- 1Nghị định 199/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 2Quyết định 245/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 639/QĐ-BNN-KH năm 2014 phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 805/BNN-KH | Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2014 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 639/QĐ-BNN-KH ngày 02/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính sau:
- Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch chuyên ngành khác trên địa bàn đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế và điều kiện tự nhiên của mỗi địa phương trong vùng; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, nâng cao thu nhập cho nông dân và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
- Quy hoạch phát triển nông nghiệp vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cừu Long thành trung tâm dịch vụ khoa học và công nghệ nông nghiệp, vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, tạo sự phát triển cả khu vực nông thôn, thành thị, biên giới, hải đảo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn; sắp xếp, bố trí lại dân cư; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
1. Mục tiêu chung
Xây dựng nông nghiệp, nông thôn vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản cao; cung ứng dịch vụ khoa học, công nghệ cho các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất hợp lý; hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước hiện đại; thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao; tài nguyên thiên nhiên được sử dụng hiệu quả; môi trường được bảo vệ và cải thiện.
2. Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
a) Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản bình quân 4,8% - 5,2%/năm; trong đó nông nghiệp tăng 3,7 - 4,2%/năm, lâm nghiệp tăng 2 - 2,5%/năm và thủy sản tăng 7,5 - 8 %/năm.
- Cơ cấu giá trị sản xuất: Nông nghiệp 56,2%, lâm nghiệp 0,5% và thủy sản 43,3%.
- Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 140 - 150 triệu đồng/ha/năm, nuôi trồng thủy sản đạt 260 - 270 triệu đồng/ha/năm.
- Tổng sản lượng lúa đạt 10,2 triệu tấn, sản lượng thủy hải sản đạt 1,8 triệu tấn.
- Tỉ lệ xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới đạt trên 50%.
b) Định hướng đến năm 2030:
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản bình quân 4,5% - 5%/năm; trong đó nông nghiệp tăng 3,3 - 3,8%/năm, lâm nghiệp tăng 2 - 2,5%/năm và thủy sản tăng 7,2 - 7,7%/năm.
- Cơ cấu giá trị sản xuất: Nông nghiệp 51,9%, lâm nghiệp 0,4% và thủy sản 47,7%.
- Giá trị sản lượng bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 240 - 250 triệu đồng/ha/năm, nuôi trồng thủy sản đạt 430 - 450 triệu đồng/ha/năm.
- Tổng sản lượng lúa đạt 9,5 - 10 triệu tấn, sản lượng thủy hải sản trên 2 triệu tấn.
1. Quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp
a) Đến năm 2020:
Hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất nông nghiệp, đặc biệt là đất chuyên trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, đảm bảo quy mô diện tích các nhóm đất chính đến năm 2020:
- Đất sản xuất nông nghiệp khoảng 1,41 triệu ha, trong đó:
+ Đất lúa 787 nghìn ha, trong đó đất chuyên lúa 704 nghìn ha
+ Đất cây lâu năm 130,7 nghìn ha, trong đó đất trồng cây ăn quả và trồng dừa 49,5 ngàn ha.
- Đất lâm nghiệp đến năm 2020 là 215 nghìn ha, trong đó rừng sản xuất 96,8 nghìn ha, rừng phòng hộ 61,1 nghìn ha và rừng đặc dụng 57,1 nghìn ha.
- Đất nuôi thủy sản năm 2020 là 259,3 nghìn ha, trong đó nuôi thủy sản nước ngọt 12,1 nghìn ha, nuôi thủy sản nước lợ 247,2 nghìn ha.
- Đất sản xuất muối ổn định 80 ha.
b) Tầm nhìn đến năm 2030:
Dự báo toàn vùng có khoảng 10 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp bị ngập do nước biển dâng, dự kiến sẽ chuyển sang đất lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; đất sản xuất nông nghiệp giảm còn khoảng 1,4 triệu ha, đất lâm nghiệp tăng lên 220 - 225 nghìn ha, đất nuôi trồng thủy sản tăng lên 265 - 270 nghìn ha.
2. Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp
a) Trồng trọt
- Lúa:
+ Quỹ đất lúa đến năm 2020 là 787,2 nghìn ha, trong đó đất 2 - 3 vụ lúa 704,2 nghìn ha, chiếm 89,4%. Cơ cấu đất canh tác lúa gồm: lúa chất lượng cao 420 nghìn ha, lúa thơm đặc sản 100 nghìn ha, lúa hữu cơ 10 nghìn ha (phân bổ ở các huyện vùng U Minh, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau) và các loại lúa khác.
+ Diện tích gieo trồng lúa năm 2020 đạt 1,67 triệu ha; áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến, trọng tâm là cấp I hóa sản xuất giống lúa, nâng tỉ lệ diện tích sử dụng giống lúa xác nhận hoặc tương đương đến năm 2020 đạt trên 80%. Tăng năng suất lúa bình quân cả năm lên trên 6 tấn/ha; tổng sản lượng lúa đạt 10,2 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa phục vụ xuất khẩu đạt trên 60%. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nông dân; xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao; tăng tỉ lệ cơ giới hóa trong tất cả các khâu; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành, nâng cao giá trị gia tăng.
+ Định hướng đến năm 2030, quỹ đất trồng 2 - 3 vụ lúa của vùng ổn định khoảng 700 nghìn ha, chuyển 87,2 ngàn ha sang các loại đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp; diện tích gieo trồng lúa đạt khoảng 1,5 - 1,55 triệu ha, sản lượng lúa đạt 9,5 - 10 triệu tấn.
- Ngô: Mở rộng diện tích gieo trồng ngô tại các vùng đất trên nền phù sa thuộc các huyện giữa và ven sông Tiền - sông Hậu ở An Giang, Cần Thơ và trên nền đất xám dọc biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc tỉnh An Giang, Kiên Giang. Đến năm 2020, diện tích ngô đạt khoảng 42 nghìn ha, gấp 3 lần hiện nay, năng suất bình quân 7,3 - 7,5 tấn/ha, sản lượng 307 - 315 nghìn tấn, chủ yếu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.
- Rau các loại: Diện tích bố trí đến năm 2020 khoảng 65,5 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 530 nghìn tấn. Xây dựng các vùng trồng rau tập trung chuyên canh trên đất màu, đất vườn và vùng rau luân canh trên đất lúa, ứng dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất an toàn gắn với xây dựng thương hiệu và mô hình thức tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất, nhất là đối với các nhà máy chế biến rau quả ở Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang.
- Cây công nghiệp hàng năm: Chủ yếu luân canh trên đất lúa, áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý để tăng năng suất, sản lượng và thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Đến năm 2020, diện tích bố trí khoảng 18 - 20 ngàn ha, phát triển các cây trồng chủ lực gồm: mía 6,5 ngàn ha, sản lượng đạt trên 530 nghìn tấn; đậu nành (đậu tương) 1,8 nghìn ha, sản lượng đạt 4,8 nghìn tấn; mè (vừng) 8 nghìn ha và sản lượng đạt 10 nghìn tấn.
- Cây ăn quả: Diện tích bố trí đến năm 2020 đạt từ 49 - 50 nghìn ha, sản lượng trên 500 nghìn tấn; trong đó, các cây ăn quả chủ lực 19,5 nghìn ha (gồm: xoài 7,1 nghìn ha ở An Giang, Cần Thơ; cam 1 nghìn ha, nhãn 1 nghìn ha ở Cần Thơ, chuối 10,4 nghìn ha ở Kiên Giang, An Giang, Cà Mau và Cần Thơ).
- Dừa: Mở rộng diện tích trồng dừa đến năm 2020 lên 21 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các huyện thuộc tỉnh Cà Mau và Kiên Giang; trồng thay thế các vườn dừa già cỗi bằng các giống mới có năng suất cao; áp dụng quy trình thâm canh thích hợp và các biện pháp phòng trừ dịch hại, nhân rộng các mô hình trồng xen dừa + ca cao, dừa + cây ăn quả... để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; phát triển ngành nghề nông thôn chế biến các sản phẩm từ cây dừa.
b) Chăn nuôi
- Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại, trang trại, phù hợp với điều kiện sinh thái vùng ngập lũ và ảnh hưởng mặn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, chủ động kiểm soát dịch bệnh; đẩy mạnh mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt siêu trứng và siêu thịt theo phương thức chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, gắn với các cơ sở chế biến công nghiệp và giết mổ tập trung quy mô lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh, môi trường; nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân.
- Phấn đấu đến năm 2020, đàn lợn đạt 1,3 triệu con, tăng trên 400 nghìn con; đàn gà đạt 7,2 triệu con, tăng 3 triệu con; đàn vịt và gia cầm khác đạt 12,5 triệu con, tăng 3,6 triệu con; đàn bò đạt 119 nghìn con, tăng 27 nghìn con; sản lượng thịt các loại 262 nghìn tấn, tăng 136 nghìn tấn và trứng gia cầm 871 triệu quả, tăng 421 triệu quả so với năm 2010.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, lắp đặt dây chuyền giết mổ bán công nghiệp, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý dịch bệnh, đảm bảo cho ngành chăn nuôi an toàn, phát triển bền vững.
c) Lâm nghiệp
- Xây dựng và củng cố rừng phòng hộ chắn sóng ở các khu vực ven biển bị xói lở và các vùng bãi bồi; cải thiện cấu trúc rừng trồng để nâng cao độ che phủ và khả năng phòng hộ; phục hồi và đa dạng hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm trong các khu rừng đặc dụng thuộc vườn quốc gia U Minh Thượng, vườn quốc gia Đất mũi Cà Mau; đa dạng mô hình canh tác nông - lâm - ngư kết hợp trên đất trồng rừng sản xuất và phát triển các hoạt động du lịch sinh thái.
- Diện tích đất lâm nghiệp của vùng đến năm 2020 là 215 nghìn ha (chiếm 13% tổng diện tích tự nhiên); trong đó, rừng sản xuất 96,8 nghìn ha, rừng phòng hộ 61,1 nghìn ha và rừng đặc dụng 57,1 nghìn ha (không kể diện tích cây phân tán dọc theo kênh, đường giao thông, trong đất vườn).
- Rà soát, củng cố và nâng cấp các cơ sở chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ; khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ trong các khu, cụm công nghiệp, ưu tiên sử dụng nguyên liệu Đước, Tràm, Bạch đàn, keo... sản xuất ván ép, đồ mộc và bột giấy.
d) Thủy sản
- Nuôi trồng thủy sản:
+ Quy hoạch vùng nuôi tập trung có hạ tầng đồng bộ, điều chỉnh phương thức nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, xu hướng tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, tôm càng xanh, và nhuyễn thể. Đa dạng hóa các đối tượng nuôi khác như cá thác lác, cá bống tượng và các loài thủy sản đặc thù, bản địa; tiến tới nuôi các loài cá biển, trai biển, rong biển phục vụ xuất khẩu.
+ Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của vùng đến năm 2020 khoảng 460 nghìn ha, gồm: Nuôi thủy sản nước lợ 369 nghìn ha (riêng nuôi tôm 339 nghìn ha) và nuôi thủy sản nước ngọt 91 nghìn ha (trong đó, nuôi cá tra 3,6 ngàn ha). Tổng sản lượng nuôi đạt 1.176 nghìn tấn, gồm tôm nuôi 224 nghìn tấn, cá nuôi 773 nghìn tấn và thủy sản khác 179 nghìn tấn.
+ Chuyển nhanh các mô hình nuôi quảng canh, sang các mô hình nuôi quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến kết hợp, áp dụng kỹ thuật cao hơn để tăng năng suất và sản lượng; tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp lên 14 nghìn ha thuộc tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, áp dụng công nghệ nuôi và xử lý môi trường tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn sinh học (GAP, BMP, CoC) phục vụ xuất khẩu; hình thành các vùng nuôi cá tra tập trung ven sông Hậu Giang khoảng 3,6 nghìn ha trên địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ đạt tiêu chuẩn Global GAP, gắn với các cơ sở chế biến tạo ra sản phẩm xuất khẩu có truy nguyên nguồn gốc.
- Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản:
+ Đầu tư nghiên cứu, điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy hải sản. Tổ chức lại nghề khai thác hải sản theo hướng hiện đại, xây dựng các đội tàu có trang bị ngư lưới cụ khai thác xa bờ. Coi trọng đầu tư xây dựng cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở địa bàn ven biển, cửa sông và trên các đảo theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nghiên cứu đề xuất xây dựng và phát triển các khu bảo tồn biển và bảo vệ vùng nước nội địa.
+ Giảm số tàu thuyền khai thác thủy hải sản của vùng xuống còn khoảng 14,2 nghìn chiếc, tăng công suất và số lượng tàu trên 90CV, nâng tổng công suất tàu khai thác hải sản lên 2,0 triệu CV.
3. Phát triển ngành nghề nông thôn
- Bảo tồn và phát triển những nghề truyền thống, sản phẩm có thị trường tiêu thụ, gắn phát triển làng nghề với du lịch:
+ Cà Mau: Chế biến thủy sản, chế biến nông lâm sản (chuối khô, đũa đước, ba khía...), đan lát, chiếu cói...
+ An Giang: Chế biến thủy sản (làm mắm cá nước ngọt, chế biến cá tra, cá lóc...); dệt vải truyền thống (thổ cẩm Kh’Mer, thổ cẩm Chăm...), se nhang, đan lát, chằm nón, mộc, chế biến đường thốt nốt, đan lục bình...
+ Kiên Giang: Làm nước mắm, chế biến khô cá, tôm, dệt chiếu, đan lát, đệm bàng, đan lục bình, làm tranh vỏ tràm, rượu sim...
+ Cần Thơ: Làm bánh tráng, đan lưới, mộc gia dụng, se nhang, sinh vật cảnh, thủ công mỹ nghệ, du lịch sinh thái...
- Ưu tiên phát triển một số ngành nghề mới mà xã hội nông thôn có nhu cầu như: Vận tải, dịch vụ sản xuất cây con giống, dịch vụ nông nghiệp....
4. Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
a) Thủy lợi
- Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi theo hướng đồng bộ, khép kín; phục vụ đa mục tiêu, mang lại lợi ích tổng hợp, phát huy các lợi thế để phát triển kinh tế của các tỉnh trong vùng; tận dụng hiệu quả lợi ích do thiên nhiên mang lại như nước lũ cung cấp phù sa, nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái nước mặn...; huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; tôn trọng Hiệp ước Mê Công và các điều ước quốc tế có liên quan.
- Trình tự đầu tư, giải pháp đầu tư các công trình thủy lợi vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện theo Quyết định số 1379/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
b) Thủy sản
Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng sản xuất cho các vùng nuôi; bao gồm đê bao, kênh cấp và thoát nước cấp I, cống và trạm bơm lớn; hệ thống thương mại kết nối các chợ thủy sản đầu mối. Đầu tư xây dựng Trung tâm thủy sản Cần Thơ, Trung tâm nghề cá Kiên Giang và một số Trạm quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản chủ lực.
Đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão theo quy hoạch được duyệt; nâng cấp, mở rộng và xây mới hệ thống các cảng cá, bến cá và cơ sở hậu cần thiết yếu đảm bảo cho hoạt động nghề cá tại ngư trường Tây Nam bộ.
c) Cấp nước sinh hoạt nông thôn
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; khuyến khích tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các trạm cấp nước tập trung vừa và nhỏ theo hình thức đối tác công tư, để đến năm 2020, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
d) Bố trí, sắp xếp dân cư và bảo vệ môi trường nông thôn
Bố trí, sắp xếp dân cư nông thôn theo cụm và tuyến tập trung, xen ghép vào các điểm dân cư hiện có và ổn định tại chỗ, phù hợp với điều kiện sinh thái và tập quán sinh sống của người dân trên từng tiểu vùng; ưu tiên bố trí các hộ, vùng có nguy cơ thiên tai; đảm bảo kết nối thôn, ấp đến thị trấn, trung tâm tỉnh và thành phố; từng bước phát triển các cụm dân cư nông thôn tương tự như khu đô thị; hỗ trợ các hộ tái định cư việc làm để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài.
Kiểm soát chặt chẽ, xử lý có hiệu quả nguồn rác thải, chất thải từ sinh hoạt, từ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và từ ngành nghề thủ công truyền thống áp dụng công nghệ thấp nhằm cải thiện cảnh quan và hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.
e) Về khoa học công nghệ
Hình thành Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Cần Thơ. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và hệ thống các Trạm, Trại, Trung tâm sản xuất giống tại các địa phương trong vùng. Phát triển một số dịch vụ về giống; khoa học công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực.
f) Các công trình hạ tầng xã hội nông thôn khác
Tiếp tục đầu tư phát triển các công trình hạ tầng xã hội khác trên địa bàn nông thôn vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long như giao thông, điện, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, bưu chính, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn ấp... theo quy hoạch được duyệt nhằm mục tiêu đến năm 2020 tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới trên 50%, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
1. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kế hoạch
Trên cơ sở định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các ngành sản xuất, các lĩnh vực và các sản phẩm chủ lực.
Phương án quy hoạch nông nghiệp, nông thôn của các địa phương cần gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch chuyên ngành, các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong vùng, tạo nên sự thống nhất để triển khai và thường xuyên được kiểm tra, giám sát thực hiện.
2. Đổi mới tổ chức sản xuất
- Xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng kiểu mẫu về liên kết sản xuất, trọng tâm là liên kết sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Hướng tới đến năm 2020, toàn vùng có 280 nghìn ha lúa thực hiện mô hình liên kết sản xuất, chiếm 35,6% diện tích canh tác lúa của vùng; trong đó, An Giang: 100 nghìn ha, Kiên Giang: 120 nghìn ha, Cà Mau: 20 nghìn ha, Cần Thơ: 40 nghìn ha. Sau đó tiếp tục nghiên cứu, mở rộng sang liên kết xây dựng cánh đồng lớn đối với cây ăn trái và các sản phẩm khác.
- Xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo điều kiện để mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bao gồm cả việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhưng không làm mất đi năng lực sản xuất lúa về lâu dài.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại; đồng thời hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập.
2. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản
- Các địa phương trong vùng lựa chọn các sản phẩm chủ lực tập trung đầu tư chế biến theo chiều sâu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tổ chức quảng bá sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; ưu tiên trước hết cho sản phẩm gạo, cá tra, tôm. Bảo tồn, phát triển thương hiệu nước mắm Phú Quốc.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đặc sản của vùng như: Gạo một bụi Cà Mau, mật ong U Minh, rượu sim Phú Quốc, cá sặc U Minh, mắm cá đồng Thới Bình, mắm Châu Đốc...
- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản xuất khẩu (như Minh Phú, Kim Anh, Canimex...) đầu tư nâng cấp cơ sở chế biến, ứng dụng công nghệ mới, gắn với quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ trong và ngoài nước.
- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trong xúc tiến đầu tư, thương mại. Tổ chức các hội chợ, triển lãm nông lâm thủy sản tại các tỉnh trong vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản tham gia các hội chợ thường niên tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đến người tiêu dùng.
3. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật - công nghệ mới vào sản xuất nông lâm thủy sản
- Trước hết cần tập trung nguồn lực nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. Ưu tiên giống lúa phục vụ xuất khẩu, giống tôm, cá tra... Mỗi giống mới cần nghiên cứu quy trình kỹ thuật thâm canh phù hợp trong từng điều kiện sản xuất cụ thể.
- Khuyến khích, hỗ trợ nông dân sử dụng các giống mới và áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; áp dụng các mô hình sản xuất nông - lâm - thủy sản kết hợp, mô hình canh tác an toàn sinh học cho tất cả các cây trồng, vật nuôi.
- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, gạo).
- Khuyến khích đầu tư, phát triển khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các tỉnh, thành phố từng bước xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm có lợi thế, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
- Tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu, từ làm đất đến gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
4. Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
- Các địa phương xác định số lượng lao động, cơ cấu ngành nghề và trình độ cần đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Từng bước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Đẩy mạnh xã hội hóa các hình thức đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn tham gia tập huấn, dạy nghề cho nông dân.
- Triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Gắn đào tạo nghề với hỗ trợ tạo việc làm sau khi học nghề, đào tạo nghề theo yêu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
5. Huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư
- Ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động vốn đầu tư bằng nhiều hình thức như kêu gọi ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)...; đồng thời, thực hiện lồng ghép các Chương trình, dự án nhằm huy động tổng hợp nguồn lực trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn các tỉnh trên địa bàn.
- Tiếp tục đầu tư từ ngân sách cho công tác thủy lợi, nước sạch sinh hoạt, xây dựng cụm tuyến dân cư; nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ; đào tạo nhân lực... Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
- Huy động nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là nguồn vốn vay trung và dài hạn phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của từng đối tượng; hỗ trợ mua sắm máy móc nông nghiệp, xây dựng nhà máy chế biến, kho chứa và chợ nông thôn. Mở rộng các hình thức vay không thế chấp, vay bảo hiểm, vay dưới hình thức cho thuê tài chính đối với doanh nghiệp và hợp tác xã...
1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương trong vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng chương trình, dự án, đề án và các giải pháp triển khai thực hiện quy hoạch; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kịp thời đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả quy hoạch.
- Hướng dẫn các địa phương rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, thực hiện quy hoạch của các địa phương.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
2. Các Bộ, Ngành Trung ương:
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương trong vùng thực hiện phương án quy hoạch.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long:
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng phương án quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020 và tổ chức thực hiện khi quy hoạch được duyệt.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các xã, thị trấn xây dựng phương án sản xuất nông lâm thủy sản trong quá trình quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
- Đề xuất các chương trình, dự án triển khai thực hiện phương án quy hoạch trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 2836/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2Quyết định 5078/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3Quyết định 1874/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 2836/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2Quyết định 5078/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 3Nghị định 199/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 4Quyết định 245/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 639/QĐ-BNN-KH năm 2014 phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Quyết định 1874/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 805/BNN-KH năm 2014 phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng Kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 805/BNN-KH
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/04/2014
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/04/2014
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết