Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 768/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các văn bản hướng dẫn trước đây đều bãi bỏ.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, Vụ KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Sỹ Danh

 

QUY CHẾ

THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ TÀI CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 768/QĐ-BTC ngày 29 tháng 03 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định việc thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các dự án thuộc Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là các đơn vị thuộc Bộ Tài chính) có nguy hiểm về cháy, nổ; trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

2. Đối tượng áp dụng: Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy gồm:

- Trụ sở cơ quan, văn phòng làm việc, cơ sở nghiên cứu có chiều cao từ 6 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 25.000 m3 trở lên.

Trường hợp trụ sở làm việc không đủ chiều cao hoặc khối tích nêu trên nhưng có kho lưu trữ, thư viện hoặc kho tiền, kim khí, đá quý hoặc kho để các loại ấn chỉ, hóa đơn hoặc trung tâm dữ liệu công nghệ thông tin trong trụ sở làm việc thì phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

- Kho hàng hóa dự trữ quốc gia;

- Kho lưu trữ, thư viện; kho để các loại ấn chỉ, hóa đơn … được bố trí riêng, không gắn cùng trụ sở làm việc.

- Nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

- Ký túc xá sinh viên;

- Trạm biến áp, máy phát điện dự phòng được bố trí riêng, không gắn cùng trụ sở làm việc;

- Trung tâm dữ liệu công nghệ thông tin;

Ngoài các cơ sở có tài sản phải bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nêu trên, căn cứ đặc thù hoạt động, các đơn vị có thể mua bảo hiểm cháy, nổ đối với các tài sản là máy móc, thiết bị, các loại hàng hóa, vật tư, tài sản khác thuộc đơn vị trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Điều 2. Tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc:

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với tài sản gồm:

1. Nhà, công trình kiến trúc và các trang thiết bị kèm theo.

2. Máy móc, thiết bị.

3. Các loại hàng hóa, vật tư, tài sản khác.

Những tài sản trên được bảo hiểm khi giá trị của tài sản tính được thành tiền và được ghi trong Hợp đồng bảo hiểm.

Đối với tài sản là trang thiết bị, vật kiến trúc gắn liền với trụ sở, kho tàng thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc gắn liền với công trình, nằm trong giá trị công trình thì chỉ thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho giá trị công trình đó.

Đối với các tài sản, thiết bị, hàng hóa nằm trong công trình nhưng không nằm trong giá trị công trình, có theo dõi danh mục trên sổ sách kế toán, hạch toán được giá trị tài sản, hàng hóa thì có thể mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc riêng cho giá trị công trình và tài sản, hàng hóa hoặc gộp chung tùy theo thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo tiết kiệm phí và phù hợp với thực tế.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Điều kiện tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính khi tham gia mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy hoặc có biên bản kết luận đơn vị đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

Điều 4. Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc:

Số tiền bảo hiểm là giá trị thành tiền theo giá thị trường của tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại thời điểm tham gia bảo hiểm. Trong trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc được tính theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế mới của tài sản tại thời điểm tham gia bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm và đơn vị mua bảo hiểm thỏa thuận hoặc là giá trị tính thành tiền theo khai báo của đơn vị mua bảo hiểm (đối với trường hợp đối tượng được bảo hiểm là hàng hóa). Giá trị thay thế mới tài sản được hiểu là việc thay thế một tài sản mới tương tự cùng loại, không có chất lượng tốt hơn tài sản tham gia bảo hiểm.

Điều 5. Mức phí thực hiện chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc:

Được tính toán theo quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc quy định tại Thông tư 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 của Bộ Tài chính và tại Phụ lục kèm theo Quy chế này; mức phí bảo hiểm được tính trên cơ sở 01 năm. Trường hợp, thời gian bảo hiểm khác 01 năm, phí bảo hiểm được tính tương ứng theo tỷ lệ của thời hạn bảo hiểm hoặc theo thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 6. Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm để mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc:

Việc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm để mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải đảm bảo theo quy định của pháp luật và theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ, Quy chế đấu thầu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Điều 7. Lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

1. Lập dự toán: Hàng năm, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính căn cứ số lượng cơ sở và tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều 1, Điều 2 và mức phí quy định lập dự toán kinh phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cùng với thời điểm xây dựng, lập dự toán thu, chi ngân sách. Các đơn vị lập danh mục tài sản, giá trị tài sản phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và dự kiến mức phí bảo hiểm phải trả để tổng hợp chung vào dự toán thu chi ngân sách thường xuyên (thực hiện tự chủ) của đơn vị gửi Bộ Tài chính (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để xem xét, tổng hợp trình cơ quan tài chính bố trí dự toán kinh phí.

- Đối với các đơn vị sự nghiệp có tài sản trong danh mục phải thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc được sử dụng để kinh doanh dịch vụ thì chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của tài sản đó được tính vào chi phí của đơn vị trước khi xác định kết quả hoạt động tài chính trong năm.

2. Phân bổ dự toán, giao dự toán:

- Căn cứ dự toán chi thường xuyên (thực hiện tự chủ) được giao hàng năm, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phân bổ và giao dự toán nội dung bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để tổ chức thực hiện.

- Trong trường hợp có biến động làm tăng hoặc giảm danh mục tài sản và phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chủ động cân đối, điều chỉnh trong phạm vi dự toán được giao cho phù hợp đảm bảo thực hiện công việc, sử dụng ngân sách hiệu quả, tiết kiệm.

3. Quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán:

3.1. Việc thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải đảm bảo chứng từ theo quy định. Các đơn vị được giao dự toán kinh phí bảo hiểm cháy, nổ thực hiện lập báo cáo quyết toán kinh phí bảo hiểm cháy, nổ hàng năm và tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán ngân sách của đơn vị gửi đơn vị dự toán cấp trên theo quy định hiện hành. Các đơn vị dự toán cấp trên thực hiện xét duyệt, thẩm định quyết toán theo phân cấp quản lý tài chính.

3.2. Về hạch toán kế toán khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra:

- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành sửa chữa tài sản bị thiệt hại mà không làm thay đổi giá trị của tài sản: đơn vị nhận tài sản được bàn giao và vẫn tiếp tục theo dõi tài sản đó trên sổ sách kế toán. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm sửa chữa tài sản mà làm thay đổi giá trị, đơn vị căn cứ vào biên bản bàn giao tài sản giữa 02 bên để hạch toán nguyên giá tài sản theo đúng quy định.

- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác: Đơn vị ghi giảm tài sản bị thiệt hại và hạch toán tăng tài sản nhận bồi thường theo đúng quy định.

- Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt hại bằng tiền: Khi nhận được bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm, các đơn vị hạch toán tăng thu khác (TK 5118). Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, các đơn vị hạch toán tăng nguồn kinh phí hoạt động, nguồn kinh phí đầu tư XDCB, bổ sung các quỹ hoặc phải nộp NSNN (nếu trong dự toán ngân sách có bố trí việc mua sắm mới tài sản này).

+ Khi tiến hành sửa chữa tài sản (không nâng cấp tài sản), các đơn vị hạch toán tăng chi phí hoạt động của đơn vị (không tăng giá trị tài sản). Nếu sửa chữa nâng cấp tài sản, các đơn vị tập hợp chi phí sửa chữa phát sinh vào tài khoản xây dựng cơ bản dở dang (TK 2413 - sửa chữa lớn tài sản) Khi tài sản sửa chữa nâng cấp hoàn thành, đơn vị hạch toán tăng nguyên giá tài sản theo quy định.

+ Nếu tài sản tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bị hỏng không thể sửa chữa được: Các đơn vị hạch toán giảm tài sản bị tổn thất. Khi dùng số tiền bồi thường mua mới tài sản, các đơn vị hạch toán tăng tài sản đồng thời hạch toán tăng nguồn kinh phí đã hình thành tài sản cố định theo đúng quy định tại Quyết định 2345/QĐ-BTC ngày 11/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chế độ kế toán áp dụng cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính.

Chương 3.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG, QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA BÊN MUA BẢO HIỂM VÀ HỒ SƠ YÊU CẦU BẢO HIỂM

Điều 8. Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm cháy, nổ.

2. Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải có những nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm;

b) Đối tượng bảo hiểm;

c) Điều kiện bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;

d) Giá trị tài sản được bảo hiểm cháy, nổ;

đ) Quy tắc, biểu phí bảo hiểm được áp dụng;

e) Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;

g) Thời hạn bảo hiểm;

h) Mức phí, phương thức đóng bảo hiểm;

i) Cơ quan thẩm định thiệt hại khi cần;

k) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;

l) Trách nhiệm của bên mua và bên bán bảo hiểm;

m) Các quy định giải quyết tranh chấp;

n) Trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng;

o) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.

3. Ngoài những nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận nhưng không trái với các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 9. Quyền của bên mua bảo hiểm

1. Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm được phép kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

2. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích, cung cấp các thông tin có liên quan đến việc giao kết, thực hiện và chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

3. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường nhanh chóng, đầy đủ và chính xác theo quy định của Hợp đồng bảo hiểm.

4. Thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm về những nội dung của Hợp đồng bảo hiểm nhưng không trái với các quy định của pháp luật.

5. Được hạch toán chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc vào giá thành sản phẩm, dịch vụ đối với cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc được tính vào kinh phí do ngân sách nhà nước cấp đối với đơn vị hành chính sự nghiệp.

6. Khởi kiện dân sự đối với doanh nghiệp bảo hiểm nếu doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện không đúng quy định tại Hợp đồng bảo hiểm và pháp luật có liên quan.

Điều 10. Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm:

1. Tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật.

2. Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 của Chính phủ.

3. Khi yêu cầu bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm.

4. Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác được quy định trong Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

5. Kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về những yếu tố làm thay đổi mức độ rủi ro để điều chỉnh điều kiện và mức phí bảo hiểm.

6. Hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện Hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

7. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ:

a) Tuân thủ các quy định về báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy quy định tại Điều 23 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 của Chính phủ.

b) Thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm để phối hợp giải quyết và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm biết chậm nhất không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.

c) Trường hợp thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm do người thứ ba gây ra, bên mua bảo hiểm có trách nhiệm báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm và làm các thủ tục pháp lý cần thiết để bảo lưu quyền khiếu nại của doanh nghiệp bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm đòi người thứ ba. Trường hợp thiệt hại do người có hành động cố ý gây ra, bên mua bảo hiểm phải báo ngay cho cơ quan cảnh sát điều tra biết.

d) Cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm những thông tin cần thiết, gửi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong thời hạn ngắn nhất các hóa đơn, chứng từ chứng minh thiệt hại cùng với bản kê khai thiệt hại. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu bên mua bảo hiểm xuất trình sổ tài sản và chứng từ kế toán để kiểm tra.

8. Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của pháp luật: Trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm các nghĩa vụ quy định tại Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường một phần hoặc toàn bộ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của bên mua bảo hiểm.

Điều 11. Hồ sơ yêu cầu bồi thường

Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, bên mua bảo hiểm cần lập Hồ sơ yêu cầu bồi thường gửi doanh nghiệp bảo hiểm gồm các nội dung sau:

1. Yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.

2. Hợp đồng bảo hiểm.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.

4. Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.

5. Biên bản giám định nguyên nhân tổn thất của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc cơ quan có thẩm quyền khác hoặc các bằng chứng chứng minh tổn thất.

6. Bản kê khai thiệt hại và các giấy tờ chứng minh thiệt hại.

Chương 4.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của các đơn vị:

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ động tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm phổ biến, chỉ đạo, hướng dẫn trong đơn vị, các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của Nhà nước và hướng dẫn tại quy chế này.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Quy chế này áp dụng thực hiện kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để nghiên cứu, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

PHỤ LỤC

BIỂU PHÍ BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC
(Không bao gồm thuế GTGT)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 768/QĐ-BTC ngày 29 tháng 03 năm 2012 của Bộ Tài chính)

1. Đối với các tài sản được bảo hiểm tại một địa điểm có tổng số tiền bảo hiểm có giá trị dưới 30 triệu Đô la Mỹ:

Mã hiệu

Loại tài sản

Phí cơ bản (‰)

01000

Cơ sở sản xuất vật liệu nổ, cơ sở khai thác, chế biến dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt; cơ sở sản xuất; chế biến hàng hóa khác cháy được có khối tích từ 5.000 m3 trở lên

 

01100

Cơ sở sản xuất, chế biến hàng hóa khác chảy được có khối tích từ 5.000 m3 trở lên

 

01101

Sản xuất hoặc chế biến tấm bọt xốp

4.00

01102

Sản xuất đồ gỗ gia dụng có nhồi, lót (có sử dụng bọt nhựa hoặc cao su xốp)

3.25

01103

Nhà máy lưu hóa cao su

3.50

01104

Xưởng cưa

4.00

01105

Cơ sở chế biến lông vũ

4.00

01106

Xưởng làm rổ, sọt

3.00

01107

Xưởng sản xuất giấy, chế biến giấy

2.50

01108

Xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng

4.13

01109

Xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng có nhồi, lót (không sử dụng bọt nhựa hoặc cao su xốp)

3.75

01110

Xưởng sản xuất bút chì gỗ

2.00

01111

Xưởng chế biến đồ gỗ khác

3.53

01112

Nhà máy sản xuất lông vũ, thú nhồi bông, đệm

3.00

01113

Nhà máy cưa xẻ gỗ

2.63

01114

Nhà máy sản xuất đồ gỗ

2.63

01115

Nhà máy sản xuất ván ép

2.63

01116

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

2.63

01117

Sản xuất bao bì carton

2.63

01118

Xưởng khắc, chạm (làm chổi, bàn chải, chổi sơn, trừ phần xử lý gỗ)

2.03

01119

Sản xuất bao bì công nghiệp

2.67

02000

Kho vật liệu nổ, kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt hóa lỏng; cảng xuất nhập vật liệu nổ, cảng xuất nhập dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, cảng xuất nhập khí đốt hóa lỏng

 

02200

Kho xăng dầu

3.00

03000

Cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng

 

03101

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas

3.00

03102

Sản xuất, xử lý và phân phối khí, gas

1.73

04000

Nhà máy điện; trạm biến áp từ 110KV trở lên

 

04101

Nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí, dầu

1.13

04102

Trạm biến áp từ 110KV trở lên

0.98

04103

Nhà máy nhiệt điện chạy bằng than

0.90

04104

Nhà máy thủy điện

0.75

05000

Chợ kiên cố, bán kiên cố thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên; các chợ kiên cố, bán kiên cố khác, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa có tổng diện tích các gian hàng từ 300m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên

 

05101

Chợ kiên cố, bán kiên cố

2.63

05102

Cửa hàng bách hóa tổng hợp

1.50

05103

Trung tâm thương mại, siêu thị

0.90

06000

Nhà ở tập thể, nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên

 

06101

Nhà khách

1.00

06102

Khách sạn, nhà nghỉ

1.00

06103

Khách sạn cao cấp (có springkler)

0.70

06104

Nhà ở tập thể, nhà chung cư

1.40

07000

Bệnh viện tỉnh, bộ, ngành; các cơ sở y tế khám chữa bệnh khác có từ 50 giường trở lên

 

07101

Cơ sở y tế khám chữa bệnh

0.75

07102

Bệnh viện

0.70

08000

Rạp hát, rạp chiếu phim, hội trường, nhà văn hóa, nhà thi đấu thể thao trong nhà có thiết kế từ 200 chỗ ngồi trở lên, vũ trường, câu lạc bộ trong nhà, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí và phục vụ công cộng khác trong nhà có diện tích từ 200 m2 trở lên; sân vận động 5.000 chỗ ngồi trở lên

 

08101

Bar, sàn nhảy, phòng hòa nhạc

4.00

08102

Rạp hát, rạp chiếu phim

2.40

08103

Nhà thi đấu, trung tâm thể thao (có nhà hàng)

2.00

08104

Nhà thi đấu, trung tâm thể thao (không có nhà hàng)

1.50

08105

Rạp chiếu phim

1.40

08106

Câu lạc bộ, nhà văn hóa, hội trường

1.35

08107

Bể bơi công cộng (có nhà hàng, phòng tập thể dục dụng cụ)

1.30

08108

Trường đua, sân vận động

0.90

08109

Bể bơi công cộng (không có nhà hàng, phòng tập thể dục dụng cụ)

0.80

09000

Nhà ga, cảng hàng không; cảng biển, cảng sông, bến tàu thủy, bến xe khách cấp tỉnh trở lên; bãi đỗ có 200 xe ôtô trở lên; nhà ga hành khách đường sắt loại 1, loại 2 và loại 3; ga hàng hóa đường sắt loại 1 và loại 2

 

09101

Nhà ga, bến tàu, bến xe

1.28

09102

Cảng hàng không, cảng biển, cảng sông

1.25

09103

Bãi đỗ xe

0.75

10000

Cơ sở lưu trữ, thư viện, bảo tàng, di tích lịch sử, nhà hội chợ, triển lãm thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

10101

Hội chợ, triển lãm

1.70

10102

Cơ sở lưu trữ, thư viện

1.00

11000

Cơ sở phát thanh, truyền hình, cơ sở bưu chính viễn thông cấp tỉnh trở lên

 

11101

Đài phát thanh, truyền hình

1.00

11102

Bưu điện

1.00

11103

Trạm bưu chính viễn thông

1.00

12000

Trung tâm chỉ huy, điều độ, điều hành, điều khiển với quy mô khu vực và quốc gia thuộc mọi lĩnh vực

1.00

13000

Kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc hàng hóa vật tư không cháy đựng trong các bao bì cháy được có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; bãi hàng hóa, vật tư cháy được có diện tích từ 500 m2 trở lên

 

13101

Kho ngoài trời, hàng hóa tổng hợp

2.85

13102

Kho nhựa đường

2.48

13103

Kho sơn

2.48

13104

Kho chứa hóa chất

2.48

13105

Kho thành phẩm, bán thành phẩm nhựa, cao su

2.25

13106

Kho rượu cồn và các chất lỏng dễ cháy

2.25

13107

Kho bông vải sợi, len dạ, sản phẩm dệt

2.25

13108

Kho giấy, bìa, bao bì

2.25

13109

Kho đồ gỗ và các sản phẩm về gỗ

2.25

13110

Kho tinh dầu, hương liệu, dầu ăn

2.10

13111

Kho ngành thuốc lá

2.10

13112

Kho dược phẩm

1.80

13113

Kho vật tư ngành ảnh

1.50

13114

Kho hàng thiết bị điện, điện tử

1.50

13115

Kho hàng nông sản

1.50

13116

Kho hàng đông lạnh

1.50

13117

Kho vật liệu xây dựng

1.00

13118

Kho gạch, đồ gốm sứ

1.00

13119

Kho kim loại, phụ tùng cơ khí

1.00

14000

Trụ sở cơ quan, văn phòng làm việc, cơ sở nghiên cứu từ 6 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 25.000 m3 trở lên

 

14101

Viện nghiên cứu, trung tâm thí nghiệm

0.90

14102

Trụ sở cơ quan, văn phòng làm việc, tòa nhà văn phòng cho thuê

0.68

15000

Hầm mỏ khai thác than và các khoáng sản khác cháy được; công trình giao thông ngầm có chiều dài từ 400 m trở lên; công trình trong hang hầm trong hoạt động có sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ và có khối tích từ 1.000m3 trở lên

 

15101

Khai thác than bùn

4.36

15102

Nhà máy luyện than cốc

3.41

15103

Nhà máy sản xuất thép

2.00

15104

Nhà máy chế biến, gia công quặng khác

2.00

15105

Nhà máy sản xuất sắt

1.50

15106

Luyện quặng (trừ quặng sắt)

2.00

15107

Khai thác than đá

2.00

15108

Nhà máy sản xuất than đá bánh

2.00

15109

Chế biến (sỏi, đá dăm, than xi trộn nhựa) với asphant hoặc bitumen

1.50

15110

Khai khoáng (khai thác, hầm mỏ và nghiền sỏi, đất sét)

1.35

15111

Khai thác mỏ quặng

1.00

15112

Nhà máy sản xuất than non bánh

1.00

15113

Khai thác than non

0.89

15114

Sản xuất khoáng sản (cưa, mài, đánh bóng)

0.89

16000

Cơ sở và công trình có hạng mục hay bộ phận chính nếu xảy ra cháy nổ ở đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ cơ sở, công trình hoặc có tổng diện tích hay khối tích của hạng mục, bộ phận chiếm từ 25% tổng diện tích trở lên hoặc khối tích của toàn bộ cơ sở, công trình mà các hạng mục hay bộ phận đó trong quá trình hoạt động thường xuyên có số lượng chất nguy hiểm cháy, nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

 

a) Khi cháy với khối lượng có thể tạo thành hỗn hợp dễ nổ chiếm từ 5% thể tích không khí trong phòng trở lên hoặc có từ 70 kg khí cháy trở lên

1.67

 

b) Chất lỏng có nhiệt độ bùng cháy đến 6100C với khối lượng có thể tạo thành hỗn hợp dễ nổ chiếm từ 5% thể tích không khí trong phòng trở lên hoặc các chất lỏng cháy khác có nhiệt độ bùng cháy cao hơn 6100C với khối lượng từ 1.000 lít trở lên.

2.00

 

c) Bụi hay xơ cháy được có giới hạn nổ dưới bằng hoặc nhỏ hơn 65 g/m3 với khối lượng có thể tạo thành hỗn hợp dễ nổ chiếm từ 5% thể tích không khí trong phòng trở lên; các chất rắn, hàng hóa, vật tư là chất rắn cháy được với khối lượng trung bình từ 100 kg trên một mét vuông sàn trở lên.

7.00

 

d) Các chất có thể cháy, nổ hoặc sinh ra chất cháy, nổ khi tác dụng với nhau với tổng khối lượng từ 1.000 kg trở lên

6.00

 

đ) Các chất có thể cháy, nổ hoặc sinh ra chất cháy, nổ khi tác dụng với nước hay với oxy trong không khí với khối lượng từ 500 kg trở lên

5.00

16100

Ngành dệt may, da giầy

 

16101

Cơ sở chế biến phế liệu vải sợi (như phân loại, giặt, chải, buôn bán)

2.50

16102

Xưởng sản xuất dây thừng, chão trừ chỉ khâu (nếu dây có phủ nhựa, nhựa đường)

2.50

16103

Xưởng sản xuất dây thừng, chão trừ chỉ khâu (nếu dây không có phủ nhựa, nhựa đường)

2.50

16104

Xưởng dệt kim

1.50

16105

Nhà máy sản xuất chế biến lông thú, may da thú

2.00

16106

Nhuộm vải, in trên vải

2.00

16107

Nhà máy dệt các loại sợi khác (cotton, vitco, lanh, gai, đay)

1.50

16108

Xưởng xe, kéo sợi

1.50

16109

Nhà máy sản xuất thảm, tấm trải sàn

2.00

16110

Nhà máy chỉ khâu

2.00

16111

Xưởng giặt, là, tẩy, hấp, nhuộm

2.40

16112

Nhà máy giầy

2.25

16113

May đồ lót, đăng ten các loại

2.00

16114

May quần áo các loại

2.00

16117

Sản xuất các sản phẩm dệt chưa phân loại khác

2.00

16118

Nhà máy sản xuất các mặt hàng làm từ da thuộc

1.50

16119

Xưởng sản xuất dây chun

1.50

16120

Nhà máy sản xuất da thuộc

1.50

16121

Sản xuất lụa, tơ tằm

1.35

16122

Nhà máy dệt tơ, len, sợi tổng hợp

1.35

16200

Ngành nhựa, thủy tinh và hóa chất

 

16201

Sản xuất và chế biến sợi thủy tinh

2.50

16202

Cơ sở chế biến bàn chải

2.50

16203

Sản xuất sơn

3.00

16204

Nhà máy hóa chất vô cơ và hữu cơ chế biến nguyên liệu và bán thành phẩm, sản phẩm như phân bón dạng hạt, viên nhỏ, bột hoặc axít, muối, dung môi, cao su tổng hợp

2.50

16205

Cơ sở sản xuất áo đi mưa, nhựa tấm, khăn trải bàn

2.73

16206

Sản xuất xi nến, sáp đánh bóng

2.63

16207

Sản xuất nhựa đúc, nhựa thanh

2.63

16208

Cơ sở sản xuất nút chai

2.39

16209

Sản xuất xà phòng, mỹ phẩm

2.25

16210

Sản xuất sản phẩm nhựa lắp ráp

2.10

16211

Sản xuất và chế biến thủy tinh rỗng, chai lọ, dụng cụ quang học

1.50

16212

Sản xuất và chế biến kính cửa

1.50

16213

Xưởng phim, phòng in tráng phim

1.35

16214

Sản xuất vật liệu phim ảnh

1.16

16300

Ngành chế biến thực phẩm, nông sản, cây công nghiệp

 

16301

Nhà máy xay bột mì

3.00

16302

Nhà máy sản xuất mút hay cao su bọt

3.38

16303

Nhà máy xay xát gạo

3.30

16304

Nhà máy thức ăn gia súc

2.25

16305

Nhà máy sản xuất chất dẻo, cao su đặc

2.25

16306

Nhà máy sản xuất các sản phẩm từ cao su

2.25

16307

Nhà máy sản xuất mì ăn liền, cháo ăn liền

2.01

16308

Nhà máy đánh bóng gạo

1.96

16309

Nhà máy sản xuất chè

1.86

16310

Nhà máy chế biến sản xuất cà phê, hạt điều

1.86

16311

Nhà máy sản xuất, chiết suất chế biến tinh bột

1.86

16312

Nhà máy đường

1.86

16313

Nhà máy sản xuất thực phẩm đồ hộp

1.50

16314

Nhà máy sản xuất bánh kẹo

1.50

16315

Nhà nước sản xuất dầu ăn

1.20

16316

Nhà máy sản xuất nước mắm, dấm

1.05

16400

Giấy và in ấn

 

16401

Xưởng sản xuất hoa giả

2.63

16402

Nhà máy in, xưởng in (không tính sản xuất giấy, chế biến giấy)

1.73

16403

Xưởng đóng sách

1.73

16500

Đồ uống

 

16501

Nhà máy rượu

1.65

16502

Xưởng mạch nha

1.58

16503

Nhà máy nước khoáng và nước uống các loại

1.00

16504

Nhà máy bia và nước trái cây

0.83

16505

Xưởng ủ bia

0.83

16600

Sản xuất thuốc lá

 

16601

Nhà máy sản xuất thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá

1.35

16700

Các ngành khác

 

16701

Nhà máy làm phân trộn

3.50

16702

Nhà máy đốt rác

1.50

16703

Xưởng sơn

3.23

16704

Xưởng hàn, cắt

2.63

16705

Sản xuất đồ gốm thông thường

2.33

16706

Sản xuất đồ gốm cao cấp như gạch lát, đồ sứ, đồ đất nung, đồ gốm

1.79

16707

Lò đúc

1.50

16708

Nhà máy xi măng

1.50

16709

Cơ sở sản xuất thiết bị điện

1.50

16710

Nhà máy sản xuất cấu trúc kim loại và cấu kiện lắp sẵn

1.13

16711

Nhà máy sản xuất vỏ đồ hộp kim loại

1.09

16712

Nhà máy sản xuất ốc vít và gia công các kim loại khác

1.09

16713

Nhà máy sản xuất thiết bị cơ khí

1.25

16714

Nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô, xe đạp, xe máy và phụ tùng các loại

1.10

16717

Lắp ráp xe máy

1.10

16718

Xưởng sửa chữa xe

1.31

16719

Cửa hàng ôtô xe máy

0.90

16720

Sản xuất và chế biến vàng, bạc, đồ trang sức

0.55

16721

Nhà máy đóng tàu và sửa chữa tàu

1.63

16722

Nhà máy sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử (máy in, máy ảnh, máy tính, đồ gia dụng …), thiết bị viễn thông, chất bán dẫn

1.76

16723

Nhà máy sản xuất cáp quang, cáp đồng

1.76

16724

Nhà máy sản xuất kính tấm

1.76

16725

Nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay

1.76

16726

Nhà máy sản xuất pin

2.49

16727

Nhà máy sản xuất nội thất văn phòng

2.50

16728

Cơ sở sản xuất giấy ráp

2.67

16729

Cơ sở sản xuất hương, vàng mã

4.00

16730

Nhà máy sản xuất vòng bi, doăng

1.70

16731

Nhà máy sản xuất mực in

3.20

16732

Nhà máy sản xuất khóa kéo

1.62

16733

Nhà máy sản xuất dược phẩm

2.20

16734

Viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm (hóa học, lý hóa và vật lý)

1.31

a)

+ Nếu có máy nén quá 200 bar hoặc nhiệt độ vượt quá 5000C

2.06

b)

+ Sản xuất, sử dụng chất dễ phát lửa

2.06

c)

+ Sản xuất, sử dụng peroxyd

2.48

d)

+ Sản xuất, sử dụng chất nổ (thuốc nổ, đạn, chất nổ khác, chất kích nổ)

3.30

Ghi chú: Trên cơ sở phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục nêu trên, căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và đơn vị mua bảo hiểm có thể thỏa thuận điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm với biên độ là 25% tính trên mức phí quy định tại Phụ lục này.

2. Đối với mỗi tài sản được bảo hiểm tại một địa điểm có tổng số tiền bảo hiểm có giá trị từ 30 triệu Đô la Mỹ trở lên trong một (01) đơn bảo hiểm, phí bảo hiểm sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận trên cơ sở được các nhà tái bảo hiểm chấp thuận.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 768/QĐ-BTC năm 2012 về Quy chế thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với đơn vị thuộc Bộ Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 768/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/03/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Sỹ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản