Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 846/2006/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 28 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN, NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM (2006 - 2010) TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 33/2004/CT-TTg ngày 23/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010;

Căn cứ Nghị quyết số: 01/2006/ NQ - HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2006, của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII, kỳ họp chuyên đề về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 5 năm (2006 - 2010) tỉnh Bắc Kạn.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tổ chức thực hiện, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) tỉnh Bắc Kạn, với các nội dung chủ yếu sau:

I. Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010:

1. Các chỉ tiêu về kinh tế: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) bình quân đạt 20%/năm.

- Nông lâm nghiệp thuỷ sản tăng bình quân: 6,5%/ năm.

- Công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng: 33%/năm.

- Khu vực dịch vụ: 24%/năm.

Đến năm 2010 cơ cấu kinh tế đạt được như sau:

+ Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản: 23%

+ Công nghiệp - xây dựng cơ bản: 34%

+ Dịch vụ, du lịch: 43%

- GDP bình quân đến năm 2010 đạt trên 9 triệu đồng/người/năm.

2. Phát triển nông, lâm nghiệp:

- Phấn đấu có 6.800 ha diện tích đất ruộng đạt thu nhập từ 30 triệu đồng/ha trở lên.

- Hoàn thành việc ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và sắp xếp lại dân cư ở những nơi cần thiết.

- Tổng sản lượng lương thực (cây có hạt) đạt trên 140.000 tấn.

- Bình quân lương thực đạt: 450kg/người/năm trở lên.

- Diện tích vùng chè Tuyết Shan - chè chất lượng cao: 2500 ha.

- Diện tích vùng Hồi: 4.500 ha

- Khoai môn: 700 ha.

- Thuốc lá: 1000 ha.

- Phấn đấu đến năm 2010 đàn bò đạt, 184.000 con; đàn trâu đạt, 116.000 con; đàn lợn đạt, 200.000 con.

- Trồng mới 4.000 ha rừng/năm (cả rừng phân tán, rừng sản xuất tập trung). Tỷ lệ che phủ rừng: 58%

3. Phát triển công nghiệp:

- Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) đến năm 2010 đạt 861 tỷ đồng.

- Rà soát, chấn chỉnh và đưa các cơ sở công nghiệp đã được đầu tư giai đoạn 2001- 2005 vào sản xuất và phát huy hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đã được chấp thuận đầu tư.

- Quy hoạch hoàn chỉnh khu công nghiệp Thanh Bình, các cụm công nghiệp.

4. Xây dựng kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội và phát triển đô thị:

a) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội:

- Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời giải quyết dứt điểm nợ đọng các công trình xây dựng cơ bản từ năm 2005 trở về trước, không đầu tư dàn trải. Trong 5 năm tới cần tập trung ưu tiên trả nợ và hoàn thành các công trình đang thực hiện dở dang của giai đoạn 2001 - 2005, sau đó mới đầu tư xây dựng mới những công trình thực sự cấp thiết, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

- Phấn đấu 90% số hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh; trên 90% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; 100% số xã có điểm Bưu điện văn hóa.

- Quy hoạch và có kế hoạch phát triển vùng đồng bào định canh, định cư, vùng đặc biệt khó khăn.

b) Phát triển đô

- Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thị xã Bắc Kạn theo quy hoạch đã được điều chỉnh mở rộng. Tập trung ưu tiên đầu tư để hoàn thành các công trình văn hoá, thể thao như: Sân vận động, Nhà thi đấu thể thao, Nhà văn hoá,...

- Phấn đấu sớm đưa thị xã Bắc Kạn thành đô thị loại 3.

- Đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu tại các trung tâm huyện lỵ, các thị tứ, phát triển các cơ sở dịch vụ - sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu hút khoảng 30% dân sống ở đô thị.

- Quy hoạch chi tiết thị xã Ba Bể và khu du lịch sinh thái Hồ Ba Bể.

5. Phát triển khu vực dịch vụ:

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng bình quân 25%/năm.

- Phấn đấu đến 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 16 triệu USD.

- Bình quân mỗi năm thu hút 60.000 lượt khách du lịch.

- 100% chợ xã được xây dựng từ cấp 4 trở lên.

6. Tài chính - tiền tệ:

- Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách đạt bình quân 10%/ năm. Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên cho đầu tư phát triển.

7. Giáo dục và đào tạo:

- Đến năm 2010 có ít nhất 50 xã, phường, thị trấn và 02 đơn vị huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập Trung học phổ thông, 94/354 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 90%, học sinh đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 90%.Từng bước xây dựng mỗi huyện một trường Phổ thông dân tộc nội trú.

- Phấn đấu chuẩn hóa 100% giáo viên trong ngành vào năm 2007. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục.

8. Y tế - dân số - kế hoạch hóa gia đình:

- 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới mức 1,1%, số người áp dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả đạt 75%.

- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 20%.

- Đầu tư xây dựng các trạm y tế phấn đấu đạt chuẩn quốc gia.

9. Văn hoá - Thông tin - Thể thao:

- Phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 75% số hộ và 40% khu dân cư đạt các tiêu chí về văn hoá, 100% huyện, thị xã có Trung tâm văn hoá - thông tin và thể dục, thể thao.

-100% các xã có trạm truyền thanh, 90% dân số xem được chương trình của Đài truyền hình Việt Nam.

- Phấn đấu đến 2010 có 80% số xã, phường, thị trấn có địa điểm tập luyện thể dục, thể thao. Phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao.

10. Khoa học, công nghệ, môi trường:

- Chuyển giao mạnh các tiến bộ khoa học và công nghệ về nông thôn.

- Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra những bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

- Phấn đấu đến năm 2010, 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường; các khu công nghiệp và cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 90% chất thải rắn được thu gom, xử lý được trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện.

11. Về phụ nữ và Thanh, Thiếu niên:

- Thực hiện bình đẳng giới và triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và Chiến lược phát triển thanh niên đến năm 2010.

- Phấn đấu các huyện, thị xã có nhà văn hóa thiếu nhi.

12. Về dân tộc và Tôn giáo:

- Nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần giữa các vùng dân tộc. Chăm lo công tác đoàn kết dân tộc, tích cực tuyên truyền và thực hiện tốt chính sách về tín ngưỡng và tôn giáo. Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.

- Thực hiện tốt chương trình 135 giai đoạn 2 tại các xã đặc biệt khó khăn. Hàng năm cần xác định rõ chỉ tiêu giảm nghèo tại các thôn, bản định canh, định cư.

13. Về cải cách hành chính và xây dựng chính quyền cơ sở:

Tích cực thực hiện công cuộc cải cách hành chính trên cả 4 lĩnh vực: tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, tài chính công và thể chế. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cơ sở.

14. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội:

- Lao động - việc làm:

+ Phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 29.000 lao động, bình quân 5.800 lao động/ năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 3%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn đạt 85%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 25%, trong đó đã qua đào tạo nghề 20% vào năm 2010.

- Công tác xóa đói, giảm nghèo:

+ Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ - TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.

+ Thực hiện đồng bộ các mục tiêu chương trình phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị.

+ Phấn đấu đến năm 2010 không còn hộ đói và giảm số hộ nghèo xuống dưới 20 % theo tiêu chí mới.

+ Hoàn thành chương trình hỗ trợ xóa nhà tranh, tre, dột nát cho hộ nghèo. 100% thôn, bản, tổ phố có nhà họp. 100% số xã được công nhận hoàn thành chương trình 135.

- Thực hiện tốt các chính sách xã hội như chăm sóc người có công, gia đình thương binh liệt sỹ, bảo trợ xã hội.

- Tăng cường phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nghiện các chất ma túy. Phấn đấu giảm dần số người nghiện ma túy và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS.

15. Về quốc phòng, an ninh:

- Đảm bảo giữ vững an ninh - quốc phòng, không để xảy ra tình huống đột biến, bất ngờ, không để hình thành “ điểm nóng” về an ninh trật tự. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, từng bước chính quy, hiện đại. Củngs cố thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân. Quy hoạch quỹ đất phục vụ nhiệm vụ quân sự và thực hiện chính sách ưu đãi cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

II. Những giải pháp chủ yếu:

1. Nhóm giải pháp khai thác các lợi thế:

- Hình thành các dự án trồng và chế biến nông lâm sản chất lượng cao; tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao và vùng chuyên canh rau, màu, hoa...

- Thực hiện dự án phát triển đàn trâu, bò hàng hoá để đưa chăn nuôi đại gia súc thành ngành sản xuất chính, đồng thời chú trọng phát triển chăn nuôi gia cầm, thuỷ sản. Xây dựng một số cơ sở sản xuất, cung ứng giống vật nuôi trên địa bàn.

- Thăm dò và khai thác các điểm mỏ có triển vọng bảo đảm nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.

- Xây dựng danh mục dự án để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế như: chế biến nông lâm sản và khoáng sản, sản xuất gỗ ván nhân tạo, chế biến sâu khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, đá ốp lát, đá xẻ công nghiệp, bột đá vôi trắng, xi măng lò quay, chế biến thức ăn gia súc, chế biến hoa quả,...

- Phát triển và mở rộng thị trường, tổ chức phát triển thương nhân, tập trung vào các ngành nghề có tiềm năng của tỉnh .

- Khẩn trương tiến hành công tác quy hoạch chi tiết ở các khu, tuyến, điểm du lịch, tập trung mạnh vào khai thác du lịch Ba Bể.

2. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách:

- Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách trợ giá, trợ cước hàng nông sản, phân bón, cây trồng, vật nuôi .

- Bổ sung chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc và chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Có chính sách cho người dân vay vốn tín dụng theo định mức và thời gian phù hợp với chu kỳ để mở rộng vùng sản xuất cây, con có thế mạnh của tỉnh tạo thành sản phẩm hàng hoá hoặc nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.

- Có chính sách thu hút cán bộ có trình độ kỹ thuật và trình độ quản lý tham gia phát triển công nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân lành nghề.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ, chế biến nông, lâm sản, xây dựng cơ sở hạ tầng.

3. Nhóm giải pháp về vốn đầu tư:

- Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển. Tập trung đầu tư có mục tiêu, có trọng điểm một số dự án cấp thiết nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, có cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, dịch vụ kinh doanh. Đồng thời tập trung khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài, nhất là vốn ODA.

- Trong 5 năm tới cần tập trung ưu tiên trả nợ và hoàn thành các công trình đang thực hiện dở dang của giai đoạn 2001 - 2005, đầu tư xây dựng mới các công trình thực sự cần thiết, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực cho địa phương thuộc các lĩnh vực như: nông nghiệp - thuỷ lợi, công nghiệp, hạ tầng du lịch, chợ, giao thông, giáo dục, y tế, văn hoá,...

4. Nhóm giải pháp về tổ chức quản lý:

- Thực hiện công tác quản lý nhà nước toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn bảo đảm có hiệu quả, nhất là công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Các ngành, các cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng theo từng năm kế hoạch, phân cấp quản lý, giao quyền và chịu trách nhiệm về công việc, nhiệm vụ được giao. Thực hiện giám sát kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng năm.

- Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Điều 2. Giao Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm cụ thể hóa các chỉ tiêu gắn vào hoạt động chuyên môn của đơn vị nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề ra.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
CHỦ TỊCH




Hà Đức Toại

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 846/2006/QĐ-UBND về tổ chức thực hiện, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 846/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/04/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Hà Đức Toại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/05/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản