Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ Số : 65-CP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 1964 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC LẬP KẾ HOẠCH VẬN TẢI
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 18 tháng 9 năm 1963.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này những quy định về công tác lập kế hoạch vận tải.
Điều 2. – Các ông Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
NHỮNG QUY ĐỊNH
VỀ CÔNG TÁC LẬP KẾ HOẠCH VẬN TẢI
(ban hành kèm theo Quyết định số 65-CP ngày 17 tháng 4 năm 1964)
Giao thông vận tải là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt, có liên quan đến sự hoạt động của tất cả các ngành kinh tế quốc dân và có quan hệ trực tiếp đến tất cả các giai đoạn sản xuất và xây dựng, và là một trong những ngành chủ yếu của nền kinh tế quốc dân.
Giao thông vận tải là sợi dây chuyền bảo đảm cung cấp vật tư cho sản xuất và xây dựng phát triển, nối liền sản xuất với tiêu thụ, bảo đảm lưu thông hàng hoá trong nước và ngoài nước, phục vụ nhu cầu đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân, phục vụ nhu cầu tăng cường và củng cố quốc phòng.
Giao thông vận tải cũng là một nhân tố tích cực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển và mở rộng. Do đó, việc hợp tác chặt chẽ giữa ngành giao thông vận tải với các ngành sản xuất, xây dựng và kinh doanh trong việc kế hoạch hoá công tác vận tải là một biện pháp rất quan trọng và cần thiết, tạo điều kiện bảo đảm tính cân đối của kế hoạch Nhà nước đồng thời là cơ sở để sử dụng các phương tiện vận tải một cách hợp lý nhất và tiết kiệm nhất nhằm hạ giá thành vận tải, giảm chi phí lưu thông, phục vụ kịp thời cho sự hoạt động và phát triển các ngành kinh tế quốc dân.
Thời gian qua, việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch vận tải đã có nhiều tiến bộ, nhưng còn nhiều ngành và địa phương chưa chú ý đầy đủ đến sự cần thiết phải lập kế hoạch vận tải song song với việc lập kế hoạch sản xuất và các kế hoạch khác. Giữa các ngành sản xuất, xây dựng và kinh doanh với ngành giao thông vận tải thiếu sự cộng tác chặt chẽ để cùng tính toán và nhất trí về những số liệu cần thiết cho việc lập và điều chỉnh kế hoạch vận tải của từng ngành, từng địa phương cho nên số liệu kinh tế chung cần cho ngành giao thông vận tải không được ổn định.
Tình hình này không những đã gây khó khăn cho việc tổng hợp, cân đối, xét duyệt và tổ chức thực hiện toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch vận tải mà còn ảnh hưởng không tốt đến việc bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, xây dựng và phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng và phục vụ đời sống nhân dân.
Để khắc phục thiếu sót trên đây, nhằm đưa vào việc lập kế hoạch vận tải đi vào nền nếp để công tác vận tải phục vụ được tốt cho sản xuất, xây dựng, kinh doanh và quốc phòng, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quy định về công tác lập kế hoạch vận tải như sau:
CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG VIỆC LẬP KẾ HOẠCH VẬN TẢI
Điều 1. - Lập kế hoạch vận tải phải bảo đảm những nguyên tắc sau đây:
a) Bảo đảm kịp thời yêu cầu sản xuất, xây dựng cơ bản và kinh doanh nhằm phục vụ sản xuất phát triển với tốc độ cao. Chú ý đúng mức các yêu cầu về thời gian, về khối lượng vận chuyển, đồng thời tránh những căng thẳng không cần thiết về vận tải, giảm bớt hệ số bất bình hành, nâng dần từng bước tính liên tục và đều đặn của công tác vận tải.
b) Phân phối luồng hàng thích ứng với mạng lưới giao thông vận tải hiện có; sử dụng hợp lý các loại phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, kể cả các loại phương tiện cơ giới và thô sơ.
c) Phù hợp với tình hình thời tiết, thời vụ.
d) Có dự trữ về khả năng phương tiện vận tải để đáp ứng tình hình biến động hoặc mất cân đối xảy ra trong quá trình thực hiện kế hoạch.
TRÁCH NHIỆM LẬP KẾ HOẠCH VẬN TẢI
Điều 2. – Các cơ quan, xí nghiệp và địa phương có hàng (gọi tắt là bên chủ hàng) có trách nhiệm:
- Hàng năm, hàng quý, hàng tháng lập kế hoạch vận tải theo đúng biểu mẫu của Nhà nước gửi cho các cơ quan giao thông vận tải và các xí nghiệp vận tải (gọi tắt là bên vận tải) đúng thời hạn.
- Cung cấp những số liệu cần thiết đồng thời cộng tác chặt chẽ với bên vận tải trong việc lập kế hoạch vận tải.
- Khi lập kế hoạch các ngành có lực lượng vận tải chủ lực phải tận dụng khả năng phương tiện vận tải hiện có của mình, ghi rõ vào kế hoạch khối lượng vận tải do ngành mình tự đảm nhiệm và khối lượng yêu cầu bên vận tải đảm nhiệm, có phân bố theo từng quý, từng tháng, hoặc mười ngày.
Điều 3. – Ngành giao thông vận tải và các xí nghiệp vận tải (gọi tắt là bên vận tải) có trách nhiệm:
- Kịp thời nắm yêu cầu vận chuyển về thời gian, về khối lượng hàng hoá của bên chủ hàng, nắm vững các luồng vận chuyển và phân bố hợp lý khối lượng vận chuyển cho các ngành vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông và đường biển.
- Nghiên cứu sử dụng hợp lý nhất, có lợi nhất các loại phương tiện vận tải cơ giới và thô sơ, các loại phương tiện vận tải chủ lực của các ngành khác để bảo đảm kế hoạch vận tải chung.
- Cộng tác chặt chẽ với bên chủ hàng để bảo đảm công tác lập kế hoạch vận tải được tốt và kịp thời.
- Dự trữ phương tiện vận tải dành cho những biến động trong khi thực hiện kế hoạch.
Điều 4. – Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là những cơ quan tổng hợp kế hoạch có nhiệm vụ cân đối chỉ tiêu sản xuất, chỉ tiêu lưu thông, chỉ tiêu vận tải giữa bên chủ hàng và bên vận tải với xác định những con số kế hoạch.
Sau khi kiểm điểm kế hoạch sáu tháng đầu năm, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ giúp đỡ các ngành dự kiến điều chỉnh lại kế hoạch vận tải sáu tháng cuối năm nếu thấy cần thiết để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu vận tải cả năm của Nhà nước.
Nếu bên vận tải và bên có hàng không thống nhất ý kiến trong việc lập kế hoạch vận tải thì phải báo cáo lên Uỷ ban Kế hoạch cùng cấp giải quyết.
Trong trường hợp bên vận tải hoặc bên có hàng không thống nhất ý kiến giải quyết của Uỷ ban Kế hoạch cùng cấp thì báo cáo Ủy ban hành chính cấp tương đương quyết định. Nếu bên vận tải hoặc bên có hàng là Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh không thống nhất với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thì trình Hội đồng Chính phủ xét và quyết định.
THỜI HẠN LẬP KẾ HOẠCH VÀ ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH VẬN TẢI
Điều 5. – Kế hoạch năm. Khi có chỉ thị và số kiểm tra lập kế hoạch của Nhà nước, bên có hàng, trong khi lập kế hoạch sản xuất, xây dựng và kinh doanh phải cùng với bên vận tải trao đổi việc lập kế hoạch vận tải.
Sau khi trao đổi bên chủ hàng phải gửi kế hoạch sơ bộ cho bên vận tải. Khi chính thức gửi kế hoạch sản xuất hay kế hoạch lưu chuyển hàng hoá cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, đồng thời cũng chính thức gửi kế hoạch vận tải cấp tương đương.
Hai bên phải tiến hành ký hợp đồng vận tải theo đúng quy định của Nhà nước về chế độ hợp đồng kinh tế sau khi Nhà nước công bố kế hoạch.
Điều 6. – Kế hoạch quý. Trước 20 ngày của quý sắp đến, bên chủ hàng gửi kế hoạch vận tải hàng hoá của quý ấy cho bên vận tải.
Điều 7. – Kế hoạch tháng. Trước mười ngày của tháng sắp đến, bên chủ hàng gửi kế hoạch vận tải hàng hoá của tháng ấy cho bên vận tải (chỉ áp dụng cho các đơn vị cơ sở).
Điều 8. - Điều chỉnh kế hoạch. Qua sáu tháng đầu năm thực hiện kế hoạch, bên chủ hàng hoặc bên vận tải nào thấy cần thiết phải điều chỉnh kế hoạch cho sáu tháng cuối năm thì phải chủ động cùng nhau bàn bạc thương lượng. Nếu hai bên thoả thuận được thì có thể tự điều chỉnh, nhưng phải bảo đảm không để ảnh hưởng đến kế hoạch vận tải chung của Nhà nước và phải báo cáo lên Uỷ ban Kế hoạch và Hội đồng trọng tài cấp tương đương.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. – Ông Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào trình tự lập kế hoạch của Nhà nước quy định thời gian cụ thể lập kế hoạch vận tải và ban hành các biểu mẫu để hướng dẫn các ngành trong việc lập kế hoạch vận tải.
Điều 10. – Quy định này thi hành kể từ ngày ký.
Quyết định 65-CP năm 1964 ban hành những quy định về công tác lập kế hoạch vận tải do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 65-CP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/04/1964
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 17/04/1964
- Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra