Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 661/2004/QĐ-UB | Tân An, ngày 11 tháng 3 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
“VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT NHÂN DÂN ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH”.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ và Nghị định 07/2003-NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ về việc ban hành và sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
- Căn cứ Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ về quy chế thực hiện dân chủ cho hoạt động của cơ quan;
- Căn cứ Nghị định 79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003 của Chính phủ về quy chế thực hiện dân chủ ở xã;
- Căn cứ Nghị quyết số 53/2003/NQ-HĐND.K6 của HĐND tỉnh khóa VI kỳ họp lần thứ 11 về việc ban hành Quy chế Giám sát nhân dân đối với các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh;
- Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 79/KH-XD ngày 25/02/2004 về việc đề nghị ban hành Quy chế giám sát nhân dân đối với các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều I : Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế giám sát nhân dân đối với các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.
Điều II : Ban giám sát nhân dân có trách nhiệm thực hiện việc giám sát theo đúng Quy chế được ban hành.
Điều III : Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành Đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn, các thành viên Ban Giám sát nhân dân, các chủ đầu tư và thủ trưởng các ngành chức năng liên quan thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
GIÁM SÁT NHÂN DÂN ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo quyết định số 661/2004/QĐ-UB ngày 11/3/2004 của UBND tỉnh).
I. QUI ĐỊNH CHUNG
1- Giám sát nhân dân là việc nhân dân tham gia giám sát các công trình XDCB do nhân dân đóng góp, do tổ chức và cá nhân đầu tư, tài trợ trực tiếp cho xã; các công trình do tỉnh, huyện triển khai trên địa bàn xã có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh, trật tự, văn hóa-xã hội, vệ sinh, môi trường và đời sống của nhân dân địa phương. Thực hiện công tác giám sát nhân dân đối với các công trình XDCB là việc làm cần thiết và thường xuyên nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng. Ban giám sát nhân dân (BGSND) thực hiện giám sát các công trình XDCB nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng và đảm bảo tiến độ thi công công trình. Hoạt động của BGSND phải tuân thủ theo các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng do Nhà nước ban hành và quy chế này, đồng thời không được gây ách tắc, phiền hà cho các đơn vị thi công và các Chủ đầu tư trong quá trình xây dựng.
2- Thành viên BGSND là người đại diện của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) trong vùng hưởng lợi, phải có năng lực, kinh nghiệm, nhất định về công tác XDCB và phải trung thực, công tâm.
3- Đối tượng thực hiện việc giám sát nhân dân là các công trình xây dựng do UBND xã, phường, thị trấn, UBND huyện, thị xã, các Sở, Ban ngành tỉnh… làm chủ đầu tư theo phần III của quy chế này (trừ các dự án thuộc các nguồn vốn ODA, FDI các dự án do Bộ, Ngành, TW đầu tư trên địa bàn).
4- Mối quan hệ giữa BGSND với các chủ đầu tư thông qua chế độ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ chung của từng công trình cụ thể trên cơ sở quy chế giám sát nhân dân đã được ban hành.
5- BGSND không thay thế cho tư vấn giám sát theo quyết định số 18/2003/QĐ.BXD ngày 27/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng.
6- Cơ chế hoạt động của BGSND là theo dõi, phát hiện, kiến nghị với UBND cấp xã phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra, làm rõ, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho BGSND về quá trình đầu tư công trình trên địa bàn.
II. TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ
1- Cơ cấu tổ chức :
- Thành viên BGSND do Ban Thanh tra nhân dân giới thiệu, UBND cấp xã quyết định công nhận.
- BGSND được thành lập theo từng công trình. Số lượng người trong BGSND được quy định từ 3 đến 5 người để giám sát cho một công trình xây dựng trên địa bàn, tùy theo quy mô, tính chất công trình đó. Bao gồm 01 trưởng ban và các thành viên. Thời gian hoạt động của BGSND kết thúc khi công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
- Nếu công trình đi qua nhiều thì BGSND các xã phải hợp với nhau để thực hiện giám sát công trình.
2- Nhiệm vụ và quyền hạn của BGSND :
a- Nhiệm vụ :
- Thay mặt cho nhân dân vùng hưởng lợi trực tiếp theo dõi, giám sát quá trình thi công các công trình XDCB từ giai đoạn chuẩn bị thi công đến khi hoàn thành, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng. Khi phát hiện có sai sót, tiêu cực trong quá trình triển khai thi công, BGSND phải kịp thời phản ánh, kiến nghị bằng văn bản với UBND cấp xã để UBND cấp xã phối hợp với chủ đầu tư giải quyết.
- Phối hợp với BGSND các xã có liên quan trong trường hợp công trình đi qua nhiều xã để đảm bảo chất lượng công trình.
- Cử đại diện chứng kiến quá trình nghiệm thu từng phần về công tác xây lắp, đặc biệt là những hạng mục, thành phần công việc được xây lắp ngầm trong đất hoặc các kết cấu bị che khuất.
- Trong quá trình tham gia giám sát, nếu các thành viên BGSND không làm đúng trách nhiệm được giao thì Ban Thanh tra nhân dân cấp xã xem xét, xử lý và có kiến nghị UBND cấp xã thay thế BGSND khác.
b- Quyền hạn :
- Được quyền kiến nghị thanh tra Nhà nước trong trường hợp các kiến nghị với UBND cấp xã về những sai sót tiêu cực mà không được giải quyết.
- Đề nghị Chủ đầu tư cung cấp các tài liệu liên quan đến công trình : thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán được duyệt, hợp đồng thi công xây lắp, phương án, tiến độ tổ chức thi công.
- BGSND được sử dụng kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã do Nhà nước cấp và kinh phí hỗ trợ trong chi phí Ban quản lý công trình (nhưng không quá 5% chi phí này).
3- Trách nhiệm của UBND cấp xã :
- Sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư và chuẩn bị triển khai thi công công trình trên địa bàn, UBND cấp xã phải phối hợp với Ban Thanh tra nhân dân thành lập BGSND.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của BGSND về những sai sót, tiêu cực trong quá trình thi công công trình, UBND cấp xã phải yêu cầu chủ đầu tư có giải pháp xử lý về các kiến nghị đó và thông báo cho BGSND kết quả xử lý.
4- Trách nhiệm của Chủ đầu tư :
- Có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho địa phương biết danh mục công trình sẽ xây dựng trên địa bàn để địa phương thành lập BGSND trực tiếp giám sát công trình.
- Tiếp thu các ý kiến đề xuất của BGSND về những sai sót, tiêu cực trong quá trình thi công để giải quyết và có hướng khắc phục kịp thời.
- Trước khi công trình hoàn thành từng phần hoặc công trình hoàn thành toàn bộ đưa vào sử dụng phải đảm bảo đúng theo yêu cầu thiết kế được duyệt. Chủ đầu tư phải mời đại diện BGSND chứng kiến quá trình nghiệm thu. Trường hợp chưa được sự thống nhất giữa BGSND với các đơn vị liên quan thì Chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật.
III. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN GIÁM SÁT :
1. Các công trình dân dụng :
- Các trường học : trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm, trường dạy nghề.
- Các trạm xá xã, phường, bệnh viện huyện.
- Trụ sở UBND huyện, xã phường, thị trấn.
- Các cụm, tuyến dân cư và hạ tầng các cụm, tuyến dân cư.
- Hạ tầng các khu dân cư.
- Chợ xã, phường, huyện.
- Các công trình vui chơi giải trí : sân vận động, công viên…
2- Các công trình giao thông và thủy lợi :
- Các công trình giao thông nông thôn, đường tỉnh, đường huyện trong tỉnh.
- Kiên cố hóa kênh mương các loại và công trình trên kênh.
- Các cầu, cống thuộc tuyến đường giao thông nông thôn, đường tỉnh, đường huyện.
- Kênh tưới, kênh tiêu úng và công trình trên kênh thuộc ngành hoặc huyện làm chủ đầu tư.
- Các công trình thủy lợi nhỏ, trạm bơm điện có qui mô tưới dưới 50ha.
- Các tuyến kè, đê ngăn mặn và công trình qua đê thuộc ngành hoặc huyện làm chủ đầu tư.
3- Các công trình điện, cấp thoát nước :
- Điện chiếu sáng thị trấn, thị xã.
- Điện sinh hoạt 22KV trở xuống.
- Công trình cấp thoát nước huyện, thị trấn, thị xã.
- Nhà máy nước có công suất dưới 3.000m3/ngày đêm, phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho thị trấn, thị xã.
- Các hệ thống cấp nước giếng đóng trong chương trình nước sạch nông thôn.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
- Ngay sau khi được cơ quan chức năng giao kế hoạch, Chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo danh mục đầu tư trên địa bàn cho xã, phường thị trấn được biết. Đồng thời UBND cấp xã, phường, thị trấn khẩn trương tổ chức bầu BGSND để tiến hành giám sát các công trình XDCB trên địa bàn.
- Sở Xây dựng tổ chức tập huấn một số nội dung cơ bản về quản lý chất lượng công trình XDCB cho các Ủy viên Ban Thanh tra nhân dân trong toàn tỉnh.
- Giao UBND các huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về qui chế này.
Trong quá trình triển khai thực hiện quy chế, nếu có những vướng mắc hoặc chưa sát với thực tế, yêu cầu các ngành, địa phương, các chủ đầu tư phản ánh kịp thời về UBND tỉnh để bổ sung, sửa đổi.
- 1Chỉ thị 07/2009/CT-UBND về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư và hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- 2Quyết định 20/2002/QĐ-UB ban hành Quy chế giám sát nhân dân đối với các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 1Nghị định 71/1998/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan
- 2Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 3Nghị định 12/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-Cp
- 4Nghị định 07/2003/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư xây dựng ban hành kèm Nghị định 52/1999/NĐ-CP và Nghị định 12/2000/NĐ-CP
- 5Nghị định 79/2003/NĐ-CP Quy chế thực hiện dân chủ ở xã
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Quyết định 20/2002/QĐ-UB ban hành Quy chế giám sát nhân dân đối với các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Quyết định 661/2004/QĐ-UB ban hành Quy chế giám sát nhân dân đối với các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- Số hiệu: 661/2004/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/03/2004
- Nơi ban hành: Tỉnh Long An
- Người ký: Trương Văn Tiếp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra