Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 727/1998/QĐ.UB

Long Xuyên, ngày 17 tháng 4 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ TỈNH AN GIANG TỪ NĂM 1998 ĐẾN NĂM 2005

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/6/1994;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại & Du lịch An Giang tại tờ trình số 57/TT.TM-DL ngày 04/4/1998.

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ tỉnh An Giang từ năm 1998 đến năm 2005 với những nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu phát triển chủ yếu:

Mục tiêu từ nay đến năm 2005 là tập trung sắp xếp, quy hoạch hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mua bán, giao lưu trao đổi hàng hóa, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Các mục tiêu phấn đầu cần thực hiện:

1. Giải tỏa hẳn các chợ vi phạm lộ giới và nằm trong phạm vi qui hoạch phải giải tỏa, chọn vị trí mới thích hợp để đầu tư xây mới thay thế để ổn định nơi mua bán, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.

2. Những chợ đã quá tải, nhất là các chợ trung tâm thị xã, thị trấn, thị tứ phải nhanh chóng lập dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu kinh doanh của nhân dân.

3. Đầu tư xây dựng mới các chợ ở những xã, phường, những khu dân cư mới, khu công nghiệp, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các cửa khẩu, biên giới chưa có chợ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân có nơi để tập trung trao đổi, mua bán hàng hóa góp phần làm cho kinh tế phát triển.

4. Đối với các chợ đã được đầu tư xây dựng, nhưng hiện nay không có hoặc có ít người vào mua bán tại chợ, cần phải có các phương án thích hợp để khuyến khích những người có nhu cầu kinh doanh vào chợ mua bán, nhất là đối với những người mua bán lưu động xung quanh khu vực chợ và trên các trục lộ giao thông, từng bước thực hiện tốt trật tự, văn minh, vệ sinh môi trường trong hoạt động kinh doanh thương mại hoặc có thể chuyển sang mục đích sử dụng khác đảm bảo hiện quả kinh tế - xã hội cao hơn.

5. Các chợ đang khai thác, sử dụng hoặc xây mới thời gian gần đây cần phải có kế hoạch bảo quản, duy tu, sửa chữa thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, chống xuống cấp.

II. Mô hình xây dựng chợ:

Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng chợ mà có mô hình xây dựng phù hợp, nhưng phải theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo bộ mặt mới ở đô thị, vùng núi, vùng nông thôn, biên giới trên toàn tỉnh và thực hiện theo hướng sau:

1. Đối với các chợ chính (trừ trung tâm thương mại) như chợ trung tâm thị xã, thị trấn, xã, phường phải xây dựng nhà lồng, tùy theo loại chợ mà chọn mô hình và kết cấu xây dựng thích hợp, đảm bảo tính văn minh, thẩm mỹ cao, đạt hiệu quả sử dụng lâu dài, đồng thời có thể bố trí đủ các quầy, sạp hàng cho người kinh doanh theo từng ngành hàng, nhóm hàng; chấm dứt tình trạng mua gánh, bán bưng hoặc đẩy xe bán hàng hóa vào trong khu vực chợ.

2. Đối với chợ ở vùng nông thôn tùy theo đặc điểm tình hình thực tế của từng địa phương có thể xây dựng hoặc không xây dựng nhà lồng chợ, nhưng diện tích mặt bằng chợ phải đảm bảo đủ để bố trí ổn định nơi mua bán theo yêu cầu của nhân dân, và đảm bảo tránh bị ngập lũ hàng năm, đồng thời hướng dẫn các hộ kinh doanh xây cất, sắp xếp các quầy, sạp bán hàng đảm bảo trật tự, văn minh thương nghiệp.

3. Hoàn thiện các hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ chợ như: Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, đường giao thông nội bộ, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, xử lý rác, kho chứa hoặc cất giữ hàng hóa của người kinh doanh, bến bãi, cầu bốc dỡ hàng hóa, nơi giữ xe,...

III. Những giải pháp chủ yếu:

1. Để thực hiện được Quy hoạch, cầu phải có hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm huy động được mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho việc phát triển mạng lưới chợ từ năm 1998 đến năm 2005, ước tính tổng kinh phí đầu tư sắp xếp, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới khoảng từ 250 – 700 tỷ đồng. Trên địa bàn từng huyện, thị, Uỷ ban nhân dân phải cụ thể hóa việc xây dựng, phát triển chợ gắn với kết hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương các kế hoạch trung dài hạn, ngắn hạn và dự án đầu tư cụ thể từng năm nhằm điều hành và quản lý phát triển theo định hướng đề ra.

2. Về thu hút vốn đầu tư, huy động vốn để phục vụ cho việc phát triển mạng lưới chợ theo Quy hoạch phải được các địa phương, sở, ngành có liên quan đề xuất với UBND tỉnh thông qua các chương trình và giải pháp cụ thể để thực hiện được mục tiêu, chú ý khai thác và huy động các nguồn sau đây:

- Vốn huy động từ xã hội: Đây là nguồn vốn chủ lực trong phát triển mạng lưới chợ. Huy động sự đóng góp của nhân dân mà trước hết là những người hiện đang mua bán ổn định tại các chợ theo phương thức thích hợp; thực hiện huy động vốn từ các hình thức khác kể cả trong và ngoài nước.

- Vốn vay: Chú ý các nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất ưu đãi, có tính toán cụ thể hiệu quả theo từng dự án.

- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước: Chủ yếu dùng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa và vùng miền núi và biên giới.

3. Thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi kèm theo để phát triển mạng lưới chợ như: giao mặt bằng kinh doanh ổn định cho các hộ kinh doanh để họ yên tâm bỏ vốn kinh doanh; thực hiện thu thuế ổn định, công bằng; tạo điều kiện giúp đỡ các hộ kinh doanh vay vốn phát triển kinh doanh...

4. Hình thành hệ thống tổ chức quản lý chợ theo hướng dẫn tại Thông tư 15/CSTTTN ngày 16/10/1996 của Bộ Thương mại.

Điều II: Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra, theo dõi thực hiện Quy hoạch một cách chặt chẽ, xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm và các chương trình dự án phù hợp với Quy hoạch.

Trên cơ sở Quy hoạch đã được phê duyệt, các huyện, thị xã phải rà soát lại quy hoạch tổng thể của mình. Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp giúp đỡ các huyện, thị xã trong quá trình soát xét, tổ chức thực hiện dự án, đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch từng huyện, thị xã, với quy hoạch chung của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện Quy hoạch, Sở Thương mại và Du lịch có trách nhiệm đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh các vấn đề về chính sách, quản lý có liên quan đến việc phát triển mạng lưới chợ; kết hợp với các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm để có bổ sung điều chỉnh kịp thời.

Điều III: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:        
- Như Điều 6           
- Lưu.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 727/1998/QĐ.UB về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ tỉnh An Giang từ năm 1998 đến năm 2005

  • Số hiệu: 727/1998/QĐ.UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/04/1998
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Minh Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản