Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/2006/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 12 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TÀU THUYỀN VÀ PHƯƠNG THỨC THÔNG TIN, LIÊN LẠC TRỰC TIẾP VỚI TÀU THUYỀN ĐANG HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN PHỤC VỤ CHỈ HUY ỨNG CỨU KHI CÓ BÃO HOẶC ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002;

Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;

Xét đề nghị của liên Sở Thủy sản và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tại Tờ trình số 29/TTr/STS-BCHBĐBP ngày 21/9/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bản Quy định về quản lý tàu thuyền và phương thức thông tin, liên lạc trực tiếp với tàu thuyền đang hoạt động trên biển phục vụ chỉ huy ứng cứu khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông, Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ TÀU THUYỀN VÀ PHƯƠNG THỨC THÔNG TIN, LIÊN LẠC TRỰC TIẾP VỚI TÀU THUYỀN ĐANG HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN PHỤC VỤ CHỈ HUY ỨNG CỨU KHI CÓ BÃO HOẶC ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 81/2006/QĐ-UBND ngày 12/10/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định trách nhiệm quản lý tàu thuyền và phương thức thông tin liên lạc trực tiếp với tàu thuyền đang hoạt động trên biển khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

2. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác hải sản trên biển và các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Máy liên lạc tầm xa” là các máy vô tuyến điện (VTĐ) có công suất phát trên 100W, tầm liên lạc đến 1.000km, phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống thông tin Duyên hải.

2. “Máy liên lạc tầm ngắn” là các máy VTĐ có công suất phát thấp, tầm liên lạc ngắn dùng để liên lạc giữa các tàu, không tương thích với hệ thống Đài thông tin Duyên hải.

3. “Kênh an toàn, cứu nạn” là kênh dành riêng phục vụ thông tin an toàn, cứu nạn.

4. “Tổng đài gia đình” là một đài VTĐ tầm xa (có công suất phát từ 100W trở lên) đặt tại các hộ gia đình để liên lạc với một hoặc nhiều đài tàu hoạt động trên biển.

Chương II

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ TÀU THUYỀN TRÊN BIỂN KHI CÓ BÃO HOẶC ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI

Điều 3. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Khi có Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh) về việc thông báo cho các tàu thuyền tìm nơi trú ẩn khi có bão hoặc ATNĐ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn vùng biển chịu trách nhiệm tổ chức nắm bắt thông tin liên quan tới tàu cá và ngư dân của địa phương mình đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển thông qua các hộ ngư dân có tổng đài gia đình; báo cáo về Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp và báo cáo Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh xử lý, chỉ đạo. Nếu phát hiện có tàu thuyền nằm trong vùng nguy hiểm hoặc đang gặp nguy hiểm cần cứu nạn thì phải thông báo ngay cho Đồn Biên phòng ở địa phương và Đội Thanh tra Thủy sản khu vực để có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN địa phương thực hiện tốt chế độ kiểm tra, nắm bắt thông tin về ngư dân và tàu thuyền đang hoạt động trên biển khi có bão hoặc ATNĐ xảy ra. Bảo đảm tổng hợp và báo cáo chính xác, kịp thời số lượng tàu thuyền và ngư dân địa phương đang hoạt động trên biển về Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh khi có yêu cầu.

Điều 4. Trách nhiệm của thuyền trưởng, chủ thuyền và các hộ có tổng đài gia đình

1. Thông báo chính xác tần số liên lạc, giờ liên lạc và các thông tin liên quan khác theo yêu cầu của các Đồn Biên phòng, Thanh tra Sở Thủy sản và cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Các thông tin được sử dụng vào mục đích đảm bảo an toàn, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn đối với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển và được các cơ quan chức năng bảo đảm bí mật thông tin.

2. Chuyển tiếp thông tin báo bão và cứu nạn tới các tàu khác trong khu vực thông qua hệ thống liên lạc của các tàu (cả tầm xa và tầm ngắn). Thông báo về Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh (thông qua hệ thống thông tin liên lạc của các Đồn Biên phòng, Thanh tra Sở Thủy sản, Sở Thủy sản hoặc các Đài thông tin Duyên hải) khi nhận được các thông tin cứu nạn trên biển.

3. Tham gia cứu nạn, cứu hộ khi phát hiện tàu thuyền và ngư dân gặp nạn trong khu vực hoạt động của tàu.

Điều 5. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là đơn vị thường trực, trung tâm xử lý thông tin trên biển của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh; chịu trách nhiệm tổng hợp và xử lý thông tin liên quan đến tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên vùng biển của tỉnh; phối hợp tốt với Đài thông tin Duyên hải Phan Thiết trong việc xử lý, truyền tải thông tin tới ngư dân và tàu thuyền đang hoạt động trên biển; chỉ đạo xử lý các trường hợp cứu nạn trên biển khi có sự cố xảy ra.

Điều 6. Trách nhiệm tổ chức thông tin liên lạc trực tiếp với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, phục vụ chỉ huy, ứng cứu khi có bão, áp thấp nhiệt đới

1. Các Đồn Biên phòng sau đây được chỉ định, gồm:

- Đồn Biên phòng 428 (thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong);

- Đồn Biên phòng 432 (thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong);

- Đồn Biên phòng 440 (phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết);

- Đồn Biên phòng 444 (phường Thanh Hải, thành phố Phan Thiết);

- Đồn Biên phòng 456 (thị xã La Gi);

- Đồn Biên phòng 464 (huyện Phú Quý).

Chịu trách nhiệm tổ chức mạng lưới thông tin, nắm bắt tần số và thời gian liên lạc của các tàu thuyền, các tổng đài gia đình hoạt động trên địa bàn; thống nhất chế độ liên lạc và đảm bảo tốt việc thông tin liên lạc giữa các Đồn Biên phòng với các tàu và tổng đài gia đình; chuyển tải kịp thời thông tin về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tới các tàu thuyền đang hoạt động trên biển khi có yêu cầu.

2. Phối hợp với Thanh tra Sở Thủy sản và Đài thông tin Duyên hải Phan Thiết trong việc tiếp nhận các thông tin cứu nạn của tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển; báo cáo kịp thời cho Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh để có biện pháp chỉ đạo, xử lý một cách nhanh nhất.

Điều 7. Trách nhiệm phối hợp

Đài thông tin Duyên hải Phan Thiết, Sở Thủy sản, Chi cục Quản lý Thủy sản, Thanh tra Sở Thủy sản và các Đội Thanh tra Thủy sản khu vực là lực lượng hỗ trợ, phối hợp nắm bắt và chuyển tải thông tin liên quan tới tàu thuyền hoạt động trên biển theo yêu cầu và sự phân công của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh.

Chương III

CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO

Điều 8. Tần số, phương thức liên lạc chung

1. Các kênh thông tin an toàn, cứu nạn được quy định thống nhất:

a) Hệ thống các Đồn Biên phòng hoạt động trên tần số 9030 KHz (vào ban ngày) và 6820 KHz (vào ban đêm). Thời gian liên lạc vào lúc 08 giờ 00 và 15 giờ 00 các ngày và trực 24/24 giờ khi có tình huống xảy ra. Đối với các máy liên lạc tầm ngắn, do từng Đồn Biên phòng thống nhất tần số và phương thức liên lạc với ngư dân trong địa bàn;

b) Hệ thống PCLB Ngành Thủy sản hoạt động trên tần số 4567 KHz và 8215 KHz (đây là kênh thông tin thường trực của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN Bộ Thủy sản). Thời gian liên lạc vào lúc 08 giờ 00 và 15 giờ 00 các ngày và trực 24/24 giờ khi có tình huống xảy ra;

c) Hệ thống các Đài thông tin Duyên hải hoạt động trên các tần số: 2182 KHz, 6215 KHz, 7903 KHz, 8291 KHz và 12290 KHz và theo chế độ thường trực 24/24 giờ.

2. Tàu thuyền đang hoạt động trên biển khi bị sự cố và các tổng đài gia đình khi nhận được thông tin về tàu thuyền bị nạn trên biển, phải nhanh chóng liên lạc, thông báo với các cơ quan chức năng theo các tần số liên lạc tại khoản 1 nêu trên và thực hiện đúng theo các hướng dẫn và yêu cầu của cơ quan chức năng.

3. Các Đồn Biên phòng được chỉ định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này, các Đội Thanh tra Thủy sản khu vực và hệ thống các Đài thông tin Duyên hải khi nhận được thông tin cứu nạn phải nhanh chóng báo cáo về Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Sở Thủy sản để có biện pháp chỉ đạo xử lý; đồng thời, giữ liên lạc với các tàu bị nạn để chuyển tiếp các thông tin hướng dẫn cần thiết tiếp theo.

Điều 9. Chế độ báo cáo

1. Khi có Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh về việc thông báo cho các tàu thuyền tìm nơi trú ẩn khi có bão hoặc ATNĐ xảy ra, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tổng hợp thông tin và báo cáo tình hình, số lượng tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển về Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN của huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp báo cáo Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh. Chế độ báo cáo là 02 lần/ngày, vào lúc 09 giờ 00 và 15 giờ 00.

2. Các Đồn Biên phòng báo cáo về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chế độ báo cáo trực ban hàng ngày.

3. Trường hợp cần thiết, các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch trang bị thiết bị thông tin liên lạc phù hợp cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các Đồn Biên phòng đã được chỉ định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố vùng biển có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này tới Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; kiểm tra và báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trong các báo cáo tháng.

Điều 12. Sở Thủy sản phối hợp với các cơ quan thông tin tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên nội dung của Quy định này tới các hộ ngư dân; tăng cường kiểm tra về trang thiết bị an toàn và thông tin liên lạc; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định an toàn với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

Điều 13. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Thủy Sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để được hướng dẫn hoặc tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung./.