Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 762/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 21 tháng 04 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT NGÀY 30/12/2013 CỦA BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH - BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG HƯỚNG DẪN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH, TỔ CHỨC LỄ HỘI, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT - BVHTTDL - BTNMT ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT - BVHTTDL - BTNMT ngày 30/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), với các nội dung chính như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích

Bảo vệ môi trường du lịch, ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường trong quá trình hoạt động du lịch, bảo đảm phát triển du lịch bền vững, góp phần bảo vệ môi trường của địa phương nói riêng và đất nước nói chung.

II. Yêu cầu

- Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

- Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại tỉnh Lâm Đồng.

B. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

I. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch

1. Trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh du lịch

- Tuyên truyền, giáo dục và vận động về bảo vệ môi trường đối với người làm việc tại cơ sở, du khách và cộng đồng dân cư địa phương.

- Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường; thực hiện nộp thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường, bảo đảm nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi xảy ra sự cố môi trường; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố để có biện pháp ứng phó phù hợp.

- Không khai thác, kinh doanh, tiêu thụ, sử dụng, vận chuyển trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã quý hiếm và hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Thực hiện chế độ báo cáo công tác giám sát môi trường định kỳ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15 tháng 12 hàng năm; báo cáo đột xuất về bảo vệ môi trường theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin về các vi phạm bảo vệ môi trường xảy ra tại cơ sở.

- Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở, bảo đảm các yêu cầu sau đây:

+ Trình bày thành bảng riêng hoặc thành một phần trong nội quy của cơ sở;

+ Trình bày rõ ràng bằng tiếng Việt, tùy thuộc đặc thù cơ sở ngoài tiếng Việt có thể được trình bày bằng các ngôn ngữ khác; bảo đảm mỹ quan, được đặt tại những khu vực thuận tiện quan sát và không ảnh hưởng đến cảnh quan của cơ sở;

+ Nội dung trong niêm yết phải ghi rõ các hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định Điều 7, Luật bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, các hành vi liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ môi trường của cơ sở.

- Khuyến khích hoạt động về bảo vệ môi trường tại cơ sở bao gồm:

+ Hưởng ứng, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trên địa bàn. Đóng góp nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương; thường xuyên cải tạo, củng cố, phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp;

+ Xây dựng thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện đạt tiêu chuẩn môi trường. Hạn chế việc sử dụng nhiên liệu, nguyên liệu, thiết bị, phương tiện thải khí độc hại ra môi trường;

+ Thực hành tiết kiệm điện, nước, nhiên liệu, chất đốt, chất tẩy giặt, thực phẩm;

+ Thành lập, duy trì quỹ bảo vệ môi trường và hoạt động theo điều lệ của quỹ đúng với quy định hiện hành của pháp luật.

- Quản lý và xử lý chất thải, khí thải, nước thải được thải ra từ hoạt động của cơ sở phải tuân thủ các quy định sau đây:

+ Có phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn, chất thải nguy hại; thực hiện phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại tại nguồn; thực hiện thu gom hoặc hợp đồng với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để thu gom chất thải tại cơ sở và chuyển đến nơi xử lý;

+ Bảo đảm có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải; trường hợp nước thải được chuyển về hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải tuân thủ các quy định của tổ chức quản lý hệ thống xử lý nước thải tập trung;

+ Đặt các thiết bị thu gom, phân nguồn rác hợp lý bảo đảm mỹ quan và tiện lợi;

+ Trong trường hợp tự xử lý chất thải rắn, lỏng thì công trình, hệ thống xử lý phải đạt tiêu chuẩn môi trường, bảo đảm về mặt công nghệ và được vận hành đúng quy định;

+ Thực hiện quản lý và kiểm soát bụi, khí thải của cơ sở theo quy định; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường.

