Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 85/2006/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 30 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT THUỘC LĨNH VỰC TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 27/10/1993 của Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Quốc dân;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Văn bản số 964/SCN-KT ngày 14/11/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Danh mục các sản phẩm và cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc Sở Công nghiệp có trách nhiệm triển khai thực hiện Quyết định này trong phạm vi toàn tỉnh, định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Giám đốc các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm phối hợp với Sở Công nghiệp tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Việc sửa đổi, bổ sung nội dung trong Danh mục này do UBND tỉnh quyết định.

Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

DANH MỤC

CÁC SẢN PHẨM VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT THUỘC LĨNH VỰC TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 85/2006/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh Đồng Nai)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ:

1. Công nghiệp

Là một ngành kinh tế thuộc lĩnh vực sản xuất, một bộ phận cấu thành cơ bản của nền sản xuất xã hội. Công nghiệp bao gồm 3 loại hoạt động chủ yếu: Khai thác tài nguyên thiên nhiên tạo ra nguyên liệu nguyên thủy; sản xuất và chế biến sản phẩm của công nghiệp khai thác và của nông nghiệp thành nhiều loại sản phẩm nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của xã hội; khôi phục giá trị sử dụng của sản phẩm được tiêu dùng trong quá trình sản xuất và đời sống.

2. Ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp (gọi tắt là tiểu thủ công nghiệp - TTCN)

a) Nghề thủ công: Là những nghề sản xuất ra sản phẩm mà kỹ thuật sản xuất chủ yếu là làm bằng tay. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các nghề thủ công có thể sử dụng máy, hóa chất và các giải pháp kỹ thuật của công nghiệp trong một số công đoạn, phần việc nhất định nhưng phần quyết định chất lượng và hình thức đặc trưng của sản phẩm vẫn làm bằng tay. Nguyên liệu của các nghề thủ công thường lấy trực tiếp từ thiên nhiên; công cụ sản xuất thường là công cụ cầm tay đơn giản.

b) Thủ công mỹ nghệ: Là các nghề thủ công làm ra các sản phẩm mỹ nghệ, hoặc các sản phẩm tiêu dùng được tạo hình và trang trí tinh xảo giống như sản phẩm mỹ nghệ. Ở sản phẩm mỹ nghệ, chức năng văn hóa, thẩm mỹ trở nên quan trọng hơn chức năng sử dụng thông thường.

c) Thủ công nghiệp: Là lĩnh vực sản xuất bao gồm tất cả các nghề thủ công. Cũng có khi gọi là ngành nghề thủ công.

d) Nghề thủ công truyền thống: Là nghề thủ công đã có quá trình hình thành và phát triển qua nhiều đời thợ (trên 100 năm), với những sản phẩm có tính cách riêng biệt được nhiều người biết đến.

e) Ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp: Là lĩnh vực sản xuất bao gồm các nghề thủ công và các cơ sở công nghiệp nhỏ. Thường các cơ sở công nghiệp nhỏ này có nguồn gốc từ các nghề thủ công phát triển thành.

3. Làng nghề

a) Làng có nghề: Là làng (thôn, bản, ấp) sản xuất nông nghiệp, trong đó một số người hay một số gia đình làm nghề thủ công theo hình thức chuyên nghiệp hoặc theo thời vụ, lúc nông nhàn.

b) Làng nghề: Là làng (thôn, bản, ấp) nông thôn có nghề thủ công phát triển với một tỷ lệ số hộ làm nghề nhất định và tỷ lệ thu nhập từ nghề nhất định, trở thành nguồn thu nhập quan trọng không thể thiếu được. Nhiều nước trên thế giới lấy tỷ lệ 20% hay 30%. Ở Việt Nam đang có xu hướng lấy tỷ lệ 50% số hộ dân làm nghề và thu nhập của làng từ nghề thủ công. Tỷ lệ đó phải được duy trì và ổn định trong nhiều năm.

c) Làng nghề truyền thống: Là làng có nghề thủ công trên 100 năm; sản phẩm của làng nghề truyền thống có nét đặc trưng riêng thường tên của sản phẩm gắn với tên làng. Làng nghề truyền thống có thể đang phát triển, có thể đang bị mai một hoặc không còn làm nghề nữa.

d) Vùng nghề: Là sự phát triển, mở rộng của các làng nghề ra các vùng lân cận thành cả một vùng làm nghề thủ công, mà làng nghề là trung tâm; sản phẩm của vùng nghề thường theo đúng phong cách truyền thống của làng nghề. Tên của vùng nghề thường lấy tên của làng nghề để gọi.

Một số trường hợp đặc biệt, một làng kinh doanh các mặt hàng thủ công của các làng nghề lân cận, khiến cho tên của làng kinh doanh đó trở thành quen thuộc với thị trường do đó tên của làng kinh doanh đó lại được quen gọi thành tên của vùng nghề, bao gồm cả làng kinh doanh và các làng nghề lân cận.

e) Phân loại làng nghề: Có nhiều cách phân loại, nhưng thường thì được phân loại theo nghề, hoặc được phân loại theo tính chất của sản xuất như: Làng nông nghiệp kiêm nghề thủ công, làng nghề thủ công chuyên nghiệp, làng nghề thủ công xuất khẩu.

4. Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Điều 3 Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ, về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, như sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người.

II. CÁC SẢN PHẨM VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP:

1. Các ngành nghề TTCN của địa phương

a. Các ngành nghề TTCN truyền thống

- Gốm mỹ nghệ;

- Mây tre lá đan lát;

- Chế biến gỗ gia dụng, gỗ mỹ nghệ;

- Chế tác đá;

- Kỹ nghệ sắt;

- Đúc gang, đồng;

- Dệt, may;

- Sản xuất gạch, ngói;

- Chế biến lương thực, thực phẩm.

b. Các ngành TTCN khác

- Sản xuất giấy, in sao các loại sách báo, băng đĩa;

- Sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất;

- Sản xuất các sản phẩm từ cao su, nhựa;

2. Các sản phẩm và cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực TTCN

Cơ sở sản xuất TTCN là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất (không có đăng ký kinh doanh), hộ gia đình, cá nhân sản xuất sản phẩm thuộc ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, gồm:

a. Gốm mỹ nghệ

Các sản phẩm gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng); các sản phẩm gốm sứ và vật liệu chịu lửa.

b. Mây tre lá đan lát

Sản xuất sản phẩm từ tre nứa, rơm rạ, vật liệu tết bện như chiếu tre, chiếu trúc, mành tre, mành trúc, bàn ghế tre – trúc; chiếu cói, thảm cói, túi làn bằng cói...; sản phẩm tết bện, mành, rèm, cót; các sản phẩm từ mây, song, tre, rơm, rạ, cói, sơ dừa;

c. Chế biến gỗ gia dụng, gỗ mỹ nghệ

Các sản phẩm cưa xẻ gỗ bào thành ván, cột, cọc, kèo, tà vẹt; bảo quản gỗ như tẩm, xấy; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép, formica; sản xuất đồ bằng gỗ dán, gỗ công nghiệp, xây dựng, bao bì; hàng gia dụng (bàn ghế, giường tủ); hàng mỹ nghệ (bao gồm cả đồ giả cổ), sơn mài, đồ chạm khảm, khung tranh;

d. Chế tác đá

Các sản phẩm từ đá: Cắt tạo dáng hoàn thiện đá; tạo hình theo yêu cầu; các đồ dùng bằng đá như cối đá, bàn đá, ghế đá, bia mộ; các đồ đá mỹ nghệ như tượng đá, chậu cảnh, súc vật;

e. Kỹ nghệ sắt

Các sản phẩm: Gò thùng, xô chậu, các sản phẩm kỹ nghệ sắt phục vụ xây dựng như cửa sắt, cầu thang, kệ, tủ, máng xối;

f. Đúc gang, đồng

Các sản phẩm đúc từ gang, đồng bằng phương pháp thủ công: Các chi tiết máy; hàng gia dụng như nồi, chảo, chậu, mâm, khay, hàng mỹ nghệ như lư, tượng, phù điêu, trống, khánh, đỉnh, đồ thờ cúng;

g. Dệt, may

- Sản xuất sợi, dệt vải và hoàn thiện các sản phẩm dệt: Sản xuất sợi tơ tằm; sơ bông, sợi đay, sợi gai, sợi sơ dừa, chỉ khâu, chỉ thêu; hoàn thiện sản phẩm dệt như in, thêu, nhuộm...; Dệt hoàn thiện sản phẩm (trừ quần áo) như đồ đệm, lót, đệm gối; sản xuất các đồ dùng nhồi bông, chăn, trải giường, trải bàn; sản xuất vải nhựa, tăng bạt, đồ cắm trại, buồm; rèm, màn, trướng; thảm lau, dây bện, lưới, vải giả da, đồ ren, vải mành, khăn bông, vải màn, hàng đan móc, vải dệt kim;

- Hàng may mặc: May trang phục bằng vải hoặc da, lông thú; khăn quàng, cà vạt, khẩu trang, mũ, gang tay, cổ cồn;

h. Sản xuất gạch, ngói

Sản xuất các loại gạch ngói: Sản xuất bằng phương pháp thủ công.

j. Chế biến lương thực, thực phẩm

- Giết mổ và chế biến thủ công thịt động vật gồm: Gia súc, gia cầm, bò sát (cá sấu). Các sản phẩm chế biến như xúc xích, lạp xưởng, patê, dăm bông, thịt hun khói, thị khô, giò chả, bóng bì heo).

- Chế biến rau quả thủ công (cơ sở nhỏ, hộ gia đình) gồm: Đóng hộp rau quả (dưa chuột, nấm); đóng hộp nước rau quả, ngâm chua, dấm, muối; sấy khô rau quả đóng túi, hộp; Sản xuất kem, sữa chua;

- Xay xát, sản xuất bột và thức ăn gia súc: Xay xát và sản xuất bột thô như đánh bóng gạo, xấy gạo, xay xát ngô, khoai mì, nghiền cám, chế biến sản phẩm nguyên hạt bằng phương pháp rang, nổ, luộc như: Đậu phộng, bánh bắp;

- Sản xuất các loại bánh từ tinh bột (không đóng gói dưới dạng ăn liền): Bún, bánh phở, bánh mì, bánh đậu xanh, bánh gai, xu xê, mì gạo, mì sợi, mì ống, bánh đa nem, bánh tráng;

- Sản xuất đường thủ công: Mật, đường phèn, các loại bánh kẹo;

- Sản xuất sản phẩm từ ngũ cốc như: Bánh chưng, bánh nếp, bánh tẻ, bánh dầy, bánh bèo, bánh tôm, bánh khoai, cốm, bánh cốm;

- Sản xuất sản phẩm khác: Cà phê rang, xay; các loại chè uống (chè xanh, chè đen, atiso, cam thảo, thanh nhiệt); sản xuất các loại gia vị (nước chấm, tương các loại, chao, muối I-ốt, muối tiêu, dấm);

- Sản xuất các loại đồ uống: Rượu các loại, sản xuất mạch nha, nước đá;

k. Sản xuất giấy, in sao các loại sách báo, băng đĩa

- Sản xuất bột giấy, giấy, bao bì bằng giấy, giấy vàng mã, giấy vệ sinh, tã lót bằng giấy;

- Xuất bản các loại sách báo, tạp chí, tranh trang trí, xuất bản các loại bản đồ, lịch, catalogue;

- Các dịch vụ in, sao chép băng đĩa.

l. Sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất

- Sản xuất các hóa chất cơ bản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa.

- Sản xuất sơn, véc ni, các chất sơn quét, mực in, ma tít.

- Sản xuất thuốc y học cổ truyền (bào chế, bốc thuốc theo đơn, sản xuất thuốc viên, hòn).

m. Sản xuất các sản phẩm từ cao su, nhựa

- Các sản phẩm cao su như các tấm phủ, đệm bằng cao su, gioăng cao su, dải băng cao su, sản xuất áo mưa, ô che nắng bằng vải phủ cao su;

- Sản xuất các sản phẩm từ nhựa đồ dùng cá nhân bằng nhựa, túi nilon che mưa, mũ bảo hiểm, đồ gia dụng bằng nhựa;

- Sản xuất ống nhựa và các sản phẩm tấm lợp bằng nhựa.

n. Các ngành nghề khác

- Sản xuất các tấm kính, đồ dùng bằng thủy tinh như cốc, chén, lọ hoa, bóng đèn, chao đèn, gạch thủy tinh, nồi thủy tinh;

- Các hoạt động có liên quan đến công việc chế tạo kim loại: Rèn, dập, ép cắt, cán tạo hình sản phẩm;

- Xử lý và tráng phủ bề mặt kim loại (tôi, mạ, đánh bóng, nhuộm màu bề mặt kim loại).

- Sản xuất dao, kéo và các dụng cụ cầm tay và đồ kim khí thông dụng khác như: Ổ khóa, bản lề, ke, dụng cụ ăn uống, dụng cụ nhà bếp, đồ dùng vệ sinh;

- Sản xuất dụng cụ cầm tay bằng kim loại trong gia đình và nông nghiệp (dao, kéo, bấm móng tay, cuốc, xẻng, bào, đục).

- Sản xuất đồ trang sức và các vật phẩm có liên quan như chế tác vàng bạc đồ trang sức cá nhân bằng vàng, bạc./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 85/2006/QĐ-UBND ban hành Danh mục sản phẩm và cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

  • Số hiệu: 85/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/11/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Đinh Quốc Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản