Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 718/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 10 tháng 07 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ CỦA TỈNH NINH BÌNH, GIAI ĐOẠN 2015-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới và Văn bản số 4619/VPCP-VI ngày 19/6/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP và sơ kết 6 tháng đầu năm 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Văn bản số 701/SCT-QLTT ngày 06/7/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2015-2020;

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (để BC);
- Bộ Tài chính (để BC)
- Bộ Công thương (để BC);
- Tổng cục Hải quan;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chi cục Quản lý thị trường;
- Lưu VT, VP5;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Trị

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
(Kèm theo Quyết định số 718/QĐ -UBND ngày 10/7/2015 của UBND tỉnh)

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH

Tình hình buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua diễn biến tương đối phức tạp, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và luôn được các đối tượng làm ăn phi pháp thay đổi, lợi dụng để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm.

Tại một số cơ sở kinh doanh cố định vẫn xuất hiện tình trạng lén lút kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP)..., các mặt hàng vi phạm chủ yếu như thực phẩm công nghệ nhập lậu (bánh kẹo, rượu, bia ngoại...), phụ gia thực phẩm giả nhãn hàng hóa (mì chính Ajinomoto, Miwon, gia vị thực phẩm...), các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, thiết bị vệ sinh giả, mũ bảo hiểm giả, phân bón giả, thuốc trừ sâu, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn chất lượng...

Trên khâu lưu thông tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm SHTT, hàng không đảm bảo ATTP vẫn diễn ra tương đối phức tạp, trên tuyến đường bộ theo Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh đi các tỉnh phía nam, các đối tượng sử dụng phương tiện ô tô vận chuyển buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào các tỉnh phía nam và địa bàn tỉnh Ninh Bình để tiêu thụ; trên tuyến đường thủy, theo dọc sông Đáy ra biển, qua ngã ba Độc Bộ sang Nam Định, các đối tượng sử dụng phương tiện vận tải thủy vận chuyển các loại hàng hóa như quặng, khoáng sản... ra nước ngoài và các tỉnh trong nước để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hàng giả, hàng nhập lậu chủ yếu là điện tử, điện dân dụng, sản phẩm may mặc như: vải, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm... thực phẩm công nghệ nhập lậu (bánh kẹo, rượu, bia ngoại...); các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàng cấm như thuốc lá điếu nhập lậu, động vật rừng quý hiếm được nhà nước ưu tiên bảo vệ. Thủ đoạn chính của các đối tượng vi phạm vẫn là gửi hàng hóa vi phạm lên xe rồi hẹn địa điểm sẽ có người đến nhận, hay dùng xe khách, tàu hỏa, tàu thủy để vận chuyển, nên khi bị cơ quan chức năng kiểm tra thì tìm mọi cách để tẩu tán; sử dụng hóa đơn quay vòng hoặc ghi giá hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá trị thực của hàng hóa.

Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu trên cả 3 lĩnh vực: buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

1.1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và tạo được chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan, các lực lượng chức năng về những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả đối với kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn của cộng đồng, sức khỏe của người dân, đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp và tổ chức thực hiện kiên quyết, hiệu quả.

1.2. Thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, công nghiệp, đánh giá tình hình thực thi các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chủ động theo dõi sát diễn biến trên thị trường, biến động về cung cầu, về giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường để có hướng xử lý kịp thời, đồng thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý ngay đối với các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác xảy ra trên địa bàn.

1.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và thực hiện cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo ATTP, để nhân dân đồng thuận, cùng phối hợp với các lực lượng chức năng, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2020, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt các mục tiêu cụ thể như sau:

2.1. Công tác chống buôn lậu

- 100% cơ sở bán buôn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ;

- 100% cơ sở kinh doanh trên địa bàn không có hành vi tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu;

- 60% hộ kinh doanh bán lẻ không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

2.2. Công tác chống gian lận thương mại

- Chống gian lận về giá: Chống các hành vi gian lận như làm giả hóa đơn, không khai báo hoặc khai báo sai số lượng và tên hàng để có thể dẫn đến lợi thế về giá, lợi dụng cơ chế tự kê khai, tự tính thuế trong quá trình thông quan, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện hành vi mô tả sai hàng hóa trên tờ khai Hải quan, đưa hàng hóa từ mã số có thuế suất cao về mã số có thuế suất thấp để gian lận trốn thuế, kiểm tra tờ khai thuế, công tác hoàn thuế các loại hình dịch vụ, chống thất thu ngân sách nhà nước; các hành vi gian lận về đăng ký giá, kê khai giá nhất là các mặt hàng thuộc danh mục nhà nước bình ổn giá, kê khai và đăng ký giá như: Xăng dầu, gas, phân bón NPK, phân đạm Ure, sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi... 100% các cơ sở kinh doanh có quy mô lớn trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với hàng hóa dịch vụ theo đúng quy định.

- Chống gian lận về chất lượng: Tập trung vào các mặt hàng trọng điểm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như: thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm, trang thiết bị y tế, vật tư nông nghiệp.

- Chống gian lận về đo lường

Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa nhất là đối với các sản phẩm hàng đóng gói sẵn; phát hiện, ngăn chặn và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn không đảm bảo định lượng đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định lưu thông trên thị trường, các hành vi gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, gas. Đồng thời đề ra các giải pháp, biện pháp cụ thể chống gian lận về đo lường.

- 100% các cửa hàng kinh doanh xăng dầu không có hành vi gian lận về đo lường; 80% cơ sở kinh doanh gas không có hành vi gian lận về đo lường;

- 100 % các đại lý, cơ sở bán buôn, phân phối hàng hóa có quy mô lớn kinh doanh hàng hóa đảm bảo về định lượng đo lường, ghi nhãn hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.

2.3. Công tác chống hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT

- Trên địa bàn tỉnh không có cơ sở sản xuất hàng giả;

- Các chợ, đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở có quy mô lớn, các cơ sở bán buôn không kinh doanh hàng giả.

2.4. Công tác tuyên truyền: Thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình, Wesbsite của các sở, ngành, UBND huyện, thành phố... thực hiện phổ biến, tuyên truyền pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ; hướng dẫn cách phân biệt hàng thật hàng giả... 100 % các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo ATTP và gian lận thương mại.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU VỀ CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

Các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan, các lực lượng chức năng (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh; xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục, kiên quyết không cho phép có "vùng cấm" trong công tác này.

2. Công tác tổ chức xây dựng lực lượng

- Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép khác trên thị trường Ninh Bình trong giai đoạn mới hiện nay, trên cơ sở kiện toàn tổ chức bộ máy và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tổ chức củng cố xây dựng lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với một số đơn vị chuyên trách trên cơ sở tổ chức, bộ máy và chỉ tiêu biên chế hiện có cần nghiên cứu, đề xuất thành lập các tổ, đội kiểm tra, kiểm soát chuyên trách mang tính chuyên sâu.

- Bố trí, tổ chức lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội bộ vững mạnh.

- Thực hiện nghiêm túc quy trình luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức trong các lực lượng chức năng, nhất là tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực.

- Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường

- Tăng cường công tác điều tra, trinh sát, quản lý địa bàn nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả quy mô lớn; kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết hàng lậu, kho tàng, bến bãi, các điểm lên xuống, nơi giao nhận hàng hóa và các phương tiện vận chuyển hàng hóa trên khâu lưu thông, tuyến đường bộ, đường sông, đường sắt, qua đó để phát hiện hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tập trung kiểm tra các mặt hàng thuốc lá, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, gas, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện tử gia dụng, mỹ phẩm, thuốc tân dược,...

- Tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, xác định thuốc lá là mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng nhập lậu năm 2015.

- Mở các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, ngành hàng, nhóm mặt hàng nhất là về an toàn thực phẩm, giá, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa...

- Các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, trước mắt trong 6 tháng cuối năm 2015 theo đúng Kế hoạch số 49/KH- UBND ngày 30/6/2015 của UBND tỉnh về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Lồng ghép thanh tra, kiểm tra với tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật từ đó vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng, những vụ việc điển hình, những cơ sở có hành vi vi phạm nghiêm trọng.

- Đối với người tiêu dùng: Thực hiện việc tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình và các cơ quan thông tấn báo chí bằng các bài viết, phóng sự nhằm cung cấp thông tin hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thông qua Chương trình Hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh, tổ chức trưng bày hàng thật, hàng giả nhằm mục đích tuyên truyền, hướng dẫn cách phân biệt hàng thật, hàng giả, khuyến cáo cho người tiêu dùng, nhân dân trong quá trình mua bán, trao đổi hàng hóa trên thị trường.

- Đối với cán bộ, công chức của các cơ quan đơn vị và các lực lượng chức năng: Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức của đơn vị mình và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, có sức lan tỏa sâu, rộng để mỗi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ từ đó có những hành động thiết thực tích cực tham gia công tác này.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chỉ đạo của Bộ Chính trị đồng thời phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để các tổ chức này cùng tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Phổ biến đường dây nóng về chống buôn lậu, gian lận thương: Phổ biến rộng rãi đến quần chúng nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan về đường dây nóng, số điện thoại tiếp nhận thông tin tố giác về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và của cơ quan, đơn vị mình.

- Về khen thưởng: Kịp thời khen thưởng, biểu dương, nhân rộng điển hình, cá nhân, tập thể có thành tích chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

5. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

- Các cơ quan, đơn vị trong quá trình đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh phải chấp hành đúng quy định theo Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 22/9/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 82/QĐ-BCĐ ngày 21/7/2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, Sở ngành, quận huyện, Mặt trận, Đoàn thể, người dân, các cơ quan thông tin báo chí tham gia công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong, ngoài địa bàn kiểm soát như: Bộ đội Biên phòng, công an, Quản lý thị trường,... để kiểm tra kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển trái phép các mặt hàng có dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua địa bàn tỉnh trên khâu lưu thông.

- Thực hiện nghiêm các chế độ báo cáo, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Quy chế hoạt động của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 91/QĐ-BCĐ ngày 05/8/2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh để nắm chắc địa bàn, đối tượng, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả từ đó triển khai công tác kiểm tra và xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao nhất.

- Tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 23/12/2014 và Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 15/01/2015 của UBND tỉnh về việc thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả và Đoàn kiểm tra Liên ngành về ATTP tỉnh năm 2015. Chi cục Quản lý thị trường với vai trò là thường trực giúp việc cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh căn cứ vào tình hình, diễn biến của thị trường và sự chỉ đạo của cấp trên sẽ tổ chức xây dựng Kế hoạch kiểm tra Liên ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Kế hoạch kiểm tra Liên ngành về VSATTP theo lĩnh vực, đối tượng, địa bàn, nhóm ngành hàng báo cáo Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, Ban Chỉ đạo VSATTP của tỉnh và UBND tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định.

- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các thương hiệu toàn cầu trong việc hợp tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

6. Nâng cao hiệu quả về công tác tham mưu cơ chế chính sách, sử dụng kinh phí, cơ sở giám định, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

- Tăng cường hệ thống giám định chất lượng có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ sở pháp lý để giám định chất lượng hàng hóa theo quy định;

- Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật, chế tài xử lý nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo đủ sức răn đe đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

- Xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng, khuyến khích sự đóng góp về vật chất của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp và nhân dân cho công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo nguồn lực để khen thưởng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, kỹ thuật nghiệp vụ cho công tác này.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới phương thức, quy trình quản lý, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường;

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng bền vững, lành mạnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo đúng sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Chương trình hành động của UBND tỉnh.

- Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thường xuyên tổng hợp, đánh giá và thông báo công khai kết quả thực hiện của Sở, ngành, địa phương.

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo đúng quy định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

- Chỉ đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 xây dựng Chương trình, Kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh; tổng hợp tình hình công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các cơ quan, đơn vị, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo thông tin giữa các thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh và thông tin giữa Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh với các cơ quan, đơn vị, các lực lượng chức năng và một số nhiệm vụ khác theo đúng quy định tại Quy chế của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 91/QĐ-BCĐ ngày 05/8/2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh.

2. UBND các huyện, thành phố

Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh và UBND tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành chức năng nâng cao trách nhiệm quản lý địa bàn, theo dõi biến động và kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại, chỉ đạo công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại địa phương theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật. Thành lập và chỉ đạo các Đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên tiến hành kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.

3. Sở Công thương

- Chủ động nắm diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, dự báo tình hình, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhất là trong dịp Lễ, Tết; kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh, gây bất ổn thị trường để báo cáo UBND tỉnh hoặc đề xuất các giải pháp xử lý với những tình huống có thể xảy ra.

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tổ chức thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường mở đợt cao điểm kiểm tra chuyên đề chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại theo lĩnh vực, ngành hàng, nhóm ngành hàng; đồng thời tham mưu giúp Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh điều hành sự phối hợp giữa các ngành, các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả; gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt nhiệm vụ được UBND tỉnh giao là Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh.

- Ngoài công việc theo chức năng, nhiệm vụ, cần chú trọng:

+ Phối hợp với lực lượng Công an xây dựng và triển khai kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn tỉnh nhằm kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả; xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như rút giấy phép kinh doanh, truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

+ Phối hợp với các phòng thuộc Sở, các phòng Công Thương huyện, thị, thành phố nắm chắc tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn với những mặt hàng thiết yếu, đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương;

+ Phối hợp với Sở Tài chính tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về việc tiếp tục giữ ổn định giá bán một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

+ Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý theo quy định.

+ Phối hợp với Sở Y tế thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATTP; giá thuốc theo quy định.

+ Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai kịp thời phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

4. Công an tỉnh

Chỉ đạo các lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tiến hành triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả có giá trị lớn để xử lý hình sự theo quy định; đồng thời chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông hỗ trợ lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng dừng các phương tiện có dấu hiệu vi phạm về vận chuyển hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại để kiểm tra, xử lý; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, động vật hoang dã, quý hiếm, gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch, không đảm bảo ATTP.

5. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thẩm định giá; xử lý các hành vi vi phạm về giá, thẩm định giá theo thẩm quyền; phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong công tác điều tra, xử lý các sai phạm đối với các hành vi độc quyền và liên kết độc quyền về giá, hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá, hành vi bán phá giá hàng hóa theo quy định của pháp luật;

- Nghiên cứu, đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí bảo đảm điều kiện làm việc, thông tin liên lạc, phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát cho các cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ.

7. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; phòng, chống kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế nhập lậu; phòng, chống sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế giả, kém chất lượng, không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc.

- Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc, thực hiện các biện pháp bình ổn giá thuốc trên thị trường; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, nhập khẩu, kinh doanh, vận chuyển, quảng cáo, làm giả các loại vật tư nông, lâm nghiệp, thủy sản kém chất lượng, cấm sử dụng ngoài danh mục cho phép.

Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ lậu, các sản phẩm động vật hoang dã, những loài động vật, thực vật rừng quý hiếm theo quy định của pháp luật.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm đối với xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm được nhập khẩu, xuất bản, in và phát hành trái phép viễn thông và công nghệ thông tin.

10. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát về quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật; về bản quyền phần mềm; hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, kinh doanh lữ hành, hoạt động quảng cáo, chống buôn lậu văn hóa phẩm, in sao băng đĩa lậu, văn hóa phẩm có nội dung đồi trụy; xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

11. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở khu vực cửa sông Đáy và sông Càn, vùng biên giới biển Kim Sơn và hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu Cảng Ninh Bình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; các tụ điểm, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả có tổ chức, quy mô lớn, xuyên quốc gia;

- Phối hợp với cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ... qua cửa khẩu.

12. Cục Thuế tỉnh

Tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống gian lận về thuế; xử lý các hành vi vi phạm về thuế theo thẩm quyền.

13. Chi cục Hải quan Ninh Bình

Kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, kể cả hàng hóa và phương tiện xuất nhập cảnh; tham gia phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua hoạt động xuất nhập khẩu chuyển cửa khẩu và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan;

14. Sở Giao thông Vận tải

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng các phương tiện vận tải, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại các đầu mối giao thông, nhà ga, bến xe. Đồng thời chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải thực hiện nghiêm túc quy định về kê khai giá cước và niêm yết giá cước.

15. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình

Thực hiện các phóng sự, các chuyên đề nhằm tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ về chủ trương của Nhà nước trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và những tác hại của hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

Trong quá trình thực hiện Chương trình hành động này, nếu có nội dung phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, các cơ quan, đơn vị tổng hợp gửi về Sở Công thương để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định, chỉnh sửa, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 718/QĐ-UBND năm 2015 về Chương trình hành động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2015-2020

  • Số hiệu: 718/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/07/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Đinh Quốc Trị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản