Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CHÍNH TRỊ
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------

Số: 71-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII và Điều lệ Đảng;
Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII,

BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH

I- Chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Trung ương Đảng.

Văn phòng Trung ương Đảng là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có chức năng tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng; phối hợp, điều hoà hoạt động của các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng; đồng thời, là một trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo.

Văn phòng Trung ương có những nhiệm vụ sau đây :

1- Giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị (dưới đây viết tắt là Trung ương) xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác, quy chế làm việc.

Phối hợp, điều hoà chương trình công tác của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí Thường vụ Bộ Chính trị để thực hiện chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị.

Tổ chức phục vụ các cuộc họp, ghi biên bản, lập hồ sơ các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị.

Giúp Thường trực Bộ Chính trị điều hành công việc hàng ngày của Đảng.

2- Theo dõi, đôn đốc, thẩm tra việc chuẩn bị các đề án trình Trung ương về yêu cầu, phạm vi, quy trình, tiến độ chuẩn bị và thể thức văn bản của đề án.

Tuỳ theo tính chất của đề án và khả năng, Văn phòng Trung ương chủ động báo cáo với Thường trực Bộ Chính trị để tổ chức nghiên cứu và phát biểu ý kiến bằng văn bản với Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị về nội dung của đề án.

Tham gia cùng các cơ quan chủ đề án chỉnh lý các văn bản của Trung ương. Trực tiếp biên tập những văn bản và chuẩn bị các đề án được Thường vụ Bộ Chính trị giao.

3- Trực tiếp theo dõi, tổng hợp tình hình của các tỉnh uỷ, thành uỷ về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; phối hợp với các ban đảng nắm tình hình hoạt động của các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, báo cáo kịp thời với Bộ Chính trị; thông qua việc theo dõi thực hiện nhiệm vụ chính trị, Văn phòng Trung ương góp ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương và phản ảnh với Thường vụ Bộ Chính trị về tình hình nhân sự chủ chốt của các tỉnh uỷ, thành uỷ (bí thư, chủ tịch, phó bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân) khi có yêu cầu.

Theo dõi, đôn đốc các ban đảng và các cấp uỷ đảng trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo và các quy chế hoạt động của Trung ương.

4- Tổ chức công tác thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và các cấp uỷ, cơ quan đảng trực thuộc Trung ương.

Tổ chức quản lý, khai thác mạng tin học diện rộng của Đảng.

5- Phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng và các cơ quan chức năng của Nhà nước tổ chức tiếp dân tại Trụ sở tiếp dân của Trung ương. Tiếp nhận và chuyển giao cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết những đơn thư gửi đến Trung ương, kiến nghị với Thường trực Bộ Chính trị cách xử lý một số vụ việc; đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết một số vụ việc được Thường trực Bộ Chính trị giao.

6- Tiếp nhận, phát hành và quản lý các tài liệu, văn kiện của Trung ương, thực hiện nghiêm ngặt chế độ bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước.

7- Quản lý tập trung, thống nhất Phông Lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ trong các cơ quan Đảng và Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; trực tiếp quản lý Kho Lưu trữ của Trung ương Đảng.

8- Phối hợp với Ban Tài chính-Quản trị Trung ương và các cơ quan có liên quan bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc tại Trụ sở Trung ương Đảng, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối Trụ sở Trung ương Đảng.

9- Hướng dẫn, bồi dưỡng, trao đổi nghiệp vụ công tác văn phòng đối với các văn phòng cấp uỷ, các cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương.

II- Tổ chức bộ máy, chế độ làm việc.

1- Căn cứ vào quyết định này, Văn phòng Trung ương tổ chức sắp xếp bộ máy, xây dựng quy chế, quy trình công tác để bảo đảm thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.

2- Chế độ làm việc :

Văn phòng Trung ương làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chánh Văn phòng Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức, lãnh đạo, điều hành công việc chung của Văn phòng. Giúp việc Chánh Văn phòng có một số Phó Văn phòng.

- Chánh Văn phòng Trung ương được ký thừa lệnh Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị một số thông tri, thông báo, điện mật, công văn chỉ đạo công tác và chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị; được yêu cầu các ban, ngành, cấp ủy đảng cung cấp các thông tin cần thiết cho việc theo dõi nắm tình hình chuẩn bị các đề án, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

- Chánh Văn phòng Trung ương được cử chuyên viên nghiên cứu tổng hợp, địa phương của Văn phòng Trung ương dự các cuộc họp kiểm điểm và bàn chủ trương công tác lớn của các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi được phân công theo dõi.

Quyết định này thay thế Quyết định số 64-QĐ/TW ngày 10-3-1993 và có hiệu lực từ ngày ký.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Phạm Thế Duyệt