Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/2014/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 28 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU 2 CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 1658/2010/QĐ-UBND NGÀY 29 THÁNG 9 NĂM 2010 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÁC ÁI, TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BNN ngày 26 tháng 02 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;

Thực hiện Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 163/TTr-SNNPTNT ngày 03 tháng 10 năm 2014 và Báo cáo kết quả thẩm định số 1450/BC-STP ngày 12 tháng 9 năm 2014 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Quyết định số 1658/2010/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản áp dụng trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

1. Sửa đổi điểm a, d, khoản 1, Điều 2 như sau:

“1. Hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất

a) Hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên (có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đóng cửa rừng) được hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm, áp dụng theo Thông tư số 80/TTLT-BTC-BNN ngày 14 tháng 6 năm 2013 của liên Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện bảo vệ và phát triển rừng;

d) Đối với diện tích đất trồng được quy hoạch để trồng rừng, cụ thể:

- Những diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch rừng phòng hộ đã giao ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nếu tự nguyện tham gia trồng rừng được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha, để trồng rừng, chăm sóc rừng trồng các năm tiếp theo và được hưởng lợi từ rừng theo quy định hiện hành, áp dụng theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.

- Hỗ trợ một lần bằng tiền cho hộ gia đình được giao đất trồng rừng sản xuất mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công trồng rừng với mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/ha”.

2. Sửa đổi điểm a, b, c, d, khoản 2, Điều 2 như sau:

“2. Hỗ trợ khai hoang, phục hoá hoặc cải tạo đất dốc để sản xuất nông nghiệp

a) Đất khai hoang: là đất đã được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng đến trước thời điểm lập phương án khai hoang chưa giao cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng, đang để hoang hoá. Mức hỗ trợ khai hoang để đưa vào trồng trọt hoặc trồng cây thức ăn gia súc là 15 triệu đồng/ha;

b) Đất để phục hoá: là đất được quy hoạch để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đã có thời gian được sử dụng để sản xuất nông nghiệp nhưng sau đó diện tích trên không được sản xuất trồng trọt nên đã bị hoang hoá trở lại đến trước thời điểm lập phương án chuyển đổi diện tích đất trên vẫn bị bỏ hoang hoá. Mức hỗ trợ phục hoá đất để đưa sản xuất là 10 triệu đồng/ha;

c) Cải tạo ruộng bậc thang (đất dốc): là đất nương rẫy hoang hoá hoặc đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp nhưng được cải tạo thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước hoặc trồng hoa màu, cây công nghiệp, trồng cây thức ăn gia súc. Mức hỗ trợ cho mỗi lần cải tạo là 15 triệu đồng/ha;

d) Gia đình thuộc diện hộ nghèo có diện tích mặt nước từ 100m2 trở lên được hỗ trợ một lần với mức 1,5 triệu đồng/hộ để cải tạo ao nuôi, chi phí cho việc cải tạo đắp bờ, mương máng, mua hoá chất và các chế phẩm sinh học cải tạo môi trường chuẩn bị ao trước khi nuôi thả giống.”

3. Sửa đổi điểm a, b, d, đ, khoản 3, Điều 2 như sau:

“3. Hỗ trợ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế

Hộ nông dân tham gia dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy hoạch sản xuất được hỗ trợ như sau:

a) Hỗ trợ tiền mua cây giống, phân bón:

- Hỗ trợ một lần tiền mua cây giống và ba năm tiền mua phân bón để chuyển đổi từ cây hàng năm sang cây trồng lâu năm, cây nguyên liệu sinh học theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Hỗ trợ tiền mua giống và phân bón cho ba vụ sản xuất liên tiếp để chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đối với cây ngắn ngày (lúa, ngô, mì, mía, bông vải, đậu xanh giống mới, cây thức ăn gia súc) áp dụng theo Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

b) Hỗ trợ từ một đến hai lần tiền mua giống gia cầm hoặc một lần tiền mua giống gia súc và tiền vận chuyển giống nhưng mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/hộ;

d) Hộ nghèo được hỗ trợ một lần 02 triệu đồng/hộ để làm chuồng trại chăn nuôi;

đ) Hộ nghèo được hỗ trợ 04 triệu đồng/ha để mua giống trồng thâm canh cây thức ăn cho gia súc phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu.

- Hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo để mua giống gia súc, gia cầm, thủy sản hoặc phát triển ngành nghề, mức vay được hỗ trợ tối đa là 10 triệu đồng/hộ, thời gian hỗ trợ lãi suất là 03 năm”.

4. Sửa đổi khoản 6, Điều 2 như sau:

“6. Hỗ trợ tiêm phòng gia súc, gia cầm

- Hộ nông dân trực tiếp chăn nuôi được hỗ trợ 100% tiền vắc xin và chi phí khác phục vụ công tác bảo quản vắcxin, tiêm phòng đối với các bệnh nguy hiểm: lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng trâu bò; dịch tả, dịch tai xanh ở lợn; cúm gia cầm.”

5. Bổ sung khoản 7, Điều 2 như sau:

“7. Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông - khuyến ngư

Hộ nông dân tham gia dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất được tập huấn kỹ thuật theo quy định tại Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông. Ủy ban nhân dân huyện đề xuất nhu cầu và phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn cho nông dân theo dự án chuyển đổi sản xuất được cấp thẩm quyền phê duyệt”

6. Bổ sung khoản 8, Điều 2 như sau:

“8. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm: hỗ trợ 200 triệu đồng/năm để thông tin thị trường cho nông dân, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông, lâm thủy sản của địa phương”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành. Những nội dung khác không quy định, sửa đổi bổ sung tại Quyết định này, thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1658/2010/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản áp dụng trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 82/2014/QĐ-UBND sửa đổi Điều 2 Quyết định 1658/2010/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản áp dụng trên địa bàn huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 82/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/10/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Trần Xuân Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản