Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/QĐ-UB | Long Xuyên, ngày 27 tháng 01 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CHI CỤC BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật tổ chức Hội Đồng Nhân Dân và Ủy Ban Nhân Dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21/06/1994;
- Căn cứ Quyết định số 187/TS-QĐ ngày 27/6/1991 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản “V/v ban hành quy định về tổ chức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”;
- Căn cứ Quyết định số 492/QĐ.UB.TC ngày 26/6/1995 của UBND tỉnh An Giang “V/v thành lập Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ Sản tỉnh An Giang”;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này Bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh An Giang.
Điều 2: Giám đốc Sở Nông nghiệp, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức, triển khai thực hiện quyết định này.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các văn bản trước đây trái với nội dung quy định trong bản thuyết minh này đều bãi bỏ.
Điều 4: Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở Ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp, Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CHI CỤC BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 67/QĐ-UB ngày 27 tháng 01 năm 1996 của UBND tỉnh An Giang).
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Nay UBND tỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh như sau:
Chương I
CHỨC NĂNG – NHIỆM VỤ – QUYỀN HẠN
Điều 1: Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh là đơn vị sự nghiệp, có tư các pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, kinh phí hoạt động do Ngân sách Tỉnh cấp.
- Chi cục BVNLTS là lực lượng chuyên trách do Giám đốc Sở Nông nghiệp quản lý, chỉ đạo, đồng thời chi cục là mạng lưới thuộc hệ thống tổ chức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quốc gia, chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản.
Điều 2: Chức năng, nhiệm vụ:
1. Giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bao gồm: kiểm tra, thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; quản lý và cấp giấy phép khai thác, sản xuất, vận chuyển thuỷ sản, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật thuỷ sản đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá trên địa bàn tỉnh An giang.
2. Phối hợp với các Sở, Ngành, Đoàn thể cấp Tỉnh và UBND các huyện thị tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản cho cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, thành viên các đoàn thể và nhân dân thông suốt để chấp hành, thực hiện đúng.
3. Thường xuyên phối hợp với các ngành hữu quan và UBND các cấp kiểm tra các hoạt động có liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân chấp hành đúng quy định. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm.
4. Phối hợp với Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản thuộc Bộ và Chi Cục BVNLTS các tỉnh trong khu vực thực hiện thống nhất các quy định của Nhà nước có liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, xử lý các vụ việc vi phạm có liên quan đến các tỉnh và vượt quá thẩm quyền của chi cục.
Điều 3: Chi cục BVNLTS tỉnh có các quyền sau:
1. Được tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với các ngành có liên quan như: Công An, Cảnh sát, Quản lý thị trường, Lực lượng quân sự đóng trên địa bàn... Tiến hành kiểm tra theo quy định. Yêu cầu tổ chức, cá nhân được kiểm tra xuất trình các tài liệu, chứng từ có liên quan và báo cáo đầy đủ, chính xác theo yêu cầu kiểm tra.
2. Khi phát hiện hành vi vi phạm có quyền lập biên bản, buộc đình chỉ hành vi vi phạm, áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Được xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền thì chuyển hồ sơ đến UBND tỉnh hoặc Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Khi thi hành công vụ, nếu đối tượng vi phạm có hành vi chống đối, kháng cự, lực lượng kiểm tra có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thích hợp để bảo vệ hiện trường, thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm và tạm giữ người vi phạm theo thủ tục hành chính.
Điều 4: Nghiêm cấm các lực lượng kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản làm các việc sau:
1. Tự đặt ra quy định để kiểm tra, kiểm soát, xử phạt hành chính trái với quy định của bản pháp luật và nội dung của bản quy định này.
2. Khám xét người, đồ vật, phương tiện và tạm giữ người trái pháp luật.
3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để bao che đối tượng vi phạm hoặc có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị kiểm tra, gây phiền hà cho nhân dân.
4. Chiếm đoạt, sử dụng trái phép tang vật, phương tiện vi phạm đang tạm giữ chờ xử lý.
Chương II
BIÊN CHẾ TỔ CHỨC CHI CỤC BẢO VỆ NGUỒN LỢI THUỶ SẢN
Điều 5: Biên chế Chi cục BVNLTS tỉnh nằm trong biên chế chung của ngành Nông nghiệp tỉnh.
1. Chi cục BVNLTS cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
2. Chi cục có Chi Cục trưởng; 1 Chi Cục phó và các bộ phận giúp việc được biên chế thành các Phòng, Ban, Trạm. Biên chế cụ thể do Sở Nông nghiệp thống nhất với Ban TCCQ tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Chi Cục trưởng, Chi cục BVNLTS do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp.
4. Chi cục phó, Chi cục BVNLTS do Giám đốc Sở Nông nghiệp bổ nhiệm theo đề nghị của Chi cục trưởng.
5. Cán bộ, nhân viên chi cục BVNLTS phải được tuyển chọn theo đúng tiêu chuẩn cán bộ viên chức Nhà nước.
Điều 6: Điều kiện làm việc và chế độ công tác:
1. Cán bộ, nhân viên Chi cục BVNLTS được cấp giấy chứng nhận và thẻ thanh tra viên để thi hành nhiệm vụ, thống nhất theo quy định chung của Cục BVNLTS.
2. Kinh phí hoạt động của chi cục nằm trong kinh phí hoạt động chung của Sở Nông nghiệp. Sở Tài chính Vật giá chịu trách nhiệm đảm bảo kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp.
Điều 7: Các khoản thu xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đều tập trung vào Ngân sách Nhà nước.
Điều 8:
1. Khi thi hành nhiệm vụ cán bộ, nhân viên Chi cục BVNLTS phải mang giấy chứng nhận và thẻ thanh tra viên, xuất trình cho đối tượng được kiểm tra biết (khi cần thiết) trước khi kiểm tra.
2. Lực lượng kiểm tra BVNLTS có quyền chủ động tiến hành kiểm tra mọi đối tượng trên địa bàn theo kế hoạch, trường hợp đặc biệt khi kiểm tra không nhất thiết phải báo trước với đơn vị chủ quản hoặc chính quyền địa phương. Nhưng khi kết thúc kiểm tra phải báo cáo bằng văn bản nội dung kiểm tra, kết quả xử lý cho đơn vị chủ quản hoặc chính quyền địa phương biết.
3. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phải có ít nhất từ hai thành viên trở lên.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 9:
Việc xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06/7/1995 và Nghị định số 85/CP ngày 22/11/1993 của Chính phủ: “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”.
Chỉ những cơ quan và người có thẩm quyền được quy định trong pháp lệnh xử lý VPHC và Nghị định 85/CP của Chính phủ mới được quyền quyết định xử phạt các hành vi vi phạm trên lĩnh vực quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Điều 10:
Tập thể, cá nhân thuộc Chi cục BVNLTS có thành tích thì được biểu dương, khen thưởng định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ hiện hành.
Cán bộ, nhân viên thuộc Chi cục vi phạm pháp luật, làm trái các điều trong bản quy định này, gây thiệt hại, phìên hà cho tổ chức và công dân. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại về vật chất, trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 11: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt, tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ, nhân viên nhà nước trong thực hiện đến cơ quan cấp trên trực tiếp của tổ chức, cá nhân quyết định xử phạt hoặc Viện Kiểm Sát Nhân Dân cùng cấp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vẫn phải thi hành quyết định xử phạt.
Điều 12:
Cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân phải có trách nhiệm tiếp nhận giải quyết đúng thủ tục, thời gian theo luật định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13: Giám đốc Sở Nông nghiệp căn cứ biên chế của Sở, yêu cầu của công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong Tỉnh chủ động phối hợp với Ban TCCQ tỉnh hình thành tổ chức, bộ máy của Chi cục BVNLTS tỉnh đi vào hoạt động theo đúng quy định này.
Quyết định 67/QĐ-UB năm 1996 về Bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu: 67/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/01/1996
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Nguyễn Minh Nhị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra