BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 843/QĐ-LĐTBXH | Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2021 |
BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ VỚI CÁC CẤP ĐỘ CỦA DỊCH COVID-19 TẠI BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án ứng phó với các cấp độ của dịch COVID-19 tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
ỨNG PHÓ VỚI CÁC CẤP ĐỘ CỦA DỊCH COVID-19 TẠI BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
(Kèm theo Quyết định số 843/QĐ-LĐTBXH ngày 23/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)
- Dự liệu các tình huống có thể xảy ra đối với từng cấp độ của dịch bệnh COVID-19, từ đó chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các giải pháp ứng phó kịp thời nhằm phát hiện (nếu có), ngăn chặn sự phát triển, lây lan của dịch bệnh.
- Huy động sức mạnh, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (sau đây viết tắt là CBCC) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào việc phòng, chống bệnh COVID-19. Thông tin kịp thời, chính xác, nâng cao nhận thức và ý thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về dịch để dự phòng tốt cho bản thân, gia đình, cơ quan và cộng đồng.
II. PHÂN LOẠI CẤP ĐỘ DỊCH BỆNH
Cấp độ 1: Khi chưa có trường hợp nhiễm, nghi nhiễm bệnh.
Cấp độ 2: Khi có trường hợp nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19.
Cấp độ 3: Khi có trường hợp nhiễm bệnh.
1. Cấp độ 1: khi chưa có trường hợp nhiễm, nghi nhiễm bệnh
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo, hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Theo dõi sát diễn biến, đánh giá tình hình dịch bệnh hàng ngày, tham mưu kịp thời cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các đơn vị thuộc Bộ.
- Chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị về các nội dung: thực hiện báo cáo về Ban Chỉ đạo của Bộ tình hình phòng, chống dịch bệnh trước 16h00 thứ 5 hàng tuần và báo cáo nhanh qua điện thoại khi có sự việc phát sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp trong giải quyết công việc; tạm hoãn các cuộc họp, hội nghị, hội thảo tập trung đông người và các chuyến công tác địa phương, các chuyến đi công tác nước ngoài, đi nước ngoài về việc riêng; tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh; chuẩn bị phương án chế độ làm việc trong tình huống khẩn cấp về dịch bệnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền; tăng cường giám sát sức khỏe của cán bộ, công chức và các cá nhân, tổ chức đến cơ quan Bộ; chỉ đạo thực hiện khai báo y tế trong toàn thể cán bộ, công chức và các đối tượng đến trụ sở làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại cơ quan Bộ và các đơn vị trụ sở ngoài Bộ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Đo thân nhiệt tại trụ sở Bộ đối với cán bộ, công chức và cá nhân, tổ chức đến cơ quan Bộ. Trong trường hợp phát hiện người có kết quả thân nhiệt trên 37 độ thì yêu cầu thực hiện các bước phòng dịch bệnh tiếp theo (xem Quy trình số 01 kèm theo Quyết định này).
- Theo dõi, giám sát các biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tại các đơn vị, nhất là những người có tiền sử dịch tễ.
- Giám sát việc phun khử trùng, vệ sinh trụ sở cơ quan, việc trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phòng dịch: xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn tại khu vực công cộng (phòng họp, hội trường, nhà ăn, cầu thang máy...); trang thiết bị, thuốc men y tế; vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, sắp xếp bàn ghế ăn đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh giao tiếp gần giữa cán bộ, công chức.
- Giám sát bảo đảm các điều kiện về trang phục bảo hộ an toàn phòng bệnh cho các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhiều cá nhân, tổ chức đến trụ sở Bộ (bảo vệ, văn thư, lễ tân, lái xe, tiếp công dân...).
- Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng.
- Thực hiện khai báo y tế bằng mã QR đối với khách đến liên hệ, làm việc tại Bộ.
c) Công tác truyền thông
- Đăng tải đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 trên Cổng thông tin điện tử, các cơ quan truyền thông của Bộ và qua tin nhắn điện thoại. Tăng cường công tác truyền thông về tình hình của dịch bệnh, nguồn lây nhiễm, cách phòng chống; cập nhật tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo phòng chống dịch thường xuyên từ các nguồn thông tin: Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế (moh.gov.vn), Website của Cục Y tế dự phòng (vncdc.gov.vn); Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng thông tin điện tử của thành phố Hà Nội và các nguồn tin chính thống khác.
- Khuyến cáo toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không hoang mang lo lắng, đồng thời phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
- Thực hiện tốt công tác phát ngôn. Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan báo chí thông tin, tình hình dịch bệnh có liên quan (trong trường hợp cần thiết).
- Tiếp nhận các tài liệu truyền thông để tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ.
- Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, giải đáp các thông tin về phòng, chống dịch bệnh tại bộ phận y tế, Văn phòng Bộ (02438269549-0904180930).
d) Công tác hậu cần
- Rà soát các trang thiết bị, vật tư, thuốc có liên quan và phương tiện để sẵn sáng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại đơn vị.
- Bố trí phòng cách ly ban đầu trong trường hợp phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm tại cơ quan Bộ, nơi bàn giao cho cơ quan y tế đến làm thủ tục tiếp nhận.
- Bố trí kinh phí để kịp thời bổ sung các trang thiết bị, vật tư, thuốc cần thiết cho việc phòng chống lây nhiễm tại đơn vị.
đ) Công tác phối hợp
- Phối hợp tốt với cơ quan y tế trong việc phòng chống dịch bệnh tại Bộ.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chế độ làm việc trong tình huống khẩn cấp về dịch bệnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
2. Cấp độ 2: khi có trường hợp nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm covid-19
Duy trì các hoạt động của cấp độ 1, đồng thời bổ sung, tăng mức độ của các hoạt động, cụ thể:
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Khi phát hiện có trường hợp nghi nhiễm hoặc tiếp xúc người đã nhiễm COVID-19, Thủ trưởng đơn vị phải lập tức báo cáo về Ban Chỉ đạo để triển khai các biện pháp chống dịch.
- Thường trực Ban Chỉ đạo tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành Thông báo khẩn về việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp phát hiện có trường hợp nghi nhiễm hoặc tiếp xúc người đã nhiễm bệnh đảm bảo công tác khoanh vùng, dập dịch và đảm bảo mọi hoạt động của Bộ; kịp thời thông báo với cơ quan chức năng phong tỏa toàn bộ trụ sở làm việc và ngay lập tức tổ chức thực hiện các giải pháp:
Thông tin, liên hệ ngay đến Trung tâm y tế dự phòng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về trường hợp nghi nhiễm, đồng thời đưa người nghi nhiễm đi cách ly theo đúng quy định; phối hợp tiến hành phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ trụ sở Bộ; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm PCR toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để sàng lọc trường hợp F1, F2, F3... lập danh sách để cách ly theo quy định. Thủ trưởng đơn vị thuộc trường hợp phải cách ly tập trung, phân công Lãnh đạo phụ trách điều hành công việc của đơn vị và báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động đang làm việc bên trong cơ quan Bộ ở nguyên vị trí làm việc, xử lý công việc tại chỗ, không tụ tập đông người.
Siết chặt các Cổng (12 Ngô Quyền, số 2 Đinh Lễ, Nhà làm việc liên cơ D25, 35 Trần Phú, các cơ quan làm việc tại địa chỉ: 67A Trương Định, 41B Lý Thái Tổ, 45 Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh,…) và dừng mọi hoạt động ra vào cơ quan trụ sở Bộ, trừ trường hợp được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ; dừng tất cả mọi hoạt động hội họp, trường hợp cần thiết phải họp hoặc tập trung đông người phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
Thực hiện các biện pháp an toàn để tiếp nhận hồ sơ, văn bản để đảm bảo hoạt động thông suốt; thực hiện các biện pháp y tế theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Trường hợp cần thiết, chuyển địa điểm tiếp nhận, xử lý các văn bản, chỉ đạo điều hành tạm thời sang trụ sở 41 B Lý Thải Tổ (Cục Quản lý Lao động ngoài nước).
Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm ổn định tình hình trong đơn vị mình, tránh tình trạng hoang mang, dao động trong đơn vị; đồng thời định kỳ hàng ngày báo cáo về Ban Chỉ đạo thông tin, diễn biến tình hình của đơn vị.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Tăng cường theo dõi, giám sát tình trạng sức khỏe của cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm cho cán bộ, công chức. Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại đơn vị.
- Tăng cường phối hợp với cơ quan y tế để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định, triển khai các biện pháp khoanh vùng, phun khử trùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng trong trường hợp phát hiện đơn vị có cán bộ, công chức có biểu hiện nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm.
- Thực hiện giám sát chặt chẽ quy trình cách ly cán bộ, công chức có biểu hiện nghi nhiễm hoặc tiếp xúc trong các trường hợp tự phân loại cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế (xem Quy trình số 01,02 kèm theo Quyết định này).
- Giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các hạn chế về đi lại, di chuyển, tụ tập đông người; đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc tại Bộ.
- Giám sát phun khử trùng thường xuyên trụ sở cơ quan Bộ và đột xuất khi có ca nghi nhiễm; tăng cường vệ sinh, lau chùi, khử khuẩn khu vực toàn cơ quan.
c) Công tác truyền thông
- Tăng cường tần suất và mức độ thông tin, truyền nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin cho cán bộ, công chức, người lao động về: tình hình dịch bệnh; các kiến thức và kỹ năng hiểu đúng, thực hành tốt việc tự phòng ngừa và bảo vệ cho bản thân, gia đình và cơ quan, đơn vị; việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh; giám sát, phát hiện, xử lý dịch tại cơ quan, để cán bộ, công chức không hoang mang và bình tĩnh đối phó với dịch bệnh.
- Kiểm soát thông tin để tránh gây hoang mang, dao động, kịp thời xử lý thông tin chưa kiểm chứng về tình hình dịch bệnh, ngăn chặn kịp thời các thông tin phóng đại, thông tin sai, thiếu chính xác về tình hình dịch. Quán triệt cán bộ, công chức, người lao động không đăng tải những thông tin từ những nguồn không chính thức, những thông tin sai, không chính xác về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng.
- Duy trì đường dây nóng tiếp nhận các thông tin về phòng, chống dịch bệnh tại bộ phận y tế, Văn phòng Bộ.
- Thực hiện nghiêm quy chế người phát ngôn về tình hình dịch bệnh theo quy định.
d) Công tác hậu cần
- Văn phòng Bộ chỉ đạo bếp ăn cơ quan Bộ đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, chế biến, phục vụ ăn uống an toàn, vệ sinh cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải cách ly tại trụ sở Bộ; tổ chức cấp phát các bữa ăn tại nhà bếp theo số lượng đăng ký cho đầu mối của từng đơn vị, đảm bảo vệ sinh phòng dịch. Trường hợp cần thiết, đơn vị quản lý Bếp ăn chủ trì liên hệ các cơ sở chế biến, cung cấp thức ăn an toàn, vệ sinh đặt suất ăn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phải cách ly tại trụ sở Bộ, vận chuyển đến trụ sở Bộ, cấp phát theo số lượng đăng ký cho đầu mối của từng đơn vị.
- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, vật lực, các trang thiết bị và thuốc phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài cần rà soát số lượng hiện có và xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch.
- Tiếp nhận viện trợ về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị từ các cơ quan, tổ chức.
- Đặt mua giường gấp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong trường hợp phải cách ly qua đêm.
đ) Công tác phối hợp
- Phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thông tin để nắm bắt và chia sẻ thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế để kịp thời có các biện pháp phòng tránh và xử lý các trường hợp bị nhiễm bệnh tại đơn vị (nếu có), không để lây lan trên diện rộng.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chế độ làm việc trong tình huống khẩn cấp về dịch bệnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
3. Cấp độ 3: khi có trường hợp nhiễm bệnh
Duy trì các hoạt động của cấp độ 1, 2, đồng thời bổ sung, tăng mức độ của các hoạt động, cụ thể:
a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra
- Ban Chỉ đạo ban hành văn bản thông báo mức báo động, cảnh báo cao nhất; đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị để đề xuất chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền các biện pháp ứng phó cần thiết.
- Kịp thời báo cáo và tổ chức thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc, gia, chính quyền địa phương về tình hình dịch bệnh.
- Ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộtăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo việc thực hiện kịch bản ứng phó với diễn biến của tình hình dịch bệnh; tăng cường kiểm tra chỉ đạo xiết chặt việc phòng, chống dịch tại Bộ và các đơn vị có trụ sở ngoài Bộ.
- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện chế độ làm việc trong tình huống khẩn cấp về dịch bệnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền bảo đảm không gây gián đoạn việc thực hiện các nhiệm vụ của Bộ, ngành.
- Thực hiện các biện pháp an toàn để tiếp nhận hồ sơ, văn bản để đảm bảo hoạt động thông suốt; thực hiện các biện pháp y tế theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Trường hợp cần thiết, chuyển địa điểm tiếp nhận, xử lý các văn bản, chỉ đạo điều hành và một số bộ phận quan trọng tạm thời sang trụ sở 41 B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm (Cục Quản lý lao động ngoài nước) hoặc đề xuất phương án phù hợp, khả thi, bảo đảm an toàn phòng chống dịch và yêu cầu duy trì hoạt động liên tục, thông suốt của Bộ.
b) Công tác giám sát, dự phòng
- Khi phát hiện có trường hợp nhiễm COVID-19, Thủ trưởng đơn vị phải lập tức báo cáo về Ban Chỉ đạo để triển khai các biện pháp chống dịch.
- Phối hợp cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; giám sát trường hợp nhiễm bệnh, theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc.
- Thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại cơ quan, đơn vị theo quy định (xem Quy trình số 03 kèm theo Quyết định này).
- Phối hợp tăng cường công tác giám sát, xét nghiệm để xác định sự biến đổi, mức độ lây lan của dịch bệnh.
- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho cán bộ trực tiếp liên quan đến người bị nhiễm bệnh.
- Tăng cường phun thuốc khử trùng trụ sở cơ quan Bộ và đột xuất khi có yêu cầu.
c) Công tác truyền thông
- Tăng cường tần suất và mức độ thông tin, truyền thông về phòng chống dịch bệnh, cập nhật hàng giờ thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, các cơ quan truyền thông của Bộ và các phương tiện truyền thông khác.
- Trường hợp cần thiết, phát hành thông cáo báo chí hoặc tổ chức họp báo để cung cấp thông tin và định hướng đưa tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh. Huy động các tổ chức chính trị của Bộ tham gia công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh.
- Liên tục theo dõi và quản lý thông tin về tình hình dịch bệnh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các thông tin sai, không chính xác về tình hình dịch gây hoang mang trong cơ quan, đơn vị.
d) Công tác hậu cần
- Văn phòng Bộ đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, vật lực, các trang thiết bị và thuốc phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế trong trường hợp bùng phát dịch tại cơ quan. Không tổ chức ăn tập trung tại Nhà ăn của Bộ và của các đơn vị thuộc Bộ.
- Tiếp nhận hỗ trợ về thuốc, trang thiết bị, nguồn lực từ các cơ quan, các cấp, ưu tiên sử dụng tại những đơn vị có tình hình diễn biến phức tạp, có số mắc và tỷ lệ tử vong cao.
đ) Công tác phối hợp
- Huy động toàn bộ hệ thống chính trị của Bộ phối hợp với các cơ quan liên quan quyết liệt tham gia phòng chống dịch.
- Các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch duy trì các hoạt động thiết yếu trong trường hợp dịch bùng phát rộng.
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế để xử lý tổ chức khám, điều trị cho các trường hợp bị bệnh và thực hiện các biện pháp phòng dịch tại cơ quan, đơn vị nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chế độ làm việc trong tình huống khẩn cấp về dịch bệnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền./.
Quy trình 1: Giám sát trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm tại cơ quan
1. Tại cổng ra vào cơ quan
Trong trường hợp cán bộ, công chức và khách có kết quả đo thân nhiệt trên 37độ, các bộ phận thực hiện quy trình sau:
Bước 1 - Bảo vệ cơ quan có trách nhiệm:
Đề nghị CBCC và khách thực hiện khai báo y tế theo quy định;
Mời CBCC và khách vào phòng cách ly ban đầu;
Thông báo kịp thời cho bộ phận y tế cơ quan;
Bước 2 - Bộ phận y tế có trách nhiệm:
Phối hợp để theo dõi và báo cáo cơ quan y tế địa phương;
Trường hợp có biểu hiện nghi ngờ, y tế cơ quan hướng dẫn CBCC, khách đến khám tại cơ sở y tế;
Theo dõi, cập nhật thông tin tình trạng sức khỏe của CBCC và khách.
Bước 3 - Đối với CBCC, khách có biểu hiện nghi nhiễm:
Báo cáo Thủ trưởng đơn vị được biết về tình trạng sức khỏe bản thân;
Sau khi đến cơ sở y tế mà chưa được xác định rõ về tình trạng sức khỏe thì đề nghị tạm thời không đến cơ quan làm việc;
Trường hợp CBCC có kết quả nghi nhiễm của cơ sở y tế thì thực hiện Quy trình số 2;
2. Tại hội trường, phòng họp:
Trong trường hợp CBCC và khách có kết quả đo thân nhiệt trên 37 độ, thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1 - Lễ tân cơ quan có trách nhiệm:
Báo cáo người chủ trì cuộc họp về biểu hiện của CBCC và khách;
Mời CBCC và khách vào phòng cách ly ban đầu;
Thông báo kịp thời cho bộ phận y tế cơ quan.
Bước 2 - Y tế cơ quan
Tiến hành khám lâm sàng và kiểm tra lại thân nhiệt;
Trường hợp có biểu hiện nghi ngờ, y tế cơ quan hướng dẫn CBCC, khách đến khám tại cơ sở y tế;
Theo dõi, cập nhật thông tin tình trạng sức khỏe của CBCC và khách.
Kiểm tra việc thực hiện khai báo y tế của CBCC và khách.
Bước 3 - CBCC và khách có biểu hiện nghi nhiễm
Báo cáo Thủ trưởng đơn vị được biết về tình trạng sức khỏe bản thân;
Sau khi đến cơ sở y tế mà chưa được xác định rõ về tình trạng sức khỏe thì đề nghị tạm thời không đến cơ quan làm việc;
Trường hợp CBCC có kết quả nghi nhiễm của cơ sở y tế thì thực hiện Quy trình số 2;
3. Tại đơn vị
Trong trường CBCC có biểu hiện nghi nhiễm (sốt, ho, khó thở)
Bước 1 - CBCC có biểu hiện nghi nhiễm:
Thông báo ngay về tình trạng của mình cho y tế cơ quan của Bộ;
Báo cáo Thủ trưởng đơn vị được biết về tình trạng sức khỏe bản thân;
Nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, chuyển đến phòng cách ly ban đầu của cơ quan.
Bước 2 - Y tế cơ quan
Tiến hành khám lâm sàng và kiểm tra lại thân nhiệt;
Trường hợp có biểu hiện nghi ngờ, y tế cơ quan hướng dẫn CBCC đến khám tại cơ sở y tế;
Theo dõi, cập nhật thông tin tình trạng sức khỏe của CBCC.
Kiểm tra việc thực hiện khai báo y tế của CBCC.
Bước 3 - CBCC có biểu hiện nghi nhiễm, tiếp tục thực hiện các bước sau:
Báo cáo Thủ trưởng đơn vị được biết về tình trạng sức khỏe bản thân;
Sau khi đến cơ sở y tế mà chưa được xác định rõ về tình trạng sức khỏe thì đề nghị tạm thời không đến cơ quan làm việc;
Trường hợp CBCC có kết quả nghi nhiễm của cơ sở y tế thì thực hiện Quy trình số 2.
Quy trình số 2: Giám sát trường hợp tự phân loại cách ly
CBCC trong thời gian có dịch thường xuyên theo dõi tình hình phòng chống dịch của địa phương để tự phân loại cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương, trong trường hợp có CBCC thuộc diện tự cách ly, thực hiện cụ thể như sau:
Bước 1 - Đối với CBCC thuộc diện cách ly:
Báo cáo Thủ trưởng đơn vị được biết về tình trạng sức khỏe bản thân;
Đi kiểm tra tại cơ sở y tế và làm việc online tại nhà hoặc cơ sở lưu trú;
Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương trong thời gian cách ly.
Bước 2 - Đối với thủ trưởng đơn vị:
Lập danh sách CBCC thuộc diện cách ly báo cáo Ban Chỉ đạo của Bộ;
Phối hợp với cơ quan y tế địa phương khử khuẩn, lau dọn vệ sinh phòng làm việc;
Thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh của CBCC, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo của Bộ nếu bệnh diễn biến nặng;
Giúp đỡ, chia sẻ, động viên CBCC trong thời gian cách ly.
Sau khi kết thúc thời gian cách ly, thực hiện theo quy trình sau:
Bước 3 - Đối với CBCC thuộc diện cách ly:
Báo cáo Thủ trưởng đơn vị việc trở lại làm việc;
Báo cáo Thủ trưởng đơn vị kết quả kiểm tra y tế sau 14 ngày cách ly.
Bước 4 - Thủ trưởng đơn vị:
Lập danh sách CBCC kết thúc cách ly, trở lại làm việc, báo cáo Ban Chỉ đạo của Bộ;
Tiếp tục chỉ đạo nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, khử khuẩn, vệ sinh nơi làm việc.
CBCC sau khi trở lại làm việc tiếp tục theo dõi sức khỏe và thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân.
Quy trình số 3: Giám sát trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm tại trụ sở Bộ
(Trường hợp có dịch bùng phát)
Khi phát hiện CBCC có biểu hiện nghi nhiễm (Sốt, ho, khó thở)
Bước 1 - Thủ trưởng đơn vị có CBCC có biểu hiện nghi nhiễm:
Thông báo ngay về tình trạng của CBCC về Ban Chỉ đạo và bộ phận y tế cơ quan Bộ;
Giữ CBCC có biểu hiện nghi nhiễm tại vị trí ban đầu cho đến khi có hướng dẫn của cơ quan y tế;
Phối hợp với cơ quan y tế thực hiện các biện pháp cách ly đảm bảo an toàn, không để lây lan trong cơ quan, đơn vị;
Yêu cầu CBCC trong đơn vị ở nguyên vị trí làm việc, xử lý công việc tại chỗ, không tụ tập đông người;
Phối hợp với cơ quan y tế thực hiện phong tỏa, cách ly các CBCC cùng phòng làm việc với CBCC có biểu hiện nghi nhiễm, tránh lây lan trong đơn vị.
Bước 2 - Bộ phận y tế cơ quan:
Trang bị đầy đủ bộ đồ phòng hộ, bảo đảm an toàn tuyệt đối khi tiếp xúc với CBCC có biểu hiện nghi nhiễm;
Tiến hành khám lâm sàng và đo thân nhiệt CBCC có biểu hiện nghi nhiễm;
Báo cáo kịp thời Thường trực Ban Chỉ đạo về trường hợp CBCC có biểu hiện nghi nhiễm;
Phối hợp chặt chẽ cơ sở y tế đóng trên địa bàn để có biện pháp xử lý theo đúng quy định.
Bước 3 - Thủ trưởng đơn vị có CBCC có biểu hiện nghi nhiễm:
Khoanh vùng, lập danh sách CBCC có tiếp xúc gần với CBCC có biểu hiện nghi nhiễm, báo cáo Ban Chỉ đạo;
Hướng dẫn CBCC có tiếp xúc gần với CBCC có biểu hiện nghi nhiễm tự theo dõi sức khỏe và khai báo cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để thực hiện việc cách ly, phòng ngừa khỏi nơi làm việc, tránh lây lan trong đơn vị (thực hiện theo quy trình 2);
Chỉ đạo khử khuẩn, lau dọn vệ sinh phòng làm việc của đơn vị.
Bước 4 - Bộ phận y tế cơ quan:
Phối hợp cơ sở y tế triển khai các biện pháp khoanh vùng, tổ chức phun khử trùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng trong toàn cơ quan./.
- 1Công văn 1269/LĐTBXH-VP năm 2021 về yêu cầu tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Công văn 1380/LĐTBXH-VP năm 2021 yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3Công văn 2308/LĐTBXH-VP năm 2021 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Thông báo 284/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp nghe Bộ Y tế báo cáo về Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 14/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- 2Công điện 541/CĐ-TTg năm 2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ điện
- 3Công văn 1269/LĐTBXH-VP năm 2021 về yêu cầu tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Công văn 1380/LĐTBXH-VP năm 2021 yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 5Công văn 2308/LĐTBXH-VP năm 2021 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 6Thông báo 284/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp nghe Bộ Y tế báo cáo về Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 843/QĐ-LĐTBXH năm 2021 về Phương án ứng phó với các cấp độ của dịch COVID-19 tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Số hiệu: 843/QĐ-LĐTBXH
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/07/2021
- Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Người ký: Lê Văn Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/07/2021
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực