Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 720/TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO LỤT Ở MỘT SỐ TỈNH PHÍA BẮC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992,
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại công văn số 3113 NN/PCLB ngày 18/9/1996 và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại công văn số 3136-TC/NSNN ngày 11/9/1996,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Để khắc phục hậu quả bão lụt, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất ở một số tỉnh phía Bắc, Uỷ ban nhân dân các tỉnh bị thiên tai và các Bộ ngành liên quan có trách nhiệm động viên nhân dân và các nguồn lực, khẩn trương tiến hành các công việc cần thiết theo hướng sau đây:

- Giải quyết ngay những vấn đề cấp bách để nhân dân làm vụ mùa, vụ đông, chống đói giáp hạt, phòng chữa bệnh cho người và gia súc, bảo đảm điều kiện đi lại của nhân dân và học tập của học sinh...

- Nắm tình hình, tính toán kịp thời để đưa những khối lượng sửa chữa lớn các công trình (chưa giải quyết được ngay) vào kế hoạch năm 1997.

- Phối hợp với các đoàn thể quần chúng để vận động nhân dân giúp đỡ lẫn nhau khắc phục khó khăn, quan tâm các gia đình thuộc diện chính sách xã hội, các gia đình bị thiệt hại nặng.

Điều 2. Để các tỉnh có kinh phí giải quyết những vấn đề cấp bách:

1. Trích dự phòng Ngân sách trung ương trợ cấp đợt này cho các tỉnh để cứu trợ xã hội:

- Thanh Hoá: 3.000 triệu đồng,

- Thái Bình: 1.500 triệu đồng

- Nam Hà: 1.500 " - Ninh Bình: 700 "

- Vĩnh Phú: 1.000 "

- Hà Bắc: 500 "

- Lai Châu: 570 tấn gạo.

(Đã trợ cấp đợt trước 1.000 triệu đồng)

Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương sử dụng khoản kinh phí này theo đúng chính sách của Nhà nước.

2. Trích các nguồn vốn dưới đây (kể cả các khoản đã trợ cấp) để giúp các tỉnh sửa chữa các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội:

a) Trích 25.300 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân sách trung ương cấp bổ sung, bao gồm:

- 19.300 triệu đồng để giúp các tỉnh tu sửa đê điều,

- 6.000 triệu đồng để giúp các tỉnh tu sửa công trình thuỷ lợi, ngoài ra các địa phương phải huy động sức dân để tu sửa hệ thống kênh mương.

b) Trích 18.000 triệu đồng từ nguồn vốn trong kế hoạch năm 1996 của Bộ Giao thông vận tải (3.000 triệu đồng) và Ngân sách trung ương cấp bổ sung (15.000 triệu đồng) để giúp các tỉnh tu sửa cầu đường.

c) Trích 650 triệu đồng từ nguồn vốn trong kế hoạch năm 1996 của Bộ y tế để trợ giúp thuốc chữa bệnh và dụng cụ y tế cho các tỉnh.

d) ứng trước 8.500 triệu đồng từ nguồn vốn chống xuống cấp trường học thuộc kế hoạch năm 1997 để giúp các tỉnh sửa chữa trường lớp.

e) Trích 6.700 triệu đồng từ nguồn vốn định canh định cư và kinh tế mới thuộc kế hoạch năm 1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm:

- 4.000 triệu đồng từ nguồn vốn định canh định cư để giúp tỉnh Lai Châu khôi phục 4000 ha ruộng bị đất đá vùi lấp ở huyện Mường Lay.

- 2.500 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng kinh tế mới để di chuyển 250 gia định nông dân ở huyện Điện Biên ra khỏi vùng lũ lụt.

- 200 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng kinh tế mới để ổn định đời sống các gia đình kinh tế mới ở xã Kim Trung (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

g) Trích các quỹ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giúp tỉnh Lai Châu, bao gồm:

- 100 kg giống rau lấy từ quỹ giống rau dự phòng.

- Thuốc thú y (quy thành tiền là 180 triệu đồng) lấy từ quỹ thuốc thú y dự trữ.

h) Trích dự phòng Ngân sách trung ương, bao gồm:

-13.500 triệu đồng để trợ giúp các tỉnh có nguồn vốn trả tiền điện tiêu úng.

- Trợ giúp giống, phân bón... ở mức cần tiết (không quá 300.000 đ/ha) cho các gia đình nông dân quá khó khăn, vừa qua có diện tích lúa, màu bị mất trắng do bão lụt nay thực sự đưa vào sản xuất vụ đông, vụ đông xuân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài chính chủ trì, bàn với các Bộ ngành liên quan để phân bổ và hướng dẫn các tỉnh sử dụng các khoản kinh phí trên đây và khoản dự phòng của ngân sách địa phương năm 1996 được Bộ Tài chính ứng trước.

3. Bộ kế hoạch và đầu tư bố trí kinh phí để Bộ xây dựng lập dự án di chuyển thị trấn Mường Lay (tỉnh Lai Châu) ra khỏi vùng thường xuyên bị lũ quét.

4. Để giúp đỡ nông dân và ngư dân phục hồi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các gia đình bị thiệt hại do bão lụt được hoãn trả nợ, khoanh nợ đối với nợ cũ và được vay mới; bàn với Bộ Tài chính cho các gia đình bị thiệt hại nặng được vay vốn ưu đãi.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương bàn với Bộ Ngoại giao để thông báo tình hình bão lụt cho các Đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Chính phủ ta hoan nghênh mọi sự giúp đỡ có thiện chí nhưng không kêu gọi viện trợ khẩn cấp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh bị bão lụt chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 720/TTg năm 1996 về việc khắc phục hậu quả bão lụt ở một số tỉnh phía bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 720/TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/09/1996
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản