Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/2005/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 30 tháng 12 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2005 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, Thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình tại Tờ trình số 1072 /TTr-SNN ngày 05 tháng 12 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt và ban hành kèm theo Quyết định này "Chương trình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2005 - 2010"

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Tài nguyên - Môi trường; các hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS HCM; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nội dung của Chương trình.

Điều 3: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ; (B/c)
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (B/c)
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ tư pháp); (B/c)
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình;
- Sở Tư pháp;
- Lưu VT + KTTH + CVNN.

TM/ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2005 - 2010
(Ban hành kèm theo quyết định số: 67/2005/QĐ-UB, ngày 30 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh Quảng Bình)

I. TÌNH HÌNH NGÀNH CHĂN NUÔI TRONG THỜI GIAN QUA

1. Tình hình phát triển chăn nuôi:

Theo số liệu thống kê, Quảng Bình có tổng đàn gia súc, gia cầm qua các năm như sau:

Số lượng gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Bình từ năm 2001 - 2004 (ĐV con)

Năm

Trâu

Lợn

Gia cầm

2001

33.621

105.144

280.973

5.360

1.868.000

2002

35.760

104.431

293.662

4.349

2.067.000

2003

35.950

105.365

300.811

5.047

2.247.000

2004

36.713

106.967

317.698

6.378

2.151.000

Tốc độ tăng bình quân (%)

3,1

0,6

4,4

6,3

5,1

Qua số liệu thống kê tổng đàn cho thấy chăn nuôi Quảng Bình thời gian qua còn nhiều diễn biến bất thường, tính ổn định trong tăng trưởng chưa cao. Tuy nhiên, với chương trình cải tạo đàn bò những năm qua theo hướng Zebu hóa đã đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho người dân nhờ nâng cao tầm vóc, trọng lượng, tỷ lệ thịt xẻ cao, tăng trọng nhanh nên một số địa phương đã thực hiện khá tốt như xã Thanh Thủy (Lệ Thủy), xã Hòa Trạch (Bố Trạch) có tỷ lệ bò lai trên 30%. Theo báo cáo các địa phương đến 31/3/2005 toàn tỉnh có 4.854 con (bằng 4,4% trong tổng đàn).

Đến nay toàn tỉnh có gần 30 hộ trang trại chăn nuôi lợn thuần ngoại với quy mô từ 10 nái ngoại và 50 lợn thịt thuần ngoại trở lên, bước đầu đã có sản phẩm hàng hóa và đưa lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi.

Nhiều giống gia cầm có năng suất cao như: các giống gà thả vườn (Tam hoàng, Lương phượng...), vịt Siêu trứng, ngan Pháp... đã được nông dân ưa chuộng và nhân rộng, nhờ vậy đã góp phần tạo ra khối lượng thịt, trứng ngày càng tăng. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm ở Tỉnh ta chủ yếu vẫn theo phương thức gia đình với quy mô nhỏ lẻ, chưa có trang trại chăn nuôi gà công nghiệp.

2. Cơ sở vật chất, nguồn lực của ngành chăn nuôi - thú y:

Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh được thành lập theo quyết định số 37/2004/QĐ-UB ngày 09/8/2004 có chức năng, nhiệm vụ: Sản xuất lợn giống bố mẹ thuần ngoại và các loại giống vật nuôi khác; triển khai thực hiện các chương trình dự án giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Hiện tại Trung tâm đảm bảo đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao và phát triển mở rộng cho những năm tới đạt quy mô 200 lợn nái ngoại, xứng đáng là hạt nhân để thực hiện xã hội hóa về sản xuất giống vật nuôi cho nhân dân.

Toàn tỉnh có 1 cơ sở chăn nuôi lợn đực giống thuần ngoại của tỉnh và 21 hộ gia đình nuôi lợn đực giống nằm rải rác trên các huyện để lấy tinh với tổng số 51 con, gồm các giống Landrace, Yorkshire...

Lực lượng dẫn tinh viên (DTV) toàn tỉnh hiện có 34 người hoạt động (trên tổng số 126 người được đào tạo), một số DTV hoạt động tốt như ở các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Đồng Hới. Phong trào trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò Lai ngày càng tăng cũng như ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Hiện nay toàn tỉnh có 72 bình nitơ, gồm 42 bình bảo quản và 30 bình công tác để phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT) bò.

Toàn tỉnh hiện có 12 lò ấp trứng thủ công để ấp trứng vịt và trứng gà cung cấp giống cho một số vùng có truyền thống chăn nuôi vịt ở Lệ Thủy, Quảng Trạch, Đồng Hới.

Chi cục Thú y Quảng Bình với đội ngũ 49 cán bộ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn dịch bệnh cho gia súc gia cầm trên địa bàn Quảng Bình. Tại Chi cục có 1 phòng xét nghiệm chuẩn đoán bệnh có đầy đủ trang thiết bị cần thiết để nghiên cứu và chuẩn đoán; 6 trạm thú y huyện đều có văn phòng làm việc, thuốc thú y phục vụ nhân dân trên địa bàn. Hệ thống mạng lưới thú y cơ sở gồm 154 cán bộ trung cấp thú y làm trưởng Ban chăn nuôi - thú y (đang bổ sung cho đủ cán bộ thú y cho các xã)

3. Tình hình sản xuất và tiêu thụ, chế biến sản phẩm chăn nuôi:

Theo báo cáo của Chi cục Thú y về công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh hiện có 564 điểm giết mổ thịt lợn, thịt trâu bò. Hàng năm bình quân giết mổ tiêu thụ nội địa khoảng 200.000 - 250.000 con lợn và 10.000 - 20.000 con trâu bò. Ngoài ra có mạng lưới thương lái trâu, bò, lợn bán ra ngoài tỉnh gồm 12 người, chủ yếu tập trung ở 2 huyện Bố Trạch, Quảng Trạch. Bình quân hàng năm thu mua bán ra (chủ yếu cho các tỉnh phía Nam và TP Hồ Chí Minh) khoảng 3.000 - 5.000 con trâu bò. Hiện nay tại Lệ Thủy có 1 cơ sở tư nhân (Hương Giang) chuyên giết mổ chế biến thịt lợn đóng hộp xuất đi TP Hồ Chí Minh và tiêu thụ trên địa bàn, hàng năm giết mổ khoảng 50 tấn thịt lợn hơi.

Năm 2004, UBND tỉnh giao cho Công ty cao su Lệ Ninh ký hợp đồng với Công ty Vissan - TP Hồ Chí Minh để thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, việc xúc tiến mới chỉ là bước đầu do Quảng Bình chưa tạo đủ nguồn sản phẩm hàng hóa.

4. Đánh giá tình hình phát triển chăn nuôi, tồn tại và nguyên nhân:

Chăn nuôi của tỉnh Quảng Bình trong những năm qua tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng tốc độ phát triển còn chậm, tỷ trọng chăn nuôi đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm chưa được cải tiến, vì vậy năng suất hiệu quả thấp. Chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng nguyên liệu và sản phẩm hàng hóa. Công tác thú y phòng trừ dịch bệnh, ý thức tiêm phòng và vệ sinh thú y của người dân chưa thực sự được quan tâm nên tỷ lệ tiêm phòng hàng năm đạt thấp, chưa đủ bảo hộ an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh. Công tác dịch vụ phục vụ cho chăn nuôi còn yếu.

* Nguyên nhân của những tồn tại trên là:

1. Công tác quy hoạch phát triển chăn nuôi chưa được hoàn chỉnh, chưa đầu tư thích đáng để thúc đẩy chăn nuôi phát triển, nên chăn nuôi phát triển tự phát, không tập trung, chưa hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa.

2. Do tiềm lực kinh tế của nông dân Quảng Bình còn hạn chế, chưa dám mạnh dạn để đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, còn mang tư tưởng tự cung tự cấp.

3. Hệ thống sản xuất cung ứng giống, cơ sở vật chất phục vụ cho chăn nuôi của tỉnh chậm được hình thành, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi chưa phù hợp, chậm đến tận người dân nên chưa thúc đẩy và giữ vai trò chỉ đạo để hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi.

4. Công tác chỉ đạo điều hành chưa sâu sát và thiếu chặt chẽ; sự phối hợp các địa phương cơ quan ban ngành còn lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo trong phát triển chăn nuôi.

5. Việc tiêu thụ sản phẩm giải quyết đầu ra cho chăn nuôi chủ yếu do các tư thương đảm nhiệm, chưa có tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước nào thu mua, chế biến nên có hiện tượng chèn ép giá người sản xuất; cơ sở giết mổ súc sản chậm hình thành nên chưa thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Phương hướng:

- Tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, khuyến khích đầu tư có trọng điểm để phát triển và hình thành các vùng chăn nuôi hàng hóa nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

- Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tập trung thâm canh, chăn nuôi công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm vật nuôi; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các HTX, liên hộ đầu tư phát triển chăn nuôi theo vùng quy hoạch. Phấn đấu từng bước để sau năm 2010 có thể hình thành khu chăn nuôi công nghệ cao.

- Phát triển chăn nuôi gắn tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, liên doanh, liên kết tìm kiếm thị trường nhằm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi. Hình thành các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, chế biến để chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

- Phát triển chăn nuôi tập trung kết hợp với xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Mục tiêu:

- Nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đạt 35% vào năm 2005 và xấp xỉ 40 - 42% vào năm 2010. Vào năm 2010, toàn tỉnh có:

+ Đàn trâu: 40.500 con; tăng bình quân 2% năm

+ Đàn bò: 135.000 con; tăng bình quân 3,5% năm

+ Đàn lợn: 426.500 con; tăng bình quân 5,5% năm

+ Đàn dê: 12.000 con; tăng bình quân 3% năm

+ Đàn gia cầm: 3.500.000 con; tăng bình quân 10,4% năm

+ Sản lượng thịt xuất chuồng 33.000 tấn; tăng bình quân 5,6% năm.

III. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nội dung:

1.1. Chăn nuôi bò:

- Quy hoạch vùng chăn nuôi bò Lai theo hướng tập trung thâm canh sản xuất quy mô hàng hóa: hình thành 10 vùng gồm 36 xã phát triển bò lai bằng phương pháp TTNT và 6 vùng với 29 xã phát triển bò lai Sind bằng phương pháp nhảy trực tiếp. (Có phụ lục kèm theo)

- Đẩy nhanh tiến độ chương trình cải tạo đàn bò địa phương theo hướng Zebu hóa gồm các giống Red Sindhi, Brahman, Sahiwal đỏ... chủ yếu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đến năm 2010: lai tạo được 45.000 bê lai, đưa tỷ lệ bò lai đạt 35% so với tổng đàn làm cơ sở để tiếp tục cho lai tạo với các giống bò chuyên thịt.

Tuyển chọn và nhập bổ sung 270 con bò đực giống lai Zebu 50% máu ngoại trở để phân bổ cho những vùng phát triển bò Lai bằng phương pháp nhảy trực tiếp.

- Đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên tỉnh với 70 người (tối thiểu mỗi xã trong vùng có 2 dẫn tinh viên).

- Tiến hành thiến 6.000 con bò đực cóc không đủ tiêu chuẩn phối giống tại các vùng chăn nuôi bò Lai trong 2 năm 2006 - 2007.

- Chọn lọc thay thế 5.000 - 6.000 con bò cái Lai tốt làm nền sinh sản để phối tinh giống bò thịt chất lượng cao trong 5 năm (từ 2006 - 2010) nhằm tiến tới tạo ra giống bò thịt đạt năng suất chất, lượng cao phù hợp điều kiện khí hậu ở tỉnh ta.

- Đào tạo, tập huấn, tham quan học tập nâng cao trình độ kiến thức chăn nuôi bò lai thâm canh cho 3.000 lượt người (bình quân 600 người/năm).

- Khuyến khích, hỗ trợ trồng 1.000 ha cỏ voi, cỏ sữa, cỏ Úc... để giải quyết thức ăn cho đàn bò Lai.

- Tạo vùng nguyên liệu bò thịt hàng hóa cung cấp cho công ty Vissan do Công ty cao su Lệ Ninh thu mua thông qua vệ tinh là các thương lái hoặc hợp đồng thu mua sản phẩm cho người chăn nuôi. Phấn đấu năm 2006 xuất bán từ 300 - 600 con bò đạt 75 - 180 tấn thịt hơi.

1.2. Chăn nuôi lợn:

- Thực hiện nạc hóa đàn lợn, đến năm 2010 đưa đàn lợn nái ngoại lên 5.000 con, chiếm tỷ lệ 12,5% tổng đàn lợn nái của tỉnh nhằm tăng tỷ lệ nạc hóa đạt 60%.

- Nâng cấp Trung tâm Giống vật nuôi để đạt 200 lợn nái thuần ngoại cấp ông bà vào năm 2010 làm cơ sở hạt nhân cung cấp giống lợn ngoại hậu bị cho 20 vùng sản xuất giống trong nhân dân. Đồng thời tuyển chọn, huấn luyện lợn đực thuần ngoại để cung cấp cho các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn đực giống trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng vùng chăn nuôi lợn nái ngoại trong nhân dân nhằm thực hiện mục tiêu xã hội hóa việc sản xuất, nhân giống lợn ngoại nuôi thịt thương phẩm theo quy mô hàng hóa, gồm 20 xã của 7 huyện, thành phố.

- Có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn ngoại theo quy mô trang trại, phấn đấu đến năm 2010 toàn tỉnh có 100 trang trại chăn nuôi lợn thịt thương phẩm thuần ngoại với quy mô từ 100 - 300 con, toàn tỉnh đạt khoảng 100.000 con lợn thịt thuần ngoại/ năm.

- Đẩy mạnh chương trình liên doanh liên kết, hợp tác với Công ty Vissan (TP. HCM) để xây dựng khu chăn nuôi lợn công nghiệp gắn với sản xuất thức ăn và thu mua chế biến các mặt hàng sản phẩm thịt lợn như thịt hộp, xúc xích, lạp xưởng, patê gan... tại Công ty Lệ Ninh với công suất 10.000 tấn thức ăn gia súc/năm và xưởng chế biến 5.000 tấn thịt lợn hơi (62.000 con lợn)/năm.

1.3. Đối với chăn nuôi gia cầm:

+ Nâng cao chất lượng đàn vịt. Năm 2006 - 2007: nhập 5.000 con vịt Bầu Quì bố mẹ, nhập 10.000 con vịt CV. Supper Meat bố mẹ sinh sản để cung cấp giống thịt nuôi đạt năng suất cao. Nhân nhanh đàn vịt Khaki Cambell trong nhân dân để nâng cao năng suất đẻ trứng, thay thế dần đàn vịt địa phương.

+ Bảo tồn và phát triển những giống gà có chất lượng thịt thơm ngon như gà Ri, gà Lương phượng thả vườn; chuyển giao giống gà chuyên trứng Ai Cập để nâng cao năng suất và chất lượng trứng.

+ Khuyến khích phát triển mạnh chăn nuôi ngỗng, ngan Pháp theo mô hình trang trại để tăng nhanh sản lượng thịt gia cầm.

+ Từng bước nghiên cứu để nhân rộng mô hình chăn nuôi đà điểu ở Bố Trạch nhằm tạo ra sản phẩm thịt có giá trị cao và kết hợp chăn nuôi trang trại sinh thái phục vụ du lịch.

1.4. Tổ chức thu mua chế biến gia súc, gia cầm:

- UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Công ty Lệ Ninh, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty Vissan thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn để thu mua, chế biến gia súc (lợn, trâu, bò) cho nông dân.

Trong 2 năm 2006 - 2007, Công ty Lệ Ninh hình thành được mạng lưới thu mua gia súc cho Công ty Vissan giết mổ. Đến giai đoạn 2007 - 2010 Công ty Lệ Ninh và Công ty Vissan cùng liên doanh đầu tư một cơ sở giết mổ, dây chuyền chế biến các loại sản phẩm về thịt heo, trâu bò tại Công ty Lệ Ninh với công suất 3.000 tấn/năm.

- Thực hiện cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh không để lây lan với nguồn vốn được phân bổ như sau: tỉnh hỗ trợ 40%, huyện (thành phố) hỗ trợ 30%, các nguồn vốn khác và dân đóng góp 30%. Năm 2006, xây dựng 4 cơ sở giết mổ tại thành phố Đồng Hới với công suất 50 - 200 con lợn/ngày. Đến năm 2007 sẽ xây dựng thêm 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy và Minh Hóa.

Khuyến khích các cơ sở giết mổ chế biến thịt tư nhân (như cơ sở Hương Giang - Lệ Thủy) mở rộng quy mô, nâng công suất để tiêu thụ hết sản phẩm chăn nuôi cho bà con nông dân.

2. Các giải pháp thực hiện:

2.1. Giải pháp về kỹ thuật:

2.1.1. Công tác giống:

* Đối với bò thịt:

- Sử dụng tinh viên, tinh cộng rạ các giống bò Zebu (Red Sindhi, Sahiwal, Brahmand...) để cải tạo đàn bò vàng địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và dùng bò đực lai có từ 50% Zebu trở lên để phối giống trực tiếp ở những vùng sâu, vùng xa.

- Để tránh sự tạp giao của bò đực "cóc", tiến hành thiến 6.000 con bò đực "cóc" không đủ tiêu chuẩn làm giống trong 2 năm 2006 - 2007, năm 2006: thiến 3.000 con, năm 2007: thiến 3.000 con).

- Năm 2005 và 2006, tổ chức tuyển chọn và nhập 270 con bò đực giống ít nhất có 50% máu Zebu để phối giống trực tiếp cho những vùng sâu, vùng xa khó khăn chưa triển khai được TTNT.

* Đối với chăn nuôi lợn:

- Đầu tư nâng cấp Trung tâm Giống vật nuôi đạt quy mô 200 lợn ngoại cấp ông bà để cung cấp lợn nái, lợn đực thuần ngoại cấp bố mẹ cho các vùng giống nhân dân trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đạt 5.000 lợn nái trong dân vào năm 2010.

- Tiếp tục thực hiện chương trình nạc hóa đàn lợn bằng các công thức lai như sau: MC x LR; MC x YS. Năm 2006 - 2007 tiến hành lai 2 máu, 3 máu ngoại như LR x YS; YS x HS; LR x DR; F1(LR x YS) x DR nhằm nâng cao tỷ lệ nạc và khả năng tăng trọng nhanh. Năm 2008 - 2010 tiếp tục nhân rộng cho các vùng giống lợn trong nhân dân về giống lợn lai 3 máu ngoại để nuôi thịt. Đồng thời, triển khai nghiên cứu các công thức, cặp lai mới nhằm cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng thịt của đàn lợn.

2.1.2. Thức ăn:

- Hướng dẫn phổ biến kỹ thuật ủ rơm, ủ chua, ủ xanh thức ăn để các nông hộ tận dụng hết các nguồn phế phụ phẩm nông sản tại chỗ như rơm, thân ngô, thân cây lạc... làm thức ăn cho bò.

- Hỗ trợ để khuyến khích nông dân trồng cỏ trên các vùng đất hoang hóa, trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, cỏ Ghi nê, Pangola, cỏ lai Úc, cỏ sả... nhằm giải quyết thức ăn cho bò.

- Khuyến cáo nông dân sử dụng thức ăn công nghiệp để chăn nuôi lợn ngoại, gia cầm của các hãng sản xuất thức ăn trong và ngoại tỉnh đảm bảo uy tín, hiệu quả và chất lượng.

2.1.3. Thú y:

- Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh gắn với vùng quy hoạch chăn nuôi bò, lợn, gia cầm tập trung. Năm 2005 thực hiện tại 6 vùng và 10 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (có đề án riêng cho giai đoạn 2005 - 2010).

- Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xây dựng chuồng trại hợp lý, đảm bảo vệ sinh thú y, định kỳ phun tiêu độc chuồng trại để ngăn ngừa không cho dịch bệnh xảy ra và lây lan.

- Thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Xây dựng lò mổ gia súc tập trung để kiểm soát dịch bệnh, ngăn ngừa lây lan.

2.1.4. Công tác khuyến nông:

- Mở chuyên mục bạn nhà nông trên các phương tiện đài truyền hình, báo Quảng Bình để tuyên truyền vận động nông dân thực hiện chương trình.

- In ấn tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn cho cán bộ khuyến nông, nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò lai, lợn ngoại...

- Xây dựng các mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò thịt tập trung để làm mô hình nông dân tham quan từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh.

2.2. Giải pháp về cơ chế chính sách:

2.2.1. Chính sách con giống:

- Tiếp tục hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn ngoại bằng chính sách hỗ trợ tiền mua giống lợn nái ngoại và lợn đực giống ngoại cho các hộ, trang trại chăn nuôi lợn có quy mô từ 5 con lợn nái ngoại trở lên, với mức: 400.000 đ/con. Năm 2008 sẽ kết thúc hỗ trợ khi chăn nuôi lợn ngoại đã phát triển tốt.

- Tiếp tục hỗ trợ để cải tạo đàn bò bằng cả 2 phương pháp là nhảy trực tiếp và thụ tinh nhân tạo: hỗ trợ tiền công phối giống cho dẫn tinh viên và vật tư với mức 160.000 - 170.000 đ/con bê lai ra đời đến năm 2010, hỗ trợ tiền công thiến bò đực "cóc" với mức 50.000 đ/con bò đực trong 2 năm 2006 - 2007.

2.2.2. Chính sách về công tác thú y phòng chống dịch bệnh:

- Tiếp tục hỗ trợ vắc xin để tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn gia súc, tiền công tiêm do dân tự trả.

- Đầu tư xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch cho các vùng chăn nuôi lợn, bò tập trung theo quy hoạch (chi tiết ở phụ lục 1 và phụ lục 5) và có đề án chi tiết riêng.

2.2.3. Chính sách về đất đai:

- Trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, tỉnh, huyện, thành phố nên bố trí một phần diện tích cho phát triển chăn nuôi ở các vùng gò đồi, dải cát ven biển xa khu dân cư, cho cơ sở chế biến thức ăn, giết mổ xuất khẩu và làm đồng bãi chăn thả trâu, bò; diện tích đất trồng cỏ nuôi bò khoảng 1.000 ha vào năm 2010. Phấn đấu sau năm 2010, tỉnh ta xây dựng được khu chăn nuôi bò thịt cao sản với quy mô 10.000 ha.

- Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại hoạt động. Đồng thời nên xem xét để miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất cho các cơ sở chăn nuôi.

2.2.4. Chính sách về đầu tư và tín dụng:

- Ưu tiên cho các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi được hưởng các chính sách về đầu tư và tín dụng theo Nghị định 51/1999/NĐ-CP, ngày 8/7/1999 của Chính phủ. Trong chương trình này chỉ tập trung hỗ trợ đầu tư cho phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đối với chăn nuôi lợn: từ 50 lợn nái ngoại trở lên, đối với chăn nuôi bò: từ 30 con trở lên.

- Tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất thức ăn và giết mổ chế biến sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó tỉnh cần có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư (được đầu tư đường, điện, nước đến hàng rào công trình) tạo điều kiện hình thành khu chăn nuôi công nghiệp khép kín.

2.2.5. Chính sách khen thưởng:

Cần có chế độ khen thưởng kịp thời cho các hộ, trang trại phát triển chăn nuôi tốt để động viên phong trào.

2.3. Giải pháp xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm:

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

- Tỉnh có Quyết định giao nhiệm vụ cho Công ty Lệ Ninh để làm công tác thị trường, xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ nhanh sản phẩm giải quyết đầu ra cho chăn nuôi. Đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan đến đề án Liên kết 4 nhà tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò, lợn cho nông dân, định hướng cho người chăn nuôi phải nắm bắt được nhu cầu thị trường để phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, đảm bảo tiêu thụ nhanh sản phẩm với giá cả hợp lý.

IV. KINH PHÍ ĐẢM BẢO:

1. Nhu cầu vốn:

- Kinh phí cho công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật và tham quan học tập: 320 triệu đồng

- Kinh phí đầu tư bò đực giống (50% máu Zebu trở lên):

270 con x 10 triệu đồng/con = 2.700 triệu đồng

- Kinh phí thiến bò đực cóc:

6.000 con x 50.000 đ/con = 300 triệu đồng

- Kinh phí mua vật tư TTNT bò:

21.000 con x 100.000 đ/con = 2.100 triệu đồng

- Kinh phí tiền công phối giống:

21.000 con x 100.000 đ/con = 2.100 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ bò đực nhảy trực tiếp (50.000 đ/con bò cái có chửa):

14.000 con x 50.000 đ/con = 700 triệu đồng

- Kinh phí trồng cỏ:

1.000 ha x 3.000.000 đ/ha = 3.000 triệu đồng

- Kinh phí mua giống lợn nái ngoại bố mẹ trong dân:

5.000 con x 1.000.000 đ/con  = 5.000 triệu đồng

- Kinh phí phát triển và khôi phục đàn gia cầm:

50.000 con x 10.000 đ/con = 500 triệu đồng

- Kinh phí xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh:

190 triệu đồng/năm x 6 năm = 1.140 triệu đồng

- Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thịt gia súc: 5.000 triệu đồng

- Kinh phí xây dựng 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm:

11 cơ sở x 150 triệu đồng/cơ sở = 1.650 triệu đồng

- Nâng cấp cơ sở chế biến thịt Hương Giang - Lệ Thủy: 150 triệu đồng

- Kinh phí triển khai, phụ cấp quản lý, chỉ đạo: 300 triệu đồng

Tổng cộng vốn đầu tư: 24.960 triệu đồng

2. Nguồn vốn:

a. Nguồn Ngân sách tỉnh hỗ trợ:

- Kinh phí hỗ trợ công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật và tham quan học tập (60%): 192 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ mua bò đực giống (20%): 540 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ thiến bò đực cóc (100%): 300 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ mua vật tư TTNT bò (60%): 1.260 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ tiền công phối giống (70%): 1.470 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ bò đực nhảy trực tiếp (100%): 700 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ giống cỏ (35%): 1.050 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ đầu tư giống lợn nái ngoại (40%): 2.000 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ phát triển, khôi phục đàn gia cầm (30%): 150 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (100%): 1.140 triệu đồng.

- Kinh phí triển khai, phụ cấp quản lý, chỉ đạo (100%): 300 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ xây dựng 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại 7 huyện, thành phố (40%): 660 triệu đồng

Tổng ngân sách tỉnh hỗ trợ: 9.762 triệu đồng

b. Nguồn vốn Trung ương (Viện chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) hỗ trợ:

- Kinh phí hỗ trợ đào tạo, tập huấn, tham quan (40%): 128 triệu đồng

- Kinh phí hỗ trợ mua tinh cọng rạ, vật tư TTNT (40%): 840 triệu đồng

Tổng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ: 968 triệu đồng

c. Nguồn Ngân sách huyện, thành phố:

- Xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (30%): 495 triệu đồng

Tổng nguồn ngân sách huyện, thành phố: 495 triệu đồng

d. Các nguồn khác và dân tự đầu tư (vay, liên doanh, dân đóng góp):

- Kinh phí mua bò đực giống (80%): 2.160 triệu đồng

- Tiền công phối giống (TTNT) bò (30%): 630 triệu đồng

- Kinh phí đầu tư trồng cỏ (65%): 1.950 triệu đồng

- Kinh phí mua lợn nái ngoại cấp bố mẹ (60%): 3.000 triệu đồng

- Kinh phí khôi phục và phát triển gia cầm (70%): 350 triệu đồng

- Xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (30%): 495 triệu đồng

- Xây dựng cơ sở chế biến thịt tại C. ty Lệ Ninh (100%): 5.000 triệu đồng

- Nâng cấp CS chế biến thịt Hương Giang - Lệ Thủy (100%): 150 triệu đồng

Tổng các nguồn vốn khác và dân tự đầu tư: 13.735 triệu đồng

Tổng vốn đầu tư: 24.960 triệu đồng

Trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 968 triệu đồng

- Vốn ngân sách tỉnh: 9.762 triệu đồng

- Vốn ngân sách huyện: 495 triệu đồng

- Vốn khác và dân tự đầu tư: 13.735 triệu đồng

3. Hiệu quả kinh tế - xã hội:

3.1. Hiệu quả kinh tế:

+ Ước tính hiệu quả của chương trình cải tạo đàn bò:

Kết quả của dự án sẽ tạo ra được 35.000 bò lai, ở 1 tuổi bò lai có giá khoảng 6 triệu đồng, giá trị tăng so với bò nội cùng tuổi khoảng 2 triệu đồng/con:

(6.000.000 đ- 4.000.000 đ) x 35.000 con = 70 tỷ đồng.

+ Ước tính hiệu quả của chương trình nạc hóa đàn lợn:

Kết quả dự án tạo ra 5.000 lợn nái ngoại, mỗi con sinh sản khoảng 20 lợn giống/năm, thời gian sử dụng là 5 năm. Qua theo dõi thấy rằng mỗi lợn ngoại nuôi thịt lãi khoảng 120.000 đ, cao hơn lợn F1 khoảng 70.000 đ:

5.000 con x 20 con giống/năm x 5 năm x 70.000 đ = 35 tỷ đồng.

+ Ước tính hiệu quả của chương trình giống gia cầm:

Kết quả của chương trình giống gia cầm sẽ tạo ra 8.000 gia cầm giống cấp bố, mẹ, mỗi con sinh sản khoảng 100 gia cầm thương phẩm/năm, thời gian sử dụng là 2 năm. Giá trị thu được khi nuôi các giống gia cầm tốt cao hơn các giống thông thường khoảng 2.000 đ/con.

8.000 con x 2 năm x 100 gia cầm giống/năm x 2.000 đ = 3,2 tỷ đồng.

Như vậy dự án đã đưa lại hiệu quả kinh tế ước đạt trên 108 tỷ đồng.

3.2. Hiệu quả xã hội:

Sau thời gian 6 năm thực hiện chương trình, đến năm 2010 về cơ cơ bản chăn nuôi của tỉnh ta đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn với quy mô vừa, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng xã hội, theo kịp sự phát triển kinh tế, hội nhập trong khu vực và thế giới.

Xã hội hóa công tác giống vật nuôi tạo điều kiện chủ động nguồn giống cho chăn nuôi trong tỉnh trên cơ sở an toàn dịch bệnh. Đó là nền tảng để phát triển chăn nuôi hàng hóa chất lượng thương phẩm; đồng thời là cơ sở để lựa chọn du nhập các giống mới chất lượng, năng suất cao vào Quảng Bình.

Tạo ra những hạt nhân, những mô hình để nông dân học tập, phát triển mạnh hơn chăn nuôi, chế biến sản phẩm với nhiều hình thức và quy mô khác nhau phù hợp điều kiện của từ địa phương.

Thay đổi dần tập quán chăn nuôi của đa số nông dân từ quảng canh sang thâm canh, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thay đổi nhận thức và tính ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước cho toàn xã hội.

Đồng thời việc thực hiện dự án sẽ giải quyết việc làm cho hơn 40.000 nông dân tăng thu nhập cho người lao động góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Đây là một trong những chương trình phát triển kinh tế của tỉnh nhằm nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi, triển khai trong thời gian từ năm 2005- 2010. Vì vậy, để giúp cơ quan chủ đầu tư thực hiện chương trình đạt kết quả tốt cần có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở.

- Ở tỉnh: Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2005 - 2010 do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban. Phó Ban là Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, các thành viên là Lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước, đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố. BCĐ có trách nhiệm giúp UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình đảm bảo hiệu quả, chỉ đạo cấp huyện tổ chức thực hiện tốt nội dung triển khai trên địa bàn; tham mưu đề xuất với UBND tỉnh về cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời nhằm khuyến khích đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực của BCĐ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng các ngành tham mưu cho BCĐ trong việc triển khai đề án. Định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo kết quả thực hiện cho BCĐ và UBND tỉnh.

Các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm tuyên truyền, vận động đoàn viên của mình tham gia thực hiện chương trình một cách có hiệu quả.

- Ở huyện: UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình này trên địa bàn đạt kết quả tốt.

 

PHỤ LỤC 1

QUY HOẠCH VÙNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI BÒ LAI

Huyện, thành phố

Thụ tinh nhân tạo

Nhảy trực tiếp

Lệ Thủy

Vùng 1: Thanh Thủy, Cam Thủy, Hồng Thủy, Hưng Thủy

Vùng 2: Sơn Thủy, Phú Thủy, Hoa Thủy, TT Lệ Ninh

Vùng 1: Sen Thủy, Tân Thủy, Thái Thủy, Dương Thủy

Quảng Ninh

Vùng 3: Tân Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Duy Ninh

Vùng 2: Vạn Ninh, An Ninh, Trường Sơn, Trường Xuân

Đồng Hới

Vùng 4: Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Thuận Đức, Đồng Sơn

 

Bố Trạch

Vùng 5: Hòa Trạch, Tây Trạch, Vạn Trạch

Vùng 6: Đại Trạch, Nam Trạch, Lý Trạch, NT Việt Trung.

Vùng 3: Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch, Sơn Trạch, Sơn Lộc, Cự Nẫm, Phú Định

Quảng Trạch

Vùng 7: Quảng Hưng, Quảng Xuân, Quảng Phúc

Vùng 8: Quảng Liên, Cảnh Hóa, Quảng Phương

Vùng 4: Quảng Hợp, Quảng Kim, Quảng Đông, Quảng Châu, Quảng Thạch, Quảng Lưu

Tuyên Hóa

Vùng 9: Sơn Hóa, Đức Hóa, Nam Hóa, Đồng Hóa

Vùng 10: Phong Hóa, Tiến Hóa, Mai Hóa

Vùng 5: Ngư Hóa, Thạch Hóa, Thanh Hóa

Minh Hóa

 

Vùng 6: Trung Hóa, Thượng Hóa, Hóa Hợp, Hóa Tiến và Hóa Sơn

Tổng cộng

10 vùng, 36 xã

6 vùng, 29 xã

 

PHỤ LỤC 2

QUY HOẠCH CHĂN NUÔI LỢN NÁI NGOẠI GIAI ĐOẠN 2005 - 2010

ĐVT: con

Số TT

Huyện

Số lợn nái qua các năm

2005

2006

2007

2008

2009

2010

I

Nái ngoại cấp ông bà ở TT Giống VN

60

100

150

200

200

200

II

Nái ngoại cấp bố mẹ ở trong dân

1000

1500

2000

3000

4000

5000

 

Lệ Thủy

 

280

380

480

680

880

1090

1

Xuân Thủy

50

75

100

150

200

250

2

Cam Thủy

30

55

80

130

180

240

3

Thanh Thủy

50

75

100

150

200

250

4

CT Lệ Ninh

150

175

200

250

300

350

 

Quảng Ninh

 

230

305

380

530

680

850

5

Gia Ninh

90

115

140

190

240

300

6

Vĩnh Ninh

90

115

140

190

240

300

7

Xuân Ninh

50

75

100

150

200

250

 

Đồng Hới

 

200

275

350

500

650

800

8

Thuận Đức

50

75

100

150

200

250

9

Bắc Lý

50

75

100

150

200

250

10

Đức Ninh

100

125

150

200

250

300

 

Bố Trạch

 

150

225

300

450

600

750

11

Hoàn Lão

50

75

100

150

200

250

12

Đại Trạch

50

75

100

150

200

250

13

Vạn Trạch

50

75

100

150

200

250

 

Quảng Trạch

 

110

185

260

410

560

710

14

Quảng Phương

40

65

90

140

190

240

15

Quảng Phong

40

65

90

140

190

240

16

Quảng Lộc

30

55

80

130

180

230

 

Tuyên Hóa

 

15

65

115

215

315

400

17

Đồng Lê

5

30

55

105

155

200

18

Mai Hóa

10

35

60

110

160

200

 

Minh Hóa

 

15

65

115

215

315

400

19

Trung Hóa

10

35

60

110

160

200

20

Hóa Tiến

5

30

55

105

155

200

 

PHỤ LỤC 3

KẾ HOẠCH PHÂN BỔ CÁC NGUỒN KINH PHÍ QUA CÁC NĂM

I. Ngân sách Trung ương:

(ĐVT: triệu đồng)

Các hạng mục

Năm

Tổng cộng

2005

2006

2007

2008

2009

2010

Đào tạo, tuyên truyền, tập huấn

 

60

68

 

 

 

128

Mua vật tư TTNT

60

80

100

140

200

260

840

Tổng

60

140

168

140

200

260

968

II. Ngân sách Tỉnh:

Đào tạo, tuyên truyền, tập huấn

30

32

30

30

30

40

192

Mua bò đực giống ngoại

 

300

240

 

 

 

540

Thiến bò đực cóc

 

150

150

 

 

 

300

Mua vật t­ư TTNT

90

120

150

210

300

390

1.260

Hỗ trợ tiền công phối giống (TTNT)

105

140

175

245

350

455

1.470

Hỗ trợ bò đực NTT

60

80

100

125

150

185

700

Trồng cỏ

75

157

157

189

210

262

1.050

Mua lợn nái ngoại cấp bố mẹ

400

200

200

400

400

400

2.000

Khôi phục và phát triển đàn gia cầm

 

90

60

 

 

 

150

Xây dựng cơ sở, vùng ATDB

190

190

190

190

190

190

1.140

Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung

 

240

420

 

 

 

660

Kinh phí triển khai, chỉ đạo

50

50

50

50

50

50

300

Tổng

1.000

1.749

1.922

1.439

1.680

1.972

9.762

III. Ngân sách các huyện, thành phố:

Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung

 

180

315

 

 

 

495

Tổng

 

180

315

 

 

 

495

IV. Các nguồn khác và dân đóng góp:

Mua bò đực giống ngoại

 

1.200

960

 

 

 

2.160

Tiền công phối giống (TTNT)

45

60

75

105

150

195

630

Trồng cỏ

139

292

292

351

390

486

1.950

Mua lợn nái ngoại cấp bố mẹ

600

300

300

600

600

600

3.000

Phát triển đàn gia cầm

 

210

140

 

 

 

350

Xây dựng cơ sở chế biến thịt gia súc

 

 

2000

1000

1000

1000

5.000

Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung

 

180

315

 

 

 

495

Nâng cấp mở rộng cơ sở chế biến thịt Hương Giang

 

150

 

 

 

 

150

Tổng

784

2.392

4.082

2.056

2.140

2.281

13.735

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 67/2005/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2005-2010

  • Số hiệu: 67/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Phan Lâm Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản