Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/2003/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 09 tháng 09 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 30/6/1998 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới công tác thi đua-khen thưởng trong giai đoạn mới;

- Căn cứ Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp; cụ thể hóa tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương lao động;

- Xét đề nghị của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Qui định về công tác thi đua-khen thưởng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2: Giao Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh hướng dẫn các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh thực hiện Qui định này.

Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế quyết định số 927/QĐ-UB ngày 09/8/1996 của UBND tỉnh Lâm Đồng v/v ban hành Qui định tạm thời về khen thưởng./-

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Phan Thiên

 

QUI ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA-KHEN THƯỞNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo quyết định số 70/2003//QĐ-UB ngày 06/6/2003 của ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Qua thực tiễn 5 năm thực hiện chỉ thị số 35/CT/TW ngày 03/6/1998 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về đổi mới công tác thi đua-khen thưởng trong giai đoạn mới, Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp; cụ thể hóa tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Lao động, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định cụ thể hóa một số nội dung chỉ đạo phong trào thi đua và công tác khen thưởng để các ngành, các địa phương trong tỉnh thực hiện, từng bước đưa công tác thi đua-khen thưởng đi vào nền nếp.

Phần I

NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

1/ Các nguyên tắc thi đua:

- Tự nguyện, tự giác, công khai, dân chủ

- Đảm bảo sự đoàn kết phấn khởi, xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển.

2/ Các nguyên tắc khen thưởng:

- Bình xét công khai, chính xác, kịp thời.

- Căn cứ vào mức độ và phạm vi ảnh hưởng của thành tích để xét khen thưởng.

- Kết hợp động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích thưởng vật chất và chính sách ưu đãi.

Phần II

NHỮNG QUI ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA-KHEN THƯỞNG CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG

A. Công tác thi đua:

Công tác thi đua thực chất là công tác tổ chức phát động vận động quần chúng thực hiện có hiệu quả cao nhất các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó các ngành, các địa phương cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch tỉ mỉ, phân công trách nhiệm rõ ràng, thể hiện được sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị trong việc tổ chức và chỉ đạo các phong trào thi đua.

I. Tổ chức phát động thi đua:

Hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng hoặc căn cứ nhiệm vụ chính trị được giao các ngành, các địa phương tổ chức tốt việc phát động phong trào thi đua. Nội dung phát động thi đua phải xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể để các đơn vị trực thuộc phấn đấu và làm cơ sở để đăng ký tổ chức thực hiện các phong trào thi đua có hiệu quả.

II. Đăng ký thi đua:

Đầu năm kế hoạch, các ngành, các địa phương tổ chức cho các tập thể, các cá nhân do mình quản lý đăng ký nội dung chương trình thi đua và kế hoạch phấn đấu để đạt các hình thức khen thưởng của Nhà nước.

Nội dung đăng ký thi đua hàng năm gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh chậm nhất vào ngày 31 tháng 01. Riêng ngành Giáo dục Đào tạo chậm nhất vào ngày 30 tháng 11.

Ngành và địa phương nào không đăng ký thi đua, không tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua thì cuối năm sẽ không được xét khen thưởng.

III. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua:

- Để phong trào thi đua thiết thực, có hiệu quả, cần phải xây dựng tiêu chuẩn thi đua cụ thể, sát hợp với điều kiện của từng ngành, từng địa phương.

- Chính quyền các cấp phối hợp với các tổ chức quần chúng trong từng ngành, từng địa phương xác định rõ tiêu chí cho các đợt thi đua, xây dựng thang điểm để đánh giá phong trào công khai, chính xác, kịp thời.

- Thực hiện ký kết giao ước thi đua giữa các khối, khu vực thi đua.

IV. Sơ tổng kết phong trào thi đua:

Các phong trào thi đua đã phát động phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm, rút ra bài học, nhân các điển hình tiên tiến để tổ chức tốt hơn các phong trào thi đua tới.

V. Bình xét và đề nghị khen thưởng:

Trên cơ sở thành tích đã đạt được qua đăng ký thi đua của cá nhân và các đơn vị cơ sở, các ngành, các địa phương xét khen thưởng và đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua do tỉnh, ngành, địa phương phát động.

B. Những quy định về khen thưởng:

Công dân Việt Nam, các cơ quan Nhà nước; tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội; đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có thành tích trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội; an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được khen thưởng, hoặc đề nghị Chính phủ nước cộng hòa XHCN Việt Nam khen thưởng.

Chú trọng xét khen thưởng đối với cá nhân, đơn vị cơ sở, tập thể nhỏ trong đơn vị cơ sở. Cần bám sát tiêu chuẩn và tỉ lệ khen thưởng, tránh khuynh hướng hạ thấp tiêu chuẩn, đề nghị khen thưởng tràn lan làm giảm tác dụng của công tác khen thưởng.

I. Khen thưởng theo danh hiệu thi đua:

1/ Hình thức khen thưởng danh hiệu thi đua cá nhân:

a) Lao động giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở, xét hàng năm căn cứ theo đăng ký thi đua, do Thủ trưởng ngành, Chủ tịch huyện, thành phố, thị xã, công nhận.

Tùy theo đặc điểm của từng ngành, từng đơn vị số lao động giỏi chiếm một tỉ lệ phù hợp, có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua. Tỉ lệ lao động giỏi khoảng 30%-70% số cán bộ-công nhân viên; chiến sĩ thi đua cơ sở chiếm khoảng 30% của số lao động giỏi trong địa phương, đơn vị.

b) Chiến sĩ thi đua tỉnh: 5 năm xét 2 lần vào năm thứ 3 và năm thứ 5, do Chủ tịch UBND tỉnh công nhận.

Tỉ lệ: Khoảng 30% của số chiến sĩ thi đua cơ sở.

c) Chiến sĩ thi đua toàn quốc: 5 năm xét 1 lần khi hoàn thành kế hoạch 5 năm, Thủ tướng Chính phủ xét công nhận theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh.

2/ Hình thức khen thưởng danh hiệu đối với tập thể:

a) Tập thể lao động giỏi: xét hàng năm căn cứ theo đăng ký thi đua, do Thủ trưởng Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố công nhận. Tỉ lệ khoảng 30% - 70% số tập thể trong mỗi đơn vị.

b) Tập thể lao động xuất sắc: xét hàng năm theo đăng ký thi đua do Chủ tịch UBND tỉnh công nhận. Tỉ lệ khoảng 30% trong số tập thể lao động giỏi.

II. Các hình thức khen thưởng khác:

1/ Khen thưởng của UBND tỉnh

Tiêu chuẩn khen thưởng bằng khen và cờ thi đua của UBND tỉnh được quy định tại điều 15, điều 17 Nghị định số 56/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ; căn cứ vào thực tế của địa phương, UBND tỉnh quy định cụ thể một số nội dung sau:

a) Bằng khen của UBND tỉnh:

Hàng năm, UBND tỉnh khen thưởng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm công tác; những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chỉ đạo và thực hiện các chuyên đề, các chương trình, các cuộc vận động, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Nhà nước và khen thưởng cho tập thể, cá nhân lập thành tích đột xuất.

a.1) Khen thưởng năm công tác:

- Khen thưởng tập thể: Chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, các đơn vị cơ sở trong các ngành, các địa phương, chỉ khen thưởng các tập thể tiêu biểu trong số các tập thể lao động xuất sắc.

- Khen thưởng cá nhân: chỉ xét khen thưởng cho những cá nhân tiêu biểu trong số đề nghị công nhận chiến sĩ thi đua tỉnh. Những năm không xét công nhận chiến sĩ thi đua tỉnh thì xem xét lựa chọn những cá nhân xuất sắc trong số chiến sĩ thi đua cơ sở.

- Tỷ lệ khen thưởng:

. Đối với cá nhân khoảng 5 - 7% tổng số cán bộ-công nhân viên của ngành, địa phương.

. Đối với tập thể: từ 25 - 30% tổng số đơn vị trực thuộc ngành, địa phương.

a.2) Khen thưởng tổng kết thành tích thực hiện các chuyên đề, các chương trình, các cuộc vận động, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước:

Khi kết thúc hoàn thành một chuyên đề, một chương trình, một cuộc vận động, hoặc tổng kết việc triển khai thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chính phủ theo sự chỉ đạo, hướng dẫn tổng kết của Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc được UBND tỉnh khen thưởng. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp lập thủ tục xét trình.

Hồ sơ trình khen phải gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh trước 10 ngày tổ chức hội nghị sơ, tổng kết.

a.3) Khen thưởng thành tích đột xuất:

Những tập thể và cá nhân có phát minh, sáng chế, những hành động dũng cảm, cứu người, cứu tài sản Nhà nước, làm giảm nhẹ thiên tai, hỏa hoạn và đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực; tham gia có hiệu quả các hoạt động từ thiện xã hội... được UBND tỉnh khen thưởng kịp thời hoặc xem xét đề nghị Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng.

b) Cờ thi đua của UBND tỉnh:

b.1) Để phong trào thi đua từng bước đi vào nền nếp, có chiều sâu và việc xét duyệt khen thưởng được chính xác, UBND tỉnh thống nhất chia các khối và khu vực thi đua trong tỉnh như sau:

* Khối thi đua gồm: 10 khối

1. Khối cơ quan Đảng

2. Khối mặt trận và đoàn thể

3. Khối cơ quan hành chính, kinh tế tổng hợp

4. Khối Nội chính

5. Khối tín dụng ngân hàng

6. Khối quản lý Nhà nước : Công - nông nghiệp, xây dựng, GTVT

7. Khối quản lý Nhà nước về văn hóa - xã hội.

8. Khối các doanh nghiệp

9. Khối các đơn vị sự nghiệp

10. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

* Khu vực thi đua: 2 khu vực:

- Khu vực 1-gồm: thành phố Đàlạt và 5 huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh.

