Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/2018/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 17 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HƯỞNG LỢI KHI KHAI THÁC CHÍNH VÀ TẬN DỤNG, TẬN THU GỖ RỪNG TRỒNG THUỘC NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 80/2003/TTLT-BNN-BTC ngày 03 tháng 9 năm 2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12 năm 11 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng phòng hộ;

Căn cứ Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế quản lý rừng sản xuất;

Căn cứ Thông tư số 21/2016/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản;

Căn cứ Thông tư 17/2017/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi Thông tư 21/2016/TT-BNNPTNT Quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1871/TTr-SNNPTNT ngày 30 tháng 11 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quyết định này quy định về chính sách hưởng lợi khi khai thác chính và tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng (gọi chung là khai thác) thuộc các dự án đầu tư từ ngân sách địa phương, Trung ương(Dự án 327, Dự án 661, Chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững,…); rừng trồng từ nguồn viện trợ của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ nhưng chưa có quy định cụ thể về đối tượng và chính sách hưởng lợi (gọi chung là rừng trồng thuộc nguồn vốn ngân sách).

Điều 2. Đối tượng áp dụng chính sách hưởng lợi

Quyết định này áp dụng đối với các đối tượng đã và đang được Nhà nước giao đất, giao quản lý rừng, nhận khoán rừng trồng để quản lý, bảo vệ và sử dụng, gồm:

1. Các Ban quản lý rừng phòng hộ; Ban quản lý rừng đặc dụng; các Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên Lâm nghiệp; Ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý rừng;hộ gia đình, cá nhân được giao rừng (gọi chung là các đơn vị chủ rừng).

2. Hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư thôn (gọi chung là bên nhận khoán) được giao khoán rừng để quản lý bảo vệ từ thời điểm kết thúc đầu tư xây dựng cơ bản cho đến khi khai thác.

3. Ủy ban nhân dân cấpxã có diện tích rừng trồng nằm trên địa bàn.

Điều 3. Xác định nguồn thu để phân chia cho các đối tượng hưởng lợi

Nguồn thu để phân chia cho các đối tượng hưởng lợi (gọi tắt là nguồn thu) là giá trị lâm sản hợp pháp thu được từ khai thác rừng trồng sau khi trừ đi chi phí sản xuất (gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp) và các khoản thuế, phíphải nộp theo quy định.

Điều 4. Chính sách hưởng lợi từ rừng

1. Hưởng lợi từ rừng phòng hộ không có giao khoán:

Chủ rừng được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản khai thác từ rừng phòng hộ sau khi nộp các khoản thuế, phí theo quy định hiện hành, chi trả hưởng lợi cho đối tượng nhận khoán (nếu có) và phải trồng lại rừng vào thời vụ sớm nhất ngay sau khi hoàn thành việc khai thác.

2. Hưởng lợi từ rừng sản xuất không có giao khoán:

Chủ rừng được hưởng toàn bộ giá trị lâm sản khai thác từ rừng sản xuất sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí, chi trả hưởng lợi cho đối tượng nhận khoán (nếu có) và hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước đã đầu tư theo quy định và phải trồng lại rừng vào thời vụ sớm nhất ngay sau khi hoàn thành việc khai thác.

3. Hưởng lợi từ rừng trồng phòng hộ, sản xuất khi thực hiện giao khoán cho bên nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng(từ thời điểm kết thúc đầu tư xây dựng cơ bản cho đến khi khai thác):

a) Trường hợp bênnhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đã nhận chi trả tiền quản lý bảo vệ hàng năm:

- Bên nhận khoán được hưởng 12%nguồn thu.

- Ủy ban nhândân cấp xã được hưởng 3% nguồn thuđể bổ sung kinh phí quản lý bảo vệ rừng và phòng chữa cháy rừng của địa phương.

- Chủ rừng được hưởng 85%nguồn thu và có trách nhiệm hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước đã đầu tư (đối với rừng sản xuất) và phải trồng lại rừng vào thời vụ sớm nhất ngay sau khi hoàn thành việc khai thác.

b) Trường hợp bên nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng không nhận tiền quản lý bảo vệ hàng năm:

- Bên nhận khoán được hưởng 15% nguồn thu.

- Ủy ban nhân dân cấp xã được hưởng 3% để bổ sung kinh phí quản lý bảo vệ rừng và phòng chữa cháy rừng của địa phương.

- Chủ rừng được hưởng 82%nguồn thu và có trách nhiệm hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước đã đầu tư (đối với rừng sản xuất) và phải trồng lại rừng vào thời vụ sớm nhất ngay sau khi hoàn thành việc khai thác.

Điều 5. Quy định chuyển tiếp

Đối với những diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn ngân sách hưởng lợi theo Quyết định số 1430/2006/QĐ-UBND ngày 05/6/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định chính sách hưởng lợi khi khai thác, tận thu, tận dụng gỗ rừng trồng thuộc nguồn vốn ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế khai thác trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được hưởng chính sách hưởng lợi từ rừng thì được áp dụng theo Quyết định này.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2018.

Điều 7. Trách nhiệm thực hiện

1. Trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình, giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính chỉ đạo các chủ rừng triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 72/2018/QĐ-UBND quy định về chính sách hưởng lợi khi khai thác chính và tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng thuộc nguồn vốn ngân sách đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 72/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản