Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc - Tự do - Hạnh phúc
******

Số: 768/2006/QĐ-BCA(C11)

Hà Nội, ngày 20 tháng 6  năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 ngày 20/8/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Quy định ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 4. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG




Lê Thế Tiệm

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 768/2006/QĐ-BCA(C11) ngày 20 tháng 6  năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công an)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và các lực lượng Cảnh sát khác trong Công an nhân dân.

2. Quy định chế độ báo cáo phục vụ công tác thống kê, phân tích các vụ tai nạn giao thông của Cảnh sát giao thông và Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội các cấp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Tai nạn giao thông trong Quy định này bao gồm tai nạn xảy ra trên đường bộ, đường sắt, đường thủy do người tham gia giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông hay gặp phải sự cố bất ngờ gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của con người.

2. Tai nạn bất khả kháng là những vụ việc xảy ra một cách khách quan (thiên tai, địch họa) gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của con người.

Điều 3. Phân loại tai nạn giao thông

1. Va chạm giao thông

Va chạm giao thông là tai nạn giao thông gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của con người dưới mức thiệt hại của tai nạn giao thông ít nghiêm trọng.

2. Tai nạn giao thông ít nghiêm trọng

Tai nạn giao thông ít nghiêm trọng là tai nạn giao thông gây thiệt hại cho sức khỏe hoặc tài sản của con người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31%;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 21% đến dưới 41%;

c) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị năm triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng.

3. Tai nạn giao thông nghiêm trọng

Là tai nạn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của con người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Làm chết một người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

4. Tai nạn giao thông rất nghiêm trọng

Tai nạn giao thông rất nghiêm trọng là tai nạn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của con người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Làm chết hai người;

b) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều này;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 100%;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 3 Điều này;

e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.

5. Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng

Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng là tai nạn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của con người thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Làm chết ba người trở lên;

b) Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 3 Điều này;

c) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều này;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;

đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản được hướng dẫn tại điểm e khoản 4 Điều này;

g) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

Chương 2:

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM, QUAN HỆ PHỐI HỢP VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO TRONG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN

Điều 4. Phân công trách nhiệm điều tra giải quyết tai nạn giao thông giữa Cảnh sát giao thông và Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội

1. Cảnh sát giao thông phải có mặt ngay sau khi tai nạn giao thông xảy ra, bất kể là loại nào để giải quyết các sự việc ban đầu như cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, giải tỏa ùn tắc giao thông (nếu có) v.v…

2. Khi có vụ tai nạn giao thông xảy ra gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 3 Quy định này, cơ quan được phân công thụ lý điều tra phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để kiểm sát việc điều tra theo quy định của pháp luật.

3. Đối với vụ tai nạn giao thông không có người chết tại hiện trường thì lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức ngay việc khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông; nếu xác định vụ tai nạn có dấu hiệu của tội phạm thì khởi tố vụ án, củng cố tài liệu, hồ sơ và chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố. Trường hợp xác định không có dấu hiệu của tội phạm thì tiếp tục điều tra, kết luận và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với những vụ tai nạn giao thông có người bị thương, cơ quan thụ lý căn cứ Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Bộ Y tế , Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về tiêu chuẩn thương tật và giấy chứng thương của bệnh viện để sơ bộ đánh giá tỷ lệ % thương tật của người bị nạn.

4. Đối với vụ tai nạn giao thông có người chết tại hiện trường (kể cả chết trên đường đi cấp cứu) thì lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thụ lý điều tra ngay từ đầu theo phân công trách nhiệm như sau:

a) Đối với vụ tai nạn giao thông có một người chết tại hiện trường do Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội cấp huyện tiến hành điều tra giải quyết;

b) Đối với vụ tai nạn giao thông có hai người chết trở lên tại hiện trường do Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội cấp tỉnh hoặc những nơi mà Tòa án cấp huyện được thực hiện thẩm quyền xét xử theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự thì Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội cấp huyện tiến hành điều tra giải quyết;

c) Trong trường hợp vụ tai nạn giao thông đã ra quyết định không khởi tố hoặc đã khởi tố nhưng sau đó lại có quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố hoặc đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật, phương tiện vụ tai nạn giao thông cho cơ quan Cảnh sát giao thông cùng cấp để xử lý hành chính.

Điều 5. Quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân

Khi có vụ tai nạn giao thông xảy ra, các lực lượng Cảnh sát khác trong Công an nhân dân như kỹ thuật hình sự; phòng cháy, chữa cháy; Cảnh sát trật tự; Cảnh sát 113; Cảnh sát khu vực; Công an phụ trách xã về an ninh trật tự v.v… phải thực hiện các yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc Cảnh sát giao thông trong quá trình điều tra giải quyết vụ  tai nạn giao thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 6. Tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài, người của Quân đội nhân dân

1. Đối với vụ tai nạn giao thông do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra thì thực hiện theo Thông tư liên ngành số 01-TTLN ngày 08/9/1988 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao.

2. Đối với vụ tai nạn giao thông có liên quan đến người, phương tiện của quân đội, sau khi kết thúc điều tra ban đầu được thực hiện như sau:

a) Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự quy định tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội hoặc Cảnh sát giao thông ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ điều tra ban đầu cho Cơ quan điều tra quân đội có thẩm quyền;

b) Trường hợp xác định không có dấu hiệu của tội phạm, Cảnh sát giao thông xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Phân cấp điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông

1. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy:

a) Tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cảnh sát giao thông các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

b) Phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra các vụ tai nạn giao thông và kiểm tra công tác điều tra, giải quyết án tai nạn giao thông do Lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát hoặc Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an giao.

2. Phòng Cảnh sát giao thông:

a) Đối với những vụ tai nạn giao thông thuộc thẩm quyền điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát giao thông phải cử cán bộ đến phối hợp bảo vệ và tham gia khám nghiệm hiện trường theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra được phân công điều tra vụ án;

b) Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn Cảnh sát giao thông cấp huyện điều tra giải quyết các vụ tai nạn giao thông cấp huyện thụ lý;

c) Thực hiện điều tra giải quyết những vụ tai nạn giao thông theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quy định này trên tuyến giao thông được phân công tuần tra kiểm soát.

3. Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện

a) Đối với vụ tai nạn giao thông thuộc thẩm quyền điều tra, giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra phải báo ngay Cơ quan Cảnh sát điều tra (theo phân công trách nhiệm điều tra tại khoản 4 Điều 4 Quy định này), đồng thời cử cán bộ đến bảo vệ và tham gia khám nghiệm hiện trường theo yêu cầu của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra được phân công điều tra vụ án.

b) Đối với vụ tai nạn giao thông thuộc thẩm quyền điều tra, giải quyết của Phòng Cảnh sát giao thông thì thông báo ngay cho Phòng Cảnh sát giao thông đồng thời cử cán bộ bảo vệ và tham gia khám nghiệm hiện trường theo yêu cầu của Phòng Cảnh sát giao thông;

c) Đối với vụ tai nạn giao thông không có chết người tại hiện trường hoặc thuộc loại: va chạm giao thông hay tai nạn giao thông ít nghiêm trọng, xảy ra trên tuyến giao thông được phân công tuần tra kiểm soát thì tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra, kết luận nguyên nhân tai nạn giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Chế độ thông tin báo cáo tai nạn giao thông

1. Lực lượng Cảnh sát giao thông các cấp phải thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo vụ tai nạn giao thông theo quy định. Vụ tai nạn giao thông đường bộ báo cáo theo mẫu số 45/GT ban hành kèm theo Quyết định số 1093/QĐ-BCA(C11) ngày 06/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Công an. Định kỳ phải thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, phân tích các vụ tai nạn giao thông theo đúng quy định của Bộ Công an. Cần chú ý: vụ va chạm giao thông và tai nạn bất khả kháng không thống kê vào báo cáo vụ tai nạn giao thông. Đối với vụ tai nạn giao thông có chết người, thống kê báo cáo ban đầu bao gồm số người chết tại hiện trường và chết trên đường đi cấp cứu.

2. Trong quá trình điều tra ban đầu, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội các cấp có trách nhiệm cung cấp kịp thời các thông tin về vụ tai nạn giao thông cho Cảnh sát giao thông hoàn chỉnh báo cáo theo mẫu 45/GT; sau khi kết thúc điều tra, phải gửi cho Cảnh sát giao thông cùng cấp bản kết luận điều tra, để phục vụ cho việc theo dõi, thống kê, phân tích tai nạn giao thông.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương củng cố tổ chức, biên chế cho lực lượng Cảnh sát giao thông các cấp; Phòng Cảnh sát giao thông thành lập 1 Đội điều tra giải quyết tai nạn giao thông; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thành lập một Tổ Cảnh sát giao thông làm công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông.

Điều 10. Tổng cục Cảnh sát chủ trì cùng Vụ Kế hoạch – Tài chính xây dựng văn bản quy định về sử dụng kinh phí phục vụ công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông cho lực lượng Cảnh sát giao thông và Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội các cấp.

Điều 11. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo các Cục nghiệp vụ sửa đổi, bổ sung các biểu mẫu phục vụ công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông cho phù hợp với Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 và Quy định này. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy và Giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội theo Quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 768/2006/QĐ-BCA(C11) về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công An ban hành

  • Số hiệu: 768/2006/QĐ-BCA(C11)
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/06/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Lê Thế Tiệm
  • Ngày công báo: 02/07/2006
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 17/07/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 09/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản