Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 31 tháng 3 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP, QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TỈNH NINH THUẬN VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12 ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng;

Căn cứ Thông báo số 378-TB/TU ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 122/TTr-SNV ngày 24 tháng 3 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập và quy định chức năng của Ban Chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận về phòng, chống tham nhũng.

1. Thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) gồm các thành viên sau đây:

a) Bà Hoàng Thị Út Lan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Trưởng ban;

b) Ông Võ Văn Phải, Chánh Thanh tra tỉnh: Ủy viên;

c) Ông Huỳnh Thế Kỳ, Giám đốc Công an tỉnh: Ủy viên;

d) Ông Hồ Tấn Lợi, Giám đốc Sở Nội vụ: Ủy viên;

đ) Ông Ngô Văn Thái, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh: Ủy viên;

e) Ông Nguyễn Tiến Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Ủy viên;

g) Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy: Ủy viên;

2. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh, bao gồm cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng.

3. Ban Chỉ đạo có bộ phận giúp việc từ 3 đến 5 người do Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quản lý điều hành; có con dấu riêng theo quy định của pháp luật và trụ sở làm việc đặt tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

4. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc là một khoản riêng trong tổng kinh phí của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh do ngân sách tỉnh cấp theo đề nghị của Ban Chỉ đạo. Thành viên Ban Chỉ đạo và cán bộ, công chức bộ phận giúp việc được hưởng phụ cấp trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống tham nhũng do Chính phủ quy định.

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện vật chất cho hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

1. Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ sau đây:

a) Căn cứ vào chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tình hình cụ thể của tỉnh để xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng trên địa bàn; tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình, kế hoạch đó;

b) Chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng;

c) Chỉ đạo phối hợp hoạt động của các cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án ở tỉnh nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần bảo đảm cho công tác này được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;

d) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng và các thông tin về vụ, việc tham nhũng trong phạm vi tỉnh theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;

đ) Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng trên địa tỉnh; kiến nghị với cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

e) Ðịnh kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về tình hình, kết quả phòng, chống tham nhũng của tỉnh và hoạt động của Ban Chỉ đạo.

2. Ban Chỉ đạo có các quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh báo cáo về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; trong trường hợp cần thiết, yêu cầu báo cáo việc xử lý vụ, việc tham nhũng cụ thể, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiến nghị, yêu cầu xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng để xảy ra hậu quả;

c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra làm rõ các vụ, việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; khi xét thấy cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết một số vụ, việc nhằm bảo đảm việc xử lý được kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; chủ trì thảo luận và kết luận chỉ đạo việc phối hợp xử lý đối với các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp ở tỉnh mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ Giám đốc sở và các chức vụ tương đương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các chức vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, cách chức khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động chống tham nhũng;

đ) Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với đảng viên, cán bộ, công chức hoặc người giữ chức vụ lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị không thuộc các trường hợp quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 2 khi người đó có dấu hiệu tham nhũng, có hành vi gây khó khăn, cản trở hoạt động chống tham nhũng;

e) Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với đảng viên, cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự;

g) Trưng tập cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong phạm vi tỉnh để thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo khi cần thiết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong phạm vi tỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người tố cáo hành vi tham nhũng hoặc tham gia chống tham nhũng; đề nghị khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo.

1. Trưởng Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo;

b) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi tỉnh;

c) Quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình công tác và những vấn đề khác thuộc phạm vi hoạt động của Ban Chỉ đạo;

d) Chủ trì, kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo;

đ) Chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban Chỉ đạo trước Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

2. Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Trưởng ban Ban Chỉ đạo; giúp Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo và theo dõi, đôn đốc hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo;

b) Quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Ban Chỉ đạo về mọi hoạt động của bộ phận giúp việc; quyết định các vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ của bộ phận này.

3. Ủy viên Ban Chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Ban Chỉ đạo về những nhiệm vụ được phân công; chủ động đề xuất, kiến nghị với Trưởng ban Ban Chỉ đạo các giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng.

Các ủy viên Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy của cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách để thực hiện nhiệm vụ được Trưởng ban Ban Chỉ đạo phân công.

Điều 4. Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo.

1. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; Trưởng ban Ban Chỉ đạo kết luận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Ban Chỉ đạo họp định kỳ hằng tháng; họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Tùy theo từng vấn đề mà Trưởng ban Ban Chỉ đạo có thể quyết định họp toàn thể hay họp những thành viên có liên quan; trong trường hợp cần thiết, quyết định việc mời lãnh đạo cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

3. Ðịnh kỳ ba tháng, Ban Chỉ đạo tổ chức giao ban về công tác phòng, chống tham nhũng với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; thành phần tham dự do Trưởng ban Ban Chỉ đạo quyết định, tập trung vào những lĩnh vực, sở, ban, ngành, huyện, thành phố có nhiều vụ việc tham nhũng hoặc có nhiều hạn chế trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

4. Ðịnh kỳ hằng tháng, ba tháng, sáu tháng, hằng năm, Ban Chỉ đạo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và báo cáo đột xuất khi xảy ra các vụ việc phức tạp hoặc khi có yêu cầu.

Quyết định tạm đình chỉ công tác, yêu cầu hoặc kiến nghị tạm đình chỉ công tác đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 5 của Nghị quyết số 294A/2007/UBTVQH12 ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được gửi đến Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan, tổ chức liên quan trong thời hạn 5 (năm) ngày kể từ ngày ký.

5. Định kỳ ba tháng, Ủy viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ được phân công với Trưởng ban Ban Chỉ đạo.

6. Trong quá trình thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử vụ, việc tham nhũng, nếu có sự cản trở, can thiệp trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thì cơ quan Thanh tra, Điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án của tỉnh có trách nhiệm kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo.

Điều 5. Quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo.

1. Ban Chỉ đạo chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Trong trường hợp ý kiến của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng khác với ý kiến của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng thì Ban Chỉ đạo báo cáo và thực hiện theo ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

2. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở Trung ương trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng đối với các cơ quan, tổ chức của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

3. Trong trường hợp ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo khác với ý kiến chỉ đạo của các cơ quan tư pháp Trung ương đối với các cơ quan tư pháp địa phương trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng thì các cơ quan tư pháp địa phương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của các cơ quan tư pháp Trung ương; Ban Chỉ đạo báo cáo vấn đề này với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

4. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác giám sát phòng, chống tham nhũng tại địa phương.

Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh được mời tham dự các phiên họp của Ban Chỉ đạo.

5. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp với các ban của Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trực thuộc Tỉnh ủy để thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức đảng ở địa phương;

b) Kiến nghị, yêu cầu cấp ủy đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng có liên quan đến tham nhũng.

6. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ quốc trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được mời tham dự các phiên họp của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thủ trưởng các cơ quan có liên quan và các thành viên có tên tại khoản 1, Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Út Lan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 85/QĐ-UBND năm 2008 về thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận về phòng, chống tham nhũng

  • Số hiệu: 85/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/03/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Hoàng Thị Út Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/03/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản