ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 678/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 29 tháng 3 năm 2023 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HUẾ - KINH ĐÔ ÁO DÀI”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2065/QĐ-UBND ngày 19 tháng 8 năm 2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Đề cương Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” kèm theo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
“HUẾ - KINH ĐÔ ÁO DÀI”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ
1. Sự cần thiết xây dựng Đề án
Cố đô Huế đang sở hữu và đồng sở hữu 07 di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới độc đáo và đặc sắc, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc trên Cung đình Huế; Nghệ thuật Bài Chòi và Nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Cùng với 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh, 205 công trình, địa điểm nằm trong danh mục kiểm kê và gần 1000 di tích đang được bảo tồn, phát huy giá trị. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế còn là vùng đất của lễ hội gắn với các giá trị văn hóa truyền thống như nghi lễ cung đình - dân gian, kỹ thuật diễn xướng, ẩm thực, trang phục; trong đó có Áo dài. Áo dài xứ Huế đã trải qua quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế cùng với bao thăng trầm lịch sử; tuy nhiên, đến nay, Áo dài vẫn được gìn giữ và phát huy giá trị cùng với Huế, Áo dài xuất hiện thường xuyên trong đời thường và trong các dịp nghi lễ, được tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của miền núi Ngự, sông Hương.
Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị Áo dài truyền thống Huế; hình thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc xây dựng và ban hành Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” là rất cần thiết. Đề án sẽ là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh Áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định Áo dài Huế - Áo dài Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu “Huế - kinh đô Áo dài”.
2. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án
- Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
- Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001;
- Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
- Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030;
- Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Chương trình hành động số 312/CTr-UBND ngày 11/10/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 2065/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Đề cương Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”.
Liên quan đến trang phục nói chung và Áo dài Việt Nam nói riêng phải kể đến các công trình sử liệu đã được thực hiện, ấn hành từ những năm triều Nguyễn phát triển thịnh vượng cho đến những năm gần đây, như: Đại Nam thực lực, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Châu bản triều Nguyễn, một số bài viết có liên quan trong Tập san của Hội Đô thành hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue - B.A.V.H)... Đó là nguồn tư liệu gốc quý giá vừa có nội dung miêu tả lại các sự kiện lịch sử diễn ra các cuộc cải cách trang phục dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và Hoàng đế Minh Mạng. Sự thay đổi trang phục dưới thời Võ vương đến việc cách tân, thiết kế Áo dài, quá trình định hình Áo dài Cát Tường, Lemur... Những năm gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến Áo dài Việt Nam với nhiều cấp độ và từ nhiều cách tiếp cận khác nhau đã được công bố đã đem đến nhiều thông tin quý giá liên quan Áo dài; góp phần nhận diện Áo dài là một trong những loại hình trang phục độc đáo làm nên cốt cách và tâm hồn của người Việt.
Trong những năm gần đây, nhiều Hội thảo về Áo dài đã được Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, đã góp phần làm sáng rõ giá trị văn hóa của Áo dài Huế, khẳng định Thừa Thiên Huế là vùng đất gắn bó với quá trình hình thành, bảo tồn và phát huy giá trị Áo dài truyền thống Huế.
2. Hạ tầng, nguồn lực phát triển Áo dài Huế
- Về nguyên liệu: Nguồn nguyên liệu vải để may Áo dài thời kỳ trước chủ yếu từ các làng nghề lụa truyền thống ở miền Bắc. Về sau nay thì nguồn vải may Áo dài khá phong phú, đa dạng về chủng loại màu sắc, được nhập từ nhiều nguồn hàng khác nhau trong khắp cả nước cũng như nước ngoài.
- Về cơ sở may: Bên cạnh một số nhà may Áo dài có tiếng tại thành phố Huế như: Nhà may Thẩm (42 Trần Nguyên Hãn), Tiệm may Hùng (35 Mai Thúc Loan), DNTN Thêu may Đoan Trang (2 Kiệt 56 Bạch Đằng), Tiệm may Thảo Trang (01 Quốc Sử Quán), DNTN Viết Bảo (46 Nguyễn Hoàng), Nhà may Thanh Châu (156 Phan Đăng Lưu), Nhà may Xuân Thi (72 Phan Đăng Lưu), Nhà may Phương Hoa (57 Mai Thúc Loan), Nhà may Thùy Trang (85 Mai Thúc Loan), Nhà may Cuộc (50 Bạch Đằng), Nhà may Trương Anh Hào (61 Bến Nghé), Nhà may Minh Tân (57 Nguyễn Sinh Cung), Nhà may Bích Thủy (47 Võ Thị Sáu), Nhà may Chi Silk (18 Nguyễn Sinh Cung), DNTN Đan Phương (08 Bà Triệu), Nhà may Hồng Đào (Tổ 19, An Đông), Nhà may Minh Tiến (31 Hà Nội), Nhà may Anh Bảo (64 A Lê Lợi), Nhà may Ngọc Tân (số 09 Tống Duy Tân), Công ty may mặc Phú Xuân (53 Huỳnh Thúc Kháng), Nhà may Hoàng (02 Đặng Thái Thân), Nhà may Tuấn (06 Trường Chinh)... cùng hàng trăm cơ sở may nhỏ lẻ khác trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, cung cấp sản phẩm Áo dài cho người dân, du khách trong và ngoài nước.
3. Khai thác, phát huy Áo dài Huế thông qua các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật
Trong thập niên 1990 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, Áo dài đã dần dần được hồi sinh với diện mạo mới. Hình ảnh Áo dài Huế được các nữ viên chức, học sinh, sinh viên sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày; Áo dài được các cấp, các ngành tôn vinh trong các kỳ lễ hội lớn nhỏ và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng riêng của xứ Huế. Lễ hội Áo dài đầu tiên trong cả nước được tổ chức vào năm 2000 tại Festival Huế đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm đối với khán giả trong cả nước. Trải qua 10 kỳ Festival Huế, cùng với các sự kiện văn hóa nghệ thuật, Áo dài được trình diễn với các chủ đề khác nhau đã mang đến cho du khách thập phương những trải nghiệm đầy thú vị về tà Áo dài Huế. Áo dài truyền thống Huế là hình ảnh tiêu biểu có tính biểu trưng gắn với các kỳ Festival Huế, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ nghi truyền thống; gắn với không gian cảnh quan và người dân xứ Huế.
4. Khai thác, phát huy giá trị Áo dài Huế, hình thành các sản phẩm du lịch.
Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế là một loại hình di sản văn hóa mang tính đặc trưng, đã được khai thác phục vụ phát triển du lịch, trở thành một lợi thế cạnh tranh, sản phẩm riêng có của cố đô Huế. Có thể nói, di sản Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế là nguồn tài sản vô giá, có tiềm năng quan trọng góp phần định vị điểm đến, thu hút du khách trong và ngoài nước đến mua sắm và trải nghiệm. Tuy nhiên, vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Bên cạnh các sản phẩm Áo dài, một số sản phẩm trình diễn nghệ thuật gắn với Áo dài vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, thời vụ chưa mang tính quy mô và bền vững.
5. Không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu, may đo Áo dài
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu, may đo Áo dài chính thức có quy mô lớn phục vụ hàng trăm lượt khách. Chủ yếu là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chưa được quy hoạch và tập trung vào 3 nhóm chính và 1 nhóm bổ trợ:
- Nhóm 1: Tại các cửa hàng buôn bán vải sỉ lẻ ở đường Nhật Lệ, Bến Nghé, Đặng Thai Mai và Chợ Đông Ba, Chợ An Cựu, Chợ Bến Ngự... tại cửa hàng này, đa phần là sự bày bán kết hợp các chủng loại vải khác nhau trong đó có vải Áo dài, đã đáp ứng một phần nhu cầu may mặc bình dân của người dân xứ Huế cũng như du khách trong và ngoài nước.
- Nhóm 2: Thừa Thiên Huế là nơi có không ít họa sĩ, nhà thiết kế yêu Huế tham gia hoạt động trong lĩnh vực thời hạng, trong đó có Áo dài như Nhà Thiết kế Viết Bảo, Trần Thiện Khánh, Quang Hòa, Quang Tân... đã tổ chức một số showroom trưng bày, giới thiệu các sản phẩm Áo dài thiết kế phục vụ cho đối tượng khách trong nước và quốc tế có nhu cầu may đo Áo dài phân khúc tầm trung.
- Nhóm 3: Là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm và phục vụ may đo trực tiếp cho các đối tượng là người dân Huế và du khách như: Nhà may Thẩm, Tiệm may Hùng, DNTN Thêu may Đoan Trang Tiệm may Áo dài Thảo Trang, Nhà may Thanh Châu, Nhà may Xuân Thi, Nhà may Phương Hoa, Nhà may Thùy Trang, Nhà may Chi, Nhà may Cuộc, Nhà may Trương Anh Hào, Nhà may Minh Tân, Nhà may Bích Thủy, Nhà may Hồng Đào, DNTN Đan Phương, Nhà may Tuấn, Nhà may Minh Tiến, Nhà may Anh Bảo...
- Nhóm bổ trợ: Chủ yếu là thông qua hoạt động trưng bày, giới thiệu Áo dài của các cơ quan, ban ngành đoàn thể tại các Cuộc triển lãm, sự kiện, hội nghị, hội thảo nhưng số lượng sản phẩm ít, thời gian tồn tại ngắn.
6. Công tác quảng bá, truyền thông về hình ảnh Áo dài Việt Nam, Áo dài Huế
Những năm gần đây, mặc dù công tác quảng bá hình ảnh Áo dài nữ đã được các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương quan tâm, tăng cường các hình thức truyền thông, quảng bá; hình ảnh Áo dài luôn gắn với hình ảnh Việt Nam trong các sự kiện quốc tế, tại lễ bế mạc Seagame 31, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Đất nước, con người Việt Nam - Hồn sen, Nón lá, Áo dài” điều này cho thấy vị trí, giá trị của Áo dài truyền thống Việt Nam đã được chú trọng, bảo tồn, phát huy. Tuy nhiên, hình ảnh Áo dài ngũ thân nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức, hình thức quảng bá chưa phong phú đa dạng; việc tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá Áo dài trong nước và nước ngoài vẫn còn hạn chế.
- Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Khai thác, phát huy các thế mạnh về văn hóa, con người Huế, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa;
- Phù hợp với nguồn lực, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2.1. Mục tiêu chung
- Khẳng định giá trị, vị trí của Áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam.
- Tôn vinh nét đẹp văn hóa của Áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển Áo dài Huế trong lịch sử hình thành và phát triển.
- Khai thác, phát huy vị thế Áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với Áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2025:
- Hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh Áo dài Huế qua các thời kỳ;
- Tổ chức định kỳ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế;
- Xây dựng được bộ truyền thông về Áo dài Huế;
- Tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”;
- Hình thành 01 sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế.
b) Đến năm 2030:
- Hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo Áo dài phục vụ khách du lịch;
- Ban hành tối thiểu 01 chính sách hỗ trợ phát triển Áo dài Huế;
- Hoàn thiện hồ sơ Nghề may đo Áo dài và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
- Triển khai các nội dung đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra;
- Các chương trình, sự kiện được tổ chức an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
4. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện
4.1. Nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu Áo dài Huế
Những thành tựu nghiên cứu liên quan đến Áo dài Việt Nam từ trước đến nay đã giúp nhận diện, đánh giá khá đầy đủ về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của Áo dài Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính toàn diện và khoa học, trong thời gian đến, cần tiếp tục nghiên cứu về Áo dài Việt Nam ở các vấn đề như sau:
a) Nghiên cứu đề xuất các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua việc sử dụng Áo dài thường xuyên và trong các hoạt động đối ngoại.
b) Nghiên cứu việc đa dạng hóa chất liệu, màu sắc, kiểu cách để bắt nhịp thị hiếu thời trang, phù hợp với cuộc sống đương đại để Áo dài ngày càng phổ biến và được yêu thích nhưng vẫn luôn giữ được giá trị văn hóa truyền thống vốn có của Áo dài.
c) Nghiên cứu các giá trị liên quan đến Áo dài nam nhằm tôn vinh, quảng bá đúng với nội hàm văn hóa lịch sử đã từng có, góp phần hồi sinh quốc phục Việt để Áo dài trở thành biểu tượng, đại diện cho bản sắc văn hóa, hình ảnh đất nước Việt Nam trên thế giới.
d) Nghiên cứu xây dựng thí điểm khu phố may đo Áo dài để thu hút du khách khi đến Huế tham quan và mua sắm; đề xuất không gian Bảo tàng văn hóa Áo dài, tạo tính chuyên nghiệp và phát triển thị trường Áo dài trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc.
đ) Nghiên cứu các chế định, cách thức sử dụng trang phục (Áo dài) trong một số nghi lễ tín ngưỡng - tôn giáo phổ biến tại Huế.
e) Nghiên cứu khảo sát để tìm ra sự giao thoa văn hóa trong sử dụng Áo dài đối với cộng đồng các dân tộc vùng cao ở Huế trong nghi lễ cũng như đời sống hàng ngày.
Hằng năm, hoạt động truyền thông quảng bá được thực hiện qua các công cụ sau:
a) Tổ chức 01 đến 02 cuộc tọa đàm, hội thảo liên quan đến việc tôn vinh, phát huy giá trị Áo dài, phát triển thương hiệu Áo dài, xây dựng Huế trở thành kinh đô Áo dài.
b) Tổ chức 02 đến 03 cuộc thi, liên hoan, trưng bày, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; xây dựng 03 đến 05 video, clip; thực hiện 01 đến 02 bộ nhận diện, ấn phẩm tuyên truyền.
c) Có từ 10 đến 15 bài viết, tin bài liên quan đến việc xây dựng và phát triển Huế kinh đô Áo dài Việt Nam đăng trên các báo có uy tín, trong nước và quốc tế; tập hợp xuất bản các ấn phẩm về Áo dài.
d) Có từ 02 đến 03 đợt tuyên truyền Huế - Kinh đô Áo dài trên một số màn hình, pa nô tấm lớn.
đ) Xây dựng bản đồ các nhà may Áo dài Huế trên ứng dụng Hue-S;
e) Tổ chức hoạt động trưng bày, trình diễn quảng bá Áo dài tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành.
4.3. Tổ chức Tuần lễ Áo dài Huế định kỳ hàng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế
Hằng năm, tổ chức chuỗi hoạt động tri ân, quảng diễn, trình diễn Áo dài, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, kết hợp với các hình thức tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh hình ảnh Áo dài; huy động nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích, huy động sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng khi tham gia Tuần lễ Áo dài Huế với có nhiều hình thức, nội dung hoạt động phong phú đa dạng, khai thác có hiệu quả các không gian văn hóa, di sản ở Huế, bao gồm các sự kiện chính như:
- Lễ tri ân, húy kỵ và hành hương về lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát;
- Các hoạt động trình diễn Áo dài chuyên nghiệp;
- Các hoạt động quảng diễn Áo dài cộng đồng với nhiều chủ đề như: Áo dài với môi trường, Áo dài di sản, Áo dài xưa, Áo dài đương đại, Áo dài và cuộc sống, Áo dài và nghệ thuật, Áo dài học đường, Phụ nữ Huế với Áo dài....
- Các cơ quan, ban ngành, địa phương phát động và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, tiểu thương và cộng đồng mặc Áo dài trong Tuần lễ Áo dài Huế từ ngày 20/5 đến ngày 26/5 âm lịch thông qua các hoạt động đi tham quan, trải nghiệm, các cuộc thi ảnh, tham gia các sự kiện...
- Tại các địa phương, tổ chức các hoạt động Áo dài cộng đồng trong khuôn khổ các lễ hội: Hương xưa làng cổ, Thuận An biển gọi, Sóng nước Tam Giang, Lăng Cô Vịnh đẹp thế giới, Chợ quê ngày hội... gắn với các địa danh Làng cổ Phước Tích, cầu ngói Thanh Toàn, Phố cổ Bao Vinh, Phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh...
- Kết nối các địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trong phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật liên quan đến Áo dài tại Huế và Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
4.4. Tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô Áo dài”
a) Xác lập quyền Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài” cho sản phẩm Áo dài của tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Điều tra khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm Áo dài tại thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy.
- Xây dựng báo cáo tổng quan về điều kiện vùng sản xuất Áo dài Huế.
- Xây dựng báo cáo về tính chất, chất lượng đặc trưng của sản phẩm Áo dài mang Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”.
- Lập bản đồ vùng bảo hộ sản phẩm mang Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”.
- Xây dựng quy chế quản lý và sử dụng Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”.
b) Xây dựng các quy định quản lý, kiểm soát Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”.
- Xây dựng quy định kỹ thuật về các công cụ, phương tiện mang Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”.
- Xây dựng các quy định cấp, gia hạn và thu hồi quyền sử dụng giấy chứng nhận sản phẩm mang Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”.
- Xây dựng các quy định kiểm soát nội bộ đối với sản phẩm được gắn Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”.
- Xây dựng các quy định kiểm soát bên ngoài đối với sản phẩm được gắn Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”.
c) Xây dựng mô hình tổ chức quản lý và khai thác trên thực tế.
- Xây dựng mô hình quản lý Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”.
- Xây dựng phương án thương mại hóa, kênh tiêu thụ.
- Xây dựng và phát sóng phim phóng sự truyền hình về Nhãn hiệu tập thể “Huế - Kinh đô Áo dài”.
Xây dựng các Kế hoạch, triển khai có hiệu quả các chính sách, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ ưu đãi trong hoạt động văn hóa để quảng bá, truyền thông ngành may đo Áo dài Huế; tạo cơ chế, kêu gọi đầu tư, xây dựng Bảo tàng, Trung tâm may đo và quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch, văn hóa, phục vụ công tác bảo tồn, quảng bá về văn hóa Áo dài; thực hiện chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng và đề nghị phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước (Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú) cho các cá nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân truyền dạy kỹ năng, bí quyết Nghề may đo Áo dài truyền thống Huế trong các gia đình, nhà trường, câu lạc bộ... nhằm bảo vệ, gìn giữ di sản Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế.
4.6. Hình thành Bảo tàng, Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang Áo dài
a) Thành lập Bảo tàng, Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang Áo dài: Đầu tư cơ sở vật chất, hình thành không gian lưu giữ, trưng bày, đào tạo, trình diễn và phát huy tinh hoa của văn hóa Huế như Áo dài, Ẩm thực,... phục vụ nhu cầu của người dân và du khách; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ may, nhà thiết kế Áo dài; phát triển các thương hiệu nổi tiếng về Áo dài Huế; nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các loại vải phù hợp từng bước hình thành ngành công nghiệp thời trang Áo dài Huế.
b) Đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, hình thành điểm trưng bày, trình diễn Áo dài phục vụ nhu cầu của khách du lịch góp phần tuyên truyền, quảng bá về giá trị, thương hiệu Áo dài Huế.
c) Phát huy không gian trưng bày Áo dài tại Trung tâm hỗ trợ phát triển và khởi nghiệp phụ nữ tỉnh.
Xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang trình hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Nghề may đo Áo dài và tập quán sử dụng Áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia).
4.8. Hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế
Hình thành không gian bảo tàng giới thiệu, trưng bày về Áo dài, Ẩm thực; tại đây, nhằm giới thiệu quá trình hình thành và phát triển, các giá trị về Áo dài, Ẩm thực trong dòng chảy văn hóa Việt, phát huy thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài, Huế - Kinh đô Ẩm thực.
Tổ chức các tour du lịch, khám phá trải nghiệm gắn liền với các giá trị của Áo dài như tour về các địa danh gắn với với quá trình hình thành phát triển Áo dài, các làng nghề may đo Áo dài, lịch sử của nghề may đo, hướng dẫn may đo và hướng đến hoạt động thương mại may đo phục vụ ngay cho khách có nhu cầu.
Tổ chức, hình thành các sản phẩm sự kiện văn hóa, chương trình nghệ thuật trình diễn, các sản phẩm lưu niệm gắn với hình ảnh Áo dài để đưa vào phục vụ du khách.
4.9. Phát động, khuyến khích và nhân rộng phong trào mặc Áo dài trong cộng đồng
Chính quyền địa phương, các sở ban ngành, đoàn thể các cấp phát động, khuyến khích cộng đồng mặc Áo dài trong các hoạt động nghi lễ, lễ hội truyền thống...; khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mặc Áo dài truyền thống trong những ngày lễ hội văn hóa (do tỉnh chủ trương tổ chức). Phấn đấu trên 90% cán bộ, nhân viên, người lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, các điểm tham quan du lịch, danh lam thắng cảnh tại Thừa Thiên Huế mặc Áo dài truyền thống.
5.1. Tác động về xã hội
- Nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giá trị Áo dài.
- Hình thành tập quán, thói quen mặc trang phục Áo dài trong các dịp nghi lễ truyền thống và các hoạt động không gian cảnh quan phù hợp,
- Góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ hình ảnh Áo dài, đưa áo dài phổ biến trong đời sống xã hội.
- Góp phần khẳng định Huế là nơi hình thành, bảo tồn và phát triển của Áo dài Việt Nam, hình thành sản phẩm văn hóa đặc sắc, phát triển du lịch.
5.2. Tác động về kinh tế
- Góp phần rất lớn trong việc phát triển các ngành nghề: du lịch, thương mại, may đo Áo dài, lưu trú, ẩm thực; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
- Tạo nguồn thu cho ngân sách, phát triển kinh tế địa phương dựa vào những đóng góp của các ngành nghề trên.
- Tạo công ăn việc làm cho người dân vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp sẽ thúc đẩy kinh tế, tạo nhiều việc hơn.
5.3. Tác động về văn hóa, du lịch
- Góp phần tuyên truyền, quảng bá, gìn giữ giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống về Áo dài cho người dân và du khách.
- Góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước về văn hóa Áo dài, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, di sản và các loại hình du lịch khác cùng phát triển.
- Tạo các sản phẩm, dịch vụ về văn hóa, du lịch đặc trưng và nổi tiếng phục vụ du khách khi đến Huế.
5.4. Tác động về công nghệ
- Đề án phát triển sẽ tạo nguồn thu để tái đầu tư cho công nghệ thực tế ảo, 3D, 5D trong hoạt động bảo tàng, biểu diễn, đào tạo, thương mại.
- Góp phần thúc đẩy hoạt động lưu trữ qua không gian số cho các hiện vật, lịch sử, truyền thống về Áo dài, nghề may đo.
- Thúc đẩy phát triển các ngành nghề công nghiệp văn hóa liên quan đến Áo dài.
Phụ lục 1 kèm theo
Phụ lục 2 kèm theo
8. Sản phẩm Đề án và tổ chức thực hiện
8.1. Sản phẩm Đề án
- Bộ cơ sở dữ liệu về Áo dài Huế.
- Bộ sản phẩm, các ấn phẩm truyền thông về Áo dài Huế.
- Kế hoạch tổ chức Tuần lễ Áo dài Huế.
- Nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô Áo dài” được chấp nhận đăng ký bảo hộ.
- Kế hoạch, triển khai các cơ chế, chính sách phát triển ngành may đo Áo dài Huế.
- Hình thành Bảo tàng, Trung tâm trưng bày Áo dài và công nghiệp sáng tạo.
- Bộ hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- Hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế
8.2. Tổ chức thực hiện
a) Sở Văn hóa và Thể thao:
Là cơ quan thường trực tham mưu triển khai Đề án; chủ trì triển khai các nội dung nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu Áo dài Huế.
Tổ chức Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế. Xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông hình về Áo dài Huế.
Tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai có hiệu quả chính sách đầu tư, hỗ trợ ưu đãi các hoạt động văn hóa, công tác quảng bá, truyền thông; tạo điều kiện thuận lợi để ngành may đo Áo dài Huế phát triển.
Tham mưu hình thành Bảo tàng, Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang Áo dài.
Xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
b) Ủy ban nhân dân thành phố Huế: Chủ trì triển khai tạo lập và đăng ký quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô Áo dài”. Tổ chức các Liên hoan, cuộc thi, trưng bày triển lãm liên quan đến Áo dài Huế, Áo dài Việt Nam. Khuyến khích vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tiểu thương các chợ trên địa bàn thành phố Huế, đặc biệt là chợ Đông Ba mang Áo dài trong những dịp cuối tuần, các sự kiện chính trị, văn hóa du lịch của tỉnh.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu bố trí vốn thực hiện các dự án thuộc Đề án.
d) Sở Tài chính: Tham mưu phân bổ kinh phí triển khai thực hiện các hạng mục, chương trình thuộc Đề án.
đ) Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền, quảng bá trên các trang thông tin đại chúng, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hưởng ứng tích cực; vận động cộng đồng mang Áo dài tham gia chuỗi hoạt động thuộc Đề án.
e) Sở Du lịch: Xúc tiến hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế. Xây dựng Kế hoạch khuyến khích các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn trang bị, yêu cầu nhân viên, hướng dẫn viên du lịch mặc Áo dài trong hoạt động du lịch.
g) Sở Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng Kế hoạch, lộ trình đưa Áo dài truyền thống trở thành đồng phục cho giáo viên, học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn.
h) Đại học Huế: Khuyến khích, vận động viên chức, sinh viên các trường đại học thành viên mặc trang phục Áo dài truyền thống trong các dịp lễ nghi và trong môi trường học đường.
i) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Khuyến khích, vận động hội viên mặc Áo dài trong các hoạt động thường nhật tại các sự kiện, không gian và hoàn cảnh phù hợp. Xây dựng không gian “Áo dài Phụ nữ Huế” tại Trung tâm hỗ trợ phát triển và khởi nghiệp phụ nữ tỉnh. Tổ chức các hoạt động Áo dài cộng đồng trong Festival Huế, các dịp 8/3, 20/10...
k) UBND các huyện, thị xã; các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá; tổ chức các Cuộc thi, liên hoan, hội diễn văn hóa văn nghệ, trưng bày triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh về Áo dài Huế, Áo dài Việt Nam. Khuyến khích vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị, học sinh, sinh viên mang Áo dài trong những dịp cuối tuần, các sự kiện chính trị, văn hóa du lịch của tỉnh./.
THỜI GIAN, LỘ TRÌNH THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
TT | Nội dung | Thời gian thực hiện | Thời gian hoàn thành | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp |
1 | Xây dựng Kế hoạch triển khai cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư, khuyến khích, ưu đãi cho các hoạt động văn hóa, công tác quảng bá, truyền thông; tạo điều kiện thuận lợi để ngành may đo Áo dài Huế phát triển | 2023 | 2025 | Sở Văn hóa và Thể thao | - Các cơ quan, đơn vị, địa phương - Sở Tư pháp - Sở Kế hoạch và Đầu tư |
2 | Nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu hình ảnh Áo dài Huế | 2023 | 2025 | Sở Văn hóa và Thể thao | Các cơ quan, đơn vị, địa phương |
3 | Tổ chức Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế | Hằng năm | Hằng năm | - Sở Văn hóa và Thể thao - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh - Hội Áo dài Huế | Các cơ quan, đơn vị, địa phương |
4 | Xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông hình về Áo dài Huế | Hằng năm | Hằng năm | - Sở Văn hóa và Thể thao - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh - Hội Áo dài Huế | Các cơ quan, đơn vị, địa phương |
5 | Tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô Áo dài” | 2021 | 2022 | UBND thành phố Huế | Sở Khoa học và Công nghệ |
6 | Hình thành Bảo tàng, Trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang Áo dài | 2024 | 2030 | Sở Văn hóa và Thể thao | Sở Kế hoạch và Đầu tư |
7 | Xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại | 2024 | 2030 | Sở Văn hóa và Thể thao | Các cơ quan, đơn vị, địa phương |
8 | Xúc tiến hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế | 2023 | 2030 | Sở Du lịch | Các cơ quan, đơn vị, địa phương |
- 1Quyết định 3343/QĐ-UBND năm 2019 sửa đổi một phần Quy chế hoạt động của Tổ công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được ban hành kèm theo Quyết định 2504/QĐ-UBND
- 2Kế hoạch 2786/KH-UBND năm 2022 về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 3Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2022 triển khai rà soát vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương theo Kế hoạch 1910/KH-TTCP do thành phố Hải Phòng ban hành
- 1Luật di sản văn hóa 2001
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Luật Đầu tư 2020
- 4Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5Nghị quyết 54-NQ/TW năm 2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Quyết định 3343/QĐ-UBND năm 2019 sửa đổi một phần Quy chế hoạt động của Tổ công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được ban hành kèm theo Quyết định 2504/QĐ-UBND
- 7Kế hoạch 2786/KH-UBND năm 2022 về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 8Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2022 triển khai rà soát vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương theo Kế hoạch 1910/KH-TTCP do thành phố Hải Phòng ban hành
Quyết định 678/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài" do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- Số hiệu: 678/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 29/03/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Thanh Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/03/2023
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết