Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 672/QĐ-BNN-TCLN

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VƯỜN QUỐC GIA YOK DON GIAI ĐOẠN 2010 - 2020"

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3, Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp tại Tờ trình số 317/TTr-TCLN-BTTN ngày 21/03/2012 về việc xin phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Yok Don giai đoạn 2010 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững vườn quốc gia Yok Don giai đoạn 2010 - 2020" gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên gọi: Vườn quốc gia Yok Don

2. Vị trí:

- Từ 12045' - 13010' Vĩ độ Bắc

- Từ 107029' - 107048' Kinh độ Đông

3. Tổng diện tích Vườn quốc gia Yok Don: 113.853,95 ha bao gồm:

a) Phần diện tích đất lâm nghiệp: 113.288,95 ha.

b) Phần diện tích đất khác: 565,00 ha.

4. Các phân khu chức năng:

a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 72.006,95 ha.

b) Phân khu phục hồi sinh thái: 35.501,00 ha.

c) Phân khu dịch vụ hành chính: 6.346,00 ha.

5. Mục tiêu, nhiệm vụ

a) Bảo vệ sự nguyên vẹn và tăng diện tích che phủ của rừng nhằm đảm bảo các mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững vườn quốc gia; bảo vệ và phát triển các nguồn gen động vật và thực vật rừng góp phần vào chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;

b) Sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng. Gắn kết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua phát triển du lịch sinh thái nhằm cải thiện đời sống của người dân địa phương và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;

c) Đầu tư công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên của Vườn quốc gia;

d) Thực hiện nghiên cứu thực nghiệm khoa học phục vụ bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài nguyên của Vườn quốc gia;

đ) Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn và phát triển bền vững. Từng bước tạo nguồn thu của Vườn thông qua các hoạt động về dịch vụ du lịch và cho thuê môi trường rừng.

6. Nội dung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn từ 2010 - 2020:

a) Quy hoạch các chương trình xây dựng: nhà làm việc, nghiên cứu khoa học, hội thảo, nhà khách, trạm kiểm lâm, nhà ở cho cán bộ, khu thể thao tổng hợp, hệ thống cấp nước; các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các công trình phục vụ du lịch sinh thái.

b) Quy hoạch hệ thống đường giao thông phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, tạo cơ sở cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đảm bảo an ninh quốc phòng gồm: nâng cấp và cải tạo các tuyến đường từ tỉnh lộ đi Đồn biên phòng 743, tuyến từ Văn phòng Vườn quốc gia đi thác Phật kéo dài đến chân núi Yok Don, tuyến từ Văn phòng Vườn quốc gia đi thác Bảy nhánh đến suối Ea Ril, tuyến đường 6B đi Đồn biên phòng 751; xây dựng hệ thống tường rào bảo vệ; tuyến đường nội bộ trong khu nuôi động vật bán hoang dã và vườn thực vật; duy tu và bảo dưỡng 55km đường tuần tra.

c) Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng tại vườn giống, vườn thực vật gồm nhà điều hành, nhà tác nghiệp, hệ thống tường rào, hệ thống cấp điện và nước.

d) Quy hoạch trung tâm cứu hộ động vật, khu nuôi động vật bán hoang dã.

đ) Quy hoạch các khu vực trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng.

e) Quy hoạch hệ thống các công trình thủy lợi và hồ sinh thái phục vụ cho các công trình phòng cháy; cải tạo môi sinh, môi trường, phát triển rừng. Cung cấp nước sinh hoạt cho các trạm kiểm lâm, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đồng thời, quy hoạch hệ thống thoát nước thải; xử lý rác thải và vệ sinh môi trường.

g) Quy hoạch các điểm, tuyến du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng và các diện tích cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái.

h) Quy hoạch phát triển vùng Đệm với quy mô gồm 7 xã có diện tích liên quan và tiếp giáp với Vườn, tổng diện tích tự nhiên là 133.890 ha. Xây dựng dự án đầu tư phát triển 7 xã vùng đệm nhằm phục hồi và quản lý rừng bền vững; xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi; tư vấn, dịch vụ kỹ thuật lâm nghiệp và nông lâm kết hợp; sản xuất cây giống lâm nghiệp, cây ăn quả và mô hình về trồng trọt, chăn nuôi.

i) Đầu tư trang thiết bị, máy móc và phương tiện truyền thông, đi lại phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng và thực hiện các dịch vụ du lịch sinh thái.

7. Các chương trình hoạt động

a) Bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua công tác khoán bảo vệ rừng; trồng rừng và chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có tác động/làm giàu rừng, thiết lập các đồng cỏ; thiết lập các đường băng xanh và băng trắng cản lửa; xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng, chòi canh lửa rừng và xây dựng đường bao ranh giới Vườn quốc gia và tuyên truyền.

b) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học trong quản lý, bảo tồn, phát triển rừng và xây dựng các vườn thực vật.

c) Đào tạo nâng cao năng lực bảo tồn, phát triển rừng, giáo dục môi trường và dịch vụ du lịch sinh thái.

d) Đầu tư, liên kết đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trong các phân khu Hành chính và dịch vụ du lịch. Thuê môi trường rừng đặc dụng trong phân khu phục hồi sinh thái để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giáo dục môi trường.

đ) Xây dựng cơ sở hạ tầng.

e) Phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đệm.

8. Các giải pháp chủ yếu

a) Về chính sách và thể chế: công khai quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền cho công tác bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời thu hút đầu tư trong và ngoài nước; nghiên cứu, đề xuất việc thử nghiệm và nhân rộng mô hình liên doanh, liên kết đầu tư và cho thuê môi trường để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.

b) Về khoa học công nghệ: áp dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất giống (đặc biệt là các loài cây bản địa) phục vụ nhu cầu trồng rừng; nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật cải tạo rừng nghèo, các biện pháp lâm sinh phục hồi rừng khộp; tăng cường đầu tư trang thiết bị để áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý.

c) Về phát triển nguồn nhân lực: bao gồm ưu tiên tuyển dụng cán bộ được đào tạo chính quy, đào tạo chuyên đề; chuyên môn hóa cao cho lực lượng cán bộ trong các lĩnh vực hoạt động; khuyến khích việc học cao học, nghiên cứu sinh và tham gia các khóa đào tạo khác để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

d) Về tài chính: ngân sách nhà nước đảm bảo đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng bảo tồn, phát triển rừng, nghiên cứu khoa học; hệ thống đường trục, đường tuần tra bảo vệ, các hồ đập sinh thái. Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, công trình hạ tầng phục vụ du lịch, khu hội thảo, vui chơi giải trí trong phân khu Hành chính và dịch vụ du lịch, ưu tiên khôi phục, xây mới các công trình phục vụ du lịch trên các nền móng biệt thự cũ. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng ở các khu rừng cảnh quan, vườn thực vật, trồng cây dọc theo các tuyến đường.

đ) Tổ chức thực hiện quy hoạch và giám sát đánh giá

- Trong phân khu nghiêm ngặt: lập các dự án đầu tư cho các công trình xây dựng, lâm sinh.

- Trong phân khu phục hồi sinh thái: lập các dự án đầu tư cho các công trình xây dựng, lâm sinh xây dựng các đề án thuê môi trường rừng đặc dụng làm du lịch sinh thái.

- Trong phần khu hành chính và dịch vụ du lịch: lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2.000) trên diện tích công trình đã được xác định.

- Giám sát thực hiện các quy định về bảo vệ môi sinh, môi trường. Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đã được xác định trong quy hoạch

9. Khái toán đầu tư

Tổng vốn nhu cầu đầu tư khái toán là: 397.085 triệu đồng, bao gồm:

a) Chương trình bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển lâm nghiệp bền vững: 7.491 triệu đồng.

b) Các chương trình nghiên cứu khoa học: 7.400 triệu đồng

c) Chương trình đầu tư xây dựng vườn thực vật: 17.791 triệu đồng

d) Chương trình đào tạo nguồn nhân lực và giáo dục môi trường: 720 triệu đồng.

đ) Chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực cho phát triển du lịch sinh thái: 46.508 triệu đồng.

e) Chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trạm kiểm lâm, văn phòng làm việc và trang thiết bị: 100.275 triệu đồng.

g) Chương trình đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi, hồ sinh thái và trạm bơm thủy lợi phục vụ công tác bảo tồn: 82.070 triệu đồng.

h) Chương trình nuôi động vật hoang dã: 38.525 triệu đồng.

i) Chương trình xây dựng Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã: 19.585 triệu đồng.

k) Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội một số buôn vùng đệm và buôn Đrăng Phôk: 6.720 triệu đồng.

Phân kỳ đầu tư như sau:

- Giai đoạn 2010 - 2013: 41.583 triệu đồng.

- Giai đoạn 2014 - 2015: 203.842 triệu đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: 151.660 triệu đồng.

Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn ngân sách nhà nước 292.467 triệu đồng (73,65%) đầu tư cho các chương trình bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng và chăm sóc rừng trồng, làm giàu rừng, vườn thực vật, băng cản lửa, đề tài nghiên cứu khoa học, nhà làm việc, nhà giáo dục môi trường, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hệ thống đường, hệ thống điện, thu gom xử lý chất thải, chòi canh lửa, bảng nội quy bảo vệ rừng, đường bao ranh giới, các đập nước.

- Huy động các nhà đầu tư và hỗ trợ quốc tế 104.618 tỷ đồng (26,35%) đầu tư xây dựng khu nuôi động vật bán hoang dã, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, phát triển du lịch sinh thái.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phê duyệt các quy hoạch chi tiết, các bản đồ quy hoạch.

Giao Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo, hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư hàng năm cho Vườn quốc gia Yok Don theo các nhiệm vụ đầu tư và các dự án đầu tư cụ thể của từng chương trình đầu tư được duyệt; tổ chức thực hiện quy hoạch có hiệu quả theo các nội dung quy định tại Điều 1 của Quyết định này và nội dung của Báo cáo quy hoạch được phê duyệt, tuân thủ các quy chế hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Nhà nước về quy hoạch quản lý rừng đặc dụng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch, Tài chính; Cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng và Quản lý công trình; Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Vườn quốc gia Yok Don và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ TN&MT; KH&ĐT; TC, VH-TT&DL;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng Khoa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 672/QĐ-BNN-TCLN năm 2012 phê duyệt "Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững vườn quốc gia Yok Don giai đoạn 2010 - 2020" do do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 672/QĐ-BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/03/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Đăng Khoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản