Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7269/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 11 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ĐÀO TẠO NGHỀ” TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2008 - 2010

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 107/QĐ-BLĐTBXH ngày 20 tháng 01 năm 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt danh sách các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề được đầu tư tập trung bằng kinh phí dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 - 2010 và Quyết định điều chỉnh, bổ sung số 1865/QĐ-LĐTBXH ngày 12 tháng 12 năm 2006;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 941/SLĐTBXH-DN ngày 25 tháng 11 năm 2008 và kết quả thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 2251/SKHĐT ngày 03 tháng 12 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2008 - 2010 (đính kèm Đề án).

Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể hằng năm nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra đạt hiệu quả, đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ĐÀO TẠO NGHỀ TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2008 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 7269/QĐ-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần mở đầu

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Ninh Thuận là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực miền Trung với dân số gần 60 vạn. Trong những năm qua, tỉnh Ninh Thuận luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Tuy nhiên, do tỉnh còn khó khăn nên công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực gặp một số trở ngại như: thiếu việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp chậm, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, các cơ sở dạy nghề còn ít, không có trường dạy nghề trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; vì vậy nhu cầu đào tạo nghề cho các khu, cụm công nghiệp chưa được đáp ứng và đa số lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài chưa có tay nghề.

Thời gian qua, Ninh Thuận đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều khu, cụm công nghiệp. Theo tính toán sơ bộ, đến năm 2010, các khu, cụm công nghiệp trên cần khoảng 24.700 lao động qua đào tạo trong các ngành kinh tế, bao gồm: nông lâm 4.085 (16,54%), công nghiệp xây dựng 11.695 (47,35%), dịch vụ thương mại 8.920 (36,11%). Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực và để đáp ứng nhu cầu lao động cho các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI đã đề ra đến năm 2010 phải có 40% lao động qua đào tạo, trong đó có 25% qua đào tạo nghề. Do đó, việc tăng cường năng lực đào tạo nghề tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2008 - 2010 là rất cần thiết. Đây là nhu cầu có tính thực tiễn nhằm phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá tỉnh nhà.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo đến năm 2010;

- Quyết định số 107/QĐ-BLĐTBXH ngày 20 tháng 01 năm 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt danh sách các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề được đầu tư tập trung bằng kinh phí Dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 - 2010 và Quyết định điều chỉnh, bổ sung số 1865/QĐ-LĐTBXH ngày 12 tháng 12 năm 2006;

- Quyết định 07/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc quy hoạch phát triển mạng lưới Trường cao đẳng, Trường trung cấp nghề, Trung tâm dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 39/2003/QĐ-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2003 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận vế việc phê duyệt mạng lưới dạy nghề tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2001 - 2010;

- Quyết định số 336/2006/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Phần I

THỰC TRẠNG NĂNG LỰC ĐÀO TẠO NGHỀ TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2004 - 2007

I. MẠNG LƯỚI CƠ SỞ DẠY NGHỀ

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công tác đào tạo nghề của tỉnh Ninh Thuận trong những năm gần đây phát triển theo chiều hướng tích cực, nhất là chính sách xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình cơ sở dạy nghề dân lập ra đời đáp ứng một phần nhu cầu học nghề của nhân dân. Tính đến tháng 6 năm 2008, trên địa bàn tỉnh có 05 cơ sở dạy nghề công lập và 1 cơ sở dạy nghề tư nhân, cụ thể:

1. Trường trung cấp Nghề Ninh Thuận: Trường trung cấp Nghề Ninh Thuận được thành lập ngày 29 tháng 5 năm 2007 trên cơ sở nâng cấp Trường Dạy nghề Ninh Thuận (được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003), với kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản từ vốn địa phương và kinh phí đầu tư trang thiết bị từ chương trình mục tiêu quốc gia. Tổng nguồn kinh phí đầu tư từ năm 2003 đến 2007 là 19.403 triệu đồng, trong đó: xây dựng cơ bản là 6.636 triệu, trang thiết bị là 12.767,46 triệu.

BẢNG TỔNG HỢP THIẾT BỊ DẠY NGHỀ CỦA TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ NINH THUẬN TỪ NĂM 2003 - 2007

(tính đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2007)

STT

TÊN THIẾT BỊ

Tổng số tiền
(triệu đồng)

Đơn vị cung cấp

Năm cung cấp

1

Thiết bị cơ khí (tiện, phay, bào, …)

699,90

TT. TBDN (Hà Nội)

2003

2

Thiết bị may công nghiệp và may dân dụng

1.175,00

Cửa hàng giới thiệu SP

2003

3

Máy móc thiết bị văn phòng (điện tử)

190,43

Doanh nghiệp Từ Sơn

2003

4

Thiết bị tin học

410,80

Công ty Sách Thiết bị TH

2004

5

Thiết bị sửa chữa ôtô

455,73

Công ty TNHH Toàn Á

2004

6

Thiết bị điện tử - điện công nghiệp

486,76

Công ty TNHH Toàn Á

2004

7

Thiết bị điện lạnh

427,31

Công ty TNHH Toàn Á

2005

8

Thiết bị điện cơ sở - dân dụng - công nghiệp

513,10

Công ty TNHH Toàn Á

2005

9

Thiết bị điện tử cơ sở - dân dụng - công nghiệp

1.050,30

Công ty CP Hữu Hồng

2005

10

Thiết bị cơ khí hàn, nguội – cơ khí sửa chữa ôtô - xe máy

1.428,10

Công ty CP Hữu Hồng

2005

11

Thiết bị máy tính, loa, âmly, máy in

61,80

Doanh nghiệp Từ Sơn

2005

12

Thiết bị phòng học lý thuyết, thực hành, nội trú, thư viện

443,85

Xí nghiệp mộc Thành Lợi

2003, 2005

13

Thiết bị điện, tự động hoá

1.997,24

Công ty CP Hữu Hồng

2006

14

Thiết bị tin học ứng dụng

390,00

Công ty CP Hữu Hồng

2006

15

Thiết bị cơ khí chế tạo, cơ khí động lực

1.394,14

Công ty CP Hữu Hồng

2006

16

Thiết bị ngành xây dựng

224,00

Cty TNHH thương mại - xây dựng Phước Lộc

2006

17

Thiết bị sửa chữa ôtô, xây dựng, trồng trọt

1.419,00

Công ty CP Hữu Hồng

2007

 

Tổng cộng:

12.767,46[1]

 

 

Quy mô đào tạo hằng năm của trường từ 700 - 800 học viên trình độ trung cấp nghề (bao gồm 2 khoá gối đầu) và từ 1.000 - 1.500 học viên trình độ sơ cấp nghề, đây là trường duy nhất đào tạo trình độ Trung cấp nghề của tỉnh. Để đáp ứng quy mô đào tạo ngày càng tăng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cơ sở II của Trường trung cấp Nghề.

2. Trung tâm Giới thiệu việc làm Ninh Thuận: Trung tâm có diện tích đất xây dựng là 2.500m2, có chức năng đào tạo trình độ sơ cấp nghề và giáo dục định hướng xuất khẩu lao động, quy mô đào tạo hằng năm khoảng 450 học viên, không có giáo viên cơ hữu. Năm 2005, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đầu tư xây dựng khối phòng học lý thuyết và thực hành với diện tích là 479m2, kinh phí là 807 triệu; năm 2007 đầu tư xây dựng nhà làm việc, nhà xe với diện tích là 542m2, kinh phí là 2.026 triệu và kinh phí cho trang thiết bị là: 1.080 triệu đồng.

STT

Tên thiết bị

Tổng số tiền
(triệu đồng)

Năm cung cấp

Ghi chú

1

Thiết bị may công nghiệp, dân dụng

300

2003

 

2

Thiết bị máy tính và may

780

2005 - 2007

 

 

Tổng cộng

1.080

 

 

3. Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Phan Rang: Trung tâm có chức năng dạy hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, đào tạo trình độ sơ cấp nghề và liên kết đào tạo trình độ trung cấp nghề với Trường trung cấp Nghề Ninh Thuận. Quy mô đào tạo trình độ sơ cấp nghề hằng năm là 800 học viên. Về cơ sở vật chất, hiện có: 5 phòng học lý thuyết với diện tích 720m2, 12 phòng học thực hành với diện tích 1.825m2. Giá trị về trang thiết bị dạy nghề là: 3.084,980 triệu đồng, giá trị về nhà xưởng khoảng 1,6 tỷ đồng.

STT

Tên thiết bị

Tổng số tiền (triệu đồng)

Năm cung cấp

Ghi chú

1

Thiết bị điện công nghiệp, hàn, gò, vi tính, may công nghiệp, vận tải

961,833

2006

 

2

Thiết bị vận tải, điện công nghiệp, hàn, gò, vi tính

1.593,147

2007

 

3

Thiết bị vận tải

530,000

2008

 

 

Tổng cộng

3.084,980

 

 

4. Trung tâm dạy nghề Chữ thập đỏ: không có giáo viên cơ hữu, chưa có cơ sở dạy nghề riêng, hiện đang tạm hoạt động chung với Hội Chữ thập đỏ; có chức năng đào tạo trình độ sơ cấp nghề với quy mô hằng năm là khoảng 100 học viên. Giá trị xây lắp khoảng 300 triệu đồng và giá trị thiết bị là: 276,5 triệu đồng (bao gồm cả máy vi tính và máy may).

5. Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân: có chức năng đào tạo trình độ sơ cấp nghề, quy mô đào tạo hằng năm khoảng 200 học viên. Trung tâm không có giáo viên cơ hữu, chưa có cơ sở vật chất, hiện đang hoạt động tạm thời tại trụ sở của cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

6. Cơ sở dạy nghề dân lập Tấn Tài: đây là cơ sở thuộc Hội dòng con Đức Mẹ Tấn Tài, có chức năng đào tạo trình độ sơ cấp nghề, quy mô đào tạo hằng năm khoảng 100 học viên, thiết bị hiện có khoảng 150 triệu đồng (bao gồm máy vi tính và máy may công nghiệp). Các phòng học lý thuyết, thực hành được tận dụng trong nhà thờ Tấn Tài. Hiện nay, cơ sở này đã xây dựng đề án nâng cấp thành Trung tâm dạy nghề dân lập Tấn Tài và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập theo Quyết định số 4235/QĐ-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2007.

II. QUY MÔ ĐÀO TẠO

Giai đoạn 2004 - 2007 đã tổ chức dạy nghề cho 25.346 người bao gồm: dạy nghề cho học sinh phổ thông, thanh niên, bộ đội xuất ngũ, tại ngũ, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, lao động chuyển đổi nghề nghiệp, …

1. Kết quả đào tạo nghề giai đoạn 2004 - 2007:

ĐVT: người

STT

Nội dung

Năm 2004

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2007

Cộng

Ghi chú

1

Đào tạo dài hạn

508

605

620

544

2.277

 

2

Đào tạo ngắn hạn

4.338

5.192

6.657

6.882

23.069

 

 

Tổng cộng

4.846

5.797

7.277

7.426

25.346

 

Quy mô dạy nghề trong những năm qua tăng nhanh, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 6,62% năm 2000 lên 18,2% năm 2007. Số người qua đào tạo nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp chiếm khoảng 60 - 70%.

Tuy nhiên, quy mô dạy nghề dài hạn vẫn còn thấp so với tổng số lao động được đào tạo nên thiếu nhiều lao động kỹ thuật trình độ cao cho các khu, cụm công nghiệp; các ngành kinh tế mũi nhọn và xuất khẩu lao động.

Hiện nay, công tác tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn do nhận thức về học nghề tại tỉnh nhà của học sinh và phụ huynh còn hạn chế. Những gia đình khá giả đều cho con em vào học các trường trung cấp tại thành phố Hồ Chí Minh, những gia đình khó khăn thì không đủ điều kiện để cho con em đến trường vì còn phải phụ giúp gia đình làm kinh tế. Năm học 2005 - 2006 phải tuyển sinh làm 2 đợt mới đạt chỉ tiêu, gây khó khăn trong việc bố trí giáo viên giảng dạy. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền của trường nghề còn hạn chế, đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm, chưa phối kết hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Ngành nghề đào tạo: có 32 ngành nghề được đào tạo từ năm 2004 đến 2007, trong đó có 11 ngành nghề hệ dài hạn và 27 ngành nghề hệ ngắn hạn, có 6 ngành nghề được đào tạo cả dài hạn và ngắn hạn. (đính kèm chi tiết tại Phụ lục 1)

III. CHẤT LƯỢNG DẠY NGHỀ

1. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý:

Đội ngũ giáo viên hiện nay ở các cơ sở dạy nghề là 89 người, tăng gần 1,5 lần so với năm 2004. Tỷ lệ giáo viên/học sinh đạt khoảng 1/26, khoảng 96,8% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn trình độ đào tạo, chưa có giáo viên đạt trình độ sau đại học (xem chi tiết tại Phụ lục 2).

Hằng năm các cơ sở dạy nghề đã sắp xếp thời gian, tạo mọi điều kiện cho giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kỹ thuật - công nghệ mới, thông qua các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu, các dự án, … Hầu hết giáo viên dạy nghề còn trẻ, nhiệt tình, được đào tạo chính quy, có phẩm chất đạo đức tốt, tôn trọng và yêu nghề. Tuy nhiên, so với yêu cầu trong giai đoạn mới thì đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng (chuẩn quy định năm 2008 tỷ lệ giáo viên/học sinh phải là 1/23, đến năm 2010 phải là 1/20), hạn chế về tay nghề, trình độ (chuẩn quy định đến năm 2010 phải có 10% đạt trình độ sau đại học), về kinh nghiệm thực tế sản xuất, về kết hợp giữa giảng dạy lý thuyết và thực hành, … Đối với đào tạo trình độ trung cấp nghề, năm học 2008 - 2009 chỉ có 26 giáo viên, còn thiếu 16 giáo viên so với yêu cầu; đặc biệt, thiếu giáo viên thuộc ngành nghề xây dựng, điện tử công nghiệp, hàn, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp. Đến năm 2010 sẽ cần khoảng 60 giáo viên dạy nghề.

Cán bộ quản lý ở các cơ sở dạy nghề về cơ bản được bố trí phù hợp với cơ cấu tổ chức của từng đơn vị, có 77,8% cán bộ quản lý có trình độ từ cao đẳng trở lên. Đại bộ phận cán bộ quản lý có kinh nghiệm, phát huy được năng lực chuyên môn; lập được kế hoạch hoạt động hằng năm, hằng tháng; tổ chức điều hành công việc có hiệu quả; tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ đúng theo quy định. Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý chưa thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ để đáp ứng với yêu cầu mới hiện nay do đó tầm nhìn chiến lược còn hạn chế.

2. Chương trình, giáo trình:

Trước tháng 5 năm 2008, Trường trung cấp Nghề Ninh Thuận đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chương trình khung tổng thể của Bộ, tham khảo kinh nghiệm của nhiều trường bạn ở ngoài tỉnh và năng lực của giáo viên tại trường; đã xây dựng được 10 bộ chương trình dạy nghề trình độ Trung cấp nghề (điện công nghiệp, điện dân dụng, điện tử công nghiệp, điện tử dân dụng, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, cắt gọt kim loại, kỹ thuật hàn, công nghệ ôtô, may và thiết kế thời trang) và 15 chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp nghề và thường xuyên.

Đến tháng 5 năm 2008, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành đầy đủ chương trình khung chi tiết về 48 ngành nghề đào tạo thống nhất trên toàn quốc, đảm bảo tính liên thông với các cấp trình độ đào tạo.

Khó khăn hiện nay là cần phải xây dựng chương trình đào tạo nghề ngắn hạn chuẩn mực để phục vụ đào tạo trình độ sơ cấp nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn, phù hợp với nhu cầu của xã hội, của người sử dụng lao động. Điều này đòi hỏi các cơ sở dạy nghề phải năng động, sáng tạo, tổ chức những cuộc hội thảo về phân tích nghề và kinh nghiệm xây dựng chương trình nghề ngắn hạn.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được: nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về dạy nghề đã có bước chuyển biến tích cực. Dạy nghề đã từng bước đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác. Mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh ngày càng phát triển, hiện nay có 05 cơ sở dạy nghề công lập đang hoạt động, 01 cơ sở dạy nghề tư thục đã được thành lập với kinh phí là 18 tỷ, có 3 Trung tâm Dạy nghề cấp huyện được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa vào danh sách những cơ sở dạy nghề được thụ hưởng dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Trường trung cấp Nghề Ninh Thuận ngày càng được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cơ sở vật chất vì quy mô đào tạo ngày càng tăng, số lượng ngành nghề nhiều, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được dư luận xã hội đánh giá cao, góp phần tạo cơ hội việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống, từng bước thực hiện xoá đói giảm nghèo.

2. Tồn tại, hạn chế:

Công tác đào tạo nghề của tỉnh nhà còn nhiều bất cập, chưa đa dạng hoá các loại hình đào tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Quy mô phát triển chưa đồng bộ với chất lượng đào tạo do đó chưa cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá tỉnh nhà. Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập chưa có, chưa thực hiện tốt chính sách xã hội hoá về dạy nghề để phát huy mọi nguồn lực trong xã hội góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

Máy móc, thiết bị dạy nghề được trang bị nhiều đợt từ năm 2003 đến nay nên không có tính đồng bộ, ít nhiều có ảnh hướng đến chất lượng đào tạo, đặc biệt là các nghề có tính công nghệ - kỹ thuật cao. Chương trình, giáo trình chậm đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tế sản xuất. Đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa thiếu về kinh nghiệm sản xuất, một số giáo viên chỉ dạy được lý thuyết mà không dạy được thực hành hoặc ngược lại, chỉ dạy được thực hành mà không đủ chuẩn để dạy lý thuyết.

Các cơ sở dạy nghề chưa kết hợp với các doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo nghề, về việc tận dụng trang thiết bị và các chuyên gia tại nơi cơ sở sản xuất, về việc phối hợp xây dựng chương trình, giáo trình, … nên phần lớn học viên sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.

Mạng lưới dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề hiện nay của thị trường lao động Ninh Thuận.

Phần II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐÀO TẠO NGHỀ GIAI ĐOẠN 2008 - 2010

I. MỤC TIÊU

Phấn đấu thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XI: đến năm 2010 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 25%. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp - xây dựng lên 13,4%, lao động ngành thương mại - dịch vụ 23,2% và giảm dần lao động ngành nông lâm thủy sản xuống còn 63,4%; cụ thể:

- Dạy nghề cho khoảng 24.700 người; trong đó đào tạo trình độ trung cấp nghề khoảng 2.000 người để phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp[2];

- Phấn đấu số lao động được đào tạo nghề đều có việc làm sau khi tốt nghiệp;

- Tập trung đào tạo nghề cho các ngành:

+ Ngành công nghiệp - xây dựng: 11.695 người.

+ Ngành nông lâm thủy sản: 4.085 người.

+ Ngành thương mại - dịch vụ: 8.920 người;

- Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở II Trường trung cấp Nghề và 3 Trung tâm Dạy nghề cấp huyện.

II. NHIỆM VỤ

- Đa dạng hoá các loại hình đào tạo: đào tạo theo mô hình liên kết, mô hình đơn đặt hàng, mô hình vừa học vừa làm, mô hình kết hợp giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp, …

- Tăng quy mô đào tạo nghề hằng năm, chú trọng đến cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng, nông lâm thủy sản, thương mại và dịch vụ. Tăng dần tỷ trọng lao động các ngành công nghiệp - xây dựng từ 7,9% năm 2005 lên 13,4% vào năm 2010, thương mại - dịch vụ từ 21,3% năm 2005 lên 23,2% vào năm 2010 và giảm cơ cấu lao động nông nghiệp từ 70,8% vào năm 2005 xuống còn 63,4% vào năm 2010;

- Tập trung đào tạo các ngành nghề cho các khu - cụm công nghiệp và các ngành kinh tế mũi nhọn có sử dụng số lượng lao động lớn; hỗ trợ đào tạo các nghề phục vụ cho lao động nông nghiệp nông thôn và phục vụ cho xuất khẩu lao động …;

- Phát triển mạng lưới dạy nghề theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá, phát huy mọi nguồn lực để phát triển sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực dạy nghề các cấp trình độ phục vụ nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá;

- Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Thực hiện đúng chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn”. Về số lượng, phấn đấu đến năm 2010 đạt tỷ lệ 1 giáo viên/20 học sinh. Về chất lượng, 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn, 10% giáo viên đạt trình độ sau đại học. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng; gắn chặt giảng dạy lý thuyết với thực hành sản xuất, thực hiện đúng nguyên lý giáo dục “học đi đôi với hành”;

- Nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề đáp ứng với yêu cầu trong giai đoạn mới; thực hiện luân chuyển, bố trí cán bộ đúng với phẩm chất, trình độ chuyên môn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, thực hiện kiểm định chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng giáo trình dạy nghề theo chương trình khung chi tiết mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành vào tháng 5 năm 2008. Nội dung giảng dạy phải phù hợp với trang thiết bị hiện có, bảo đảm tính vừa sức với đối tượng học sinh, tính hiện đại và khoa học đáp ứng với thực tế sản xuất, …

III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu mà Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XI đề ra đối với lĩnh vực dạy nghề, đề án tăng cường năng lực đào tạo nghề giai đoạn 2008 - 2010 cần tập trung thực hiện các nội dung sau đây:

1. Phát triển quy mô đào tạo nghề: giai đoạn 2008 - 2010 phải đạt chỉ tiêu dạy nghề là 24.700 người, số lượng đào tạo được phân bổ cho mỗi năm (xem chi tiết tại Phụ lục 3). Tập trung đào tạo các nghề theo đơn đặt hàng của từng doanh nghiệp; đồng thời khảo sát dự báo nhu cầu lao động tại các cụm, khu công nghiệp để có kế hoạch đào tạo gắn với đầu ra giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ đào tạo lao động nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác.

2. Đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị:

a) Mở rộng Trường trung cấp Nghề Ninh Thuận: xây dựng mới cơ sở II cho Trường trung cấp Nghề để nâng quy mô đào tạo trình độ trung cấp nghề hằng năm từ 1.300 - 1.500 học sinh với 17 nhóm nghề (xem chi tiết tại Phụ lục 4). Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có Quyết định số 659/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2008 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cơ sở II Trường trung cấp Nghề Ninh Thuận với tổng mức đầu tư là 87.860 triệu đồng, trong đó chi phí thiết bị là 34.086 triệu đồng;

b) Xây dựng Trung tâm dạy nghề 3 huyện:

Chức năng của các trung tâm dạy nghề cấp huyện là đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho lao động ở địa phương. Quy mô đào tạo hằng năm của mỗi trung tâm khoảng 300 - 400 học viên, tập trung vào một số nhóm nghề như: sửa chữa, lắp đặt điện - điện tử, cơ điện lạnh, kỹ thuật tiện - gò - hàn, tin học văn phòng, may công nghiệp và một số ngành nghề phù hợp với từng địa phương; cụ thể:

- Trung tâm Dạy nghề huyện Ninh Hải: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 2921/QĐ-UBND ngày 23 tháng 7 năm 2007 về việc phê duyệt lại dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề huyện Ninh Hải. Tổng mức đầu tư là 12.337 triệu, trong đó chi phí thiết bị là 5.423 triệu.

- Trung tâm Dạy nghề huyện Ninh Sơn: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 4354/QĐ-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2007 về việc phê duyệt lại dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề huyện Ninh Sơn và Quyết định số 5319/QĐ-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2007 về việc điều chỉnh nội dung dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề huyện Ninh Sơn. Tổng mức đầu tư là 11.631 triệu, trong đó chi phí thiết bị là 5.423 triệu.

- Trung tâm Dạy nghề huyện Ninh Phước: đang xây dựng Đề án với tổng mức đầu tư là 13.633 triệu, trong đó chi phí thiết bị là 5.423 triệu.

3. Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý: lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý, đảm bảo đúng chuẩn quy định do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

a) Kinh phí đào tạo:

 ĐVT: triệu đồng

STT

Nội dung

Tổng số

Trong đó

Ghi chú

Năm 2009

Năm 2010

1

2

3

Đào tạo cao học

Đào tạo đại học

Bồi dưỡng nâng cao

500

840

110,4

250

420

55,2

250

420

55,2

 

 

Tổng cộng

1.450,4

725,2

725,2

 

b) Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng:

ĐVT: người

STT

Nội dung

Tổng số

Năm 2009

Năm 2010

Ghi chú

I

1

 

 

 

2

Trường Trung cấp nghề

Giáo viên:

- Cao học

- Đại học

- Bồi dưỡng nâng cao

Cán bộ quản lý:

- Cao học

- Đại học

56

 

8

8

40

6

2

4

28

 

4

4

20

3

1

2

28

 

4

4

20

3

1

2

 

II

Các cơ sở dạy nghề khác

- Đại học

- Bồi dưỡng nâng cao

8

2

6

4

1

3

4

1

3

 

4. Xây dựng chương trình, giáo trình: trên cơ sở chương trình khung chi tiết mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành vào tháng 5 năm 2008 theo Quyết định số 01/QĐ-BLĐTBXH ngày 04 tháng 01 năm 2007, Trường trung cấp Nghề phải tiến hành biên soạn giáo trình trình độ trung cấp nghề lưu hành nội bộ cho các ngành nghề đã đăng ký phù hợp với trang thiết bị hiện có, tình hình đặc điểm của địa phương. Các cơ sở dạy nghề có đào tạo trình độ sơ cấp nghề phải tiến hành xây dựng chương trình phù hợp với hình thức đào tạo nghề ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu của xã hội, của người sử dụng lao động. Cần tổ chức các hội đồng thẩm định để phê duyệt chương trình, giáo trình.

a) Trường trung cấp Nghề: tổng kinh phí là 420 triệu, bao gồm:

- Kinh phí xây dựng chương trình, mua sách tham khảo và biên soạn giáo trình lưu hành nội bộ trình độ sơ cấp nghề.

- Kinh phí mua sách tham khảo và biên soạn giáo trình lưu hành nội bộ trình độ Trung cấp nghề;

b) Đối với các Trung tâm dạy nghề cấp huyện: tổng kinh phí là 100 triệu.

Bao gồm: kinh phí xây dựng chương trình, mua sách tham khảo và biên soạn giáo trình lưu hành nội bộ trình độ sơ cấp nghề.

5. Hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên:

Giai đoạn 2008 - 2010 đào tạo 22.700 trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên (ngắn hạn) cho các đối tượng là lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, người tàn tật.

Kinh phí dự kiến: 6.500 triệu (trong đó: năm 2008 là 2.000 triệu, năm 2009 là 2.200 triệu, năm 2010 là 2.300 triệu).

6. Chi phí giám sát, đánh giá: kinh phí dự kiến: 200 triệu (trong đó: năm 2008 là 50 triệu, năm 2009 là 70 triệu, năm 2010 là 80 triệu).

IV. NHU CẦU VỐN, CƠ CẤU NGUỒN VỐN VÀ PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

1. Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 111.249 triệu, bao gồm:

a) Vốn xây dựng cơ bản[3]: 75.106 triệu, trong đó:

Phần xây dựng cơ bản của các cơ sở dạy nghề là:

+ Cơ sở II Trường trung cấp Nghề: 36.948 triệu.

+ Trung tâm dạy nghề Ninh Phước: 5.765 triệu.

+ Trung tâm dạy nghề Ninh Hải: 5.311 triệu.

+ Trung tâm dạy nghề Ninh Sơn: 4.200 triệu.

 Cộng: 52.224 triệu;

b) Chi phí trang thiết bị: 50.355 triệu;

c) Xây dựng chương trình, giáo trình: 520 triệu;

d) Đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý: 1.450 triệu;

đ) Hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên: 6.500 triệu;

e) Chi phí giám sát, đánh giá: 200 triệu.

(Chi tiết xem ở phụ lục 6)

2. Nguồn kinh phí:

- Vì tỉnh đang gặp khó khăn về kinh phí nên ngân sách tỉnh đầu tư 50% phần xây dựng cơ bản của mục a: 52.224 triệu x 50% = 26.112 triệu;

- Ngân sách Trung ương đầu tư 50% phần xây dựng cơ bản còn lại của mục a và 100% từ mục b đến e, tổng cộng là: 85.137 triệu.

3. Thời gian thực hiện:

* Năm 2008:

- Khởi công xây dựng cơ sở II Trường trung cấp Nghề các hạng mục xây lắp theo Quyết định 659/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Hoàn tất dự án đầu tư Trung tâm dạy nghề Ninh Phước.

* Năm 2009:

- Tiếp tục xây dựng công trình cơ sở II Trường trung cấp Nghề;

- Xây dựng Trung tâm Dạy nghề Ninh Hải, Ninh Sơn và Ninh Phước.

* Năm 2010:

- Hoàn thành các hạng mục xây lắp cơ sở II Trường trung cấp Nghề;

- Hoàn thành công trình Trung tâm dạy nghề Ninh Hải, Ninh Sơn và Ninh Phước.

V. GIẢI PHÁP

Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung một số giải pháp sau đây:

1. Tuyên truyền và quán triệt đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về dạy nghề để mọi người kể cả các cán bộ quản lý có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc dạy nghề theo các cấp trình độ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một trong những nhân tố quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước; góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống; góp phần phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Tích cực chuyển đổi hoạt động dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu theo ba cấp độ trình độ, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đảm bảo cân đối giữa đào tạo và sử dụng. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp để phát huy thế mạnh của các bên. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề.

3. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá dạy nghề; phát triển các cơ sở dạy nghề dân lập, tư thục; ban hành chính sách và cụ thể hoá các vấn đề có liên quan như: chính sách quỹ đất để xây dựng cơ sở dạy nghề, chính sách thuế, chính sách tín dụng, …; thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào sự nghiệp phát triển dạy nghề, kêu gọi các nhà đầu tư vào Ninh Thuận.

4. Tạo điều kiện để xây dựng các Trung tâm Dạy nghề cấp huyện theo đúng tiến độ để các trung tâm này trở thành các vệ tinh cho Trường trung cấp Nghề Ninh Thuận trong việc đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho lực lượng lao động nông thôn, còn Trường trung cấp Nghề làm nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến tới nâng cấp thành trường cao đẳng nghề trong tương lai.

5. Nâng cao chất lượng dạy nghề bằng cách tác động mạnh mẽ vào các yếu tố như: thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tích cực xây dựng và biên soạn chương trình, giáo trình cho các cấp trình độ, … đặc biệt có chính sách thu hút giáo viên dạy nghề phục vụ công tác đào tạo nghề tại địa phương.

6. Tăng ngân sách đầu tư cho các cơ sở dạy nghề công lập, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở dạy nghề dân lập, tạo mọi điều kiện cho các cơ sở dạy nghề thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá.

7. Gắn chương trình đào tạo nghề với chương trình quốc gia giải quyết việc làm, chương trình xoá đói giảm nghèo. Tích cực triển khai chính sách dạy nghề lao động nông thôn và phát triển các làng nghề truyền thống. Tăng cường dạy nghề cho xuất khẩu lao động.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Theo dõi và tham mưu trực tiếp cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện Đề án;

- Lập kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện Đề án, tập trung thực hiện các giải pháp đã đề ra;

- Quản lý chất lượng đào tạo nghề, đặc biệt là chương trình, giáo trình, trang thiết bị. Tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề hằng năm;

- Tăng cường củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: căn cứ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ở các cấp trình độ để phát triển nguồn nhân lực, quản lý các Trung tâm dạy nghề theo quy định và phân cấp của tỉnh, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện Đề án.

3. Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính: hằng năm cân đối ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Các ngành chức năng của tỉnh: phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” của tỉnh giai đoạn 2008 - 2010 theo đúng quy định.

5. Các cơ sở dạy nghề: căn cứ nhiệm vụ của đơn vị, xây dựng kế hoạch hằng năm về nhu cầu phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, xây dựng, chương trình giáo trình cho từng năm học; kết hợp các huyện, thành phố tổ chức triển khai dạy nghề cho các đối tượng đặc thù./.

 

[1] Chưa tính rèm cửa và hệ thống điện là 403,29 triệu.

[2] Theo Trung tâm Khuyến công dự báo nhu cầu lao động của các ngành công nghiệp bình quân hằng năm là 5300 người (giai đoạn 2005-2010). Nếu tính lao động có trình độ là 12% thì hằng năm cần đào tạo khoảng 636 người.

[3] Chưa tính các chi phí khác.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 7269/QĐ-UBND về đề án Tăng cường năng lực đào tạo nghề giai đoạn 2008 - 2010 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

  • Số hiệu: 7269/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản