Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 71/2008/QĐ-UBND

Tân An, ngày 16 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ CỦA TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2009- 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 57/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/5/2008 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành quy định sử dụng, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề;
Căn cứ Quyết định số 13/2008/QĐ-UBND ngày 28/3/2008 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03/4/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển đào tạo nghề giai đoạn 2008- 2010 và những năm tiếp theo;
Theo đề nghị của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tại tờ trình số 1717/TTr-SLĐTBXH ngày 28/11/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Đề án đào tạo giáo viên dạy nghề của tỉnh Long An giai đoạn 2009- 2015.

Điều 2. Giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai thực hiện đề án đạt hiệu quả cao.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐ- TBXH;
- Cục kiểm tra VB.QPPL-Bộ Tưpháp;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh (VX);
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, V.
D:Van/QD-DAGVdaynghe

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Dương Quốc Xuân

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ CỦA TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2009-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2008/QĐ-UBND ngày /12/2008 của UBND tỉnh)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2009- 2015

I. CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ PHÁT TRIỂN DẠY NGHỀ:

Trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Đảng và nhà nước coi việc phát triển dạy nghề có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước như Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã khẳng định và Đại hội X của Đảng tiếp tục thực hiện.

Trên cơ sở đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ VII đề ra 4 chương trình trọng điểm và tiếp tục thực hiện trong Đại hội VIII, trong đó có chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực; ngày 26/02/2002 UBND tỉnh ra quyết định số 645/2002/QĐ-UB ban hành chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực của tỉnh Long An giai đoạn 2001-2005 và đến năm 2010; quyết định số 4446/2005/QĐ-UBNB ngày 16/11/2005 phê duyệt kết quả thực hiện chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực giai đoạn 2001-2005 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2006-2010.

 Căn cứ quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005- 2010”, UBND tỉnh có kế hoạch số 2551/KH-UB ngày 23/6/2005 thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh Long An.

Ngày 20/01/2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 20/2006/QĐ-TTg về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010.

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03/4/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Long An về phát triển đào tạo nghề giai đoạn 2006- 2010 và những năm tiếp theo. Ngày 28/3/2008 UBND tỉnh ban hành quyết định số 13/2008/QĐ-UBND về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03/4/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển đào tạo nghề giai đoạn 2008- 2010 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Long An.

Trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, nhu cầu quy mô đào tạo nguồn lao động kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh xây dựng đề án đào tạo giáo viên dạy nghề giai đoạn 2009-2015 với nội dung sau:

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN TRONG THỜI GIAN QUA:

1. Mạng lưới cơ sở dạy nghề:

Hiện nay, toàn tỉnh có 4 cơ sở dạy nghề công lập (03 trường trung cấp nghề, 01 trung tâm dạy nghề); 09 cơ sở dạy nghề tư thục, trong đó: 05 cơ sở đang họat động (01 trường cao đẳng nghề, 02 trung tâm dạy nghề, 02 lớp dạy nghề của các doanh nghiệp), 01 cơ sở đang lập thủ tục đầu tư xây dựng, 03 cơ sở đang lập thủ tục thành lập (01 trường cao đẳng nghề, 02 trường trung cấp nghề); 05 cơ sở khác (02 trường trung cấp chuyên nghiệp, 02 trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp-giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm giới thiệu việc làm) có tham gia dạy nghề (xem phụ lục 1 đính kèm).

Theo đề án quy hoạch bổ sung mạng lưới dạy nghề tỉnh Long An đến năm 2010, toàn tỉnh có 04 cơ sở dạy nghề trực thuộc Sở Lao động- TBXH được nâng cấp thành 04 trường trọng điểm của tỉnh, thành lập mới 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện, 05 cơ sở của các sở ngành có tham gia đào tạo nghề.

2. Kết quả đào tạo nghề:           

Quy mô đào tạo nghề tăng lên hàng năm:

- Năm 2006 tăng 6,7% so với năm 2005.

- Năm 2007 tăng 24,82% so với năm 2006. Luật Dạy nghề có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2007, chuyển đổi công tác dạy nghề từ 2 hệ dài hạn và ngắn hạn sang 3 cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề; công tác tuyển sinh cũng được thực hiện theo hướng đổi mới theo quy chế tuyển sinh học nghề (ban hành kèm theo Quyết định số 08/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 26/3/2007 của Bộ LĐTBXH). Sở LĐTBXH hướng dẫn các CSDN đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Năm 2007 chỉ tiêu đào tạo nghề đạt 107,20%, trong đó cao đẳng nghề, trung cấp nghề đạt 100,17% và sơ cấp nghề đạt 109,39% so với kế hoạch (trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn là 4.901 người, người tàn tật là 34 người).

(xem phụ lục 2 đính kèm)

3. Đội ngũ giáo viên dạy nghề:

Hiện nay, toàn tỉnh có 234 giáo viên dạy nghề tham gia giảng dạy ở các cơ sở dạy nghề, với trình độ được phân ra như sau: trên đại học 18 giáo viên, đại học 136 giáo viên, cao đẳng 42 giáo viên, trung cấp (CNKT) 38 giáo viên. Trong đó có 172 giáo viên đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề.

(xem phụ lục 3 đính kèm)

4. Đánh giá công tác đào tạo nghề trong thời gian qua:

a. Mặt đạt được:

- Các cơ sở dạy nghề thực hiện đa dạng hoá hình thức và ngành nghề đào tạo, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn lao động cho các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh và yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Sau khi tốt nghiệp trên 90% lao động được giới thiệu có việc làm, số còn lại tự tạo việc làm.

- Quy định mới của Luật Dạy nghề được triển khai kịp thời, tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề tiếp cận và chuyển đổi hoạt động từ dạy nghề dài hạn, ngắn hạn sang 3 cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề.

- Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được các cơ sở dạy nghề, các ngành đoàn thể tham gia thực hiện với nhiều ngành nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và chuyển đổi cơ cấu lao động.

- Chủ trương xã hội hóa hoạt động dạy nghề bước đầu tạo được sự tham gia của xã hội, tạo phong trào học tập nghề nghiệp sâu rộng trong nhân dân nhất là lực lượng thanh niên.

b. Mặt hạn chế:

- Đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu so với nhu cầu, phần lớn giáo viên trẻ mới ra trường, thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy và hạn chế về kỹ năng thực hành. Trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học có quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu và chưa theo kịp với công nghệ mới trong các cơ sở sản xuất.

- Chất lượng dạy nghề tuy có nâng lên nhưng các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và phát triển ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Về công tác quản lý dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; tổ chức quản lý học sinh; xây dựng môi trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân của việc hạn chế:

- Nhận thức của người dân và lao động về học nghề chưa cao. Công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa làm chuyển biến nhận thức của người lao động về tính thiết thực của việc học nghề, đa số học sinh vẫn muốn chọn con đường học để làm “thầy”, ít chọn con đường học để làm “thợ”. Việc phân luồng đào tạo đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, đặc biệt là đối với học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở chưa được đẩy mạnh.

- Việc đầu tư cho dạy nghề chưa tương xứng với qui hoạch và yêu cầu phát triển. Cơ chế, chính sách và biện pháp tổ chức thực hiện về xã hội hoá dạy nghề của tỉnh chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội tham gia.

- Chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy chậm được đổi mới. Phương thức đào tạo chưa phát huy đựoc tính chủ động, sáng tạo của người học. Đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng, hạn chế về kỹ năng thực hành nên chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

III. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2009- 2015:

Long An là cửa ngõ đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, được gia nhập vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên thu hút khá nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 khu và 43 cụm công nghiệp, có 3.843 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 32.101 tỷ đồng; có 219 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 2.146 triệu USD, hiện có 102 dự án đi vào hoạt động, 116 dự án đang triển khai với tổng vốn thực hiện 947 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 70.000 lao động. Trong thời gian tới, khi các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, nhu cầu lao động, đặc biệt là lao động qua đào tạo nghề rất lớn. Mặt khác, dân số trong độ tuổi lao động tăng lên hàng năm, cùng với số lao động chưa qua đào tạo, lao động chưa có việc làm, lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề năm trước chuyển sang và việc thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở sẽ tạo áp lực lớn đối với sự nghiệp đào tạo nghề của tỉnh.

Trong khi đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề hiện có rất ít; đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực thực hành, một số chưa đạt chuẩn theo quy định. Xuất phát từ yêu cầu bức xúc nêu trên, việc xây dựng đề án đào tạo giáo viên dạy nghề tỉnh Long An giai đoạn 2009- 2015 là rất cần thiết vì những lý do sau:

- Quy mô đào tạo nghề tăng lên hàng năm, đòi hỏi phải có mạng lưới cơ sở dạy nghề hợp lý và đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo quy định.

- Công tác đào tạo giáo viên dạy nghề phải được thực hiện có kế hoạch và lộ trình cụ thể để đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

- Phần lớn các giáo viên dạy nghề tốt nghiệp ở các trường không phải là đại học sư phạm kỹ thuật, chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Phần II

MỤC TIÊU, KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2009- 2015

I. DỰ BÁO NHU CẦU GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ:

Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, đề ra chỉ tiêu đến năm 2010 đưa lao động trong vùng kinh tế trọng điểm qua đào tạo 50%, đến năm 2020 lao động qua đào tạo 70%.

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03/4/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển đào tạo nghề giai đoạn 2006- 2010 và những năm tiếp theo; Quyết định số 13/2008/QĐ-UBND ngày 28/3/2008 của UBND tỉnh Long An ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đề ra chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 là 50%, trong đó lao động qua đào tạo nghề 30%; đến năm 2015 là 60%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 40%; đến năm 2020 là 70%, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 50%.

Nhu cầu giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh Long An:

* Đến năm 2015 là 1.013 người, trong đó trình độ sau đại học 101 người, đại học 912 người. Trong đó:

* Các cơ sở dạy nghề công lập:

- Thuộc ngành LĐTBXH quản lý: 580 người, trong đó trình độ sau đại học 58 người, đại học 522 người

- Ngoài ngành LĐTBXH quản lý: 64 người, trong đó trình độ sau đại học 5 người, đại học 59 người.

* Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập 369 người, trong đó trình độ sau đại học 38 người, đại học 331 người (xem phụ lục 4,5)

II. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ:

1. Mục tiêu chung:

Nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề của tỉnh được chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp dạy nghề trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đảm bảo đủ giáo viên dạy nghề theo các trình độ đào tạo, đủ về số lượng và cơ cấu ngành nghề phù hợp với qui mô đào tạo và đảm bảo tỷ lệ 20 học sinh/1 giáo viên.

- 100% giáo viên đạt chuẩn đào tạo về lý thuyết, thực hành, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và chuẩn về phẩm chất đạo đức theo quy định. Đồng thời, có trình độ tin học, ngoại ngữ tương ứng để có thể áp dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

- 10% giáo viên đạt trình độ sau đại học.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, đến năm 2015 các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh phải tuyển dụng bổ sung 779 giáo viên có trình độ đại học (công lập 463 giáo viên, ngoài công lập 316 giáo viên); đưa đi đào tạo sau đại học 83 giáo viên (công lập 58 giáo viên, ngoài công lập 25 giáo viên); đào tạo hoàn chỉnh đại học 33 giáo viên công lập hiện có; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm 607 giáo viên (công lập 358 giáo viên, ngoài công lập 249 giáo viên) (xem phụ lục 6).

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Đào tạo, tuyển dụng:

Để có thể tuyển dụng đủ số lượng giáo viên dạy nghề theo mục tiêu đề ra, cần hỗ trợ cho những người tốt nghiệp đại học, có nguyện vọng trở thành giáo viên tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, cam kết phục vụ từ 10 năm trở lên, với mức hỗ trợ cụ thể là được cấp 100% học phí, hỗ trợ tiền ăn 300.000 đ/người/tháng, hỗ trợ tiền ở 150.000đ/người/tháng cho toàn bộ thời gian đã học (bình quân 4,5 năm). Các đối tượng được hỗ trợ, nếu không phục vụ như cam kết phải bồi thường kinh phí được cấp theo quy định hiện hành. Giải pháp đào tạo, tuyển dụng sau:

a. Tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đại học:

Những sinh viên mới tốt nghiệp đại học, có nguyện vọng làm giáo viên dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, cam kết phục vụ từ 10 năm trở lên được ký kết hợp đồng tuyển dụng và được hưởng chế độ hỗ trợ với mức như khoản 1, mục III, phần II của đề án. Dự kiến áp dụng giải pháp nầy đến năm 2015 sẽ tuyển dụng được 40% nhu cầu giáo viên dạy nghề, cụ thể là tuyển dụng được: 779 GV x 40% = 312 GV (công lập185 GV, ngoài công lập 127 GV).

b. Tuyển dụng sinh viên đang học ở các trường đại học:

Hàng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nội vụ làm việc với trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, các trường đại học công lập khác trong khu vực có ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu ngành nghề cần tuyển dụng giáo viên của tỉnh để nắm được số sinh viên Long An đang theo học, lập kế hoạch sơ tuyển, nếu đạt yêu cầu thì ký kết hợp đồng cam kết. Những sinh viên được hợp đồng (cam kết làm giáo viên dạy nghề tại tỉnh sau khi tốt nghiệp từ 10 năm trở lên) sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ cho toàn bộ thời gian học với mức như như khoản 1, mục III, phần II của đề án. Dự kiến áp dụng giải pháp nầy đến năm 2015 sẽ tuyển dụng được 50% nhu cầu giáo viên dạy nghề, cụ thể là tuyển được: 779 x 50% = 390 GV (công lập 232 GV, ngoài công lập 158 GV)

c. Tuyển dụng để đào tạo mới:

Hàng năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nội vụ tổng hợp nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo từng ngành nghề đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Đối với những ngành nghề không tuyển dụng được giáo viên, liên kết với các trường đại học trong khu vực để mở lớp đào tạo tại Long An (nếu tuyển đủ chỉ tiêu). Các sinh viên theo học các lớp nầy phải cam kết làm giáo viên dạy nghề và phục vụ từ 10 năm trở lên, thì sẽ được ký kết hợp đồng và nhận hỗ trợ với mức như khoản 1, mục III; đối với các ngành nghề kỹ thuật cao hoặc nhu cầu ít Sở LĐTBXH sẽ lập kế hoạch, lựa chọn đối tượng, nếu đạt yêu cầu ký kết hợp đồng cam kết, gởi đi đào tạo ở các trường đại học chuyên ngành và các đối tượng nầy được hưởng các chế độ hỗ trợ như khoản 1, mục III, phần II của đề án. Dự kiến áp dụng giải pháp nầy sẽ tuyển dụng được số giáo viên còn lại là 77 GV (công lập 46 GV, ngoài công lập 31 GV)

* Kinh phí đào tạo, tuyển dụng giáo viên: 29.796.750.000 đ, trong đó:

- Cơ sở dạy nghề công lập: 17.709.750.000 đ

- Cơ sở dạy nghề tư thục: 12.087.000.000 đ       

2. Đào tạo sau đại học:

Thời gian đào tạo 2 năm đối với người có trình độ đại học, mức hỗ trợ thực hiện theo Quyết định số 2751/2002/QĐ-UB ngày 23/8/2002 của UBND tỉnh về việc ban hành chế độ trợ cấp đối với cán bộ công chức đi học, cán bộ công chức được điều động tăng cường về công tác ở các xã và chính sách thu hút nhân tài; Quyết định số 23/2007/QĐ-UBND ngày 25/6/2007 của UBND tỉnh về việc sửa đối, bổ sung chế độ đi học cho cán bộ, công chức, viên chức.

- Kinh phí: 4.814.000.000 đồng, trong đó:

. Cơ sở dạy nghề công lập: 3.364.000.000 tỷ đồng.

. Cơ sở dạy nghề ngoài công lập: 1.450.000.000 tỷ đồng.

 3. Bồi dưỡng:

a. Bồi dưỡng hoàn chỉnh đại học:

Thời gian đào tạo 2 năm với người có trình độ cao đẳng, kinh phí thực hiện theo Quyết định số 2751/2002/QĐ-UB ngày 23/8/2002 của UBND tỉnh về việc ban hành chế độ trợ cấp đối với cán bộ công chức đi học, cán bộ công chức được điều động tăng cường về công tác ở các xã và chính sách thu hút nhân tài; Quyết định số 23/2007/QĐ-UBND ngày 25/6/2007 của UBND tỉnh về việc sửa đối, bổ sung chế độ đi học cho cán bộ, công chức, viên chức.

Kinh phí: 858.000.000 đồng.       

b. Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề:

Đối với những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học không phải là Trường đại học Sư phạm kỹ thuật đang công tác ở các đơn vị dạy nghề, hàng năm Sở LĐTBXH liên hệ các đơn vị có chức năng đào tạo để mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề theo quy định.

Dự kiến 70% giáo viên tuyển mới không phải tốt nghiệp trường đại học sư phạm kỹ thuật phải bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề: 779 GV x 70% = 545 GV. Giáo viên hiện có chưa hoàn chỉnh sư phạm dạy nghề: 234GV–172 GV= 62 GV.

Số lượng giáo viên cần bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề là 545 GV + 62 GV = 607 GV (trong đó các cơ sở dạy nghề công lập là 358 người, cơ sở dạy nghề ngoài công lập là 249 người).

Kinh phí: 1.681.390.000 đồng, trong đó:

. Cơ sở dạy nghề công lập: 991.660.000 đ

. Cơ sở dạy nghề ngoài công lập: 689.730.000 đ

Tổng kinh phí bồi dưỡng hoàn chỉnh đại học và nghiệp vụ sư phạm 2.539.390.000 đồng, trong đó:

. Cơ sở dạy nghề công lập: 1.849.660.000 đồng.

. Cơ sở dạy nghề ngoài công lập: 689.730.000 đồng.

c. Bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ:

Giáo viên dạy nghề được tuyển dụng đều tốt nghiệp đại học, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành các giáo viên nầy phải có chứng chỉ B ngoại ngữ, nên đơn vị không phải bồi dưỡng. Về tin học, đây là một nghề thông dụng đa số các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đều có mở lớp giảng dạy nên việc bồi dưỡng kiến thức tin học trình độ B cho giáo viên do đơn vị tự tổ chức thực hiện, kinh phí từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

Đối với các giáo viên ở các cơ sở dạy nghề công lập, tốt nghiệp đại học, cao đẳng những năm trước đây cần bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học trình độ B thì hàng năm đơn vị lập kế hoạch đăng ký với Sở Nội vụ. Trên cơ sở nhu cầu bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ của cán bộ, công chức, hàng năm Sở Nội vụ sẽ liên kết với các đơn vị có chức năng để tổ chức đào tạo với kinh phí từ nguồn kinh phí đào tạo cán bộ, công chức tỉnh.

4. Tổng hợp nhu cầu kinh phí đào tạo 37.150.140.000 đ, gồm:

- Đào tạo, tuyển dụng: 29.796.750.000 đồng.

- Đào tạo sau đại học: 4.814.000.000 đồng.

- Bồi dưỡng: 2.539.390.000 đồng.

Trong đó:

 Các cơ sở dạy nghề công lập: 22.923.410.000 đồng.

 Các cơ sở dạy nghề tư thục: 14.226.730.000 đồng.

(xem Phụ lục 7)

* Về nguồn kinh phí thực hiện:

- Đối với các cơ sở dạy nghề công lập: kinh phí tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề chi từ nguồn ngân sách nhà nước, chia ra như sau:

+ Ngân sách tỉnh thuộc nguồn kinh phí Chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực.

 + Ngân sách Trung ương từ nguồn kinh phí dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo (chủ yếu chi bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm).

- Đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập: kinh phí tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề do cơ sở ngoài công lập chi trả và đóng góp của người học.

5. Lộ trình thực hiện việc tuyển dụng, đào tạo giáo viên các cơ sở dạy nghề công lập:

- Dự kiến từ năm 2009 đến năm 2015 sẽ tiến hành tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cho các giáo viên dạy nghề của các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc ngành Lao động- Thương binh và Xã hội để đảm bảo mục tiêu của đề án theo lộ trình sau:

Năm

Tuyển dụng (người)

Đào tạo sau đại học (người)

Bồi dưỡng

Kinh phí ( triệu đồng)

 

SV mới ra trường

SV đang học

Đào tạo mới

Tổng cộng

Ngân sách Trung ương

Ngân sách tỉnh

 

Hoàn chỉnh đại học

Nghiệp vụ sư phạm

 

2009

15

32

 

5

10

45

1.603,4

124,65

1.478,75

 

2010

40

50

26

13

10

28

3.865,06

77,56

3.787,5

 

2011

40

50

20

15

13

50

4.910

138,5

4.771,5

 

2012

30

50

 

15

 

50

4.628,5

138,5

4.490

 

2013

20

50

 

10

 

50

3.982

138,5

3.843,5

 

2014

20

 

 

 

 

70

2.479,4

193,9

2.285,5

 

2015

20

 

 

 

 

65

1.455,05

180,05

1.275

 

 

185

232

46

58

33

358

22.923,41

991,66

21.931,75

 

- Về chế độ, chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nêu trong đề án là áp dụng theo mức học phí của các cơ sở đào tạo đại học công lập và chính sách hỗ trợ của tỉnh tại thời điểm xây dựng đề án. Trong quá trình triển khai đề án nếu học phí và chính sách hỗ trợ có thay đổi sẽ vận dụng theo quy định mới (nếu có).

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở L­ao động- Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động của đề án; xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề hàng năm theo lộ trình thực hiện của đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

- Phối hợp với Sở Nội vụ:

. Tuyển dụng giáo viên dạy nghề theo lộ trình tuyển dụng trong đề án; liên hệ với các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh và trong khu vực nắm lại số sinh viên là con em Long An đang theo học ở trường, lập kế hoạch sơ tuyển, nếu đạt yêu cầu thì làm hợp đồng cam kết, hỗ trợ kinh phí cho toàn khóa học và sẽ tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

. Tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách sử dụng hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích giáo viên dạy nghề tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo quy định.

- Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng sư phạm kỹ thuật trong khu vực hàng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho giáo viên theo lộ trình được phê duyệt trong đề án.

- Quản lý, kiểm tra tình hình thực hiện đề án và định kỳ báo cáo về UBND tỉnh và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

- Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo lộ trình thực hiện của đề án.

2. Sở Nội vụ: phối hợp với Sở LĐTBXH:

. Tham mưu UBND tỉnh trong việc giao chỉ tiêu biên chế hàng năm cho các cơ sở dạy nghề công lập trực thuộc Sở LĐTBXH theo quy định.

. Tuyển dụng giáo viên dạy nghề theo lộ trình tuyển dụng trong đề án; ký kết hợp đồng cam kết và hỗ trợ kinh phí toàn bộ khóa học cho các sinh viên đang học ở các trường đại học trong khu vực với ngành nghề phù hợp nhu cầu tuyển dụng của tỉnh.

- Hướng dẫn, theo dõi, giám sát công tác tuyển dụng, bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong các cơ sở dạy nghề công lập theo quy định hiện hành.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện các nội dung đã được phê duyệt của đề án.

3. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở LĐTBXH lập dự toán, kế hoạch ngân sách hàng năm để phân bổ kinh phí thực hiện đề án.

- Tham mưu UBND tỉnh bổ sung, điều chỉnh các tiêu chuẩn, định mức tài chính (nếu có) để đảm bảo thực hiện đề án đạt hiệu quả.

- Phối hợp với Sở LĐTBXH, Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan xây dựng trình UBND tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích, thu hút giáo viên dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở LĐTBXH, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tổng hợp chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề hàng năm để đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Tài chính trong việc bố trí kinh phí từ ngân sách để thực hiện đạt hiệu quả các nội dung của đề án.

5. Các cơ sở dạy nghề:

- Căn cứ vào yêu cầu phát triển của đơn vị và nhu cầu thực tế về đội ngũ giáo viên từ nay đến năm 2015 để xây dựng kế hoạch và đề xuất việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho từng năm và giai đoạn; báo cáo tình hình thực hiện về Sở LĐTBXH để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ LĐTBXH.

- Bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kinh phí trong khả năng có được để giáo viên dạy nghề tham gia học tập và bồi dưỡng theo quy định.

6. Các Sở ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã căn cứ Đề án này và trong phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa phương tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện Đề án này.

Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp báo cáo, đề xuất và trình UBND tỉnh xem xét quyết định./.

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ HIỆN CÓ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

TT

Tên cơ sở dạy nghề

Địa chỉ

Ghi chú

I

Các CSDN công lập

 

 

a

Ngành LĐTBXH quản lý

 

 

1

Trường TCN Long An

294/26, QL 62, P.2, thị xã Tân An, tỉnh Long An

 

2

Trường TCN Đức Hòa

Ô 5, khu B, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, Long An

 

3

Trường TCN Đồng Tháp Mười

Xã Tuyên Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An

 

4

Trung tâm dạy nghề Cần Giuộc

Xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

 

b

Các đơn vị có tham gia dạy nghề

 

 

5

Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Long An

277, QL1, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An

Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý

6

Trường Trung học Y tế Long An

P.6, thị xã Tân An, tỉnh Long An

Sở Y tế quản lý

7

Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Long An

132 Nguyễn Thị Bảy, P.6, thị xã Tân An, tỉnh Long An

Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý

8

Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Võ Văn Tần

KV3, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý

9

Trung tâm GTVL Long An

Số 78, QL 1A, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý

II

Các CSDN tư thục

 

 

a

Các đơn vị đã có quyết định thành lập

 

 

10

Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ LADEC

132 Nguyễn Thị Bảy, P.6, thị xã Tân An, tỉnh Long An

Hoạt động từ năm 2007

11

Trung tâm đào tạo kỹ thuật giao thông Long An

Ấp Bình Cang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An

Hoạt động từ năm 2007

12

Lớp dạy nghề của Công ty TNHH TM –DV Đông Nam Á

147 – 149 Quốc lộ 62, P. 6, thị xã Tân An, tỉnh Long An.

Hoạt động từ năm 2007

13

Trung tâm dạy nghề Anh Việt

312 Hùng Vương, P.3, thị xã Tân An, tỉnh Long An

Hoạt động từ năm 2008

14

Lớp dạy nghề của Công ty THNN 01 thành viên Đông Nghi

Khu phố Quyết Thắng 1, phường Khánh Hậu, thị xã Tân An, tỉnh Long An

Hoạt động từ năm 2008

15

Trung tâm dạy nghề công nghệ ứng dụng Tân Đức

Lô TG1, đường số 14 A, khu dân cư Tân Đức giai đoạn 1, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Đang lập dự án xây dựng Trung tâm dạy nghề tại huyện Đức Hòa

b

Các đơn vị đang lập thủ tục thành lập

 

 

16

Trường Cao đẳng nghề Tây Sài Gòn

Địa điểm đầu tư tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An

 

17

Trường Trung cấp nghề của Công ty cổ phần Long Hậu

Địa điểm đầu tư tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

 

18

Trường Trung cấp nghề của Công ty TNHH Hoa Đăng Khánh

Địa điểm đầu tư tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An

 

 

PHỤ LỤC 2

THỐNG KÊ KẾT QUẢ ĐÀO TẠO NGHỀ TỪ NĂM 2005 – 2007

STT

Nội dung

Kế hoạch (người)

Thực hiện (người)

Tỷ lệ % so với kế hoạch

Ghi chú

1

Năm 2005

9.300

10.062

108,19

 

 

- Dài hạn

1.450

1.506

103,86

 

 

-Ngắn hạn

7.850

8.556

108,99

 

 

+ Dạy nghề cho LĐ nông thôn

 

2.743

 

 

 

+ Dạy nghề cho người tàn tật

 

20

 

 

2

Năm 2006

10.085

10.713

106,23

 

 

- Dài hạn

1.650

1.654

100,24

 

 

-Ngắn hạn

8.435

9.059

107,40

 

 

+ Dạy nghề cho LĐ nông thôn

 

2.789

 

 

 

+ Dạy nghề cho người tàn tật

 

24

 

 

3

Năm 2007

12.475

13.373

107,20

 

 

- Cao đẳng nghề

700

694

99,14

 

 

- Trung cấp nghề

2.260

2.271

100,49

 

 

- Sơ cấp nghề

9.515

10.408

109,39

 

 

+ Dạy nghề cho LĐ nông thôn

 

4.901

 

 

 

+ Dạy nghề cho người tàn tật

 

34

 

 

 

PHỤ LỤC 3

THỐNG KÊ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ HIỆN CÓ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

STT

Tên cơ sở dạy nghề

Tổng số giáo viên hiện có

Phân ra theo trình độ chuyên môn

Nghiệp vụ sư phạm dạy nghề

Tỷ lệ quy đổi HS/GV

Trên đại học

Đại học

Cao đẳng

Trung cấp

I

Các CSDN công lập và cơ sở khác có tham gia dạy nghề do ngành LĐTBXH quản lý

117

0

77

33

7

83

31,34

1

Trường TCN Long An

36

 

21

11

4

23

27,8

2

Trường TCN Đức Hòa

24

 

15

8

1

17

34

3

Trường TCN Đồng Tháp Mười

17

 

10

7

 

10

20,9

4

Trung tâm dạy nghề Cần Giuộc

17

 

11

6

 

11

26,4

5

Trung tâm Giới thiệu việc làm Long An

23

 

20

1

2

22

45,48

II

Các cơ sở công lập ngoài ngành LĐTBXH có tham gia dạy nghề

64

5

35

9

15

64

10,5

6

Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Long An

27

 

13

6

8

27

5,9

7

Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Long An

9

 

5

2

2

9

8,3

8

Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Võ Văn Tần

3

 

1

1

1

3

19

9

Trường trung học Y tế Long An

25

5

16

 

4

25

15,2

III

Các CSDN tư thục

53

13

24

 

16

25

17,94

10

Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ LADEC

30

12

17

 

1

25

23,5

11

Trung tâm đào tạo kỹ thuật giao thông Long An

17

 

3

 

14

 

10,59

12

Trung tâm dạy nghề Anh Việt (mới thành lập, chưa đăng ký hoạt động)

 

 

 

 

 

 

 

13

Trung tâm dạy nghề công nghệ ứng dụng Tân Đức (mới thành lập, chưa đăng ký hoạt động)

 

 

 

 

 

 

 

14

Lớp dạy nghề của Công ty TNHH TM –DV Đông Nam Á

5

1

4

 

 

 

9

15

Lớp dạy nghề của Công ty THNN 01 thành viên Đông Nghi

1

 

 

 

1

 

21

 

Tổng cộng:

234

18

136

42

38

172

22,6

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 71/2008/QĐ-UBND ban hành Đề án đào tạo giáo viên dạy nghề của tỉnh Long An giai đoạn 2009- 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành

  • Số hiệu: 71/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Dương Quốc Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản