Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
PHỦ THỦ TƯỚNG ******* Số : 70-TTg | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******* Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 1962 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN SỨC KHỎE CHO NGƯỜI LÁI XE ĐƯỜNG BỘ CÓ ĐỘNG CƠ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào sự phát triển sử dụng các loại xe có động cơ nhằm phục vụ cho kế hoạch xây dựng kiến thiết nước nhà:
Xét tình hình sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới hiện nay:
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Để bảo đảm an toàn cho nhân dân kể cả bản thân những người lái các loại phương tiện giao thông cơ giới, nay ban hành, kèm theo quyết định này, điều lệ quy định điều kiện sức khỏe cho những người lái các loại xe có động cơ.
Điều 2. – Các Bộ Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh, chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
ĐIỀU LỆ
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN SỨC KHỎE CHO NHỮNG NGƯỜI LÁI CÁC LOẠI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CÓ ĐỘNG CƠ, TRỪ NHỮNG NGƯỜI LÁI XE ĐIỆN (SẼ CÓ QUY ĐỊNH RIÊNG)
Chương 1:
PHÂN LOẠI CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÓ ĐỘNG CƠ
Điều 1. – Những người lái các loại phương tiện giao thông đường bộ có động cơ kê dưới đây:
a) Xe mô-tô (dung tích máy trên 50 phân khối, cyclo máy, xe side-car, ô tô du lịch, ô tô con trọng tải dưới 1 tấn;
b) Xe ô tô trọng tải từ 1T đến dưới 3T5 và máy kéo;
c) Xe ô tô trọng tải từ 3T5 trở lên, bắt buộc phải có đủ điều kiện sức khỏe mới được lái.
Điều 2. – Những người lái các loại xe đạp máy (dung tích máy không quá 50 phân khối) không phải có giấy chứng nhận sức khỏe về lái xe.
Chương 2:
ĐIỀU KIỆN SỨC KHỎE
1. Điều kiện về mắt
Điều 3. – Những người lái các loại phương tiện giao thông đường bộ có động cơ nói ở điều 1, thị lực sau khi điều chỉnh bằng kính bắt buộc phải đảm bảo điều kiện dưới đây:
Hai mắt cộng lại 16/10.
Điều 4. – Những người lái các loại phương tiện giao thông đường bộ có động cơ nói ở điều I, nếu mắt bị một trong bảy trường hợp dưới đây thì không được lái:
1. Mắt đeo kính cận thị quá 7 dioptries
2. Mắt đeo kính viễn thị quá 7 dioptries
3. Mắt đeo kính loạn thị quá 4 dioptries
4. Thị trường bị thu hẹp (rétrécissement du champ visuel) quá 20 độ.
5. Các cân chuyển vận mắt bị tê liệt hoặc có tật hạn chế sự vận chuyển nhãn cầu.
6. Mắt bị quáng gà (hémeralogie) hoặc bị loạn sắc (daltonisme).
7.Có các bệnh của võng mạc hoặc của thị giác thần kinh đang tiến triển.
Những người mà bệnh của võng mạc hoặc của thị giác thần kinh đã được ổn định và các điều kiện về thị lực, thị trường đầy đủ có thể được tạm thời lái xe do bác sĩ chuyên khoa xét và quyết định thời gian tạm thời đó.
2. Điều kiện về tay.
Điều 5. – Những người lái các loại mô-tô và side-car, tay phải cũng như tay trái phải có ít nhất 4 ngón (ngón thiếu chỉ có thể là ngón út).
Điều 6. – Những người lái các loại xe đã quy định ở điểm b, điều 1, thuộc chương I:
- Tay phải: phải có 4 ngón (trong đó bắc buộc phải có ngón cái).
- Tay trái: phải có 3 ngón (trong đó bắt buộc phải có ngón cái).
Điều 7. – Những người lái các loại xe đã quy định ở điểm bảo vệ đê điều, điều 1, thuộc chương I:
- Tay phải: phải có 4 ngón (ngón thiếu chỉ có thể là ngón út).
- Tay trái: phải có 4 ngón (trong đó bắt buộc phải có ngón cái).
3. Điều kiện về chân
Điều 8. – Những người lái các loại phương tiện giao thông đường bộ có động cơ vận động của hai chân bắt buộc phải bình thường mới được lái.
Điều 9. – Những người đã có bằng lái, nhưng vì tai nạn hoặc bệnh tật phải cắt bỏ 1 bàn chân hoặc 1 cẳng chân và đã được lắp chân giả tốt, nếu muốn tiếp tục lái xe, bắt buộc phải thi lại phần thực nghiệm và phải được y, bác sĩ cho phép mới được thi.
4. Điều kiện về tai.
Điều 10. – Những người lái các loại phương tiện giao thông đường bộ có động cơ nói ở điều 1, mỗi tai bắt buộc phải có đủ ba tiêu chuẩn dưới đây:
1. Nói thường nghe rõ ở khoảng cách 5 thước.
2. Nói thầm nghe rõ ở khoảng cách 0 thước 50.
3. Phải phân biệt được các phương hướng âm thanh đưa đến.
5. Điều kiện về thần kinh
Điều 11. - Những người lái các loại phương tiện giao thông đường bộ có động cơ nói trong điều lệ này các phản xạ tay chân phải bình thường mới được lái.
Điều 12. – Những người mắc bệnh động kinh cấm không được lái bất cứ loại xe nào trong điều lệ này.
6. Điều kiện về tim.
Điều 13. – Những người mắc bệnh dưới đây, không được lái bất cứ loại xe nào nói trong điều lệ này:
1. Có cơn đau ngực (angor pectoris),
2. Có bệnh phồng động mạch chủ.
Điều 14. – Những người mắc các bệnh dưới đây, không được lái các loại xe nói ở điểm b và c trong điều 1:
1. Có bệnh thiếu năng tim,
2. Có bệnh ở “van tim”.
Còn những người lái các loại xe nói ở điểm a điều 1 nếu mắc các bệnh nói trên sẽ do y, bác sĩ xem xét quyết định.
7. Điều kiện về thể lực
Điều 15. – Những người lái các loại xe ô tô trọng tải từ 1 tấn đến 3 tấn 5 và máy kéo phải có đủ tiêu chuẩn về thể lực dưới đây:
- Chiều cao từ 1 thước 50 trở lên,
- Cân nặng từ 46 cân trở lên,
- Vòng ngực từ 80 phân trở lên.
Điều 16. – Những người lái các loại xe ô tô trọng tải từ 3T5 trở lên phải có đủ tiêu chuẩn về thể lực dưới đây:
- Chiều cao từ 1 thước 55 trở lên,
- Cân nặng từ 48 cân trở lên,
- Vòng ngực từ 82 phân trở lên.
Điều 17. – Những người lái các loại xe ô tô du lịch, ô tô con trọng tải dưới 1 tấn phải cao tối thiểu 1 thước 48.
8. Điều kiện về tuổi.
Điều 18. – Những người lái các loại xe mô tô phải 18 tuổi trở lên mới được lái. Còn các loại xe khác phải 20 tuổi trở lên mới được lái (những quân nhân tại ngũ lái xe quân sự không phải thực hiện điều này).
9. Những bệnh khác.
Điều 19. – Ngoài những điều kiện sức khỏe nói trên, trong khi khám nếu y, bác sĩ thấy có những bệnh khác xét có thể ảnh hưởng đến sức khỏe không đảm bảo lái xe được an toàn, có quyền không cấp giấy chứng nhận sức khỏe.
Chương 3:
1. Giấy chứng nhận sức khỏe.
Điều 20. - Tất cả những người lái chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp các loại phương tiện giao thông đường bộ có động cơ như đã quy định trong điều lệ này, bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe do y, bác sĩ công cấp mới được lái.
Điều 21. – Giấy chứng nhận sức khỏe có giá trị 2 hay 5 năm tùy theo trường hợp người lái là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp nói ở điều 23 dưới đây.
Những giấy chứng nhận sức khỏe cấp theo chế độ cũ vẫn còn giá trị nếu chưa hết hạn 1 năm (theo điều 25 nghị định số 9-NĐ ngày 7-3-1956 của Liên Bộ Giao thông bưu điện – Công an.
Điều 22. - Thời hạn bắt buộc phải khám lại để lấy giấy chứng nhận sức khỏe mới:
1. Đối với những người làm nghề lái chuyên nghiệp giấy chứng nhận sức khỏe có giá trị trong thời hạn 2 năm, khi quá 2 năm (kể từ ngày cấp giấy chứng nhận sức khỏe) bắt buộc phải khám lại để lấy giấy chứng nhận sức khỏe mới.
2. Đối với những người lái không chuyên nghiệp (tự mình lái các loại phương tiện giao thông có động cơ để đi lại làm việc hoặc du lịch) giấy chứng nhận sức khỏe có giá trị trong thời hạn 5 năm, khi quá 5 năm (kể từ ngày cấp giấy chứng nhận sức khỏe) bắt buộc phải khám lại để lại giấy chứng nhận sức khỏe mới.
3. Đối với những người được cấp giấy chứng nhận sức khỏe theo chế độ cũ, khi quá 1 năm (kể từ ngày cấp giấy chứng nhận) bắt buộc phải khám lại để lấy giấy chứng nhận sức khỏe mới.
4. Tất cả những giấy chứng nhận sức khỏe quá các thời hạn quy định ở trên đều không có giá trị.
Điều 23. – Khi thi lấy bằng lái, thí sinh phải nộp giấy chứng nhận sức khỏe mới được cấp chưa quá 6 tháng (kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận sức khỏe đến ngày thi) mới được thi.
Điều 24. – Giấy chứng nhận sức khỏe làm bằng giấy in sẵn theo mẫu kèm theo điều lệ này. ([1])
2. Kiểm soát giấy chứng nhận sức khỏe.
Điều 25. – Các cơ quan Giao thông và các cơ quan Công an có nhiệm kiểm soát giấy chứng nhận sức khỏe của những người lái các loại phương tiện giao thông đường bộ có động cơ nói trong điều lệ này. Những trường hợp đặc biệt như vi phạm nặng luật giao thông, hoặc xảy ra tai nạn, cơ quan Công an hoặc Giao thông có quyền bắt người lái phải khám lại sức khỏe bất thường, nếu có nghi vấn về lý do điều kiện sức khỏe.
3. Phạm vi áp dụng.
Điều 26. – Bản điều lệ này áp dụng cho tất cả công dân Việt Nam và ngoại kiều lái các loại phương tiện giao thông đường bộ có động cơ nói trong điều lệ này.
Ban hành kèm theo Quyết định số 70-TTg ngày 06-7-1962.
Quyết định 70-TTg năm 1962 ban hành điều lệ quy định điều kiện sức khỏe cho người lái xe đường bộ có động cơ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 70-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/07/1962
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 26
- Ngày hiệu lực: 21/07/1962
- Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra