Hệ thống pháp luật

BỘ THƯƠNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 725-TN/XNK

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 1990

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG NGHIỆP

Căn cứ Quyết định số 244 NQ/HĐNN ngày 31-3-1990 của Hội đồng Nhà nước về việc thành lập Bộ Thương nghiệp;
Căn cứ quy định đăng ký và nộp lệ phí tại Chỉ thị số 131-CT ngày 3-5-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tiếp tục đổi mới chính sách và cơ chế quản lý hoạt động xuất nhập khẩu;
Căn cứ tinh thần kết luận Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (khóa VI) về một số vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách.
Được sự thoả thuận của Bộ Tài chính tại văn bản số 1182/TC-CTN ngày 8-8-1990.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.

Điều 2. Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ban hành và thay thế điểm 4, Thông tư số 10 KTĐN/XNK ngày 7-8-1983 của Bộ Kinh tế đối ngoại.

 

 

Hoàng Minh Thắng

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 725 ngày 28-9-1990 của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp)

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀ PHẠM VI ĐƯỢC PHÉP KINH DOANH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU:

1. Các đơn vị sản xuất, không phân biệt thành phần kinh tế và cấp quản lý, được xét cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu các mặt hàng do đơn vị sản xuất và nhập khẩu hàng hóa phục vụ trực tiếp cho sản xuất của đơn vị.

2. Các đơn vị kinh doanh thương nghiệp thuộc thành phần kinh tế quốc doanh và các Liên hiệp Hợp tác xã mua bán cấp tỉnh được xét cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thương nghiệp hoặc trong quyết định thành lập đơn vị.

3.Các đơn vị kinh doanh dịch vụ thuộc thành phần kinh tế quốc doanh, do cấp Bộ, UBND tỉnh trực tiếp quản lý được xét cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu hàng hóa phục vụ trực tiếp cho hoạt động dịch vụ của đơn vị. Nếu được Bộ Thương nghiệp (hoặc các Sở Thương nghiệp thừa ủy quyền Bộ Thương nghiệp) cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thương nghiệp thì được đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu như đơn vị thương nghiệp.

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH XUẤT, NHẬP KHẨU:

1. Có đầy đủ tư cách pháp nhân theo luật định (điểm 1, Điều 1, Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-1-1990 của Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế).

2. Có vốn pháp định (gồm vốn cố định và vốn lưu động) phù hợp với quy mô kinh doanh. Các đơn vị sản xuất phải có vốn pháp định ít nhất bằng 20% kim ngạch xuất khẩu đăng ký (hoặc kim ngạch nhập khẩu đăng ký, nếu đơn vị không kinh doanh xuất khẩu). Các đơn vị thương nghiệp, dịch vụ phải có vốn pháp định ít nhất bằng 10% kim ngạch xuất khẩu đăng ký (hoặc kim ngạch nhập khẩu đăng ký, nếu đơn vị không kinh doanh xuất khẩu).

3. Người trực tiếp điều hành hoạt động xuất nhập khẩu phải có đủ trình độ kinh doanh xuất nhập khẩu, cụ thể là:

a. Đối với các đơn vị sản xuất: Giám đốc hoặc Phó Giám đốc hoặc người được Giám đốc giao phụ trách kinh doanh xuất nhập khẩu mới được cấp giấy chứng nhận hoặc bằng của các trường, lớp đào tạo nghiệp vụ ngoại thương do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Thương nghiệp tổ chức, kể cả những lớp ngắn hạn. Phòng nghiệp vụ phải có ít nhất một cán bộ có trình độ đại học Ngoại thương.

b. Đối với các đơn vị thương nghiệp, dịch vụ: Giám đốc hoặc Phó Giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu hoặc người được Giám đốc giao phụ trách xuất nhập khẩu phải có trình độ đại học Ngoại thương. Trưởng hoặc Phó trưởng phòng nghiệp vụ phải có trình độ đại học Ngoại thương.

4. Đăng ký kinh doanh theo ngành hàng và doanh số xuất khẩu, nhập khẩu của từng ngành hàng. Nộp lệ phí theo ngành hàng.

III. THỦ TỤC XÉT CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU

1. Đơn vị xin kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phải có hồ sơ theo quy định dưới đây gửi về Bộ Thương nghiệp (Vụ Xuất nhập khẩu). 21 phố Ngô Quyền, Hà Nội. Telex 4528-VT:

1.1. Đơn xin kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu theo mẫu, có ý kiến xác nhận và đề nghị của Bộ hoặc UBND tỉnh chủ quản.

1.2. Điều lệ tổ chức và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp đã được Bộ hoặc UBND tỉnh chủ quán phê duyệt.

1.3. Bản sao quyết định thành lập đơn vị (đối với các đơn vị quốc doanh) hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với các đơn vị sản xuất ngoài quốc doanh).

1.4. Xác nhận của cơ quan thuế về việc đã đăng ký nộp thuế.

1.5. Xác nhận của chính quyền địa phương cấp quận, huyện về địa chỉ của đơn vị.

1.6. Bản sao Giấy chứng nhận hoặc bằng của các trường lớp đào tạo nghiệp vụ ngoại thương cấp cho các cán bộ của đơn vị theo điểm 3, phần II, Quy định này.

1. Riêng các đơn vị thương nghiệp, dịch vụ, nếu đã được Bộ Thương nghiệp hoặc Sở Thương nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thương nghiệp thì kèm thêm vào hồ sơ một bản sao Giấy chứng nhận này.

2. Hàng năm, Bộ Thương nghiệp nhận hồ sơ xin kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu từ ngày 01 tháng 9 đến ngày 31 tháng 10. Chậm nhất là một tháng sau ngày nhận được hồ sơ Bộ Thương nghiệp sẽ có văn bản trả lời gửi đương đơn đồng gửi Bộ hoặc UBND tỉnh chủ quản.

3. Nếu được Bộ Thương nghiệp chấp nhận cấp giấy phép kinh doanh, đơn vị phải nộp lệ phí cho những ngành hàng được chấp nhận.

4. Đối với từng ngành hàng, nếu đơn vị chỉ đăng ký kinh doanh xuất khẩu thì lệ phí cấp giấy phép là 3.000 USD trong một năm; nếu đăng ký kinh doanh nhập khẩu thì lệ phí là 5.000 USD trong một năm; nếu đăng ký cả xuất khẩu và nhập khẩu thì lệ phí là 5000 USD trong một năm; nếu trước đó đã nộp lệ phí cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu 3000 USD thì khi được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu chỉ phải nộp thêm 2000 USD, nếu trước đó đã nộp lệ phí cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu 5000 USD thì khi được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu không phải nộp thêm nữa.

Riêng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gia công cho nước ngoài là 1000 USD trong một năm.

Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu là một trong các nguồn thu của Quỹ bảo hiểm sản xuất hàng xuất khẩu.

5. Căn cứ văn bản chấp nhận cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của Bộ Thương nghiệp, trong đó có ghi rõ số tiền lệ phí mà đơn vị phải nộp (tính theo USD), đơn vị đến Ngân hàng Ngoại thương hoặc Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương gần nhất để chuyển tiền vào tài khoản Quỹ bảo hiểm sản xuất hàng xuất khẩu. Lệ phí được quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thu nộp.

Sau khi đã nộp đủ lệ phí, đơn vị được Ngân hàng Ngoại thương hoặc Chi nhánh ngân hàng Ngoại thương cấp giấy chứng nhận đề xuất trình với Bộ Thương nghiệp.

6. Khi đến nhận giấy phép kinh doanh, đại diện đơn vị phải mang theo giấy giới thiệu và giấy chứng nhận của Ngân hàng Ngoại thương hoặc Chỉ nhánh về việc đơn vị đã chuyển đủ số tiền lệ phí phải nộp vào tài khoản Quỹ bảo hiểm sản xuất hàng xuất khẩu. Bộ Thương nghiệp sẽ cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được các giấy tờ trên.

Việc cấp giấy phép kinh doanh được kết thúc vào ngày 15 tháng 12 hàng năm.

7. Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu được gia hạn hàng năm từ 1-11 đến 15-12 nếu đơn vị còn đủ các điều kiện để được tiếp tục kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

Hồ sơ xin gia hạn giấy phép kinh doanh chỉ bao gồm đơn và báo cáo hoạt động kinh doanh của đơn vị (theo mẫu).

8. Bộ Thương nghiệp giải quyết bổ sung ngành hàng kinh doanh vào tháng 5 và tháng 8 hàng năm. Nếu được Bộ Thương nghiệp chấp nhận, đơn vị phải nộp lệ phí bổ sung theo quy định chung.

9. Mọi thay đổi về tình trạng pháp lý của đơn vị dẫn tới sự thay đổi một phần hay toàn bộ nội dung hồ sơ xin kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đều phải báo cáo về Bộ Thương nghiệp. Thời hạn khai báo chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày có sự thay đổi.

IV. XỬ LÝ VI PHẠM:

Các tổ chức hoặc cá nhân vi phạm bản Quy định này, tuỳ từng trường hợp và mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Thương nghiệp sẽ áp dụng chế tài bổ sung đối với các vi phạm sau đây:

1. Các trường hợp giả mạo hồ sơ xin kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

2. Các trường hơp kinh doanh không đạt 70% doanh số xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký trong năm sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh (trừ những trường hợp có lý do đặc biệt).

3. Các trường hợp kinh doanh ngoài phạm vi được phép kinh doanh sẽ bị đình chỉ có thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh. Trường hợp tái phạm sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

4. Các trường hợp không tuân thủ các quy định về kiểm tra, giám sát của Bộ Thương nghiệp, đặc biệt là chế độ báo cáo, sẽ bị đình chỉ có thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.

V. KHOẢN CUỐI CÙNG

1. Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ quản chịu trách nhiệm về việc xác nhận nội dung đơn xin kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của đơn vị trực thuộc.

2. Quy định này cũng được áp dụng cho các đơn vị đang kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu theo các văn bản cho phép của Bộ Ngoại thương, Bộ Kinh tế đối ngoại (trước đây) và Bộ Thương nghiệp.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 725-TN/XNK năm 1990 ban hành bản quy định về cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá của Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 725-TN/XNK
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/09/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Thương nghiệp
  • Người ký: Hoàng Minh Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/09/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 06/05/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản