Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/2003/QĐ-UB

Tam Kỳ, ngày 21 tháng 7 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

- Căn cứ Lụât Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi), ngày 21/06/1994;

- Căn cứ Nghị định 45/2001/NĐ-CP, ngày 02/8/2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện;

- Căn cứ Quyết định 27/2002/QĐ-BCN, ngày 18/6/2002 của Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp phép hoạt động điện lực;

- Xét đề nghị của Sở Công nghiệp Quảng Nam tại Tờ trình số 306/TT-CN, ngày 26 tháng 5 năm 2003 về chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn và Tờ trình số 324/TT-KH, ngày 11/6/2003 của Sở Kế hoạch & Đầu tư về phê duyệt phương án triển khai thực hiện Nghị định 45/2001/NĐ-CP, ngày 02/8/2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện và Quyết định 27/2002/QĐ-BCN, ngày 18/6/2002 của Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp phép hoạt động điện lực,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1: Nay phê duyệt " Phương án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam" ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2: Căn cứ nội dung Phương án, các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã cụ thể hoá thành nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, địa phương mình; đồng thời phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện, đạt hiệu quả.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND & UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan quản lý điện trên địa bàn tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3.
- TVTU, THĐND & UBND tỉnh.
- CPVP .
- Lưu VT, TH, KTTH, KTN

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Ánh

 

PHƯƠNG ÁN

CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN.
( Ban hành kèm theo Quyết định số 83 /2003/QĐ-UB, ngày 21 tháng 7 năm 2003 của UBND tỉnh Quảng Nam )

Phần I

THỰC TRẠNG, TÌNH HÌNH QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Tình hình cung cấp điện: Đến nay điện lưới quốc gia đã có 14/16 huyện, thị xã và 190/222 đơn vị xã, phường, thị trấn có điện, chiếm tỷ lệ 85,58%, trong đó:

- Có điện lưới quốc gia 186/222, đạt tỷ lệ 83,78%;

- Có thuỷ điện tại chỗ 3/222, đạt tỷ lệ 1,35 %;

- Có điện Diezel 1/222, đạt tỷ lệ 0,45%.

Số hộ có điện, chiếm tỷ lệ khoảng 84 %.

2. Về tổ chức quản lý điện nông thôn:

a. Về mô hình tổ chức và quản lý: Toàn tỉnh Quảng Nam có 178 tổ chức quản lý điện nông thôn theo các loại hình sau:

- Ban quản lý điện huyện (do huyện ra quyết định thành lập và quản lý): có 05 đơn vị.

- Ban quản lý điện xã (do UBND xã ra quyết định thành lập và quản lý): có 61 đơn vị.

- Ban quản lý điện HTX (do HTX ra quyết định thành lập và quản lý): có 106 đơn vị.

- Tổ quản lý điện thôn, xóm: có 03 đơn vị.

- Tổ quản lý điện của các cơ quan, xí nghiệp (do cơ quan, xí nghiệp thành lập và quản lý): có 02 đơn vị.

- Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Quảng Nam (doanh nghiệp hoạt động công ích trong lĩnh vực điện lực).

Các tổ chức này đều trực tiếp tổ chức quản lý mua bán điện, thực hiện thu chi tài chính, không sử dụng hình thức khoán thầu tư nhân.

b. Giá bán điện ánh sáng sinh hoạt (ASSH) nông thôn:

+ Giá bán điện ASSH bằng và dưới 700 đồng/KW: có 156 tổ chức.

+ Giá bán điện ASSH từ 700-900 đ/KW: có 21 tổ chức.

+ Giá bán điện ASSH trên 3.000đ/KW: có 01 tổ chức.

3. Đánh giá thực trạng:

- Việc kinh doanh điện ở nông thôn theo mô hình Ban quản lý điện huyện và Ban quản lý điện xã hiện nay là không phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện. Các đơn vị nêu trên đều không có đăng ký kinh doanh, không có giấy phép hoạt động điện lực. Giá bán điện ở nhiều nơi còn cao so với quy định.

- Cơ sở vật chất, như: trụ điện, đường dây, công tơ điện,...xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Phần II

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ NGUYÊN TẮC CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN

1. Mục đích: Nhằm củng cố và phát huy hơn nữa công tác quản lý và sử dụng điện ở nông thôn được tốt hơn, hiệu quả hơn. Cải thiện điều kiện cung cấp điện trên địa bàn nông thôn, hạ giá bán điện xuống dưới mức giá trần quy định của Chính phủ.

2. Yêu cầu: Thực hiện Nghị định 45/2001/NĐ-CP, ngày 02/8/2001 của Chính phủ và Quyết định 27/2002/QĐ-BCN, ngày 18/6/2002 của Bộ Công nghiệp thì tổ chức tham gia hoạt động điện lực phải có 02 điều kiện sau:

- Phải tiến hành đăng ký kinh doanh hoạt động điện lực theo Điều 8, Quyết định 27/2002/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp.

- Phải có giấy phép hoạt động điện lực theo Điều 3, Nghị định 45/2001/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Nguyên tắc:

- Chuyển đổi mô hình hoạt động có hiệu quả, phù hợp với Luật định.

- Nguồn lực để thực hiện việc chuyển đổi theo nguyên tắc Nhà nước, tập thể và nhân dân cùng làm.

- Đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động Điện lực ở nông thôn.

- Mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân trong việc sử dụng điện.

Phần III

NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN

1. Đối với loại hình Ban quản lý điện HTX:

- Các HTX có Ban quản lý điện thì tiến hành đăng ký bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh điện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ( trừ những HTX mà Luật quy định phải đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ).

- Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh điện lực, HTX tiếp tục làm các thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN tại Sở Công nghiệp Quảng Nam, cụ thể như sau:

a. Đối với các tổ chức tư vấn:

+ Đơn đề nghị cấp phép hoạt động điện lực.

+ Bản sao hợp lệ (qua công chứng) giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc.

+ Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn chủ trì các lĩnh vực tư vấn chính, kèm theo hợp lệ bằng tốt nghiệp.

+ Danh sách các dự án tương tự mà tổ chức tư vấn đã thực hiện hoặc các chuyên gia chính của tổ chức tư vấn đã chủ trì tham gia thực hiện trong thời gian năm gần nhất.

+ Danh mục thiết bị, phương tiện, phần mền ứng dụng phục vụ công tác tư vấn.

+ Báo cáo tài chính 03 năm gần nhất (đối với tổ chức đang hoạt động).

b. Đối với tổ chức sản xuất và kinh doanh điện:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực.

+ Bản sao hợp lệ (qua công chứng) giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc.

+ Danh sách trích ngang như Giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp, các chuyên gia chính trong lĩnh vực đề nghị cấp phép hoạt động điện lực; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, người trực tiếp quản lý kỹ thuật HTX kinh doanh điện kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp.

+ Danh mục các hạng mục công trình điện chính do tổ chức đang quản lý vận hành hoặc chuẩn bị tiếp nhận theo Quyết định của cấp có thẩm quyền.

+ Báo cáo tài chính năm gần nhất trước khi nộp đơn đăng ký cấp giấy phép.

+ Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đảm bảo đủ điều kiện đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

+ Đối với tổ chức mới thành lập để quản lý các công trình điện sắp đưa vào vận hành cần phải có các văn bản sau: Bản sao hợp lệ quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình điện được cấp có thẩm quyền duyệt; bản sao bản thí nghiệm công trình điện trước khi đưa vào vận hành.

+ Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Đối với loại hình Ban quản lý điện xã:

- Đối với các Ban quản lý điện xã thuê tài sản đường dây hạ thế của ngành điện thì lập thủ tục bàn giao lại cho ngành điện quản lý và bán điện trực tiếp cho nhân dân theo giá điện quy định của Chính phủ.

- Đối với các Ban quản lý điện xã có tài sản đường dây hạ thế của địa phương thì chuyển giao cho HTX còn tồn tại trên địa bàn và tiến hành lập thủ tục đăng ký như mục 1 phần III của phương án này.

- Những xã mà các HTX (HTX SX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp, HTX SX nông nghiệp... ) đã giải thể không còn HTX trên địa bàn xã thì lập thủ tục bàn giao cho Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Quảng Nam quản lý và kinh doanh bán điện cho nhân dân theo giá do UBND tỉnh phê duyệt.

3. Đối với mô hình Ban quản lý điện cấp huyện: Thống nhất chuyển giao cho Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Quảng Nam quản lý, kinh doanh và lập thủ tục để được cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của Nhà nước. Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp cùng Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch & Đầu tư, UBND các huyện, thị xã triển khai các bước giao nhận theo quy định hiện hành của Nhà nước. Cần lưu ý là phải giao nhận hiện trạng cả về vốn, tài sản, công nợ, bộ máy tổ chức.

4. Đối với BQL điện của Xí nghiệp, cơ quan Nhà nước:

- Đối với những xí nghiệp, cơ quan nào mà hoạt động sản xuất kinh doanh hay hoạt động công ích thì phải tiến hành bổ sung đăng ký ngành nghề kinh doanh điện tại Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Nam và lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo những thủ tục do Luật định.

- Đối với các đơn vị cơ quan mà hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu thì phải duy trì hiện trạng để phục vụ cho nhân dân các khu vực xung quanh đơn vị mình (nếu khu vực đó không có đơn vị nào cung cấp điện cho nhóm dân cư này). Không được mở rộng thêm đối tượng có yêu cầu sử dụng điện, Điện lực Quảng Nam có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, có kế hoạch tiếp nhận lưới điện hạ thế mở rộng bán lẻ để việc phân phối điện được tiến hành an toàn không gây trở ngại cho nhân dân.

5- Về đội ngũ cán bộ quản lý trong các đơn vị hoạt động điện lực: UBND tỉnh đã có chủ trương cho đào tạo 100 học viên trung cấp điện tại trường Trung học điện 3 ngay trong khoá học 2003 - 2004.

Sở Công nghiệp tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam để được giải quyết chỉ tiêu tuyển sinh và hỗ trợ kinh phí đào tạo. Đồng thời phải chuẩn bị ngay trong tháng 7 năm 2003 việc tuyển chọn và chiêu sinh đào tào đội ngũ trung cấp kỹ thuật điện theo phương thức cử tuyển, ưu tiên trước hết cho đào tạo số cán bộ đang tham gia quản lý điện hiện nay.

Sở Công nghiệp làm việc với Trường Trung học Điện 3 để hướng dẫn ngay cho các địa phương cử tuyển đối tượng dự học, kịp chiêu sinh vào tháng 9 năm 2003.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp cùng Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, Liên minh các Hợp tác xã tỉnh, Điện lực Quảng Nam, các ngành và địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện phương án.

2. UBND các huyện, thị xã chỉ đạo và tổ chức triển khai việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn trên địa bàn.

3. Tiến độ thực hiện: Toàn tỉnh phấn đấu cơ bản hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn theo Phương án này xong trong năm 2003./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 83/2003/QĐ-UB phê duyệt Phương án chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 83/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/07/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Lê Minh Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/07/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 16/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản