Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 752/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 5 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC HỢP NHẤT 2 SỞ : SỞ THƯƠNG NGHIỆP VÀ SỞ KINH TẾ ĐỐI NGOẠI THÀNH TỔ CHỨC MỚI LẤY TÊN LÀ : SỞ THƯƠNG MẠI THÀNH PHỐ.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
- Căn cứ yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước của ngành thương mại thành phố ;
- Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 .- Nay thành lập Sở Thương mại thành phố trên cơ sở hợp nhất Sở Thương nghiệp thành phố và Sở Kinh tế Đối ngoại thành phố :
Sở Thương mại thành phố là cơ quan chuyên môn, chịu sự chỉ đạo toàn diện và trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch ;
Sở Thương mại có chức năng thống nhất quản lý hành chánh Nhà nước trên địa bàn thành phố theo ngành đối với các thành phần kinh tế hoạt động kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch và dịch vụ theo luật pháp của Nhà nước và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
Sở Thương mại có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp kinh phí và mở tài khoản ở Ngân hàng để hoạt động theo quy định của Nhà nước.
Điều 2.- Sở Thương mại có nhiệm vụ và quyền hạn như sau :
1/ Căn cứ vào định hướng chiến lược kinh tế, xã hội của Trung ương và thành phố để xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cùng Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch quyết định các chương trình mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại xuất nhập khẩu, du lịch và dịch vụ.
2/ Tổ chức, hướng dẫn thực hiện chủ trương chánh sách luật pháp của ngành thương mại, và du lịch đối với các thành phần kinh tế.
- Thông qua thực tiễn của thành phố nghiên cứu đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch, sửa đổi, bổ sung những chủ trương, những quy định pháp quy nhằm điều chỉnh các quan hệ về thương mại-xuất nhập khẩu, và dịch vụ phát sinh trong quá trình thực hiện cơ chế thị trường.
- Chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị kinh tế thuộc các thành phần thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật pháp : quyền tự chủ kinh doanh, tự chủ tài chánh, sử dụng lao động, thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, chế độ thống kê, kế toán, sổ sách chứng từ, bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm, vệ sinh thực phẩm.
3/ Thực hiện chức năng quản lý hành chánh Nhà nước đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, bao gồm :
- Nghiên cứu, lập thủ tục hành chánh trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định thành lập, giải thể.
- Xem xét cấp và thu hồi giấy phép hành nghề ; kiểm tra, giám sát việc đăng ký kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn thành phố, nhằm thiết lập được vai trò quản lý Nhà nước theo ngành, hướng các thành phần kinh tế theo ngành hoạt động một cách lành mạnh và an toàn, đúng pháp luật và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
4/ Quản lý xuất khẩu và nhập khẩu và dịch vụ xuất khẩu tại chỗ :
- Nghiên cứu giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo vận dụng thực hiện các chánh sách xuất nhập khẩu có hiệu quả cao.
- Được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền quản lý hành chánh Nhà nước đối với các doanh nghiệp trực tiếp xuất nhập khẩu, kinh doanh hàng xuất khẩu trong việc thực hiện các đề án sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa nhập khẩu ; các đơn vị hoạt động về dịch vụ ngoại thương, du lịch… cung ứng tàu biển v.v… tạo điều kiện cho các đơn vị này đi vào hoạt động có hiệu quả đúng pháp luật của Nhà nước.
- Hướng dẫn các ngành, quận, huyện, cơ quan, đơn vị được quyền trực tiếp quan hệ xuất nhập khẩu, dịch vụ ngoại thương, dịch vụ xuất khẩu tại chỗ với nước ngoài trong việc tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng kinh tế với nước ngoài, giúp về chuyên môn, nghiệp vụ ngoại thương, thông tin kinh tế, thủ tục pháp lý, luật pháp quốc tế và theo dõi đôn đốc việc thực hiện hợp đồng kinh tế.
5/ Giúp Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định cử đoàn ra mời đoàn vào liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch của thành phố.
6/ Tổ chức thực hiện chế độ thống kê-thông tin kinh tế Nhà nước trong các hoạt động lưu thông hàng hóa của tất cả mọi tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế có hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố.
- Định kỳ báo cáo tình hình kinh doanh thương mại, và du lịch của tất cả mọi thành phần kinh tế cho Ủy ban nhân dân thành phố, Cục Thống kê của thành phố, Bộ Thương mại và Tổng cục Du lịch ; cùng Cục Thống kê đề nghị và trình văn bản, kế hoạch để Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, thông báo quy định chế độ về thống kê thương mại phục vụ cho công tác thống kê thông tin thương mại của thành phố.
7/ Quản lý tài sản, lao động, kinh phí của Sở theo chánh sách, chế độ của Nhà nước và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 3.- Sở Thương mại do 1 Giám đốc phụ trách và có một số Phó Giám đốc giúp việc cho Giám đốc và được Giám đốc phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác.
Giám đốc là người chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả quản lý hành chánh Nhà nước đối với hoạt động thương mại, dịch vụ cả nội và ngoại thương của tất cả các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố trước Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Thương mại.
Các Phó Giám đốc là người giúp việc Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc đúng theo chế độ Thủ trưởng. Giám đốc Sở là người chịu trách nhiệm trước cấp trên về mọi hoạt động công vụ của các Phó Giám đốc.
Bộ máy cơ quan Sở do Giám đốc Sở quyết định theo hướng tinh gọn và có hiệu lực trên cơ sở biên chế được Ủy ban nhân dân thành phố giao. Căn cứ vào yêu cầu quản lý Nhà nước đối với ngành, sắp xếp và bố trí các bộ phận, chuyên viên công tác thích hợp.
Điều 4.- Giám đốc Sở Thương mại có trách nhiệm xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Sở, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Điều 5.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ quyết định số 206/TCCQ ngày 10/11/1975 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Sở Thương nghiệp và quyết định số 11/QĐ-UB ngày 06/01/1989 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Sở Kinh tế Đối ngoại và các quyết định trước đây trái với quyết định này.
Điều 6.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chánh quyền thành phố, Giám đốc Sở Thương nghiệp thành phố (cũ), Giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại thành phố (cũ), Giám đốc Sở Thương mại (mới) và Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận, Huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Quyết định 752/QĐ-UB năm 1993 hợp nhất 2 sở: Sở Thương nghiệp và Sở Kinh tế đối ngoại thành tổ chức mới lấy tên là: Sở Thương mại thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 752/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/05/1993
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/05/1993
- Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra