Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 739-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

 PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ THỜI KỲ 1996-2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Tờ trình số 1061 TH/UBND ngày 19 tháng 7 năm 1997 và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 4844 BKH-VPTĐ ngày 8 tháng 8 năm 1997,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 1996-2010 với nội dung chủ yếu sau:

I. ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:

1. Về những định hướng:

Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế theo hướng:

- Gắn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng Bắc Trung bộ, để phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

- Bảo đảm mối quan hệ hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái với việc giữ gìn bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá, củng cố an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

- Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đặc biệt là của thành phố Huế; khắc phục những hạn chế về giao thông, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội; phát triển các lĩnh vực văn hoá xã hội, nâng cao mức sống và trình độ dân trí, bảo đảm nguồn nhân lực cho yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2. Về mục tiêu:

Khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng và lợi thế của tỉnh về vị trí địa lý và các nguồn tài nguyên để xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát triển, đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và đảm bảo môi trường sinh thái, tăng cường an ninh quốc phòng; đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, du lịch, đào tạo đại học, y tế chuyên sâu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với một số chỉ tiêu chủ yếu sau:

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt thời kỳ 1996-2010 đạt 12%-16% và thời kỳ 2001-2010 đạt 13-15%.

- Phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 500-600 USD vào năm 2000 và đạt 1.700-1.800 USD vào năm 2010. Tỷ lệ huy động ngân sách từ GDP đạt khoảng 22%-23% năm 2000 và 25,5%-32% năm 2010. Tỷ lệ tích luỹ đầu tư từ GDP khoảng 9,5%-10,5% thời kỳ 1996-2000 và khoảng 17%-19% thời kỳ 2001-2010. Giá trị xuất khẩu năm 2000 đạt khoảng 50-70 triệu USD và năm 2010 đạt khoảng 300-500 triệu USD. Phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số đến năm 2000 xuống còn 1,9% và đến năm 2010 còn 1,5%; hàng năm tạo thêm việc làm cho khoảng 40-50 nghìn người trong độ tuổi lao động. Nâng cao đời sống vật chất tinh thần của dân cư, chống tái mù chữ, đến năm 2000 cơ bản phổ cập cấp 1 cho toàn dân, cấp 2 cho thanh niên thành thị và sau năm 2000 tiếp tục phấn đấu để tiến tới phổ cập cấp 3 cho thanh niên toàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI:

1. Về phát triển công nghiệp:

Hướng mạnh vào xuất khẩu, đồng thời chú trọng sản xuất các sản phẩm tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu, xây dựng và từng bước hoàn thiện các khu công nghiệp: Phú Bài, Chân Mây, Phong Thu, Tứ Hạ và các điểm công nghiệp khác, trước hết là các cụm công nghiệp ven thành phố Huế. Cần sử dụng nguyên liệu và tay nghề ở địa phương cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ưu tiên đầu tư chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp và các mặt hàng phục vụ du lịch, các ngành sản xuất kỹ nghệ cao (như lắp ráp điện tử, ôtô, các sản phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến).

2. Về du lịch - dịch vụ:

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của cố đô Huế, xây dựng kết hợp cụm du lịch nghỉ đường biển và vùng núi (Lăng Cô, Cảnh Dương, Bạch Mã, Tân Mỹ, Thuận An, làng văn hoá A Lưới...), gắn du lịch với các hoạt động văn hoá.

Phát triển du lịch phải đi đôi với nâng cao chất lượng phục vụ tạo môi trường du lịch văn minh lịch sự, tăng sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

3. Về nông, lâm, ngư nghiệp: Phấn đấu đạt sản lượng 20 vạn tấn lương thực vào năm 2000, 25-26 vạn tấn lương thực quy thóc vào năm 2010. Đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây thực phẩm, cây ăn quả theo hướng vùng chuyên canh tập trung, trước hết xây dựng vùng nguyên liệu mía từ 10.000-15.000 ha cho công nghiệp sản xuất đường và sản phẩm sau đường, vùng cao su 10.000-15.000 ha để phối hợp với công nghiệp chế biến ở Quảng Bình, Quảng Trị; mở rộng diện tích trồng cà phê, quế ở các huyện miền núi; xây dựng vùng cây ăn quả tập trung với các loại cây đặc sản: thanh trà, hồng, quít. Duy trì diện tích rừng khoanh nuôi và đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Đẩy mạnh khai thác thuỷ sản theo hướng mở rộng diện tích nuôi trồng và phát triển đánh bắt xa bờ.

4. Về phát triển cơ sở hạ tầng:

- Xây dựng mới đi đôi với nâng cấp cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Cải tạo, và nâng cấp hệ thống giao thông và các công trình chống lũ, chống ngập lụt trong thành phố, bảo vệ môi trường sinh thái, cùng với việc hiện đại hoá hệ thống thôn tin liên lạc. Thực hiện các dự án cấp nước, thoát nước cho các đô thị, các khu công nghiệp tập trung, giải quyết nước sạch nông thôn, chống ô nhiễm nguồn nước đi đôi với việc xử lý các chất thải rắn.

Trước mắt tập trung cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình: Sân bay Phú Bài, cảng Chân Mây, hệ thống giao thông nối đường 68 và các cụm kinh tế vùng gò đồi với quốc lộ 1A, quốc lộ 49 nối với nước bạn Lào, đường vành đai của thành phố Huế, hệ thống giao thông liên huyện và liên xã; góp phần xây dựng tuyến đường xa lộ Bắc - Nam và đường hầm Hải Vân. Hoàn thành sớm kế hoạch đưa điện về 100% phường, xã.

Thực hiện một số dự án về trị thuỷ sông Hương, sông Bồ như công trình Tả Trạch, Khe Lu, Cổ Bi, Thảo Long; đồng thời nâng cấp và xây dựng mới hệ thống đê ngăn mặn ven đầm phá; có biện pháp chống xâm thực, bảo vệ tính ổn định của các cửa biển Tư Hiền, Thuận An.

5. Về phát triển giáo dục, y tế, văn hoá xã hội:

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục, đào tạo để đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hoàn chỉnh các thiết chế của một trung tâm đại học đa ngành của khu vực và hệ thống các trường dạy nghề chất lượng cao.

- Phát triển mạng lưới chăm sóc sức khoẻ khám chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện tốt chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình.

- Xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung tại Huế.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng của hệ thống phát thanh truyền hình, các hoạt động văn hoá thể dục thể thao. Vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ các tệ nạn xã hội. Nâng cấp hệ thống bảo tàng, thư viện nhà trưng bày, nhà văn hoá và các thiết chế văn hoá khác. Đào tạo, bồi dưỡng lực lượng nghệ nhân và củng cố tổ chức các loại hình nghệ thuật truyền thống,.

- Có kế hoạch định cư tuyệt đại bộ phận dân vạn đò ở sông Hương và dọc đầm phá.

III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

Để đảm bảo việc thực hiện quy hoạch, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cần thực hiện và vận dụng sáng tạo các biện pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Sau khi quy hoạch tổng thể được phê duyệt, cần nghiên cứu lập và triển khai các quy hoạch chi tiết, các chương trình phát triển kinh tế xã hội, các dự án đầu tư trên cơ sở quy hoạch tổng thể này và từng bước đưa dần vào kế hoạch trung hạn, ngắn hạn để thực hiện.

Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động nghiên cứu, thực thi và đề xuất với Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách phù hợp, có hiệu quả nhằm huy động được các nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra. Là một tỉnh có thành phố cố đô, có những đặc điểm riêng, tỉnh cần vận dụng đúng đắn các chính sách về đất đai, chính sách đối với thành phố loại hai. Tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Huế cần nghiên cứu đề xuất với Trung ương mô hình tổ chức và quản lý phù hợp, đặc biệt là các lĩnh vực quản lý đô thị, quản lý di sản văn hoá, công tác đối ngoại.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phải có kế hoạch kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Quy hoạch một cách chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất để có những điều chỉnh hợp lý kịp thời phù hợp với định hướng phát triển chung của vùng và cả nước. Các Bộ, ngành ở Trung ương có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế trong quá trình thực hiện, nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch của tỉnh với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế của các ngành kinh tế - kỹ thuật - xã hội, phù hợp với quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 739/1997/QĐ-TTg năm 1997 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 1996-2010 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 739-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/09/1997
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 21/09/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản