Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 851/2006/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 08 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CÔN SƠN- HẢI DƯƠNG”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thi đua khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tại tờ trình số 122/TTr- VN ngày 10 tháng 12 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn – Hải Dương”.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 2583/QĐ-UB ngày 21 tháng 8 năm 2000 của UBND tỉnh và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Giám đốc các sở : Văn hoá- Thông tin, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Thủ trưởng các sở, ngành và đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành ./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban Văn hoá xã hội của HĐND tỉnh;
- Chánh, Phó Văn phòng UBND tỉnh;
- Như Điều 3 (để thi hành);
- Lưu VT. ND, 15.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Bùi Thanh Quyến

 

QUY ĐỊNH

VỀ GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CÔN SƠN – HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 851/2006/QĐ-UBND, ngày 08 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh Hải Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích yêu cầu

1. Mục đích: Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Côn Sơn là giải thưởng cao nhất về lĩnh vực VHNT của tỉnh Hải Dương, nhằm đánh giá và biểu dương tài năng, cống hiến của văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo; đồng thời, động viên, khích lệ các tác giả tích cực vươn lên sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị xuất sắc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp văn minh.

2. Yêu cầu: Việc xét tặng phải đảm bảo công khai, chính xác, công bằng.

Điều 2. Thời gian xét thưởng

Giải thưởng VHNT Côn Sơn được xét chọn 5 năm 1 lần  

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đối tượng xét thưởng

1. Tất cả các tác phẩm có nội dung phản ảnh về quê hương, đất nước và con người Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do những tác giả Hải Dương, chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp sáng tác, đều được tham dự giải.

2. Tác phẩm viết về Hải Dương của tác giả ngoài tỉnh có quyền tham dự giải.

Điều 4. Số lượng tác phẩm tham gia xét thưởng

Mỗi tác giả có thể tham dự ở nhiều thể loại tác phẩm khác nhau (quy cách tác phẩm dự giải nêu tại điều 7); song, trong một thể loại, chỉ được tham dự một đơn vị tác phẩm.

Điều 5. Điều kiện tác phẩm tham gia xét thưởng

1. Chỉ xét chọn những tác phẩm đã được phổ biến qua xuất bản, triển lãm, biểu diễn, phát thanh truyền hình v.v...từ cấp tỉnh trở lên; đối với nghệ thuật kiến trúc, phải là những đồ án đã được sử dụng, và công trình xây dựng theo đề án đó đã hoàn thành.

2. Tác phẩm dự giải phải có căn cứ cụ thể về thời gian được phổ biến, thể hiện, và phải được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

3. Thời gian phổ biến tác phẩm trong vòng 5 năm tính từ khi kết thúc việc nhận tác phẩm của giải lần trước, cho đến khi nhận tác phẩm của giải lần kế sau.

4. Mỗi tác giả phải có văn bản đề nghị tham gia dự giải Văn học nghệ thuật Côn Sơn; trong đó ghi rõ tên, thể loại, thời gian, cơ qua xuất bản, phổ biến của các tác phẩm dự giải. Trường hợp đặc biệt, người thân có thể gửi thay, nhưng phải theo đúng các quy đinh của pháp luật.

Điều 6. Thể loại tác phẩm tham gia xét thưởng

Những tác phẩm thuộc 12 thể loại sau đây, đều thuộc phạm vi xét thưởng:

Loại hình nghệ thuật ngôn từ (văn học):

1. Văn xuôi: truyện, tiểu thuyết, ký.

2. Thơ: thơ trữ tình, trường ca, truyện thơ.

3. Kịch bản văn học: kịch bản sân khấu (kịch nói, chèo, tuồng); kịch bản phim truyện (phim nhựa, phim truyền hình).

4. Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật.

5. Mảng văn học viết về đề tài thiếu nhi.

6. Sưu tầm - biên soạn tác phẩm văn học dân gian, dịch thuật

Các loại hình nghệ thuật khác:

7. Sân khấu, điện ảnh: đạo diễn vở kịch, phim truyện.

8. Vai diễn sân khấu chuyên nghiệp.

9. Nhiếp ảnh: tác phẩm ảnh nghệ thuật.

10. Âm nhạc: ca khúc, bản hợp xướng, nhạc cho bộ phim, nhạc cho vở diễn.

11. Mỹ thuật: hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc.

12. Kiến trúc: đồ án thiết kế, đồ án quy hoạch.

Điều 7. Đơn vị tác phẩm tham gia xét thưởng

Đơn vị tác phẩm dự giải thưởng VHNT Côn Sơn được quy định cụ thể như sau:

1. Đối với văn học:

- Với văn xuôi, thơ, nghiên cứu, lý luận- phê bình, dịch thuật đều phải là một tập, hoặc một bộ (tập thơ, tập truyện, tập (hoặc bộ) tiểu thuyết, tập ký, tập nghiên cứu, tập lý luận- phê bình, dịch thuật)

- Với kịch bản văn học (sân khấu, điện ảnh): Là một kịch bản dài biểu diễn từ 60 phút trở lên, hoặc 3 kịch bản ngắn biểu diễn từ 30 phút trở lên.

2. Đối với các loại hình nghệ thuật khác:

- Sân khấu, điện ảnh.

+ Là đạo diễn 01 bộ phim, vở diễn dài (60 phút trở lên), hoặc 03 bộ phim , vở diễn ngắn (30 phút trở lên).

+ Là vai diễn trong 01 bộ phim, vở diễn dài (60 phút trở lên)

- Âm nhạc: là 3 ca khúc hoặc một bản hợp xướng; là phần nhạc của một vở diễn, bộ phim dài (60 phút trở lên), hoặc phần nhạc của 03 bộ phim, vở diễn ngắn (từ 30 phút trở lên).

- Nhiếp ảnh: Là 05 bức ảnh.

- Mỹ thuật: Là bức tranh, bức phù điêu, đồ hoạ, pho tượng.

- Kiến trúc : Là đồ án thiết kế cho 01 công trình xây dựng, hoặc một đồ án quy hoạch; trong đó, các hạng mục nằm trong một chỉnh thể thống nhất.

Cơ quan Thường trực Giải thưởng VHNT Côn Sơn hướng dẫn cụ thể về quy cách, số lượng, chất liệu cho từng thể loại văn học - nghệ thuật tham dự giải thưởng.

3. Trường hợp đặc biệt: Tác phẩm tuy không đúng quy cách nêu trong điều này hoặc trong văn bản hướng dẫn, nhưng được đông đảo dư luận thừa nhận là có giá trị lớn, Hội đồng xét tặng giải thưởng VHNT Côn Sơn có thể xem xét cụ thể, nếu được tất cả các thành viên nhất trí, sẽ trình UBND tỉnh quyết định cho tham gia dự giải.

Điều 8. Tiêu chuẩn của tác phẩm đoạt giải

Tác phẩm đoạt giải phải đạt được các tiêu chuẩn sau:

1. Có giá trị cao về nội dung: phản ánh chân thực cuộc sống, con người Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có tư tưởng tiến bộ, tình cảm trong sáng, toát ra được nhiệt tình tha thiết với quê hương đất nước, với chủ nghĩa xã hội.

2. Có tính nghệ thuật cao: vừa độc đáo, hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc; sinh động, hấp dẫn công chúng.

3. Có tác dụng nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh và năng lực thẩm mỹ cho nhân dân, phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Điều 9. Những điểm ưu tiên

Khuyến khích đúng mức các tác phẩm, theo thứ tự:

1. Nội dung tác phẩm phải đạt được ít nhất một trong ba yêu cầu sau:

- Viết về đề tài lịch sử, cách mạng, kháng chiến, về công cuộc đổi mới hiện nay, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

- Có phát hiện về vẻ đẹp độc đáo, đậm đà bản sắc Xứ Đông trong thiên nhiên và trong tâm hồn, tính cách, hoặc lối sống, phong tục tập quán của con người Hải Dương.

- Đặt ra và gợi hướng giải quyết đúng đắn những vấn đề hệ trọng trong cuộc sống.

2. Tác phẩm đã được phổ biến rộng rãi, được đông đảo công chúng thừa nhận.

3. Tác phẩm của tác giả là người dân tộc thiểu số.

4. Tác phẩm sáng tác cho thiếu nhi .

5. Tác phẩm đầu tay.

6. Tác phẩm của tác giả nữ.

7.Tác phẩm của tác giả trẻ.

Điều 10. Thang điểm chấm giải

Giải thưởng VHNT Côn Sơn tính theo thang điểm 100, cụ thể như sau:

Nội dung:

- Tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống; có tính tư tưởng tốt, đúng đường lối chính sách của Đảng pháp luật Nhà nước; toát ra được nhiệt tình tha thiết đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương (tối đa 60 điểm).

2. Nghệ thuật: Tác phẩm có tính nghệ thuật cao, độc đáo, hấp dẫn công chúng; có tác dụng giáo dục sâu sắc (tối đa 40 điểm).

Điều 11. Cơ cấu giải thưởng cho mỗi thể loại (trong 12 thể loại):

- 1 giải A: Trao cho tác phẩm đạt các tiêu chuẩn nêu tại Điều 8 ở mức xuất sắc, tiêu biểu cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, đạt điểm trung bình từ 95 điểm trở lên.

- 2 giải B: Trao cho những tác phẩm đạt các tiêu chuẩn nêu tại Điều 8 ở mức xuất sắc, đạt điểm trung bình từ 85 điểm đến dưới 95 điểm.

- 3 giải C: Trao cho những tác phẩm đạt các tiêu chuẩn nêu tại Điều 8 ở mức cao và đạt điểm trung bình từ 75 đến dưới 85 điểm.

- 5 giải khuyến khích : trao cho những tác phẩm đạt điểm trung bình từ 65 đến dưới 75 điểm.

(Điểm trung bình được tính như sau: Tổng điểm của các thành viên chia cho số thành viên tham gia chấm điểm).

Điều 12. Số lượng giải thưởng

1. Việc xét trao các loại giải nói trên phụ thuộc vào chất lượng thực tế của các tác phẩm dự giải ở mỗi thể loại, không nhất thiết phải trao đủ các loại giải.

2. Tác giả đoạt nhiều giải thưởng thuộc các thể loại khác nhau, sẽ được nhận tất cả các giải đã đoạt được.

3. Khi có nhiều tác phẩm giá trị ngang nhau, vượt quá số lượng quy định cho một thể loại, sẽ xét theo thứ tự ưu tiên (nêu tại điều 9) đến khi đủ số lượng tối đa.

4. Nếu trong tác phẩm dự giải VHNT Côn Sơn không đạt giải chính thức, nhưng có một tác phẩm thành phần (một bài thơ, một truyện ngắn, một bức ảnh, một ca khúc v.v.) có giá trị xuất sắc, thật sự là tác phẩm tiêu biểu cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, thì tác phẩm cụ thể đó được UBND tỉnh khen thưởng, nhưng tiền thưởng cao nhất không vượt quá 1/5 giá trị giải A.

Điều 13. Giá trị giải thưởng

Giải A trị giá 15 triệu đồng

Giải B trị giá 10 triệu đồng

Giải C trị giá 7 triệu đồng

Giải Khuyến khích , trị giá 3 triệu đồng

Chương III

TỔ CHỨC, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC XÉT THƯỞNG

Điều 14. Hội đồng xét tặng giải thưởng

1. Hội đồng xét tặng giải thưởng (HĐXT) là cơ quan tư vấn giúp UBND tỉnh chủ trì toàn bộ công việc xét tặng giải thưởng VHNT Côn Sơn, đồng thời, trực tiếp chấm chung khảo. HĐXT do UBND tỉnh quyết định thành lập vào đầu năm có kỳ xét thưởng, bao gồm các thành phần sau:

- Chủ tịch Hội đồng: do Phó chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm

- 2 Phó chủ tịch Hội đồng, gồm:

+ Chủ tịch Hội VHNT tỉnh (Phó chủ tịch Thường trực).

+ Giám đốc Sở Văn hoá thông tin.

- Một uỷ viên thư ký là chuyên viên theo dõi VHNT của UBND tỉnh.

- Từ 9 đến 11 uỷ viên gồm: Các thành viên Hội đồng nghệ thuật tỉnh, 01 đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, 1 đại diện Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh.

2. Hội VHNT tỉnh làm chức năng cơ quan Thường trực của HĐXT, có nhiệm vụ:

- Tổ chức tuyên truyền vận động tham gia giải thưởng.

- Căn cứ các quy định tại văn bản này, lập kế hoạch triển khai và soạn thảo hướng dẫn chi tiết cho việc xét thưởng,

- Tổ chức nhận, bảo quản các tác phẩm và tạo điều kiện thuận lợi để Ban sơ khảo làm việc, sau đó báo cáo kết quả sơ khảo lên HĐXT.

- Giúp việc HĐXT trong thời gian Hội đồng làm việc.

- Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác do UBND tỉnh giao cho.

Điều 15 . Hội đồng giám khảo

Hội đồng giám khảo gồm 02 ban: Ban Sơ khảo và Ban Chung khảo.

1. Ban Sơ khảo:

- Do UBND tỉnh quyết định thành lập.

- Thành phần gồm :

 + Trưởng ban: Do Chủ tịch Hội VHNT tỉnh đảm nhiệm.

 + 02 Phó trưởng ban: Do 02 Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của Hội VHNT tỉnh đảm nhiệm.

 + Các tiểu ban chuyên môn: Mỗi tiểu ban từ 3 đến 5 người ; trong đó, có Trưởng tiểu ban, 1 Phó trưởng tiểu ban và một số thành viên là những văn nghệ sĩ có năng lực, hiểu biết sâu sắc về chuyên môn, có uy tín trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật.

- Ban Sơ khảo chịu trách nhiệm trước HĐXT về toàn bộ công việc của mình.

2. Ban Chung khảo:

- HĐXT trực tiếp thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chung khảo (không thành lập Ban Chung khảo riêng).

Điều 16. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng giám khảo

1. Ban Sơ khảo và Ban Chung khảo đều làm việc theo nguyên tắc tập thể, bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số. Điều kiện để cuộc bỏ phiếu có giá trị là số người tham gia dự họp (và bỏ phiếu) ít nhất bằng 2/3 tổng số thành viên ở vòng sơ khảo, lãnh đạo Ban Sơ khảo và Tiểu ban chuyên môn bỏ phiếu theo từng thể loại. ở vòng chung khảo, các thành viên của HĐXT chấm và bỏ phiếu cho từng thể loại.

2. Các thành viên của Hội đồng giám khảo, nếu có tác phẩm dự giải, thì trong khoảng thời gian thảo luận và bỏ phiếu về tác phẩm của mình, sẽ không tham dự họp. Tỷ lệ phiếu để xét kết quả được tính trên tổng số thành viên tham dự họp (và bỏ phiếu).

3. Đại diện Ban sơ khảo được mời dự xét chung khảo, nhưng nếu không là thành viên HĐXT thì không được tham gia bỏ phiếu.

Điều 17. Trình tự xét thưởng:

1. Việc xét tặng Giải thưởng VHNT Côn Sơn phải qua 02 vòng chấm (sơ khảo và chung khảo).

- Ban sơ khảo làm nhiệm vụ sơ khảo, đề xuất các tác phẩm được vào chung khảo.

- Trên cơ sở các tác phẩm đã qua sơ khảo, HĐXT làm nhiệm vụ chung khảo.

2. Kết quả chấm chung khảo được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở Hội VHNT tỉnh trong vòng 10 ngày.

- Trường hợp có khiếu nại, tố cáo, nếu thấy có cơ sở thực tế, thì HĐXT có trách nhiệm xem xét chu đáo, trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Trường hợp không có ý kiến thắc mắc, hoặc có thắc mắc nhưng thiếu căn cứ thực tế, thì HĐXT trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả chấm giải và quyết định tặng các giải thưởng.

Điều 18. Kinh phí

Kinh phí chấm và trao giải thưởng do UBND tỉnh cấp.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 19. Những hình thức xử lý vi phạm :

1. Các tác giả có trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả của mình đối với những người có liên quan đến tác phẩm dự giải.

Trong khi chấm giải, nếu phát hiện tác phẩm có yếu tố biểu hiện hành vi vi phạm pháp luật của tác giả, Hội đồng giám khảo sẽ đề nghị loại tác phẩm đó ra khỏi danh sách tác phẩm dự giải VHNT Côn Sơn - Hải Dương. Nếu sau khi trao giải mới phát hiện tác phẩm đoạt giải có yếu tố biểu hiện hành vi vi phạm pháp luật của tác giả, UBND tỉnh sẽ thu hồi lại giải thưởng và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Trong quá trình chấm giải, giám khảo vi phạm quy định và quy chế chấm giải phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Giao cho Hội VHNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện bản Quy định này; trong quá trình thực hiện, nếu có những điểm không còn phù hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh kịp thời.

 

PHỤ LỤC

 CÁCH TÍNH ĐIỂM CHO CÁC VÒNG SƠ KHẢO, CHUNG KHẢO VÀ XÉT GIẢI THƯỞNG

I. VÒNG SƠ KHẢO :

Theo Điều 9, mục IV của Bản quy định về tiêu chuẩn đạt giải, các giám khảo chấm các tác phẩm và cho điểm độc lập theo thang điểm 100.

- Tác phẩm loại A cho từ 90 đến 100 điểm

- Tác phẩm loại B cho từ 80 đến dưới 90 điểm

- Tác phẩm loại C cho từ 70 đến dưới 80 điểm

- Tác phẩm loại Khuyến khích cho từ 60 đến dưới 70 điểm.

Khi tổng hợp , nếu tác phẩm nào đạt điểm trung bình từ 60 điểm trở lên thì đưa vào diện xét chung khảo.

II. VÒNG CHUNG KHẢO

Cũng chấm theo thang điểm 100 như vòng sơ khảo, sau khi tính điểm trung bình, sẽ xếp giải như sau:

- Tác phẩm đạt từ 95 đến 100 điểm sẽ đạt giải A

- Tác phẩm đạt từ 85 đến dưới 95 điểm sẽ đạt giải B

- Tác phẩm đạt từ 75 đến dưới 85 điểm sẽ đạt giải C

- Tác phẩm đạt từ 65 đến dưới 75 điểm sẽ đạt giải Khuyến khích

Chú ý

-Trường hợp số giải thưởng ở một mức giải nào đó vượt quá số lượng quy định, thì chỉ chọn đủ số giải với số điểm từ trên xuống. Còn tác phẩm có số điểm cùng hạng, nhưng thấp hơn sẽ được xếp vào loại giải ở mức kề ngay phía sau.

- Nếu 2 tác phẩm ngang điểm nhau ở một hạng giải nào đó, nhưng lại vượt quá số lượng giải quy định, thì cho bỏ phiếu lại để chọn một tác phẩm, còn tác phẩm kia đưa xuống loại giải kề ngay phía sau.

- Nếu bỏ phiếu lại mà số điểm vẫn ngang nhau, thì nhường quyền quyết định lựa chọn cuối cùng cho đồng chí chủ tịch HĐXT.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 851/2006/QĐ-UBND ban hành "Quy định về giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn – Hải Dương" do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 851/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/03/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Bùi Thanh Quyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản