp thay đổi tổ chức hoặc người chủ trì khai quật, thời gian khai quật và điều chỉnh diện tích khai quật thì tổ chức được cấp giấy phép phải có văn bản đề nghị và phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

2. Thực hiện đúng quy trình khai quật khảo cổ quy định tại Điều 17 của Quy chế này.

3. Tổ chức được cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ và người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ có trách nhiệm xây dựng báo cáo sơ bộ và hồ sơ khai quật khảo cổ.

4. Thu giữ, bảo quản và bàn giao đầy đủ di vật khảo cổ thu thập được và hồ sơ khai quật khảo cổ cho cơ quan được giao trách nhiệm bảo quản, gìn giữ di vật ghi trong giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

5. Tuyên truyền để nhân dân địa phương nơi có địa điểm khảo cổ hiểu về ý nghĩa, giá trị của di sản văn hoá và ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương.

6. Bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên nơi khai quật khảo cổ.

7. Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân cấp xã, Phòng Văn hóa và Thông tin và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, xử lý hiện vật phục vụ việc nghiên cứu, phát huy giá trị lâu dài tại bảo tàng hoặc địa điểm khảo cổ.

8. Không công bố và phổ biến những kết luận về địa điểm khai quật khi chưa có sự thoả thuận bằng văn bản của Cục Di sản văn hoá.

Điều 16. Lập dự án khai quật khảo cổ

1. Trường hợp diện tích khai quật khảo cổ từ 1.000m2 trở lên, tổ chức chủ trì khai quật khảo cổ phải xây dựng dự án khai quật khảo cổ để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, thoả thuận trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trường hợp diện tích khai quật khảo cổ dưới 1.000m2, tổ chức chủ trì khai quật khảo cổ phải xây dựng kế hoạch khai quật và dự toán kinh phí để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương xem xét, phê duyệt hoặc thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp kinh phí khai quật của địa phương).

3. Trường hợp khai quật di sản văn hoá dưới nước, thực hiện theo quy định tại Nghị định 86/2005/NĐ-CP.

Điều 17. Quy trình khai quật khảo cổ

1. Công tác chuẩn bị khai quật khảo cổ:

a) Nghiên cứu toàn diện những thông tin liên quan tới địa điểm khai quật và xây dựng phương án khai quật khảo cổ, bảo quản xử lý di tích, di vật;

b) Xây dựng kế hoạch và tiến độ thăm dò, khai quật theo thời gian ghi trong giấy phép thăm dò, khai quật;

c) Liên hệ với Uỷ ban nhân dân cấp xã và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Phòng Văn hóa và Thông tin tại địa phương để thông báo kế hoạch khai quật và thống nhất phương án bảo vệ địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ;

d) Chuẩn bị đầy đủ phương tiện và thiết bị chuyên dụng phục vụ khai quật khảo cổ và bảo quản di vật khảo cổ, địa điểm khảo cổ;

đ) Tuyển nhân viên kỹ thuật và nhân công có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực lao động phù hợp với yêu cầu của hoạt động khai quật khảo cổ;

e) Làm mái che, hàng rào bao quanh công trường khai quật khảo cổ trong trường hợp cần thiết;

g) Ban hành và phổ biến đến những người có liên quan các quy định cụ thể về quản lý, bảo vệ địa điểm khai quật, bảo vệ di vật khảo cổ trong quá trình khai quật khảo cổ và các quy định về an toàn lao động.

2. Công tác khai quật khảo cổ:

a) Lập sơ đồ chính xác khu vực khai quật khảo cổ;

b) Dọn dẹp mặt bằng khai quật;

c) Tiến hành khai quật theo địa tầng;

Lập bản vẽ tọa độ, chụp ảnh di vật, dấu vết kiến trúc và mộ táng phát hiện được trong khi khai quật và làm “Phiếu hiện vật” (mẫu Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Quy chế này);

d) Phân loại sơ bộ di vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ;

đ) Ghi nhật ký quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ.

Người phụ trách thăm dò, khai quật hàng ngày phải ghi chép vào Sổ nhật ký khai quật khảo cổ những nhận xét về kết cấu và diễn biến địa tầng, sự phân bố các di vật tìm thấy và những quan sát, nhận xét khoa học khác để làm cơ sở cho việc viết báo cáo khoa học và nghiên cứu lâu dài về địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ.

Trong trường hợp công trường khai quật có quy mô rộng lớn gồm nhiều hố khai quật thì mỗi hố khai quật phải có Sổ nhật ký khai quật khảo cổ riêng.

3. Khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, tổ chức và người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ phải báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ và đưa ra phương hướng bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp với tính chất và tình trạng bảo quản của di tích, di vật khảo cổ. Người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ có trách nhiệm nộp Sổ nhật ký thăm dò, khai quật khảo cổ cho cơ quan chủ quản để lưu trữ phục vụ nghiên cứu lâu dài.

Điều 18. Đình chỉ thăm dò, khai quật khảo cổ

1. Việc thăm dò, khai quật khảo cổ sẽ bị đình chỉ trong những trường hợp sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy trình thăm dò, khai quật và những quy định đã ghi trong giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ;

b) Xét thấy tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai quật không đủ khả năng tiếp tục thực hiện thăm dò, khai quật khảo cổ theo đúng yêu cầu khoa học;

c) Do những lý do khách quan và chủ quan làm ảnh hưởng tới sự an toàn của các thành viên tham gia thăm dò, khai quật khảo cổ cũng như sự toàn vẹn của các di vật và địa điểm khảo cổ;

d) Vi phạm các quy định tại Điều 5 của Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Người có thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ có quyền quyết định đình chỉ thăm dò, khai quật khảo cổ.

Điều 19. Bảo vệ, quản lý, xử lý địa điểm khảo cổ sau thăm dò, khai quật

1. Sau khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan quản lý trực tiếp địa điểm khảo cổ chịu trách nhiệm xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị địa điểm khảo cổ đã được thăm dò, khai quật.

2. Nội dung việc bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị địa điểm khảo cổ sau thăm dò, khai quật khảo cổ bao gồm:

a) Áp dụng các biện pháp bảo quản các phế tích kiến trúc, di vật và các dấu vết khảo cổ khác mà không thể di dời;

b) Tiến hành lấp hố khai quật đến cao độ mặt bằng khu đất trước khi thăm dò, khai quật, trừ trường hợp cần giữ nguyên hiện trạng hố khai quật để phục vụ cho việc nghiên cứu, trưng bày về địa điểm khảo cổ;

c) Cắm mốc giới đánh dấu vị trí hố khai quật và đặt biển chỉ dẫn về địa điểm khảo cổ. Biển chỉ dẫn ghi rõ tên địa điểm khảo cổ, năm khai quật, kinh độ, vĩ độ của hố khai quật.

3. Trường hợp xét thấy địa điểm khảo cổ có đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi có địa điểm khảo cổ có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích khảo cổ theo quy định.

Điều 20. Chỉnh lý, bảo quản di vật khảo cổ sau thăm dò, khai quật

Sau khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ, tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ có trách nhiệm xây dựng phương án xử lý, bảo quản di vật khảo cổ đã được thăm dò, khai quật. Di vật khảo cổ được xử lý, bảo quản theo nguyên tắc sau đây:

1. Kiểm kê, chỉnh lý và phân loại theo các tiêu chí khoa học;

2. Làm sạch và tiến hành các biện pháp bảo quản thích hợp đối với những di vật khảo cổ, đặc biệt là các di vật khảo cổ được làm từ chất liệu dễ hư hỏng;

3. Phân tích, thẩm định mẫu di vật khảo cổ;

Trường hợp gửi các mẫu đi nước ngoài để xác định niên đại, giá trị thì thực hiện theo quy định tại các Điều 43, Điều 44 Luật Di sản văn hóa Điều 24 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP;

4. Gắn chắp, phục dựng những di vật khảo cổ bị vỡ khi đủ căn cứ khoa học;

5. Lập hồ sơ khoa học cho các di vật khảo cổ.

Điều 21. Việc quản lý và sử dụng di vật khảo cổ

1. Việc bàn giao, giữ gìn và bảo quản tạm thời hoặc lâu dài di vật khảo cổ thu được từ thăm dò, khai quật khảo cổ được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 41 Luật Di sản văn hóa và nội dung ghi tại giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

2. Trường hợp khai quật khẩn cấp thì Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất việc giao di vật khảo cổ cho bảo tàng nhà nước hoặc cơ quan có chức năng thích hợp để Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định.

3. Khi thực hiện việc bàn giao phải có biên bản giao nhận, không để di vật khảo cổ bị hư hỏng, thất lạc hoặc bị mất (mẫu Phụ lục số 6 ban hành kèm theo Quy chế này).

Điều 22. Báo cáo sơ bộ và Hồ sơ khai quật khảo cổ

1. Sau khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ, các tổ chức được cấp phép thăm dò, khai quật và người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ phải xây dựng báo cáo sơ bộ và hồ sơ khai quật khảo cổ.

2. Báo cáo sơ bộ bao gồm những nội dung sau đây:

a) Sơ lược về diễn biến quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, kết cấu địa tầng hố khai quật và những nhận định bước đầu về loại hình di vật, tính chất và niên đại của địa điểm khảo cổ;

b) Kiến nghị, đề xuất phương án giải pháp bảo quản và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ kèm theo mặt bằng tổng thể di tích, vị trí hố (hay các hố) khai quật và bản ảnh về các di vật khảo cổ tiêu biểu;

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi kết thúc thăm dò, khai quật khảo cổ, Báo cáo sơ bộ phải được gửi về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại địa phương nơi có địa điểm thăm dò, khai quật khảo cổ, Cục Di sản văn hoá và lưu tại tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ, tổ chức phối hợp thăm dò, khai quật khảo cổ.

3. Hồ sơ khai quật khảo cổ bao gồm các thành phần sau:

a) Nhật ký khai quật khảo cổ;

b) Bản vẽ (hiện trường, hiện vật), bản ảnh (hiện trường, hiện vật), bản dập;

c) Phiếu hiện vật, bảng thống kê các di vật khảo cổ;

d) Các kết quả phân tích mẫu vật (nếu có) và các tài liệu viết, nghe, nhìn khác có liên quan đến cuộc khai quật;

đ) Báo cáo khoa học.

Báo cáo khoa học bao gồm những nội dung: trình bày chi tiết quá trình khai quật khảo cổ với những nhận định về loại hình di vật khảo cổ, tính chất và niên đại của địa điểm khảo cổ qua nghiên cứu so sánh với các địa điểm khảo cổ khác có liên quan; kiến nghị, đề xuất, giải pháp, bảo quản và phát huy giá trị địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ.

Báo cáo khoa học phải có chữ ký của người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ và xác nhận của người đứng đầu tổ chức được cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ.

4. Hồ sơ khai quật khảo cổ phải được hoàn thành trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày kết thúc khai quật khảo cổ. Trường hợp đặc biệt cần kéo dài thời gian hoàn thành Hồ sơ khai quật khảo cổ phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan cấp giấy phép thăm dò, khai quật khảo cổ. Hồ sơ khai quật khảo cổ phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chân thực và đầy đủ.

Hồ sơ khai quật khảo cổ được sao gửi về Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại địa phương nơi có địa điểm thăm dò, khai quật khảo cổ, và lưu tại tổ chức chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ và tổ chức phối hợp thăm dò, khai quật khảo cổ ngay sau khi hoàn thành Hồ sơ khai quật khảo cổ. 

Chương IV

 KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 23. Khen thưởng

1. Các hình thức khen thưởng và mức thưởng

Tổ chức, cá nhân phát hiện, tự nguyện giao nộp di vật khảo cổ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tuỳ theo giá trị của di vật được xét tặng giấy khen, bằng khen, huy chương và bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được khen thưởng một khoản tiền theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP.

2. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục quyết định khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật khảo cổ theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP.

Điều 24. Xử lý vi phạm

1. Mọi hành vi vi phạm trong thăm dò, khai quật khảo cổ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan về thăm dò, khai quật khảo cổ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V

 ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra thực hiện Quy chế

Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu phát hiện vấn đề chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá trình Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC 1

Mẫu văn bản tiếp nhận thông tin về việc phát hiện địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ và giao nhận di vật khảo cổ

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
Tên cơ quan, tổ chức
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số .......................................

Tên tỉnh (thành phố), ngày ...... tháng ...... năm 200..... 

 

BIÊN BẢN TIẾP NHẬN THÔNG TIN VỀ VIỆC PHÁT HIỆN ĐỊA ĐIỂM KHẢO CỔ, DI VẬT KHẢO CỔ VÀ GIAO NHẬN DI VẬT KHẢO CỔ

1. Tên tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin/ giao di vật khảo cổ:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Fax:

2. Tên tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin về địa điểm khảo cổ và di vật khảo cổ:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Fax:

3. Tên địa điểm khảo cổ phát hiện:

4. Người phát hiện:

5. Thời gian phát hiện:

6. Hoàn cảnh phát hiện:

7. Thông tin về địa điểm khảo cổ và những miêu tả về di vật khảo cổ được phát hiện:

8. Số lượng biên bản được lập:

 

Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin/giao di vật khảo cổ
(ký và ghi rõ họ tên)
(đóng dấu nếu là tổ chức)

Người ghi biên bản
(ký và ghi rõ họ tên)

Thủ trưởng đơn vị
(ghi rõ chức danh)
(Ký tên và đóng dấu)
Họ và tên của người ký

 

PHỤ LỤC 2

Mẫu văn bản đề nghị cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
Tên cơ quan, tổ chức
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số .......................................

Tên tỉnh (thành phố), ngày ...... tháng ...... năm 200..... 

 

Kính gửi: ...................................................................................

1. Giới thiệu về vị trí địa lý, tọa độ, ý nghĩa, giá trị của địa điểm khảo cổ.

2. Ước đoán niên đại của di chỉ, di vật (kèm theo ảnh của di chỉ, di vật và các tài liệu có liên quan).

3. Mục đích thăm dò/khai quật.

4. Tổ chức chủ trì thăm dò/khai quật.

5. Người chủ trì thăm dò/khai quật.

6. Tổ chức phối hợp thăm dò/khai quật (nếu có).

7. Tổ chức/cá nhân nước ngoài phối hợp thăm dò/khai quật (nếu có).

8. Vị trí địa điểm dự kiến thăm dò/khai quật.

9. Diện tích thăm dò/khai quật.

10. Thời gian thăm dò/khai quật.

11. Đề xuất cơ quan, tổ chức được giao lưu giữ hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò/khai quật.

 

Nơi nhận:
- Như trên (kèm sơ đồ  vị trí thăm dò/khai quật);  
- ..................................................;
- Lưu ........................................

Thủ trưởng đơn vị
(ghi rõ chức danh)
(Ký tên và đóng dấu)
Họ và tên của người ký

 

PHỤ LỤC 3

Mẫu văn bản đề nghị cấp phép khai quật khẩn cấp

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
Tên cơ quan, tổ chức
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số .......................................

Tên tỉnh (thành phố), ngày ...... tháng ...... năm 200..... 

 

Kính gửi: ..................................................................................

1. Giới thiệu về vị trí địa lý, tọa độ, ý nghĩa, giá trị của địa điểm khảo cổ.

2. Nguyên nhân đe dọa sự tồn tại của địa điểm khảo cổ đang có nguy cơ bị hủy hoại.

3. Ước đoán niên đại của di chỉ, di vật (kèm theo ảnh của di chỉ, di vật và các tài liệu có liên quan).

4. Mục đích khai quật khẩn cấp.

5. Tổ chức chủ trì khai quật khẩn cấp.

6. Người chủ trì khai quật khẩn cấp.

7. Tổ chức phối hợp khai quật khẩn cấp (nếu có).

8. Vị trí địa điểm dự kiến khai quật khẩn cấp.

8. Diện tích khai quật khẩn cấp.

9. Thời gian khai quật khẩn cấp.

10. Đề xuất cơ quan, tổ chức được giao lưu giữ hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khẩn cấp.

 

Nơi nhận:
- Như trên (kèm sơ đồ vị trí khai quật khẩn cấp);
- ..................................................;
- Lưu ........................................

Thủ trưởng đơn vị
(ghi rõ chức danh)
(Ký tên và đóng dấu)
Họ và tên của người ký

 

PHỤ LỤC 4

Mẫu Quyết định cấp phép khai quật khẩn cấp

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
Tên cơ quan, tổ chức
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số .......................................

Tên tỉnh (thành phố), ngày ...... tháng ...... năm 200..... 

 

QUYẾT ĐỊNH

về khai quật khảo cổ khẩn cấp

GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ ……………………….;

Căn cứ Luật Di sản văn hoá và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Quyết định ban hành Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ số … ngày … của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của …………….;

Xét đề nghị của ……………….,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Cho phép …………….. phối hợp với ………………. Khai quật khẩn cấp ……………..

Thời gian khai quật: từ  ngày ….. đến ngày …..

Diện tích khai quật: ….. m2.

Phụ trách khai quật: …..

Điều 2. Trong thời gian khai quật khẩn cấp, các cơ quan được cấp giấy phép có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không được đưa ra những kết luận vội vàng khi chưa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Di sản văn hóa đồng ý. 

Điều 3. 

a/ Sau khi kết thúc đợt khai quật khẩn cấp, chậm nhất 01 (một) tháng ………….. phải có báo cáo sơ bộ và sau 01 (một) năm phải có báo cáo khoa học gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Di sản văn hóa.

b/ Khi công bố kết quả của đợt khai quật khẩn cấp, các cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi với Cục Di sản văn hóa.

Điều 4. Chánh Văn phòng, Thủ tr­ưởng cơ quan đ­ược cấp giấy phép chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận: 
- ...............  
- ...............
- Lưu:........

Thủ trưởng đơn vị
(Ký tên và đóng dấu)
Họ và tên của người ký

 

PHỤ LỤC 5

Mẫu ‘Phiếu hiện vật’

(ghi thông tin hiện vật thu được từ thăm dò, khai quật khảo cổ)

PHIẾU HIỆN VẬT

Số: …………………………

1. Tên hiện vật:

2. Ký hiệu:

3. Thời gian thăm dò, khai quật và phát hiện:

4. Địa điểm khảo cổ:

5. Hố thăm dò, khai quật :

6. Ô thăm dò, khai quật :

7. Lớp đất :

8. Tọa độ :

9. Chất liệu:

10. Màu sắc

11. Số lượng:

12. Kích thước (cm):

13. Trọng lượng (gr):

14. Hiện trạng:

15. Dự đoán niên đại/văn hóa :

16. Miêu tả :

17. Ảnh:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

18. Bản vẽ/bản dập

 

 

 

 

19. Ngày lập phiếu:

20. Người lập phiếu :

 

PHỤ LỤC 6

Mẫu biên bản giao nhận di vật khảo cổ thu được từ thăm dò, khai quật khảo cổ

TÊN CƠ QUAN CHỦ QUẢN
Tên cơ quan, tổ chức
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số .......................................

Tên tỉnh (thành phố), ngày ...... tháng ...... năm 200..... 

 

BIÊN BẢN GIAO NHẬN DI VẬT KHẢO CỔ THU ĐƯỢC TỪ THĂM DÒ, KHAI QUẬT KHẢO CỔ

1. Tên tổ chức bàn giao di vật khảo cổ:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Fax:

2. Tên tổ chức tiếp nhận di vật khảo cổ:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Fax:

3. Tên di vật khảo cổ:

4. Số lượng:

5. Tình trạng:

6. Thông tin khác:

 

Người giao
(ký và ghi rõ họ tên)

Thủ trưởng đơn vị bàn giao
(ghi rõ chức danh)
(Ký tên và đóng dấu)
Họ và tên của người ký

Người nhận
(ký và ghi rõ họ tên)

Thủ trưởng đơn vị tiếp nhận
(ghi rõ chức danh)
(Ký tên và đóng dấu)
Họ và tên của người ký

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 86/2008/QĐ-BVHTTDL về quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 86/2008/QĐ-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Hoàng Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản