Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 859/QĐ-UBND

An Giang, ngày 11 tháng 6 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG NĂM 2014 VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT MÙI 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1770/QĐ-UBND , ngày 16 tháng 8 năm 2013 của UBND tỉnh An Giang, về việc ban hành Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2013 – 2015;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 133/TTr-SCT ngày 30 tháng 5 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT. TU, TT, HĐND tỉnh;
- CT và các P. CT UBND tỉnh;
- Các Sở: Công Thương, Tài chính; TT&TT, NN&PTNT, Y tế, GDĐT;
- Công an tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước - AG;
- Hiệp hội Doanh nghiệp AG;
- Báo AG, Đài PT&TH AG;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT-Vp. UBND tỉnh;
- Lưu: HCTC.

CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG NĂM 2014 VÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT MÙI 2015
(Kèm theo Quyết định số 859/QĐ-UBND, ngày 11 tháng 6 năm 2014)

I. Mục đích, yêu cầu:

- Tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành và đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường trong năm 2014 và tết Nguyên đán 2015.

- Chủ động dự trữ hàng hóa tham gia thị trường nhất là các mặt hàng trọng yếu với giá bán lẻ có tính ổn định tương đối; tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn hàng, mở rộng mạng lưới phân phối các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu có chất lượng, đảm bảo vệ sinh, giá cả hợp lý... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

- Góp phần nâng cao ý thức tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

II. Nội dung thực hiện:

- Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, hoạt động bình ổn thị trường; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Đẩy mạnh tuyên truyền có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc đề xuất kịp thời với UBND tỉnh, Bộ, Ngành liên quan có biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tăng cường các hoạt động khuyến mại, giảm giá; triển khai việc dự trữ hàng hóa góp phần bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường; kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật.

III. Mặt hàng, lượng hàng, thời gian thực hiện và đối tượng tham gia:

1. Mặt hàng bình ổn: gồm gạo, thịt gia súc gia cầm, đường ăn, dầu ăn, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng, hàng bách hóa, xăng dầu.

2. Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường: trong những tháng bình thường chiếm 20% - 25% nhu cầu thị trường. Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn thị trường Tết nguyên đán chiếm 25% - 30% nhu cầu thị trường. Hàng hóa tham gia bình ổn ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, đảm bảo về chất lượng lưu hành, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng đầy đủ các quy định về ghi nhãn sản phẩm. Cụ thể lượng hàng như sau:

Tên hàng

ĐVT

Lượng hàng bình quân/tháng bình thường

Lượng hàng bình quân/ tháng tết

- Gạo trắng tốt

Tấn

3.000

4.000

- Thịt gia súc, gia cầm

-

200

300

- Đường ăn

-

130

180

- Dầu ăn

Ngàn lít

40

60

- Thực phẩm tươi sống

Tỷ đồng

11

16

- Thực phẩm công nghệ

-

12

17

- Hàng bách hóa

-

33

40

- Xăng dầu

Ngàn lít

450

700

3. Thời gian thực hiện: Từ 01/6/2014 đến 31/3/2015.

- Tháng bình thường: Từ 01/6/2014 đến 30/12/2014

- Tháng tết: Từ 01/01/2015 đến 31/3/2015.

4. Đối tượng tham gia bình ổn:

- Các ngân hàng thương mại hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.

- Doanh nghiệp, cơ sở có chức năng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phù hợp với các mặt hàng tham gia Chương trình; có uy tín, năng lực, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh các mặt hàng thuộc diện bình ổn...

IV. Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia bình ổn:

1. Quyền lợi:

- Được kết nối với các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình để vay vốn với lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa để cung ứng phục vụ bình ổn thị trường xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình.

- Doanh nghiệp được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với hàng hóa bình ổn thị trường, điểm bán bình ổn thị trường khi đăng ký tham gia Chương trình và các hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường.

- Được giới thiệu mặt bằng để đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh; ưu tiên giới thiệu cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào mạng lưới điểm bán hiện hữu của Chương trình.

- Được ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh; các Chương trình Hợp tác thương mại giữa tỉnh An Giang với các tỉnh thành trong cả nước (như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…).

2. Nghĩa vụ:

- Thực hiện đăng ký tham gia Chương trình bình ổn; thực hiện đúng các cam kết và các quy định của Kế hoạch này; thông tin công khai các điểm phân phối, bán hàng bình ổn thị trường.

- Tổ chức bán hàng hóa tham gia bình ổn theo chương trình đã đăng ký, đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn và cung ứng đầy đủ hàng hóa trong suốt thời gian tham gia bình ổn; bán đúng giá đã đăng ký. Bố trí hàng hóa ở các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm.

- Chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật hiện hành.

- Khuyến khích doanh nghiệp phát triển, gia tăng, đa dạng hóa hệ thống phân phối, điểm bán hàng bình ổn của đơn vị bằng nhiều phương thức: Liên kết, hợp tác với tiểu thương, hộ bán lẻ tại các chợ truyền thống, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại tại các huyện, thị, thành trên địa bàn…

- Sử dụng đúng mục đích vốn vay và hoàn trả ngân sách tỉnh đúng thời gian quy định (đối với doanh nghiệp tham gia chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường).

V. Cơ chế thực hiện:

1. Nguồn vốn:

- Doanh nghiệp chủ động sử dụng từ nguồn vốn tự có và vay các tổ chức tín dụng đăng ký cho doanh nghiệp tham gia Chương trình vay với hạn mức tín dụng và lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa để cung ứng phục vụ bình ổn thị trường.

- Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục vay vốn và giải ngân vốn vay theo quy trình thủ tục đúng quy định pháp luật do các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình công bố, hướng dẫn. Lịch trả nợ vay, hạn mức vay và lãi suất cụ thể sẽ do các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tham gia Chương trình thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm trong hợp đồng vay vốn.

2. Giá bán bình ổn thị trường:

- Về niêm yết giá: Tất cả các mặt hàng bình ổn đều phải được niêm yết giá công khai và thống nhất ở tất cả các điểm tham gia bán hàng bình ổn. Việc niêm yết giá phải rõ ràng, không gây nhầm lẫn cho khách hàng và bán đúng giá đã niêm yết.

- Giá bán hàng hóa: là giá do đơn vị tham gia Chương trình xây dựng và thực hiện đăng ký với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5% đến 10%. Trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm đối với giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường như sau:

+ Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng từ 5% đến 10% so thời điểm doanh nghiệp đăng ký giá bán bình ổn thị trường, các đơn vị thực hiện đăng ký lại giá bán và phải được Sở Tài chính thẩm định, chấp thuận bằng văn bản.

+ Trường hợp thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên, doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán tương ứng. Doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giảm giá bán khi thị trường giảm và gửi thông báo về Sở Tài chính.

- Giá thị trường là giá do Sở Tài chính thông báo tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký giá.

- Mặt hàng đăng ký giá với Sở Tài chính theo nguyên tắc nêu trên, gồm: Gạo, đường ăn, dầu ăn, xăng dầu. Riêng mặt hàng xăng dầu, do Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính nhiều lần áp dụng các biện pháp để bình ổn giá xăng dầu trong nước qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ như thuế, phí và quỹ bình ổn giá để điều hành giá xăng dầu theo sát với diễn biến của thị trường quốc tế, phù hợp với nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật; công tác điều hành giá xăng dầu tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, đúng quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Vì thế, thực hiện giá bán lẻ xăng dầu theo quyết định của doanh nghiệp đầu mối.

- Đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hàng bách hóa doanh nghiệp tự định giá bán phù hợp thị trường tiêu thụ.

- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nguyên liệu, sản xuất, dự trữ hàng hóa đầy đủ, ổn định để cung ứng và giữ ổn định giá bán trong năm 2014, đặc biệt trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

3. Phát triển mạng lưới:

- Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia phải chấp hành các quy định của Chương trình, đồng thời chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm đẩy mạnh phân phối và xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng bình ổn thị trường, góp phần chăm lo cho đời sống của nhân dân.

- Khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi); đẩy mạnh việc phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động, tăng thêm lượng hàng hóa vào các điểm bán hàng bình ổn; chú trọng thực hiện các chuyến hàng Việt về nông thôn, phiên chợ hàng Việt trên địa bàn tỉnh.

VI. Tổ chức thực hiện:

A. Phân công nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan:

1. Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; Tiếp nhận và tổng hợp đăng ký tham gia chương trình của doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh An Giang tham mưu UBND tỉnh trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạng lưới phân phối, trong đó lưu ý mở các điểm bán hàng bình ổn trong khu vực chợ truyền thống. Phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn qua các hình thức như: Phiên chợ hàng Việt, bán hàng Việt lưu động về nông thôn, nhằm góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, tham mưu, đề xuất kịp thời các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.

- Cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng, Sở Thông tin và Truyền thông những tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành và bình ổn thị trường theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương, UBND tỉnh để việc thông tin, tuyên truyền được chính xác, kịp thời, tránh thông tin sai lệch, gây nên những tin đồn thất thiệt, hoang mang trong dư luận, gây xáo trộn thị trường.

- Phối hợp Sở, Ngành chức năng và Ủy ban nhân dân huyện. thị, thành kiểm tra, giám sát công tác sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường.

- Trình UBND tỉnh xem xét, quyết định áp dụng chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong trường hợp giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường có khả năng biến động tăng từ trên 10%.

- Kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc (nếu có) của các đơn vị tham gia Chương trình, tổng hợp báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp thực hiện; theo dõi, đánh giá và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tham gia thực hiện tốt Chương trình.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường: Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, không đảm bảo an toàn thực phẩm…. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá liên quan đến mặt hàng bình ổn thị trường. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đúng quy định pháp luật hiện hành.

2. Sở Tài Chính:

- Hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá của doanh nghiệp tham gia Chương trình; thẩm định giá đăng ký, công bố giá bán bình ổn thị trường của doanh nghiệp; chịu trách nhiệm kiểm tra việc điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường của doanh nghiệp, đảm bảo giá bán bình ổn thị trường đúng quy định của Chương trình. Kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá với mức tăng không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào, các trường hợp tự ý điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

- Phối hợp các Sở, Ngành chức năng, UBND huyện, thị, thành kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của doanh nghiệp tham gia Chương trình. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng công bố công khai các hành vi vi phạm pháp luật về giá của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để nhân dân biết và giám sát kiểm tra.

- Thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu; tổ chức kiểm tra trong các trường hợp biến động giá (nếu có); tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý.

- Trong trường hợp áp dụng chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Tài chính xác định hạn mức vay để vay vốn từ nguồn tín dụng ưu đãi hoặc ứng vốn của từng doanh nghiệp tương ứng với lượng hàng hóa được giao thực hiện bình ổn thị trường theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 14719/BTC-NSNN ngày 26/10/2012.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Xây dựng các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của tỉnh nhằm chủ động tạo nguồn hàng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Cụ thể:

+ Tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đi đôi với tiếp tục chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để tránh thiếu thực phẩm trong thời gian tới; cần khuyến khích phát triển những vùng chăn nuôi an toàn. Áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi an toàn: con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, an toàn dịch bệnh; Thức ăn có nguồn gốc và đảm bảo chất lượng; Thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc nuôi dưỡng; Đảm bảo điều kiện cách ly tốt; Làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc và tiêm phòng định kỳ; Kiểm soát tốt công tác vận chuyển.

+ Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở ấp nở trứng gia cầm; kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 1057/QĐ-BNN-CN ngày 10/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hướng dẫn thực hiện biện pháp ATSH cho các cơ sở ấp trứng gia cầm hộ gia đình.

+ Tuyên truyền cho người dân kiến thức về các sản phẩm gia cầm an toàn. Tạo khâu liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, tránh trường hợp thương lái ép giá gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi cũng như cho Nhà nước.

+ Phát triển chăn nuôi phải gắn với việc phát triển vùng thức ăn đáp ứng nhu cầu và hạ giá thành chăn nuôi tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Tiếp tục thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình “Cánh đồng lớn", chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, mở rộng áp dụng Global GAP để giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận cho người dân. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng mô hình liên kết sản xuất đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

- Triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan đề xuất và trình UBND tỉnh Chương trình bình ổn thị trường đối với mặt hàng phục vụ mùa khai trường khi xét thấy cần thiết và tình hình thị trường có biến động. Trên cơ sở chấp thuận của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo làm cơ quan đầu mối xét chọn doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn; xác định số lượng hàng bình ổn giá (như: Tập, viết, balo, cặp, túi sách và đồng phục học sinh); chịu trách kiểm tra, giám sát nguồn hàng phục vụ mùa khai trường tham gia bình ổn trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Y tế:

- Tăng cường quản lý nhà nước về giá thuốc, đấu thầu thuốc hàng năm theo quy định tại Thông tư 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT, Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, Thông tư 36/2013/TTLT-BYT-BTC, Thông tư 37/2013/TT-BYT góp phần bình ổn thị trường dược phẩm, không để xảy ra trường hợp tăng giá đột biến và bất hợp lý. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, từng bước giảm việc lạm dụng thuốc trong điều trị ở các cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân.

- Phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan đề xuất và trình UBND tỉnh Chương trình bình ổn thị trường đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh khi xét thấy cần thiết và tình hình thị trường có biến động; giới thiệu doanh nghiệp, cơ sở tham gia bình ổn thị trường thuốc trên địa bàn tỉnh An Giang.

6. Công an tỉnh:

Chỉ đạo các phòng chức năng và công an huyện áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, điều tra và xử lý đối với các hành vi: bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ…, gây hoang mang trong nhân dân.

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo và định hướng các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của nhà nước, tình hình thị trường đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhằm tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân trong việc cùng chính quyền tham gia tích cực vào việc kiểm soát thị trường, kiểm soát giá cả, nhằm bình ổn thị trường trong tỉnh. Đồng thời, việc thông tin cần chuẩn xác, tránh thông tin không đúng gây hoang mang, tạo tâm lý bất ổn trong nhân dân.

8. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang:

- Tham gia cung cấp thông tin về Chương trình đến các tổ chức tín dụng và giới thiệu các tổ chức tín dụng có nhu cầu và khả năng thực hiện đăng ký tham gia Chương trình.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình thực hiện việc cho vay theo quy định pháp luật, theo nội dung ký kết khi tham gia Chương trình và các quy định khác có liên quan của Chương trình.

- Hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình thực hiện việc giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp bình ổn thị trường nhằm đảm bảo việc giải ngân được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và đúng quy định pháp luật.

- Phối hợp với Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

9. Báo An Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình An Giang:

Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan xây dựng chuyên mục bình ổn thị trường phát định kỳ trên báo, sóng truyền hình và truyền thanh để thông tin đến người tiêu dùng trên địa bàn. Đưa tin phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình thực hiện bình ổn thị trường theo Kế hoạch này.

10. Hiệp hội Doanh nghiệp An Giang:

- Vận động các doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình bình ổn thị trường của Ủy ban nhân dân tỉnh, đối với một số mặt hàng thiết yếu theo quy định và các sản phẩm của doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, để tích cực tham gia vào chương trình bình ổn thị trường, nhất là vào các dịp lễ, tết.

- Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh nhằm tăng cường hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu thị trường.

- Thực hiện tốt mối quan hệ, liên kết với các Hiệp hội Doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL và trong nước tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh bạn.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về Chương trình, doanh nghiệp và điểm bán tham gia Chương trình để người dân trên địa bàn biết và tham gia mua sắm.

- Rà soát, giới thiệu các mặt bằng đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích cho doanh nghiệp tham gia Chương trình đầu tư phát triển cửa hàng, siêu thị bán hàng bình ổn thị trường, phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống để ưu tiên phân phối những mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả.

- Hỗ trợ và bố trí địa điểm phù hợp để doanh nghiệp tham gia Chương trình tổ chức bán hàng lưu động trên địa bàn.

- Chịu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định tại các điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn; công tác quản lý giá, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên địa bàn. Chủ động thông tin, phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính xử lý kịp thời những bất ổn trong diễn biến cung - cầu hàng hóa và các trường hợp biến động giá trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương tích cực phối hợp, hỗ trợ Sở, Ngành và doanh nghiệp tham gia Chương trình thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, hỗ trợ cho hoạt động của các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa bình ổn thị trường.

B- Thực hiện chế độ thông tin báo cáo:

1. Giao Sở Công Thương làm cơ quan đầu mối định kỳ (tháng, quý) tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh).

2. Các Ngành, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện báo cáo về Sở Công thương để tổng hợp báo cáo theo quy định./.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

 

DANH SÁCH

CÁC DOANH NGHIỆP CHỦ LỰC MỜI THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH

Stt

Doanh nghiệp

1

Cty CP Xuất nhập khẩu An Giang

2

Cty CP XNK Thủy sản An Giang

3

Cty CP Lương thực- Thực phẩm An Giang

4

Cty CP Nông sản Thực phẩm An Giang

5

Cty CP Rau quả Thực phẩm An Giang

6

Metro Long Xuyên

7

Siêu thị Tứ Sơn

8

Co.op Mart Long Xuyên

9

Siêu thị Vinatex Long Xuyên

10

Siêu thị Vinatex Châu Đốc

11

Siêu thị Vinatex Tân Châu

12

Siêu thị điện máy Cao Phong

13

TT Mua sắm Nguyễn Kim

14

TT Mua sắm Nguyễn Huệ

15

Cty TNHH MTV Xăng dầu AG

16

Cty CP Xăng dầu Dầu khí AG

17

Cty Dầu khí Cửu Long

18

Cty TNHH 1TV TM - DK Đồng Tháp

19

Cty TNHH XD Huy Hoàng

20

Cty TM DV Mỹ Hoà

21

Cty TNHH Trương Phát Thịnh

22

DNTN An Kiên

23

DNTN Trương Dung

24

Cty CP Bảo vệ Thực vật An Giang

25

Ngân hàng Vietinbank - An Giang

26

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh AG

27

Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT An Giang - Chi nhánh AG

28

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN - Chi nhánh AG

29

Ngân hàng CPTM Sài Gòn Thương tín

30

Ngân hàng Eximbank

31

Ngân hàng Sacombank

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 859/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015

  • Số hiệu: 859/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/06/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Vương Bình Thạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản