Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/2006/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 10 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành kèm theo Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để B/c);
- Thanh tra Chính phủ (để B/c);
- BCĐTW về Phòng, chống tham nhũng;
- Website Chính phủ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (để B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- VP và các Ban thuộc Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh, Báo Bắc Giang;
- UBMTTQ, các đoàn thể nhân dân của tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- VP UBND tỉnh:
+ LĐVP, trưởng các bộ phận, các CV, Website BG;
+ Lưu: VT, LT, NC.

TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH




Thân Văn Mưu

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA UBND TỈNH BẮC GIANG THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành kèm theo Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh Bắc Giang xây dựng Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu

- Nâng cao ‎ý‎ thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và của mỗi công dân về công tác phòng, chống tham nhũng;

- Khắc phục, hạn chế và từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay;

- Làm cơ sở cho các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; đưa công tác phòng, chống tham nhũng thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hoá nhiệm vụ và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, các cấp, các ngành và từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng;

- Thực hiện ngay và có kết quả một số giải pháp, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể để tạo sự chuyển biến tích cực, thống nhất trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành trong phòng, chống tham nhũng.

II . NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng

- Tổ chức hội nghị cán bộ các cấp (tỉnh, huyện, cơ sở) để tập huấn, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ở tỉnh gắn với Hội nghị việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước;

- Giao Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, tới cán bộ, nhân dân trong tỉnh về nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Các Sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; đồng thời xây dựng kế hoạch hành động cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương; phối hợp với các cơ quan Tư pháp, Báo, Đài phát thanh và truyền hình, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Phòng, chống tham nhũng trong các tầng lớp nhân dân để nhân dân hiểu và giám sát thực hiện.

2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các thể chế, chính sách để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

- Các cấp, các ngành tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chế độ, nội quy, quy chế đã ban hành để sửa đổi, bãi bỏ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ những nội dung, quy định không còn phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời hệ thống hoá những quy định về thủ tục, hành chính và thời hạn giải quyết đối với từng loại công việc của công dân và tổ chức, thực hiện, công bố công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng và nơi công sở để làm căn cứ cho nhân dân thực hiện và giám sát thực hiện.

- Các Sở, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố không được tùy tiện đề ra các thủ tục hành chính ngoài những quy định đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

- Giám đốc các Sở, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát lại toàn bộ quy trình làm việc, quy trình công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý nhằm bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng;

- Giám đốc các Sở, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải xác định kế hoạch cụ thể và trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chương trình cải cách hành chính của UBND tỉnh. Trước hết tập trung vào các lĩnh vực: quản l‎ý nhà đất, xây dựng cơ bản, đăng k‎ý kinh doanh, xét duyệt dự án, cấp vốn ngân sách nhà nước, tín dụng ngân hàng, xuất nhập khẩu, quản l‎ý tài chính và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, xuất nhập cảnh, quản l‎ý‎ hộ khẩu, thuế, hải quan, bảo hiểm...

3. Công tác phòng, chống tham nhũng được tập trung vào các lĩnh vực sau

3.1. Trong công tác tổ chức cán bộ:

- Việc quy hoạch, bổ nhiệm, cất nhắc, đề bạt cán bộ;

- Hợp đồng lao động; thi tuyển, xét tuyển cán bộ, công chức, viên chức;

- Thuyên chuyển, điều động cán bộ, công chức;

- Xử lý cán bộ.

3.2. Trong lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên:

- Giao đất, cho thuê đất, đấu thầu đất; chuyển nhượng đất;

- Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất;

- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Giải quyết các tranh chấp về đất đai;

- Cấp phép khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.

3.3. Trong lĩnh vực đầu tư - xây dựng cơ bản:

- Quản lý các dự án trên địa bàn;

- Trong khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế - tổng dự toán; bổ sung khối lượng - dự toán phát sinh;

- Lựa chọn nhà thầu, đấu thầu, chỉ định thầu;

- Kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công trình;

- Cấp phép và quản lý xây dựng.

3.4. Trong công tác thanh tra, kiểm tra:

- Thanh tra trên các lĩnh vực: kinh tế-xã hội, đất đai, xây dựng, giao thông, tài chính...;

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Xử lý các sai phạm sau thanh tra, kiểm tra (gồm cả xử lý của thanh tra ngành).

3.5. Trong lĩnh vực ngân sách:

- Thu thuế, phí và lệ phí (nhất là thuế ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ);

- Thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng ngân sách (gồm cả quản lý, sử dụng nguồn vốn của các dự án, chương trình, thực hiện chính sách xã hội) và các quỹ (gồm cả những quỹ do nhân dân đóng góp);

- Phân bổ ngân sách (gồm cả phân bổ kinh phí cho các công trình, đề án, đề tài nghiên cứu, ứng dụng...);

- Mua sắm tài sản công;

- Thanh, quyết toán tài chính (gồm cả vốn đầu tư xây dựng cơ bản);

- Định giá, đấu giá, thanh lý tài sản nhà nước; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

3.6. Trong lĩnh vực thương mại:

Đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất và gian lận thương mại.

3.7. Trong lĩnh vực y tế:

- Trong khám bệnh, điều trị bệnh nhân, cung cấp các dịch vụ; đấu thầu thuốc chữa bệnh;

- Quản lý hành nghề y, dược tư nhân;

- Thực hiện chế độ bảo hiểm y tế.

3.8. Trong lĩnh vực giáo dục:

- Xét lên lớp; xét tuyển, thi tuyển (lớp đầu và lớp cuối cấp); xét cử tuyển;

- Cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo;

- Điều động giáo viên.

3.9. Trong thực hiện các chế độ, chính sách:

- Giải quyết chế độ đối với thương binh (giám định thương tật, nâng hạng), gia đình liệt sỹ, người có công và đối tượng xã hội;

- Trong xác định các đối tượng được hưởng chính sách (vào hạng thương binh, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật...);

- Đưa người đi lao động ở nước ngoài.

3.10. Trong lĩnh vực văn hóa:

Cấp phép và quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa (đặc biệt là dịch vụ karaoke, trò chơi điện tử).

3.11. Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, bưu chính, viễn thông:

- Đăng ký, quản lý đo lường, chất lượng hàng hóa;

- Cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông.

3.12. Trong lĩnh vực giao thông, vận tải:

- Đào tạo, cấp giấy phép lái xe;

- Đăng kiểm phương tiện cơ giới;

- Thu phí cầu, đường, bến phà;

- Thẩm định các dự án về giao thông.

3.13. Trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp - thủy sản:

- Thực hiện các dự án di dân tái định cư, kinh tế mới, khuyến nông, khuyến lâm;

- Thực hiện các dự án trồng rừng, chính sách hỗ trợ trồng rừng kinh tế; quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; cấp phép khai thác, tận thu lâm sản;

- Thực hiện chính sách hỗ trợ hạ tầng nuôi thủy sản; trợ giống, trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật.

3.14. Trong lĩnh vực an ninh trật tự:

- Giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh;

- Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông (đường bộ, đường thủy);

- Cấp, đổi sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, đăng ký phương tiện xe cơ giới; chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự;

- Đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội.

3.15. Trong thực hiện cơ chế "một cửa":

- Chấp thuận, đăng ký đầu tư;

- Cấp đăng ký kinh doanh;

- Công chứng, chứng thực.

3.16. Trong lĩnh vực tư pháp:

- Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (hình sự, dân sự);

- Quản lý phạm nhân, thực hiện ân xá.

3.17. Trong thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức:

- Việc nhận quà biếu, quà tặng cũng như các điều kiện ưu ái khác trong quan hệ giữa người thực hiện công vụ với công dân, tổ chức, doanh nghiệp là đối tượng quản lý; giữa lãnh đạo, quản lý với cấp dưới; nhận quà của người không có quan hệ lãnh đạo, quản lý nhưng muốn được quan tâm, giúp đỡ;

- Lợi dụng việc cưới, việc tang, tân gia, đón nhận danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày truyền thống, lễ, tết... để thu lợi.

4. Phát huy vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân; phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng cấp trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng;

- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh có trách nhiệm xem xét, giải quyết, làm rõ và trả lời kịp thời khi nhận được yêu cầu, đề nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và các cơ quan báo chí khi có thông tin về tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị liên quan đến trách nhiệm, lĩnh vực quản lý của mình;

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng; phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; làm tốt việc việc bảo vệ, khen thưởng đối với người có công chống tham nhũng; tập trung thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và quy chế giám sát cộng đồng, nhất là trong việc đầu tư xây dựng các công trình công cộng ở cơ sở, công trình có huy động một phần vốn đóng góp của nhân dân, dự án thuộc Chương trình 134, 135, dự án giảm nghèo; chương trình kiên cố hoá trường, lớp học, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng

- Các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 06/4/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản l‎ý, chống thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; đồng thời tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những đơn, thư tố cáo hành vi tham nhũng còn tồn đọng và mới phát sinh ngay từ cơ sở; xử l‎ý nghiêm khắc những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ dù là bất kỳ ai, đang đương chức, nghỉ hưu hay đã chuyển công tác khác.

- Chủ tịch UBND tỉnh thành lập một số đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo của một số UBND huyện, thành phố tập trung vào các địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp; các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn tồn đọng chưa được thực hiện và vụ việc có đơn, thư tố cáo hành vi tham nhũng. Phấn đấu giải quyết cơ bản các vụ khiếu kiện kéo dài trong năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007;

- Công tác thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành trong năm 2006, 2007 và những năm tiếp theo tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm: Đầu tư xây dựng cơ bản; quản l‎ý, sử dụng đất đai; quản lý thu, chi ngân sách và quản l‎ý tài sản công gắn với thanh tra việc thực thi chức trách công vụ đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Đặc biệt tập trung vào các công trình dự án dư luận bức xúc, có dấu hiệu tiêu cực thuộc các ngành xây dựng, nông nghiệp, thuỷ lợi … nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí;

- Giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bưu chính - Viễn thông lập kế hoạch, đề xuất thành lập các Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh tiến hành thanh tra ngay một số công trình, dự án lớn do các Sở, UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư có sử dụng vốn ngân sách, vốn vay, vốn tài trợ của nước ngoài, vốn chương trình mục tiêu; tập trung vào các công trình dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, chương trình 135, dự án giảm nghèo, chương trình kiên cố hoá trường, lớp học, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chưa có trong kế hoạch thanh tra năm 2006);

- Các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra; công bố công khai kết luận thanh tra, kiểm tra và kết quả xử l‎ý, nhất là kết luận thanh tra, kiểm tra có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức (còn tồn và mới phát sinh trong 10 tháng đầu năm 2006) báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/12/2006;

- Công an tỉnh có kế hoạch chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, nâng cao biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, điều tra kịp thời, xử lý nghiêm minh, công khai theo pháp luật các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Thông qua đấu tranh chống tham nhũng để phát hiện, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách không còn phù hợp, có sơ hở dễ phát sinh tham nhũng;

- Phát động và duy trì phong trào quần chúng ở cơ sở phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi tham nhũng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ mục tiêu, yêu cầu và nội dung Chương trình hành động của UBND tỉnh, các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo việc xây dựng, triển khai kịp thời kế hoạch hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của ngành, địa phương mình. Nội dung kế hoạch hành động phải cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi, phân công rõ cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/11/2006.

2. Đề nghị Viện kiểm kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của ngành, đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thực hiện tốt việc phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

3. Các Sở, các cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ hàng quý (vào ngày 15 tháng cuối quý) về tình hình, kết quả thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của đơn vị mình gửi về UBND tỉnh (đồng gửi Thanh tra tỉnh) để tổng hợp, theo dõi chỉ đạo chung.

4. Giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ (định kỳ, đột xuất) theo quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 70/2006/QĐ-UBND về Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

  • Số hiệu: 70/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/11/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Thân Văn Mưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/11/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản