Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 838/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 15 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CƠ CHẾ ĐẶC THÙ TRONG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG MỘT SỐ DỰ ÁN THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020 TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về Cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 về hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư công;

Căn cứ Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2017 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công;

Căn cứ Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính về thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Thông tư 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết số 73/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh Điện Biên quy định nội dung, định mức hỗ trợ chi phí chuẩn bị và quản lý thực hiện đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên;

Căn cứ Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của UBND tỉnh Điện Biên về quy định nội dung, định mức hỗ trợ chi phí chuẩn bị và quản lý thực hiện đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên;

Sau khi xem xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 974/TTr-SXD ngày 25/8/2017,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

HƯỚNG DẪN

VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN CƠ CHẾ ĐẶC THÙ TRONG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG MỘT SỐ DỰ ÁN THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 838/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên)

I. Danh mục các dự án và điều kiện áp dụng cơ chế đặc thù

1. Danh mục dự án áp dụng cơ chế đặc thù:

Danh mục dự án áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện theo Quyết định số 237/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh Điện Biên về việc ban hành danh mục, loại dự án đối với một số dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tỉnh Điện Biên theo quy định tại Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ, danh mục, loại dự án cụ thể như sau:

(1) Dự án xây dựng Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

(2) Dự án xây dựng Kênh thủy lợi nội đồng.

(3) Dự án xây dựng Nhà lớp học.

(4) Dự án xây dựng Khu vệ sinh trường học.

(5) Dự án xây dựng Trạm Y tế xã.

(6) Dự án xây dựng Nhà văn hóa cấp xã hoặc Nhà văn hóa thể thao cấp xã.

(7) Dự án xây dựng mới Nhà văn hóa thôn, bản, sân thể thao thôn, bản.

(8) Dự án xây dựng Điểm thu gom rác tập trung.

(9) Dự án xây dựng mới Nghĩa trang nhân dân.

(10) Dự án xây dựng mới Chợ nông thôn.

(11) Dự án xây dựng Lưới điện hạ thế 0,4kv.

2. Điều kiện áp dụng cơ chế đặc thù:

Dự án quy định tại Khoản 1, Mục I nêu trên khi đảm bảo các tiêu chí theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 161/2016/NĐ-CP được áp dụng cơ chế đặc thù, các Tiêu chí cụ thể như sau:

(1) Thuộc nội dung đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

(2) Tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ đồng.

(3) Dự án nằm trên địa bàn 01 xã và do Ủy ban nhân dân xã quản lý.

(4) Kỹ thuật không phức tạp, có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình.

(5) Sử dụng một phần ngân sách Nhà nước, phần kinh phí còn lại do nhân dân đóng góp và các nguồn khác, có sự tham gia thực hiện và giám sát của người dân. Phần kinh phí đóng góp của nhân dân có thể bằng tiền hoặc hiện vật, ngày công lao động được quy đổi thành tiền.

II. Lập, thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư

Lập, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 và Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ, cụ thể như sau:

1. Lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư

Căn cứ dự kiến Kế hoạch trung hạn và hàng năm, thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định tại Phần I nêu trên, UBND cấp huyện giao danh mục dự án lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cho UBND cấp xã.

UBND cấp xã tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cho toàn bộ danh mục dự án được giao (không lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư từng dự án) gửi UBND cấp huyện để tổng hợp. Nội dung Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 19 Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ.

UBND cấp huyện giao phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với các phòng, ban liên quan tổ chức thẩm định nội bộ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư do UBND cấp xã trình duyệt; tổng hợp danh mục các dự án theo từng Chương trình mục tiêu trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

2. Thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn

Căn cứ vào thông báo của Trung ương về số vốn trung hạn hoặc hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở ngành có liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công và các quy định liên quan trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư toàn bộ danh mục dự án theo từng Chương trình mục tiêu; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo tổng hợp kết quả thẩm định theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Chủ chương trình mục tiêu quốc gia theo dõi giám sát.

Đối với các dự án đảm bảo tiêu chí theo quy định tại Tiết thứ 3 Điểm b Mục 2 Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ, gồm: (i) Thuộc nội dung đầu tư các các dự án chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020; (ii) Tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng và kỹ thuật không phức tạp; (iii) Sử dụng một phần ngân sách nhà nước, phần kinh phí còn lại do nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác, có sự tham gia thực hiện và giám sát của người dân. Phần kinh phí đóng góp của nhân dân có thể bằng tiền hoặc hiện vật, ngày công lao động được quy đổi thành tiền, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định tại Điều 3 Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

III. Lập, thẩm định, phê duyệt Hồ sơ xây dựng công trình

Các dự án được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù theo quy định tại Phần I văn bản này lập Hồ sơ xây dựng công trình đơn giản (gọi tắt là Hồ sơ xây dựng công trình) thay cho Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt Hồ sơ xây dựng công trình như sau:

1. Lập Hồ sơ xây dựng công trình

1.1. Nội dung Hồ sơ xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 161/2016/NĐ-CP, Hồ sơ xây dựng công trình gồm:

a) Thuyết minh Hồ sơ dự án đảm bảo đầy đủ các nội dung sau:

- Tên dự án;

- Mục tiêu đầu tư;

- Địa điểm xây dựng;

- Chủ đầu tư;

- Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do UBND tỉnh ban hành;

- Tổng mức đầu tư: Phương pháp lập tổng mức đầu tư được thực hiện theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó các hệ số tỷ lệ phần trăm để xác định chi phí lập Hồ sơ xây dựng công trình, quản lý dự án, giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành, phí thẩm định Hồ sơ xây dựng công trình được quy định tại Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND ngày 25/8/2017 của UBND tỉnh Điện Biên về quy định nội dung, định mức hỗ trợ chi phí chuẩn bị và quản lý thực hiện đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Bảng kê các chi phí, trong đó, ưu tiên sử dụng vật liệu tại chỗ và đơn giá lập hồ sơ xây dựng công trình được phép áp dụng theo giá thị trường.

- Nguồn vốn và cơ cấu vốn đầu tư: Loại nguồn vốn đầu tư và cơ cấu vốn cụ thể: Vốn ngân sách Trung ương, cân đối ngân sách địa phương, đóng góp của nhân dân, huy động hợp pháp khác; phần kinh phí đóng góp của nhân dân có thể bằng tiền hoặc hiện vật, ngày công lao động, hiến tặng đất và tài sản trên đất và các hình thức đóng góp khác được quy đổi thành tiền và phải được thuyết minh, tính toán cụ thể theo quy định của pháp luật; việc xác định giá trị từng loại nguồn vốn trong cơ cấu vốn phải phân định rõ từng khối lượng tương ứng với loại nguồn vốn, tránh chồng chéo, trùng lắp.

- Thời gian thực hiện dự án.

- Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu có sự tham gia của cộng đồng.

b) Hồ sơ khảo sát công trình (nếu có).

c) Bản vẽ thi công theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình;

d) Khả năng tự thực hiện của nhân dân, cộng đồng hưởng lợi.

1.2. Ban quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (gọi tắt là Ban quản lý) xã có trách nhiệm lập Hồ sơ xây dựng công trình thẩm định và phê duyệt theo quy định (Ban quản lý dự án xã được thành lập hoặc kiện toàn theo quy định tại Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia).

2. Thẩm định hồ sơ xây dựng công trình

2.1. Hồ sơ trình thẩm định gồm: (1) Tờ trình đề nghị thẩm định phê duyệt của Ban quản lý dự án xã; (2) Hồ sơ xây dựng công trình theo quy định tại Mục 1.1 Phần III văn bản này; (3) Hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn khảo sát, lập hồ sơ xây dựng công trình trong trường hợp thuê tư vấn; (4) Biên bản cuộc họp của cộng đồng, tài liệu xác minh phần kinh phí đóng góp từ nhân dân, các văn bản liên quan đến xây dựng công trình (nếu có).

2.2. Cơ quan thẩm định

Đối với thành phố Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay: Phòng Kinh tế chủ trì thẩm định đối với dự án Xây dựng kênh thủy lợi nội đồng; Phòng Quản lý đô thị chủ trì thẩm định các dự án còn lại.

Đối với các huyện còn lại: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thẩm định đối với dự án Xây dựng kênh thủy lợi nội đồng; Phòng Kinh tế - Hạ tầng chủ trì thẩm định các dự án còn lại.

2.3. Nội dung thẩm định

a) Đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của địa phương, các quy hoạch xây dựng và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã;

b) Đánh giá sự phù hợp của thiết kế mẫu, thiết kế điển hình với điều kiện thực tế của mặt bằng thi công công trình;

c) Tính khả thi về kỹ thuật, khả năng tự thực hiện của nhân dân và cộng đồng được giao thi công;

d) Sự phù hợp với Chủ trương đầu tư và khả năng huy động vốn (Nhà nước, đóng góp của nhân dân, các nguồn lực khác) theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và Báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

đ) Tính hợp lý của các chi phí so với mặt bằng giá của địa phương (giá thị trường), với các dự án tương tự khác đã và đang thực hiện (nếu có).

2.4. Thời gian thẩm định và thông báo kết quả thẩm định

Cơ quan thẩm định phải thông báo kết quả thẩm định bằng văn bản gửi tới UBND xã và Ban quản lý xã; thời gian không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

3. Phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình

Căn cứ ý kiến thẩm định, UBND xã chỉ đạo hoàn thiện và phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình.

Điều kiện về thời hạn phê duyệt Hồ sơ xây dựng công trình đối với các dự án khởi công mới được bố trí vốn hàng năm: Trước thời điểm giao kế hoạch vốn chi tiết cho dự án.

IV. Lựa chọn tổ, nhóm thi công xây dựng công trình

Lựa chọn tổ, nhóm thợ thi công xây dựng công trình được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 161/2016/NĐ-CP, cụ thể:

1. Hình thức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thực hiện bởi cộng đồng được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Tham gia thực hiện của cộng đồng.

2. Tư cách hợp lệ của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ tại địa phương thực hiện gói thầu:

a) Cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ tại địa phương được coi là có tư cách hợp lệ để tham gia thực hiện các gói thầu quy định tại Điều 27 của Luật Đấu thầu khi người dân thuộc cộng đồng dân cư hoặc tổ, nhóm thợ, tổ chức đoàn thể sinh sống, cư trú trên địa bàn triển khai gói thầu và được hưởng lợi từ gói thầu;

b) Người đại diện của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật, không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, được cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ lựa chọn để thay mặt cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ ký kết hợp đồng.

3. Quy trình lựa chọn nhà thầu là cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ:

a) Ban quản lý xã dự thảo hợp đồng trong đó bao gồm các yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, chất lượng, tiến độ công việc cần đạt được, giá hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên;

b) Ban quản lý xã niêm yết thông báo công khai (tối thiểu 3 ngày làm việc) về việc mời tham gia thực hiện gói thầu tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã và thông báo trên các phương tiện truyền thông cấp xã, các nơi sinh hoạt cộng đồng để các cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể và tổ, nhóm thợ trên địa bàn biết. Thông báo cần ghi rõ thời gian họp bàn về phương án thực hiện gói thầu;

c) Cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ quan tâm nhận dự thảo hợp đồng để nghiên cứu và chuẩn bị đơn đăng ký thực hiện gói thầu hoặc dự án gồm: Họ tên, độ tuổi, năng lực và kinh nghiệm phù hợp với tính chất gói thầu của các thành viên tham gia thực hiện gói thầu; giá nhận thầu và tiến độ thực hiện;

d) Ban quản lý xã xem xét, đánh giá lựa chọn cộng đồng dân cư hoặc tổ chức đoàn thể tốt nhất và mời đại diện vào đàm phán và ký kết hợp đồng. Chỉ giao tổ, nhóm thợ địa phương thực hiện khi cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể không có đơn đăng ký thực hiện gói thầu, dự án hoặc không đáp ứng yêu cầu;

đ) Thời gian tối đa từ khi thông báo công khai về việc mời tham gia thực hiện gói thầu đến khi ký kết hợp đồng là 30 ngày.

V. Tổ chức giám sát, thi công và nghiệm thu công trình

1. Căn cứ Hồ sơ xây dựng công trình được duyệt; kết quả lựa chọn tổ, nhóm hoặc tổ chức thi công xây lắp công trình, Ban quản lý xã ký kết hợp đồng thi công xây lắp công trình với Người đại diện tổ, nhóm hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân được lựa chọn.

2. Ban quản lý xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã có trách nhiệm giám sát trong quá trình thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình.

3. Công tác nghiệm thu công trình được thực hiện theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, trong đó Ban quản lý xã tổ chức nghiệm thu công trình, thành phần gồm: đại diện UBND xã, Ban quản lý xã; Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã; đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ thi công; các thành phần có liên quan khác do UBND xã quyết định.

(Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã được thành lập hoặc kiện toàn theo quy định tại Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng).

VI. Thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước

Việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành được thực hiện theo Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính về quy định về thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

VII. Phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng

- Chủ trì hướng dẫn, giải đáp các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt Hồ sơ xây dựng công trình; hợp đồng trong hoạt động xây dựng; công tác giám sát, thi công, nghiệm thu công trình.

- Xây dựng và ban hành Mẫu: Hợp đồng trong hoạt động xây dựng; Biên bản nghiệm thu công việc, giai đoạn thi công và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và phù hợp với dự án được áp dụng cơ chế đặc thù. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/9/2017.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì hướng dẫn, giải đáp các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; Nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình.

- Xây dựng và ban hành Mẫu: Tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư của cấp huyện và cấp xã; Tờ trình và Quyết định phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và phù hợp với dự án được áp dụng cơ chế đặc thù. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/9/2017.

3. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với Kho bạc Nhà nước Điện Biên hướng dẫn, giải đáp các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về thanh toán, quyết toán vốn đầu tư, quyết toán dự án hoàn thành.

4. Các Sở, ngành của tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Hướng dẫn này.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ cấp xã trong quá trình thực hiện các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù.

- Tích cực và nghiêm túc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 và Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 của Chính phủ, các quy định cụ thể của tỉnh và nội dung hướng dẫn tại văn bản này.

Trong quá trình triển khai thực hiện Hướng dẫn, nếu có khó khăn vướng mắc, các tổ chức, cá nhân gửi văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp; giao Sở Xây dựng chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 838/QĐ-UBND năm 2017 về hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tỉnh Điện Biên

  • Số hiệu: 838/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/09/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Mùa A Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản