Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ --------- |
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
| |
Số : 791/QĐ-TTg |
| ---------------------------------------------------------------------------- |
| |
|
| Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2005 |
| |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực
thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu
(nhóm cảng biển số 5)
đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
--------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 4554/GTVT-KHĐT ngày 28 tháng 11 năm 2002 và các văn bản số: 790/GTVT-KHĐT ngày 06 tháng 3 năm 2003; số 3164/GTVT-KHĐT ngày 23 tháng 7 năm 2003; số 3853/GTVT-KHĐT ngày 29 tháng 8 năm 2003; số 3330/GTVT-KHĐT ngày 05 tháng 7 năm 2004 và số 3022/GTVT-KHĐT ngày 23 tháng 5 năm 2005); ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 3116 BKH/VPTĐ ngày 27 tháng 5 năm 2003, số 4415 BKH/VPTĐ ngày 15 tháng 7 năm 2004 và số 5318/BKH/TĐ&GSĐT ngày 09 tháng 8 năm 2005),
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Nhóm cảng biển số 5 thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam) bao gồm cả Quy hoạch tổng thể di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tầu Ba Son đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (sau đây gọi là chung là Quy hoạch nhóm cảng biển số 5 và quy hoạch di dời) với những nội dung chủ yếu sau :
Phạm vi quy hoạch nhóm cảng biển số 5 và quy hoạch di dời bao gồm cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh - tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phạm vi phục vụ trực tiếp: vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương.
Phạm vi phục vụ gián tiếp: các vùng phụ cận, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nam Bộ và Nam Tây Nguyên.
a) Mục tiêu chung :
- Làm cơ sở để bố trí hợp lý các cảng biển trong nhóm với mục đích phát huy được hiệu quả tổng hợp; đồng thời tạo sự phát triển cân đối, đồng bộ giữa các cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan với vùng hấp dẫn của cảng, kết hợp đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ làm động lực phát triển kinh tế và an ninh, quốc phòng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và một số địa phương vùng Tây Nam Bộ, Nam Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
- Đáp ứng yêu cầu di dời hệ thống cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son nhằm sắp xếp lại hệ thống cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh; tạo điều kiện xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với sự phát triển chung của thành phố; giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông đường bộ, đường thuỷ và tình trạng ô nhiễm môi trường thành phố; tạo điều kiện phát triển mở rộng không gian đô thị nhằm góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực.
- Hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, các khu chế xuất trong khu vực; đồng thời tạo điều kiện cho phát triển đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của khu vực giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
- Phát triển các cảng biển lớn, cảng cửa ngõ hiện đại nhằm đáp ứng xu thế phát triển của vận tải biển Việt Nam và thế giới, từng bước tăng cường khả năng cạnh tranh của hệ thống cảng biển nước ta đối với cảng biển khu vực và thế giới.
- Tạo điều kiện để phát triển vận tải đường biển và đường sông và phát huy tiềm năng vận tải thủy nội địa của hệ thống sông, kênh trong khu vực.
- Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững hệ thống cảng biển của khu vực, trong đó gắn phát triển cảng biển với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái thiên nhiên và không gây tác động xấu đến các hoạt động xã hội dân sinh trong khu vực.
b) Mục tiêu cụ thể :
- Đáp ứng thông qua khối lượng hàng hoá (không bao gồm hàng lỏng) năm 2010 là 53 triệu tấn/năm (trong đó cảng thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh kể cả giai đoạn di dời đạt là 26 triệu tấn/năm vào năm 2010) và hành khách là 163 ngàn lượt/năm (chủ yếu do cảng thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh thực hiện); năm 2020 là 100 triệu tấn /năm (trong đó cảng thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh kể cả giai đoạn di dời đạt là 35 triệu tấn/năm vào năm 2020) và hành khách là 326 ngàn lượt /năm.
- Tiếp nhận được các tầu vận tải biển như sau : tầu bách hóa, hàng rời có trọng tải từ 30.000 DWT tới 70.000 DWT, tàu chở hàng container có trọng tải tương đương từ 50.000 DWT tới 80.000 DWT, tầu chở dầu sản phẩm có trọng tải từ 25.000 DWT tới 70.000 DWT, tàu khách có trọng tải từ 65.000 GT tới 100.000 GT.
3. Quan điểm và nội dung quy hoạch:
* Về phát triển chung:
- Quy hoạch phát triển cảng biển phải đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó chú trọng phù hợp với quy hoạch công nghiệp tầu thuỷ, quy hoạch vận tải biển, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ hàng hải nhằm phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thành trung tâm kinh tế thương mại và du lịch tầm cỡ quốc tế với ưu thế về hàng hải và cảng biển, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực phía Nam và cả nước.
- Xây dựng và phát triển cảng phải gắn liền với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; đồng thời bắt kịp trình độ phát triển của các cảng trong khu vực nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế.
- Khu vực cảng trên sông Cái Mép - Thị Vải được chú trọng phát triển thành cảng chính, làm cửa ngõ giao lưu thương mại và kinh tế và động lực phát triển kinh tế cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các cảng khu vực khác phát triển với quy mô hợp lý, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, mở mang đô thị, công nghiệp hoá và hiện đại hoá của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực.
* Về di dời:
- Phải di dời các cảng không còn phù hợp với quy hoạch không gian chung và quy hoạch phát triển cảng của thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.Việc di dời phải gắn với quy hoạch và phân khu chức năng của hệ thống cảng trong tương lai.
- Công tác di dời theo hướng bảo đảm sự ổn định và phát triển của các doanh nghiệp cảng; nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ khai thác cảng biển.
- Phương thức di dời là đa dạng và gắn liền với điều kiện cụ thể của từng cảng, bao gồm di dời công trình trực tiếp, di dời công trình gián tiếp hoặc chuyển đổi chức năng, công năng sử dụng. Cách thức di dời phải hợp lý, có thể kết hợp di dời từng phần hoặc toàn bộ, một cảng có thể di dời ra một hoặc nhiều địa điểm khác nhau.
- Công tác di dời phải được tiến hành theo lộ trình hợp lý; phải có cơ chế chính sách phù hợp để phương án di dời mang tính khả thi cao; đồng thời không gây ách tắc, lãng phí và hạn chế ảnh hưởng xấu đối với sản xuất kinh doanh và an ninh quốc phòng.
- Công tác di dời phải tạo điều kiện để ổn định lực lượng lao động của các cảng, ưu tiên sử dụng lao động tại các nơi mới và sử dụng hợp lý cho người lao động tại nơi cũ (kể cả việc hỗ trợ đào tạo chuyển nghề).
b) Quy hoạch chi tiết đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5 và quy hoạch di dời được chia thành 3 cụm cảng lớn: cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh; cụm cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu; cụm cảng tỉnh Đồng Nai.
- Cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh
Cụm cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh : bao gồm khu cảng Sài Gòn (sông Sài Gòn), khu cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè - Lòng Tầu), khu cảng Cát Lái (sông Đồng Nai), khu cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp);
+ Quy mô xây dựng các cảng khu vực này: đáp ứng cho tầu bách hoá, tầu hàng rời trọng tải 10.000 DWT - 30.000 DWT, tầu chở hàng lỏng trọng tải 15.000 DWT - 30.000 DWT, tàu khách trọng tải đến 50.000 GRT.
+ Năng lực thông qua: dự kiến toàn cụm cảng vào năm 2010 đạt 26 triệu tấn/năm và hành khách là 163 ngàn lượt/năm; định hướng năm 2020 đạt khoảng 35 triệu tấn/năm và hành khách là 326 ngàn lượt/năm.
+ Yêu cầu về quy hoạch: quy hoạch cụm cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 phải phù hợp với Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 18 tháng 11 năm 2002 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, trong đó lưu ý quy hoạch di dời các cảng cần được tiến hành từng bước kể cả việc chuyển đổi chức năng, mục đích sử dụng cảng hàng hóa phù hợp với phát triển không gian của thành phố, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
- Cụm cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu:
Cụm cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu: bao gồm khu cảng Gò Dầu C, khu cảng Phú Mỹ, khu cảng Cái Mép (sông Thị Vải), khu cảng Vũng Tầu (Bến Đình - Sao Mai), khu cảng Sông Dinh (sông Dinh).
+ Quy mô xây dựng các cảng khu vực này: quy mô xây dựng cảng trên sông Cái Mép - Thị Vải có thể tiếp nhận tầu bách hoá, hàng rời trọng tải 30.000 - 70.000 DWT, tầu container có trọng tải tương đương 50.000DWT - 80.000DWT, tầu chở hàng lỏng 25.000 DWT - 70.000 DWT, tầu khách đến 100.000 GT; Khu cảng Vũng Tầu - Sông Dinh tiếp nhận tầu tổng hợp trọng tải 10.000 DWT (khu công nghiệp Đông Xuyên) và tầu trọng tải 30.000 DWT (khu chuyên dụng dầu khí Long Sơn). Khu Bến Đình - Sao Mai tiếp nhận tầu container có trọng tải tương đương 50.000 DWT - 80.000 DWT.
+ Năng lực thông qua: dự kiến toàn cụm cảng vào năm 2010 đạt 14,5 triệu tấn/năm; định hướng năm 2020 đạt khoảng 41 triệu tấn/năm.
+ Yêu cầu về quy hoạch:
Cụm cảng này có vai trò hỗ trợ cho cụm cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, khu vực tỉnh Đồng Nai. Về lâu dài, cụm cảng khu vực Bà Rịa - Vũng Tầu sẽ là cụm cảng chính (cảng cửa ngõ) của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được quy hoạch để đáp ứng xu thế phát triển về cảng biển và hàng hải trong khu vực và trên thế giới. Quá trình xây dựng phát triển và khai thác các cảng tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tầu phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường sinh thái Vịnh Gành Rái, khu rừng sinh thái ngập mặn Cần Giờ và rừng ngặp mặn dọc sông Thị Vải; đồng thời phải đảm bảo không ảnh hưởng xấu đến tiềm năng du lịch của thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tầu.
- Cụm cảng tỉnh Đồng Nai
Cụm cảng khu vực Đồng Nai hiện nay đa số là các cảng chuyên dụng chủ yếu phục vụ các khu công nghiệp, các nhà máy, các cơ sở sản xuất nằm trong các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, bao gồm: khu cảng Đồng Nai (sông Đồng Nai), khu cảng Phú Hữu (đoạn sông Đồng Nai và đoạn sông Lòng Tầu - Nhà Bè), khu cảng Ông Kèo (sông Lòng Tàu và sông Đồng Tranh), khu cảng Gò Dầu A và B, khu cảng Phước An (sông Thị Vải).
+ Quy mô xây dựng các cảng khu vực này: đáp ứng cho tầu bách hoá, tầu hàng rời trọng tải 15.000 DWT - 30.000 DWT, tầu chở hàng lỏng trọng tải 15.000 DWT - 30.000 DWT.
+ Năng lực thông qua: dự kiến toàn cụm cảng vào năm 2010 đạt 12 triệu tấn/năm; định hướng năm 2020 đạt khoảng 24,3 triệu tấn/năm.
+ Yêu cầu về quy hoạch: việc xây dựng cảng hoặc khu cảng trong cụm cảng Đồng Nai phải đáp ứng phát triển các khu công nghiệp và phải ưu tiên xây dựng các cảng tổng hợp để phục vụ nhu cầu sử dụng chung.
Vai trò chức năng các cảng, vị trí, quy mô, công suất và quy hoạch phát triển đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 của từng cảng có nội dung chủ yếu như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại các tờ trình: số 4554/GTVT-KHĐT ngày 28 tháng 11 năm 2002, số 1159/GTVT-KHĐT ngày 17 tháng 3 năm 2004 và số 3330/GTVT-KHĐT ngày 05 tháng 7 năm 2004.
c) Định hướng quy hoạch di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son:
Căn cứ Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 18 tháng 11 năm 2002 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 là: “xây dựng phương án, kế hoạch di dời hệ thống cảng biển ra khỏi khu vực nội thành một cách hợp lý, chặt chẽ, có tiến độ phù hợp để quá trình di dời không gây ách tắc, lãng phí và hạn chế ảnh hưởng xấu đối với sản xuất kinh doanh và an ninh quốc phòng”, việc di dời các cảng thuộc khu vực thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo tiến độ sau:
Nhóm các cảng cần di dời sớm, trước năm 2010: bao gồm Tân cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son, khu cảng Nhà Rồng và khu cảng Khánh Hội của cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận Đông, cảng Rau Quả. Tiến độ di dời cụ thể căn cứ vào tiến độ triển khai các quy hoạch chung của thành phố Hồ Chí Minh và tình hình sản xuất kinh doanh của từng cảng, theo nguyên tắc: không gây ách tắc, lãng phí và hạn chế ảnh hưởng xấu đối với sản xuất kinh doanh và an ninh quốc phòng, ổn định công ăn việc làm cho người lao động.
Nhóm các cảng di dời sau năm 2010: từng bước nghiên cứu di dời các cảng còn lại nằm trong phạm vi cần di dời với tiến độ được xác định theo nguyên tắc trên đây. Trong trường hợp cần thiết, nếu hội tụ đủ yếu tố thích hợp thì có thể đẩy nhanh tiến độ di dời các cảng này sớm hơn.
Vai trò chức năng các cảng, vị trí, quy mô, công suất và quy hoạch phát triển các cảng di dời đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 của từng cảng có nội dung chủ yếu như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải các tại tờ trình: số 3853/GTVT-KHĐT ngày 29 tháng 8 năm 2003, số 1159/GTVT-KHĐT ngày 17 tháng 3 năm 2004 và số 3330/GTVT-KHĐT ngày 05 tháng 7 năm 2004.
4. Các dự án ưu tiên giai đoạn đến năm 2010
Giai đoạn từ nay đến 2010, tập trung đầu tư phát triển các cảng và khu vực cảng sau :
- Cảng container Cái Mép và cảng tổng hợp Thị Vải (sử dụng vốn ODA Nhật Bản), thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu;
- Các cảng tổng hợp và cảng container phục vụ cho công tác di dời tại khu vực Cát Lái và khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận thành phố Hồ Chí Minh; khu vực sông Thị Vải - Cái Mép thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu.
- Cảng tổng hợp Phú Hữu I thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hoá của các khu công nghiệp.
5. Các chính sách, cơ chế và biện pháp thực hiện
a) Về vốn đầu tư phát triển cảng nói chung:
- Nhà nước ưu tiên đầu tư các cảng trọng điểm để đảm bảo tính chủ đạo trong điều hành hoạt động khai thác hệ thống cảng, gồm: cảng container Cái Mép và cảng tổng hợp Thị Vải (vốn ODA Nhật Bản).
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng cảng khác theo quy hoạch được duyệt bằng các hình thức như BOT, BTO, BT, liên doanh theo quy định.
- Việc liên doanh với nước ngoài trong đầu tư xây dựng kinh doanh cảng biển thực hiện theo quy định về đầu tư nước ngoài.
- Nghiên cứu hình thành Quỹ đầu tư phát triển và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển để tái đầu tư phát triển các cảng biển thông qua cơ chế sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển phải trả phí.
- Nghiên cứu, thực hiện thí điểm việc cho phép đối tác nước ngoài tự đầu tư trang thiết bị bốc xếp và thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng được đầu tư bằng vốn trong nước (có gắn với việc chuyển giao công nghệ tiên tiến). Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nội dung này.
b) Chính sách đối với các doanh nghiệp cảng thuộc diện di dời:
- Vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài cảng (tại vị trí di dời đến): bao gồm hệ thống đường ngoài cảng; hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc (đến chân hàng rào ngoài cảng) sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm.
- Vốn đầu tư cho thiết bị và xây dựng hạ tầng trong cảng (tại vị trí di dời đến): các cảng thực hiện đầu tư cho thiết bị và hạ tầng trong cảng bằng các nguồn vốn như vốn tự có, vốn vay, vốn được tạo thành từ chuyển quyền sử dụng đất tại vị trí cũ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Riêng vốn được tạo thành từ chuyển quyền sử dụng đất, bán nhà xưởng và các công trình khác, các doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định tại Quyết định số 74/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các chế độ chính sách khác (kinh phí thuê đất, thuế, sử dụng vốn tín dụng ưu đãi...) cho các doanh nghiệp di dời, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Điều 2. Quản lý quy hoạch
- Việc đầu tư xây dựng cảng biển phải phù hợp với quy hoạch và theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
- Công tác giao đất, quản lý sử dụng đất cho đầu tư xây dựng cảng biển thực hiện theo đúng quy hoạch và quy định của pháp luật về đất đai.
- Bộ Giao thông vận tải, ủy ban nhân dân các địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất cho đầu tư xây dựng cảng biển bảo đảm việc sử dụng đất đúng mục đích và thời gian theo quy định, trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đất đai phải kiên quyết thu hồi nhằm bảo đảm các cảng biển phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và yêu cầu của quy hoạch.
- Các cảng tiềm năng là các cảng dự kiến đầu tư xây dựng sau năm 2020 hoặc vào thời điểm cần thiết. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Phát triển các cảng địa phương trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng hiệu quả đầu tư, chức năng và quy mô thích hợp với mức độ phát triển kinh tế của địa phương và khả năng nguồn vốn cải tạo luồng tàu, tránh đầu tư xây dựng cảng tràn lan, lãng phí.
- Việc đóng, mở và xây dựng cảng biển, cầu cảng thực hiện theo các quy định hiện hành.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Chỉ đạo thực hiện quy hoạch nói chung:
a) Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
- Căn cứ vào quy hoạch chi tiết được phê duyệt, chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quản lý xây dựng các cảng biển theo đúng quy hoạch được duyệt và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Quyết định các điều chỉnh cụ thể đối với các cảng không trái với chức năng, quy mô của các cảng trong quy hoạch được duyệt. Trong trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh quy hoạch được duyệt, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan và địa phương liên quan lập và duyệt đề án đầu tư hệ thống cảng phục vụ an ninh quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế trong phạm vi quy hoạch nhóm cảng biển số 5.
c) Giao ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong quy hoạch, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý chặt chẽ quỹ đất nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển xây dựng cảng theo quy hoạch được duyệt.
2. Chỉ đạo thực hiện quy hoạch di dời:
a) Thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch di dời do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai làm Phó Trưởng ban và các ủy viên là lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ.
b) Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cho di dời, đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
c) Ban Chỉ đạo hoạt động theo Quy chế do Trưởng ban quyết định.
d) Giao các Bộ chủ quản của các cảng thuộc diện di dời phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh liên quan, chỉ đạo các cảng lập phương án, kế hoạch di dời của từng cảng, trong đó lưu ý đẩy nhanh công tác lập dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ tại các địa điểm được quy hoạch di chuyển đến để trong thời gian sớm nhất có thể thực hiện được quá trình di dời.
đ) Giao ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan chủ quản của các cảng thuộc diện di dời, lập phương án tái thiết vị trí cũ, phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tầu và các tỉnh liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nơi nhận :
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ; Nguyễn Tấn Dũng đã ký
- Các Bộ: Giao thông vận tải, Công nghiệp,
Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Thương mại, Tài nguyên và Môi trường,
Bưu chính, Viễn thông, Thuỷ sản,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng;
- UBND thành phố Hồ Chí Minh;
- UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,
Bình Dương, Bình Phước, Long An;
- Văn phòng TW và Ban Kinh tế Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Tổng công ty 91;
- Cục Hàng hải Việt Nam;
- VPCP : BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Người phát ngôn của Thủ tướng,
các Vụ: KTTH, NN, QHQT, KG, NC,
ĐP, V.IV, DK, TH;
- Lưu : Văn thư, CN (5b). C.
- 1Quyết định 707/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng biển Dung Quất đến năm 2010 (thuộc nhóm cảng biển Trung Trung Bộ) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1741/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Quyết định 1743/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Quyết định 1746/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 6) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Quyết định 1764/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (nhóm 4) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6Quyết định 1742/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ (Nhóm 2) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Quyết định 707/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng biển Dung Quất đến năm 2010 (thuộc nhóm cảng biển Trung Trung Bộ) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 202/1999/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng biển Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 4Quyết định 74/2005/QĐ-TTg về việc sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất , tiền bán nhà xưởng và các công trình khác khi tổ chức kinh tế phải di dời trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 123/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1741/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 7Quyết định 1743/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 8Quyết định 1746/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 6) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 9Quyết định 1764/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ (nhóm 4) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 10Quyết định 1742/QĐ-BGTVT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ (Nhóm 2) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
Quyết định 791/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu (nhóm cảng biển số 5) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 791/2005/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/08/2005
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/08/2005
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra