Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 832/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 19 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 24 tháng 03 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKH ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy định, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 9028/QĐ-BCT ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2231/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 2979/BCT-CNNg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Bộ Trưởng Bộ Công Thương về việc quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 50/TTr-SCT ngày 07 tháng 5 năm 2015 của Giám đốc Sở Công Thương về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Biên bản số 01/BB-HĐTĐ ngày 10 tháng 02 năm 2015 của Hội đồng thẩm định họp thẩm định Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với nội dung như sau:

1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ là nền tảng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững toàn ngành công nghiệp trong xu thế hội nhập, liên kết phân công sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa công nghệ để gia tăng giá trị tăng thêm công nghiệp, tích cực tìm kiếm và phát triển thị trường ngoài tỉnh, gắn liền với quy hoạch phát triển ngành;

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở chọn lọc các ngành, các lĩnh vực dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh với công nghệ tiên tiến có tính cạnh tranh cao trong phạm vi trong nước và tiến đến tiêu chuẩn quốc tế trong thời kỳ sau năm 2020. Đồng thời phát triển theo hướng tập trung theo từng cụm liên ngành để phát huy tối đa tính đa dạng các sản phẩm - mặt hàng, nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh, góp phần giảm nhập nguyên liệu;

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng phát huy tối đa năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt chú trọng đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời tận dụng mọi cơ hội tiếp cận và thu hút đầu tư hoặc liên kết hợp tác với các đối tác chiến lược, các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong thế liên kết sản xuất kinh doanh giữa công nghiệp thượng nguồn - công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp hạ nguồn và mối liên kết công ty mẹ - các lớp công ty con vệ tinh;

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ với quan điểm đáp ứng thị trường trong nước (tầm nhìn ngắn hạn) và hướng ngoại về thị trường (tầm nhìn trung dài hạn); phát huy các thế mạnh về vị trí, cơ chế chính sách, phát triển kinh tế - xã hội của khu kinh tế Định An; đồng thời hợp tác liên kết chặt chẽ và phân công phát triển hợp lý giữa tỉnh Trà Vinh và các tỉnh thành lân cận, đặc biệt là các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thành phố Cần Thơ;

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng gia tăng nhanh hàm lượng công nghệ, nâng cao trình độ người lao động, tổ chức tốt quản lý sản xuất, liên kết hợp tác phát triển, bảo đảm an sinh lâu dài cho người lao động và các chuyên gia.

2. Mục tiêu:

2.1. Mục tiêu phát triển đến 2020:

- Tích cực thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực linh kiện phụ tùng và dệt may - da giày theo tiến độ phát triển và hình thành các khu cụm công nghiệp, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mang tính cạnh tranh cao và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị công nghiệp thượng nguồn - công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp hạ nguồn;

- Đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh duy trì mức độ trung bình về phát triển công nghiệp hỗ trợ so với mặt bằng chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm phấn đấu đạt mức phát triển cao hơn sau năm 2020; phát triển được các doanh nghiệp hỗ trợ trọng điểm kết nối sản xuất - tiêu thụ hiệu quả với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh cũng như với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài tỉnh;

- Về tốc độ tăng trưởng: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 20 - 21%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020;

- Về cơ cấu, công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 12,3% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành;

- Về hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất, tỷ lệ đầu tư thêm/VA hàng năm trong khoảng 20%, tỷ lệ VA/GO trên 25%;

- Về năng suất lao động công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu nâng giá trị tăng thêm bình quân/lao động công nghiệp hỗ trợ trên 172 triệu đồng (tương đương 7.167 USD) năm 2020;

- Về xây dựng khu cụm công nghiệp chuyên công nghiệp hỗ trợ, phát triển 01 phân khu trong khu công nghiệp Cầu Quan (huyện Tiểu Cần), 01 khu tại khu công nghiệp Cổ Chiên (huyện Càng Long), 01 khu tại khu kinh tế Định An (huyện Duyên Hải); đến năm 2020, tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 300 ha và nằm trong quy hoạch các khu cụm công nghiệp đã được phê duyệt; phấn đấu xây dựng hoàn tất hạ tầng và lấp đầy 40%; giá trị tăng thêm công nghiệp/ha đất khu công nghiệp hữu dụng khoảng 26 tỷ đồng;

- Về nguồn nhân lực công nghiệp, phấn đấu đạt trên 75% lao động công nghiệp qua đào tạo và trên 15% lao động trình độ cao;

- Về công nghệ - thiết bị, phấn đấu đạt tỷ lệ đổi mới công nghệ và trang thiết bị khoảng 20%/năm;

- Về môi trường, tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tỷ lệ rác thải công nghiệp được xử lý, tái chế trên 90%.

2.2. Mục tiêu chiến lược tầm nhìn đến 2030:

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chính phát triển bền vững, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từng bước đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có khả năng xuất khẩu;

- Phát triển thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh và ngoài nước đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và hình thành các lớp công ty con, cùng với các công ty mẹ phối hợp sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả trong chuỗi phát triển công nghiệp thượng nguồn - công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp hạ nguồn;

- Đến năm 2030, tỉnh Trà Vinh phấn đấu nằm trong nhóm trên về phát triển công nghiệp hỗ trợ so với mặt bằng chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển được các doanh nghiệp hỗ trợ thể hiện thế mạnh địa phương, có khả năng cung cấp những sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn ra thị trường trong nước và nước ngoài và đồng thời thu hút đầu tư phát triển một số doanh nghiệp vệ tinh hợp lý;

- Về tốc độ tăng trưởng, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 14 - 15%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030

- Về cơ cấu, phấn đấu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của các ngành, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ trọng trên 18%;

- Về hiệu quả sản xuất công nghiệp, tỷ trọng VA/GO trên 30%;

- Về năng suất lao động công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu nâng giá trị tăng thêm bình quân/lao động công nghiệp hỗ trợ khoảng 1,04 tỷ đồng (tương đương 33.700 USD);

- Về xây dựng khu cụm công nghiệp chuyên công nghiệp hỗ trợ, tổng diện tích đất quy hoạch trên 500 ha; phấn đấu xây dựng hoàn tất hạ tầng và lấp đầy 70%; giá trị tăng thêm công nghiệp/ha đất khu công nghiệp hữu dụng khoảng 78 tỷ đồng;

- Về công nghệ - thiết bị: Tốc độ đổi mới công nghệ trên 22%;

- Về lao động: Phấn đấu đạt tỷ lệ lao động công nghiệp qua đào tạo trên 80%; tỷ lệ lao động trình độ cao trên 20%;

- Về môi trường: Tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tỷ lệ rác thải công nghiệp được xử lý, tái chế tiếp cận 100%.

2.3. Mục tiêu phát triển từng lĩnh vực:

a) Lĩnh vực phụ tùng linh kiện kim loại:

- Đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh là một trong những địa phương có thế mạnh chuyên biệt về ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí chế tạo;

- Đến cuối thời kỳ 2021 - 2030 hình thành và hoàn thiện, hoạt động hiệu quả hệ thống công nghiệp hỗ trợ, trong đó thu hút đầu tư các công ty vệ tinh lớp 01, 02 chuyên về công nghiệp hỗ trợ cơ khí chế tạo phục vụ và các lớp công ty vệ tinh cung ứng nguyên phụ liệu trong và ngoài tỉnh; bắt đầu phát triển các công nghệ tiên tiến về khuôn mẫu và đúc, tạo phôi, hàn, dập, xử lý bề mặt, đặt cơ sở cho việc kêu gọi thu hút đầu tư 01 công ty mẹ chuyên lắp ráp cụm linh kiện phục vụ đóng sửa tàu và logistics;

- Cung cấp các loại phụ tùng, thiết bị cho các ngành khác trong tỉnh và cho các địa phương khác, hướng đến xuất khẩu một số mặt hàng;

- Đến 2020 tăng trưởng giá trị sản xuất gần 16%/năm, chiếm tỷ trọng 13% trong giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Đến 2030 tăng trưởng 14 - 15%/năm, chiếm tỷ trọng 15%.

b) Lĩnh vực linh kiện nhựa:

- Phát triển lĩnh vực bao bì theo hướng đa dạng các sản phẩm, mẫu mã phục vụ thị trường còn rất lớn tại địa bàn tỉnh và từng bước tiến ra thị trường ngoài tỉnh;

- Sản xuất các chi tiết lắp ráp thành các mặt hàng nhựa gia dụng;

- Phấn đấu đến cuối thời kỳ, bắt đầu phát triển lĩnh vực linh kiện nhựa cao cấp, sản xuất các mặt hàng linh kiện, cụm linh kiện nhựa công nghệ cao có tích hợp các sản phẩm cơ khí và điện - điện tử phục vụ cho lắp ráp các sản phẩm phục vụ các ngành văn phòng, điện, điện tử, cơ khí chế tạo, logistics…;

- Đến 2020 tăng trưởng giá trị sản xuất 39%/năm, chiếm tỷ trọng 2% trong giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Đến 2030 tăng trưởng 30 - 32%/năm, chiếm tỷ trọng 5%.

c) Lĩnh vực phụ tùng linh kiện điện, điện tử - tin học:

- Phát triển nhằm cung cấp các hợp phần linh kiện phục vụ các ngành khác;

- Sản xuất những linh kiện thông dụng thuộc lớp 03, những thiết bị kết hợp với cơ khí về đo lường, cân..., từng bước kêu gọi đầu tư phát triển đa dạng hóa các lĩnh vực lắp ráp khác;

- Đến cuối giai đoạn, bắt đầu tích hợp với lĩnh vực cơ khí và nhựa nhằm hướng đến phát triển linh kiện điện tử dạng cụm; trong điều kiện thuận lợi có thể kêu gọi đầu tư các xí nghiệp sản xuất vật liệu gốc;

- Đến 2020 tăng trưởng giá trị sản xuất 26%/năm, chiếm tỷ trọng 47% trong giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Đến 2030 tăng trưởng 20 - 22%/năm, chiếm tỷ trọng 55%.

d) Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may, da giày:

- Phát triển lĩnh vực phụ liệu phục vụ thị trường còn rất lớn trên địa bàn tỉnh và từng bước tiến ra thị trường ngoài tỉnh;

- Đến 2020 tăng trưởng giá trị sản xuất 14 - 15%/năm, chiếm tỷ trọng 38% trong giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Đến 2030 tăng trưởng 12 - 13%/năm, chiếm tỷ trọng 25%.

3. Định hướng phát triển:

3.1. Định hướng cụ thể đến năm 2020:

- Về phát triển sản xuất kinh doanh, tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên công nghiệp hỗ trợ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ cải thiện điều kiện sản xuất, công nghệ, hiệu quả và từng bước gắn vào các lớp vệ tinh trong hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục thu hút đầu tư từ nguồn FDI và từ các doanh nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố Cần Thơ nhằm gia tăng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực trọng điểm. Quy hoạch phát triển các khu dân cư, khu đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp phục vụ cho phát triển các khu hoặc phân khu công nghiệp hỗ trợ;

- Về công tác khuyến công, ứng dụng và triển khai công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đổi mới trang thiết bị và công nghệ; phổ biến các thông tin về khoa học, kỹ thuật và thị trường; phát triển mạnh các dịch vụ tư vấn, thẩm định, cải tiến thích nghi và triển khai các công nghệ mới phù hợp với yêu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh việc nhận chuyển giao, đổi mới công nghệ từ công ty mẹ, kết hợp với tiêu chuẩn hóa hệ thống quản lý chất lượng;

- Về thương mại hóa và thị trường, tổ chức các sự kiện, liên kết mạng nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện giới thiệu năng lực và tiếp cận các cơ hội liên kết sản xuất, thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ. Cùng với các công ty mẹ xây dựng và quảng bá các thương hiệu mạnh về công nghiệp hỗ trợ; xây dựng hệ thống hợp lý nhằm chủ động điều tiết cung ứng đối với thị trường trong và ngoài nước;

- Về nguồn nhân lực, đào tạo lao động tại chỗ theo định hướng thích ứng với nghiệp hỗ trợ. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hút và đào tạo chuyên gia, lao động trình độ cao đến làm việc và sinh sống tại địa bàn thu hút đầu tư;

- Về cơ chế chính sách và các lĩnh vực có liên quan, nghiên cứu vận dụng các cơ chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư từ các công ty mẹ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng đầu tư FDI vào các dự án phát triển tổng hợp. Chuẩn bị các điều kiện để thu hút đầu tư: Mặt bằng sản xuất thích ứng, kết cấu hạ tầng đến rào, các cụm dân cư và dịch vụ cho chuyên gia.

3.2. Định hướng phát triển từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm đến 2020:

a) Linh kiện phụ tùng kim loại: Tăng cường đầu tư chiều sâu về công nghệ và máy móc hiện đại tại các doanh nghiệp cơ khí chế tạo hiện có. Thu hút đầu tư FDI theo các lớp công nghiệp hỗ trợ vào các lĩnh vực chế tác có kết hợp với công nghệ đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, cung cấp bán thành phẩm và linh kiện phụ tùng cơ khí đạt tiêu chuẩn và yêu cầu cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong tầm nhìn dài hạn, tích hợp với các ngành nhựa, điện - điện tử.

b) Linh kiện nhựa: Hỗ trợ nâng cao công nghệ, cải tiến thiết bị và mẫu mã cho các doanh nghiệp hiện có; chú trọng phát triển lĩnh vực bao bì phục vụ các ngành thực phẩm, dược phẩm kết hợp với phát triển công nghệ in. Tập trung thu hút đầu tư FDI theo các lớp công nghiệp hỗ trợ nhằm phát triển các doanh nghiệp chuyên sản xuất các linh kiện nhựa cao cấp phục vụ công nghiệp cơ khí lắp ráp, điện - điện tử.

c) Linh kiện điện, điện tử - tin học: Tiếp tục phát huy thế mạnh sản xuất hiện trạng, thu hút đầu tư các doanh nghiệp lắp ráp gia công về điện - điện tử, từng bước nâng cao độ phức tạp của sản phẩm lắp ráp. Tăng cường thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới của các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong việc phát triển sản xuất các cụm linh phụ kiện điện, điện tử.

d) Công nghiệp hỗ trợ dệt may và da giày: Khuyến khích các doanh nghiệp hiện có mở rộng quy mô và đa dạng các phụ liệu cho ngành may và da giày. Thu hút đầu tư phát triển thêm các doanh nghiệp sản phụ liệu cho ngành dệt may và da giày.

3.3. Định hướng tầm nhìn chiến lược đến 2030:

- Về hướng phát triển chủ đạo, đến 2020 tập trung vào việc tăng hàm lượng công nghệ, hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thế mạnh trên địa bàn; tăng cường thu hút đầu tư kết hợp đào tạo nguồn nhân lực. Thời kỳ 2021 - 2030 thúc đẩy quá trình liên kết, đầu tư trong và ngoài tỉnh trên cơ sở phát huy hiệu quả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng đến hình thành các doanh nghiệp đầu tàu cho các ngành trọng điểm (tại các khu công nghiệp và khu kinh tế Định An) trong hệ thống phát triển công nghiệp thượng nguồn - công nghiệp hỗ trợ - công nghiệp hạ nguồn với nhiều lớp công ty vệ tinh hợp lý;

- Về cơ cấu ngành, tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ lực là linh kiện phụ tùng (kim loại, nhựa, điện tử - tin học) và phụ liệu ngành may, da giày;

- Về nhiệm vụ trọng tâm, tiến đến hình thành một số phân khu chuyên công nghiệp hỗ trợ trong các khu cụm công nghiệp và trong khu kinh tế Định An. Tạo điều kiện phát triển, cải thiện và phát huy năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ lực; thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hình thành hệ thống các công ty con cùng phối hợp sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả;

- Về thu hút và vận dụng các nguồn lực phát triển bao gồm: Vốn, công nghệ, lao động và tổ chức thị trường, nghiên cứu và vận dụng các cơ chế chính sách cho môi trường thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn liền với thị trường cả nước và quốc tế. Phát triển các khu dân cư, khu đô thị dịch vụ công nghiệp và các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, làm cơ sở thu hút đầu tư các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong và ngoài nước chuyên về công nghiệp hỗ trợ và thu hút lao động chất lượng cao.

4. Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư: (Phụ lục đính kèm).

5. Các giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch:

a) Giải pháp về tạo môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh:

- Đẩy mạnh cải cách hành chính từ cấp tỉnh đến cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thẩm định dự án, cấp giấy phép đầu tư, thỏa thuận địa điểm cấp đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp giấy phép xây dựng, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyên tư vấn đầu tư công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn;

- Đối với các phân khu chuyên công nghiệp hỗ trợ và các cụm công nghiệp có công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu các chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hoặc thuê đất sản xuất kinh doanh;

- Thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; các dự án là đầu tàu và sản xuất thành phẩm;

- Triển khai hệ thống chính sách ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hạ tầng các phân khu công nghiệp hỗ trợ. Tạo thuận lợi về huy động các nguồn lực liên quan đến đất đai, nhân lực cho nhà đầu tư nhằm thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia hoặc các doanh nghiệp nhỏ và vừa FDI;

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư; xây dựng ngân hàng dữ liệu về các phân khu công nghiệp, các doanh nghiệp chuyên công nghiệp hỗ trợ; thu thập dữ liệu về các công ty, tập đoàn thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có liên quan; quảng bá hình ảnh và cơ hội đầu tư công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; liên kết xúc tiến đầu tư với các Trung tâm thuộc Trung ương và các tỉnh thành, tạo cơ hội tiếp cận và đối tác với các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính tín dụng; thẩm tra và đánh giá về nhà đầu tư và dự án đầu tư; giới thiệu và tư vấn nhà đầu tư về tiềm năng, cơ hội, thủ tục đầu tư. Giới thiệu các nhà tư vấn xây dựng dự án. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, tìm cơ hội liên doanh liên kết hợp tác;

- Thúc đẩy các ngành thực hiện nhanh và dứt điểm các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đến hàng rào khu công nghiệp theo đúng quy hoạch được duyệt, đúng phân cấp đầu tư;

- Hình thành một cách vững chắc hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thông qua các chương trình khởi sự doanh nghiệp, vườn ươm công nghiệp.

b) Giải pháp về huy động vốn:

- Huy động tối đa nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ cho các khu cụm công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ. Khảo sát và đưa các công trình trọng điểm vào danh mục đầu tư công trung hạn;

- Kiến nghị Trung ương tiếp tục cập nhật, bổ sung các chính sách cho công nghiệp hỗ trợ; đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu các công ty nhà nước có liên quan đầu tư trên địa bàn;

- Nâng cao hiệu quả huy động và hỗ trợ đầu tư phát triển của các Quỹ;

- Tạo điều kiện tiếp cận các nguồn tín dụng, các nguồn vay ưu đãi; hỗ trợ cho các doanh nghiệp lập các dự án sản xuất có tính khả thi cao để huy động vốn; xây dựng các danh mục dự án cần đầu tư phát triển ngành nghề công nghiệp hỗ trợ để thu hút, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư;

- Tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước hoạt động.

c) Giải pháp về khoa học công nghệ:

- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao công nghệ, thiết bị phát triển tiên tiến để đáp ứng với yêu cầu của các sản phẩm từ công nghiệp hỗ trợ; xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ với sự phối hợp tham gia giữa các Viện, Trường, doanh nghiệp;

- Tạo điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ và thúc đẩy đa dạng hóa các loại hình hợp tác, tranh thủ tối đa sự chuyển giao công nghệ hiện đại từ đối tác nước ngoài;

- Vận dụng các chính sách theo quy định cho các doanh nghiệp FDI có các dự án chuyển giao công nghệ. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trích lập và sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu cải tiến hoặc chuyển giao công nghệ, xây dựng hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D);

- Triển khai hiệu quả chương trình đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp liên kết trong các lĩnh vực đào tạo, thị trường, liên kết với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.

d) Giải pháp về cơ sở hạ tầng:

- Xác định các công trình hạ tầng có tác động gia tăng điều kiện thu hút đầu tư và liên kết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đưa vào kế hoạch trung hạn và đẩy nhanh quá trình triển khai, trong đó tập trung vào các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ có trang thiết bị, công nghệ tiên tiến;

- Cần có thiết kế phân lô và các hạ tầng kèm theo phù hợp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ;

- Kết hợp với ngành xây dựng quy hoạch và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực khu dân cư, khu thương mại, khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu cư trú, sinh hoạt của chủ đầu tư và các chuyên viên - kỹ sư.

đ) Giải pháp về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực:

- Mở rộng các hình thức đào tạo, dạy nghề bằng nhiều hình thức, đẩy mạnh việc phối hợp, liên kết với các trường đại học, các trung tâm dạy nghề có uy tín; đổi mới chương trình giảng dạy, đào tạo nhân lực ở các cơ sở dạy nghề; gắn chương trình đào tạo với nhu cầu thực tiễn. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần quan tâm đầy đủ tới cơ cấu chuyên môn;

- Lồng ghép chương trình dạy nghề cấp quốc gia với chương trình đào tạo lao động cho công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh tham gia dạy nghề cho lực lượng lao động của tỉnh và hỗ trợ cho công tác giáo dục đào tạo của tỉnh; từng bước hướng đến đưa doanh nghiệp trở thành chủ thể chính trong đào tạo lao động;

- Tích cực quan hệ với các công ty mẹ, các tập đoàn đầu tư trên địa bàn để tranh thủ nguồn hỗ trợ của chính phủ các nước phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích các doanh nghiệp FDI tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực.

e) Giải pháp về liên kết đầu tư kết hợp với thị trường:

- Tổ chức để các đơn vị, doanh nghiệp chuyên xúc tiến thương mại trong địa bàn tỉnh phối hợp hiệu quả trong công tác tiếp thị tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đối tượng cung cấp sản phẩm hỗ trợ trong và ngoài nước. Thông qua các doanh nghiệp để tổ chức hội thảo, xúc tiến đầu tư để phục vụ cho chính doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ để làm cơ sở cho công việc giới thiệu, tìm kiếm các mối liên kết; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thị trường, thương mại điện tử. Hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động một số trang web chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ;

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện có trên địa bàn; liên kết gia công với các công ty mẹ, tập đoàn trong hệ thống công nghiệp hỗ trợ.

g) Giải pháp về tài chính:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận được nguồn vốn vay;

- Nghiên cứu và phát triển phương thức thuê mua tài chính trong mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp;

- Tranh thủ nguồn vốn ODA để hỗ trợ đào tạo lao động, xây dựng thể chế pháp lý và các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nhỏ và vừa, chương trình hợp tác với các công ty đa quốc gia.

h) Giải pháp bảo vệ môi trường:

- Di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc doanh nghiệp vừa và nhỏ vào các phân khu công nghiệp chuyên ngành hoặc đưa các chi nhánh, phần mở rộng sinh nhiều phát thải vào các khu cụm công nghiệp chuyên ngành;

- Đưa 100% cơ sở sản xuất công nghiệp vào diện kiểm soát môi trường. Khuyến khích và tạo điều kiện đổi mới công nghệ hạn chế gây ô nhiễm môi trường;

- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, xây dựng giải pháp xử lý nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt để hạn chế nhiễm bẩn nguồn nước mặt; tổ chức quản lý việc xả nước thải vào nguồn nước; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; hạ tầng khu cụm công nghiệp phải thiết kế và trình thẩm định hệ thống thu gom và xử lý nước thải; phải xây dựng hệ thống đồng bộ với kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và phải vận hành hệ thống ngay trước khi phân khu khởi động;

- Đối với các dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng, bảo vệ môi trường là một yếu tố bắt buộc được thể hiện trong nội dung dự án khi thẩm định dự án;

- Chọn lọc thu hút các loại hình đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, ít gây tác động môi trường; hạn chế đầu tư mới các loại hình công nghiệp có công nghệ lạc hậu, nhiều phát thải trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;

- Cần xây dựng các quy định và cam kết về công nghệ, lộ trình ứng dụng công nghệ, kết hợp với giám sát chặt chẽ về môi trường trong tiến độ thực hiện dự án;

- Thực hiện việc thu phí bảo vệ môi trường, áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với hoạt động bảo vệ môi trường;

- Giám sát và vận dụng các chính sách hỗ trợ việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải;

- Các cơ sở trong khu công nghiệp phải có thùng rác riêng, quản lý và thu gom rác thải, từng bước tiến đến phân loại nguồn rác. Các cơ sở trong khu cụm công nghiệp 100% đăng ký với các tổ thu gom rác và phân loại nguồn rác.

6. Tổ chức thực hiện:

6.1. Sở Công Thương: Lồng ghép các mục tiêu, định hướng của Quy hoạch trong các kế hoạch, chương trình mục tiêu và dự án phát triển công nghiệp của tỉnh; triển khai thực hiện nội dung của quy hoạch và tiến hành triển khai các đề án, dự án phát triển theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; lập chương trình khuyến công về công nghiệp hỗ trợ; tham gia vào các chương trình vườn ươm doanh nghiệp, khởi tạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; cùng tham gia xúc tiến đầu tư và thị trường. Đồng thời phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch. Hàng năm, Sở Công thương có trách nhiệm đánh giá việc thực hiện Quy hoạch, trên cơ sở đó tiến hành rà soát, kiến nghị theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong từng thời kỳ.

6.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Lồng ghép các nội dung về phát triển công nghiệp hỗ trợ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tổ chức truyền thông các thông tin tư liệu xúc tiến đầu tư; tổ chức hội thảo, sự kiện, liên kết xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các đối tác trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; tham gia giới thiệu địa điểm và thẩm định dự án đầu tư.

6.3. Sở Tài chính: Cân đối tài chính có liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ.

6.4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Đo đạc, lập bản đồ và xác định giới hạn đất đai cho các khu công nghiệp chuyên công nghiệp hỗ trợ; thực hiện các thủ tục thuê đất cho các chủ đầu tư hạ tầng khu cụm công nghiệp và các doanh nghiệp; phối hợp thẩm định và giám sát về môi trường công nghiệp.

6.5. Sở Xây dựng: Lập kế hoạch và triển khai xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng có liên quan; lập và thu hút đầu tư, thẩm định các dự án có liên quan đến đô thị, dân cư để chủ đầu tư và chuyên gia các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ FDI đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.

6.6. Sở Giao thông vận tải: Lập kế hoạch và triển khai xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông tới các khu công nghiệp chuyên công nghiệp hỗ trợ kết hợp phát triển hệ thống cảng, trung tâm logistics.

6.7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Lập kế hoạch và phối hợp đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật cho các ngành công nghiệp hỗ trợ.

6.8. Sở Khoa học và Công nghệ: Triển khai các chương trình ứng dụng công nghệ trong công nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất đăng ký mẫu mã hàng hóa, chất lượng sản phẩm và tư vấn về công nghệ; phối hợp thực hiện chương trình vườn ươm doanh nghiệp; triển khai chương trình đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp liên kết chuyên công nghiệp hỗ trợ.

6.9. Ban Quản lý Khu kinh tế Trà Vinh: Chủ trương và thẩm định quy hoạch chi tiết các phân khu công nghiệp hỗ trợ với thiết kế thích ứng; nghiên cứu xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.

6.10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Lồng ghép các nội dung quy hoạch có liên quan trên địa bàn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành tỉnh có liên quan trong việc triển khai Quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Trà Vinh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Chánh VP, PCVP UBND tỉnh: Lê Hữu Nghị;
- Phòng NC KTTH;
- Lưu VT, KTKT. 25 bản

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phong

 

PHỤ LỤC

CÁC DỰ ÁN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ CHỦ YẾU TỈNH TRÀ VINH, THỜI KỲ ĐẾN 2030
(Kèm theo Quyết định số: 832/QĐ-UBND ngày 19/5/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

STT

Tên dự án và các chi tiết

1

Nhà máy sản xuất phụ tùng, cơ phận

Mục tiêu: Đầu tư sản xuất phụ tùng cơ khí dân dụng và cơ khí nông nghiệp, thủy sản; tiến đến phát triển các sản phẩm cơ khí có tích hợp với nhựa, điện - điện tử trong các cụm linh kiện phụ tùng.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2016 - 2020; hoạt động năm 2018 - 2025.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, khu kinh tế Định An. Có khả năng kết hợp theo cụm liên ngành với cụm công nghiệp Bà Trầm, Châu Thành.

Quy mô: 1 - 2 nhà máy, tổng công suất 10.000 sản phẩm/năm.

Vốn đầu tư: 70 tỷ đồng

2

Nhà máy đúc cơ phận, chi tiết máy móc

Mục tiêu: Đầu tư sản xuất đúc các chi tiết cơ khí phục vụ dân dụng và nông nghiệp, thủy sản; tiến đến phát triển công nghệ khuôn mẫu và cơ khí chính xác.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2018 - 2020; hoạt động năm 2021 - 2025.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, khu kinh tế Định An.

Quy mô: 2 - 3 nhà máy, tổng công suất 1.000 tấn/năm.

Vốn đầu tư: 250 tỷ đồng.

3

Nhà máy sản xuất phụ tùng, chi tiết máy chính xác

Mục tiêu: Đầu tư phụ tùng chi tiết đa công nghệ đạt độ chính xác cao; tiến đến tích hợp với nhựa, điện - điện tử trong các cụm linh kiện phụ tùng.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2018 - 2020; hoạt động sau năm 2020.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, khu công nghiệp Long Đức.

Quy mô: 1-2 nhà máy, tổng công suất 10.000 sản phẩm/năm.

Vốn đầu tư: 45 tỷ đồng.

4

Nhà máy sản xuất bạc đạn các loại

Mục tiêu: Đầu tư sản xuất bạc đạn cung ứng cho cụm linh kiện hoặc phụ tùng thay thế trong công nghiệp cơ khí, điện cơ.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2016 - 2017; hoạt động năm 2017 - 2020.

Địa điểm: Khu công nghiệp Long Đức, Cổ Chiên.

Quy mô: 1 - 2 nhà máy, tổng công suất 300.000 sản phẩm/năm.

Vốn đầu tư: 100 tỷ đồng.

5

Nhà máy sản xuất khuôn mẫu các loại

Mục tiêu: Đầu tư sản xuất khuôn mẫu và công nghệ khuôn mẫu.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2017 - 2020; hoạt động năm 2020 - 2025.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, Long Đức.

Quy mô: 1 - 2 nhà máy, tổng công suất 5.000 cái/năm.

Vốn đầu tư: 30 tỷ đồng.

6

Nhà máy chế tạo, lắp ráp thiết bị điện

Mục tiêu: Chế tạo thiết bị điện phục vụ Trung tâm Điện lực Duyên Hải.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2016 - 2018; hoạt động năm 2018 - 2022.

Địa điểm: Khu kinh tế Định An. Có khả năng kết hợp theo cụm liên ngành với các cụm công nghiệp Long Sơn, Hiệp Mỹ Tây.

Quy mô: 1 - 2 nhà máy, tổng công suất 10.000 tấn/năm.

Vốn đầu tư: 280 tỷ đồng.

7

Nhà máy gia công cơ khí phục vụ ngành chế biến

Mục tiêu: Chế tạo các phụ tùng, linh kiện cho các dây chuyền chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2016 - 2018; hoạt động năm 2018 - 2020.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, Cầu Quan, khu kinh tế Định An. Có khả năng kết hợp theo cụm liên ngành với các cụm công nghiệp Châu Thành, Bà Trầm, Tân Hòa, Phú Cần, Long Sơn, Hiệp Mỹ Tây.

Quy mô: 2 - 3 nhà máy, tổng công suất 1.000 tấn/năm.

Vốn đầu tư: 180 tỷ đồng.

8

Nhà máy sản xuất dụng cụ, linh kiện điện

Mục tiêu: Chế tạo thiết bị điện phục vụ dân dụng; tiến đến tích hợp với ngành nhựa và điện - điện tử sản xuất các thiết bị điện cao cấp.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2017 - 2020; hoạt động năm 2021 - 2025.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, khu kinh tế Định An. Có khả năng kết hợp theo cụm liên ngành với các cụm công nghiệp Châu Thành, Bà Trầm, Long Sơn, Hiệp Mỹ Tây.

Quy mô: 2 nhà máy, tổng công suất 5 triệu sản phẩm/năm.

Vốn đầu tư: 40 tỷ đồng.

9

Nhà máy sản xuất nhựa kỹ thuật phục vụ đóng tàu

Mục tiêu: Chế tạo linh kiện nhựa đóng ghe, tàu và các chi tiết nhựa trong lĩnh vực đóng tàu, sà lan.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2016 - 2020; hoạt động năm 2018 - sau 2020.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, Cầu Quan, khu kinh tế Định An. Có khả năng kết hợp theo cụm liên ngành với các cụm công nghiệp Châu Thành, Bà Trầm, Long Sơn, Hiệp Mỹ Tây, Vàm Bến Cát, An Phú Tân.

Quy mô: 2 nhà máy, tổng công suất 5.000 tấn/năm.

Vốn đầu tư: 200 tỷ đồng.

10

Nhà máy sản xuất bao bì nhựa các loại

Mục tiêu: Sản xuất bao bì nhựa cho công nghiệp chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2016 - 2020; hoạt động từ năm 2018.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, Cầu Quan.

Quy mô: 2 nhà máy, tổng công suất 6.000 tấn/năm.

Vốn đầu tư: 50 tỷ đồng.

11

Nhà máy sản xuất bao bì các loại nhựa cao cấp

Mục tiêu: Sản xuất bao bì nhựa cao cấp, kết hợp với công nghệ in cho công nghiệp chế biến thủy sản, nông sản, thực phẩm và cụm linh kiện phụ tùng.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2018 - 2020; hoạt động từ năm 2019 - sau 2020.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, khu kinh tế Định An.

Quy mô: 2 nhà máy, tổng công suất 3.000 tấn/năm.

Vốn đầu tư: 160 tỷ đồng.

12

Nhà máy lắp ráp và chế tạo hàng điện tử

Mục tiêu: Lắp ráp các sản phẩm điện tử, cụm linh kiện điện tử; tiến đến phát triển các cụm linh kiện hoàn chỉnh có tích hợp phần mềm.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2016 - 2018; hoạt động từ năm 2017 - sau 2020.

Địa điểm: Khu công nghiệp Long Đức, Cổ Chiên, khu kinh tế Định An.

Quy mô: 3 nhà máy, tổng công suất 10.000 sản phẩm/năm.

Vốn đầu tư: 45 tỷ đồng.

13

Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử

Mục tiêu: Sản xuất gia công các linh kiện điện - điện tử phục vụ lắp ráp cụm linh kiện.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2017 - 2020; hoạt động sau năm 2020.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, khu kinh tế Định An.

Quy mô: 2 nhà máy, tổng công suất 3 triệu sản phẩm/năm.

Vốn đầu tư: 50 tỷ đồng.

14

Nhà máy sản xuất phụ liệu may các loại

Mục tiêu: Sản xuất phụ liệu ngành dệt may cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2015 - 2020; hoạt động từ năm 2017 - 2020.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, Cầu Quan.

Quy mô: 2 - 3 nhà máy, tổng công suất 100 triệu cái/năm.

Vốn đầu tư: 120 tỷ đồng.

15

Nhà máy sản xuất dây kéo các loại

Mục tiêu: Sản xuất phụ liệu ngành dệt may cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2015 - 2020; hoạt động từ năm 2017 - 2020.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, Cầu Quan.

Quy mô: 2 - 3 nhà máy, tổng công suất 10 triệu cái/năm.

Vốn đầu tư: 200 tỷ đồng.

16

Nhà máy sản xuất nhãn mác các loại

Mục tiêu: Sản xuất phụ liệu ngành dệt may cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2015 - 2020; hoạt động từ năm 2017 - 2020

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, Cầu Quan.

Quy mô: 1-2 nhà máy, tổng công suất 20 triệu cái/năm.

Vốn đầu tư: 100 tỷ đồng.

17

Nhà máy sản xuất đế, gót giày các loại

Mục tiêu: Sản xuất phụ liệu ngành giày da cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

Thời gian: Kêu gọi đầu tư năm 2015 - 2017; hoạt động từ năm 2016 - 2018.

Địa điểm: Khu công nghiệp Cổ Chiên, Cầu Quan.

Quy mô: 1 - 2 nhà máy, tổng công suất 10 triệu cái/năm.

Vốn đầu tư: 35 tỷ đồng.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 832/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 832/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/05/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Nguyễn Văn Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/05/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản