Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 20 tháng 02 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG BỐ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI BAN HÀNH ÁP DỤNG CHUNG TẠI CẤP HUYỆN CỦA TỈNH ĐIỆN BIÊN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này 5 thủ tục hành chính mới ban hành áp dụng chung tại cấp huyện của tỉnh Điện Biên (có danh mục và nội dung cụ thể kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo; Thủ trưởng các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH MỚI ÁP DỤNG CHUNG TẠI CẤP HUYỆN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên)

I. DANH MỤC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ÁP DỤNG CHUNG TẠI CẤP HUYỆN

STT

Tên thủ tục hành chính

1

Thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú

2

Chuyển đổi trường phổ thông Dân tộc bán trú

3

Xét duyệt học sinh bán trú

4

Xác nhận hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho học sinh bán trú

5

Đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ tiền ở

II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA TỪNG THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ÁP DỤNG TẠI CẤP HUYỆN

1. Thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú

- Trình tự thực hiện:

Bước 1. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (đối với trường PTDTBT thành lập mới), Nhà trường (đối với trường PTDTBT được thành lập trên cơ sở trường phổ thông) có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị thành lập trường theo quy định nộp tại phòng Giáo dục và đào tạo cấp huyện.

Bước 2. Phòng Giáo dục và đào tạo tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các ngành hữu quan ở cấp huyện tổ chức thẩm định theo nội dung của đề án thành lập trường; trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định thành lập trường PTDTBT.

Bước 3. Trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập trường. Trường hợp chưa quyết định thành lập trường, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có văn bản thông báo cho phòng Giáo dục và đào tạo biết rõ lý do và hướng giải quyết.

- Cách thức thực hiện:

Trực tiếp tại phòng Giáo dục và đào tạo cấp huyện

- Thành phần hồ sơ:

- Tờ trình đề nghị thành lập trường Phổ thông dân tộc bán trú.

- Đề án thành lập trường theo các nội dung được quy định tại Điều 7 của Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú (Ban hành kèm theo Thông tư số: 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

- Số lượng hồ sơ:

Không quy định

- Thời hạn giải quyết:

45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Tổ chức.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

Phòng Giáo dục và đào tạo cấp huyện

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

Quyết định thành lập trường Phổ thông dân tộc bán trú.

- Lệ phí (nếu có):

Không

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Không

- Yêu cầu, điều kiện để thực hiện TTHC:

- Có đề án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng xây dựng và phát triển nhà trường. Trong phương hướng xây dựng và phát triển nhà trường, cần bảo đảm có ít nhất 50% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số và ít nhất 25% học sinh (đối với trường PTDTBT tiểu học), 50% học sinh (đối với trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở, trường PTDTBT trung học cơ sở) là học sinh bán trú, các tỷ lệ này ổn định.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

- Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

- Điều 7, Điều 8, Điều 9 Quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú).

 

2. Cho phép hoạt động giáo dục đối với trường phổ thông dân tộc bán trú

- Trình tự thực hiện:

Bước 1. Trường phổ thông dân tộc bán trú làm tờ trình đề nghị cho phép hoạt động giáo dục nộp tại phòng Giáo dục & đào tạo cấp huyện.

Bước 2. Phòng Giáo dục và đào tạo tiếp nhận hồ sơ, xem xét điều kiện để cho phép hoạt động giáo dục theo quy định. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký quyết định thành lập, trường được phép hoạt động giáo dục khi có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú. Hết thời hạn trên, nếu không đủ điều kiện thì phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân cấp huyện thu hồi quyết định thành lập.

- Cách thức thực hiện:

Trực tiếp tại phòng Giáo dục và đào tạo cấp huyện

- Thành phần hồ sơ:

Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động giáo dục.

- Số lượng hồ sơ:

Không quy định

- Thời hạn giải quyết:

Không quy định

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Tổ chức.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

Phòng Giáo dục và đào tạo cấp huyện

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

Quyết định hành chính

- Lệ phí (nếu có):

Không

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Không

- Yêu cầu, điều kiện để thực hiện TTHC:

- Có quyết định thành lập trường.

- Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục của trường PTDTBT được quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 24/2010/TT-BGDĐT ngày

02 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú.

- Địa điểm xây dựng trường bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn và thuận lợi cho người học, người dạy và nhân viên phục vụ.

- Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học tương ứng.

- Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục ở trường PTDTBT.

- Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục của trường PTDTBT.

- Có quy định về tổ chức hoạt động bán trú của trường.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

- Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

- Điều 10, Điều 11 Quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú).

 

3. Chuyển đổi trường phổ thông Dân tộc bán trú

- Trình tự thực hiện:

Bước 1. Trường Phổ thông dân tộc bán trú lập tờ trình đề nghị cho phép chuyển đổi. Trong tờ trình cần nêu rõ phương án sử dụng cơ sở vật chất của trường, chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên và học sinh sau chuyển đổi.

Bước 2. Phòng giáo dục và đào tạo tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan ở cấp huyện thẩm định và đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định chuyển đổi trường Phổ thông dân tộc bán trú thành trường phổ thông công lập.

- Cách thức thực hiện:

Trực tiếp tại Phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện.

- Thành phần hồ sơ:

Tờ trình đề nghị chuyển đổi trường Phổ thông dân tộc bán trú

- Số lượng hồ sơ:

Không quy định

- Thời hạn giải quyết:

Không quy định

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Tổ chức

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

Phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện.

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

Quyết định chuyển đổi trường Phổ thông dân tộc bán trú.

- Lệ phí (nếu có):

Không

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Không

- Yêu cầu, điều kiện để thực hiện TTHC:

Trường PTDTBT không đảm bảo tỷ lệ học sinh dân tộc và tỷ lệ học sinh bán trú theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2010/TT-BGDĐT) trong vòng 3 năm liền thì chuyển thành trường phổ thông công lập.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

- Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

- Điều 12 Quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú).

 

4. Xét duyệt học sinh bán trú

- Trình tự thực hiện:

Bước 1. Nhà trường tập hợp hồ sơ và lập danh sách học sinh đề nghị xét duyệt học sinh bán trú của đơn vị trình Hội đồng xét duyệt (do UBND cấp huyện ra Quyết định thành lập).

Bước 2. Hội đồng xét duyệt thông báo công khai danh sách dự kiến được xét duyệt trong 5 ngày, trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt chính thức.

Bước 3. Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kết quả xét duyệt; chuyển kết quả xét duyệt cho Hội đồng xét duyệt (gồm UBND cấp xã và nhà trường) để công bố kết quả xét duyệt học sinh bán trú trước khai giảng ít nhất 30 ngày.

Hội đồng xét duyệt giải quyết khiếu nại về kết quả xét duyệt học sinh bán trú (nếu có) trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày công bố kết quả.

- Cách thức thực hiện:

Trực tiếp tại Phòng Giáo dục và Đào tạo

- Thành phần hồ sơ:

- Đơn xin bán trú có ý kiến của bố, mẹ hoặc người giám hộ;

- Bản phô tô sổ hộ khẩu có công chứng.

- Danh sách đề nghị xét duyệt của trường phổ thông Dân tộc bán trú.

- Số lượng hồ sơ:

Không quy định

- Thời hạn giải quyết:

Không quy định

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Tổ chức

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

Phòng Giáo dục và Đào tạo

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

Danh sách phê duyệt học sinh được ở bán trú.

- Lệ phí (nếu có):

Không

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Không

- Yêu cầu, điều kiện để thực hiện TTHC:

1. Bản thân học sinh và bố, mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn và các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ;

2. Khoảng cách từ nhà tới trường tối thiểu là 6 km, do giao thông khó khăn, học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.

- Trường hợp đặc biệt, học sinh đang sinh sống tại các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, cự li từ nhà tới trường tối thiểu là 04 km, do địa hình cách trở, giao thông khó khăn học sinh không thể đi, về trong ngày.

- Điều kiện địa hình cách trở, giao thông đặc biệt khó khăn được hiểu là: không có đường giao thông ( kể cả đường dân sinh); học sinh phải băng rừng, trèo đèo, vượt sông, suối đến trường.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú;

- Điều 13, Điều 14, Điều 15 Quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế tổ chức và hoạt động của phổ thông dân tộc bán trú);

- Điều 1 Quyết định số 06/2011/QĐ-UBND ngày 03/3/2011 của UBND tỉnh Điện Biên về việc Quy định chi tiết một số nội dung xét duyệt học sinh bán trú theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT.

 

5. Cấp kinh phí hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ tiền ở

- Trình tự thực hiện:

Bước 1. Các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có học sinh được xét duyệt là học sinh bán trú yêu cầu các em phải tự lo chỗ ở, viết đơn đề nghị hỗ trợ tiền nhà ở theo mẫu đơn quy định tại Thông tư số: 65/2011/TTLT- BGDĐT-BTC-BKHĐT.

Bước 2. Căn cứ danh sách học sinh bán trú đang học tại trường đã được UBND cấp huyện phê duyệt và đơn đề nghị hỗ trợ tiền nhà ở của học sinh bán trú phải tự lo chỗ ở, nhà trường lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí gửi phòng giáo dục và đào tạo thẩm định.

Bước 3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ của nhà trường, phòng Giáo dục và đào tạo thẩm định hồ sơ, phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng và thông báo kết quả thẩm định để các cơ sở giáo dục thực hiện chi trả.

- Cách thức thực hiện:

Trực tiếp tại Phòng Giáo dục và Đào tạo

- Thành phần hồ sơ:

- Danh sách học sinh bán trú mới được UBND cấp huyện phê duyệt trong năm học;

- Danh sách học sinh bán trú đang học tại trường đã được UBND cấp huyện phê duyệt từ các năm học trước và đang tiếp tục học bán trú trong năm học;

- Đơn đề nghị hỗ trợ tiền nhà ở của học sinh có xác nhận của nhà trường đối với học sinh bán trú phải tự lo chỗ ở (mẫu đơn theo phụ lục kèm theo).

- Số lượng hồ sơ:

Không quy định

- Thời hạn giải quyết:

05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

Tổ chức

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND cấp huyện

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:

Danh sách phê duyệt học sinh được hưởng chế độ bán trú.

- Lệ phí (nếu có):

Không

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:

Đơn đề nghị hỗ trợ tiền nhà ở cho học sinh bán trú

- Yêu cầu, điều kiện để thực hiện TTHC:

Không

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

- Căn cứ Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú;

- Điều 5 Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT- BTC-BKHĐT ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch đầu tư về việc Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú.

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT ngày 22 tháng 12 năm 2011)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

HỖ TRỢ TIỀN NHÀ Ở CHO HỌC SINH BÁN TRÚ

(Dùng cho học sinh bán trú học tại trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông công lập khác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)

Kính gửi: Trường ...........................................................................

Họ và tên học sinh:………………………………………….…………………….

Ngày sinh:……………….………………………………………….……………..

Thường trú tại thôn (bản)…………………Xã……………………………………

Huyện…………………………………….Tỉnh………………………………..…

Em đang học lớp:…………… là học sinh bán trú của trường.

Hiện nay em đang phải tự lo chỗ ở, theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, em làm đơn này kính đề nghị nhà trường xem xét để em được hỗ trợ tiền nhà ở theo quy định của chế độ hiện hành.

 

Xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường

(Ký tên, đóng dấu )

…............, ngày ….. tháng ….. năm 201…

Học sinh

(Ký, ghi rõ họ, tên)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 82/QĐ-UBND năm 2012 công bố thủ tục hành chính mới áp dụng chung tại cấp huyện của tỉnh Điện Biên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành

  • Số hiệu: 82/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/02/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Mùa A Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản