Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 680/QĐ-BNN-CN

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIỐNG VẬT NUÔI ĐẾN NĂM 2020”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa 11;

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về giống vật nuôi, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Quản lý tốt các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo đúng hệ thống giống, đảm bảo cho người chăn nuôi sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng.

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước giống vật nuôi.

- Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan nhà nước quản lý giống vật nuôi và cơ sở sản xuất giống vật nuôi theo hướng hiện đại.

II. NHIỆM VỤ

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý giống vật nuôi

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý giống vật nuôi cho phù hợp với quy định trong nước và cam kết quốc tế.

Tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Giống vật nuôi.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật phục vụ công tác quản lý giống vật nuôi (các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng mới như Phụ lục kèm theo).

2. Kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi

- Trước hết cần thống nhất tổ chức hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước ngành chăn nuôi ở địa phương theo hướng thành lập Phòng Chăn nuôi tại Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, hoặc cơ cấu lại tổ chức của Chi cục thú y.

Ở cấp huyện và cấp xã, tùy điều kiện cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định. Trên cơ sở đó, thiết lập hệ thống theo dõi, quản lý giống vật nuôi trên toàn quốc.

- Thành lập mới Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi vùng miền Trung và miền Nam thuộc Cục Chăn nuôi.

- Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giống vật nuôi các cấp.

- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý về giống vật nuôi.

- Nâng cao vai trò của các các Hội, Hiệp hội trong việc tham gia quản lý giống vật nuôi.

3. Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị quản lý, lưu giữ, nghiên cứu và nhân giống vật nuôi

- Xây dựng hoặc nâng cấp các cơ sở nuôi giữ và nhân giống vật nuôi ở các cấp theo mô hình giống, tạo thành mạng lưới cung cấp con giống có năng suất và chất lượng cao phù hợp cho mỗi vùng, trên cơ sở triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch hệ thống sản xuất giống vật nuôi đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1683/QĐ-BNN-CN ngày 19 tháng 7 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Ở địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án phục vụ công tác quản lý, nuôi giữ, nghiên cứu và sản xuất giống vật nuôi theo đúng hệ thống giống phù hợp cho mỗi vùng.

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia làm công tác nhân giống và phát triển giống vật nuôi theo quy hoạch mạng lưới giống đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giống vật nuôi

- Hàng năm, Cục Chăn nuôi đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Trên cơ sở đó, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra theo quy định.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chương trình thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo từng năm hoặc từng thời điểm cụ thể.

III. GIẢI PHÁP

1. Về quy hoạch

Trên cơ sở quy hoạch hệ thống sản xuất giống một số vật nuôi chính đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại quyết định số 1683/QĐ-BNN-CN ngày 19 tháng 7 năm 2012; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất giống vật nuôi trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, cần quan tâm đến xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và liên kết vùng chăn nuôi.

2. Về khoa học công nghệ

- Nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống, hệ thống nhân giống và sản xuất giống trên cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật.

- Các cơ sở nuôi giữ giống phải chọn tạo hoặc nhập các bộ giống có năng suất, chất lượng cao để tạo sản phẩm có tính cạnh tranh; xây dựng thương hiệu giống; lập sổ sách theo dõi có hệ thống về công tác quản lý giống.

- Quản lý giống vật nuôi bằng cơ sở dữ liệu giống: Ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp tiên tiến trong đánh giá tiềm năng di truyền, ước tính giá trị giống giúp cho việc chọn lọc và nhân giống đạt hiệu quả cao.

- Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các giống vật nuôi bản địa có lợi thế so sánh vùng.

3. Về khuyến nông

- Tuyên truyền cho cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi và các hộ chăn nuôi nhận thức đầy đủ về quản lý, sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi.

- Xây dựng các mô hình quản lý, cải tạo nâng cao chất lượng đàn giống, đặc biệt là đực giống của gia súc.

- Tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phương pháp bình tuyển, giám định lập phiếu cá thể quản lý giống đàn sinh sản, phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, phương pháp bảo quản tinh; Tổ chức hội thảo, tham quan học tập các mô hình quản lý và sản xuất giống vật nuôi tiên tiến trong và ngoài nước; Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện để nâng cao kiến thức sản xuất giống vật nuôi...

4. Về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển

- Nguồn ngân sách nhà nước tập trung, đầu tư, hỗ trợ đầu tư để:

+ Thực hiện các nhiệm vụ lưu giữ quỹ gen, nghiên cứu khoa học, khuyến nông, đào tạo... về giống vật nuôi.

+ Tiếp tục thực hiện các dự án đã phê duyệt theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ nuôi giữ giống gốc theo Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nguồn vốn tín dụng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 ngày 12 tháng 2013, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 ngày 4 tháng 2010 của Chính phủ.

- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân huy động nguồn vốn tự có hoặc vốn liên doanh, liên kết đầu tư cơ sở nuôi giữ, sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo đúng hệ thống giống và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Về hợp tác quốc tế

- Kết hợp với các nước trên thế giới để trao đổi nguồn gen vật nuôi có giá trị cao. Đa dạng hóa giống vật nuôi thông qua nhập khẩu giống vật nuôi mới, có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

- Tăng cường công tác tập huấn, tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với những nước tiên tiến, có trình độ cao về quản lý giống vật nuôi, có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

6. Giải pháp quản lý giống cụ thể đối với một số loại vật nuôi chính

- Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện việc công bố tiêu chuẩn cơ sở cho tất cả các cơ sở tham gia nuôi giữ, sản xuất, kinh doanh và cung ứng giống trên phạm vi toàn quốc theo Pháp lệnh Giống vật nuôi và quy định hiện hành.

- Các cơ sở sản xuất giống, kinh doanh giống phải đáp ứng quy định hiện hành (theo Điều 19, Điều 20 Pháp lệnh Giống vật nuôi và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia).

- Quản lý các cơ sở sản xuất giống vật nuôi; tiêu chuẩn hóa giống vật nuôi, thương hiệu hóa sản phẩm, công nhận chất lượng giống vật nuôi cho các cơ sở sản xuất giống.

- Quản lý kiểm dịch vận chuyển con giống chặt chẽ đúng quy định, phải căn cứ vào nguồn gốc.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh giống theo hướng liên kết tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm.

- Chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đánh giá chất lượng và cấp chứng nhận phù hợp.

6.1. Giải pháp quản lý giống lợn

- Đối với các cơ sở nuôi giữ giống cụ kỵ, ông bà phải có hệ thống sổ sách theo dõi cá thể theo hệ phả, theo dõi hệ thống nhân giống và phát triển giống từ nguồn cung cấp của các cơ sở nuôi giữ giống ông bà, áp dụng các phần mềm quản lý giống tiên tiến, tăng cường chọn lọc giống có chất lượng cao, khuyến khích xây dựng thương hiệu giống.

- Đối với cơ sở nuôi giữ giống bố mẹ phải nằm trong mạng lưới hệ thống giống, phải lấy giống từ các cơ sở nuôi giữ giống ông, bà và có sổ sách theo dõi.

- Định kỳ kiểm tra, đánh giá các cơ sở, trạm khai thác sản xuất, kinh doanh tinh lợn giống.

- Lợn đực giống tại cơ sở khai thác tinh phải được kiểm tra năng suất cá thể.

- Lợn đực giống để phối trực tiếp phải có nguồn gốc lý lịch rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền đánh giá đảm bảo chất lượng giống theo quy định và phải được khai báo với chính quyền địa phương.

- Đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo, tăng tỷ lệ lợn nái được áp dụng thụ tinh nhân tạo lên 60% bình quân chung cả nước vào năm 2020; trong đó, lợn ngoại áp dụng thụ tinh nhân tạo đạt 80%, lợn lai 55%. 20% đực giống sử dụng phối trực tiếp hoặc sử dụng khai thác tinh ở nông hộ được thay thế đực đã kiểm tra năng suất cá thể và 60% được đánh giá chất lượng giống.

- Đào tạo mỗi xã có 1 - 2 dẫn tinh viên.

- Đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu lợn giống trên phạm vi toàn quốc.

6.2. Giải pháp quản lý giống gia cầm

- Tổ chức lại hệ thống chọn lọc, nhân giống và cung ứng giống cho sản xuất. Các cơ sở chọn, tạo, nhân giống của Trung ương cần phối hợp với địa phương xây dựng mạng lưới sản xuất và cung ứng đủ giống bố mẹ cho các cơ sở giống địa phương để sản xuất giống thương phẩm, phục vụ con giống tại chỗ, hạn chế tình trạng sử dụng giống thương phẩm làm bố mẹ.

- Đối với các cơ sở nuôi giữ giống dòng thuần và ông bà phải có hệ thống sổ sách theo dõi cá thể theo hệ phả, áp dụng các phần mềm quản lý giống, tăng cường chọn lọc giống có chất lượng cao phù hợp với từng vùng, khuyến khích xây dựng thương hiệu giống.

- Đối với cơ sở nuôi giữ giống bố mẹ phải nằm trong mạng lưới hệ thống giống, phải lấy giống từ các cơ sở nuôi giữ giống ông, bà và có sổ sách theo dõi.

- Xây dựng được hệ thống giống 4 cấp trên phạm vi toàn quốc.

- Chú trọng việc phục tráng, cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng một số giống gia cầm bản địa bằng các tổ hợp lai để tạo ra những đặc trưng, khác biệt, hướng tới việc công nhận thương hiệu giống.

- Chọn tạo các giống gà thả vườn có năng suất, chất lượng phù hợp với từng địa phương, đảm bảo mỗi địa phương chỉ có từ một đến hai giống chủ lực.

- Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở ấp trứng gia cầm để sản xuất, cung ứng giống (kiểm tra đầu vào và kiểm soát đầu ra).

- Quản lý kiểm dịch vận chuyển con giống chặt chẽ theo đúng quy định.

- Chỉ đạo các cơ sở ấp nở trứng gia cầm thực hiện nghiêm túc "Hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh học tối thiểu cho cơ sở ấp trứng gia cầm hộ gia đình" theo Quyết định số 1057/QĐ-BNN-CN ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hướng dẫn quản lý đàn gia cầm sinh sản.

- Đánh giá được cơ cấu giống gia cầm tại vùng miền, từng địa phương. Phát triển chăn nuôi gia cầm phù hợp với lợi thế vùng.

6.3. Giải pháp quản lý giống bò sữa, bò thịt

a) Đối với bò sữa:

- Rà soát quy hoạch vùng chăn nuôi bò sữa theo hướng nuôi bò thuần HF cao sản Việt Nam tại các vùng có điều kiện thuận lợi, có khả năng đầu tư.

- Thực hiện các biện pháp quản lý đực giống phối trực tiếp và sản xuất tinh đông lạnh. Sử dụng tinh bò sữa có tiềm năng năng suất cao để tiếp tục lai tạo giống bò sữa để nâng cao năng suất.

- Khuyến khích sử dụng nguồn gen, phôi và tinh phân biệt giới tính.

- Xây dựng hệ thống quản lý giống bò sữa thống nhất trên phạm vi cả nước.

b) Đối với bò thịt:

- Đẩy mạnh công tác cải tạo đàn bò địa phương thông qua thụ tinh nhân tạo hoặc phối giống trực tiếp với bò Zêbu hoặc các giống bò có năng suất thịt cao.

- Chọn lọc nhân thuần các giống Zêbu và các giống bò thịt cao sản nhập nội phù hợp với điều kiện kinh tế và sinh thái của từng vùng.

- Nhập khẩu nguồn gen: nhập giống bò cao sản để sản xuất tinh bò đông lạnh; nhập khẩu tinh phôi bò thịt phục vụ cho lai tạo và nhân thuần.

- Xây dựng hệ thống quản lý giống bò thịt (chủ yếu là bò đực giống) thống nhất trên phạm vi cả nước.

- Tăng cường năng lực cho mạng lưới thụ tinh nhân tạo bò tại các địa phương. Đào tạo cho mỗi xã có 1-2 dẫn tinh viên. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đối với bò thịt đến năm 2020 đạt 40%.

- Có biện pháp xử lý bò đực không đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng hoặc quá tuổi ở các cơ sở sản xuất giống và trong chăn nuôi nông hộ bằng các biện pháp phù hợp.

- Nâng cao chất lượng đàn bò cái sinh sản ở các trung tâm giống thuộc Trung ương quản lý.

6.4. Giải pháp quản lý giống trâu

- Giám định bình tuyển đàn trâu, lựa chọn những con giống tốt để làm giống.

- Thực hiện đảo đực giữa các vùng để tránh cận huyết.

- Quy hoạch chăn nuôi trâu phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, địa phương; Từng bước xóa bỏ chăn nuôi trâu thả rông, chuyển sang chăn nuôi có kiểm soát.

- Tăng tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Cục Chăn nuôi

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án theo năm, định kỳ báo cáo Bộ trưởng về kết quả thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ liên quan tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án và nhiệm vụ đã đề ra.

- Chỉ định, công nhận các tổ chức, đơn vị sự nghiệp tham gia đánh giá chất lượng giống vật nuôi.

- Rà soát các văn bản quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống văn bản phục vụ cho quản lý giống vật nuôi.

2. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất phương án kiện toàn hệ thống tổ chức ngành chăn nuôi và của Cục Chăn nuôi; tổng hợp kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giống vật nuôi.

- Vụ Pháp chế chủ trì hướng dẫn rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý giống vật nuôi, phối hợp với Cục Chăn nuôi hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

- Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia lĩnh vực giống vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, an toàn sinh học, chế biến, bảo quản, khoa học công nghệ, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

- Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch cân đối nguồn tài chính để thực hiện các chương trình, dự án thuộc đề án này.

- Cục Thú y phối hợp triển khai các nội dung để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

- Viện Chăn nuôi nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Tạo một số giống vật nuôi có năng suất, chất lượng phù hợp; Xây dựng quy trình kỹ thuật, chọn lọc, nuôi giữ, nhân giống nguồn gen có chất lượng.

- Các đơn vị khác thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Cục Chăn nuôi để thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố

Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các nội dung của Đề án trên địa bàn; báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án khi có đề nghị của Cục Chăn nuôi; phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi...

4. Các tổ chức, cá nhân liên quan

- Tuân thủ các quy định hiện hành trong quản lý nhà nước về giống vật nuôi.

- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trong việc quản lý giống vật nuôi.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT; Tài chính; Công Thương; KH&CN; TN&MT;
- Lưu: VT, CN.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN VIỆT NAM VÀ QUY CHUẨN QUỐC GIA LIÊN QUAN ĐẾN GIỐNG VẬT NUÔI GIAI ĐOẠN 2014-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 680/QĐ-BNN-CN ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1. Tiêu chuẩn Việt Nam

STT

Tên nhiệm vụ TCVN

Thời gian thực hiện

Ghi chú

1.

Tiêu chuẩn tinh dịch lợn ngoại dùng cho TTNT

2014

Ưu tiên 2

2.

Tiêu chuẩn tinh lợn đông lạnh

2014

Ưu tiên 2

3.

Chuồng nuôi lợn nông hộ - Yêu cầu kỹ thuật

2014

Ưu tiên 1

4.

Chuồng nuôi lợn trang trại - Yêu cầu kỹ thuật (Phần lợn thịt và lợn đực giống)

2014

Ưu tiên 1

5.

Tiêu chuẩn giống vịt Mốc - yêu cầu kỹ thuật.

2015

Ưu tiên 1

6.

Tiêu chuẩn gióng vịt TsN-15 - yêu cầu kỹ thuật

2015

Ưu tiên 1

7.

Tiêu chuẩn giống vịt Biển-15 - yêu cầu kỹ thuật

2015

Ưu tiên 1

8.

Tiêu chuẩn giống vịt ST - yêu cầu kỹ thuật

2015

Ưu tiên 1

9.

Tiêu chuẩn giống vịt Cổ Lũng - yêu cầu kỹ thuật

2015

Ưu tiên 1

10.

Tiêu chuẩn trại gà giống

2018

Ưu tiên 1

11.

Tiêu chuẩn trại gà thương phẩm

2014

Ưu tiên 2

12.

Tiêu chuẩn trại vịt, ngan giống

2018

Ưu tiên 1

13.

Tiêu chuẩn trại vịt, ngan thương phẩm

2014

Ưu tiên 2

14.

Chuồng nuôi vịt, ngan- Yêu cầu kỹ thuật

2014­-2016

Ưu tiên 2

15.

Trạm ấp trứng gia cầm - tiêu chuẩn kỹ thuật

2017­-2018

Ưu tiên 2

16.

Dê sữa -Yêu cầu kỹ thuật

2014­-2015

Ưu tiên 1

17.

Tiêu chuẩn quốc gia bò cái hướng thịt - yêu cầu kỹ thuật

2014­-2016

Ưu tiên 2

18.

Tiêu chuẩn giống gà chọi Bình Định

2014

Ưu tiên 1

19.

Tiêu chuẩn quốc gia các giống gà bản địa

2014

Ưu tiên 2

20.

Tiêu chuẩn quốc gia giống chim bồ câu

2014

Ưu tiên 2

21.

Tiêu chuẩn chất lượng thịt bò lai Zebu Việt Nam

2014­-2018

Ưu tiên 2

22.

Tiêu chuẩn về chuồng trại chăn nuôi bò sữa quy mô nông hộ

2014­-2018

Ưu tiên 2

2. Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia

STT

Tên nhiệm vụ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

Thời gian thực hiện

Ghi chú

1.

Quy chuẩn về điều kiện cơ sở nuôi giữ lợn giống gốc

2015

Xây dựng mới

2.

Quy chuẩn về điều kiện cơ sở nuôi giữ gà giống gốc

2015

Xây dựng mới

3.

Quy chuẩn về điều kiện cơ sở nuôi giữ vịt, ngan giống gốc

2015

Xây dựng mới

4.

Quy chuẩn về điều kiện cơ sở nuôi giữ đà điểu giống gốc

2015

Xây dựng mới

5.

Quy chuẩn về điều kiện cơ sở nuôi giữ bò, trâu, dê, cừu giống gốc

2015

Xây dựng mới

6.

Quy chuẩn về điều kiện cơ sở nuôi giữ thỏ giống gốc

2015

Xây dựng mới

7.

Quy chuẩn về điều kiện cơ sở nuôi giữ ong giống gốc

2015

Xây dựng mới

8.

Quy chuẩn về điều kiện cơ sở nuôi giữ tằm giống gốc

2015

Xây dựng mới

9.

Quy chuẩn về điều kiện cơ sở nuôi khảo nghiệm giống vật nuôi.

2015

Xây dựng mới

10.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm, kiểm định môi trường pha loãng và bảo tồn tinh dịch lợn

2014

Xây dựng mới

11.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Yêu cầu điều kiện vệ sinh đối với cơ sở sản xuất tinh lợn.

2014

Xây dựng mới

12.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Yêu cầu điều kiện vệ sinh môi trường đối với cơ sở ấp trứng gia cầm

2014

Xây dựng mới

13.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật nuôi làm giống - bò Holstein Friesian, bò cái Brahman

2014

Xây dựng mới

14.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tinh vật nuôi nhập khẩu - 1. tinh bò sữa; 2. Tinh bò thịt; 3. Tinh bò sữa phân ly giới tính

2014

Xây dựng mới

15.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đối với cơ sở sản xuất, cơ sở khảo nghiệm con giống vật nuôi - bò sữa

2014

Xây dựng mới

16.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật nuôi làm giống - trâu nội

2015

Bổ sung

17.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật nuôi làm giống - dê Bách Thảo, dê Saneen

2016

Bổ sung

18.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật nuôi làm giống - Dê Boer

2017

Bổ sung

19.

Quy trình kỹ thuật kiểm tra năng suất đực, cái giống vật nuôi.

2014

Ưu tiên 1

20.

Quy trình chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô nông hộ

2014­-2018

Ưu tiên 2

21.

Quy trình chăn nuôi bò thịt hữu cơ quy mô nông hộ

2014­-2018

Ưu tiên 2

22.

Quy trình nuôi chạy đồng vịt sinh sản an toàn sinh học

2014

Ưu tiên 2

23.

Quy trình nuôi chạy đồng vịt thương phẩm thịt an toàn sinh học

2014

Ưu tiên 2

24.

Quy trình nuôi nhốt vịt sinh sản an toàn sinh học

2014

Ưu tiên 2

25.

Quy trình nuôi nhốt vịt thương phẩm thịt an toàn sinh học

2014

Ưu tiên 2

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 680/QĐ-BNN-CN năm 2014 phê duyệt "Đề án Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi đến năm 2020" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 680/QĐ-BNN-CN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/04/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản