Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 668/2004/QĐ-UB

Long xuyên, ngày 20 tháng 4 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG - HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/ 2003;

- Xét yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, đảm bảo phát triển thị trường - hội nhập kinh tế quốc tế đến 2020,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành Chiến lược phát triển thị trường - Hội nhập kinh tế Quốc tế tỉnh An Giang đến năm 2020 (đính kèm theo Quyết định này).

Điều 2: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chiến lược này, định kỳ hàng năm, năm năm sơ kết, tổng kết báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3: Sở Thương mại và Du lịch phối hợp cùng các Sở, Ban ngành liên quan và UBND huyện, thị, thành phố căn cứ vào Chiến lược này triển khai và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch cụ thể hàng năm và từng giai đoạn 5 năm.

Điều 4: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố chịu trách thi hành Quyết đinh này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn Phòng Chính phủ
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thủy sản, Công nghiệp, Giáo dục và ĐT, Lao động và TBXH, Văn hóa - Thông tin, Tổng cục Du lịch
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh
- Các Sở, Ban ngành đoàn thể cấp tỉnh
- UBND các huyện, thị, thành phố
- Chánh, Phó VP.UBND tỉnh
- Phòng KT, TH, XDCB, VX
- Lưu VP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị

 

CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG -HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo QĐ số: 668/2004/QĐ-UB ngày 20/4/2004 của UBND tỉnh AG)

PHẦN MỘT

BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ HOẠT ĐỘNG THỊ TRƯỜNG CỦA TỈNH AN GIANG

I- BỐI CẢNH QUỐC TẾ :

Lịch sử thị trường đồng thời với lịch sử sản xuất hàng hóa. Trước đây các nước giàu có mở rộng thị trường ra bên ngoài lãnh thổ thường là bằng sức mạnh đế quốc-thực dân, sức mạnh hàng hóa và tiền vốn (tư bản). Tùy điều kiện cụ thể mà có biện pháp ưu tiên. Đến những thập niên cuối thế kỷ 20, hoạt động ngoại giao được xem là nổi trội, trong đó vấn đề liên minh kinh tế theo khu vực địa lý, trên cơ sở tương đồng về trình độ sản xuất và tình trạng luật pháp của những quốc gia có yêu cầu liên kết được hình thành như cộng đồng kinh tế Châu Âu (EC), khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) chẳng hạn…, rồi những tổ chức có tính toàn cầu ra đời như Hiệp hội thuế quan (GATT) mà nay là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Quá trình phát triển thương mại thế giới cơ bản là do nhu cầu của đời sống con người và những nhu cầu cho sản xuất không ngừng gia tăng, kéo theo sự gia tăng sản xuất, phát minh khoa học, tích lũy tư bản. Đồng thời với quá trình đó là sự khát khao tài nguyên cơ bản là dầu mỏ, khoáng sản… của những nước phát triển - thường là những nước đế quốc thực dân và nay là của những siêu cường. Nhưng do thời cuộc đổi thay, trình độ phát triển của thế giới cũng có những biến đổi, những cách thức tiến hành mở rộng thị trường về bản chất vẫn không thay đổi, nhưng có bổ sung thêm những phương pháp có tính chất chuyên nghiệp hơn trong cạnh tranh trên cơ sở pháp lý quốc tế, của khối kinh tế, của các nước và vùng lãnh thổ theo xu thế hội nhập.

Kinh nghiệm cũng chỉ ra rằng, hội nhập kinh tế thế giới là một bước phát triển lịch sử, nhưng đồng thời cũng là thách thức nghiệt ngã của những nước chậm phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, nhiều nước đã sớm nhận diện được thời cuộc, tìm được con đường và bước đi khôn ngoan nên vẫn tăng trưởng và phát triển nhanh - rất nhanh, nhưng đồng thời vẫn củng cố được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và văn hóa truyền thống. Khi làm đúng qui luật, đúng định hướng thì hiệu quả kinh tế sẽ bội thu chính trị và ngược lại. Kinh nghiệm này trước hết là từ bản thân Việt Nam. Từ khi Đảng CSVN khởi xướng chủ trương đổi mới, thành quả từ 20 năm qua (từ Đại hội VI-1986) chúng ta đã mạnh hơn về mọi mặt, mạnh hơn bất cứ lúc nào (trên cơ sở độc lập tự chủ) và ngoại giao cũng mở rộng hơn bất cứ lúc nào. Uy tín Việt Nam càng hội nhập càng được nâng cao. Đó là bài học lớn nhất.

II- CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ LỘ TRÌNH AFTA :

Từ khi Đảng chủ trương đổi mới, mở cửa kinh tế thì cũng là quá trình hội nhập thế giới, chuẩn bị tham gia WTO, cam kết và thực thi lộ trình AFTA.

Thành quả mang lại là rõ ràng và to lớn : Đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, hạt điều, cao su, cà phê; thứ nhứt về hạt tiêu và trong số nước đứng đầu về thủy sản, hàng may mặc v.v… Dầu thô, than đá, khí đốt … có trữ lượng lớn và khai thác thương mại - xuất khẩu ngày càng nhiều, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu. Hàng hóa của Việt Nam từ dầu khí đến tôm cá, sản phẩm cơ khí, điện tử đến cói lác… có mặt trên hầu khắp các thị trường trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên qua mỗi năm. Cùng với chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đa thành phần kinh tế, thúc đẩy khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài phát triển, chúng ta đã có một đội ngũ doanh nhân mới, có tâm huyết với đất nước, có kinh nghiệm bước đầu và không ngừng cập nhật thông tin kiến thức hiện đại. Đó là thành quả và vốn liếng để chúng ta tự tin : Theo định hướng của Đảng, Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sẽ thành công. Xu thế này không thể đảo ngược.

Lộ trình thực hiện AFTA và chuẩn bị gia nhập WTO là quá trình đầy khó khăn và đau đớn. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng : phải cắt giảm thuế quan và cắt giảm bảo hộ quốc doanh, cạnh tranh thị trường có gay gắt nhưng sản xuất vẫn phát triển, thị trường vẫn mở rộng và đặc biệt là huy động nội lực, nhất là các khoản thu NS từ nội địa, từ địa bàn vẫn tăng. Bảo đảm thu chi. Đó là nhờ Đảng ta chủ động hội nhập.

III- HOẠT ĐỘNG THỊ TRƯỜNG CỦA TỈNH AN GIANG :

1- Thời kỳ 1986-1990 : Đây là thời kỳ khó khăn, lúng túng do thiếu thực tiển và kinh nghiệm. Mặc dù trước đó, những năm 1981-1982 TU, UB chủ trương thực hiện theo 2 giá (giá chỉ đạo - bao cấp và giá thỏa thuận - mua cao, bán cao). Năm 1982-1986 thực hiện HĐKT 2 chiều (trên cơ sở 2 giá) quy định 1kg phân urê=4kg lúa, l lít xăng = 8kg lúa… và thừa lại thì mua bán giá thỏa thuận (tự do). Đây là một bước đột phá lớn cho cả nước. Nhờ đó mà năm 1987 thu mua gần 242 ngàn tần lúa (kế hoạch 161 ngàn tấn), mà trước đó, năm thu mua được cao nhất cũng chỉ 50 ngàn tấn lúa.

Trên cơ sở đột phá về giá, vấn đề quản lý thị trường cũng lại nảy sinh là phải dẹp các trạm kiểm soát ngăn sông cấm chợ, tự do lưu thông. Việc cấm đoán được thay bằng việc thu thuế. Bên cạnh các doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã còn trụ lại được, các thành phần kinh tế khác bắt đầu xuất hiện, đóng góp ngày càng nhiều cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng thị trường. Tổng mức bán lẻ năm cao nhất là 2,282 tỷ (1985) nhảy vọt lên 9,068 tỷ (1986) và 947 tỷ (1990). Kim ngạch xuất khẩu trong thời kỳ giao nộp sản phẩm cho TW xuất khẩu, năm cao nhất là 7,2 triệu USD (1985) tăng lên trên 10 triệu (1986) và 63,4 triệu USD (1990). Thu NS trên địa bàn năm cao nhất của thời bao cấp là 455 triệu VNĐ (1985) đột phá tăng lên 2,278 tỷ (1986) và 137,858 tỷ (1990).

Thành quả sau 5 năm đổi mới có sức thuyết phục hơn bao giờ hết. Vấn đề thị trường chẳng những được thừa nhận mà còn được xác lập trên cơ sở đường lối, NQ của Đảng được thể chế hóa liên tục, tạo được sự thông thoáng cho sự vận hành theo qui luật.

2- Thời kỳ 1990-2000 : Là thời kỳ thoát khỏi lúng túng ban đầu. Kinh nghiệm lớn nhất trong quản lý là : đi đôi với mở rộng, phát triển sản xuất phải đồng thời giải quyết tốt vấn đề thị trường trao đổi và tiêu thụ sản phẩm. Và ngược lại. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, nhất là các doanh nghiệp tư nhân không ngừng phát triển và phát triển mạnh. Số hộ kinh doanh thương mại-dịch vụ đến năm 1999 mới có con số thống kê là 29.517 hộ, năm 2000 phát triển lên 67.635 hộ. Tổng mức bán lẻ năm 2000 đạt 7.649 tỷ (tăng 8 lần so 1990). Kim ngạch XK đạt 107 triệu USD, gần gấp đôi năm 1990. Nhưng trước đó, liên tục các năm từ 1995 đến 1999 mỗi năm đều đạt từ 130 đến 168 triệu (chủ yếu là gạo). Riêng thủy sản 1990 xuất khẩu 1.000 tấn, năm 1995 đến năm 2000 dao động từ 4.800 đến 5.660 tấn. Rau quả đông lạnh XK cũng vậy, năm 1994 đến năm 1999 mỗi năm khoảng 500 tấn, năm 2000 cũng chỉ được 900 tấn, không hiệu quả do sản lượng quá ít.

Chỉ liệt kê ba ngành hàng chủ lực của tỉnh như vừa nêu, đủ thấy chúng ta đang lúng túng về thị trường nên ảnh hưởng đến sản xuất (nông nghiệp cho đến công nghiệp chế biến). Vấn đề đặt ra là phải tổ chức lại thị trường đồng thời với tổ chức lại sản xuất.

3- Thời kỳ hội nhập quốc tế từ 2001 :

Khó khăn về thị trường, lúng túng trong tổ chức sản xuất càng ngày càng bộc lộ chưa có lối thoát thì năm 2001 Hiệp hội cá nheo Mỹ khởi kiện cá Tra, Basa Việt Nam, nguy cơ ngừng trệ lưu thông, đình đốn sản xuất ngành thủy sản đặt ra. Đồng thời, sau Hiệp định Thương mại với Mỹ được ký, thị trường dệt may mở rộng và thời cơ xúc tiến thương mại đặt ra. Ngay năm 2001 An Giang đã có những quyết sách có tầm chiến lược là : đưa nhiệm vụ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường làm giải pháp đột phá, NS tỉnh chi hàng tỷ đồng mỗi năm cho công tác tiếp thị, tìm mở thị trường (trong và ngoài nước), hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu v.v…, đồng thời xây dựng đề án tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, chủ yếu dưới hai hình thức là HTX (kiểu mới) và trang trại. Yêu cầu tổ chức lại sản xuất theo đề án (2001-2005) ngày 18/9/2001 là bảo đảm sự phát triển bền vững trong nông nghiệp, trong đó có đặt rõ mối quan hệ với thị trường, ký kết HĐKT với các doanh nghiệp và chủ trương liên kết Bốn nhà trong từng tổ chức sản xuất (HTX, trang trại) và ở cả cấp vùng sản xuất và ngành sản xuất.

Kết quả của giải pháp đột phá đạt được như sau : Xuất khẩu 2001 đạt 119 triệu, năm 2002 đạt 147 triệu, năm 2003 đạt 182 triệu USD và 4 tháng đầu năm 2004 đạt trên 77 triệu USD/KH cả năm là 220 triệu USD. Kết quả trên là nhờ các hoạt động đi tìm khách hàng, tham gia hội chợ và tổ chức hội chợ quốc tế và trong nước liên tục qua các năm, nhất là 2002, 2003, mở rộng ra 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bốn tháng đầu năm 2004 mở thêm 3 nước. Đối với thị trường trong nước đã xác lập được hệ thống đại lý từ Bắc vào Nam, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với 2 ngành hàng là thủy sản và thuốc BVTV. Riêng thủy sản, lần đầu tiên tổ chức bán cá Tra, Basa tại thị trường trong nước (chỉ tính riêng 2 doanh nghiệp của tỉnh) được 52 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2003. Nhờ mở ra thị trường mới, trong nước và nước ngoài, không kể thị trường Mỹ mà giữ được sản xuất chế biến và tiêu thụ cá Tra, cá Basa. Đây là bài học có ý nghĩa chiến lược cho tỉnh.

Thị trường hàng hóa sôi động, sản xuất và dịch vụ đều phát triển. GDP tăng liên tục : Từ 5,52% năm 2001, đột biến lên 10,54% năm 2002 và 9,18% năm 2003. GDP bình quân đầu người từ 4,8 triệu năm 2001 tăng lên 5,4 triệu năm 2002 và 6,1 triệu năm 2003. Thu NS trên địa bàn theo đó cũng tăng từ 829 tỷ (2001) lên 1080 tỷ (năm 2003), lần đầu tiên An Giang gia nhập "CLB tỉnh một ngàn tỷ". Điều đáng lưu ý là nguồn thu NS trong những năm trước khi thực hiện Di chúc Bác, thuế sử dụng đất nông nghiệp trên dưới 100 tỷ đồng chiếm từ 10 đến 18%, nhưng đến nay chỉ còn 0,16% (1,843 tỷ) nhưng tổng nguồn thu vẫn tăng liên tục, chủ yếu là từ khu vực thương mại-dịch vụ.

Kinh tế phát triển, xuất khẩu tăng, thu nhập người dân tăng, thu NS Nhà nước tăng. Số hộ nghèo cũng giảm liên tục, bình quân giảm 1%/năm. Cuối năm 2003 số hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,2%. Cơ sở hạ tầng được hoàn chỉnh dần (cầu, đường, điện), các đô thị và chợ trong tỉnh được xây dựng và nâng cấp, các cụm tuyến dân cư mới được hình thành. Một sự phát triển đồng bộ và lôgích, thể hiện nền kinh tế đang vận hành đúng hướng và đúng qui luật.

Từ những kinh nghiệm tích lũy qua các thời kỳ, nhất là từ khi Đảng chủ trương đổi mới (1986) và bắt đầu lộ trình hội nhập (AFTA và thế giới), và qua hoạt động thực tiển của địa phương khi chọn giải pháp thị trường là khâu đột phá, UBND tỉnh An Giang chủ trương xây dựng Chiến lược thị trường cho thời kỳ hội nhập quốc tế 2001-2020.

PHẦN HAI

CHIẾN LƯỢC THỊ TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2020

I- NHỮNG TỒN TAỊ LỊCH SỬ VỀ TÂM LÝ XÃ HỘi VÀ NHỮNG BẤT CẬP TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ (THƯƠNG MẠi TOÀN CẦU) :

1- Quan niệm về thương mại và thương nhân :

Nền độc lập quốc gia được vãn hồi từ đầu thế kỷ thứ X. Đến nay đã trải qua một ngàn năm. Suốt chiều dài lịch sử, đất nước ta yên ổn thì ít mà phải chiến đấu và thường xuyên đối phó với giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập và kháng chiến cứu nước thì nhiều, nên điều kiện phát triển kinh tế, thương mại là có giới hạn. Nhưng khó khăn và giới hạn lớn nhất là do ảnh hưởng nền văn minh lúa nước, nền văn hóa phương Đông, lấy "trọng nông" làm chính sách, lấy "kẻ sĩ" đặt ở ngôi cao. Có thời còn "bế quan tỏa cảng" như Nhà Nguyễn-thế kỷ 19. Đến thời kỳ cách mạng, liên minh Công-Nông là nền tảng chính trị trong Cách mạng Dân tộc Dân chủ và cũng là nền tảng kinh tế cho cả giai đoạn hòa bình, thống nhất và phát triển đất nước. Như vậy, về trật tự, giới thương nhân được xếp bậc thang cuối trong xã hội (sĩ, nông, công, thương). Trong cải tạo XHCN công thương nghiệp thời kỳ 1976-1985, khái niệm thương nhân cơ hồ như không còn.

Trong xã hội hiện nay, tâm lý "trọng nông", trọng "kẻ sĩ" vẫn còn luôn luôn chi phối. Nhiều người, nhất là nông dân, cho con cái học hành thành đạt chỉ mong được làm việc cho Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước. Tâm lý muốn làm thầy, làm thợ, làm viên chức vẫn là phổ biến trong xã hội. Không ít người còn nặng khái niệm sản xuất của cải là một lĩnh vực riêng và quyết định cho sự phát triển xã hội, thương mại-dịch vụ là một lĩnh vực riêng và không làm ra của cải; còn việc tiêu thụ sản phẩm là trách nhiệm của Nhà nước (các doanh nghiệp Nhà nước phải mua hết cho nông dân). Nông dân có thói quen từ xa xưa là mua tại nhà, bán tại đồng; khi Nhà nước ta nêu khẩu hiệu "mua tận gốc, bán tận ngọn" (mua tại nơi sản xuất, bán đến tay người tiêu dùng) càng kích thích tính ỷ lại của nông dân. Đây thực sự là một cản ngại phải khó khăn lắm mới vượt qua trên con đường hội nhập.

2- Những bất cập hiện nay trong quản lý điều hành của Nhà nước, trong đội ngũ thương nhân và sóng gió của thị trường.

Quá trình đổi mới là quá trình Đảng chủ trương tách chức năng của Nhà nước quản lý trực tiếp hoạt động kinh tế đối với các doanh nghiệp. Thực hiện cổ phần hóa rộng rãi các doanh nghiệp Nhà nước, giải tán các HTX kiểu cũ và các nông-lâm trường sống nhờ bao cấp; tạo điều kiện phát triển thành phần kinh tế tư nhân, HTX (kiểu mới) và kinh tế hộ; thúc đẩy đầu tư nước ngoài; xây dựng hành lang pháp lý ngày càng rộng và chặt chẽ cho sự vận hành thông thoáng của nền kinh tế và thuận lợi cho các thành phần kinh tế. Nhưng do dấu ấn lịch sử quá sâu đậm trong việc xem nhẹ vai trò thương mại và giới thương nhân, và do căn bệnh quan liêu bao cấp có gốc rể quá sâu nên sự chuyển biến nhận thức, tư tưởng, tình cảm còn quá chậm chạp, thậm chí có nhiều người còn cảm thấy bị mất mát quyền lợi nếu thực hiện đúng đường lối, NQ của Đảng và chính sách, luật pháp của Nhà nước.

Từ nhận thức tư tưởng còn nhiều cản ngại, bộ máy Nhà nước - thông qua đội ngũ công chức còn gây khó dễ không ít cho các doanh nhân, cho dù Chính phủ không ngừng kêu gọi cải cách hành chính, nhưng cách "hành dân" thì thiên biến vạn hóa ở tất cả các cấp điều hành, trước hết là hành doanh nghiệp, doanh nhân. Từ đây nạn tham nhũng nhiều nơi, nhiều lúc cũng lộng hành. Trong khi đó, về mặt thiết chế tổ chức bộ máy, chúng ta chưa có một quy định hoặc chuẩn mực cụ thể cho khẩu hiệu "tôn vinh các nhà doanh nghiệp làm ăn thành đạt", nhiều khi ý định này chỉ thuần túy là một khẩu hiệu.

Có thể nói một lực lượng thương nhân ra đời trong bối cảnh lịch sử như đã nói, thiếu độ dài thời gian để học tập và nâng cao tính chuyên nghiệp, lực lượng ấy tất nhiên là rất yếu (so các nước đi trước trong khu vực), nhưng lại phải đương đầu với sóng gió thị trường của thời kỳ hội nhập, cạnh tranh toàn cầu rất gay gắt. Đây là một thực tế. Khó khăn đó bao gồm : Trình độ sản xuất và phát triển công nghệ, trình độ pháp lý và kinh nghiệm thương trường, kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, vốn liếng, ngoại ngữ v.v… Đó là về chủ quan. Về khách quan : Chúng ta hội nhập kinh tế vào một thế giới vận động theo qui luật kinh tế tư bản chủ nghĩa; các nước công nghiệp phát triển có lợi thế về kinh nghiệm, đặc biệt là sức mạnh cạnh tranh của hàng hóa và lợi thế của xa lộ thông tin mà họ khai thác tối đa; hệ thống pháp luật của các nước, các khối kinh tế như một mê hồn trận đối với người chưa có kinh nghiệm xâm nhập; những rào cản phi thuế quan được thiết lập hết sức tinh vi. Riêng nông-thủy sản là thế mạnh của ta thì gặp phải chủ trương bảo hộ của các Chính phủ sở tại làm cho hàng hóa chúng ta vốn giá thành cao, càng kém sức cạnh tranh. Giữa các nước đang phát triển, đang chuyển đổi nền kinh tế như ta cũng đang có sự cạnh tranh với hàng hóa của chúng ta (thường là giống nhau)… cũng hết sức gay gắt.

Những khó khăn vừa nêu, chúng ta cần nhận thức đầy đủ, kiên định lập trường, củng cố ý chí và niềm tin, nhất định sẽ vượt qua. Và thực tế chúng ta đã và đang vượt qua, nhiều khi phải trả giá, nhưng xu thế chung là đang đà tiến lên và thắng lợi.

3- Những kinh nghiệm bước đầu hội nhập :

Phải khẳng định đường lối đổi mới, chủ trương hội nhập của Đảng là hoàn toàn đúng đắn và không thể đảo ngược. Nếu còn mơ hồ và ngập ngừng thì không thể tiến lên. Các cấp ủy và chính quyền phải thật sự là cơ quan lãnh đạo, quản lý và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, tích cực giúp đỡ xúc tiến thương mại, sẵn sàng phục vụ cho các doanh nghiệp và thương nhân để họ đủ sức làm lực lượng xung kích trên thương trường.

Thị trường là nơi ta tìm đến để bán và mua, thu về không phải hàng hóa mà là lợi nhuận. Do đó phải quan tâm cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Thị trường là nhu cầu của xã hội. Ở đó, đặt ra yêu cầu và thể hiện năng lực cung-cầu của các doanh nhân. Nhạy bén nắm bắt tính hai mặt ấy mà chúng ta có sự gắn kết thị trường với sản xuất. Phải từ nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng mà cân nhắc lại năng lực, lợi thế sản xuất để có qui hoạch, định hướng và kế hoạch cho sản xuất và tổ chức lại sản xuất.

Một thiết chế thương mại hiện đại là điều kiện tiên quyết cho chiến lược thị trường và tăng thêm sức cạnh tranh. Trong đó khẳng định vai trò của thương nhân là có ý nghĩa quyết định trực tiếp cho sự thành công. Vai trò Nhà nước quản lý được hiểu là "bà đở" cho hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng đội ngũ thương nhân.

Phái phát huy truyền thống văn hóa dân tộc là trên cơ sở "lấy dân làm gốc", càng khó khăn càng phải bình tĩnh sáng suốt, càng đoàn kết thống nhất và nhất định sẽ vượt qua. Kinh nghiệm chiến trường đã qua là như vậy và bước vào thương trường cũng đã chỉ ra như vậy. Đó là kinh nghiệm "2 giá", "khoán hộ"; xóa "cấm chợ ngăn sông"; kinh nghiệm xóa bỏ các đơn vị kinh tế quốc doanh, HTX làm ăn thua lỗ, phát triển các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; kinh nghiệm tìm thị trường tiêu thụ lương thực và thủy sản dư thừa, ế ẩm, đặc biệt là sau vụ kiện của Mỹ đối với cá Tra, Basa của ta.

II- TÍNH TẤT YẾU CỦA CHIẾN LƯỢC :

1- Hội nhập quốc tế là tất yếu : Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ. Các Châu lục không còn cách trở bởi những đại dương. Xu thế liên kết khu vực và hội nhập quốc tế nhiều nước sớm nhận ra và chủ động đi trước, nhiều nước chậm chân nhưng cũng không ai cưỡng lại. Những nước có nền kinh tế khép kín nhất, dinh lũy cuối cùng của quan liêu bao cấp và bảo thủ nhất cũng phải bắt đầu mở cửa. Càng chậm chân chỉ có thua thiệt. Sẽ không ai được lợi nếu đứng ngoài, thậm chí sẽ bị đè bẹp nếu cưỡng lại. Đảng ta đã sớm nhận rõ và chủ động chủ trương hội nhập gần hai thập kỷ đã qua nên gặt hái được nhiều thành quả kinh tế, chế độ chính trị được ổn định và vững mạnh, an ninh-trật tự xã hội được bảo đảm. Thành quả này, đến lượt nó trở thành động lực và điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư; tăng thêm uy tín hội nhập quốc tế.

2- Yêu cầu xây dựng Chiến lược thị trường : Chính là tiếp tục phát huy tính chủ động và sáng tạo của Đảng bộ An Giang qua các thời kỳ cách mạng. Trên cơ sở đường lối của Đảng qua các kỳ Đại hội từ 1986; NQ các Đại hội Đảng bộ và NQ của Tỉnh ủy trong giai đoạn đổi mới; chính sách, pháp luật của Nhà nước; kinh nghiệm của bản thân và đặc điểm địa lý, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, trình độ dân trí, năng lực của tổ chức bộ máy và cán bộ… UBND tỉnh xây dựng Chiến lược thị trường phục vụ hội nhập quốc tế cho giai đoạn 2001-2020, giai đoạn nước rút để tỉnh ta cùng cả nước hoàn thành giai đoạn công nghiệp hóa-hiện đại hóa; để nước ta trở thành nước công nghiệp có nền kinh tế phát triển; dân ta được khá giả trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Yêu cầu xây dựng Chiến lược là chỉ ra những định hướng chủ yếu nhất (không định lượng), những giải pháp cơ bản nhất để đi đến một mục tiêu cũng rõ ràng nhất. Vừa giải quyết nhận thức tư tưởng vừa hướng dẫn tổ chức và hành động có tính chất tập trung nhất, triệt để nhất.

3- Mục tiêu của chiến lược phải đạt được là :

- Các doanh nghiệp An Giang phải có một thị phần và thị phần ngày càng lớn tại các thị trường trong và ngoài nước.

- Thị phần càng lớn, sản xuất càng gia tăng, càng đa dạng hóa ngành nghề và sản phẩm hàng hóa.

- Cùng với sự mở rộng thị trường hàng hóa, phát triển sản xuất, các hoạt động dịch vụ ngày càng mở rộng : dịch vụ bán lẻ, tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, nhà hàng-khách sạn v.v… đi đến hình thành những thị trường : vốn, bất động sản, lao động… tại địa bàn tỉnh.

- Đội ngũ doanh nhân và thương nhân sẽ trở thành một lực lượng mạnh, có vai trò không thể thiếu, có tinh thần yêu nước và có đội ngũ hậu bị luôn sẵn sàng.

III- BA NHIỆM VỤ THEN CHỐT CỦA CHIẾN LƯỢC :

A- MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG (nội-ngoại thương) :

1- Thị trường trong tỉnh :

1.1- An Giang là một tỉnh có vị trí đặc biệt, là một thị trường mở và luôn luôn sôi động :

Tuy là tỉnh rìa biên giới, xa xôi, cách trở, nhưng nằm ở giữa 3 trung tâm kinh tế lớn : Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - PhnômPênh (Campuchia), có cửa khẩu quốc tế đường sông và đường bộ (và cửa khẩu quốc gia) vào thủ đô PhnômPênh với cự ly ngắn nhất. Trong những năm qua, do thấy được lợi thế trong bất lợi về khoảng cách - địa lý, An Giang đã chủ động xây dựng cho mình một vị thế là địa bàn trung chuyển hàng hóa, là cửa ngõ giao thương giữa 3 thành phố lớn, cửa ngõ "ASEAN đất liền phía Tây Nam" và các Đảo quốc trong khối. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu An Giang năm 2002 đạt 130 triệu, năm 2003 đạt 162 triệu USD (chiếm khoảng 70% kim ngạch của Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia).

1.2- sức mua và thị trường :

An Giang có hoạt động thương mại và dịch vụ sôi động nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, chiếm tỷ trọng hàng đầu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh (49,6%). Tỷ trọng nông nghiệp ngày càng giảm, còn 37,65% nhưng có 2 sản phẩm hàng hóa lớn nhất nước (lúa hàng hóa 2 triệu tấn/sản lượng 2,7 triệu tấn, cá nuôi XK 100.000/120.000 tấn). An Giang có thế mạnh khác là du lịch, hàng năm có trên 2,5 triệu du khách hành hương, với lợi thế đất liền gần các danh thắng của Campuchia (PhnomPenh, Sihanouk Ville, Xiêm Riệp-AngKor) và biên giới Thái Lan giáp Campuchia (pattaya cách KohKong 200km). Đó là 3 thế mạnh của An Giang.

An Giang có 2,1 triệu dân. GDP bình quân đầu người thuộc loại cao trong vùng (6,1 triệu/người tăng 11 lần so 1990), nhưng sức mua còn cao hơn (GDP tăng từ 1995-2002 bình quân 7% nhưng bán lẻ tăng bình quân 8%/năm). Mức tiêu dùng chiếm 81,58% thu nhập.

Giá trị sản xuất thương mại-nhà hàng-khách sạn năm 2003 đạt 5.128 tỷ đồng, trong đó Nhà nước 6,41%, tư nhân hỗn hợp+nước ngoài 3,73%, cá thể 89,84%, tập thể 0,01%.

Phát triển mạnh thành phần tư nhân cá thể là đúng hướng. Cần nâng lên những doanh nghiệp kinh doanh có qui mô lớn hơn. Chiếm lĩnh thị trường các mặt hàng lương thực, nông-thủy sản; phân bón, thuốc BVTV, vật liệu xây dựng, xăng dầu. Tăng nhanh cấp số nhân ngành du lịch-khách sạn, nhà hàng. Từ các ngành hàng lớn: lương thực, nông-thủy sản, lâm sản… chế biến sâu, nhiều mặt hàng làm tăng giá trị.

Lao động dịch vụ ngành thương mại là lao động trực tiếp, góp phần làm tăng giá trị hàng hóa. Cần quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cơ bản hơn, chuyên nghiệp hơn, văn hóa hơn. Lao động dịch vụ du lịch cũng là lực lượng góp phần tăng GDP từ 2,5 triệu du khách hành hương. Du khách sẵn sàng bỏ tiền ra chi tiêu cho tỉnh ta tăng trưởng, nhưng nếu đội ngũ này không được chuyên nghiệp hóa với trình độ văn minh và lịch sự cần thiết thì là một thiệt hại có tính chất "mất mùa" như trong nông nghiệp bị thiên tai.

Toàn tỉnh hiện có 283 chợ, trong đó 126 chợ chính, có tính chất trung tâm, 157 chợ vệ tinh, chợ nông thôn. Tổng số chợ được phân loại : I 12,7%, II 86,2%, III 1,1%. Tốc độ đô thị hóa còn chậm, trong 13 năm gần đây tăng chỉ 4%. Dân đô thị hiện chỉ có 23%, nông thôn là 77%.

Cần nâng cấp các chợ đã có, nhất là các chợ trung tâm thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc, thị trấn Tân Châu, thị trấn Chợ Mới, thị trấn Cái Dầu, thị trấn Mỹ Luông, thị trấn Núi Sập, thị trấn Tri Tôn, thị trấn Tịnh Biên. Mở rộng chợ Long Bình, xây dựng chợ biên giới Vĩnh Xương. Xây dựng các chợ đầu mối chuyên ngành : lương thực, thủy sản; chợ đầu mối cho các sản phẩm mùa nước nổi. Các chợ nông thôn phát triển phải có cân nhắc vị trí, sức mua và qui mô cần thiết, không chạy theo phong trào, xây dựng lãng phí-không hiệu quả.

Gắn với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa để qui hoạch, xây dựng và nâng cấp các chợ, mở rộng đô thị hiện có. Đồng thời quan tâm phát triển hệ thống các siêu thị (nơi có điều kiện), đặc biệt là tạo điều kiện cho hệ thống đại lý, cửa hàng được triển khai đều khắp, phủ kín toàn vùng dân cư và vùng sản xuất. Những người mua bán nhỏ ở thành phố và thị xã phải có chuẩn bị đối phó khả năng khi các siêu thị mở ra sẽ khó khăn cho việc hành nghề, do mất khách.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho đô thị hóa, phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ-du lịch như cầu đường, điện nước phải được ưu tiên. Dạy nghề cho lao động lĩnh vực này cũng phải được ưu tiên.

1.3- Đội ngũ thương nhân tỉnh ta tuy đông nhưng chưa mạnh, thiếu tính chuyên nghiệp. Nhưng do chưa an tâm với chính sách hoặc còn lúng túng (và có cả năng lực) nên qui mô đầu tư của từng doanh nghiệp còn quá khiêm tốn. Bình quân vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân là 600 triệu đồng/DN, công ty TNHH 3 tỷ/công ty, công ty cổ phần 10 tỷ/công ty, HTX 150 triệu/HTX. Phần lớn đầu tư vào lĩnh vực vốn ít, thu hồi nhanh, không đủ sức kinh doanh dài hơi, thiếu sức cạnh tranh và khả năng hội nhập.

Mạng lưới thương mại An Giang có gần 6 vạn hộ, trong đó các loại hình doanh nghiệp có 1.171, vốn có 1.882 tỷ, 52.020 lao động. Bình quân gần 1.900 người dân/1 DN, trong khi đó cả nước tỷ lệ này là 660 người dân/1 DN. Mạng lưới doanh nghiệp còn mỏng, hộ lẻ nhiều, thể hiện trình độ phát triển lên thành nền thương mại lớn là rất khó khăn. Cần quan tâm phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần vươn lên hoạt động ngoài địa bàn tỉnh và trực tiếp tham gia XNK.

2- Thị trường trong nước :

Với 80 triệu dân, là một thị trường khá hấp dẫn. Năm 2003 thu nhập bình quân đầu người tăng 11 lần so 1990 (đạt 7,55 triệu đồng/người), tổng mức bán lẻ 300 ngàn tỷ đồng, bình quân 3,77 triệu đồng/người/năm. Số tuyệt đối về thu nhập và trị giá bán lẻ bình quân trên đầu người đều cao hơn An Giang (thu nhập 2003 là 6,1 triệu, bán lẻ 3,53 triệu/người). Thành quả đổi mới đã nâng mặt bằng đời sống chung cả nước, nhưng một bộ phận hàng chục triệu người (tương đương với 1 quốc gia phát triển mà ta hay tìm đến để bán hàng) có thu nhập cao và nhu cầu tiêu dùng cũng cao và nhiều. Qua điều tra, trong 6 tiêu chí phân tích sự lựa chọn của người tiêu dùng đã nói lên điều đó: Chất lượng 32%, mẫu mã mới 20%, giá phù hợp 23%, thương hiệu dễ nhớ 18%… Riêng chất lượng và mẫu mã chiếm 52% là chỉ vào thành phần có thu nhập cao và khá.

Sau khi mở đợt xúc tiến thương mại ào ạt từ Nam ra Bắc (đến Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh), từ duyên hải miền Trung đến Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh - miền Đông Nam Bộ, trong 6 tháng cuối năm 2003 chỉ 2 công ty Afiex và Agifist đã bán được 52 tỷ tiền cá Basa, cá Tra. Từ thị trường các doanh nghiệp mở rộng mặt hàng chế biến tinh và sâu (hơn 50 mặt hàng thủy sản).

Trước đó, công ty DV BVTV An Giang cũng đã đi tiên phong mở rộng thị trường ra miền Trung, Tây nguyên và đồng bằng Bắc bộ, đến nay hàng của công ty chiếm 27% thị phần cả nước. Công ty còn mở ra khả năng bán lẻ gạo đặc sản "Nàng Thơm Bảy Núi" và rau sạch-rau an toàn "Sao Việt".

Riêng mặt hàng gạo, nhu cầu của miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ mỗi năm trên dưới 1 triệu tấn. Đây là thị trường sân sau của ngành lương thực An Giang và đồng bằng sông Cửu Long.

Cái đích chúng ta cần nhắm để đưa hàng hóa của An Giang vào thị trường từ phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh - Lạng Sơn là gạo, cá, tôm càng xanh, là thế mạnh, có sức cạnh tranh cao. Nhưng phải nắm bắt thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng mà đáp ứng về chủng loại mặt hàng (chế biến sâu), bao bì, mẫu mã, hệ thống cung ứng, giá cả v.v… là thế mạnh, nhưng làm chậm và không liên tục đổi mới thì xem như ta dọn đường cho các nơi khác hưởng lợi (vì họ cũng có sản phẩm như ta). Phải xem trọng yếu tố văn hóa trong sản phẩm và cung cách làm ăn cho phù hợp với truyền thống, tập quán người tiêu dùng ở những vùng, miền được xem là văn hóa nhất nước, nhưng cũng bị chi phối và còn đậm dấu ấn của thời kỳ bao cấp, chủ nghĩa bình quân, cũng như một ít tàn dư phong kiến còn sót lại (về quan hệ dòng tộc và xóm làng).

3- Thị trường vùng đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có An Giang) có 18 triệu dân, sản xuất lúa gạo, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, cây ăn quả có sản lượng lớn nhất nước và sản lượng hàng hóa-xuất khẩu cũng nhiều nhất nước. Các tỉnh cùng sản xuất những sản phẩm gần như giống nhau, chỉ khác nhau sản lượng hàng hóa. Nhưng An Giang có lợi thế là có đá núi, cát sông, nguyên liệu sản xuất VLXD mà tỉnh khác trong vùng không có (trừ Kiên Giang có đá vôi). An Giang đang tăng nhanh sản lượng CN chế biến VLXD: xi măng, gạch ngói, gạch céramic, đá ốplát (granit thiên nhiên), nhà tiền chế bê-tông dự ứng lực… Cơ khí An Giang sản xuất máy công cụ (cắt lúa), đóng sà lan, cầu sắt nông thôn cũng là những sản phẩm có sức cạnh tranh, có thể bổ sung thị trường vùng đồng bằng Cửu Long, cả nước và xuất khẩu (và đã có mặt ở các thị trường trong những năm qua).

Như vậy, An Giang và đồng bằng sông Cửu Long là một thị trường hấp dẫn cho sản phẩm công nghiệp và hàng tiêu dùng của các thành phố và khu công nghiệp. Với tinh thần tự tôn dân tộc, An Giang và các tỉnh cần tạo mọi điều kiện giúp đỡ để các doanh nghiệp ngoài tỉnh thâm nhập, đứng chân trên địa bàn, với khẩu hiệu "xài hàng Việt Nam là yêu nước", "người Việt Nam xài hàng Việt Nam". Tất cả cùng phấn đấu để "hàng Việt Nam đều chất lượng cao" và "hàng Việt Nam chất lượng cao" phải đến tận xóm, tận nhà và tận tay người tiêu dùng. Tiến lên tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp ngoài tỉnh, ngoài vùng tổ chức sản xuất (những hàng hóa mà ta phải mua) ngay tại địa bàn của tỉnh và của vùng, tạo ra lợi ích "kép" cho cả hai phía.

4- Thị trường nước ngoài :

Thành công của hoạt động thương mại ở An Giang cũng như cả nước là từ xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Hiện nay giá trị XK cả nước chiếm khoảng 50% GDP là rất lớn, XK An Giang chiếm gần 30% GDP của tỉnh. Nhờ xuất khẩu thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, XĐGN và tạo tích lũy. Nhưng An Giang chỉ XK có tính chất buôn chuyến ổn định, cũng như người nông dân "mua tại nhà bán tại đồng". Sự có mặt của các doanh nghiệp ở nước ngoài có tính chất "đi chợ" hơn là quan hệ thương mại hiện đại. Do đó sức cạnh tranh yếu ngay từ khâu phương thức hoạt động, phương thức mua bán và kéo theo là hàng hóa kém sức cạnh tranh, dễ bị đối tác chèn ép và cũng dễ bị hụt chân, hụt hơi trước các thủ đoạn tinh vi và trình độ sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ của họ đều vượt trội hơn ta. Tuy các doanh nghiệp của ta có phấn đấu và trưởng thành, song cuộc đua mà điểm xuất phát cách nhau quá xa, chênh nhau cả tốc độ nên ta luôn luôn tụt hậu. Nhược điểm và khuyết điểm này cần phải sớm tự nhận thức và có biện pháp tích cực khắc phục.

Để vươn lên, cần phải làm ngay :

- Phải có đề án phát triển và đeo bám từng thị trường cụ thể, không chỉ có biết thị trường truyền thống, thường là các nước phát triển. Đề án, kế hoạch cụ thể cho từng quốc gia, vùng lãnh thổ và thị trường của khối kinh tế (chọn nước làm đầu cầu vào khối các nước như EU, Bắc Mỹ, Châu Phi, ARập…) Phương châm hành động là : "Bám trụ và lan tỏa" - nghĩa là vào được 1 quốc gia nào thì phải bám thật chắc và phải nghĩ đến việc triển khai ra các quốc gia lân cận. Không thể chỉ có 1 thị trường duy nhất tiêu thụ hàng hóa của ta mà không có thị trường khác (vụ cá Tra, Basa) và không có nước nào nghèo đến mức không phải là thị trường của ta, nếu họ có nhu cầu hàng hóa của ta (như Châu Phi tuy tạm thời rất nghèo, hay như Trung Đông đang rất không ổn định nhưng vẫn mua gạo của ta).

- Phải tổ chức cho được một số Văn phòng đại diện, Chi nhánh và cả việc lập công ty ở nước ngoài. Khắc phục cho được thời gian "bán tại đồng mua tại nhà" (hay là bán tại Cảng, mua tại Cảng Việt Nam).

- Thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại quốc tế, tổ chức hội chợ ở nước ngoài (như đã kết hợp với thành phố HCM ở PhnomPenh chẳng hạn).

- Gắn việc xuất nhập khẩu hàng hóa với các dịch vụ khác đi kèm như vận tải, ngân hàng, bảo hiểm… để giá trị hàng hóa xuất nhập của An Giang (và của Việt Nam nói chung) có thêm những giá trị khác thu về cho Tổ quốc ngoài giá trị của bản thân hàng hóa tại Cảng xuất phát.

- Nhà nước có sự tài trợ cho công tác xúc tiến thương mại, bảo hộ thương hiệu, bản quyền… và sẵn sàng can thiệp về mặt ngoại giao và pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp phải khó khăn. Việc này tỉnh đã từng làm, nhưng phải nâng lên ở tầm cao, qui cũ và trách nhiệm hơn, thường xuyên hơn.

- Bản thân các doanh nhân phải trang bị ngay vốn ngoại ngữ, khả năng sử dụng vi tính và công nghệ thông tin. Mỗi doanh nghiệp phải có chính sách bồi dưỡng nhân tài và ưu đãi người xa nhà, bám ở các thị trường xa xôi (trong nước và ngoài nước).

5- Kinh tế biên giới - cửa khẩu là loại hình thị trường bổ sung, có tính đặc thù, vừa xuất-nhập khẩu, vừa nội-ngoại thương, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra giá trị thương mại-dịch vụ không nhỏ. Đồng thời tạo thêm sự thân thiện láng giềng và bảo đảm an ninh biên giới.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng : cầu, đường, bến cảng (sông-biển), chợ đường biên - bảo thuế, các cơ sở dịch vụ hành chính (hải quan, công an, biên phòng) phải gấp rút tạo ra quỹ đất, kêu gọi đầu tư các cơ sở sản xuất và dịch vụ tại các khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương… tăng lực hút kinh tế và dịch vụ từ hai phía biên giới, hình thành một vùng kinh tế mở - hướng ngoại và sôi động.

Kinh tế biên giới - cửa khẩu phát triển, tạo hành lang thông thoáng quá cảnh hàng hóa và du khách ra ngoài, hướng Tây Nam bằng 2 đường bộ : Tịnh Biên-TàKeo-CamPốt, PhnomPenh, Sihanouk Ville-Koh Kong (Campuchia) Trát, Pattaya (Thái Lan). Châu Đốc-Long Bình - TaKhamau - PhnomPenh - Xiêm Riệp - PoiPet (Campuchia) và bên trong cửa khẩu Thái Lan giáp PoiPet. Và 2 đường sông: Cảng Mỹ Thới-Vĩnh Xương-NetLương-PhnomPenh. Châu Đốc - Long Bình -TaKhamau-PhnomPenh. Cự ly của các tuyến đường trên đến các địa điểm vừa nêu là ngắn nhất.

Các cửa khẩu biên giới của An Giang vừa qua thu hút mạnh hàng hóa quá cảnh (70%) là do tinh thần, thái độ, phong cách của các cán bộ, chiến sĩ, công chức thuộc các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Công an ở đây thể hiện trách nhiệm và nhiệt tình, tạo được tình cảm gắn kết với các đồng nghiệp phía bạn và thu hút các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến ngày càng nhiều. Đây là yếu tố rất quyết định. Cần phát huy ở cấp cao hơn của chính quyền cấp tỉnh hai bên biên giới có mối quan hệ tình cảm gắn bó, chặt chẽ và qui chế phối hợp hoạt động rõ ràng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn.

Vấn đề an ninh biên giới và công tác chống buôn lậu, chống hàng gian hàng giả, chống tội phạm (bán người qua biên giới, đưa người vượt biên, ma túy…) cũng phải có đề án, phương châm, phương thức hoạt động cụ thể; có gắn với mối quan hệ giao thương thông suốt, lợi ích kinh tế - nhất là của người dân hai bên biên giới qua lại trao đổi hàng hóa tự sản xuất và thăm thân lẫn nhau.

Ngoài ra, các cửa khẩu biên giới khác ở phía Bắc giáp Trung Quốc và miền Trung, Tây Nguyên giáp với Lào đều có khả năng để An Giang triển khai hoạt động thương mại qua biên giới, đặc biệt là tuyến Lào Cai-Hà Khẩu-Côn Minh (Trung Quốc). Chúng ta cần có mặt thường xuyên, xây dựng 1 số kho chứa, tập kết hàng và sẵn sàng đưa qua biên giới. Côn Minh-Vân Nam là một thị trường mới, tuy phải vất vả nhưng rất hấp dẫn, không được bỏ ngỏ.

6- Liên kết thương mại :

Qua các lần phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội chợ tại An Giang, thành phố PhnomPenh và tổ chức tham gia hội chợ ở nước ngoài, đã chỉ ra khả năng liên kết hoạt động thương mại của tỉnh ta đối với bên ngoài.

Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có sản phẩm giống nhau, để tạo thêm sức mạnh trên 3 sản phẩm chủ lực : lương thực, thủy sản, trái cây. Nếu không phối hợp liên kết thì sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh, phá giá lẫn nhau, tự "vạch lưng cho người đâm" hoặc chí ít cũng tự làm yếu mình. Những năm qua và cho đến bây giờ, sự phá sản thường xuyên của những doanh nghiệp kinh doanh lương thực, kéo theo giá lúa bấp bênh; tình trạng khi đắt khi ế đối với con cá Tra, Basa (An Giang), con tôm sú (các tỉnh duyên hải); và giá trị xuất khẩu trái cây từ trên 300 triệu USD, tụt lần nay chỉ còn hơn 100 triệu USD. Thiết nghĩ bài học này đã quá rõ và quá đau. Mỗi tỉnh phải tự lo và không thể thiếu vai trò của Bộ Thương mại và các Bộ ngành liên quan cấp TW. Người nông dân cùng các doanh nghiệp, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang cùng chìm nổi như nhau là do tình trạng này. Cần phải tự chủ động liên kết lại, tất nhiên nếu thiếu vai trò trung tâm của Bộ Thương mại, Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao thì sự tự liên kết này cũng không phải dễ dàng gì.

Đối với thành phố Hồ Chí Minh, nơi này vừa là thị trường, vừa là hậu phương của An Giang và ngược lại. Phối hợp là để bổ sung hàng hóa cho nhau (vì yêu cầu khác nhau) và phối hợp là để bán hàng cho nhau. Phối hợp nhau tổ chức hội chợ bên ngoài, đưa hàng bán sang biên giới cũng nhằm yêu cầu này. Hai bên đều có lợi.

Đối với các khu công nghiệp và các tỉnh khác, gần như nơi nào cũng là thị trường của An Giang. Chỉ qua mấy chuyến tiếp thị năm 2003 đã chỉ ra rất rõ. Vấn đề còn lại là sự nhẫn nại, sáng tạo và dài hơi của các doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm của các công ty DV BVTV, Agifish, Afiex… Các doanh nghiệp phải tích cực tổ chức hệ thống đại lý và các Văn phòng, Chi nhánh đặt tại các trung tâm. Không làm được như vậy về mặt tổ chức thì cũng trở lại vai trò buôn chuyến mà thôi.

Nhiệm vụ phát triển thị trường là nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá. Từ thị trường sẽ chỉ ra nhiệm vụ sản xuất và tổ chức sản xuất, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ thương nhân và các nhà doanh nghiệp. Thị trường mở rộng và ngành thương mại trưởng thành là quyết định cho sự thành công của hội nhập kinh tế, đồng thời cũng tạo thêm sức mạnh cho sự giao lưu và hội nhập ở các lĩnh vực khác mà vẫn bảo đảm độc lập tự chủ, bản sắc văn hóa dân tộc và uy tín quốc gia. Suy cho cùng, thế giới ngày nay, các dân tộc nhận biết nhau phổ biến là qua nhận dạng sản phẩm, thương hiệu và uy tín, chất lượng hàng hóa, dịch vụ của nhau. Đó là ý nghĩa chính trị, văn hóa, ngoại giao của công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho hàng hóa An Giang và của Việt Nam, mà yêu cầu, mục tiêu cuối cùng mà Chiến lược này nhắm tới.

B- XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG VÀ MẶT HÀNG (Lương thực - nông - thủy sản là lợi thế của tỉnh nông nghiệp).

Phải trên cơ sở nhu cầu thị trường, năng lực sản xuất trong lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh và bản lĩnh của đội ngũ các nhà doanh nghiệp và thương nhân mà Chiến lược này chọn lựa ngành hàng và mở rộng mặt hàng sản xuất, lưu thông theo hướng lâu dài cùng với tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của tỉnh đến năm 2020 (gắn với Chiến lược phát triển nông thôn An Giang đến năm 2020).

1- Chọn và xây dựng ngành hàng có lợi thế so sánh và có sức cạnh tranh ở tất cả các thị trường là gạo và cá, tôm càng xanh. Điều này được khẳng định qua 15 năm tiếp xúc và hội nhập thị trường trong và ngoài nước. Trong Chiến lược phát triển nông thôn, phần nông nghiệp cũng đã khẳng định sự lựa chọn này.

Từ sự lựa chọn này, tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung qui hoạch, kế hoạch sản xuất nhằm đạt yêu cầu tăng giảm sản lượng có tính chủ động (qua dự báo thị trường), nhưng phải tăng tuyệt đối về mặt chất lượng và mở rộng sản xuất chế biến tinh-sâu thành rất nhiều mặt hàng mà thị trường yêu cầu (hoặc chủ động tạo ra yêu cầu từ phía thị trường như quá trình chúng ta đưa gạo và cá Basa xuất khẩu - Trước 1990 khi chưa có thị trường cho 2 loại hàng này, nhưng nhờ thông qua công tác tiếp thị mà ta biết được nhu cầu và chủ động tạo ra yêu cầu từ phía khách hàng mà chúng ta củng cố ngành hàng và mở rộng mặt hàng. Từ gạo thường đến gạo 5% tấm, gạo đặc sản và nếp…; từ cá Basa, cá Tra xuất nguyên con, đến philê, đến Basa chả, Basa bánh phồng, Basa xúc-xích, vv… (đã trên 50 mặt hàng).

Phải trân trọng hai ngành hàng này : Lương thực, thủy sản và nay có thêm các mặt hàng thuộc nhóm nông sản khác là rau, đậu, củ, quả… chế biến thành hàng chục mặt hàng xuất khẩu (của Antesco). Hiện nay có nhiều tỉnh trong nước và cả một số quốc gia kém phát triển khác, chưa chắc đã có mặt hàng nào là thế mạnh xuất khẩu như hai mặt hàng lương thực-thủy sản của An Giang, hàng năm thu về hàng trăm triệu USD.

Đến năm 2020, mục tiêu xuất khẩu đạt 01 tỷ USD thì hai ngành hàng này phải chiếm 60% kim ngạch.

2- Tổ chức sản xuất và nắm chắc chân hàng là có tính quyết định, bảo đảm cho dòng hàng rót vào các thị trường một cách liên tục, ổn định và đạt hiệu quả thương mại cao, tăng uy tín đối với khách hàng.

- Tổ chức sản xuất phải bắt đầu từ khâu qui hoạch (vùng sản xuất), và kế hoạch sản xuất (mùa vụ, qui mô diện tích, kỹ thuật, yêu cầu chất lượng và sản lượng phải đạt được). Công tác khuyến nông và các dịch vụ kỹ thuật khác như làm đất, thủy lợi, giống, phân, thuốc v.v… Tất cả phải được tính toán, sắp xếp và tiến hành một cách đồng bộ.

- Trên cơ sở sản xuất theo ngành hàng mà tổ chức lực lượng sản xuất cho phù hợp, hình thức phổ biến kịp thời là HTX kiểu mới và trang trại. Hai hình thức tổ chức sản xuất này là theo hướng sản xuất lớn, bảo đảm hàng hóa đạt sản lượng ổn định, chất lượng cao và đồng đều, không có dư lượng thuốc BVTV và kháng sinh trong sản phẩm, kịp thời cung cấp cho các hợp đồng xuất khẩu (hoặc hợp đồng tiêu thụ nói chung), hạn chế biến động về giá cả và giữ được uy tín các doanh nghiệp với khách hàng - uy tín doanh nghiệp ở đây chính là uy tín quốc gia (nếu là xuất khẩu) và uy tín của nông dân - vì người tiêu dùng đánh giá thương hiệu sản phẩm lương thực-thực phẩm chính là đánh giá doanh nghiệp và nông dân phía sau thương hiệu ấy. Chỉ có HTX và chủ trang trại mới có khả năng tiếp nhận ý tưởng và thực hiện được yêu cầu. Nếu không tổ chức được HTX và trang trại thì các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh sẽ rất bấp bênh và phải buôn chuyến là chuyện tất nhiên.

- Yêu cầu tổ chức HTX và trang trại, cuối cùng là bảo đảm nguồn hàng ổn định và giữ được chân hàng cho các doanh nghiệp. Kinh nghiệm bản thân tỉnh ta từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, thủy sản, nông sản nhờ tạo và giữ được chân hàng nên sản lượng xuất khẩu luôn luôn ổn định và không bị ảnh hưởng bởi giá cả lên xuống thất thường mà vẫn đạt hiệu quả, không đơn vị nào bị thua lỗ (có chân hàng mới ký hợp đồng bán hàng). Nhưng do chưa xác lập được vai trò HTX và trang trại rõ ràng và đủ mạnh để giữ chân hàng nên kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh tăng chậm, vì phải chia bớt nguồn hàng cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Nếu HTX và trang trại mạnh lên, đủ sức làm hậu phương cho các doanh nghiệp xuất khẩu thì các doanh nghiệp cũng sẽ tiến lên ký bán hàng trước rồi sau đó mới cùng các HTX và trang trại tổ chức sản xuất với giá cả đã được tính trước (trên cơ sở công khai giá đã ký hợp đồng bán hàng). Đến năm 2010 tỉnh ta phấn đấu đạt được phương thức làm ăn kiểu này.

3- Thương hiệu là vấn đề nổi lên hàng đầu trong giao dịch thương mại và uy tín hàng hóa. Chúng ta đã bị thua thiệt quá nhiều về sự kém cỏi này (cà phê, kẹo dừa, Thanh long, ca Tra, Basa v.v…). Ngay từ bây giờ phải xúc tiến, trước hết là các loại gạo, nếp, cá Basa, cá Tra và những mặt hàng chế biến từ nguyên liệu này.

Quảng bá thương hiệu, quảng cáo sản phẩm là cách làm không thể thiếu trên thương trường. Phải dành kinh phí cần thiết cho công tác này. Kinh nghiệm vụ Mỹ kiện cá Basa, cá Tra của ta, đồng thời cũng là Mỹ quảng bá toàn cầu cho sản phẩm này của Việt Nam, ngay người tiêu dùng Việt Nam cũng nhờ qua vụ này mà biết và tiêu thụ với số lượng lớn, nhờ đó mà khi không vào được thị trường Mỹ, sản phẩm của ta vẫn tiêu thụ không giảm (trước vụ kiện xuất khẩu 60 triệu USD/năm là cao nhất, sau vụ kiện, năm 2003 ta vẫn xuất khẩu đạt 55 triệu USD và bán nội địa 52 tỷ VNĐ - chỉ 2 doanh nghiệp có báo cáo – xem như không sụt giảm).

Xây dựng và phát triển ngành hàng và giữ chân hàng phải đặt trong mối quan hệ gắn bó không thể thiếu với nhiệm vụ hợp tác hóa trong Chiến lược phát triển nông thôn của tỉnh, mà yêu cầu và nội dung chủ yếu của hợp tác hóa là sự liên kết Bốn nhà được tỉnh nêu lên trong Đề án tổ chức lại sản xuất (2001-2005) ngày 18/9/2001 của UBND tỉnh. Đề án này đến 2005 cần có sự tổng kết và bổ sung yêu cầu, nội dung, biện pháp để các loại hình hợp tác hóa sản xuất và dịch vụ được tiếp tục hoàn thiện đến 2020, mặt bằng kinh tế-xã hội của tỉnh được nâng lên toàn diện về chất, đồng đều và ổn định.

Dự báo thị trường đến năm 2020 các mặt hàng và kim ngạch xuất khẩu chủ lực của tỉnh như sau :

 

 

Kim ngạch XK 2003 (triệu USD)

2010

2020

Số lượng

Kim ngạch (triệu USD)

Số lượng

Kim ngạch (triệu USD)

 

Tổng

182

 

500

 

1.000

1

Xuất khẩu gạo

92

750 ngàn tấn

150

1 triệu tấn

250

2

Xuất khẩu thủy sản

55

70 ngàn tấn

200

100 ngàn tấn

350

3

Xuất khẩu lao động

 

10 ngàn LĐ

20

100 ngàn LĐ

200

4

Xuất khẩu nội biên

 

 

50

 

100

5

Xuất khẩu khác

(rau củ, may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, mì ăn liền…)

35

 

80

 

100

* Theo giá hiện hành.

C- XÂY DỰNG ĐỘi NGŨ THƯƠNG NHÂN (là các nhà DN) :

Thương nhân trước đây được hiểu là nhà buôn, hiện nay được hiểu đều là nhà doanh nghiệp nói chung. Khái niệm sản xuất và lưu thông không còn tách rời nhau như trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trong Chiến lược phát triển nông thôn của tỉnh, vai trò, chức năng của các HTX và giám đốc HTX, các chủ trang trại đều phải biết quản lý sản xuất-dịch vụ-thương mại, chỉ có khác nhau là trình độ năng lực, sở trường từng mặt hoạt động của các giám đốc có mức độ chuyên nghiệp trên từng lĩnh vực là có thể có sự khác nhau (giỏi quản lý sản xuất nhưng cũng phải biết tổ chức dịch vụ và có kiến thức, tiếp cận được và cập nhật được thị trường, hoặc ngược lại). Nhưng khái niệm thương nhân ở đây là muốn đặc tả vai trò của các nhà doanh nghiệp chuyên hoạt động thị trường, lấy hoạt động mua bán làm sở trường, từ mua bán mà tổ chức sản xuất (hoặc quan hệ với đơn vị sản xuất, người cung cấp hàng) và liên kết các dịch vụ đi kèm. Đội ngũ thương nhân mà tỉnh có trách nhiệm xây dựng và tạo mọi điều kiện cần thiết và có thể, là những thương nhân có quan hệ, hoạt động mua bán trên địa bàn hoặc liên quan đến các sản phẩm mà người tiêu dùng, người sản xuất của An Giang cần mua, cần bán. Không phân biệt địa lý. Tất nhiên các thương nhân đứng chân có cơ sở trên địa bàn An Giang thì sẽ có sự ưu đãi hơn theo quy định của chính sách được ban hành công khai.

Chiến lược xây dựng đội ngũ thương nhân được đặt trên nền tảng chiến lược trí thức hóa nông dân. Trên cái nền giáo dục phổ thông được nâng cấp không ngừng, đội ngũ chủ nhiệm, giám đốc HTX được đào tạo qua trung cấp, cao đẳng, đại học… sẽ là thê đội một của đội ngũ thương nhân chuyên nghiệp, hiện đại, sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Trước mắt, cần quan tâm tạo điều kiện cho các nhà doanh nghiệp của tỉnh, ưu tiên là thành phần kinh tế tư nhân, HTX và công ty cổ phần. Theo thứ tự thì ba thành phần này xưa nay được dư luận xem là “ngoại đạo”, “con ghẻ”, mặc dù Nhà nước và địa phương có chính sách, có luật bình đẳng với quốc doanh, nhưng trong thực tế thì không được như vậy. Lệch lạc này đến NQ Hội nghị TW 9 khóa IX và NQ Chính phủ 2004 bắt buộc phải chấm dứt, vì đến 2005 cơ bản tỉnh ta không còn đơn vị quốc doanh nào còn vốn 100% của Nhà nước, trừ một vài công ty công ích. Nhưng về tư tưởng phải đề phòng, vì lịch sử trước cách mạng XHCN đã từng chứng minh; cho dù không có quốc doanh nhưng các nhà cầm quyền và xã hội Việt Nam thời ấy chưa có khi nào xem trọng thành phần thương nhân, ngược lại có khi còn xem thương nhân là con mồi béo để róc thịt.

Tạo điều kiện cho thương nhân hoạt động và phát triển, nếu địa phương chưa có chính sách, chủ trương gì mới, hấp dẫn hơn thì chí ít các cơ quan quyền lực, cán bộ, công chức của tỉnh cũng đừng có hành vi nhũng nhiễu thương nhân, chỉ cần làm đúng theo luật và chức trách quyền hạn của mình do luật cho phép đối với hoạt động thương mại và các thành phần thương nhân (kể cả quốc doanh đang tồn tại) thì cũng là cơ hội bằng vàng cho họ thăng tiến. Tất nhiên cũng phải thấy bề trái của đội ngũ thương nhân, vì lợi ích và lòng ham muốn ích kỷ, trong họ cũng không ít người là gian thương (buôn lậu, trốn-lách thuế, lách luật để gian lận, làm và bán hàng giả-hàng nhái v.v…); nghiêm trọng hơn, có người còn chủ động dùng đồng tiền để tha hóa cán bộ, công chức Nhà nước, móc thông tin, móc dự án, dự thầu – nghĩa là một loại maphia đang manh nha. Phải kiên quyết trừng trị kẻ xấu cũng chính là tạo điều kiện cho thương nhân chân chính dễ làm ăn (vì nếu xã hội có loại hình maphia hoạt động thì những nhà kinh doanh bình thường làm sao cạnh tranh nổi). Công tác văn hóa thông tin, tuyên truyền của ta khi đưa hình ảnh doanh nhân ra công luận nên lưu ý cả hai mặt, nhất là mặt tích cực. Không nên chỉ đưa toàn mặt tiêu cực, gây dị ứng cho cả người tích cực, mà đặc biệt là gieo ác cảm cho xã hội đối với một thành phần, một cái nghề mà ta đang cần có và mạnh để công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, quê hương.

Bên cạnh loại hình đào tạo cơ bản ở các trường chính quy, chính quyền (Sở Thương mại) cần chủ động xây dựng kế hoạch, thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn ngắn ngày, cập nhật thông tin và cung cấp kịp thời, nhanh nhất cho các doanh nghiệp (thông tin quyết định cho sự thành bại ngày nay được tính bằng phút – mà ta thì gần cả tuần – mà cũng thường là không có thông tin gì cả trên mạng !). Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại vẫn phải tiếp tục, nhưng phải tính toán lại để có chất lượng hơn, không khéo thì sẽ thành một thứ tiêu cực mới, chia sớt bớt kinh phí cho các doanh nghiệp hoặc cho tiền đi du lịch. Đến lúc nào đó thì hình thức trợ giúp này được chuyển qua trợ giúp thông tin.

Đào tạo đội ngũ thương nhân mới, nhất thiết phải là người có ý chí với nghề, năng khiếu nghề; phải qua cơ bản về lĩnh vực kinh tế-thương mại; bắt buộc phải có ngoại ngữ để tự giao dịch được và phải biết sử dụng vi tính thành thạo. Một giám đốc có đủ ngoại ngữ, vi tính thì tiết kiệm mỗi tháng cũng được số tiền bằng số lương của 2 cử nhân (để phục vụ giám đốc). Và một tiêu chuẩn quan trọng không thể thiếu nữa là hiểu biết và tình cảm đối với lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam; hiểu biết văn hóa các Châu lục, nhất là những nước đối tác, thông thạo địa lý (đặc điểm cơ bản có liên quan đến thương mại)…

PHẦN BA

VAI TRÒ CỦA NHÀ CHỨC TRÁCH

Hội nhập quốc tế là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, được thể chế hóa bằng pháp luật. Toàn bộ hệ thống chính trị phải dốc sức vào việc triển khai thực hiện. Trong đó, vai trò của Nhà nước, chủ yếu là UBND các cấp; các cơ quan chuyên ngành : Thuế, Hải quan, Công an,Biên phòng, Kho bạc Nhà nước; các đơn vị sự nghiệp Nhà nước… gọi chung là nhà chức trách, có nhiệm vụ triển khai thực hiện Chiến lược này một cách đầy đủ và toàn diện nhất.

1- Các cơ quan tư tưởng – văn hóa - truyền thông phải đi tiên phong trong lĩnh vực tuyên truyền, vận động, xây dựng hình ảnh đất nước, con người An Giang tiếp nối truyền thống đánh giặc cứu nước bằng hoạt động lao động sáng tạo, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Trong đó nổi lên hình ảnh các doanh nhân như những con người đang góp phần trọng trách với quê hương đất nước mà nếu thiếu họ thì mọi thành quả lao động sáng tạo của trí thức, công nhân, nông dân và người lao động đều sẽ không có giá (vì không có thị trường tiêu thụ - như con cá Basa ngon hơn cá Tra, nhưng do năng lực tiếp thị của chúng ta quá dở nên đang có nguy cơ diệt chủng chớ không chỉ ế ẩm như hiện nay mà thôi). Phải cải thiện tâm lý xã hội đối với thương nhân và các nhà doanh nghiệp. Phải khuyến khích bộ phận học sinh, sinh viên học giỏi, có năng khiếu đi vào lĩnh vực này.

2- Người đứng đầu UB, ngành và đơn vị sự nghiệp có liên quan ở các cấp phải là người trực tiếp duyệt các đề án, kế hoạch, quyết định, chương trình công tác về kinh tế-thương mại phải là người quán triệt và thể hiện cho được tinh thần và nội dung của Chiến lược này trong các văn bản. Trong điều hành phải thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với các nhà doanh nghiệp; kịp thời giải thích, tháo gở khó khăn giúp họ, ngay cả khi họ gặp rắc rối với nhà chức trách ở địa phương bạn hoặc ở nước ngoài… Cần thiết phải thân hành đến nơi giúp đỡ tháo gở trên cơ sở pháp luật và chức năng cho phép. Tuyệt đối không được “vô cảm”, đùn đẩy hoặc né tránh trách nhiệm.

3- Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tạo mọi điều kiện về mặt pháp lý và hỗ trợ về mặt pháp luật giúp các doanh nghiệp hoạt động bình thường, phát triển hoặc vượt qua khó khăn khi có các tranh tụng hợp đồng, tranh chấp pháp lý. Mọi dụng ý riêng tư hoặc thái độ máy móc khắt khe không cần thiết, chẳng những gây thua thiệt cho một doanh nghiệp mà còn gây nản lòng cho cả giới doanh nhân. Một phong cách lề mề trong thi hành án, thu hồi tài sản cho doanh nghiệp, vô hình trung từ một doanh nghiệp bị thua thiệt hoặc phá sản (bên bị) ta làm thêm 1 doanh nghiệp nữa bị thua thiệt hoặc bị phá sản (bên nguyên), chúng ta không phải mất một mà mất đến hai doanh nghiệp, kéo theo bao khó khăn, thất nghiệp cho người lao động khác vì doanh nghiệp phá sản.

4- Các cơ quan truyền thông - đại diện cho dư luận xã hội phải kịp thời đấu tranh, phê phán, lên án mọi sai trái của cơ quan, cán bộ, công chức (nhà chức trách) có hành vi cản trở, nhũng nhiễu và cả thái độ “vô cảm” đối với các doanh nhân và hoạt động thương mại. Thông tin, biểu dương tổ chức và cá nhân có thái độ và nhiệt tình giúp đỡ, tháo gở khó khăn cho doanh nghiệp.

5- Các cấp chính quyền, nhất là UBND tỉnh, Sở Thương mại-Du lịch, Cục Thuế, Hải quan, Công an… định kỳ gặp gỡ, giao lưu, khen thưởng các doanh nhân thành đạt, có công đóng góp vào ngân sách và các hoạt động xã hội từ thiện.

Hàng năm, ngân sách tỉnh dành một khoản cần thiết cho chương trình hỗ trợ phát triển thương mại, bao gồm : hỗ trợ xúc tiến thương mại, bồi dưỡng trình độ cho thương nhân (quản trị, kế toán), hỗ trợ bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ mua sáng kiến kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm (không hỗ trợ làm đề tài khoa học – nghĩa là không ứng tiền trước mà chưa biết kết quả). Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà doanh nghiệp đào tạo con em mình nối nghiệp, xem đây như là nhiệm vụ qui hoạch cán bộ, vì con em nhà doanh nghiệp có thuận lợi hơn số trẻ tuổi khác là sống trong môi trường (gia đình) kinh doanh, ít nhiều có truyền thống và nhất là thực tiển. Đây là nguồn vốn quý có tính nổi trội trong xã hội mà nhiệm vụ đào tạo đội ngũ thương nhân phải nhắm tới.

KẾT LUẬN

An Giang tuy là tỉnh nông nghiệp, xa các trung tâm công nghiệp-thương mại, ven biên giới, lũ lụt hàng năm, đất chật người đông nhưng do nỗ lực chủ quan của các cấp, các ngành, có sự hỗ trợ của TW, nhất là truyền thống sáng tạo, bản lĩnh và khả năng huy động sức mạnh nội lực của Tỉnh ủy An Giang trong những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, mà đặc biệt là từ khi TW có chủ trương đổi mới, đã bước đầu chuyển đổi được vị thế, trở thành địa bàn trung chuyển và là cửa ngỏ cho các hoạt động xúc tiến thương mại ra bên ngoài. Những năm gần đây, mỗi năm có hàng triệu lượt khách vãng lai, hàng triệu tấn hàng hóa vận chuyển đi về (riêng cảng Mỹ Thới gần 1 triệu tấn), hàng trăm triệu USD hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế của tỉnh.

An Giang có trên 2 triệu dân, là một thị trường tiêu thụ khá hấp dẫn cho hàng Việt Nam chất lượng cao; có gần nửa triệu hécta gieo trồng hàng năm với đội ngũ nông dân giỏi đi tiên phong trong tiếp nhận khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư nông nghiệp (vật tư, tín dụng, thiết bị nông nghiệp và công nghệ sinh học); có 1 triệu tấn gạo hàng hóa chất lượng cao và hàng trăm ngàn tấn cá nước ngọt… hấp dẫn các nhà chế biến và xuất khẩu. An Giang còn có tài nguyên khoáng sản đá, cát, đất làm nguyên liệu cho CN sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, gạch céramic, đá, cát xây dựng, đá ốplát… mà các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không có.

An Giang có đội ngũ doanh nhân, trong đó đi tiên phong là các doanh nghiệp Nhà nước (cho đến bây giờ), là đội ngũ mạnh và tương đối đông, có uy tín trên thương trường. Đây là vốn quí. Các giám đốc doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa càng tỏ ra năng động, sáng tạo và hoạt động hiệu quả hơn. Sau này cho dù không còn doanh nghiệp vốn Nhà nước 100% thì các công ty cổ phần Nhà nước cũng vẫn là trụ cột của nền kinh tế địa phương, mặc dù tỷ trọng giá trị sản xuất của thành phần kinh tế này trong cơ cấu giá trị sản xuất chung của tỉnh có mỗi lúc một giảm.

Với những đặc điểm nổi bật nói trên, qua quá trình quản lý và điều hành, nhất là thực tiển và kinh nghiệm cập nhật được sau khi chủ trương lấy công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường làm giải pháp đột phá từ năm 2001 đến nay, UBND tỉnh An Giang xây dựng Chiến lược phát triển thị trường Hội nhập kinh tế quốc tế; và Chiến lược phát triển nông thôn đến năm 2020. Hai Chiến lược này sẽ là hai chân, định hướng đi đến năm 2020 của thế kỷ 21 sẽ là tỉnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa của nước Việt Nam công nghiệp và hiện đại.

Quá trình điều hành thực hiện, cần lưu ý sự gắn kết giữa hai Chiến lược, có sự bổ sung tương hỗ cho nhau, cái này là tiền đề cho cái kia và ngược lại. Trong đó chú ý : Trí thức hóa nông dân là nền tảng, tiền đề; công tác thị trường là khâu đột phá; tổ chức sản xuất phù hợp là then chốt và quyết định cho sự vận hành hợp qui luật của cả nền kinh tế địa phương. Trước mắt, mối quan hệ giữa xây dựng ngành hàng và chân hàng có quan hệ mật thiết với việc tổ chức lại sản xuất, nếu không gắn kết được thì sản xuất sẽ luôn luôn bị phân tán, manh mún, không ổn định, còn hội nhập thị trường thì sẽ rất trầy trật, không thoát khỏi thân phận kẻ buôn chuyến.

Từng thời kỳ 5 năm, hàng năm, khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hay kế hoạch, đề án cho từng lĩnh vực, cần căn cứ vào hai Chiến lược này để nhất quán quan điểm, phương hướng và giải pháp cơ bản, thể hiện trong phân kỳ, định lượng và biện pháp cụ thể. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, tổng kết rút kinh nghiệm để có điều chỉnh, bổ sung Chiến lược cho phù hợp hoàn cảnh và thời cuộc, không cứng nhắc, bảo thủ.

Sở Thương mại-Du lịch là đầu mối, cùng Sở Kế hoạch-Đầu tư và các Sở, ngành chức năng, Văn phòng UBND tỉnh, giúp UBND và Chủ tịch UBND tỉnh điều hành hoạt động thương mại của tỉnh theo định hướng Chiến lược này.