Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/2006/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 01 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY TẠI CẢNG PHÚ QUÝ, CẢNG VẬN TẢI PHAN THIẾT VÀ CẢNG CÁ PHAN THIẾT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004;

Căn cứ Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10/3/2005 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;

Căn cứ Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng, bến thủy nội địa;

Căn cứ Quyết định số 32/2004/QĐ-BGTVT ngày 21/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về quản lý trật tự an toàn đường thủy tại Cảng Phú Quý, Cảng Vận tải Phan Thiết và Cảng Cá Phan Thiết.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 52/2004/QĐ-UBBT ngày 05/7/2004 của UBND tỉnh Bình Thuận về ban hành Quy chế quản lý trật tự an toàn hàng hải tại Cảng Phú Quý, Cảng Vận tải Phan Thiết và Cảng Cá Phan Thiết.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Thủy sản, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết, Giám đốc Ban Quản lý Cảng Phú Quý, Giám đốc Ban Quản lý Cảng Vận tải Phan Thiết, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Phan Thiết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 444 Phan Thiết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 464, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY CHẾ

VỀ QUẢN LÝ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY TẠI CẢNG PHÚ QUÝ, CẢNG VẬN TẢI PHAN THIẾT VÀ CẢNG CÁ PHAN THIẾT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2006/QĐ-UBND ngày 01/9/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc quản lý trật tự an toàn giao thông đường thủy tại khu vực Cảng Phú Quý, Cảng Vận tải Phan Thiết, Cảng Cá Phan Thiết.

2. Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, sử dụng các phương tiện đường thủy, bao gồm: tàu vận tải hành khách, tàu vận tải hàng hóa, tàu vận tải hành khách - hàng hóa hoạt động tại khu vực Cảng Phú Quý, Cảng Vận tải Phan Thiết, Cảng Cá Phan Thiết. (Đối với các phương tiện tàu, thuyền nước ngoài thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chế này).

Chương II

HOẠT ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN ĐƯỜNG THỦY VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TẠI VÙNG NƯỚC CẢNG

Điều 2. Thủ tục đối với phương tiện đường thủy khi ra, vào Cảng Phú Quý, Cảng Vận tải Phan Thiết và Cảng Cá Phan Thiết

1. Trước khi phương tiện vào Cảng, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện có trách nhiệm thông báo cho Ban Quản lý Cảng trước một giờ để Ban Quản lý Cảng bố trí, sắp xếp nơi neo đậu. Sau khi cập bến, thuyền trưởng phải có trách nhiệm nộp, xuất trình cho Ban Quản lý Cảng các loại giấy tờ sau:

a) Giấy tờ nộp:

- Giấy phép rời Cảng cuối cùng;

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện;

- Sổ danh bạ thuyền viên.

b) Giấy tờ xuất trình:

- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện;

- Bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên trên phương tiện;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với hành khách còn thời hạn (đối với tàu có vận chuyển hành khách);

- Các giấy tờ liên quan đến hàng hóa (đối với tàu có vận chuyển hàng hóa); danh sách đầy đủ về hành khách đi tàu (đối với tàu có vận chuyển hành khách).

Sau khi kiểm tra các giấy tờ quy định trên, Ban Quản lý Cảng kiểm tra thực tế nếu bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định thì cấp Giấy phép vào Cảng cho phương tiện (theo mẫu số 1 phần phụ lục của Quy chế này).

2. Trước khi phương tiện rời Cảng, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện có trách nhiệm xuất trình Ban Quản lý Cảng các giấy tờ sau:

a) Các giấy tờ liên quan đến hàng hóa (đối với tàu có vận chuyển hàng hóa); danh sách đầy đủ về hành khách đi tàu (đối với tàu có vận chuyển hành khách);

b) Chứng từ xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật;

c) Giấy tờ liên quan tới những thay đổi so với giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này (nếu có).

Ban Quản lý Cảng kiểm tra thực tế phương tiện, nếu bảo đảm các điều kiện an toàn thì thu hồi Giấy phép vào Cảng, trả lại các giấy tờ đã nộp khi làm thủ tục vào Cảng và cấp Giấy phép rời Cảng cho phương tiện (theo mẫu số 2 phần phụ lục của Quy chế này).

Điều 3. Trách nhiệm của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện

1. Chỉ được cho phương tiện neo đậu tại những nơi do Ban Quản lý Cảng chỉ định và không được thay đổi vị trí. Khi đã neo đậu, thuyền trưởng phải phân công thuyền viên trực tàu để bảo vệ tàu và duy trì máy móc, trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, động cơ chính của phương tiện luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động để xử lý kịp thời những trường hợp trôi neo, đứt dây, mắc cạn và các sự cố đột xuất khác.

2. Tuân thủ nội quy của Cảng và các quy định về phòng chống lụt bão, chấp hành lệnh điều động của Ban Quản lý Cảng trong trường hợp khẩn cấp.

3. Khi có áp thấp nhiệt đới, giông, bão thì thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện phải chấp hành nghiêm những quy định của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hoặc huyện, thành phố.

4. Trong quá trình xếp dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành khách phải kiểm tra, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm an toàn lao động, nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn, thuyền trưởng phải đình chỉ ngay để có biện pháp khắc phục.

5. Đối với các tàu có vận chuyển hành khách phải thực hiện thêm các quy định sau:

a) Trước khi tàu khởi hành, phải phổ biến nội quy an toàn, cách xử lý khi xảy ra các tình huống khẩn cấp và cách sử dụng các trang thiết bị an toàn cho hành khách, không để hành khách đứng, ngồi ở các vị trí không an toàn;

b) Xếp hàng hóa, hành lý của hành khách gọn gàng, không cản lối đi, yêu cầu hành khách mang theo động vật nhỏ phải nhốt trong lồng, củi;

c) Khi phát hiện có người, động vật mắc bệnh truyền nhiễm hoặc thực vật có khả năng gây bệnh phải báo ngay cho Ban Quản lý Cảng, các cơ quan chức năng có liên quan để có biện pháp xử lý.

6. Các hành vi bị cấm:

a) Chở quá số người quy định, hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép của tàu;

b) Tự ý đưa phương tiện vào xếp, dỡ hàng hóa hoặc đón trả khách khi chưa có Giấy phép vào Cảng của Ban Quản lý Cảng;

c) Sử dụng tín hiệu tùy tiện;

d) Bơm xả nước bẩn, đổ rác thải, các hợp chất có dầu, các loại chất độc khác xuống vùng nước Cảng;

e) Cản trở hoặc gây khó khăn cho người thi hành công vụ, thuyền viên của phương tiện thủy khác đi qua phương tiện của mình;

g) Cho tàu neo đậu trong phạm vi luồng chạy tàu;

h) Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận chuyển hàng hóa nguy hiểm thực hiện theo Quy định tại Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ban hành ngày 10/3/2005 của Chính phủ).

Điều 4. Trách nhiệm của chủ phương tiện, người kinh doanh vận tải

1. Thực hiện đúng theo lịch phân công tài chuyến của Ban Quản lý hai đầu Cảng (Phan Thiết và Phú Quý); công bố và thực hiện đúng lịch chạy tàu; thông báo cụ thể giờ xuất bến để hành khách đi tàu chủ động sắp xếp thời gian.

2. Tổ chức quầy bán vé ở Cảng hoặc các điểm bán vé thuận lợi khác, bán vé đúng giá quy định và giao vé cho khách; đồng thời, thực hiện việc kiểm soát vé trước khi cho khách xuống tàu; đảm bảo tất cả khách đi tàu đều phải có vé. Có cầu tàu cho hành khách lên xuống tàu an toàn.

3. Lập danh sách hành khách đi tàu cho mỗi chuyến đi (04 bản) và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của bản danh sách này (01 bản giao cho Ban Quản lý Cảng, 01 bản giao cho Đồn biên phòng, 01 bản giao cho Thuyền trưởng và 01 bản do Chủ tàu lưu giữ).

4. Niêm yết nội quy đi tàu, bản hướng dẫn trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa tại những nơi dễ thấy trên phương tiện.

5. Bố trí đủ các chức danh, định biên thuyền viên làm việc trên phương tiện và lập danh bạ thuyền viên theo quy định.

6. Trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, thông tin liên lạc đang còn giá trị sử dụng theo quy định của Đăng kiểm.

7. Thực hiện nghiêm túc việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải đối với hành khách.

8. Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra hành khách, hành lý, bao gửi khi cần thiết.

Điều 5. Trách nhiệm của hành khách

1. Mua vé hành khách và trả cước phí vận tải đối với hành lý mang theo quá mức quy định.

Vé và danh sách hành khách trong mỗi chuyến đi là căn cứ để giải quyết bảo hiểm cho hành khách khi có sự cố rủi ro.

2. Khai đúng tên, địa chỉ của mình và trẻ em đi kèm (nếu có) khi chủ phương tiện lập danh sách hành khách.

3. Có mặt tại nơi xuất phát đúng thời gian đã thỏa thuận; chấp hành nội quy vận chuyển và hướng dẫn về an toàn của thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện.

4. Không mang theo trong hành lý những loại hàng hóa, hóa chất hoặc bất cứ những vật chất nào khác mà pháp luật cấm lưu thông, cấm vận tải chung với hành khách.

Điều 6. Xử lý tai nạn trong vùng nước Cảng

1. Việc cứu người và phương tiện thủy bị tai nạn xảy ra trong vùng nước Cảng là nghĩa vụ bắt buộc đối với Thuyền trưởng và các tổ chức cá nhân khác hoạt động tại Cảng.

2. Khi phát hiện tai nạn hoặc nguy cơ xảy ra tai nạn, Thuyền trưởng phải lập tức phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và tiến hành ngay các biện pháp cứu người, tài sản, đồng thời báo cáo cho Ban Quản lý Cảng để có biện pháp xử lý kịp thời.

3. Ban Quản lý Cảng có quyền huy động mọi lực lượng, trang bị của Cảng và các phương tiện hiện có trong khu vực để cứu trợ người, tài sản, phương tiện bị nạn. Các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ chấp hành lệnh điều động của Ban Quản lý Cảng để cứu người, tài sản, phương tiện bị nạn.

4. Trường hợp phương tiện bị đắm phải đặt báo hiệu theo quy định và báo cáo ngay với chủ phương tiện để tiến hành trục vớt. Chủ phương tiện phải tổ chức trục vớt theo thời hạn quy định và chỉ được tiến hành khi đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông được Ban Quản lý Cảng chấp thuận.

5. Trường hợp phương tiện bị đắm trong vùng nước Cảng nhưng chủ phương tiện không trục vớt hoặc trục vớt không đúng quy định thì Ban Quản lý Cảng có quyền tổ chức trục vớt. Chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí, ngoài ra còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật nếu vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Điều 7. Trách nhiệm của chủ khai thác Cảng (Ban Quản lý Cảng Phú Quý, Ban Quản lý Cảng Vận tải Phan Thiết và Cảng Cá Phan Thiết)

1. Duy trì điều kiện an toàn công trình Cảng theo quy định.

2. Không xếp hàng hóa vượt quá kích thước hoặc quá tải trọng cho phép, nhận hành khách quá số lượng quy định. Không xếp hàng hóa hoặc đón khách xuống phương tiện khi chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật, không đủ giấy tờ quy định.

3. Chấp hành các quy định về phòng chống lụt bão và giữ gìn vệ sinh môi trường.

4. Cứu người, hàng hóa, phương tiện khi có xảy ra tai nạn, báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết; khắc phục hậu quả tai nạn và ô nhiễm môi trường (nếu có).

5. Tạo điều kiện và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong vùng nước Cảng.

6. Chịu sự kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan có thẩm quyền về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

7. Không cho phương tiện đánh bắt thủy sản neo đậu trong khu vực neo đậu của tàu vận tải.

8. Ban Quản lý Cảng Cá Phan Thiết tạo mọi thuận lợi, phối hợp với Ban Quản lý Cảng Vận tải Phan Thiết để thực hiện các quy định trong Điều này (trong giai đoạn công trình Cảng Vận tải chưa hoàn thành); đồng thời, bố trí quầy bán vé để tạo điều kiện cho các chủ phương tiện tổ chức bán vé cho khách đi tàu (cho thuê quầy, hoặc nhận ủy thác bán vé hưởng hoa hồng).

Chương III

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG VỀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY

Điều 8. Đối với Ban Quản lý Cảng Vận tải Phan Thiết và Ban Quản lý Cảng Phú Quý

1. Trong khi chưa thành lập cơ quan Cảng vụ tại Bình Thuận, giao Ban Quản lý Cảng Vận tải Phan Thiết và Ban Quản lý Cảng Phú Quý thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải đường thủy tại khu vực Cảng của đơn vị quản lý (riêng hoạt động của tàu khách trong thời gian neo đậu tại Cảng Cá Phan Thiết, Ban Quản lý Cảng Vận tải Phan Thiết chịu trách nhiệm quản lý). Cụ thể:

a) Quy định nơi neo đậu cho phương tiện, tàu biển trong vùng nước Cảng;

b) Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường của phương tiện, tàu biển; kiểm tra bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp phép cho phương tiện, tàu biển ra, vào Cảng;

c) Không cho phương tiện, tàu biển ra, vào Cảng khi Cảng hoặc phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn;

d) Kiểm tra điều kiện an toàn đối với cầu tàu, bến, luồng, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi Cảng; khi phát hiện có dấu hiệu mất an toàn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý kịp thời;

e) Huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực trong khu vực Cảng để tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện, tàu biển trong trường hợp khẩn cấp và xử lý ô nhiễm môi trường trong phạm vi Cảng;

g) Tham gia lập biên bản, kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong vùng nước Cảng; yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả tai nạn.

2. Ban Quản lý Cảng Vận tải Phan Thiết chịu trách nhiệm chính và phối hợp với Ban Quản lý Cảng Phú Quý:

- Sắp xếp lịch chạy tàu, chủ trì xây dựng nội quy cam kết thực hiện phân công tài chuyến đảm bảo tính công bằng cho các tàu tham gia vận tải hành khách, hàng hóa trên tuyến Phan Thiết - Phú Quý (kể cả 2 tàu BT16 và BT18);

- Quy định lịch chạy tàu tối thiểu 02 ngày có một chuyến xuất bến ở mỗi đầu Cảng trong điều kiện thời tiết và kỹ thuật cho phép (không kể chuyến chạy hợp đồng). Thời gian xuất bến vào ban ngày (nếu điều kiện tự nhiên không cho phép, các tàu mới được phép xuất bến vào ban đêm). Trường hợp hành khách tăng đột biến vào những kỳ nghỉ Lễ, Tết, kỳ thi thì bố trí tăng thêm chuyến, không để ứ đọng khách hoặc tàu chở quá trọng tải quy định.

3. Quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 9. Đối với các cơ quan chức năng liên quan

1. Thanh tra Sở Giao thông vận tải ngoài việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định chuyên ngành trong lĩnh vực đường thủy; phối hợp với Ban Quản lý các Cảng, cử thanh tra viên tham gia thực hiện các nhiệm vụ về kiểm tra quy định ở các điểm b, d, g của khoản 1 Điều 8 Quy chế này khi có yêu cầu.

2. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy - Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Ban Quản lý Cảng và lực lượng chức năng khác tổ chức thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện giao thông đường thủy nội địa hoạt động trong Cảng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - Công an tỉnh kiểm tra đột xuất và định kỳ theo chuyên môn đã được quy định, kiểm tra thiết bị phòng chống cháy nổ của phương tiện; xử lý nghiêm các trường hợp chủ phương tiện vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

4. Đồn Biên phòng 444 Phan Thiết, 464 Phú Quý.

a) Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định;

b) Tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành bảo đảm an toàn giao thông đường thủy đối với các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách và tàu vận tải hành khách - hàng hóa tuyến Phan Thiết - Phú Quý.

Chương IV

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

Điều 10. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy thì bị xử lý hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc đảm bảo an toàn trật tự giao thông đường thủy, ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Ban Quản lý Cảng Vận tải Phan Thiết, Ban Quản lý Cảng Phú Quý chịu trách nhiệm chính trong công tác kiểm tra thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy tại khu vực Cảng Phú Quý, Cảng Vận tải Phan Thiết, Cảng Cá Phan Thiết; Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Cảnh sát Giao thông đường thủy, các Đồn Biên phòng 444, 464 chỉ đột xuất kiểm tra và phải có sự phối hợp đồng nhất với Ban Quản lý Cảng trong công tác kiểm tra, tránh gây phiền hà cho tàu khi ra, vào Cảng. Xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật các trường hợp không chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, an toàn hàng hải.

2. Các cơ quan kiểm tra, kiểm soát phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và những nội dung được quy định trong Quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết.

3. Ban Quản lý Cảng Vận tải Phan Thiết, Ban Quản lý Cảng Phú Quý định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và năm phải có báo cáo gửi Sở Giao thông vận tải tổng hợp trình UBND tỉnh về tình hình quản lý trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn quản lý.

4. Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết, UBND huyện Phú Quý hỗ trợ cho công tác kiểm tra các phương tiện ra, vào Cảng và sắp xếp các bến neo đậu phương tiện tại Cảng của địa phương mình nhằm đảm bảo việc thực hiện trật tự an toàn giao thông đường thủy theo đúng các quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này. Hàng quý, Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện quy chế, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh khắc phục những thiếu sót tồn tại và báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.


Mẫu số 1:

GIẤY PHÉP VÀO CẢNG

Số:……………/GP

Tên phương tiện:…………………….

Số đăng ký:………………………….

Chủ phương tiện:…………………….

Tên thuyền trưởng:…………………..

Trọng tải đăng ký:……………………

Loại hàng:……………………………

Được vào cảng để:…………………...

Trong thời hạn: từ……..đến………………...hồi……
giờ……..ngày………..

Ngày……tháng…....năm……..
GIÁM ĐỐC





PHẦN PHỤ LỤC

Sở GTVT Bình Thuận
BAN QUẢN LÝ CẢNG...............
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............../GP

 

 

GIẤY PHÉP VÀO CẢNG

GIÁM ĐỐC CẢNG

Cho phép phương tiện thủy:.......................số đăng ký:.............................

Chủ phương tiện:.......................................................................................

Tên thuyền trưởng:....................................................................................

Trọng tải đăng ký:.........................Tấn:……...............Ghế:………..........

Trọng tải thực tế:.........................Tấn:.......................Ghế:........................

Loại hàng:..................................................................................................

Vào cảng để:..............................................................................................

Trong thời gian: từ........giờ.........ngày......đến........giờ............ngày……..

 

 

............, ngày............tháng............năm............
GIÁM ĐỐC





Ghi chú:

Giấy này phải được giữ trên tàu trong thời gian tàu đậu tại cảng.

 

Mẫu số 2:

GIẤY PHÉP VÀO CẢNG

Giấy phép rời cảng số:………………...

Tên phương tiện:………………………

Số đăng ký:……………………………

Chủ phương tiện:……………………..

Tên thuyền trưởng:……………………

Số thuyền viên:……………………….

Trọng tải đăng ký:…(T)……Ghế:……

Số hành khách:……………………….

Loại hàng:…………………………….

Được rời cảng:…………………..........

Giờ……..ngày……tháng …….năm.....

Cảng đến:…………………………….

Ngày……tháng…....năm………
GIÁM ĐỐC





PHẦN PHỤ LỤC

Sở GTVT Bình Thuận
BAN QUẢN LÝ CẢNG...............
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: .............../GP

 

 

GIẤY PHÉP VÀO CẢNG

GIÁM ĐỐC CẢNG

Cho phép phương tiện thủy:.......................................................................

Số đăng ký:.................................................................................................

Chủ phương tiện:........................................................................................

Tên thuyền trưởng:......................................................................................

Số lượng thuyền viên:…………………………………………………….

Trọng tải đăng ký:.........................Tấn:……...............Ghế:………............

Trọng tải thực tế:.........................Tấn:.......................Ghế:..........................

Loại hàng:..................................Số hành khách………..............................

Được rời cảng:……….Giờ…… .ngày..……tháng…..….năm…………

Cảng đến:…………………………để .……………………………….…

Những điểm lưu ý khi hành trình (luồng lạch, bão lũ và các thông tin cần thiết khác):………………………………………………………………………………

………………………………………………..………………............................

....................................................................................................................

 

 

............, ngày............tháng............năm.............
GIÁM ĐỐC





 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 72/2006/QĐ-UBND về quy chế quản lý trật tự an toàn giao thông đường thủy tại Cảng Phú Quý, Cảng Vận tải Phan Thiết và Cảng Cá Phan Thiết do tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 72/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/09/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/09/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 02/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản