Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 80/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TIẾT KIỆM ĐIỆN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,
 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 - 2010 gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu của Chương trình:

Nâng cao nhận thức của cộng đồng, xây dựng ý thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả vì sự phát triển bền vững của đất nước, đưa hoạt động sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống hàng ngày của mọi gia đình và xã hội.

Đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, ổn định cung cấp điện năng cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, hạn chế đến mức thấp nhất việc ngừng, giảm mức cung cấp điện.

2. Nội dung của Chương trình:

1. Vận động toàn dân tham gia tiết kiệm điện

a) Mục tiêu:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, giáo dục, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng điện, thúc đẩy các hoạt động sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong toàn xã hội.

b) Nội dung:

- Xây dựng các chương trình truyền thanh, truyền hình về tiết kiệm điện phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình địa phương với thời lượng thích hợp bằng các hình thức: tọa đàm trực tiếp, thông tin về công nghệ, phóng sự về hoạt động tiết kiệm điện, giới thiệu những mô hình tiêu biểu về tiết kiệm điện...

- Xây dựng một chương trình truyền hình chuyên đề giới thiệu các sản phẩm tiết kiệm điện, cung cấp các thông tin cần thiết về các sản phẩm tiết kiệm điện, định hướng và khuyến khích thói quen sử dụng tiết kiệm điện, tập trung vào lĩnh vực sử dụng các thiết bị chiếu sáng, điều hoà nhiệt độ, tủ lạnh, thiết bị văn phòng và thiết bị sử dụng điện khác.

- Mở các khóa đào tạo, tập huấn về tiết kiệm điện cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật công nghệ, tuyên truyền viên... trong phạm vi cả nước.

- Tổ chức các phong trào vận động, tạo điều kiện cho toàn xã hội cùng tham gia vào chương trình tiết kiệm điện, như tổ chức các cuộc thi, phong trào thi đua, giới thiệu các gương điển hình, mô hình ''gia đình tiết kiệm điện'', đơn vị, xí nghiệp, tòa nhà tiết kiệm năng lượng...

- Phát hành tờ rơi, tờ dán, quảng cáo, cuốn sách nhỏ hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, giới thiệu các mô hình tiết kiệm điện tiêu biểu của địa phương, của doanh nghiệp... kịp thời phổ biến, nhân rộng diện áp dụng.

- Xây dựng trang thông tin điện tử về tiết kiệm năng lượng do Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, hoạt động từ năm 2006.

c) Tổ chức thực hiện:

- Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Việt Nam xây dựng kế hoạch cụ thể, nội dung chi tiết và tiến độ thực hiện các chương trình phát thanh và truyền hình chuyên đề về tiết kiệm điện;

- Bộ Văn hóa - Thông tin chỉ đạo các Sở Văn hóa - Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương tích cực tuyên truyền chủ trương của Nhà nước về tiết kiệm điện và vận động toàn dân thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.

- Tổng công ty Điện lực Việt Nam phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tăng cường các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện, lập và thực hiện kế hoạch tuyên truyền tiết kiệm điện phù hợp với tình hình cung cấp điện, khuyến cáo các biện pháp tiết kiệm điện, hướng dẫn sử dụng điện hợp lý, thông báo lịch cắt giảm điện khi xảy ra thiếu điện.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Phối hợp với Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Sở, các Trung tâm tiết kiệm năng lượng tại địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông trên địa bàn.

+ Chỉ đạo việc đưa nội dung tiết kiệm điện vào chương trình truyền thanh ở các huyện, xã, thôn, bản.

2. Tiết kiệm điện tại công sở, trụ sở các cơ quan

a) Mục tiêu:

Đưa việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại cơ quan, đơn vị vào nề nếp, thực hiện tiết kiệm ít nhất 10% chi phí điện năng sử dụng hàng năm của cơ quan, đơn vị.

b) Nội dung:

Xây dựng các Quy định về sử dụng điện, về thay thế, sửa chữa các trang thiết bị sử dụng điện tại cơ quan, đơn vị đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Tắt các thiết bị dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc. Cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị khi hết giờ làm việc.

- Tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng chung một cách hợp lý, giảm ít nhất 50% số lượng đèn chiếu sáng chung ở hành lang, khu vực sân, vườn, hàng rào.

- Chỉ sử dụng điều hoà nhiệt độ khi thật cần thiết và chỉ để chế độ làm mát từ 25oC trở lên. Dùng quạt thay thế điều hoà nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng.

- Từ năm 2006, chỉ sử dụng bóng đèn huỳnh quang hiệu suất cao T8 (36W/32W, 18W), T5 để thay thế cho bóng huỳnh quang thông thường hiệu suất thấp T10 (40W, 20W) đã cháy, đèn compact thay đèn nung sáng (đèn tròn) tại các vị trí thích hợp, để đảm bảo trong thời gian ngắn chỉ còn sử dụng nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng (bao gồm cả chấn lưu) tiết kiệm năng lượng. Khi thay thế các thiết bị sử dụng điện, khuyến khích trang bị những thiết bị sử dụng điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

c) Tổ chức thực hiện:

- Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm ban hành các Quy định về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại cơ quan, đơn vị nhằm đạt được tiết kiệm ít nhất 10% điện năng sử dụng hàng năm của đơn vị, cử cán bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, đôn đốc và kiểm tra thường xuyên việc sử dụng điện tại cơ quan, đơn vị. Định kỳ hàng quý, năm báo cáo các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình thực hiện tiết kiệm điện tại cơ sở.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo lập kế hoạch, triển khai và giám sát việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng tại các công sở trên địa bàn quản lý, hàng quý, năm tổng hợp tình hình thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Tài chính hướng dẫn và kiểm tra việc cắt giảm chi ít nhất 10% cho việc tiêu dùng điện của các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước.

3. Tiết kiệm điện trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ

a) Mục tiêu:

Tạo tác phong, thói quen sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có ý thức trong việc sử dụng các thiết bị điện hiệu suất cao, giảm việc sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm, sẵn sàng hợp tác với ngành điện thực hiện cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện khi xảy ra thiếu điện.

b) Nội dung:

Vận động các hộ sử dụng điện trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ hưởng ứng cuộc vận động toàn dân thực hiện tiết kiệm điện vì lợi ích gia đình và cộng đồng đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Các hộ gia đình hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn (máy điều hoà, bình nước nóng, bàn là điện...) trong các giờ cao điểm, khuyến khích sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện như bóng compact hoặc bóng đèn huỳnh quang T8, T5, chấn lưu hiệu suất cao, thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, ngắt các thiết bị điện không sử dụng ra khỏi nguồn điện.

- Các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại... tuân thủ nghiêm các quy định tại địa phương về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của Điện lực tại địa phương trong trường hợp xẩy ra thiếu điện; sử dụng các loại bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; khuyến khích chuyển đổi sử dụng các thiết bị tiêu thụ các loại năng lượng khác như gas, năng lượng mới...

- Từ năm 2006 nghiên cứu, xây dựng và từng bước đưa vào áp dụng giá điện cao, thấp điểm áp dụng cho các hộ gia đình.

c) Tổ chức thực hiện:

- Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện.

- Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện trong nhân dân.

- Tổng công ty Điện lực Việt Nam phối hợp với các Sở Công nghiệp địa phương tổ chức khảo sát, thống nhất với các khách hàng kinh doanh dịch vụ về biểu đồ phụ tải và có thoả thuận về khả năng cắt, giảm nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiếu điện.

4. Tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp

a) Mục tiêu:

Quản lý và giám sát mức tiêu thụ điện năng trong sản xuất và kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp, khuyến khích tiến tới bắt buộc áp dụng các định mức tiêu hao năng lượng tiên tiến trên một đơn vị sản phẩm đối với một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.

b) Nội dung:

Các giải pháp ngắn hạn:

- Xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện.

- Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn như các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm, không để các thiết bị điện hoạt động không tải.

- Chuẩn bị các nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xẩy ra thiếu điện, xây dựng phương án cắt giảm phụ tải khi xảy ra thiếu điện.

Các giải pháp trung hạn:

- Xây dựng và ban hành định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm cho một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng để làm cơ sở cho công tác quản lý và giám sát tiêu thụ năng lượng của các xí nghiệp công nghiệp.

- Xây dựng và phát triển hệ thống quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở doanh nghiệp theo mô hình phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý sử dụng năng lượng ở doanh nghiệp.

- Biên soạn và phổ biến các tài liệu về quản lý năng lượng, phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình thành công ở trong và ngoài nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách quản lý năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và cán bộ các Sở Công nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ.

- Hỗ trợ các xí nghiệp sản xuất công nghiệp hình thành hệ thống quản lý năng lượng ở doanh nghiệp, đưa vào hoạt động có nề nếp mô hình quản lý tiết kiệm năng lượng cho ít nhất 40% số lượng các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm trong toàn quốc giai đoạn 2006 - 2010.

c) Tổ chức thực hiện:

- Bộ Công nghiệp chủ trì, chỉ đạo các Sở Công nghiệp, phối hợp với các tổ chức tư vấn, các Trung tâm tiết kiệm năng lượng và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp xây dựng nội dung chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện.

- Thủ trưởng các cơ sở sản xuất có trách nhiệm lập kế hoạch, triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; xây dựng định mức tiêu thụ điện, quy định về cắt giảm tiêu thụ điện năng khi xảy ra thiếu điện, định kỳ hàng quý, năm báo cáo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình sử dụng điện tại cơ sở.

- Tổng công ty Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Điện lực phối hợp với các Sở Công nghiệp địa phương thống nhất lại biểu đồ phụ tải sử dụng điện thực tế và ký bổ sung hợp đồng mua bán điện hoặc có biên bản thoả thuận về khả năng cắt, giảm mức tiêu thụ điện khi có thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện.

5. Tiết kiệm điện đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh điện

a) Mục tiêu:

Đẩy mạnh và duy trì thường xuyên việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện.

b) Nội dung:

- Tổng công ty Điện lực Việt Nam đẩy mạnh việc thực hiện chương trình giảm tổn thất điện năng, đảm bảo đưa tổn thất xuống còn 11% vào năm 2006; 9% vào năm 2010.

- Đối với các Điện lực có tỷ lệ công suất cao thấp điểm (Pmax/Pmin) > 2,5 lần, đơn vị điện lực phối hợp với Sở Công nghiệp làm việc với các cơ sở sản xuất để đề xuất lịch làm việc ca ba luân phiên giữa các xí nghiệp công nghiệp tại địa phương, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, thực hiện nhằm điều chỉnh biểu đồ phụ tải hợp lý, tránh phải hạn chế công suất, điện năng ở địa phương.

- Các Điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Sở Công nghiệp tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện khi xảy ra thiếu điện theo Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ; lập danh sách các hộ sản xuất theo thứ tự ưu tiên hạn chế ngừng, giảm mức cung cấp điện trong điều kiện thiếu điện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, thực hiện theo quy định của Luật Điện lực.

- Các Điện lực giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi và báo cáo tình hình sử dụng điện tại các công sở, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, có so sánh với mức sử dụng điện của tháng cùng kỳ năm trước, đối chiếu chỉ tiêu tiết kiệm 10% sản lượng điện sử dụng cơ quan công sở, để kịp thời thông báo cho khách hàng và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp xử lý đối với các khách hàng không thực hiện tiết kiệm điện.

c) Tổ chức thực hiện:

- Các Điện lực tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giám sát thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện trên địa bàn.

- Tổng công ty Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Điện lực trực thuộc triển khai thực hiện các nội dung trên, hàng tháng tổ chức đánh giá các biện pháp tiết kiệm điện đã triển khai, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Tiết kiệm điện đối với các trang thiết bị sử dụng điện

a) Mục tiêu:

Xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các nhà sản xuất, nhập khẩu đưa ra thị trường các trang thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao, loại bỏ dần các trang thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất thấp.

Phổ biến thông tin và hướng dẫn khách hàng nhận biết và lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm điện trên thị trường.

b) Nội dung:

- Bộ Công nghiệp ban hành Thông tư hướng dẫn việc dán nhãn chứng nhận sản phẩm sử dụng điện hiệu suất cao; từ năm 2006 - 2010 tiến hành dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho 5 loại sản phẩm mục tiêu lựa chọn gồm động cơ điện, quạt điện, máy điều hoà nhiệt độ, bóng đèn huỳnh quang, chấn lưu đèn huỳnh quang.

- Xây dựng các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, cơ chế tài chính nhằm khuyến khích đầu tư thay đổi dây truyền công nghệ, hệ thống thử nghiệm... trong sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm tiết kiệm điện, hạn chế sản xuất, nhập khẩu, sử dụng các sản phẩm trang thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất thấp.

c) Tổ chức thực hiện:

- Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện.

- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm mục tiêu; phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc khảo sát, đánh giá các thiết bị sử dụng năng lượng đang lưu thông trên thị trường, phục vụ cho việc dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

- Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng cơ chế tài chính phù hợp nhằm khuyến khích sản xuất và nhập khẩu các loại sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

7. Chương trình chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả

a) Mục tiêu:

Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thông qua tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng, khuyến khích việc sản xuất, tiêu dùng những sản phẩm chiếu sáng tiết kiệm điện để từng bước giảm số lượng tiêu thụ đèn nung sáng (đèn tròn). Phấn đấu đến năm 2010 trên thị trường chỉ còn sử dụng 10 triệu bóng đèn tròn.

b) Nội dung:

- Đối với chiếu sáng công cộng áp dụng một số giải pháp sau:

+ Kiểm tra, đánh giá chế độ chiếu sáng công cộng theo các tiêu chuẩn chiếu sáng hiện hành, đảm bảo nguyên tắc chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm (tiêu chuẩn Việt Nam TCXDVN 259:2001).

+ Áp dụng hệ thống thiết bị điều khiển tự động có chế độ điều chỉnh công suất để giảm công suất chiếu sáng về đêm khi mật độ giao thông giảm. Triển khai thực hiện đầu tư, trang bị hệ thống điều khiển tự động cho các hệ thống chiếu sáng đường phố chính, khi thay thế đèn hư hỏng sử dụng các thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao: chiếu sáng đường phố sử dụng bóng đèn natri cao áp và thấp áp; chiếu sáng ngõ nhỏ và đường dành cho người đi bộ sử dụng bóng đèn natri thấp áp công suất nhỏ và đèn compact; chiếu sáng quảng trường dùng đèn metal halide.

- Trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp: khuyến khích sử dụng các nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng như bóng huỳnh quang T8 (36W, 32W, 18W), T5, bóng compact, chấn lưu hiệu suất cao.

- Trong công sở, trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp: tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng, thiết kế lắp đặt hệ thống chiếu sáng nhân tạo một cách hợp lý, chỉ sử dụng bóng đèn huỳnh quang T8 (36W, 32W, 18W), T5 và bóng đèn compact để thay thế cho số bóng đèn huỳnh quang T10 và đèn tròn đã cháy.

- Xây dựng và thực hiện lộ trình thay thế 40 triệu bóng đèn tròn bằng bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm điện các loại (huỳnh quang hiệu suất cao T8, T5 và đèn compact) để đến năm 2010 giảm số lượng tiêu thụ đèn tròn trên thị trường chỉ còn 10 triệu bóng.

- Xây dựng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật, cơ chế tài chính nhằm khuyến khích đầu tư thay đổi dây truyền công nghệ, hệ thống đánh giá, thử nghiệm... trong sản xuất chế tạo các thiết bị chiếu sáng, sản xuất các bóng đèn huỳnh quang hiệu suất cao tiết kiệm điện, hạn chế sản xuất bóng đèn tròn.

c) Tổ chức thực hiện:

- Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội chiếu sáng đô thị Việt Nam, các nhà chế tạo thiết bị chiếu sáng... xây dựng đề cương chi tiết để thực hiện chương trình.

- Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng cơ chế tài chính phù hợp nhằm khuyến khích các nhà chế tạo trong nước sản xuất các loại đèn tiết kiệm năng lượng.

- Tổng công ty Điện lực Việt Nam:

+ Tiếp tục thực hiện chương trình thay thế 1 triệu bóng đèn tiết kiệm năng lượng hợp tác với Ngân hàng Thế giới, theo dõi kết quả, rút kinh nghiệm thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2006

+ Cải thiện chất lượng hệ thống lưới điện quốc gia, đặc biệt là lưới điện ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo điều kiện kỹ thuật về chất lượng điện áp cho bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm điện.

8. Phổ biến sử dụng thiết bị gia nhiệt nước bằng năng lượng mặt trời và sử dụng các dạng năng lượng thay thế khác

a) Mục tiêu:

Thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các thiết bị gia nhiệt nước trong sinh hoạt và dịch vụ bằng năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng khác cho các hộ gia đình và các tòa nhà (trung tâm thương mại, nhà chung cư, bệnh viện, trường học, các trụ sở cơ quan nhà nước...).

b) Nội dung:

- Xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn các biện pháp ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo nói chung và ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo thay thế cho sử dụng điện nói riêng.

- Thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các thiết bị gia nhiệt nước trong sinh hoạt và dịch vụ nhằm từng bước tháo bỏ các rào cản, tạo lập thị trường cho sự phát triển của công nghệ này.

- Xây dựng các chương trình nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm các thiết bị gia nhiệt nước bằng năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng khác với các quy mô công suất khác nhau, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

- Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc chế tạo và lắp đặt các các thiết bị gia nhiệt nước bằng năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng khác.

- Dự án trình diễn: lắp đặt trình diễn các thiết bị gia nhiệt nước bằng năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng khác tại một số bệnh viện, trạm xá, trường học và nhà dân tại một số đô thị, thị trấn, thị xã trên cả nước.

c) Tổ chức thực hiện:

Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin và các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức xã hội xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, định hướng sử dụng các loại thiết bị gia nhiệt nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình, các cơ sở đào tạo...

- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành liên quan xây dựng các chương trình nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, ban hành tiêu chuẩn... các thiết bị gia nhiệt nước bằng năng lượng mặt trời và các dạng năng lượng khác.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các dự án trình diễn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 - 2010.

1. Phân công thực hiện

a) Bộ Công nghiệp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức liên quan thực hiện các nội dung của Chương trình.

b) Bộ Tài chính:

- Phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng cơ chế tài chính phù hợp nhằm khuyến khích các nhà sản xuất, nhập khẩu trong nước sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

- Cân đối nguồn vốn cho các nội dung của Chương trình tiết kiệm điện, đưa vào kế hoạch trong giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 và cấp kinh phí cần thiết từ năm 2006 để kịp thời triển khai các nội dung nêu trên.

c) Bộ Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Điện lực Việt Nam; chỉ đạo các Sở Văn hóa - Thông tin, các Đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các chương trình phát thanh và truyền hình về tiết kiệm điện; đồng thời chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền chủ trương của Nhà nước về thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.

d) Tổng công ty Điện lực Việt Nam:

- Chỉ đạo các điện lực tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giám sát thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện trên địa bàn.

- Triển khai các nội dung quy định đối với đơn vị sản xuất và kinh doanh điện, hàng tháng tổ chức đánh giá các biện pháp tiết kiệm điện triển khai.

đ) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Chương trình này.

2. Giải pháp về tài chính

Phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn cấp từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, cá nhân trong và ngoài nước, vốn đóng góp của các doanh nghiệp tham gia để thực hiện Chương trình.

- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước tài trợ cho các chương trình quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia tiết kiệm điện, tổ chức thực hiện Chương trình.

- Hỗ trợ cho vay ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

- Nguồn vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước lồng ghép các đề án hợp tác với các tổ chức quốc tế về hiệu suất năng lượng và bảo tồn năng lượng đang thực hiện và đang hình thành như một thành phần của Chương trình.

- Nguồn vốn của các doanh nghiệp tham gia, đóng góp cho các chương trình truyền thông, quảng bá tiết kiệm điện, chiếu sáng tiết kiệm điện; đóng góp trong việc tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình tại doanh nghiệp.

3. Điều hành, giám sát, đánh giá

- Bộ Công nghiệp có trách nhiệm điều phối, kiểm tra mọi hoạt động của Chương trình để đạt được mục tiêu đề ra với từng đối tượng. Định kỳ sáu tháng tổ chức giám sát và đánh giá các biện pháp tiết kiệm điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo lập kế hoạch, triển khai thực hiện; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

                                           

THỦ TƯỚNG
 



Phan Văn Khải