- Khu vực 2-gồm: thị xã Bảo Lộc và 04 huyện: Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

Hàng năm, các khối, các khu vực ký kết giao ước thi đua và bình xét đề nghị UBND tỉnh khen thưởng.

b.2) Hàng năm, UBND tỉnh khen thưởng 25 cờ thi đua cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua của các khối, các khu vực thi đua.

(Về số lượng cờ phân bổ cho các khối, các khu vực thi đua có quy định riêng theo phụ lục đính kèm).

Đầu năm, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị cơ sở phải đăng ký để được nhận cờ. Cuối năm nếu đủ điều kiện mới được xét tặng cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh.

2/ Khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Chủ tịch nước:

a) Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ:

Tiêu chuẩn xét đề nghị khen thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại mục 3, điều 17, nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ, cần lưu ý thêm một số nội dung sau:

- Các tập thể, cá nhân đã được UBND tỉnh hoặc Bộ, ngành Trung ương khen thưởng bằng khen hoặc cờ thi đua xuất sắc 3 năm liên tục, cuối năm thứ 3 nếu tiếp tục phát huy được thành tích nổi bật hơn 2 năm đầu thì đồng thời được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

b) Cờ thi đua của Chính phủ:

Tiêu chuẩn khen thưởng cờ thi đua của Chính phủ được quy định tại mục 3, điều 15, nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ. Cần lưu ý:

- Theo quy định của Trung ương, hàng năm cờ thi đua của Chính phủ phân bố cho tỉnh Lâm Đồng số lượng: 5 cờ, theo cơ cấu cho các khối, khu vực thi đua như sau:

. Khối huyện, thành phố, thị xã,  : 01 cờ

. Khối phường, xã, thị trấn : 01 cờ

. Khối kinh tế (bao gồm các đơn vị QLNN và SXKD) : 01 cờ

. Khối nội chính  : 01 cờ

. Khối văn hóa - xã hội : 01 cờ.

- Đầu năm, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp hoặc các đơn vị cơ sở phải có đăng ký, cuối năm nếu đủ điều kiện mới được xét trình Chính phủ tặng cờ.

c) Huân chương Lao động các hạng:

c.1. Huân chương lao động hạng Ba:

Tiêu chuẩn Huân chương lao động hạng Ba được quy định tại mục 1, điều 18 và điều 19 Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ, cần lưu ý thêm một số nội dung sau:

Đối với tập thể:

Tập thể tiêu biểu của tỉnh, 5 năm liên tục được UBND tỉnh hoặc Bộ, ngành Trung ương khen thưởng với hình thức bằng khen hoặc cờ thi đua xuất sắc và năm thứ 3 đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, tiếp theo đó năm thứ 4, hay năm thứ 5 được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc, thì đồng thời cuối năm thứ 5 đủ điều kiện để đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Đối với cá nhân:

- Cá nhân 5 năm liên tục được UBND tỉnh hoặc Bộ, ngành Trung ương khen thưởng bằng khen và 1 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, thì đồng thời cuối năm thứ 5 được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

- Các cá nhân có thành tích đột xuất xuất sắc trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng của tỉnh.

- Cá nhân là cán bộ chủ chốt của tỉnh đã có 02 nhiệm kỳ liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tập thể tín nhiệm, Ban Tổ chức Trung ương thống nhất (đối với đối tượng Trung ương quản lý) thì được xem xét đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động. Hạng Huân chương theo thực tế thành tích của cá nhân đóng góp do địa phương xem xét đề nghị.

c.2. Huân chương Lao động hạng Nhì:

Tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể và cá nhân được quy định tại mục 2, điều 8 Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ, cần lưu ý một số điểm sau :

Đã được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, tiếp đó 5 năm liên tục có sự tăng trưởng về kinh tế-xã hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiêu biểu của tỉnh và khu vực; 1 lần được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng bằng khen.

c.3. Huân chương Lao động hạng Nhất:

Tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể và cá nhân được quy định tại điểm 3, điều 18 Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30/7/1998 của Chính phủ, cần lưu ý một số điểm sau:

Sau khi được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 5 năm liên tục có sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế-xã hội, tiêu biểu cho tỉnh, bộ, ngành Trung ương, 1 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

c.4) Các hình thức khen thưởng của Nhà nước không nêu trong quy định này gồm:

Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương quân công, Huân chương chiến công các hạng; các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú; Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú; thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú; Khen thưởng tổng kết kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

đ) Hiệp y khen thưởng:

- Các sở, ngành và giám đốc các sở, ngành thuộc tỉnh được UBND tỉnh đề nghị các hình thức khen thưởng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua của Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng nhất thiết phải có ý kiến hiệp y của các Bộ, ngành Trung ương. Văn bản đề nghị hiệp y do Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh thực hiện sau khi hoàn tất các thủ tục đề nghị khen thưởng ở địa phương.

- Đối với hình thức khen thưởng từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh không trực tiếp đề nghị khen thưởng, chỉ xem xét hiệp y khen thưởng sau khi có văn bản đề nghị của Bộ, ngành Trung ương. Văn bản hiệp y của tỉnh được thực hiện chậm nhất trong vòng 10 ngày kể từ khi các Bộ, ngành Trung ương có văn bản đề nghị.

III. Qui trình xét duyệt và thủ tục đề nghị khen thưởng:

1/ Qui trình xét duyệt khen thưởng:

a) Hàng năm, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các ngành, các địa phương thuộc tỉnh tổ chức họp xét khen thưởng và đề nghị các cấp có thẩm quyền xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân thuộc các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị cơ sở thuộc cấp mình quản lý.

b) 6 tháng 1 lần, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh xét khen thưởng và đề nghị các cấp có thẩm quyền của Trung ương xét khen thưởng cho các tập thể và cá nhân thuộc tỉnh quản lý. Qui trình xét khen thưởng như sau:

- Đối với hình thức khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: Phải được tập thể Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh thống nhất thông qua bằng biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín với số phiếu tối thiểu 2/ 3 thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng dự họp.

- Đối với hình thức khen thưởng: Cờ thi đua của Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng trở lên, ngoài những thủ tục quy định chung phải được sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình Trung ương xem xét quyết định.

2/ Thủ tục đề nghị khen thưởng:

a) Khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Chủ tịch nước:

* Hồ sơ đề nghị khen thưởng: thực hiện theo quy định của Trung ương, gồm:

- Báo cáo thành tích ( 04 bản thành tích chi tiết, 04 bản thành tích tóm tắt).

- Tờ trình của ngành, địa phương được khen thưởng.

- Biên bản họp Hội đồng Thi đua-Khen thưởng của ngành, địa phương.

- Bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của Cục Thuế tỉnh từng năm trong mốc thời gian đề nghị khen thưởng (đối với các doanh nghiệp).

* Thời gian nộp hồ sơ:

- Đợt 1: ngày 15 tháng 01 hàng năm đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp (bao gồm cả khối Đảng, đoàn thể), các doanh nghiệp.

- Đợt 2: ngày 15 tháng 7 hàng năm đối với ngành Giáo dục và Đào tạo.

- Đợt 3: Ngày 15 tháng 9 đối với cá nhân là cán bộ chủ chốt của tỉnh.

b) Khen thưởng của UBND tỉnh:

* Hồ sơ đề nghị UBND tỉnh khen thưởng gồm:

- Tờ trình của ngành, địa phương

- Biên bản họp Hội đồng Thi đua-Khen thưởng của ngành, địa phương .

- Danh sách đề nghị khen thưởng (ghi rõ họ tên, nam - nữ, chức vụ)

- Báo cáo thành tích của các tập thể và cá nhân được đề nghị khen thưởng.

* Thời gian nộp hồ sơ đề nghị khen thưởng:

Chậm nhất vào ngày 15 tháng 02, các ngành, các địa phương phải hoàn tất hồ sơ đề nghị UBND tỉnh khen thưởng. UBND tỉnh chấm dứt xét khen thưởng thành tích năm công tác vào ngày 30 tháng 3 hàng năm. Riêng ngành Giáo dục Đào tạo xét khen thưởng thành tích vào thời gian kết thúc năm học.

Các ngành thuộc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, việc khen thưởng hàng năm do Thủ trưởng ngành đề nghị Bộ, ngành Trung ương xét khen theo văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. UBND tỉnh chỉ xem xét khen thưởng một số ít tập thể, cá nhân tiêu biểu đóng góp trực tiếp với địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng.

IV. Chế độ tiền thưởng:

- Chế độ tiền thưởng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Sở Tài chính Vật giá phối hợp với Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh hướng dẫn các ngành, địa phương việc thực hiện chế độ tiền thưởng hàng năm đảm bảo kịp thời, đúng chế độ quy định.

V. Điều khoản thi hành:

Giao Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh hướng dẫn các ngành, huyện, thành phố, thị xã thực hiện quy định này.

Quá trình triển khai thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, các cấp, các ngành kịp thời phản ảnh về Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh để báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung hoặc sửa đổi cho phù hợp.

Qui định này có hiệu lực kể từ ngày ký./-