- Có biện pháp quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung do hoạt động của cơ sở gây ra không vượt quá giới hạn tối đa cho phép tại QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn và QCVN 27:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về độ rung được ban hành kèm theo Thông tư số: 39/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Xây dựng phương án, chuẩn bị phương tiện và các điều kiện cần thiết để ứng phó với các sự cố môi trường có thể xảy ra; tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan và tuân thủ sự điều hành của cơ quan có thẩm quyền để khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra.

- Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cơ sở bao gồm:

+ Thực hiện các quy định trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

+ Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở du khách không hút thuốc lá.

- Nhà vệ sinh tại cơ sở:

+ Tổ chức, cá nhân quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở phải xây dựng, bố trí hợp lý nhà vệ sinh phục vụ du khách, tối thiểu phải bảo đảm theo tiêu chuẩn nhà tiêu tại QCVN 01:2011/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu - Điều kiện bảo đảm hợp vệ sinh được ban hành kèm theo Thông tư số 27/2011/TT-BYT ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Bộ Y tế.

+ Có biển chỉ dẫn nhà vệ sinh rõ ràng, bằng tiếng Việt và tiếng Anh (kèm chữ viết tắt tiếng Anh: WC), ở những nơi mang tính đặc thù cần thiết có thể có thêm ngôn ngữ khác.

+ Có vị trí thuận lợi, dễ tiếp cận, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách khi sử dụng, phù hợp với môi trường cảnh quan; có khu vực vệ sinh riêng cho nam và nữ, có ký hiệu bằng hình ảnh để phân biệt nhà vệ sinh dành cho nam và nữ, được đặt ở nơi dễ thấy, khuyến khích cơ sở bố trí nhà vệ sinh cho người khuyết tật.

+ Có đầy đủ trang thiết bị tiện nghi cần thiết, hoạt động tốt, được lắp đặt chắc chắn, sắp xếp gọn gàng; bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng; không bốc mùi gây ảnh hưởng đến môi trường tại cơ sở.

+ Bố trí nhân lực để bảo đảm nhà vệ sinh luôn hoạt động tốt trong thời gian nhà vệ sinh có mật độ khách sử dụng cao.

+ Nước thải từ nhà vệ sinh phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

- Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Trách nhiệm cụ thể trong việc bảo vệ môi trường du lịch

a) Trách nhiệm của cơ sở lưu trú du lịch

- Bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm khi cung cấp các dịch vụ trong cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

- Việc sử dụng hóa chất trong cơ sở lưu trú du lịch phải tuân theo các quy định của Luật hóa chất và các quy định khác có liên quan; bảo đảm an toàn cho người sử dụng và khách lưu trú; không gây ô nhiễm môi trường.

- Quản lý, theo dõi, đánh giá định kỳ tình hình môi trường và các số liệu: tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, rác thải, nước thải, khí thải độc hại của cơ sở lưu trú du lịch; thu thập phản hồi của khách lưu trú về môi trường để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường.

- Khuyến khích đăng ký cấp nhãn hiệu cơ sở lưu trú du lịch thân thiện với môi trường như nhãn sinh thái, nhãn du lịch bền vững.

- Bố trí nhân lực theo dõi, quản lý công tác bảo vệ môi trường du lịch tương ứng với từng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

- Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.

b) Trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành

- Tuân thủ và hướng dẫn du khách thực hiện quy định về bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch và trên các tuyến du lịch; tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương nơi doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch; tuân thủ sự điều hành của cơ quan có thẩm quyền về khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra.

- Trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, các biện pháp ứng cứu trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường cho các hướng dẫn viên du lịch.

- Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường khi xây dựng chương trình du lịch, không tổ chức các loại hình du lịch gây tổn hại đến môi trường.

- Cập nhật và cung cấp thông tin về tình hình môi trường cho du khách, không đưa khách đến các vùng bị ô nhiễm nặng, vùng đang xảy ra sự cố môi trường theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm an toàn cao nhất về sức khỏe, tính mạng cho du khách.

- Lồng ghép các nội dung có liên quan đến bảo vệ môi trường tại địa điểm du lịch và trách nhiệm bảo vệ môi trường của du khách vào tài liệu hướng dẫn du lịch của doanh nghiệp.

- Khuyến khích phát triển loại hình du lịch thân thiện với môi trường.

- Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.

c) Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch

- Sử dụng các phương tiện vận chuyển bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành để kinh doanh vận chuyển khách du lịch.

- Đối với các loại sản phẩm có mùi khó chịu được phép vận chuyển, trước khi đưa lên phương tiện vận chuyển phải gói bọc kỹ, không để lọt mùi ra ngoài, không để rơi vãi trên phương tiện vận chuyển và trên đường vận chuyển.

- Hướng dẫn, yêu cầu khách du lịch không xả rác bừa bãi trên đường đi. Bố trí dụng cụ chứa đựng rác có nắp đậy trên phương tiện vận chuyển và đặt đúng nơi quy định. Đổ rác thải phát sinh trên phương tiện trong quá trình vận chuyển khách du lịch đúng nơi quy định.

- Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường tại các khu vực tập kết phương tiện vận chuyển và các điểm dừng chân trên tuyến du lịch.

- Đối với hoạt động vận chuyển khách trên biển, vùng nước được bảo vệ đặc biệt cần thực hiện các biện pháp thu gom hoặc xử lý tại chỗ các loại nước thải theo quy định.

- Trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, các biện pháp ứng cứu trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường cho các nhân viên điều khiển và phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch.

- Khuyến khích sử dụng phương tiện vận chuyển khách du lịch tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường, bố trí lắp đặt nhà vệ sinh trên các phương tiện vận chuyển du lịch đường dài.

- Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.

d) Trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đơn vị tổ chức lễ hội

- Trong quá trình tiến hành các hoạt động lễ hội, đơn vị tổ chức lễ hội có biện pháp tránh tập trung lượng khách quá lớn tại một thời điểm để bảo đảm an toàn cho du khách và hạn chế ô nhiễm môi trường tại nơi tổ chức lễ hội.

- Kiểm soát, hạn chế, giảm thiểu tiếng ồn để không ảnh hưởng đến không gian tổ chức lễ hội cũng như sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng dân cư tại nơi diễn ra lễ hội.

- Đối với những lễ hội mà đặc thù không có nhà vệ sinh cố định theo quy định tại Điều 7 của Thông tư liên tịch này, đơn vị tổ chức phải bố trí nhà vệ sinh lưu động hoặc thuê nhà vệ sinh đủ điều kiện gần nơi tổ chức lễ hội để bảo đảm cho khách tham gia lễ hội có nhà vệ sinh sử dụng.

- Sắp xếp, kiểm soát các phương tiện vận chuyển, các cơ sở kinh doanh dịch vụ và các nguyên nhân khác phát sinh khí thải, bụi, chất thải vượt giới hạn cho phép, ảnh hưởng tới du khách và cộng đồng dân cư tại nơi diễn ra lễ hội.

- Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường

+ Đối với những lễ hội có quy mô lớn, số lượng người tham gia đông, thời gian tổ chức kéo dài quá ba ngày, Ban tổ chức phải thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tiếp nhận và xử lý những thông tin được phản hồi về bảo vệ môi trường. Người đứng đầu phải là thành viên Ban tổ chức lễ hội có kiến thức, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường.

+ Đối với những lễ hội không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này phải có bộ phận thường xuyên thu gom, phân loại, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường trước, trong và sau quá trình tổ chức lễ hội.

- Kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động tổ chức lễ hội

+ Đối với những lễ hội không phải xin cấp phép, ngoài báo cáo bằng văn bản về thời gian, địa điểm, nội dung, kịch bản (nếu có) và danh sách Ban Tổ chức lễ hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa theo quy định, đơn vị tổ chức phải xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường. Nội dung kế hoạch phải có cam kết bảo vệ môi trường, phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra ra sự cố về môi trường trước, trong và sau quá trình tổ chức lễ hội.

+ Đối với những lễ hội khi tổ chức phải được phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hồ sơ xin phép tổ chức lễ hội phải bao gồm kế hoạch bảo vệ môi trường. Nội dung kế hoạch phải có cam kết bảo vệ môi trường, phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố về môi trường trước, trong và sau quá trình tổ chức lễ hội.

+ Đơn vị tổ chức lễ hội chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường; cam kết bảo vệ môi trường, đồng thời chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm về bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức lễ hội.

đ) Trách nhiệm bảo vệ môi trường của đơn vị quản lý di tích

- Đối với các di tích có tổ chức lễ hội thì trong quá trình tổ chức lễ hội phải thực hiện các quy định tại Chương III của Thông tư liên tịch số 19/2013.

- Đối với các di tích thường xuyên có khách đến tham quan, phải thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

- Bố trí hợp lý nơi thắp hương, hóa sớ bảo đảm an toàn và phòng, chống cháy nổ; bố trí hệ thống thông gió tại những nơi thắp hương không phải ngoài trời, có nhiều người thắp hương trong cùng thời điểm.

- Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động kinh doanh dịch vụ bên ngoài khu di tích thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh di tích.

- Đưa nội dung quy định bảo vệ môi trường tại cơ sở, trách nhiệm bảo vệ môi trường của du khách vào tài liệu hướng dẫn di tích.

- Thực hiện các quy định khác có liên quan của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc xây mới hạng mục liên quan đến di tích:

+ Nguyên tắc: Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong Luật di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, Luật bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan; trong quá trình thực hiện phải giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực đến không gian, cảnh quan môi trường xung quanh di tích; có biện pháp giảm thiểu sự biến đổi về địa hình và sự thay đổi chất lượng đất; trong và sau quá trình thi công có phương án thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng và các loại chất thải khác phát sinh.

+ Sử dụng hóa chất trong bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc xây mới hạng mục liên quan đến di tích: Thực hiện các quy định của Luật hóa chất và các quy định khác có liên quan; các loại hóa chất được sử dụng phải nằm trong danh mục cho phép sử dụng của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm an toàn cho di tích, người sử dụng hóa chất và không gây ô nhiễm môi trường; Việc sử dụng hóa chất trong công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hoặc xây mới hạng mục liên quan đến di tích phải lập thành dự án trong đó có phần đánh giá tác động của hóa chất sử dụng đến di tích và môi trường di tích.

- Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ:

+ Tổ chức, cá nhân khi tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, ô nhiễm nguồn nước nơi khai quật khảo cổ, có phương án xử lý đất đá trong quá trình thăm dò, khai quật không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

C. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách tỉnh và kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch - dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này; thường xuyên theo dõi việc triển khai thực hiện và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng định kỳ (06 tháng một lần).

- Tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định tại Thông tư liên tịch theo kế hoạch triển khai.

- Tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

- Xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia; hỗ trợ tuyên truyền các cơ sở đạt tiêu chuẩn môi trường, các hoạt động tại cơ sở gắn với bảo vệ môi trường.

- Định kỳ báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15 tháng 12 hàng năm; thực hiện báo cáo đột xuất trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường du lịch trên địa bàn.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Thông tin cho các cơ quan có liên quan, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích, cộng đồng dân cư và du khách biết về hiện trạng môi trường tại địa phương khi có yêu cầu theo quy định.

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đào tạo, hướng dẫn cán bộ nghiệp vụ môi trường.

3. Hiệp hội du lịch

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền, giáo dục, tổ chức đào tạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh.

- Vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích thực hiện các quy định tại Thông tư liên tịch theo kế hoạch triển khai.

4. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và Thông tư liên tịch số 19/2013 trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn quản lý.

- Chịu trách nhiệm về các vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.

- Kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại cơ sở trên địa bàn quản lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm xử lý những trường hợp vi phạm.

5. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng chương trình, nội dung thực hiện Kế hoạch; định kỳ 06 tháng, báo cáo tiến độ thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL (b/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX2.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 762/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thông tư liên tịch 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 762/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đoàn Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản