Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 852/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 03 tháng 4 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG TUYẾN QUỐC LỘ 13 GIAI ĐOẠN 2018 – 2022 (ĐOẠN TỪ KM1+248 THỊ XÃ THUẬN AN ĐẾN KM65+355 HUYỆN BÀU BÀNG)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Nghị quyết số 88/NQ-CP , ngày 24/08/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020.

Theo đề nghị của Công an tỉnh tại Tờ trình số 126/TTr-CAT-PC67 ngày 26/3/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Đảm bảo an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 13, giai đoạn 2018 - 2022” (đoạn từ Km01+248 thị xã Thuận An đến Km65+355 huyện Bàu Bàng).

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Liêm

 

ĐỀ ÁN

ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG TUYẾN QUỐC LỘ 13 GIAI ĐOẠN 2018 - 2022 (ĐOẠN TỪ KM01+248 THỊ XÃ THUẬN AN ĐẾN KM65+355 HUYỆN BÀU BÀNG)
(Ban hành kèm theo Quyết định số  852/QĐ-UBND ngày 03/04/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Tuyến Quốc lộ 13, đoạn đi qua tỉnh Bình Dương, có điểm khởi đầu từ cầu Vĩnh Bình thuộc phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An đến điểm cuối là cầu Tham Rớt thuộc xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng với tổng chiều dài 64,11 km. Đây là tuyến giao thông kết nối Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên; gắn liền với các Khu công nghiệp phía Bắc với các trung tâm công nghiệp, đô thị phía Nam, vừa đảm bảo nhu cầu vận chuyển, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa phục vụ nhu cầu quốc phòng an ninh, góp phần đắc lực thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh.

Trong điều kiện kinh tế phát triển, dân số gia tăng cơ học mạnh, lượng phương tiện tham gia lưu thông tăng nhanh trên Quốc lộ 13 - tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh nên tình hình trật tự an toàn giao thông đang có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Từ năm 2012 đến năm 2017, trên tuyến Quốc lộ 13 đã xảy ra 346 vụ tai nạn giao thông, chiếm 20,23% tổng số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, với 06 khu công nghiệp, 18 trường học các cấp, 5 siêu thị, 4 chợ dọc tuyến nên vào các giờ cao điểm có hàng ngàn công nhân, học sinh, người lao động… tham gia lưu thông kết hợp với hàng chục ngàn phương tiện giao thông trên đường đã dẫn đến tình trạng ùn ứ cục bộ trên tuyến.

Song song đó, với lợi thế là tuyến giao quan trọng kết nối với các Khu công nghiệp, các trung tâm đô thị, khu dân cư, nên Quốc lộ 13, nhất là đoạn đi qua thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thường xuyên diễn ra tình trạng kinh doanh, mua bán, đặt biển quảng cáo, lấn chiếm lòng lề đường,… gây cản trở giao thông, làm mất vẻ mỹ quan đô thị.

Nhằm đảm bảo cho Quốc lộ 13 phát huy năng lực, xứng tầm là tuyến giao thông huyết mạch, là cửa ngõ kết nối quan trọng với thành phố Hồ Chí Minh;  tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, phù hợp, có tính khả thi và mang tính đột phá nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, kéo giảm tai nạn giao thông, không để ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến Quốc lộ 13. Vì vậy việc xây dựng và triển khai Đề án “Đảm bảo an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 13, từ Km01+248 thị xã Thuận An đến Km65+355 huyện Bàu Bàng, giai đoạn 2018 - 2022” là một nội dung quan trọng và hết sức cần thiết nhằm sớm lặp lại trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 13; phục vụ hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP , ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

- Nghị quyết số 88/NQ-CP , ngày 24/08/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

- Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020.

- Chỉ thị số 02/CT-BCA, ngày 03/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.

III. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Quan điểm chỉ đạo

- Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hạn chế tai nạn giao thông là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội và của toàn dân.

- Xây dựng các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải có tính đột phá, đồng bộ, thực hiện từng bước, liên tục và kiên trì nhằm cải thiện môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh, hiện đại, thân thiện và bền vững. Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông đô thị, chương trình mục tiêu quốc gia về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đảm bảo an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 13 phải đạt mục tiêu của Đề án để nhân rộng các tuyến đường an toàn giao thông khác trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững.

2. Mục tiêu

a. Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; thực hiện toàn diện, đồng bộ, liên tục các giải pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng ngừa, kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 13, hướng tới mục tiêu xây dựng tuyến đường an toàn, trật tự, văn minh, sạch đẹp; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

b. Mục tiêu cụ thể

- Xóa 10 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ, bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thông, hè thoáng, tạo vẻ mỹ quan đô thị trên toàn tuyến Quốc lộ 13.

- Hàng năm giảm tai nạn giao thông trên tuyến từ 5 - 10% cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương); giảm ùn tắc giao thông và không để ùn tắc giao thông kéo dài quá 15 phút.

- Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, trước hết là của người điều khiển phương tiện giao thông; đảm bảo 80% trở lên người dân làm việc, sinh sống, kinh doanh, sản xuất, học tập… dọc tuyến đường được phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

- Xây dựng hình ảnh lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 13 luôn chính quy, hiện đại, tạo được niềm tin và ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và du khách đến Bình Dương.

3. Phạm vi của đề án

- Phạm vi không gian: Tuyến Quốc lộ 13 qua địa bàn tỉnh Bình Dương (từ Km01+248 thị xã Thuận An đến Km65+355 huyện Bàu Bàng).

- Phạm vi thời gian: Từ năm 2018 đến năm 2022.

IV. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, giáo dục và tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn giao thông đường bộ

Ủy ban nhân dân thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp trên tuyến Quốc lộ 13 đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, phổ biến và giáo dục Luật Giao thông đường bộ, Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; các văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và triển khai phổ biến nội dung của Đề án qua nhiều hình thức phù hợp; đảm bảo cán bộ, đảng viên, nhân dân; học sinh, sinh viên và người lao động hiểu, nhận thức và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông; gắn việc xây dựng “Văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; trong đó, tập trung thực hiện các nội dung:

- Phối hợp lực lượng chức năng tỉnh tổ chức tuyên truyền cá biệt đối với những đối tượng vi phạm Luật giao thông đường bộ, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân học tập, sinh sống, sản xuất, kinh doanh…dọc tuyến Quốc lộ 13.

- Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào sinh hoạt thường xuyên của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội đóng trên địa bàn huyện, thị, thành phố có tuyến Quốc lộ 13 đi qua. Xác định việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức cuối năm của học sinh, sinh viên.

- Tuyên truyền pháp luật giao thông cho các chủ doanh nghiệp và lái xe ở các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Tổ chức cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh… dọc tuyến Quốc lộ 13 ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.

2. Nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm

- Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng thực thi nhiệm vụ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.

- Xây dựng kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đối với những lỗi thường gây ra tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ, đi sai làn đường, vi phạm nồng độ cồn, dừng, đỗ không đúng quy định…

- Huy động lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP , ngày 24/3/2010 của Chính phủ. Xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm về an toàn giao thông nhằm răn đe, giáo dục chung đối với các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật về trật tự giao thông, trật tự đô thị.

- Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính kết hợp đồng bộ với các biện pháp khác, kết hợp giữa xử lý và tuyên truyền, đồng thời thông báo về gia đình, địa phương, nhà trường, cơ quan, đoàn thể mà người vi phạm đang sinh sống, công tác theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý các vụ việc vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị cho đội ngũ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, cơ động nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với lực lượng thi hành công vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 13, đảm bảo hiệu quả công việc, không để xảy ra sai phạm.

3. Hoàn thiện hệ thống đảm bảo an toàn giao thông và tổ chức giao thông

- Thay thế, bổ sung, lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ số QCVN:41-2016-BGTVT, ngày 08/4/2016 của Bộ Giao thông vận tải.

- Khắc phục những bất hợp lý trong tổ chức giao thông về bố trí thời gian đèn tín hiệu tại các giao lộ; việc phân làn, phân luồng giao thông; hệ thống thoát nước, sơn lại vạch kẽ đường, lắp dãy phân cách đầy đủ và phù hợp...

- Triển khai thực hiện các giải pháp thu phí nhanh, thuận tiện, phòng ngừa ùn tắc giao thông.

- Tổ chức lắp đặt thí điểm dãy phân cách cứng phân làn ô tô, mô tô tại một số điểm phù hợp.

- Cải tạo 10 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; nâng cấp mặt đường bị xuống cấp, hư hỏng, chống ngập úng.

4. Đảm bảo trật tự hành lang, vĩa hè, tạo mỹ quan đô thị trên tuyến

- Tiến hành đồng bộ các biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang, lấn chiếm lòng đường, vi phạm trật tự đô thị; tuyên truyền, giải thích để những hộ dân nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

- Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm vĩa hè, lòng đường để làm nơi tập kết vật liệu, hàng hóa, phương tiện, kinh doanh buôn bán… gây mất mỹ quan đô thị và mất an toàn giao thông.

- Quản lý chặt chẽ không để tái lấn chiếm hành lang đã được giải tỏa.

V. THỜI GIAN, TIẾN ĐỘ, KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian, tiến độ thực hiện:

Đề án được triển khai thực hiện trong 5 năm, từ năm 2018 – 2022 với tiến độ thực hiện như sau:

a. Giai đoạn 1: Thời gian thực hiện đến hết năm 2018; nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là tuyên truyền sâu rộng, liên tục các nội dung liên quan bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự hành lang đường bộ đến các tổ chức, cá nhân sinh sống, lao động, học tập, làm việc… dọc tuyến Quốc lộ 13; Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp khảo sát, kiểm tra bố trí lại hệ thống biển báo hiệu đường bộ theo đúng Quy chuẩn QCVN:41-2016-BGTVT; giải tỏa lấn chiếm hành lang, vỉa hè trên tuyến Quốc lộ 13.

b. Giai đoạn 2: Từ đầu năm 2019 đến hết năm 2021 với nhiệm vụ trọng tâm là tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị….Thông qua đó, tổ chức tuyên truyền cá biệt đối với người vi phạm; cải tạo những điểm bất cập về cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông trên tuyến Quốc lộ 13.

c. Giai đoạn 3: Thực hiện đến hết năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là tiếp tục công tác tuyên tuyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên toàn tuyến; tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Đề án, đề xuất nhân rộng việc thực hiện đối với các tuyến giao thông trọng điểm khác của tỉnh.

- Sau mỗi giai đoạn thực hiện Đề án, Công an tỉnh phối hợp các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo.

- Cuối giai đoạn 3, Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Đề án (dự kiến vào tháng 10/2022).

2. Kinh phí thực hiện:

- Từ nguồn kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông và các nguồn kinh phí xã hội hóa hợp pháp khác.

- Kinh phí chủ đầu tư (Tổng Công ty Becamex): Bảo trì, khắc phục những bất cập, thiếu sót liên quan đến kết cấu hạ tầng; lắp đặt, bổ sung hệ thống biển báo trên tuyến Quốc lộ 13 và các điểm đấu nối với tuyến Quốc lộ 13.

3. Tổ chức thực hiện

Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo với thành phần gồm:

+ Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh -Trưởng Ban

+ Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh -  Phó Trưởng Ban thường trực

+ Đồng chí Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Phó Trưởng Ban

+ Thành viên Ban Chỉ đạo gồm Lãnh đạo các đơn vị: Sở Tài chính, Tổng Công ty Becamex IJC, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thị xã Thuận An, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Dầu Một, Ủy ban nhân dân thị xã Bến Cát và Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng.

VII. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:

1. Công an tỉnh: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật và cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, giải quyết các vụ tai nạn giao thông, thu thập số liệu về tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 13, báo cáo sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án.

2. Sở Giao thông Vận tải: Chịu trách nhiệm chủ trì triển khai kế hoạch tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông, phối hợp với các ban, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020; rà soát lại tuyến Quốc lộ 13 qua địa bàn tỉnh, các điểm đấu nối với tuyến Quốc lộ 13 để xây dựng kế hoạch chỉ đạo khắc phục những bất hợp lý về cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông; Xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Giao thông vận tải với Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố để thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý hành vi vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Bình Dương: Phối hợp Ủy ban nhân dân 4 huyện, thị, thành phố có tuyến Quốc lộ 13 đi qua chỉ đạo việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với cán bộ, giáo viên, đoàn viên, thanh niên, đội viên, hội viên và thanh niên công nhân, người lao động trên địa bàn.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, cổ động trực quan về văn hóa giao thông; cấp phép đặt bảng quảng cáo dọc theo tuyến đường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, phù hợp với mỹ quan đô thị.

5. Sở Tài chính: Căn cứ vào dự toán hàng năm của các đơn vị liên quan và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh để tham mưu kinh phí thực hiện theo thẩm quyền.

6. Tổng Công ty Becamex IDC: Đơn vị đầu tư, quản lý, bảo trì công trình giao thông thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, chủ động rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời các bất hợp lý trong tổ chức giao thông và khắc phục các điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 13.

7. Ủy ban nhân dân thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng: Triển khai thực hiện các nội dung giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên tuyến Quốc lộ 13 thuộc địa phận quản lý.

8. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương: xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền về tuyến đường an toàn giao thông - Quốc lộ 13; tăng thời lượng và nâng chất lượng các chuyên mục về an toàn giao thông, đưa tin thời sự về trật tự an toàn giao thông; phối hợp thực hiện việc tuyên truyền phổ biến và thực hiện pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên các phương tiện truyền thông và trên các đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố.

Trên đây là Đề án “Đảm bảo an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 13 giai đoạn 2018 – 2022”; trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh; các cơ quan, địa phương, đơn vị có ý kiến phản ánh gửi về Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát Giao thông) để tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 852/QĐ-UBND năm 2018 về Đề án “Đảm bảo an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 13, giai đoạn 2018 - 2022” (đoạn từ Km01+248 thị xã Thuận An đến Km65+355 huyện Bàu Bàng) do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 852/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/04/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản