Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 20 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TẬP TRUNG TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật an toàn thực phẩm năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định điều kiện vệ sinh Thú y đối với cơ sở giết mổ lợn;

Căn cứ Thông tư số 61/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia cầm;

Căn cứ quyết định số 2341/QĐ-UBND ngày 02/12/ 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020;

Căn cứ quyết định số 789/QĐ-UBND ngày 29/7/2014 của UBND tỉnh Nam Định về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 304/TTr-SNM ngày 18/12/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn 2030,

QUYT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với các nội dung chính sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định

3. Quan điểm phát triển

- Cơ sở giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) tập trung phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, tránh lây lan dịch bệnh.

- Các cơ sở giết mổ GSGC phải được bố trí hợp lý, gắn kết với vùng nguyên liệu và nơi tiêu thụ sản phẩm.

- Từng bước xây dựng các cơ sở giết mổ GSGC theo hướng hiện đại với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

- Các cơ sở giết mổ GSGC được xây dựng với nhiều phương thức giết mổ (công nghiệp, bán công nghiệp và thủ công) đa dạng công nghệ, quy mô, tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện chăn nuôi và yêu cầu của thị trường nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

4. Mục tiêu phát triển

4.1. Mục tiêu tổng quát

Từng bước xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ và hình thành cơ sở giết mổ GSGC tập trung nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm soát hoạt động giết mổ GSGC, cung cấp sản phẩm động vật an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu; góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm chăn nuôi của Nam Định trên thị trường, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh cho GSGC.

4.2. Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 2014 - 2020:

- Xây dựng 02 cơ sở giết mổ công nghiệp loại I, 15 cơ sở bán công nghiệp loại II, 11 cơ sở thủ công tập trung loại III gắn kết hợp lý với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh với tổng công suất giết mổ khoảng 335 tấn/ngày, bảo đảm sản lượng thịt hơi không kể lợn sữa được giết mổ tập trung chiếm khoảng 50% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh và khoảng 65% sản lượng tiêu thụ ngoài tỉnh, từng bước kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Duy trì 02 cơ sở giết mổ lợn sữa ở thành phố Nam Định với công suất 5.000 con/ngày

- Sắp xếp được 40 - 50% điểm giết mổ nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung

- Xây dựng được 01 chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn an toàn, 01 chuỗi sản xuất và cung cấp thịt gà an toàn.

Tầm nhìn đến năm 2030:

- Đầu tư nâng công suất các cơ sở giết mổ đã xây dựng ở giai đoạn 2014 - 2020 theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp (07 cơ sở loại I, còn lại là cơ sở loại II), đến năm 2030 việc tiêu thụ các sản phẩm thịt GSGC trên địa bàn tỉnh qua các cơ sở giết mổ tập trung đạt 100%, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và về môi trường.

- Mỗi cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp (loại I) xây dựng chuỗi chăn nuôi - giết mổ - chế biến tiêu thụ sản phẩm an toàn.

- Trên địa bàn tỉnh không còn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường.

5. Nội dung quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm tập trung đến năm 2020, tầm nhìn 2030

5.1. Bố trí các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung

Đến năm 2020 duy trì 02 cơ sở giết mổ lợn sữa, xây dựng 28 cơ sở giết mổ GSGC tập trung, trong đó có 02 cơ sở loại I, 15 cơ sở loại II và 11 cơ sở loại III. Tầm nhìn đến năm 2030 xây dựng 7 cơ sở loại I, nâng cấp các cơ sở loại III lên loại II. (chi tiết theo báo cáo quy hoạch).

5.2. Phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ

Với mỗi cơ sở giết mổ được quy hoạch sẽ có các vùng nguyên liệu đầu vào tại chỗ để phục vụ cho hoạt động của cơ sở đó, tùy thuộc vào quy mô và đối tượng giết mổ để quy hoạch vùng nguyên liệu cho phù hợp (chi tiết theo báo cáo quy hoạch)

5.3. Nhu cầu vốn đầu tư

Tổng hợp vốn đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ GSGC

Đơn vị tính: triệu đồng

Hạng mục chính

Tổng 2014 - 2030

Giai đoạn 2014 – 2020

Giai đoạn 2021 - 2030

Tổng vốn

Ngân sách

Doanh nghiệp

Tổng vốn

Ngân sách

Doanh nghiệp

I. Vốn xây dựng trực tiếp

161000

129500

2000

127500

31500

5000

26500

1. Khu điều hành và sản xuất

98000

82500

0

82500

15500

0

15500

2. Dây chuyền giết mổ

63000

47000

2000

45000

16000

5000

11000

II. Vốn xây dựng gián tiếp

142835

96368

52328

44040

46467

26247

20220

1. Hỗ trợ tiền thuê đất

16100

12950

12950

0

3150

3150

0

2. Hỗ trợ lãi suất tiền vay

5635

4538

4538

0

1097

1097

0

3. Xây dựng CSHT bên ngoài hàng rào

59850

38850

17000

21850

21000

11000

10000

4. Xây dựng CT xử lý chất thải

59850

38850

17000

21850

21000

11000

10000

5. Chi phí khác

1400

1180

840

340

220

0

220

Tổng

303835

225868

54328

171540

77967

31247

46720

5.4. Lộ trình thực hiện quy hoạch

Giai đoạn 2015 - 2020:

Năm 2015-2016: Thu hút doanh nghiệp đầu tư hoàn thành cơ sở giết mổ loại I tại cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định và xây dựng cơ sở loại I tại huyện Hải Hậu.

- Lập dự án đầu tư và tiến hành xây dựng thí điểm tại mỗi huyện 01 cơ sở thủ công tập trung (loại III) trên cơ sở vận động, khuyến khích các hộ giết mổ nhỏ lẻ thành lập tổ hợp tác (trên 10 hộ tham gia).

- Sau khi xây dựng xong các cơ sở giết mổ GSGC tập trung và đi vào hoạt động sẽ tiến hành xóa bỏ các điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại các chợ nội thành, nội thị, chợ đầu mối chuyển thành các điểm thu nhận và trả sản phẩm GSGC đã giết mổ để bảo đảm an toàn vệ sinh thực thẩm và bảo vệ môi trường.

- Lập dự án đầu tư xây dựng các cơ sở loại II đã được quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Năm 2017-2018:

- Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại mỗi huyện 01 cơ sở giết mổ loại II gồm: huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Hải Hậu.

- Đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ loại III còn lại tại các địa điểm theo quy hoạch, khuyến khích, vận động các hộ giết mổ tham gia thành lập các tổ hợp tác.

- Xóa bỏ khoảng 30% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường

Năm 2019-2020:

- Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ loại II còn lại.

- Xóa bỏ khoảng 50% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường.

Giai đoạn 2021 - 2030:

- Từng bước nâng cấp các cơ sở giết mổ loại III lên loại II, 5 cơ sở loại II lên loại I gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi tại xã Liên Minh (Vụ Bản); thị trấn Lâm (Ý Yên); thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh); thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).

- Tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở giết mổ theo các tiêu chuẩn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

- Xóa bỏ 100% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

6.1. Giải pháp về thông tin tuyên truyền và thị trường

6.2. Giải pháp về vận động tuyên truyền

- Khuyến khích vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ phân tán vào các cơ sở giết mổ tập trung.

- Tăng cường vận động, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, người kinh doanh giết mổ GSGC và người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Giới thiệu và quảng bá các cơ sở thực hiện tốt; kiên quyết xử lý và công khai các cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt GSGC.

- Xây dựng chương trình tuyền thông về giết mổ GSGC, từng bước hình thành thói quen “tiêu dùng có địa chỉ” cho người dân, đồng thời dần từng bước xóa bỏ những điểm tiêu thụ nhỏ lẻ không rõ nguồn gốc.

Hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung trong việc tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng và cộng đồng dân cư.

6.1.2. Giải pháp về thị trường tiêu thụ

- Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với thú y và chính quyền cơ sở tăng cường xử lý đối với trường hợp buôn bán sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm thịt từ cơ sở giết mổ tập trung được tiêu thụ trong thị trường.

- Tổ chức và xây dựng mối liên kết kinh tế bền vững giữa hộ chăn nuôi với thương nhân kinh doanh GSGC; giữa cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ với thương nhân thuộc các thành phần kinh tế trong đó đặc biệt chú trọng đến thị trường trong tỉnh và Hà Nội.

- Tiếp tục đẩy mạnh mối liên kết giữa “4 nhà” trên cơ sở xử lý hài hòa lợi ích của các bên tham gia theo quy luật thị trường để thúc đẩy sản xuất, chế biến, các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường.

- Hình thành các kênh tiêu thụ với hệ thống chợ đầu mối, hệ thống thu mua, phân phối cấp vùng và cấp tỉnh. Đồng thời kết hợp hài hòa với việc cung ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh thông qua mạng lưới chợ.

- Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tiếp cận, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực nhằm từng bước tham gia vào kênh lưu thông, kinh doanh thương mại tiên tiến.

- Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng chuỗi cung cấp GSGC của tỉnh nhằm giám sát, quản lý chất lượng, có thể dễ dàng truy xuất tận gốc sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Phát triển chuỗi liên kết từ khâu chọn giống, chăn nuôi đến tiêu thụ và chế biến đảm bảo tính bền vững.

- Nâng cấp khu bán sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ truyền thống; xúc tiến đưa các sản phẩm GSGC qua giết mổ đạt tiêu chuẩn chất lượng bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường Hà Nội.

- Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin thị trường từ tỉnh đến các địa phương; thiết lập kênh thông tin thường xuyên giữa tỉnh Nam Định với các tỉnh lân cận, thành lập các điểm thông tin thị trường tại các huyện.

6.2. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Áp dụng các cơ chế hỗ trợ về đất đai, tín dụng, đào tạo và KHCN theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP. Những cơ sở đã quy hoạch giết mổ nhưng chưa nằm trong quy hoạch sử dụng đất thì lập kế hoạch bổ sung chuyển đổi đất lúa sang xây dựng cơ sở giết mổ trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ phí giết mổ GSGC tại các cơ sở tập trung trong 3 năm đầu; sau khi đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm được trên 65% sản phẩm tiêu thụ nội tỉnh thì bỏ mức hỗ trợ này.

6.3. Giải pháp tổ chức, quản lý hệ thống giết mổ

6.3.1. Hình thức tổ chức, quản lý

- Đối với cơ sở giết mổ loại III: Vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ tham gia thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã giết mổ GSGC tập trung.

- Đối với cơ sở giết mổ loại II: Thu hút các doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã đầu tư xây dựng, quản lý và tổ chức sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.

- Đối với cơ sở giết mổ loại I: Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh giết mổ; sau đó dần phát triển lên thành cơ sở chế biến sản phẩm có chất lượng; có sản phẩm ổn định.

6.3.2. Tổ chức sắp xếp các điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn

- Từ nay đến năm 2020 tiến hành rà soát, đánh giá các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; cơ sở nào thực hiện đúng các cam kết và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm thì cho phép tồn tại nhưng phải cử cán bộ thú y kiểm tra, đóng dấu sản phẩm an toàn trước khi lưu thông trên thị trường.

- Từng bước xóa bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường; căn cứ theo lộ trình thực hiện, giai đoạn 2015 - 2020 toàn tỉnh sẽ xóa bỏ khoảng 50% sổ điểm giết mổ nhỏ lẻ.

- Các cơ quan quản lý thị trường, thú y, phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các quầy bán thịt tại các chợ, các khu vực đông dân cư, khi phát hiện thấy sản phẩm thịt GSGC không có dấu kiểm dịch thì tiến hành tịch thu sản phẩm, lập biên bản đồng thời thu hồi giấy phép kinh doanh.

- Tổ chức, sắp xếp lại những điểm bán thịt GSGC tại các chợ, đảm bảo các quầy bán thịt được xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

6.3.3. Quản lý về tiêu chuẩn chất lượng

- Ban hành tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt GSGC, làm cơ sở cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ tập trung cạnh tranh lành mạnh với giết mổ thủ công nhỏ lẻ, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm cho từng cơ sở giết mổ.

- Tăng cường đầu tư về nhân lực, trang thiết bị và kinh phí nhằm tổ chức tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ GSGC theo đúng quy định hiện hành.

6.3.4. Quản lý về chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển

- Lực lượng chức năng các cấp, trọng tâm là lực lượng cán bộ thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ GSGC tại các cơ sở giết mổ tập trung.

- Kiên quyết xử lý chủ cơ sở giết mổ GSGC tập trung thu mua, tiêu thụ, giết mổ thuê gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Ban hành chính sách cụ thể về quản lý vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn

6.3.5. Quản lý về thanh tra, kiểm tra

- Thành lập tổ kiểm tra giám sát gồm: Thú y, Cảnh sát Môi trường, quản lý thị trường tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn.

- Lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra xử lý các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường.

- Có quy định khen thưởng xứng đáng đối với các cơ sở giết mổ GSGC nghiêm chỉnh thực hiện quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm và đội ngũ cán bộ quản lý.

6.4. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Đối với cơ sở giết mổ loại I: Đầu tư công nghệ tiên tiến, đồng bộ theo tiêu chuẩn; sử dụng dây truyền giết mổ hiện đại tiên tiến theo tiêu chuẩn khu vực.

- Đối với cơ sở giết mổ loại II: Áp dụng công nghệ, dây truyền bán tự động; hiện đại, cơ giới từng công đoạn giết mổ; áp dụng công nghệ sinh học vào xử lý môi trường.

- Đối với cơ sở giết mổ loại III: Khuyến khích áp dụng công nghệ, dây truyền bán công nghiệp, hiện đại; áp dụng công nghệ sinh học vào xử lý môi trường.

- Tăng cường công nghệ hiện đại trang thiết bị, máy móc kiểm tra, giám sát, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; bảo quản, vận chuyển, bao gói sản phẩm.

6.5. Giải pháp về nhân lực phục vụ công tác thú y tại các cơ sở giết mổ

Các cơ sở giết mổ GSGC tập trung (loại I,II) do bác sỹ thú y, Trạm thú y thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Mỗi cơ sở giết mổ có phòng thú y và trang bị một số dụng cụ xét nghiệm ký sinh trùng, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm vi sinh, hóa sinh và bảo quản mẫu.

- Mỗi cơ sở giết mổ tập trung loại I, II có 2 cán bộ thú y trực tiếp làm công tác kiểm soát giết mổ.

- Các điểm giết mổ tập trung tại các xã (loại III) do nhân viên thú y xã thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, dưới sự giám sát về kỹ thuật của Trạm thú y huyện. Mỗi cơ sở có phòng thú y, với đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ lấy mẫu và bảo quản mẫu xét nghiệm.

6.6. Giải pháp về môi trường

- Đối với các hộ giết mổ nhỏ lẻ cần tăng cường tập huấn, tuyên truyền về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

- Tăng cường biện pháp quản lý để ngăn chặn gia tăng ô nhiễm và từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Các cơ sở, điểm giết mổ phải có cam kết tự xử lý môi trường đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường theo quy định của cơ quan chức năng về môi trường.

- Đối với cơ sở giết mổ tập trung cần xây dựng mô hình xử lý hiện đại

- Đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trước mắt ứng dụng các mô hình xử lý môi trường như: Mô hình gom phân vào bao kết hợp xây dựng hệ thống Biogas, mô hình sử dụng hệ thống bề lắng, xả nước đã được xử lý để tái sử dụng

- Xử lý nghiêm (phạt hành chính, không cấp phép, siết chặt đầu ra,...) các cơ sở, hộ giết mổ không có biện pháp xử lý chất thải.

6.7. Giải pháp về chế tài thực hiện.

- Ban hành quy định cơ sở giết mổ GSGC đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

- Ban hành quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán GSGC.

- Xây dựng chế tài xử lý vi phạm đối với việc vận chuyển GSGC để tránh gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.

- Công khai các cơ sở vi phạm và xây dựng chế tài xử lý vi phạm đối với cơ sở giết mổ GSGC gây ô nhiễm môi trường.

- Đóng cửa các cơ sở giết mổ không bảo đảm an toàn và từng bước xóa điểm giết mổ nhỏ lẻ ở các thôn, xóm không thực hiện đúng theo quy hoạch.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển GSGC không có giấy chứng nhận kiểm dịch và kinh doanh thịt GSGC. Quản lý chặt chẽ “đầu vào và đầu ra” sản phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm tăng cường kiểm tra “tận gốc”.

- Đối với những cơ sở cấp phép nhưng không bảo đảm vệ sinh thú y phải có lộ trình di dời, phải kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở giết mổ lậu.

- Tổ chức thực hiện tốt nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ.

6.8. Giải pháp về tổ chức thực hiện quy hoạch

6.8.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành có liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thành phố công bố quy hoạch để mọi người dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và thực hiện quy hoạch. Gắn việc thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ GSGC tập trung vào nội dung thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở giết mổ GSGC phù hợp quy hoạch, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường;

Chỉ đạo Chi cục Thú y kiểm soát vệ sinh thú y trong chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến GSGC. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y cơ sở chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến GSGC trên địa bàn.

Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện quy hoạch, quản lý hoạt động giết mổ, chế biến vận chuyển, buôn bán GSGC trên địa bàn tỉnh, định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

6.8.2. Các Sở, ngành liên quan

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, hướng dẫn các thủ tục cấp phép đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung theo quy định và bố trí vốn hỗ trợ theo cơ chế chính sách được duyệt

- Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, xây dựng kế hoạch bố trí kinh phí để hỗ trợ các cơ sở giết mổ GSGC từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác; hướng dẫn chủ đầu tư các cơ sở giết mổ, chế biến GSGC trình tự thủ tục hỗ trợ, thanh quyết toán.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP, xây dựng thương hiệu sản phẩm... liên quan đến giết mổ GSGC và các sản phẩm sau giết mổ.

- Sở Công thương: Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các Sở, ngành có liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ GSGC theo quy hoạch đã được phê duyệt, tổ chức sắp xếp hệ thống bán buôn, bán lẻ sản phẩm GSGC sau giết mổ, chế biến đảm bảo thuận tiện và vệ sinh an toàn thực phẩm;

Tăng cường các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ trong các cơ sở giết mổ GSGC tập trung;

Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường, phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp giết mổ, chế biến, vận chuyển, kinh doanh GSGC không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là GSGC nhập lậu.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn chủ đầu tư các dự án giết mổ, chế biến GSGC trong việc thực hiện các thủ tục đất đai và môi trường theo quy định. Thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra xử lý về môi trường theo quy định của Luật môi trường.

- Sở Ytế chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật.

- Sở Xây dựng: Quản lý xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch đô thị và nông thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước và tỉnh về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm từng bước thay đổi nhận thức, tập quán tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi.

- Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra các cơ sở giết mổ tập trung về pháp luật môi trường; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm lưu thông qua địa bàn nhằm phòng chống nhập lậu, vật nuôi và sản phẩm GSGC không rõ xuất xứ nguồn gốc, xuất xứ ra vào trên địa bàn.

- UBND các huyện, thành phố: Triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng các cơ sở giết mổ GSGC tập trung đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, ưu tiên triển khai trước tại các địa phương có nhiều hộ giết mổ nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường. Chỉ đạo các xã, thị trấn đưa nội dung thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ GSGC tập trung vào quy hoạch và nội dung thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án theo quy định hiện hành.

Phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh kiểm tra hoạt động giết mổ, chế biến vận chuyển, buôn bán GSGC trên địa bàn và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cấp giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường cho các dự án giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân cấp của tỉnh.

Định kỳ báo cáo kết quả quản lý hoạt động giết mổ, chế biến vận chuyển, buôn bán GSGC trên địa bàn về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giết mổ GSGC: Thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GSGC để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp phép đầu tư theo quy định.

Chủ các cơ sở giết mổ GSGC phải thực hiện nghiêm túc các quy định về Thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Thường trực HĐND, UBND tỉnh;
- Như điều 2;
- Website tỉnh, VP UBND tỉnh;
- Lưu: VP1,VP5, VP3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ
TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Viết Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 72/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 72/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/01/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Nguyễn Viết Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản