Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 794/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 17 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135, 134, TRUNG TÂM CỤM XÃ VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHÁC ĐẦU TƯ CHO MIỀN NÚI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135, 134, trung tâm cụm xã và các chương trình khác đầu tư cho miền núi.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở : Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông-Vận tải, Công Thương, Trưởng ban Ban Dân tộc, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Mỹ có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135, 134, TRUNG TÂM CỤM XÃ VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHÁC ĐẦU TƯ CHO MIỀN NÚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 794/QĐ-UBND ngày 17/11/2009 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này áp dụng cho các công trình xây dựng cơ bản thuộc chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (gọi tắt là Chương trình 135); chương trình trung tâm cụm xã miền núi vùng cao (TTCX); các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thuộc Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (gọi tắt là Chương trình 134); các công trình hạ tầng thuộc các chương trình khác đầu tư cho miền núi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý các công trình cơ sở hạ tầng thuộc chương trình 135, 134, trung tâm cụm xã và các chương trình khác đầu tư cho miền núi.

- Ủy ban nhân dân (UBND) huyện;

- Ủy ban nhân dân xã;

- Trưởng thôn;

- Thủ trưởng các đơn vị: Trạm y tế, Trường học, Ban quản lý chợ, …

2. Các tổ chức, cá nhân không được giao trực tiếp quản lý nhưng có liên quan đến việc quản lý, sử dụng công trình hạ tầng thuộc chương trình 135, 134, TTCX và các chương trình khác đầu tư cho miền núi.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ.

1. Công trình hạ tầng: Bao gồm các công trình sau:

- Công trình giao thông từ xã đến thôn, liên thôn và trong phạm vi thôn.

- Công trình thủy lợi nhỏ phục vụ trong phạm vi xã hoặc liên thôn và trong phạm vi thôn.

- Công trình điện từ xã đến thôn.

- Trường, lớp học tại trung tâm xã, lớp tiểu học, lớp mẫu giáo, nhà trẻ, nhà ở giáo viên, công trình phụ tại thôn.

- Trạm y tế xã.

- Chợ xã.

- Trụ sở xã, thôn; nhà sinh hoạt cộng đồng tại xã, thôn.

- Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

2. Bảo trì là công việc được thực hiện đối với mọi công trình hạ tầng nhằm phát hiện sự xuống cấp và sửa chữa kịp thời. Việc bảo trì các công trình hạ tầng cần được duy trì trong suốt thời gian sử dụng công trình.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Hồ sơ quản lý các công trình

1. Các công trình hạ tầng khi đã đưa vào sử dụng phải có hồ sơ để phục vụ cho công tác quản lý.

2. Các cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý sử dụng các công trình có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý.

3. Hồ sơ quản lý công trình bao gồm: hồ sơ quản lý công trình được thiết lập ban đầu khi đưa vào sử dụng và được bổ sung trong quá trình sử dụng.

Điều 5. Nội dung của hồ sơ quản lý công trình được thiết lập ban đầu khi đưa vào sử dụng.

1. Đối với các công trình xây dựng mới, hồ sơ quản lý công trình bao gồm các giấy tờ sau:

a. Các giấy tờ liên quan về quyền sử dụng công trình, quyền sử dụng đất;

b. Các tài liệu liên quan đến việc phê duyệt dự án, thiết kế, bản vẽ hoàn công, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng;

c. Tài liệu hướng dẫn quy trình vận hành, sử dụng trang thiết bị công trình nếu có;

d. Tài liệu hướng dẫn về bảo trì công trình.

e. Hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng công trình.

2. Đối với các công trình đã đưa vào sử dụng từ trước ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành mà chưa có hồ sơ nêu tại khoản 1, Điều này thì cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý sử dụng công trình phải lập hồ sơ quản lý. Hồ sơ quản lý công trình bao gồm các giấy tờ sau:

a. Bản vẽ hiện trạng tổng mặt bằng tổng thể công trình.

b. Bản vẽ hiện trạng mặt bằng các hạng mục công trình.

c. Bản vẽ hiện trạng hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc và các thiết bị khác đang được sử dụng (đối với các công trình xây dựng dân dụng).

d. Biên bản xác định giá trị quyền sử dụng đất.

Trường hợp cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng công trình không thực hiện được các nội dung nêu tại các điểm a, b, c, d khoản này thì được thuê các đơn vị có chức năng về tư vấn thiết kế, xây dựng thực hiện.

Điều 6. Bổ sung hồ sơ trong quá trình sử dụng.

Trong quá trình sử dụng, cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm bổ sung vào hồ sơ quản lý công trình các giấy tờ liên quan đến các nội dung thay đổi sau:

1. Giấy tờ liên quan tới công tác bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo công trình.

2. Giấy tờ liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Hồ sơ trích ngang công trình quy định tại Điều 7 Quy chế này.

Điều 7. Lưu giữ hồ sơ quản lý công trình

1. Cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ quản lý công trình quy định tại Điều 5 và Điều 6 Quy chế này.

2. Cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm lập hồ sơ trích ngang gửi cho các phòng chức năng quản lý xây dựng và tài chính cấp huyện.

3. Nội dung hồ sơ trích ngang công trình được lập thành bảng, bao gồm danh mục các hồ sơ nêu tại Điều 5 và Điều 6.

Điều 8. Quy chế nội bộ về quản lý và sử dụng công trình

1. Cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế nội bộ về quản lý sử dụng công trình của cơ quan, đơn vị mình.

2. Quy chế nội bộ về quản lý, sử dụng công trình phải thể hiện được các nội dung sau đây:

a. Những quy định bắt buộc mọi tổ chức, cá nhân (bao gồm cán bộ, nhân dân trong xã, thôn nơi có công trình) phải chấp hành;.

b. Những quy định mà các tổ chức, cá nhân không được phép làm đối với công trình.

c. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị; cán bộ xã, thôn, nhân dân nơi có công trình.

d. Quy định về xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị.

e. Các nội dung khác (nếu có).

Điều 9. Yêu cầu về quản lý, sử dụng công trình:

1. Tổ chức tốt các hoạt động khai thác các công trình đã được xây dựng phục vụ cho sản xuất và đời sống dân cư trong vùng.

2. Bảo vệ các công trình trước sự xâm hại của tự nhiên (mưa, gió, lũ, lụt…), của con người và gia súc.

3. Duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và tu bổ sửa chữa khi các công trình này bị xâm hại.

4. Quy chế nội bộ về quản lý, sử dụng công trình phải được niêm yết công khai tại Trụ sở UBND xã hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng xã (đối với các công trình do xã quản lý, sử dụng), trụ sở thôn hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn (đối với các công trình do thôn quản lý, sử dụng), tại cổng chính hoặc bộ phận thường trực (các công trình trường học, trạm y tế, …).

Điều 10. Bảo trì công trình.

1. Công trình xây dựng phải được bảo trì theo quy định nhằm duy trì chất lượng, công năng sử dụng công trình.

a. Chế độ bảo trì: gồm 3 chế độ:

- Chế độ bảo trì thường xuyên.

- Chế độ bảo trì định kỳ.

- Chế độ bảo trì đột xuất.

b. Cấp bảo trì: gồm 4 cấp:

- Bảo trì cấp 1 là duy tu, bảo dưỡng công trình.

- Bảo trì cấp 2 là sửa chữa nhỏ.

- Bảo trì cấp 3 là sửa chữa vừa.

- Bảo trì cấp 4 là sửa chữa lớn.

2. Các sở, ngành liên quan hướng dẫn nội dung bảo trì đối với các công trình thuộc lĩnh vực ngành mình theo quy định hiện hành.

3. Hàng năm UBND huyện, UBND xã có trách nhiệm lập kế hoạch vốn bảo trì để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4. Kinh phí bảo trì sử dụng từ nguồn ngân sách hàng năm được UBND tỉnh giao theo phân cấp ngân sách hiện hành:

- Những công trình hạ tầng nằm trên địa bàn xã có tính chất sử dụng chung cho khu vực liên xã, không do UBND xã quản lý thì kinh phí bảo trì do các đơn vị được giao quản lý thực hiện từ nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng hàng năm.

- Những công trình và hạng mục công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ hoặc phục vụ cho hộ và nhóm hộ thì do người quản lý, sử dụng tự bỏ kinh phí.

- Những công trình hạ tầng phục vụ lợi ích chung trong phạm vi xã, thôn do cấp có thẩm quyền giao cho UBND xã, thôn quản lý được sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương của Chương trình 135, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác để bảo trì.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

1. Ban Dân tộc tỉnh (cơ quan thường trực Chương trình 135, 134, TTCX): Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định về quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135, 134, TTCX. Định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương về tình hình quản lý, sử dụng các công trình của các địa phương.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp hành kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền các vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình; hàng năm tổng hợp, cân đối kế hoạch vốn bảo trì các công trình hạ tầng đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

3. Sở Tài chính: Hướng dẫn việc sử dụng nguồn vốn bảo trì các công trình hạ tầng; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp hành kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng.

4. Các sở: Xây dựng, Giao thông-Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các sở, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn nội dung bảo trì các loại công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện,…theo các lĩnh vực ngành mình quản lý.

5. UBND các huyện:

a. Tiến hành rà soát lại toàn bộ các công trình thuộc hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135, 134, TTCX đã được đầu tư qua các năm, xem xét tính hiệu quả của từng công trình. Đối với các công trình đã xây dựng nhưng chưa bố trí sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả cần chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm tránh lãng phí đầu tư.

b. Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn hướng dẫn các xã trong việc quản lý, sử dụng các công trình.

c. Xây dựng kế hoạch, bố trí vốn bảo trì các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn.

d. Kiểm tra việc quản lý, khai thác và sử dụng các công trình; xử lý các sai phạm theo phân cấp.

e. Thực hiện chế độ báo cáo 12 tháng 1 lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc tỉnh và Sở Xây dựng).

Điều 12. Trách nhiệm của UBND xã, Trưởng thôn hoặc cơ quan đơn vị được giao trực tiếp quản lý sử dụng công trình.

1. Lập hồ sơ quản lý công trình; bổ sung hồ sơ trong quá trình sử dụng; lưu giữ và gửi hồ sơ trích ngang công trình cho các phòng chức năng quản lý xây dựng và tài chính cấp huyện;

2. Xây dựng Quy chế nội bộ (hương ước) về quản lý sử dụng công trình;

3. Lập kế hoạch bảo trì;

4. Kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm trong quản lý sử dụng công trình;

5. Chịu trách nhiệm trong việc để công trình xuống cấp, hư hỏng do để con người và gia súc phá hoại và do không duy tu, bảo dưỡng kịp thời;

Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm.

Những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng thì được xét biểu dương, khen thưởng; những tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này hoặc có những hành vi phá hoại các công trình hạ tầng thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Điều khoản thi hành.

1. Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông – Vận tải, Công Thương, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các huyện: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Mỹ có trách nhiệm thi hành Quy chế này.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có gì khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo về UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc tỉnh) để xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 794/QĐ-UBND năm 2009 ban hành Quy chế quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135, 134, trung tâm cụm xã và các chương trình khác đầu tư cho miền núi do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 794/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/11/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Hồ Quốc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/11/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản