Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/2016/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN CHO BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ, CÔNG NGHIỆP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1070/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;

Căn cứ Quyết định số 49/2016/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1069/TTr-SNV ngày 12 tháng 10 năm 2016 và Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế tại Tờ trình số 321/KKTCN-QHXD ngày 10 tháng 10 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu Kinh tế Cửa khẩu A Đớt (sau đây gọi tắt là Khu Kinh tế) và các Khu Công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ, Phú Đa, Quảng Vinh (sau đây gọi tắt là Khu Công nghiệp) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các sở, ban, ngành tại Khu Kinh tế, Khu công nghiệp, cụ thể như sau:

1. Về quản lý quy hoạch

a) Tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế, báo cáo UBND tỉnh để trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp, quy hoạch phân khu xây dựng và phân khu đô thị, trình Sở Xây dựng thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt;

c) Tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết đô thị trong Khu kinh tế;

d) Tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch điều chỉnh đối với các đồ án quy định tại điểm a, b, khoản 1 Điều này để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch điều chỉnh đối với các đồ án quy định tại điểm c, khoản 1 Điều này để thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền;

đ) Thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết đô thị trong Khu kinh tế sau khi lấy ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Xây dựng và Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã có liên quan (trừ các quy hoạch do nhà đầu tư tổ chức lập); có ý kiến thống nhất bằng văn bản về quy hoạch tổng mặt bằng các dự án không thuộc diện phải lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị;

e) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) Khu kinh tế, Khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, báo cáo kết quả bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng để xem xét, quyết định;

g) Cấp giấy phép quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

h) Tổ chức lập, trình Sở Xây dựng thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức cắm mốc giới các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh trên địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp; tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ, hồ sơ cắm mốc giới và tổ chức cắm mốc giới các đồ án quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng trên địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp (trừ quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh do nhà đầu tư lập);

i) Giới thiệu địa điểm, thỏa thuận vị trí, hướng tuyến, cung cấp thông tin về quy hoạch đã được phê duyệt trên địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

k) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới và Ủy ban nhân dân các thị xã Hương Trà, Hương Thủy (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã có Khu kinh tế, Khu công nghiệp nằm trên địa bàn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

2. Về quản lý đầu tư, xây dựng

a) Tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư; thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công được giao cho Ban Quản lý quản lý;

b) Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nhóm B đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trừ dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo;

c) Ký kết và thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) các dự án nhóm B, C;

d) Thẩm định thiết kế cơ sở (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng đối với công trình từ cấp II trở xuống được xây dựng trên địa bàn các Khu kinh tế, Khu công nghiệp sử dụng nguồn vốn khác; dự án quy mô từ nhóm B trở xuống được đầu tư xây dựng trên địa bàn các Khu kinh tế, Khu công nghiệp sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách (trừ các dự án do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định; các dự án do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư);

đ) Tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế ba bước) và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được giao cho Ban Quản lý quản lý; công trình thuộc dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn khác thuộc diện phải thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (trừ các công trình do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định);

e) Phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng các công trình thuộc dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công được giao cho Ban Quản lý quản lý;

g) Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng (trừ các công trình thuộc thẩm quyền kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng được thành lập và hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng và Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và các công trình thuộc dự án do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư);

h) Cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình thuộc các tổ chức đầu tư xây dựng theo quy định phải có giấy phép xây dựng trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp (trừ công trình cấp đặc biệt; công trình tôn giáo, công trình di tích lịch sử - văn hóa, công trình tượng đài, tranh hoành tráng);

i) Thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và dự án đầu tư có sử dụng đất khác;

k) Thẩm định hồ sơ, quyết định chấp thuận đầu tư các dự án khu đô thị mới trong Khu kinh tế có diện tích nhỏ hơn 100 ha sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng, chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành. Thẩm định hồ sơ, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở sau khi có chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh;

l) Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về quản lý thương mại

Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

4. Về quản lý tài chính, ngân sách

a) Thực hiện thẩm quyền của đơn vị dự toán cấp 1 trong quản lý, điều hành dự toán ngân sách hàng năm tại các đơn vị trực thuộc. Phê duyệt điều chỉnh dự toán ngân sách hàng năm đã giao cho các đơn vị trực thuộc sau khi có văn bản thống nhất của Sở Tài chính;

b) Thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án do Trưởng ban Ban Quản lý quyết định đầu tư.

5. Về quản lý đất đai

Làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong các Khu công nghiệp;

6. Về quản lý tài nguyên, khoáng sản

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, thu hồi, gia hạn, cho phép chuyển nhượng, cho phép trả lại giấy phép hoặc một phần diện tích giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh trong Khu kinh tế;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định đề án đóng cửa mỏ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đóng cửa mỏ trong Khu kinh tế;

c) Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực đối với Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh trong Khu kinh tế;

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trữ lượng trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản trong Khu kinh tế;

đ) Tổ chức lập, thông báo và bán hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đồng thời tiếp nhận hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh trong Khu kinh tế;

e) Thẩm định hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

7. Về quản lý môi trường

a) Thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

b) Thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận Đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các dự án trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

c) Tổ chức kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của các dự án tại Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

d) Thẩm định, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường, phương án bổ sung cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; tổ chức kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án cải tạo, phục hồi môi trường; rà soát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý;

đ) Cấp giấy xác nhận cho các đối tượng thuộc diện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

8. Về quản lý lao động

a) Nhận thông báo về việc cho thôi việc nhiều người lao động của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

b) Nhận báo cáo về việc cho thuê lại lao động (số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động, phí cho thuê lại lao động) của doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

c) Nhận báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề hàng năm của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

d) Tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

đ) Đăng ký nội quy lao động của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

e) Tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp về nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được, trình Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét thực hiện việc chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài và thông báo đến các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp;

g) Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp; xác nhận người lao động nước ngoài làm việc cho các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp không thuộc diện cấp giấy phép lao động;

h) Tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký thực hiện Hợp đồng nhận lao động thực tập của doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian dưới 90 ngày;

i) Tiếp nhận khai trình việc sử dụng lao động, báo cáo tình hình thay đổi về lao động; nhận thông báo về việc tổ chức làm thêm từ 200 giờ đến 300 giờ trong một năm của doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp; nhận thông báo về địa điểm, địa bàn, thời gian bắt đầu hoạt động và người quản lý, người giữ chức danh chủ chốt của doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện nội dung công việc được ủy quyền, phân công theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện các công việc được ủy quyền, phân công tại Quyết định này.

c) Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền, phân công.

2. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển các Khu kinh tế, Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy hoạch đã được phê duyệt;

b) Tiến hành rà soát và điều chỉnh các quy định do đơn vị, địa phương đã ban hành trước đây cho phù hợp với Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 10 năm 2016 và thay thế Quyết định số 1182/2008/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phân công, phân cấp cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Quyết định số 37/2010/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ủy quyền Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Cao

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 75/2016/QĐ-UBND về phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 75/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản